Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




VĂN HỌC NAM HÀ
文 學 南 河





L ời vào sách

Thực hiện quyển sách này, chúng tôi có tham vọng trình bày bộ mặt của văn học miền đất từ Thuận Hóa đến Hà Tiên thời gian từ khi Nguyễn Hoàng thật sự rời đất Bắc (Canh Tý 1600) đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi (Nhâm Tuất 1802).
    Lúc đó vùng đất thuộc chúa Nguyễn được gọi bằng danh từ “Xứ Đàng Trong” hoặc “Nam Hà”; trong khoảng thời gian có xuất hiện nhà Tây Sơn, ta còn thấy nhắc đến tiếng “Quảng Nam quốc” ...Danh từ Nam Hà được đặt cho tựa sách vì tính chất gọn gàng và chính xác của những từ ngữ nầy, tuy rằng trong một vài trường hợp những tiếng đồng nghĩa khác vẫn được sử dụng.
      Chúng tôi có vài băn khoăn khi bắt tay vào việc soạn thảo:
      Có chăng văn học Nam Hà? Nếu có, đáng cho chúng ta khơi ra, đặt tên thành một nền văn học hay nên đồng hóa với những tác giả, tác phẩm đồng thời ở Bắc Hà để có chung một giai đoạn lịch sử văn học của Việt Nam thời phân tranh?
     Giới hạn thời gian năm nào? Khi nhà Tây Sơn lên cầm quyền hay nhà Tây Sơn dứt nghiệp?
     Sự băn khoăn sinh ra vì có thể có người hoặc không nắm vững vấn đề, hoặc ác ý cho rằng tác giả có tinh thần chia rẽ, khơi lại một cuộc phân cách, đố kỵ thù nghịch đã qua. Trong lịch sử có những xung đột Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn nhưng đó là vấn đề quân sự, chánh trị, quyền lực, còn tác phẩm văn học của Việt Nam dầu viết ở đâu, Đàng Ngoài hay Đàng Trong vẫn thuộc về văn học Việt Nam, một phần tử của toàn thể duy nhất.
     Chúng tôi vẫn nghĩ như vậy nhưng quan niệm rằng văn chương khó thể quay mặt lại với hoàn cảnh xã hội, chánh trị ở giai đoạn tạo dựng ra nó; văn chương, vì vậy là tiếng nói của chứng nhân đối với những biến động của một thời nhiều xáo trộn cách đây gần ba thế kỷ, một thời dân chúng lầm than, đói khổ chết chóc, mất nhân tính...
      Những tác phẩm ở Nam Hà phản ánh được tình trạng qua phân, phe nhóm vì tác giả hầu hết phục vụ cho chúa Nguyễn, liên quan đến người cầm quyền nên nói lên tiếng nói của những người muốn mở mang vùng đất mới. Trong khi đó nhà văn đất Bắc, nối tiếp truyền thống văn hóa cũ nên chưa có đường hướng đặc biệt. Mặt dù tác phẩm ở vùng nầy tương đối dồi dào, ta chỉ ghi nhận được một vài trường hợp có vẻ dấn thân (Đoàn Thị Điểm, Lê Hữu Trác, Hồ Xuân Hương, Ôn Như Hầu…) với những tác phẩm tả thực, nói lên được những thực trạng của hoàn cảnh đương thời.
     Không chấm dứt tác phẩm khi nhà Tây Sơn nắm quyền, trái lại kéo dài nền văn học Nam Hà đến lúc Gia Long lên ngôi vì chúng tôi quan niệm văn học của những nhà văn giai đoạn Tây Sơn cầm quyền chỉ nối tiếp những năm trước (Đời Lê - Trịnh hoặc Nguyễn), nói cách khác, văn học Tây Sơn không có vì nhà văn sanh ra, lớn lên dưới triều đại trước và quan trọng nhất: diễn tả những gì các nhà văn lớp trước đã diễn tả. Mặt khác, thời Tây Sơn vẫn còn loạn lạc, chiến tranh, văn chương lúc nầy vẫn nằm trong một chiều hướng văn học phân tranh, tác giả ở Đàng Ngoài nói những điều đặc biệt thuộc về văn học Bắc Hà, nhà văn Đàng Trong trình bày những điều có sắc thái riêng thuộc về văn học Nam Hà.
     Về quan điểm khảo sát, để thấu hiểu toàn bộ hệ thống tư tưởng của tác giả chúng tôi khảo sát một cách hòa đồng tác phẩm Hán - Nôm, không phân biệt hình thức văn tự. Chúng tôi chủ trương, văn tự chỉ là một trong những phương thức truyền thông của loài người mặc dầu sử dụng hệ thống nào, con người cũng chỉ diễn tả tâm tình và tư tưởng mình, cốt cách của dân tộc mình, hoàn cảnh trong đó tác giả sống ...Do đó hệ thống chữ viết dưới dạng nào cũng vậy, vấn đề quan trọng chỉ thu gọn lại ở điểm nhà văn có diễn tả chân thật và có kỹ thuật cao không.
     Đại cương, các văn gia sau sẽ được đề cập đến:
     Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Quang, Ngọc Hân Công Chúa, Ngô Thế Lân, Nhóm Chiêu Anh Các, Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Văn Thành, Đặng Đức Siêu ... Những tác giả nầy, nhìn chung sẽ được coi như tiếng nói đặc biệt của Nam Hà mà họ là những thành tố cơ bản – còn một vài tác giả khác vì sự khiếm khuyết tài liệu chúng tôi xin được lược qua. Có thể có người cho rằng bấy nhiêu thôi thì là quá ít. Nhưng ít còn hơn không, bởi lý do ở ngoài tầm tay chúng ta – lý do chiến tranh mà đất nước đau khổ nầy phải gánh chịu gần như liên tục từ đầu thế kỷ XVII đến giờ. Một học giả gần đây đã nhận xét rất đúng khi viết:
     “Xã hội Việt Nam từ khi Họ Mạc cướp ngôi (*) nhà Lê năm 1527 cho đến đầu thế kỷ XVII, đã trải qua một giai đoạn hãi hùng. Trong gần ba thế kỷ, không lúc nào chấm dứt những cuộc chiến tranh tàn sát. Vì thế, cả nhân tài vật lực của người Việt đều dốc vào công cuộc binh đao, còn việc học hành trong nước thì hầu như bị đặt vào hàng thứ yếu “
     Lời nhận xét nầy nhìn chung cho xã hội Việt Nam, nhưng nhìn riêng cho xã hội Nam Hà lại càng đúng hơn.
     Tuy nhiên, không phải vì “việc học hành hầu như bị đặt vào hàng thứ yếu” mà niềm Nam không sản xuất được các bậc tài hoa, những văn nhân lỗi lạc. Miền Nam vẫn có được nhiều cây bút nổi tiếng cũng như đã hiến cho tổ quốc lắm anh hùng tên tuổi không thể phai mờ trong tâm trí người dân. Trước đây, chính Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục cũng cho rằng nhân tài tuấn dị ở vùng Nam Hà nối tiếp không bao giờ dứt.
          Trong một bài khảo sát về văn học miền Nam cách đây khoảng mười năm, một nhóm tri thức đã có lời nhận định khá khách quan sau đây:
     “Miền Nam nước Việt có một quá khứ trọng đại, khả dĩ làm vẻ vang non sông, hãnh diện cho giống nòi. Miền Nam là một địa linh mà đã gọi là địa linh, tất nhiên phải hun đúc nhiều anh thư, hào kiệt, văn nhân, thi sĩ tài ba lỗi lạc chẳng kém gì các miền khác của nước Việt muôn thuở “
     Vì vậy, nghiên cứu về văn học Nam Hà là một cần thiết. Quyển sách nầy chỉ giữ được vai trò gợi ý, mở đường, do đó chưa nói được hết những vấn đề quan yếu vì vậy rất cần được sự phê bình, góp ý của những bậc cao minh.
     Tiện đây, chúng tôi xin chân thành cảm tạ những đồng nghiệp đã tận tình giúp tài liệu, cho ý kiến để tác phẩm nầy được hoàn thành như giáo sư Lê Hữu Mục, giáo sư Nguyễn Khuê, giáo sư Huỳnh Minh Đức ...

Saigon, ngày 10 tháng 4 năm 1972
Nguyễn Văn Sâm


I


Lịch Sử và Xã Hội Việt Nam Thời Phân Tranh

N hìn chung, giai đoạn văn học chúng ta đang khảo sát nằm trong thời đại vô cùng rối ren mặc dầu trước đó nước nhà đã trải qua một cuộc qua phân khá lâu dài của thời Lê - Mạc

Khi họ Mạc suy yếu, nhà Lê khôi phục trở lại (tái chiếm Tây Đô năm 1543) cũng bắt đầu từ đây những cuộc xung đột mới mở màn làm nền cho giai đoạn văn học của chúng ta: cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn rồi Tây Sơn - Nguyễn, Tây Sơn - Trịnh, Tây Sơn - Nguyễn Ánh ...

Sự việc bắt đầu với chuyện Nguyễn Hoàng vào Nam.

Năm 1558 (Mậu Ngọ), Nguyễn Hoàng nhờ chị là Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm cho vào đóng ở phía Nam vì sợ xảy ra chuyện không hay như anh mình trước đây. Trịnh Kiểm tâu với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn giữ đất Thuận Hóa.

Năm 1572 (Nhâm Thân) Trịnh Kiểm mất, Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh ngôi Chúa nên xung đột nhau; lợi dụng cơ hội, họ Mạc đem quân đánh Thanh Hóa đồng thời sai Lập Bạo, một tùy tướng giỏi đem chiến thuyền vào đánh Nguyễn Hoàng, nhưng Lập Bạo bị Nguyễn Hoàng dùng mưu giết đi.

Năm 1592 (Nhâm Thìn) Nguyễn Hoàng phải trở ra Bắc giúp vua Lê tiêu diệt họ Mạc, ông cùng Trịnh Tùng lập được nhiều chiến công.

Năm 1593 (Quí Tỵ) Trịnh Tùng lấy lại được kinh đô, nhưng vẫn không thuận để Nguyễn Hoàng về lại Thuận Hóa vì ngại sự bành trướng thế lực của ông nầy ở miền Nam.

Năm 1600 (Canh Tý) khi có loạn Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga ở Nam Định, Nguyễn Hoàng xin đi đánh dẹp, nhân cơ hội, theo đường biển lén trở về vùng chiếm giữ của mình.

Từ đây họ Trịnh gần như mất hết ảnh hưởng từ Thuận Hóa trở xuống, vùng đất bây giờ thật sự là của Nguyễn Hoàng. Hai họ Trịnh Nguyễn tuy ngoài mặt hòa thuận (Ngọc Tú, con gái út của Nguyễn Hoàng được gả cho Trịnh Tráng, con trai của Trịnh Tùng) nhưng mỗi bên vẫn luôn củng cố lực lượng; phòng bị để chờ ngày tiêu diệt phe nghịch.

Năm 1613 (Quí Sửu) Nguyễn Hoàng trước khi mất dặn con là Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) lo luyện tập quân sĩ gây dựng sự nghiệp muôn đời3

Từ đó, các chúa Nguyễn sau nầy đều gắng sức gây dựng cơ đồ: đóng đồn, đắp lũy (đồn Trường Dục, lũy Nhật Lệ4), chiếm đất (phía Nam sông Gianh, tức sông Linh Giang) để xây dựng sự nghiệp..

Năm 1625 (Ất Sửu) Chúa Trịnh Tráng muốn dò xét ý đồ của Chúa Nguyễn - Nguyễn Phúc Nguyên - mới gởi thư dọa nạt, nhưng Sãi Vương một lòng không thuần phục Chúa Trịnh nên trả lời dứt khoát bằng một bức thơ lời lẽ rất cứng rắn, quả quyết.

Hai bức thư nầy – gởi và trả lời – đều được viết bằng tiếng Nôm, tuy có tính cách lịch sử, chánh trị nhưng đánh dấu một giai đoạn văn học mới: phân chia Nam và Bắc Hà trên lãnh vực văn nghệ. Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn ở phần phụ lục I để làm tài liệu.

Trong bức thư của mình Trịnh Tráng căn cứ vào những điểm sau:

- Vua Lê thuộc về dòng chính thống, tài đức, Họ Nguyễn phải chu toàn bổn phận bầy tôi đối với nhà vua.

- Nếu gây cuộc can qua, họ Trịnh vẫn đủ sức vì có binh hùng tướng mạnh, nhưng chiến tranh chỉ là việc vạn bất đắc dĩ.

- Nếu họ Nguyễn thần phục nhà Lê, địa vị khanh tướng vẫn không mất.

Để trả lời lại, Nguyễn Phúc Nguyên dựa trên những luận cứ sau:

- Họ Nguyễn không muốn việc binh đao, nhưng nếu cần vẫn đủ khả năng chống lại sức mạnh của họ Trịnh.

- Họ Trịnh không đáng mặt tôi trung và càng không nên nói đến chữ trung vì đã đàn áp vua Lê.

Qua hai bức thư trên ta thấy Nam Hà và Bắc Hà đã quyết liệt tranh đấu với nhau, sự thù nghịch đã không còn che đậy. Trịnh Tráng dựa trên một thứ chính nghĩa chủ quan, Nguyễn Phúc Nguyên cậy có địa thế và binh hùng. Thật vậy, lúc nầy đồn lũy họ Nguyễn đã vững, các danh tài như Nguyễn Hữu Dật5, Nguyễn Hữu Tiến6, Đào Duy Từ góp sức hiến mưu nên miền Nam không còn sợ miền Bắc nữa. Sự cương quyết nầy khiến Chúa Trịnh căm giận lắm nhưng không thể làm gì được.

Năm 1629 (Đinh Mão) Trịnh Tráng, để hoàn toàn có chánh nghĩa, nhờ vua Lê sai đem vào Thuận Hóa một tờ sắc cũng bằng chữ Nôm nội dung tỏ ý đòi họ Nguyễn phải nạp thuế nhưng thật ra bắt Chúa Nguyễn phải thần phục bằng cách cho con trai ra Bắc chầu vua.

Chúa Nguyễn bấy giờ là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên nhận sắc nhưng vẫn không nộp thuế. Thấy vậy, cũng trong năm nầy họ Trịnh một lần nữa mượn tiếng vua Lê đòi Chúa Sãi cho con ra chầu, lần nầy chỉ nhắc đến việc góp phần triều cống nhà Lê, nhưng không nhắc gì đến việc thuế má.

“Nộp thuế” hay “cho con ra Bắc chầu vua Lê” chỉ là những cớ do Trịnh Tráng đưa ra để dò tình ý và bắt buộc Nguyễn Phúc Nguyên phải chịu mệnh của mình. Chấp nhận nộp thuế hay cho con ra chầu một vị vua chịu sự áp chế của Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn đã đương nhiên thần phục họ Trịnh vậy. Mà khổ, nếu không chấp nhận những điều nầy, họ Nguyễn trở thành người không thần phục nhà Lê. Bởi vậy Chúa Nguyễn tiếp sứ, nhận chiếu nhưng tìm cách trả chiếu về cho họ Trịnh.

Năm 1630 (Canh Ngọ) Đào Duy Từ hiến kế làm mâm hai đáy, giữa để tờ sắc đã nhận từ ba năm trước kèm theo tờ thiếp có bài thơ như sau:

Mâu nhi vô dịch, 矛兒無役
Mịch bất7 kiến tích 覓不見跡
Ái lạc tâm trường, 愛樂心長
Lực lai tương địch. 力來相敵

Phùng khắc Khoan, mưu thần của họ Trịnh đoán được ý của bài thơ trên bằng cách chiết tự thành bốn chữ: Dư bất thụ sắc 予不受勅 (Ta không chịu nhận sắc).

Từ đấy, hai họ Trịnh Nguyễn thật sự ra mặt chống đối nhau.

Chúa Nguyễn chấp nhận sự khiêu khích của Chúa Trịnh và họ Trịnh cũng có lý do để chinh phạt, còn thắng hay bại đó là chuyện khác.

Trịnh Tráng sau khi nhận được tờ sắc trả lại liền xua quân vào Nam; từ đó lúc nghỉ, lúc chiến hai bên đánh nhau thêm8 sáu lần nữa (những năm 1630, 1636, 1648, 1655, 1661, 1672) nhưng chúa Trịnh phương Bắc không đủ sức diệt chúa Nguyễn phương Nam vì đường xá xa xôi lại thêm nhiều lũy9 của Đào Duy Từ quá kiên cố chặn đường tiến quân.

Từ năm 1673 (Quý Sửu) hai bên ngưng chiến, ai lo cương vực nấy cho đến năm 1771 (Tân Mão) nhà Tây Sơn nổi lên làm lung lay cả chế độ của Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong.

Năm 1765 (Ất Dậu) trước khi mất Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) có để di chiếu lập người con thứ hai là Chương Võ, cha của Nguyễn Ánh sau nầy, lên nối nghiệp, nhưng quyền thần Trương Phúc Loan dùng mưu tráo di chiếu lập người con thứ 16 lên ngôi tức là Định Vương10. Định Vương Lúc ấy mới 12 tuổi nên tất cả quyền hành đều nằm trong tay Quốc Phó Trương Phúc Loan. Lợi dụng chức vị, Loan làm nhiều điều tàn tệ11, nhân dân đồ thán, nên ba anh em Nguyễn Nhạc nổi lên ở ấp Tây Sơn (Qui Nhơn) lấy thành Qui Nhơn (1773) rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận. Loan thu góp thuế má của dân chúng, không nộp vào quỹ, đem bán chức tước, bè phái, nên rất giàu, có lần lụt, Loan phơi vàng bạc, chiếu sáng cả một vùng. Ta có thể biết phần nào hành vi của Loan qua Hoài Nam Khúc12 懷南曲 của Hoàng Quang 黄光.

Thừa dịp nầy, Trịnh Sâm cho Hoàng Ngũ Phúc tiến binh vào lấy thành Trấn Ninh (1774) rồi Quảng Trị, giả tiếng trừ Trương Phúc Loan. Các quan của chúa Nguyễn một phần hèn yếu, một phần muốn trừ nạn Trương Phúc Loan nên lập mưu bắt Loan giao cho Ngũ Phúc. Tuy nhiên Phúc vẫn tiến quân đánh lấy Phú Xuân (tháng 1-1775) chúa Nguyễn phải bỏ thành chạy về Quảng Nam. Ở đây chúa lại bị Nguyễn Nhạc đuổi đánh nên chạy về Gia Định, để Đông Cung ở lại. Nguyễn Nhạc nhân đó sai rước Đông Cung về, tôn lên để làm vì hầu có chính nghĩa chống nhau với họ Trịnh.

Từ đây quân Tây Sơn đã mạnh, lúc hòa hoãn với Trịnh để đánh Nguyễn, lúc hòa hoãn với Nguyễn để bảo toàn lực lượng, vùng vẫy một thời.

Đến năm 1778 (Mậu Tuất) sau khi bắt được Định Vương và Đông Cung, Nguyễn Nhạc tự xưng đế hiệu, đặt niên hiệu là Thái Đức.

Tuy nhiên dòng họ Chúa Nguyễn vẫn chưa dứt vì một người cháu của Định Vương là Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát vào Nam mộ quân đánh nhau với Tây Sơn nhiều trận.

Lúc nầy, ngoài Bắc Trịnh Sâm mất (1782), Trịnh Cán còn nhỏ nên nhiều người không phục, Trịnh Khải mưu với quân Tam Phủ giết vợ Trịnh Sâm (Đặng Thị Huệ ) và Trịnh Cán rồi lên ngôi chúa.

Quân Tam Phủ từ đó cậy công làm nhiều điều tàn tệ13, nhân dân đồ thán, thừa dịp nầy Tây Sơn nghe theo lời Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra lấy Thuận Hóa rồi lấy luôn thành Linh Giang (1786) là ải địa đầu của đất Bắc. Đến đây mặc dù thắng, quân Tây Sơn vẫn không dám tiến xa hơn vì ngại lực lượng của chúa Trịnh, vả lại lúc bấy giờ tình hình ở Gia Định vẫn chưa yên hẳn, Nguyễn Ánh còn đó đang thừa cơ trỗi dậy, nhưng vì Hữu Chỉnh thúc giục nên Nguyễn Huệ cho Chỉnh đi tiên phong đánh Bắc Hà. Chỉnh lần lượt chiếm được Nghệ An, Thanh Hóa, Nguyễn Huệ đi sau cũng thu được thành Sơn Nam rồi kéo quân đánh thành Thăng Long, chúa Trịnh Khải đem quân ra chống nhưng thua phải chạy về Sơn Tây và bị bắt ở đây14, lúc đó là năm 1786.

Mặc dầu chiếm được Thăng Long, Nguyễn Huệ không có ý định tóm thâu Bắc Hà, ông vẫn tỏ lòng phù Lê nên được Lê Hiển Tông gả con gái cho. Chẳng bao lâu Hiển Tông mất, hoàng tử Lê Duy Kỳ lên ngôi lấy niên hiệu là Lê Chiêu Thống. Nhưng Chiêu Thống bất tài nên lần lượt bị Trịnh Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh lấn áp. Về sau quân Tây Sơn ra lịnh diệt Chỉnh, Chiêu Thống phải bỏ chạy sang cầu nhà Thanh – chúng ta có thể coi như từ năm đó nhà Lê mất nghiệp –, nhưng nhà Thanh cũng không làm gì nên chuyện, vì Tôn Sĩ Nghị kéo quân sang, đã bị quân Tây Sơn dưới quyền điều khiển của Nguyễn Huệ dẹp tan trong thời gian kỷ lục (1788).

Từ đây Nguyễn Huệ chánh thức làm vua ở Việt Nam. Với ý định cải tiến toàn bộ nên Quang Trung đã cải sửa, chỉnh bị được nhiều việc: đặt lại quan trấn, định lại quan chế, sửa đổi việc học, cách thi, dùng chữ Nôm thay chữ Hán, xây dựng chùa chiền, cải tổ thuế khóa, khiến thời bấy giờ nhân dân sống một thời thịnh trị.

Nhưng bất ngờ bốn năm sau đó vua Quang Trung mất (1792), con là Quang Toản lên ngôi vì còn quá trẻ (10 tuổi) nên tất cả quyền hành đều nằm trong tay Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, lúc nầy tướng tá nghi kỵ lẫn nhau cuối cùng nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh tiêu diệt năm 1802.

***

Nhìn chung xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 loạn ly đến mức tối đa, đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ, khốn khổ vì sự tương tranh đã đành mà còn khốn khổ vì sự xa xỉ vô lý của người cầm quyền.

Hai họ Trịnh Nguyễn đánh nhau, tất cả dân chúng ở hai miền điều phải phục vụ cho bộ máy chiến tranh, phía Trịnh nhân dân phải trường chinh, phía Nguyễn dân chúng phải chống giữ, sự sản xuất không được chăm sóc, thiếu thốn, người nghèo khổ càng lúc càng tăng gia.

Thời hưu chiến (1673 - 1770) nhân dân tuy khỏi khổ sở vì nạn tương tàn cho địa vị chúa của hai họ Trịnh, Nguyễn nhưng lại phải chịu đựng sự xa hoa hưởng lạc của bọn nầy.

Ở Bắc Hà, chúa Trịnh cực kỳ hoang phí, mỗi tháng ba bốn phen chúa ngự chơi trên bờ Tây Hồ mỗi kỳ như vậy nhân dân phải cung phụng đủ mọi thứ; nơi chúa ngự trân cầm, dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian đều sức thu lấy không thiếu thứ gì(15). Các chúa Trịnh như Trịnh Giang, Trịnh Sâm đều dâm dật và bắt dân chúng phải phục dịch để thỏa mãn thú tánh của mình16. Đến đời Trịnh Sâm sự thối nát càng gia tăng hơn, Chúa say mê Đặng Thị Huệ, bỏ bê triều chính và dung dưỡng cho em của Huệ là Đặng Mậu Lân làm chuyện tồi tệ giữa ban ngày. Đê điều không sửa chữa, nạn lụt lội xảy ra hầu như năm nào cũng có. Nhân dân vì thế vô cùng khổ sở, những cuộc nổi dậy17 cộng với loạn kiêu binh khiến người dân mong chờ một luồng gió mới, một sự đổi thay.

Chúa Nguyễn ở Nam Hà cũng không khác gì.

Trong những bước đầu, với ý định xây dựng sự nghiệp lâu dài. Các Chúa hết sức lo việc cải cách sửa sang đồng thời mở rộng biên cương về phía Nam để bành trướng thế lực.

Lịch sử tạo dựng miền Nam có thể tóm lược bằng những niên đại sau:

- Năm 1611 (Tân Hợi) Nguyễn Hoàng lấy một phần đất Chiêm Thành lập ra phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hòa.

- Năm 1653 (Quí Tỵ) Nguyễn Phúc Tần lấy thêm một phần đất nữa mở ra phủ Diên Khánh.

- Năm 1697 (Đinh Sửu) Nguyễn Phúc Chu mở thêm Phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Rang làm Huyện Hòa Đa, lấy đất Phan Rí làm Huyện Yên Phúc.

Từ đây nước Chiêm Thành mất hẳn trên bản đồ thế giới.

- Năm 1679 (Kỷ Mùi) những người Trung Hoa không thần phục nhà Mãn Thanh là Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình chạy sang Việt Nam được Chúa Hiền bảo trợ cho khai khẩn Đông Phố (Gia Định), Lộc Dã (Biên Hoà), Mỹ Tho (Định Tường) nên thần phục chúa Nguyễn.

- Năm 1698 (Mậu Thìn) Việt Nam chánh thức làm chủ mấy tỉnh miền Đông khi Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, Saigon làm huyện Tân Bình, đặt dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và dinh Phan Trấn (Gia Định) đem những lưu dân vào đây lập nghiệp.

- Năm 1708 (Mậu Tí) Mạc Cửu đem đất Hà Tiên đặt dưới quyền bảo trợ của Chúa Minh Vương .

- Năm 1756 (Bính Tí), nghe lời khuyên của Nguyễn Cư Trinh, chúa Võ Vương thu nhận hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp do vua Cao Miên là Nặc Nguyên dâng cho.

- Năm 1760 (Canh Thìn) Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho Võ Vương để đền công bảo vệ ngai vàng cho ông ta và dưng một phần đất thuộc Hà Tiên cho Mạc Thiên Tứ để đền ơn có công giúp đỡ.

Từ đó đất Nam Kỳ lục tỉnh thuộc về chúa Nguyễn.

Tuy Họ Nguyễn có công mở rộng cương vực, nhưng không phải tất cả các Chúa đều chăm sóc đến dân chúng, những chúa thời đầu khai nghiệp còn nghiêm chỉnh trong việc nội trị, các chúa càng về sau càng đi sâu vào con đường chung của chế độ quân chủ phong kiến: ăn chơi, xa xỉ, hoang dâm.

Sự việc bắt đầu với chúa Nguyễn Phúc Khoát, Khoát xây cất dinh thự để tỏ nghi vệ một thiên tử sau khi xưng Vương năm 1744 (Giáp Tí).

Từ đó các quan lại chung quanh “vì bắt chước Nguyễn Phúc Khoát, người nào cũng ở nhà chạm trổ, trướng vóc, màn the, đồ dùng toàn đồ đồng, đồ sứ, quần áo bằng gấm lụa, xe ngựa trang sức bằng bạc vàng, phong lưu phú quý rất mực ...Họ coi vàng bạc như đất.” (18)

Khi Nguyễn Phúc Khoát mất, tình trạng lại càng tệ hại hơn, chúa Nguyễn Phúc Thuần không lo việc triều chánh, quyền thần Trương Phúc Loan nắm hết quyền hành, bóc lột dân chúng, quỵt tiền của thương nhân phương Tây, hối mại quyền thế, tiền của chất đầy nhà trong khi dân chúng đói khổ, cạn kiệt.

Trong hoàn cảnh tồi tệ đó của hai miền, nhà Tây Sơn nổi lên, tất nhiên chiếm được cảm tình của hầu hết người dân nên thành công dễ dàng.

Trong suốt thời kỳ Tây Sơn dấy nghiệp đến khi mất nghiệp về tay Nguyễn Ánh, dân chúng hai miền cùng sống trong trạng huống khổ sở như vậy vì những cuộc chiến giữa Tây Sơn và các phe chúa không xứng đáng nói trên.

Thời kỳ nầy ở Bắc Hà về mặt văn hóa có những sự kiện đáng kể sau:

Ban đầu, từ khi lập phủ chúa đến năm 1734 (Giáp Dần) họ Trịnh vẫn chưa có những cải tiến nào về văn hóa. Đến năm 1734 (Giáp Dần) Trịnh Giang nhận thấy việc mua sách vở từ Trung Hoa khó khăn và tốn kém nên lịnh cho khắc bản in ở Bắc Hà, từ đấy ở Bắc sách vở tương đối nhiều hơn. Tuy nhiên không phải vì sách vở được phổ thông hơn mà việc học ở đây tiến bộ hơn, trái lại vì sự tổ chức thi cử không hợp lý từ lâu, thêm vào đó chinh chiến liên miên nên việc học càng ngày càng xuống dốc19 hơn.

Lúc trước, lệ không cấm mang sách vào trường thi đến 1660 mới cấm, nhưng việc canh phòng cũng không nghiêm ngặt nên vẫn còn tệ hại ăn cắp văn, người quá dở thi đậu nên năm 1726 vua ra lệnh thi lại, truất hết 17 người, trong đó có con quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn và con quan Thiếu Bảo Đỗ Bá Phẩm. Năm 1747 cũng thi phúc khảo truất hết 10 người. Về sau các năm 1777, 1780, 1783 đều có mở phúc khảo, ai hỏng thì 3 năm sau thi lại, những lần nầy đánh hỏng quá nửa.

- Thêm vào đó nạn quan trường không được công chính khi chấm bài nên thường có những vụ phạt hoặc giáng chức các quan Đề Điệu và Giám Thi (20).

Năm 1580 (Canh Thìn) Vua Lê mới mở khoa thi Hội ở Tây Đô, cách 3 năm mở một lần, nhưng còn rất luộm thuộm. Đến năm 1664 (Giáp Thìn) Trịnh Tạc mới sửa đổi lại nghiêm ngặt hơn.

Năm 1678 (Mậu Ngọ) định điều lệ thi Hương cũng cứ 3 năm mở một lần. Nhưng đến đời Dụ Tông (1705 - 1729) niên hiệu Bảo Thái đặt ra lệ phí minh kinh để lấy tiền nộp từ sĩ tử mà lập trường thi và trả công cho quan trường.

Về sau lại càng tệ hại hơn nữa, năm 1750 (Canh Ngọ) nhà nước thiếu tiền nên đặt lệ phí thông kinh cho ai nộp 3 quan thì khỏi khảo hạch, do đó mới có nạn người dốt đi thi, nghèo thì gian lận, dùng sách, giàu thì đút lót, thuê người làm bài hộ ...Thi cử không còn theo đúng mục tiêu chọn nhân tài nữa...

Trong khi đó ở vùng Nam Hà, vì là vùng đất mới cho nên mọi chuyện đều được thiết lập để có cơ sở áp dụng sau nầy.

Dưới thời các chúa Nguyễn, việc thi cử còn rất phôi thai, không có những cuộc thi vĩ đại, chọn người đại khoa như triều đầu nhà Lê mà chỉ có những kỳ thi nhằm cung ứng người giúp những việc giấy tờ ở các công sở.

Năm 1632 (Nhâm Thân) chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên mở kỳ thi chính đồ và hoa văn. Các chúa về sau cải tiến. Nhưng vẫn không khác mấy, đại khái:

Chính đồ gồm 3 kỳ thi.

- Kỳ thứ nhất: Thi tứ lục

- Kỳ thứ hai: Thi thơ phú

- Kỳ thứ ba: Thi văn sách.

Quan trường gồm Tri Phủ, Tri Huyện làm sơ khảo, Cai Bạ, Ký Lục, Vệ Uý làm phúc khảo.

- Trúng cả ba kỳ gọi là Giám sinh, được bổ là Tri Phủ hay Tri Huyện.

- Trúng hai kỳ gọi là Sinh Đồ, được bổ làm Huấn Đạo.

- Trúng một kỳ gọi là Lễ Sinh hay Nhiêu Học21, không được bổ dụng nhưng được miễn thuế và sưu dịch 3 năm.

Hoa văn: gồm 3 ngày, mỗi ngày làm một bài thơ, ai đỗ được bổ vào làm việc ở Tam Ty22.

Năm Ất Mão (1675) Thái Tông Nguyễn Phúc Tần (1649 - 1687) mở thêm khoa thi Thám Phỏng, thi một ngày, hỏi về tình trạng binh, dân và việc Lê Trịnh, người trúng cách được bổ làm việc ở Xá sai ty.

Trước đây các kỳ thi sĩ tử đến các dinh trấn để thi, nhưng từ năm 1695 (Ất Hợi) Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu cho thi ở sân phủ Chúa, đặt tên lại các khoa thi, gọi kỳ thi Chính Đồ là Văn Chức, cải tổ kỳ thi Hoa Văn thành thi Tam Ty. Môn thi cũng được sửa đổi cho hợp lý hơn. Người thi Xá Sai thì được hỏi về tiền thóc xuất nhập, việc kiện tụng, xử án, chỉ riêng những người thi Tướng Thần Lại và Lệnh Sử mới làm thơ.

Cũng như ở Bắc Hà, ở Nam Hà cũng có những cuộc thi luộm thuộm. Năm 1713 (Quý Tỵ) kỳ thi Chính Đồ, khảo quan đánh hỏng cả, Chúa phải ra đề thi lại, kỳ nầy có một người đỗ Sinh đồ và 7 người đỗ Nhiêu Học. Năm 1723 (Quý Mão) khảo quan cho 77 người đỗ Nhiên Học, Chúa bắt cả thảy thi lại mỗi người phải làm một bài tứ lục và một bài phú, sĩ tử không làm nổi, chúa truất cả 23.

Nhận xét về văn học Nam Hà, trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn đã nói “Họ Nguyễn chỉ mở thu thí (thi Hương) chuyên dùng lại tư24, không chuộng văn học nên ít thu thái đựơc người tuấn dị ...khảo thí thì những kế lớn, mưu lớn không được hỏi han đến. Bọn hậu học, tiểu sinh không thấy được nuôi dưỡng tác thành thế mà văn mạch ở đất nầy dằng dặc không dứt, thật là đáng khen.”

Thật ra hoàn cảnh đặc biệt của thời kỳ khai sáng đất mới, với hoàn cảnh chiến tranh, Đàng Trong đã không thể tổ chức được những kỳ thi Tiến sĩ như Đàng Ngoài được. Tuy không có người đỗ đại khoa nhưng không phải vì thế đất Nam Hà thiếu nhà văn, những Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Quang ... sẽ mãi mãi là những nhà văn quan trọng của Việt Nam. Và có nhiều nguời đỗ đại khoa nhưng chưa hẳn có được những nhà văn lớn, nhứt là những nhà văn không xa lìa hoàn cảnh sống của nhân dân đồng thời, không tách rời những khát khao chung của quần chúng lúc đó ...

Trong mười bốn năm tròn (1789 - 1802)25 làm chủ đất nước Việt Nam, nhà Tây Sơn mặt dầu tha thiết với chữ Nôm, để ý đến văn học, các vì vua của nhà Tây Sơn chưa đủ thời gian để có những cải cách gì đáng kể về mặt thi cử học hành cũng như có những quyết định liên quan đến văn hóa. Họ còn phải đối phó với lòng trung quân hẹp hòi của các triều thần nhà Lê cũ ở Bắc và phải lo đánh dẹp quân Nguyễn Ánh trong Nam hết nhờ quân ngoại quốc nẩy đến nhờ người ngọai quốc khác, bởi vậy việc thi cử vẫn chỉ đến kỳ thi Hương, kỳ thi Tiến sĩ không tổ chức được. Thi Hương 3 năm mở một kỳ, gồm tứ trường, người đậu tứ trường gọi là Hương Cống, ai chỉ đậu Tam trường thì được gọi là Sinh Đồ.

Người tài giỏi được vào làm việc ở triều đình lúc nầy phần nhiều không phải xuất thân từ sĩ tử thi đậu mà là những người đã nổi tiếng và được sự tiến cử của Sùng Chính Viện. Thời Quang Trung đặc biệt với sự thành lập Sùng Chính Viện 崇政院. Viện nầy ngoài nhiệm vụ trên, công tác văn học chánh nhằm dịch ra chữ Nôm những sách dùng trong việc học lúc bấy giờ như Minh Tâm 明心, Dương Tiết 陽節, Tứ Thư 四書...

Nhưng công việc chưa tiến hành được bao nhiêu, vua Quang Trung đã mất, Quang Toản lên nối ngôi còn quá trẻ, lơ là với Sùng Chính Viện, vì vậy cho đến ngày nay chúng ta chưa tìm được bản dịch nào của viện nầy.

Phụ lục I

Chu Tuyên Vương (1) chấn tu cương kỷ (2), bình ngoại khấu (3), lại dài tộ (4) Chu; Hán Quang Vũ (5) diên lãm (6) anh hùng, di nội nạn (7), đặng nên nghiệp Hán.

Sự xưa khá ví (8); gương sáng nên soi.

Nhà nước ta nay; dùng võ dẹp loàn, lấy văn giồi (9) trị.

Vua Thái Tổ (10) dấy binh nhân nghĩa dùng xích (11) kiếm dẹp tướng Thiên triều (12); vua Thái Tông vỗ vận doanh thành (13), vào địa giới vén thu Nam Quốc (14).

Tổ công tông đức, thánh kế thần truyền (15). Vua Trang Tông (16) rủ áo (17), chấp tay; Chúa Thái Vương (18) ra công mở nước. Dẹp đông dẹp bắc, uy chấn bụi bờ (19), cát gió bay; đánh nội đánh thành, tiếng dậy sấm ran chớp giật.

Vua Thế Tông (20) cao ngự đền rồng; chúa Bình Vương (21) ra tay dẹp loạn, Đông đoài nam bắc (22), đâu đâu ngóng cổ làm tôi, hàng hải thê sơn(23), chốn chốn bó tay cùng phục.

Công nghiệp nước nên công nghiệp lớn; phúc đức nhà thật phúc đức dày.

Bằng cháu nay (24), gìn giữ nghiệp nhà, sửa sang việc nước. Thịnh tuy chẳng thịnh, hiền uy hội về (25), khôn ỷ chẳng khôn, Long Thái Thượng ty (26) cũng phục.

Còn chú nay, chuyên có hai Châu (27) hẹp bằng một dải. Hầu mong cất binh hùng hổ, nhớ lời bà trước đã dặn dò; lại toan sai đội thủy long, kính nghĩa ông xưa đã răn dạy (28).

Còn đương việc nước, há dám riêng nhà (29)

Rày nhân công luận triều đường, vậy mới khâm sai nghênh tiếp. Trước vua quan vãng quan (30) tuần thú (31), xét dân tình tật khổ (32) thông hay (33); sau mệnh tướng thống lãnh binh nhung, rước khám vị miếu về phụng tự (34).

Mặc chưng liệu đấy, chớ khá cậy mình. Chớ cậy rằng ải hiểm, non cao, khi thẳng trỏ đất bằng, trời tạnh; chớ khá cậy rằng nước giàu, binh khoẻ, khi ruổi giong mây sạch, đường không.

Anh hùng đâu chẳng anh hùng; trí dũng nào hơn trí dũng.

Ở chưng trong trường lạc (35), voi ngựa tuy nhiều, súng ống tuy nhiều; sao bằng về chốn triều đình, quan tước thật trọng, binh quyền thật trọng, vua tôi một áng (36), hội rồng mây khá sáng Đường Ngu (37); chú cháu một nhà, duyên cá nước xem bằng Tắc, Tiết (38).

Thư điều cặn kẽ. Mặc chú toan đương.

Đặc dụ26 (39)


Thư của Nguyễn Phúc Nguyên trả lời Trịnh Tráng (1625)

Tài tuy có bên văn bên võ; đạo chẳng qua chữ hiếu, chữ trung.

Trời sinh nước An Nam, chịu khí nước An Nam, làm trai nước An Nam, tướng quân mặt ấy, min (1), mặt ấy.

Làm tôi vua Thái Tổ, ở thờ vua Thái Tổ, tận trung vua Thái Tổ, tướng quân lòng nào min lòng nào?

Hoãn cấp (2) đã từng, hiểm nghèo cũng trải.

Trước nghịch Bạo (3) làm loạn Chu Thử (4), muôn dân đều chịu lầm than; sau Ngạn, Nga (5) dấy loạn Vương Đôn (6), đôi chốn xui nên ngờ vực.

Lấy tay mặt đánh tay chiêu (7), đau cùng đau cả; xui quân nhà đuổi quân ruộng, thiệt cũng thiệt tày. Cho nên phân bờ nọ cõi kia, tượng cũng bởi ăn cùng nói khác.

Sương nghiêm doanh Liễu (8), tai từng nghe hiệu lịnh tướng quân; mây thẳm đền Phong (9) mặt nào thấy chiếu thư thiên tử (10).

Nuôi sĩ bốn phương, đãi sĩ bốn phương, vì cơn cớ ấy; lấy quân ba phủ, đánh quân ba phủ, tính chước (11) tài nào.

Trị Xuân thu, tội Xuân thu (12); nghĩ vâng thánh trước; đãi quốc sĩ; báo quốc sĩ (13), tiết học hiền xưa(14).

Chẳng bằng tới hội Cố Lăng (15), xá tua hợp binh Xích Bích (16); lên thuyền Ôn Kiệu (17), đánh lái Tổ Công (18), diệt loài đảng ác, rạch thịt Hoàn Huyền (19), bêu đầu Vương Mãng (20), đem lại thần kinh; tôn miếu y quan, triều đình lại triều đình cũ; vương hầu tướng tướng, công nghiệp hơn công nghiệp xưa.

Tư phụng thư đáp27 (21).


PHỤ LỤC II
Sắc văn của Vua Lê (1629)

Hoàng Thượng sắc dụ cho Thái Bảo Thụy Quận Công là Nguyễn Phúc Nguyên được biết rằng:

Mệnh lệnh triều đình, đạo làm tôi phải nên tuân thủ (1).

Thuế má phủ huyện, tướng ngoài cõi không được tự chuyên,

Trước đây trẫm có sai Công Bộ Thượng Thư là Nguyễn Duy Thì, Bá Khê hầu là Phan Văn Trị vào Thuận Hóa đạo đạt tình ý, chỉ bảo đường họa phúc, để cho tỉnh biết mà phục tùng quyền chính triều đình. Không ngờ nhà ngươi mang lòng dùng dắng (2), tối đường tới lui, nói thoác thát cho lôi thôi ngày tháng, để đến nỗi thuế má thiếu thốn, không đủ việc chi thu, đạo làm tôi như thế đã phải chưa?

Nhà ngươi nay nên đổi lỗi trước, giữ gìn phép tắc.

Phàm ngạch thuế trong hai xứ Thuận, Quảng, từ năm Quí Hợi (1623)về trước có phải mất mùa thì xá (3) cả cho; còn từ năm Giáp Tý (1624) đến nay thì phải tính cho đủ số theo lệ trước (4) tải thuyền đem ra nộp cho đủ, và phải chỉnh tề binh mã, hoặc thân đến kinh đô triều hạ (5) hoặc phải sai con đi thay để coi xem nghi vệ trong nước, và để tỏ giãi tấm lòng làm tôi. Nếu thế thì triều đình sẽ phong thêm cho tước vinh hiển, để rạng tỏ đến tổ tông. Nhược bằng (6) thoái thác không đến, tức là phạm tội với triều đình.

Khâm tai sắc dụ28 (7).


Chú Thích:
1 Bài “Trường Quốc Tử Giám ở Kinh Đô”, tạp chí Văn Hóa Nguyệt San, Sàigòn, số 67, tháng 12-1961.
2 Nguyễn Thành Cung–Nguyễn Văn Bửu–Nguyễn Triệu–Tân Việt Điểu: “Võ Trường Toản và Gia Định Tam Gia” - Tạp chí Văn Hóa Nguyệt San, Sàigòn, số 55, tháng 10-1960.
3 Trần Trọng Kim–Việt Nam Sử Lược–Tân Việt - Sàigòn–bản in lần thứ 7, trang 294
4 Các đồn lũy nầy đều do Đào Duy Từ, một nhân sĩ Bắc Hà chán sự kỳ thị giai cấp của chánh quyền họ Trịnh chận đường tiến thủ nên bỏ chạy vào Nam phục vụ Chúa Nguyễn, vẽ ra và chỉ dẫn cách xây cất. Với các đồn lũy nầy, họ Trịnh khó lòng đánh bại họ Nguyễn vì ngoài những chỗ hiểm yếu do quân Nguyễn đóng giữ, những địa điểm quân Trịnh có thể dùng để tiến đánh miền Nam đều được lũy cao án ngữ. Lũy Nhật Lệ còn gọi là lũy Thầy. Thầy, tiếng tôn xưng chỉ Đào Duy Từ. Thời nầy có câu ca dao chỉ sự quan trọng về phương diện quân sự và kiên cố: Thứ nhất thì sợ lũy Thầy, Thứ nhì sợ lầy Võ Xá. .. Cũng thế, đồn Trường Dục (huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình) được ca tụng: Có tài vượt nổi sông Gianh, Dẫu thêm hai cánh, Trường Thành khó qua.
5 Đại Nam Nhất Thống Chí - Tỉnh Thừa Thiên - cho biết ông là người làng Gia Miêu huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa sau di cư vào Thừa Thiên (Thuận Hoá) làm quan từ năm 1619 (thời Chúa Sãi), sáng suốt, có tài mưu lược được sánh với Khổng Minh (giúp Lưu Bị) và Bá Ôn (Giúp Minh Thái Tổ). Ông mất sau khi hai họ Nguyễn và Trịnh hưu chiến, được phong tước quận công. Chính ông và Nguyễn Hữu Tiến là hai người cầm quân ra Nghệ An đánh Trịnh lần độc nhất trong 7 kỳ đánh nhau giữa hai họ Trịnh - Nguyễn.
6 Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim: ‘Ông người Thanh Hóa, làng Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, võ nghệ tinh thông, dùng binh rất kỷ luật, thật là một tướng tài.’ (trang 294).
7 Hầu hết các nhà văn học sử đều dùng chữ phi 非 ở chỗ chữ bất 不 nầy, lời chú bài thơ số 3 do Thiệu Trị ngự chế năm 1842 có khắc trong bia đá, dựng trong bờ sông Nhật Lệ, do Học Viện Viễn Đông Bác Cổ rập lại và phổ biến năm 1902 dùng chữ bất.
8 Trước đó, hai phe đánh nhau lần đầu tiên 1627, nhưng trận nầy chưa quyết liệt vì họ Trịnh sợ có nội loạn ở kinh thành nên rút quân về quá sớm.
9 Về nguyên nhân xây các lũy nầy, bài văn bia đã dẫn có ghi: (bản dịch)
Tháng 2 năm 1630 Nội Tán Đào Duy Từ dâng thơ có đoạn: “Muốn mưu cầu cơ nghiệp bá vương, điều đầu tiên là tính kế vẹn toàn. Người xưa có nói không chịu đựng khó khăn một lần thì không thể thảnh thơi lâu dài được, không chịu phí tổn xây dựng thì không thể an toàn vĩnh viễn được. Thần xin dâng bản đồ nầy, xin đốc thúc quân dân hai trấn xây đắp lũy Trường Dục, bắt đầu từ núi Trường Dục đến cuối bãi biển Hạc Hải, tùy theo địa thế xây dựng đồn lũy hiểm yếu, để củng cố biên cương, dẫu cho quân địch có đến cũng không thể làm được.” Chúa nghe lời trình tấu, sai đắp lũy Trường Dục, hiện ở huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh, Quảng Bình.
Tháng 8 năm 1631 Đào Duy Từ lại xin đi quan sát sông núi, xem xét địa thế, khi về tâu rằng: “Kẻ tội thần xem xét từ cửa Nhật Lệ đến quá dãy núi Đâu Mâu, thấy có đầm nước, bùn lầy rất sâu, nếu theo đó làm hào rãnh, trong hào xây một lũy dài để chặn đám quân phía Bắc, thì sự hiểm yếu còn hơn lũy Trường Dục bội phần.” Chúa nghe theo nên sai đắp lũy Nhật Lệ ...
10 C. Maybon - Lectures sur l'histoire d'Annamite - Schneider - Sàigòn - 1913, trang 73, viết là Huệ Vương (?)
11 Loan giao dịch với người ngoại quốc, quịt tiền của họ trong việc giao thương rồi ra lệnh cấm dân chúng giao thiệp với người Bồ Đào Nha, người Hòa Lan.
12 Còn được gọi là Hoài Nam Ký 懷 南 記.
13 Lúc trước (1674) quân Tam Phủ đã giết quan Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh, phá nhà ông Phạm Công Trứ. Năm 1741 chúng lại phá nhà và định giết quan Tham Tụng Nguyễn Quí Cảnh, ông nầy may mắn chạy thoát. Khi đưa được Trịnh Khải lên, quân Tam Phủ càng lộng hơn, cướp của giết người nhiều hơn nữa, năm 1784 chúng phá nhà quan Tham Tụng Nguyễn Ly, phá nhà ông Dương Khôn và giết ông Nguyễn Triêm ở trước cửa phủ Chúa.
14 Trịnh Khải bị Nguyễn Trang lừa bắt đem nộp cho Tây Sơn, nhưng khi đem về đến làng Nhất Chiêu, tỉnh Sơn Tây thì Khải rút gươm cắt cổ tự tận. Họ Trịnh từ Trịnh Tùng lên ngôi chúa đến Trịnh Khải gồm 216 năm (1670 - 1786).
15 Phạm Đình Hổ - Vũ Trung Tuỳ Bút 雨中隨筆 - chuyện “Việc cũ trong phủ chúa Trịnh”
16 Về mùa hè, Trịnh Giang bắt đổ nước vào bồn đá thật lớn để Giang cùng cung nữ tắm lội.
17 Nguyễn Dương Hưng ở Sơn Tây và Thái Nguyên; Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Đình Dung ở Sơn Nam, Hoàng Công Chất ở Sơn Nam, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương ở Thanh Hóa, Nghệ An.
18 Xem Lê Quý Đôn - Phủ Biên Tạp Lục.
19 Theo Lê Quý Đôn - Kiến Văn Tiểu Lục – có lần bài thi Hương ở Sơn Nam khó quá, sĩ tử hò reo ầm ỹ không chịu thi, quan trường phải đổi đề khác.
20 Xem Kiến Văn Lục 見文綠 của Vũ Trinh (viết năm 1818) “Chuyện Nguyễn Trật” ta thấy những sự kiện bê bối về nạn gà bài, tráo bài ở thời nầy.
21 Do đó kỳ thi Chính đồ còn gọi là kỳ thi Nhiêu học.
22 Tam ty coi tất cả việc hành chánh, gồm có:
* Xá Sai ty coi việc từ tụng, văn án, do quan Đô Tri và Ký lục làm đầu.
* Tướng Thần Lại ty lo việc thu thuế và phát lương thực cho quân sĩ ở các đạo, do Cai Bạ làm đầu.
* Lệnh Sử ty giữ tế tự, tết nhất và phát lương thực cho quân sĩ ở chính dinh, có quan Nha Uý làm đầu.
23 Phan Khoang - Việt Sử Xứ Đàng Trong - Khai Trí, Sàigòn, 1970, tr 502.
24 Thư ký các công sở, công chức lớp dưới.
25 Ca dao được cho là thuộc thời nầy:
Đầu cha lấy làm chân con.
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.

26 (1). Chu Tuyên Vương (827 - 782) vị vua đã tạo sự cường thịnh cho nhà Chu sau một thời gian suy vì do vua cha là Lệ Vương gây ra. (2). Chấn tu cương kỷ: gây dựng, sửa sang giềng mối cho quốc gia. (3). Bình ngoại khấu: dẹp giặc ngoài. (4) Tộ: Phước vận may của quốc gia. (5). Hán Quang Vũ: (25 - 57) vị vua đã dựng nên nhà Đông Hán. (6). Diên lãm, diên: mời; lãm: nắm hết. Toàn câu: mời rước hết những người hào kệt về cùng phục vụ cho quốc gia. (7). Di nội nạn: San bằng những loạn bên trong. (8). Ví: so sánh. (9). Giồi: tô lại nhiều lần, ở đây có nghĩa dùng văn trị nước được yên. (10). Thái tổ: Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) 1428 - 1433. (11). Dùng xích kiếm dẹp tướng thiên triều: dùng thước gươm dẹp tướng Trung Quốc. Có câu khen vua Lê Thái Tổ: Xích kiếm sơn hà: chỉ có một thước gươm mà thâu phục được lại non sông. (12). Thái Tông: Lê Thái Tông (1434 - 1442). (13). Doanh thành: đầy và trở nên, ý nói thành tựu và sung mãn. (14). Vào địa giới vén thu Nam Quốc: Mở rộng lãnh thổ bằng cách cáp nhập đất đai của nước khác vào nước Nam. (15). Thánh kế thần truyền: những vị kế tiếp trị vì đều tài đức. (16). Trang Tông: Lê Trang Tông (1532 - 1548). (17). Rủ áo: Chu Dịch, thiên Hệ Từ có câu: Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn thùy y thường nhi thiên hạ trị: Các hoàng đế Nghiêu, Thuấn ngồi rủ áo mà thiên hạ vẫn được yên ổn, thái bình. (18). Thái Vương: chỉ Trịnh kiểm; Kiểm sau khi chết được truy tôn là Minh Khang Thái Vương. (19). Uy chấn bụi bờ: quyền uy rung động khắp nơi. (20). Thế Tông: Lê Thế Tông (1573 - 1599). (21). Bình Vương: chỉ Trịnh Tùng; Tùng được tiến phong làm Đô Nguyên Súy Tổng Quốc Chính Thượng Phu Bình An Vương vào thời vua Lê Thế Tông. (22).Đông đoài nam bắc: bốn phương. (23). Hàng hải thê sơn: vượt biển leo núi (Đào Duy Từ, Ngoạ long Cương: thang mây bè biển đều về). (24). Lời Trịnh Tráng xưng với Nguyễn Phúc Nguyên. Tráng là cháu nội của Ngọc Bảo, Nguyên gọi Ngọc Bảo bằng cô nên Tráng gọi Nguyên bằng chú và tự xưng cháu. (25). Hiền uy hội về: người đức, tài đều phục vụ dưới trướng của mình. (26). Long Thái thượng Ty (?) (27). Hai châu: chỉ Thuận Hóa và Quảng Nam, đất thuộc quyền chúa Nguyễn lúc ấy. Hai châu nầy là phần đất từ Quảng Bình đến Bình Định ngày nay. (28). Cả câu: muốn đánh nhưng nhớ lời dặn của ông bà ngày trước. Đây chỉ là một cách nói vừa dọa nạt vừa đề cao dòng họ chớ chưa phải thật. (30). Vãng quan: đến xem. (31). Tuần thú: chỉ vua đi xem xét dân tình. (32). Tật khổ: đau đớn, khổ sở. (33). Thông hay: hay biết rõ ràng tất cả. (34). Cả câu: muốn đem cái khám đựng bài vị của Nguyễn Hoàng về Bắc thờ. (35). Ở chưng trong trường lạc: Ở trong Nam thường vui sướng. (36). Một áng: một đám; một cụm; đây nghĩa; ở gần nhau. (37). Đường Ngu: Đường Nghiêu (2457 - 2255) và Ngu Thuấn (2256 - 2208): hai đời vua có tài, xưa trị vì nước được thái bình. (38). Tắc, Tiết: Hậu Tắc, quan của vua Nghiêu và Tiết quan đời vua Thuấn. (39). Bức thư này do Giáo Sư Bửu Cầm phiên trích trong quyển Thuận Hoá, Quảng Nam Thực Lục tài liệu của Viện Khảo Cổ, Sàigòn, số VĐ, tờ 6a - 7a và công bố trong tạp chí Văn Hóa Nguyệt San, số tháng 9 - 1963. Thêm cho chú thích nầy: Tháng 5/2000 chúng tôi có vào cơ quan trước là Viện Khảo Cổ thì tìm không ra mấy tài liệu nầy nữa. Tiếc thay!
27 (1). Min: tiếng người trên xưng kẻ dưới. (2). Hoãn cấp: lúc thong thả và khi rút gấp; chỉ lúc có việc cần. (3). Bạo: Lập Bạo, tướng nhà Mạc đi đường biển vào Quảng Bình đánh chúa Nguyễn Hoàng năm 1572, về sau Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế giết được Bạo. (4). Chu Thử: Đời Đường Đức Tông (780 - 804) Chu Thử làm loạn đem binh vây Đức Tông ở Phụng Thiên. Về sau Thử thua, bị bộ hạ giết. (5). Ngạn, Nga: Các tướng Phan Ngạn và Ngô Đình Nga của nhà Lê nổi lên đánh Trịnh ở cửa bể Đại An. Nguyễn Hoàng mượn cớ đi đánh dẹp, đem quân về luôn Thuận Hóa. (6). Vương Đôn: người đời Tấn muốn soán ngôi vua nhưng Tấn Minh Đế (323 - 325) đem quân đánh dẹp được. (7). Chiêu: bên trái. (Chân nam đá chân chiêu). (8). Sương nghiêm doanh liễu: điển Chu Á Phu đóng quân ở Tế Liễu, quân lính kỷ luật, tướng nghiêm. (9). Đền phong: đền vua: ngày xưa trước điện vua thường trồng cây phong. (10). Cả câu: chỉ thấy Trịnh Tráng ra lệnh mà không thấy chiếu của vua. (11). Chước: mưu kế. (12). Trị Xuân Thu: (Xuân Thu tên bộ sử do Khổng Tử soạn): viết bộ Xuân Thu, Khổng Tử nghĩ lại những lỗi lầm của nhân vật đời Xuân Thu để dạy đời. (13). Lời Dự Nhượng nói với Triệu Tương Tử: “Phạm Trung Hành đối xử tôi như kẻ tầm thường, tôi lấy tư cách người tầm thường đáp lại. Trí Bá đãi tôi vào hàng quốc sĩ, tôi lấy khí tiết của kẻ quốc sĩ mà báo đáp.” (14). Tiết học hiền xưa, nghĩ vâng thánh trước: học khí tiết của người xưa, theo điều nghĩ của vị thánh đời trước. (15). Cố Lăng: nơi Hạng Võ bị Hán Cao Tổ đuổi đến. (16). Xích Bích: Nơi Châu Do đại thắng quân Tào Tháo. (17). Ôn Kiệu: người đời Tấn Minh Đế (323 - 425), khi đi thuyền qua Ngưu Chử Cơ có đốt sừng tê giác để xem những quái vật dưới nước. (18). Tổ Công: tức Tổ Địch, người đời Tấn Nguyên Đế (317 - 322) khi đem quân dẹp giặc đã vỗ mái chèo thề: “Nếu không dẹp yên được giặc thề không trở lại sông nầy...” (19). Hoàn Huyền: Loạn thần đời Tấn An Đế (397 - 418) (20). Vương Mãng: Loạn thần đời Tây Hán, tiếm vị được 14 năm. (21). Tài liệu do GS Bửu Cầm trích trong Thuận Hoá, Quảng Nam Thực Lục, tờ 7a - 8a và Lê Triều Dã Sử, tài liệu của Viện Khảo cổ Sàigòn, số VS. 38, tờ 4a - 5a. Vẫn là không tìm thấy tài liệu nầy năm 2000.
28 (1). Tuân thủ: Giữ theo. (2). Dùng dằng: như dùng dằng - do dự không nhất quyết: Kiều: dùng dằng nửa ở nửa về. (3). Xá: tha. (Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhơn). (4). Lệ trước mỗi năm chúa Nguyễn phải nộp cho nhà Lê 400 cân bạc và 500 tấm lụa. (5). Đến Kinh đô triều hạ: đến kinh đô chầu để chúc mừng vua. (6). Nhược bằng: nếu như. (7). Khâm tai sắc dụ: Nay có lời sắc nầy hãy kính cẩn nghe - Sắc văn này trích trong Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, trang 295 - 296. Chúng tôi ngờ rằng tài liệu của học giả Trần Trọng Kim không được chính xác vì sắc văn nầy được viết quá trôi chảy. Thư Nôm trước đó (1625) và sau đó, của Trịnh Cương gởi cho Nguyễn Quán Nho hay của Nguyễn Huệ gởi cho La Sơn Phu Tử đều được viết với một giọng văn thô hơn nhiều, lại xen rất nhiều đoạn Hán tự. Có lẽ đây là tài liệu đã được tái dịch từ Hán ra Nôm, sau khi bản chánh đã được dịch từ Nôm sang Hán.  
_______________________________
(*) Quan điểm riêng của ViệtVănMới Newvietart:


Ngôi Vua không phải của riêng một gia đình hoặc dòng tộc hay của một cá nhân nào, nên bất kỳ ông vua, nguyên thủ quốc gia nào kém tài thiếu đức thì sớm hay muộn cũng đều bị lật đổ . Đó là một sự kiện rất bình thường ở bất cứ một thời điểm lịch sử nào , ở bất kỳ một quốc gia nào . Quan niệm "nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê" của Trần Trọng Kim là hoàn toàn sai.


... còn tiếp ...



VVM.26.5.2023 -

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .