C huyện cũ,
Tôi học Việt Văn lớp Đệ Lục với ông Lê Đình Ngân - người làng Bồ Bản, có bà con với Giáo Sư Lê Đình Cai? - Ông Lê Đình Ngân là nhà văn Đình Ngân, tác giả tập truyện ngắn "Phong Lan" - mấy năm sau, khi tôi là "mầm non văn nghệ" cho báo "Mùa Lúa Mới" ở Huế, nhớ Thầy cũ, có lần tôi lấy hiệu là Phong Lan, hoặc Phong Châu, bởi vì "cô ấy" tên là Mỹ Châu.
Khi Trường Trung Học Quảng Trị khai giảng được năm thứ hai - 1952/ 1953 thì ông Lê Đình Ngân, đang làm bên Ty Ngân Khố, tòa Hành Chánh tỉnh Quảng Trị, xin chuyển qua dạy Việt Văn ở trường trung học nầy.
Trước năm 1945, ông Đình Ngân có hoạt động trong giới văn nghệ, có xuất bản truyện ngắn "Phong Lan" như nói ở trên. Cũng có lần, sau nầy, khi "làm báo" ở Huế, về Quảng Trị tôi đến thăm ông, ông có kể vài chuyện nhỏ, ông có quan hệ với Xuân Diệu, Chế Lan Viên - Chế Lan Viên cùng quê Quảng Trị với ông.
Tôi "chịu ảnh hưởng" của ông Ngân khá đậm vì năm học với ông, ông là người "khám phá" ra tôi là người có khả năng viết văn. Các bài luận văn tôi viết, ông thường đem đọc cho các lớp khác nghe, bọn học đệ ngũ hay đệ thất. Điều quan trọng hơn là những bài ông trích giảng cho học sinh: Tập "Xóm Giếng Ngày Xưa" của Tô Hoài, "Vang Bóng Một Thời" của Nguyễn Tuân, hay vài tác phẩm của Lưu Nghi, như bài "Mùa Sao". Bấy giờ đã có sách Việt Văn của Nguyễn Xuân Hiếu và Trần Mộng Chu, nhưng tôi không thấy ông dùng sách nầy. Ông Ngân cũng là người khiêm nhường, tôi không nghe ông nói tới cuốn "100 bài tập đọc", cuốn sách có trích đăng bài của ông, bài "Trưa hè". Nếu tôi khen bài nầy hay thì cũng thừa.
Chính năm tôi học với ông, về Cổ Văn, tác giả chính là Trần Tế Xương. Trần Tế Xương thi hỏng mấy lần, không ra làm quan được để "cứu" gia đình ông. Nhà đông con, nghèo. Học giỏi tới đâu mà thi không đậu thì cũng không được bổ làm quan, kiếm bỗng lộc của "Nhà Nước" mà nuôi con.
Có một lần, khi giảng về Trần Tế Xương, ông Ngân bảo "tính khí" như ông Trần Tế Xương, có làm quan rồi cũng xin về, như ông Đào Tiềm ở bên Tàu. Rồi ông Ngân đọc mấy câu trong bài "Quy Khứ Lai Từ" của Đào Tiềm:
"Đi về sao chẳng về đi,
Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về?
Đem tâm để hình kia sai khiến
Còn ngậm ngùi than vãn với ai?
Ăn năn thì sự đã rồi,
Từ đây còn lại, biết thôi mới là.
Lối đi lạc chưa xa là mấy,
Nay khôn rồi chẳng dại như xưa.
Con thuyền thuận nẻo gió đưa,
Gió hây hây áo thuyền lơ lửng chèo.
Hỏi hành khách lối nào đi tới,
Bóng mập mờ trời mới rạng đông.
Miền quê nẻo trước xa trông,
Chân hăm hở bước đường mong tới nhà.
Bản dịch của Từ Long,
trong "Nam Phong Tạp Chí" của Phạm Quỳnh,
"Thi Viện" trích lại./
"Đi về sao chẳng về đi..." Ngay câu thơ đầu của ông thầy Việt Văn đọc cho nghe, đã "ám ảnh" tôi mấy chục năm, cho tới tận bây giờ. Có lần tôi nói với ông: "Thầy từ bên Ty Ngân Khố, xin qua dạy Việt Văn, cũng là "Quy Khứ Lai Từ" rồi. Nói chi xa." Ông Ngân chỉ người. Có lẽ ông nghĩ "anh học trò" nầy thuộc loại "tinh ranh", biết tận "tim đen" ông.
Với ông Ngân, không phải chỉ chừng đó đâu. Ông có cậu con trai, đặt tên là "Lộng Chương", tức là nhà thơ "Lê Đình Lộng Chương" hiện giờ. Trong tiếng Hán Việt, "Lộng" có nghĩa là chơi. Tra trong "Hán Việt Tự Điển", Đào Duy Anh giải thích như thế nầy: Lộng: ngắm nghía, - chơi nhởn, - chơi nhạc.... "Lộng Chương": Chơi ngọc chương, tức là sinh con trai. Kinh thi có câu: "Nãi sinh nam tử, tái lộng chi chương", nghĩa là: sinh con trai thì cho chơi ngọc chương.
Tôi thì nghĩ, - có lẽ tôi đoán ý thầy -, chương là văn chương. Thời kỳ "cho chơi ngọc" - chương - so với thời đại ông Ngân, lùi vào dĩ vãng đã lâu rồi, đâu phải vua chúa gì mà đem ngọc cho con chơi. Chữ Chương ông Ngân dùng trong Lộng Chương là văn chương, vì thời kỳ ấy, nhà văn Phan Kế Bính giải thích: "Văn là gì? Văn là vẻ đẹp. Chương là gì? Chương là vẻ sáng. Lời của người bóng bẩy, đẹp đẻ như có vẻ đẹp, vẻ sáng nên mới gọi là văn chương."
Với lại, đọc văn học Cổ, người ta biết điển tích "Nàng Lộng Ngọc". Bạn đọc có thể đọc câu chuyện cổ tích nầy ở phần phụ lục. Có lẽ ông Thầy tôi không tin lắm câu chuyện huyền hoặc, nhưng ông thích câu chuyện ông Cử Hai trong "Vang Bóng Một Thời" của Nguyễn Tuân, không lấy văn chương làm một "mưu hồ khẩu", không phải để mưu sinh, mà coi nó như một trò tiêu khiển. Nghĩ tới ông Thầy cũ và tên người con trai của ông, tôi vẫn thường nhớ tới "ông Cử Hai" trong truyện ngắn "Một cảnh thu muộn" của Nguyễn Tuân, trong "Vang Bóng Một Thời":
"Ông Cử Hai đi dạy học, đã lấy cái việc dạy học làm như một hồ khẩu mà y như đi ngoạn cảnh hoặc đi dâng hương ở các đền chùa cổ tích. Và những lúc mỗi chân phải ngừng ở lại các thôn ổ, ông lại còn thỉnh thoảng ngừng cả cái miệng giảng sách hoặc ngừng chấm nét son lên quyển bài để đề một bức châm lên lá quạt tặng một ông bạn đồng song, để khắc chữ triện và chạm trổ một hòn đá sù sì cho thành một con thạch ấn, để dúng ngón tay trỏ vào chậu mực vẽ một bộ tứ bình thủy mặc có hình đủ bốn thứ cây cỏ tứ hũu; cúc, trúc, lan, mai, treo chơi trên vách đất quán trọ nơi ngồi dạy học.
Gần ngày tết nhất, người trưởng tràng lúc thu xong sổ đồng môn, chỉ khổ lên vì đi tìm thầy; Tết mồng ba, ông Cử Hai đã trốn khỏi nhà trọ từ hôm trước để đi ăn hàn thực và đi hội đạp thanh với các bạn sính làm thơ tức cảnh. Tết Đoan Ngũ, ông lên núi hái lá thuốc, những mong được gặp tiên; Tết Trung Thu, ông lên Chùa Thầy ngắm trăng Chợ Trời họp trên đỉnh núi Sài Sơn. Gần tết Nguyên đán, nếu chưa về nhà, thì ông ẩn ở trong một mái đình vắng nào để gọt cho hết một lắp thủy tiên. Cái hành tung của người nghệ sĩ không chịu sống cho người và hùa theo với người chung quanh ấy, thực khó mà dò hỏi. Lùng tìm cái dấu bàn chân một chính khách thất quốc lúc vượt bể ra ngoài mưu việc lớn, thực còn dễ hơn đi đuổi theo ông Cử Hai những lúc hứng giang hồ ở người ông nổi dậy.
(hết trích)
Cuộc đời Thầy giáo của tôi, cũng như bài thơ "Quy khứ lai từ" làm tôi suy nghĩ đến tư tưởng và tình cảm của người châu Á, cũng như nhiều nhân vật lịch sử nước ta. Chu Văn An, đời Trần Dụ Tông, sau khi dâng "thất trảm sớ" không có kết quả, ông cáo quan về hưu, làm nghề dạy học. Ông Lương Đắc Bằng, và học trò của ông, Trạng Trình cũng cáo quan về hưu, sau khi dâng sớ đòi trị tội 18 kẻ lộng thần.
"Cáo quan về hưu...", "tiến vi quan, thối vi dân" hay "thối vi nông" là một nét đặc biệt trong văn hóa người Việt, cũng như người Tàu. Không nhiều ham muốn, tham vọng, không để cho "vật chất ràng buộc tấm hình hài".
Đông Tây không gặp nhau
Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ
Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử
Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi
Khi hai người đàn ông lực lưỡng từ đường biên mặt đối mặt không thôi.
Bài thơ Đông – Tây
Rudyard Kipling
Có lẽ người Tây phương không có "truyền thống" "thối vi dân" như người Việt Nam chúng ta. Họ theo đuổi tham vọng, say sưa miệt mài với quyền lực, như thể mất quyền lực thì họ cũng mất theo, dù phải dối trá, tàn ác, phản phúc, bội phản...
Có phải giữa người Tây phương và người Á Đông khác nhau về văn hóa. Một bên là mềm, một bên là cứng, một bên tích cực, một bên tiêu cực...
Cứ coi trong lịch sử nhân loại, chúng ta biết ngay. Ví dụ như đạo Thiên Chúa, đạo Hồi là sản phẩm của "Văn minh Địa Trung Hải". Do đâu mà người theo đạo Hồi, người theo Thiên Chúa Giáo giết nhau rất tận tình. Nếu có ai không tin tôi, xin đọc Thập Tự Chinh thì biết ngay. Lịch sử những cuộc chém giết ấy, ai đọc mà không thấy ghê.
Cũng từ trong nền văn minh ấy, mà đẻ ra chủ nghĩa Cộng Sản. Chủ nghĩa Cộng Sản giết người cũng không gớm tay. Lênin, Stalin, Hitler là những người từ trong văn minh ấy mà chui ra, họ giết người không nương tay đã đành. Có thể có người hỏi, còn như Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, cha con nhà Kim yun Ủn, từ văn minh nào ra mà họ cũng tàn ác không kém chi "cha chú" của họ, cũng gây nên cảnh chết chóc hàng triệu, hàng trăm ngàn người. Chỉ một việc "Thổ địa Cải Cách", Tàu Cộng thực hành, Việt Nam noi theo, đến nay, thảm cảnh ấy, liệu có ai quên.?
Nói như thế là người ta quên đi một điều. Mao, Hồ, Kim... tuy là người châu Á, họ cai trị đất nước không theo văn hóa của người Á Châu mà lại theo văn hóa người Tây Phương. Thành ra, con người họ chính là nơi gặp gỡ của Đông/ Tây. Câu nói của Rudyart Kipling, nhà văn Anh sinh trưởng ở Ấn Độ, nó chỉ đúng ở thời đại của nhà văn ấy, còn như khi Mao, Hồ cầm quyền, thì nói theo cách của nhiều người, tâm hồn của Mao, Hồ đã bị nhuộm đỏ mất rồi.
Nhận xét nầy, tôi không nói vu hay nói oan cho Mao cũng như Hồ. Đã là người châu Á, nhất là người Tàu và người Việt, dù tin hay không, họ cũng phải biết tới tam giáo Phật, Nho, Lão trong văn hóa của người Châu Á, tức là cái lòng tham, cái tham vọng trong lòng họ không thể để cho nó luông tuồng mà phải biết giới hạn nó lại. Điều nầy, trong những năm dạy truyện Kiều cho học trò, tôi không thể quên mà không nói cho bọn trẻ về tâm trạng Nguyễn Du, không muốn ra làm quan mà cũng phải ra, mà trong lòng ông thì bao giờ cũng nghĩ tới "Quy khứ lai từ".
Trần Trọng Kim nhận xét về Nguyễn Du như sau:
"Tiên-sinh là người có khí-tiết, gặp khi trong nước có biến, nhà Nguyễn Tây-sơn dấy lên, nhà Lê bại-vong, tiên-sinh đã nhiều phen lo-toan sự khôi-phục, nhưng vì sự không thành, bỏ về quê ở, lấy sự chơi-bời săn-bắn làm vui thú. Trong vùng chín-mươi-chín ngọn núi Hồng-lĩnh không có chỗ nào là chỗ tiên-sinh không đi đến. Phải thời quốc phá gia vong, tiên-sinh đã toan bỏ việc đời ra ngoài tai, đem cái thân-thế mà vui với non sông. Ấy là cái chí của tiên-sinh đã định như thế, nhưng đến khi vua Thế tổ Cao-hoàng bản Triều đã thống-nhất được giang-sơn, có ý muốn thu-phục lòng người miền Bắc, xuống chiếu trưng-triệu những nhà dòng-dõi cựu-thần nhà Lê ra lục-dụng. Tiên-sinh phải triệu ra làm quan, hai ba lần từ-chối không được.
Ý tưởng nầy, không phải là không có gì khuyết điểm. Lý thuyết - người ta còn gọi là ĐẠO - Trung Dung của Khổng Tử làm cho người ta mất đi cái ý tiến thủ, không muốn "tiến lên phía trước", "đi tiên phong"..." để xây dựng xã hội mới, để tìm những đất mới, những báu lạ, làm cho thế giới phát triển, mở rộng như ông Christophe Colomb, hay ông Nansen...
Về tư tưởng nầy, thơ Tàu có câu:
Nhân kỵ tuấn mã, ngã kỵ lư.
Tư tế tư lương, ngã bất như.
Hồi đầu hựu kiến thôi xa Hán
Thượng tuy bất túc, hạ hữu dư.
(Người ta cởi ngựa, ta cởi lừa,
Nghĩ ra thì ta không bằng người.
Nhìn lui, thấy một người Hán đang đẩy xe
Trước không bằng người, nhưng phía sau ta hơn người)
Nói như thế thì "Đời là tranh đấu" gì nữa!
Nói chuyện Đông/ Tây như thế nầy, bạn bè tôi có rằng tôi bị méo mó nghề nghiệp. Chuyện Đông là Đông, Tây là Tây chỉ là chuyện trong sách vở, rộng hơn một chút là ở "ghế nhà trường," của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, của Giáo Sư Lê Văn Siêu trong "Văn Minh Việt Nam" là cours ông dạy cho sinh biên văn khoa. Thành ra, tôi cũng ngại khi nói về vấn đề nầy.
Tuy nhiên, nếu chế độ Cộng Sản không bành trướng ra khắp Châu Á, từ Bắc Triều Tiên, tới toàn thể lục địa Trung Hoa, Bắc Việt Nam, rồi toàn bộ nước Việt Nam sai khi tổng thống Dương Văn Minh "tuyên bố đầu hàng Việt Cộng", gây ra không biết bao nhiêu thảm ảnh cho dân chúng ở các vùng nầy, cùng cái vòng kim cô Cộng Sản mà Cộng Sản chụp lên đầu các dân tộc nầy, thì chuyện Đông là Đông, Tây là Tây thì tôi đâu có "hưỡn" mà đem ra bàn như vầy.
Dù ở dưới chế độ Cộng Sản nà, xem ra, so với Tàu, người Việt Nam cũng còn may. Có thể những thảm cảnh "Cải Cách Ruộng Đất" ở nước ta không thua gì bên Tàu, nhưng nếu nói về "Đại Nhảy Vọt", "Cách Mạng Văn Hóa", "Hồng Vệ Binh", xem ra ở nước ta không có, hay là chưa xảy ra.
Chỉ nói tới "Đại Nhảy Vọt" bên Tầu, hậu quả như thế nào?
Trong khi hầu hết người dân thế giới xem thảm sát Holocaust của Adolf Hitler, Đại thanh trừng của Joseph Stalin, “Nạn đói lịch sử” (Terror Famine) của Ukraine, hay cuộc tàn sát người da đỏ ở Tân Thế Giới là những vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử, Đại nhảy vọt của Mao dường như đã vượt trội hơn tất cả với một khoảng thời gian kỷ lục.
Đại nhảy vọt đã giết chết khoảng 45 triệu người, theo nhà sử học Frank Dikötter, tác giả cuốn “Nạn đói lớn của Mao”, người đã viết một bản cập nhật cho nghiên cứu này trên tờ "History Today" xuất bản ngày 8/8.
Dikötter đã tóm tắt Đại nhảy vọt của Mao như sau:
Mao đã nghĩ rằng ông ta có thể giúp đất nước của mình vượt qua đối thủ cạnh tranh bằng cách tập hợp dân làng trên khắp đất nước thành những công xã khổng lồ. Nhằm theo đuổi một thiên đường không tưởng, tất cả mọi thứ phải là sở hữu tập thể. Người ta bị lấy đi công việc, nhà cửa, đất đai, đồ đạc và sinh kế. Trong bếp ăn tập thể, thức ăn, được phân phối theo thìa dựa theo công tội, đã trở thành một vũ khí để buộc người dân phải theo sát từng mệnh lệnh của Đảng. Động lực làm việc bị tiêu tan, thay vào đó cưỡng chế và bạo lực đã được sử dụng để bắt những nông dân đói khát phải lao động trên những công trình thủy lợi quy hoạch kém, còn những cánh đồng lúa thì rơi vào quên lãng.
Nhưng chính sách này hóa ra lại là một thảm họa, làm chết hàng chục triệu người dân bằng nạn đói. Nhưng không chỉ nạn đói gây ra chết người vô số kể, những tài liệu mới cho thấy vài triệu người cũng đã bị tra tấn đến chết hay bị hành hình trong cùng thời gian đó.
(nguồn: trithucvn.org)
Còn nữa, sau đây là trích đoạn trong Wikipedia:
Cuộc cách mạng này (Cách Mạng Văn Hóa) được Mao Trạch Đông khởi xướng và lãnh đạo từ ngày 16 tháng 5 năm 1966, với mục tiêu chính thức là "đấu tranh với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng và sử dụng những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh thần của toàn bộ xã hội".
...
Cuộc Cách mạng văn hóa Vô sản là "một cuộc cách mạng lớn đụng chạm đến tất cả mọi người và thiết lập một giai đoạn mới trong sự phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong nước, một giai đoạn sâu rộng hơn". Mặc dù giai cấp tư sản đã bị lật đổ, chúng vẫn cố gắng sử dụng những tư tưởng và lề thói cũ của giai cấp bóc lột để đầu độc quần chúng nhân dân, nắm bắt tâm chí họ và cố gắng khôi phục giai đoạn tư sản. Giai cấp vô sản phải làm điều ngược lại: Đó là tranh đấu với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng và sử dụng những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh thần của toàn bộ xã hội. Hiện tại, mục tiêu của chúng ta là đấu tranh và đè bẹp những kẻ hữu khuynh muốn phá bỏ cấu trúc thượng tầng của chủ nghĩa xã hội...
Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc đã để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ về kinh tế, xã hội mà cả về văn hóa. Trước khi Mao trạch Đông qua đời, người ta có ước tính rằng có khoảng 12 đến 20 triệu người, gồm 5,4 triệu Hồng Vệ Binh, đã trải qua lao động nặng nhọc ở nông thôn, trong đó là 1 triệu người dân Thượng Hải tức là 18% dân số của thành phố lúc đó. Số nạn nhân trong giai đoạn này có nhiều ước tính khác nhau, nhưng chắc chắn là rất lớn. Theo nhà nghiên cứu Rudolph Rummel, từ năm 1964 đến năm 1975, khoảng 7,7 triệu người Trung Quốc là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp bởi phong trào này do đói kém và xung đột dân sự. Khoảng 3 triệu người (trong đó có nhiều Đảng viên) bị kỷ luật hoặc cầm tù, 60% đảng viên bị khai trừ, nhiều người trong số họ bị trục xuất về nông thôn để lao động nặng nhọc trong thời gian diễn ra Cách mạng văn hóa. Về mặt xã hội, trong thời Cách mạng văn hóa, nhiều trường đại học ở Trung Quốc đã bị đóng cửa, dẫn đến hậu quả là cả một thế hệ người Trung Quốc không được tiếp cận với giáo dục đại học. Trong thập niên 1980, TBT/ ĐCS Trung Quốc Hồ Diệu Bang nhận xét rằng: "Khoảng 100 triệu người Trung Quốc đã chịu đau khổ trong thời kỳ này".
Những "đại họa" nầy chưa hay không bao giờ xảy ra ở nước ta. Chủ nghĩa Cộng Sản, chính là đứa con ruột thịt của văn hóa Tây Phương đấy.
Trở lại câu chuyện "Quy khứ lai từ", tôi thấy buồn cười cho xã hội VN ngày nay. Đã là "Hy sinh đời bố, củng cố đời con" thì "Quy khứ" gì nữa. Dù có "về" đi nữa như người xưa nói, thì cũng mang theo ít triệu đô la. Có đô la mới làm cha thiên hạ mà thật ra, cũng không cần làm "Mặt heo" như Trương Quốc Huy mai mỉa, làm Trương Muội như trong vụ Vạn Thịnh Phát.
Thành ra, thiên hạ đời nay, làm gì có chuyện Ông Chu Văn An xin chém 7 đầu nịnh thần không được nên xin từ quan hay chuyện Cụ Trạng Trình xin hạch tội 18 nịnh thần.
Ông anh cả của bà chị dâu tôi, hồi xưa thi không đậu được cái bằng "Ri-me" (Primaire Elementaire - tiểu học/ cấp 1), theo Việt Minh/ Việt Cộng, tập kết năm 1954, Sau 1975, hồi kết, làm trưởng phòng Tổ Chức, Sở Xây Dựng/ Tp, lấy được ngôi nhà của một Dân Biểu thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Năm 2000, bán ngôi nhà được 7 ngàn "cây" vàng, chia đều cho 4 đứa con.
Nếu anh ta không theo Cộng Sản, làm sao anh ta có 7 ngàn "cây" vàng? Có lẽ anh ta không biết gì về Đào Tiềm, về Chu Văn An, về Trạng Trình, nhưng rõ ràng, anh thuộc về "Văn Hóa Vô Sản", văn hóa của Stalin, của Mao, của Hồ Chí Minh, "trung với "đảng", hiếu với Dân"...
Những người Cộng Sản VN bây giờ, nếu có "Quy khứ lai từ", người ấy chỉ còn cái "đả cẩu bổng" cái bang mà thôi?./
Phụ lục:
Thời Xuân Thu, Tần Mục Công nước Tần có một cô con gái; lúc cô bé mới được sinh ra, có người đem dâng Tần Mục Công một viên đá ngọc bích, ông sai thợ đẽo dũa đi, thành một viên ngọc xanh biếc trông rất đẹp.
Ðến hôm con gái Mục Công tròn 1 tuổi, trong cung bày bàn tiệc tổ chức ngày lễ “chọn đồ vật đoán tương lai” cho cô bé. Đây là một tập tục của người xưa, đến ngày tròn 1 tuổi, cha mẹ sẽ bày lên một cái đĩa bao gồm các đồ vật để con tự do lựa chọn theo sở thích của mình. Lúc này, người con gái nhặt ngay viên ngọc, rồi ngắm nghía mãi, bởi vậy Mục công đặt tên cho con là Lộng Ngọc.
Lộng Ngọc lớn lên, nhan sắc tuyệt trần, lại sẵn tính thông minh trời ban, rất có tài thổi sáo, không cần học ai cả, mà tự thành âm điệu, hơn nữa nàng không cứng nhắc theo chỉ dạy của nhạc sỹ, mà tự thả hồn theo âm nhạc, tiếng sáo nghe rất tuyệt diệu. Mục công sai thợ làm một cái sáo bằng ngọc để cho nàng thổi. Nàng thổi cái sáo ấy, tiếng trong như tiếng chim phượng.
Mục Công rất yêu quý con gái, lại lập một cái lầu cho nàng ở, đặt tên là “Phượng lâu”, trước lầu có xây một cái đài cao gọi là “Phượng đài”. Năm Lộng Ngọc mười lăm tuổi, Tần Mục công muốn kén rễ cho nàng, Lộng Ngọc nói với cha rằng:
“Con muốn tìm người có tài thổi sáo và có thể họa xướng cùng với con, khi đó con sẵn lòng lấy người ấy làm chồng, còn không thì con cũng chẳng thiết tha gì”.
Mục Công sai người đi tìm nhưng chẳng được một người nào vừa ý. Một hôm, Lộng Ngọc ở trên lầu cuốn rèm lên ngắm cảnh, thấy trời tạnh mây trong, trăng sáng như gương, nàng gọi thị nữ đốt lên một nén hương, rồi đi lấy cái sáo bằng ngọc bích, đến bên cửa sổ mà thổi. Tiếng sáo véo von vọng lên vòm trời, gió hây hây thổi, bỗng nghe như có người họa lại, khi gần khi xa. Lộng Ngọc không khỏi băng khoăn, bèn ngừng lại không thổi nữa, cố ý để nghe xem sao. Tiếng họa bỗng im đi, nhưng dư âm còn vang vọng không dứt.
Lộng Ngọc bâng khuâng trước gió, như một ngưới vừa đánh mất vật gì. Chốc đã nửa đêm, trăng xế hương tàn, nàng đem ống sáo để trên đầu giường, gắng gượng đi nằm. Nàng đang thiêm thiếp, bỗng thấy về phía tây nam trên trời, cửa mở rộng ra, hào quang ngũ sắc, rực rỡ như ban ngày, có một chàng trai trẻ tuổi, mũ lông áo hạc, cưỡi con chim phượng ở trên trời xuống, đứng trước Phượng đài bảo nàng rằng:
“Ta đây làm chủ ở núi Họa Sơn, Ngọc Hoàng thượng đế cho ta kết duyên với nàng, đến ngày trung thu này thì đôi ta gặp nhau, ấy là duyên số định sẵn như vậy!”
Chàng trai trẻ tuổi ấy nói xong, lấy tay cởi bỏ ống ngọc tiêu đeo bên hông xuống, rồi đứng dựa lan can mà thổi. Con chim phượng đứng bên, cũng vươn cánh ra, vừa kêu vừa múa.
Tiếng phượng cùng với tiếng ngọc tiêu xướng họa, cùng nhịp với nhau như một, theo điệu cung thương, nghe rất êm ái. Lộng Ngọc mê mẩn tâm hồn, hỏi rằng: “Ca khúc này là gì?”
Chàng trai trẻ tuổi ấy nói: “Đây là khúc ‘Họa Sơn Ngâm’ đó!”
Lộng Ngọc lại hỏi: “Ca khúc này có học đưọc không?”
Chàng trai ấy nói: “Khi ta đã kết duyên với nàng rồi thì khó gì mà ta không dạy nàng được”.
Chàng trai trẻ tuổi ấy đến gần trước mặt, cầm lấy tay của Lộng Ngọc; Nàng giật mình tỉng dậy, thì ra một giấc chiêm bao. Sáng hôm sau,
Lộng Ngọc thuật lại chuyện chiêm bao cho Mục Công nghe. Mục công sai Mạnh Minh cứ theo
như hình tượng người trong mộng mà đến dò tìm ở núi
Họa Sơn. Người nông phu ở đấy trỏ lên núi mà bảo Mạnh Minh rằng:
“Hôm rằm tháng bảy mới rồi, có một người lạ mặt, đến làm nhà ở trên núi này, ngày nào cũng xuống mua rượu uống, đến buổi chiều
lại thổi chơi khúc ngọc tiêu, ai nghe cũng lấy làm thích lắm, không rõ là người ở đâu”.
Mạnh Minh lên núi, quả nhiên thấy có một người mũ lông áo bạc, trông như một vị thần tiên. Mạnh Minh
biết là không phải người thường, mới đến trước mặt vái chào, mà hỏi họ tên người ấy. Người ấy nói:
“Tôi họ Tiêu, tên Sử, chẳng hay ngài là ai? Ðến đây có việc gì?”
Mạnh Minh nói:
“Tôi là đại thần nước này, tên gọi Mạnh Minh. Chúa công tôi có một người con gái yêu, còn đang kén chồng. Người con gái chúa công tôi,
tài thổi sáo, muốn tìm một người như thế nữa mà kết duyên, nay nghe ngài am hiểu âm nhạc, vậy chúa công sai tôi đến đón!”
Tiêu Sử nói: “Tôi không có tài cán gì, chỉ gọi là có biết đôi chút về nhạc điệu mà thôi, tôi đâu dám vâng mệnh”.
Mạnh Minh nói: “Xin ngài cứ đi cùng tôi xuống yết kiến chúa công”.
Khi về đến kinh thành, Mạnh Minh vào tâu Mục Công trước, rồi sau đưa Tiêu Sử vào. Mục Công ngồi ở trên Phượng đài, Tiêu Sử sụp lạy mà tâu rằng:
“Chúng thần ở nơi dân giã chưa biết lễ nghi, có điều gì sơ suất, xin chúa công miễn thứ cho”.
Mục Công thấy Tiêu Sử dung mạo thanh tú, không phải là người thường, trong lòng đã có mấy phần vui vẻ, mới cho
ngồi ở bên cạnh mà nói rằng: “Ta nghe nhà ngươi có tài thổi tiêu, chắc là cũng tài thổi cả sáo nữa!”
Tiêu Sử nói: “Thần chỉ biết thổi tiêu, không biết thổi sáo”.
Mục công nói: “Ta định tìm một người có tài thổi sáo, nếu chỉ biết thổi tiêu thì không sánh đôi với con ta được!”
Tần Mục công nói xong, bảo Mạnh Minh đưa Tiêu Sử đi ra. Lộng Ngọc sai nội thị tâu với Mục Công rằng:
“Tiêu với sáo cũng là một loài, người ta đã có tài thổi ống tiêu thì sao chúa công không bảo dạo
chơi một khúc để cho người ta được phô tài”.
Mục Công lấy làm có lý, bèn bảo Tiêu Sử thổi tiêu. Tiêu Sử mới dạo một khúc thì thấy có gió mát hây hây; thổi đến khúc thứ hai thì
mây che bốn mặt, đến khúc thứ ba thì có đôi hạc trắng múa lượn trên không, lại có mấy đôi khổng tước bay về, và các giống chim kêu ríu rít;
một lúc lâu rồi mới tan đi. Mục Công rất lấy làm hài lòng.
Bấy giờ Lộng Ngọc đứng ở trong rèm trông thấy, cũng bằng lòng mà nói rằng: “Người ấy thật xứng làm chồng ta!”
Mục Công lại hỏi Tiêu Sử rằng: “Nhà ngươi biết sáo và tiêu làm ra từ đời nào không?”
Mục Công nói: “Nhà ngươi hãy thử kể rõ nguồn gốc cho ta nghe”.
Tiêu Sử tâu rằng:
“Kỹ năng của thần là ở ống tiêu, vậy thần xin kể nguyên lai của ống tiêu: Ngày xưa vua Phục Hi ghép trúc làm ống tiêu, chế theo hình
chim phượng, tiếng thổi cũng giống tiếng chim phượng. Thứ lớn gọi là nhã tiêu, ghép liền hai mươi ba ống, dài một thước bốn tấc,
thứ nhỏ gọi là tụng tiêu, ghép liền mười sáu ống, dài hai thước một tấc. Cả hai thứ gọi chung một tiếng là tiêu quản, còn thứ không
có đáy thì là đồng tiêu.
Về sau vua Hoàng Ðế sai Linh Luân lấy trúc ở Côn Khê, chế làm ống địch, ống địch có bảy lỗ, cầm ngang mà thổi, cũng giống tiếng
chim phượng, trông giản dị lắm! Người đời sau thấy tiêu quản nhiều ống quá, mới chỉ dùng một ống địch rồi cầm mà thổi dọc.
Thứ dài gọi là tiêu, thứ ngắn gọi là địch, bởi vậy ống tiêu đời nay, không phải như ống tiêu đời xưa”.
Mục Công lại hỏi: “Sao nhà ngươi thổi ống tiêu mà lại có giống chim bay đến?”
Tiêu Sử nói:
“Ống tiêu dẫu mỗi đời một khác, nhưng tiếng thổi bao giờ cũng vẫn giống tiếng chim phượng. Chim phượng là dẫn đầu các giống chim,
bởi vậy các giống chim nghe tiếng phượng, đều kéo nhau đến cả. Ngày xưa vua Thuấn chế ra khúc “Tiêu Thiều” mà chim phượng còn hay bay đến,
huống chi là các giống chim khác!”
Tiêu Sử ứng đối trôi như nước chảy, tiếng nói lại sang sảng. Mục Công càng thấy bằng lòng lắm, bảo Tiêu Sử rằng:
“Ta có một người con gái, tên gọi Lộng Ngọc, cũng có biết âm nhạc, không muốn gã cho người ngu ngốc, vậy xin cùng với nhà
ngươi kết duyên”.
Tiêu Sử nghe nói, nghiêm nét mặt lại, rồi sụp lạy hai lạy mà từ chối rằng:
“Thần vốn là người thôn giã, có đâu dám sánh với bậc tôn quý!”
Mục Công nói:
“Con gái ta vốn có lời thề nguyện, có chọn được người nào tài thổi sáo thì mới lấy làm chồng. Nay nhà ngươi mới thổi tiêu mà lại cảm động
được đến trời đất và muôn vật, như vậy thì lại hơn người thổi sáo nhiều lắm. Vả lại con gái ta khi trước đã có điềm mộng,
ngày nay lại chính là tiết trung thu rằm tháng tám, duyên trời định sẵn, nhà ngươi chớ nên chối từ”.
Tiêu Sử lạy tạ. Mục Công sai quan thái sử chọn ngày để làm lễ cưới. Quan thái sử nói:
“Hôm nay là ngày trung thu, trăng vừa tròn bóng, xin chúa công cho làm lễ cưới, để hợp cái nghĩa ân ái vẹn tròn”.
Tần Mục Công truyền cho Tiêu Sử tắm gội, thay mũ áo mới, rồi sai người đưa đến Phượng lâu, để cùng với Lộng Ngọc kết duyên. Ngày
hôm sau, Tần Mục Công phong cho Tiêu Sử làm trung đại phu. Tiêu Sử dẫu làm trung đại phu, nhưng không dự gì đến quyền chính cả,
ngày nào cũng vui chơi ở chốn Phượng lâu, lại không ăn cơm, chỉ thỉnh thoảng uống mấy chén rượu mà thôi. Lộng Ngọc học được
thần thái của Tiêu Sử, cũng không ăn cơm.
Tiêu Sử lại dạy nàng thổi ống tiêu. Vợ chồng ở với nhau chừng được nửa năm thì một đêm, bóng trăng vằng vặc, hai vợ chồng đem
ống tiêu ra thổi, bỗng thấy một con phượng xuống đậu ở bên tả, và một con rồng xuống phục ở bên hữu.
Tiêu Sử bảo Lộng Ngọc rằng:
“Ta vốn là người tiên trên trời, Ngọc Hoàng thượng đế thấy sử sách ở trần gian, nhiều chỗ tán loạn, vậy nên giáng sinh ta xuống
làm họ Tiêu nhà Chu để sửa sang lại. Người nhà Chu thấy ta có công về sử sách, mới gọi là Tiêu Sử, đến nay đã hơn trăm năm rồi.
Ngọc Hoàng thượng đế cho ta làm chủ ở núi Họa Sơn. Vì ta cùng nàng có tiền duyên với nhau, nhưng không nên ở mãi chốn trần gian này.
Nay rồng cùng phượng đã đến đón ở đây, chúng ta nên cùng đi”.
Lộng Ngọc toan vào từ biệt với cha. Tiêu Sử can rằng: “Không nên ! Ðã là thần tiên thì chớ nên quyến luyến chút tình riêng!”
Bấy giờ Tiêu Sử cưỡi con rồng, Lộng Ngọc cưỡi con Phượng cùng bay lên trời. Ngày hôm sau, nội thị vào báo với Mục Công.
Mục Công thở dài mà than rằng:
“Giả sử bây giờ rồng phượng đến đón ta thì ta cũng chẳng thiết gì ngôi vị nữa !”
Mục công liền sai người đến núi Họa Sơn để tìm, nhưng chẳng thấy Tiêu Sử đâu cả, mới truyền lập đền thờ, gọi là đền Tiêu Nữ.
Mục công bấy giờ chán việc chiến tranh, giao hết quốc chính cho Mạnh Minh, rồi ngày nào cũng ham mê đường tu luyện. Chẳng bao lâu,
công tôn chỉ cũng mất, Mạnh Minh tiến dẫn ba con Tử Xa Thị là Yêm Tức, Trọng Hàng và Kiểm Hồ,
Mục Công đều cho làm quan đại phu.
Một hôm, Mục công ngồi ở trên Phượng đài, ngắm cảnh trăng sáng, lại nhớ đến Lộng Ngọc, bỗng chợp mắt ngủ đi,
trông thấy Tiêu Sử và Lộng Ngọc
đem một con phượng đến đón. Mục Công cưỡi phượng lên chơi cung trăng, khí lạnh buốt vào tận xương.
Ðến lúc tỉnh dậy, liền bị bệnh cảm hàn,
sau mấy ngày thì tạ thế. Ai cũng cho là Tần Mục Công đã đắc đạo thành tiên.
Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về?
Đem tâm để hình kia sai khiến
Còn ngậm ngùi than vãn với ai?
Ăn năn thì sự đã rồi,
Gió hây hây áo thuyền lơ lửng chèo.
Hỏi hành khách lối nào đi tới,
Bóng mập mờ trời mới rạng đông.
Miền quê nẻo trước xa trông,
Chân hăm hở bước đường mong tới nhà.
Chạy đón chủ năm ba đầy tớ,
Đứng chờ ông mấy đứa trẻ con;
Rậm rì bao xóm con con,
Mấy cây tùng cúc hãy còn như xưa.
Tay dắt trẻ vào nhà mừng rỡ,
Rượu đâu đà sẵn chứa đầy vò;
Thoạt ngồi tay đã nghiêng hồ,
Cười nom sân trước thấp tho mấy cành.
.....
VVM.26.5.2023 -