T rong khi Kinh viết: "Phật là vô tướng, do vô lượng công đức mà thành", thậm chí còn khiển trách: " Ai nương Sắc để thấy ta. Dùng âm thanh để cầu ta. Kẻ đó hành tà đạo. Không thấy được Như Lai" mà lại khẳng định là Phật " có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp", làm cho người muốn tìm hiểu không khỏi hoang mang! Đã vậy, Kinh Kim Cang còn viết: " Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ sao? Có thể do nơi thân tướng mà thấy Như Lai chăng? – Bạch Thế Tôn, không thể do nơi thân tướng mà đặng thấy Như Lai. Bởi vì sao? Vì Đức Như Lai nói thân tướng đó chính là chẳng phải thân tướng!”
Nếu "tướng mà chẳng phải tướng" thì làm sao để thấy? Thấy để được lợi ích gì? Mọi người có cần thấy hay không? Nếu những Tướng Tốt đó chỉ một mình Phật có, thì Ngài bẩm sinh đã có, hay phải làm gì để có? Bởi vì rõ ràng lịch sử chép lại Ngài là một người được cha mẹ sinh ra bình thường như tất cả chúng ta. Ngài cũng có vợ, có con… Chứng tỏ Ngài đâu có gì siêu phàm? Truyền thuyết Ngài được sinh ra từ nách đã được các nhà nghiên cứu nói rõ lại là đó là cách mà người Ấn Độ thời đó phân biệt giai cấp. Vua quan thì sinh ở phần trên đầu, trên trán, trên nách. Thương gia thì sinh ở bụng. Thứ dân thì sinh ở chân... Không phải là một hiện tượng huyền bí nào. Cuộc sống của Ngài kể từ lúc thành đạo, đã có đông đảo đệ tử thì cũng sinh hoạt bình thường như mọi người. Cái huyển thân cũng cần nạp năng lượng bằng thực phẩm, nên hàng ngày vẫn phải đi khất thực. Nhiều lần Ngài Anan phải mang bát đi xin sữa khi Thế Tôn bị bịnh. Khi thọ bữa cúng dường cuối cùng của Thuần Đà, Ngài cũng bị “ngộ độc thực phẩm”. Trước lúc chết cũng nói cả mình đau nhức. Cái huyển thân sau đó cũng trà tỳ, chỉ còn xá lợi. Lúc sinh thời, khi dòng họ Thích bị thảm họạ Ngài cũng đâu có cứu được, tại sao sau khi chết lại được thần thánh hóa trở thành linh thiêng, phù hộ cho mọi người, cứu độ cả tam thiên?
Có lẽ còn nhiều truyền thuyết đã được truyền tụng về Phật và Đạo Phật cần phải soi rọi để Đạo Phật không trở thành huyền hoặc, mơ hồ chỉ vì những điều mâu thuẫn như thế. Kinh Đại Bát niết Bàn có dạy: " Thậm chí đến lời của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ cũng không nên thọ trì" thì không có lý do nào để chúng ta cứ nhắm mắt tin lời người đi trước mà không cần kiểm chứng, bởi vì những niềm tin như vậy xét ra chẳng có ích lợi gì cho ta mà Đạo Phật chân chính cũng không cần, lại tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng tôn giáo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người để trục lợi bất chính! Vì vậy, nơi đây chúng ta sẽ kiểm chứng xem 32 Tướng Tốt, 80 vẻ đẹp đó có thật hay không ? Nếu có thì là những tướng như thế nào? Từ đâu ra? Những tướng đó có dành độc quyền cho chư Phật quá khứ, người sau chỉ có việc theo đó mà dùng gỗ, xi măng, đồng, vàng để đúc, tạc và tôn thờ hay không? Bởi vì nếu mọi người không thể hiểu, không thể bắt chước để làm theo được thì lời Thọ Ký: "Chúng sinh là Phật sẽ thành" chỉ là những lời hứa hẹn hão huyền để lừa gạt người sau như chúng ta hay sao? Mâu thuẫn này được Kinh giải thích như thế nào?
Đạo Phật có rất nhiều phương tiện, được diễn tả bằng nhiều cách, do đó, nếu chúng ta không tìm hiểu cho kỹ mà vội tin nhận thì đó là lỗi của chúng ta, không phải của Đạo Phật. Thật vậy, Kinh có mô tả rất là rõ ràng thế nào là 32 tướng cũng như cách thức mà Phật đã làm để có, để bất cứ ai cũng có thể theo đó mà tạc cho mình, nhưng không phải ai cũng có thì giờ để tra cứu, tìm hiểu. Vì thế, tôi xin mạn phép trích ra đây để chúng ta cùng tham khảo và để thấy rằng những Tướng Tốt đó không chỉ Phật mới có, người phàm không thể làm được :
Kinh ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN, trang 461 viết:
Lại nữa, tuy cũng sinh như chúng sinh, nhưng Như Lai có 32 tướng không thể nghĩ bàn:
1) Bàn chân bằng phẳng
2) Bàn chân có nghìn xoáy ốc
3) Ngón chân dài và nhỏ
4) Gót chân đầy đặn
5) Ngón tay có nhiều vân
6) Chân tay mềm mại
7) Bụng tròn trĩnh, đầy đặn như bụng kim sắc lộc vương
8) Mắt cá chân bằng phẳng
9) Tay dài tới đầu gối
10) Nam căn ẩn kín, như tượng mã vương
11) Mình tròn trặn, đầy đặn như cây Ni câu đà.
12) Lông trên mình đều nghiêng lên phía trên
13) Lông đều xoáy theo bên phải
14) Thân mình sắc vàng
15) Thường chiếu sáng cách thân tám thước
16) Lớp da mịn màng, không dính bụi bặm
17) Bảy chỗ đầy đặn, bằng phẳng
18) Nửa mình trên như mình sư tử
19) Cánh tay tròn lẳn
20) Xương ngực bằng phẳng
21) Thân hình vạm vỡ
22) Trong miệng có bốn mươi răng
23) Răng nhỏ khít và rất đều
24) Răng trắng như ngà
25) Hàm vuông như hàm sư tử
26) Khi ăn thấy hương vị thượng hảo
27) Đỉnh trên trán nhô lên thành tướng nhục kế
28) Lưỡi dài và rộng
29) Tiếng như tiếng phạm Âm
30) Sắc mắt xanh biếc
31) Mắt như mắt ngưu vương
32) Khoảng giữa lông mi có một sợi lông dài và trắng.
Kinh viết: "Mỗi một tướng tốt đều là kết quả của sự tu diệu hạnh của Bồ Tát từ lúc mới phát tâm Bồ Đề kiên cố cho đến khi được thành đạo vô Thượng Bồ Đề". Công việc tu diệu hạnh được mô tả:
"Như Lai đã từng trong vô lượng A Tăng Kỳ kiếp dốc lòng tu trì tịnh giới, cho nên nay mới được cái tướng bàn chân bằng phẳng. Nhờ sự cúng dư ờ ng cha mẹ và bậc có đức , cho nên được tướng nghìn xoáy ốc dưới bàn chân. Đối với chúng sinh không mang lòng làm hại, không có ý tưởng cướp đoạt, hễ thấy cha mẹ, những bậc có đức thì ra xa đón chào, sửa đặt toà ngồi, cung kính lễ bái, dẹp bỏ lòng kiêu mạn, nhờ thế mà nay được tướng ngón tay dài và nhỏ. Có đủ ba hạnh kể trên nên được gót chân đầy đặn. Nhờ dùng Tứ Nhiếp Pháp giúp đỡ chúng sinh, nên được ngón tay có nhiều vân. Dùng các thứ dầu thơm tắm gội cho cha mẹ, sư trưởng và các bậc có đức, nhờ thế mà được tướng chân tay mềm mại. Nhờ công tu tập các pháp lành không biết chán mỏi, nên được tướng bụng tròn trặn, đầy đặn. Nghe pháp vui vẻ, thích nói lại cho người khác nghe, và ưa làm việc đạo, nhờ thế mà được tướng mắt cá chân bằng phẳng. Nhờ ba nghiệp thanh tịnh, khám bệnh cho thuốc, phá trừ lòng kiêu mạn, ăn uống có chừng mực, nên được tướng tay dài bằng gối. Thấy người ta chia rẽ, dùng lời nói cho người ta đoàn tụ với nhau; biết tự tu h ổ thẹn, lại dạy người tu , nhờ thế mà được tướng năm căn ẩn kín. Tự mình tu sạch ba nghiệp lại dạy người khác tu, nếu chúng sinh nào đau ốm thì tìm cách chạy chữa, như thế mà được tướng thân mình tròn lẳn. Nhờ lòng vui vẻ nghe pháp, lại hay nói lại cho người khác nghe mà được tướng lông trong mình đều hướng lên phía trên. Suy nghĩ nghĩa lý sâu xa của các pháp, ưa tu các pháp lành, cúng dư ờ ng cha mẹ, sư trưởng và những bậc có đức , nếu đi dọc đường gặp pháp hoặc tăng phường đều cúng dường. Giữa đường nếu có gạch đá, gai góc hay vật bẩn thỉu thì dọn đi, nhờ thế mà được tướng lông trên mình đều xoáy về bên phải. Nếu đem thức ăn hoặc đồ châu báu cho người thì không bao giờ sinh lòng sân hận, nhờ thế mà được hai tướng: Một là sắc vàng, hai là thường có ánh sáng lại được tướng da mịn màng, không dính bụi nhơ. Thường giúp cho người những thứ cần dùng, nhờ thế mà được tướng bẩy chỗ đều đặn. Tự mình dẹp bỏ tính kiêu mạn, biết điều hoà tính tình, tùy theo sở thích của mọi người, như pháp tu hành để diệt các pháp bất lành, nhờ thế mà được tướng nửa mình trên như mình sư tử, tướng cánh tay tròn lẳn và tướng xương ngực bằng phẳng, tướng ngón tay nhỏ và thân hình đầy đặn. Nhờ không nói lưỡi hai chiều và làm cho những người tranh dành phải hòa thuận mà được tướng có 40 răng, tướng răng khít không hở kẽ, tướng rằng bằng nhau, đều đặn. Nhờ tu các nghiệp từ bi, thiện lạc mà được tướng răng trắng như ngà. Thấy người thiếu thốn vui vẻ giúp đỡ, đón đưa, nhờ thế mà được tướng hàm vuông như hàm sư tử. Coi hết thảy chúng sinh như con một vì thế mà được tướng ăn thức gì cũng thấy mùi vị thượng hảo. Thường bố thí chúng sinh pháp vị vô thượng, gặp người hay quên thì cho trí nhớ, tự mình giừ Năm Giới lại dạy người cùng giữ, tu tập lòng từ, hay bố thí pháp cho mọi người, nhờ nhân duyên ấy mà được tướng nhục kế, tướng lưỡi dài rộng. Cứ như thực mà nói pháp cho mọi người vui mừng, nói những lời êm ái, dịu dàng, không đúng thời không nói, do đó mà được tiếng Phạm Âm. Chứa góp lòng thương, coi hết thảy chúng sinh như cha mẹ, nhờ nhân duyên ấy mà được sắc mắt xanh biếc và tướng mắt như tướng ngưu vương. Thấy những người có đức thành thật tán thán, do đó mà được tướng bạch hào.
Kinh viết tiếp: Đó là 32 tướng, tuy có những nhân duyên khác nhau, nhưng nhân duyên chính là cái nhân "Trì Giới" và "Tinh Tiến". Tại sao vậy ? Vì nếu không chịu trì Giới và siêng tu Tinh Tiến thì đến thân người còn chẳng được làm, nói chi đến 32 tướng ?
Lại nữa, phàm đã làm việc thì lòng nhất định không hối hận, nhờ thế mà được tướng bàn chân bằng phẳng. Và khi làm việc thì dốc lòng làm, do đó mà được tướng nhìn xoáy ốc dưới bàn chân, tướng ngón tay có nhiều vân, tướng bảy chỗ bằng phẳng, tướng da mịn màng, tướng thân bằng phẳng, tướng thân thắng và tròn, tướng lưỡi dài rộng. Thường tu các pháp thiện và dạy người khác cho nên được tướng ngón tay dài nhỏ, tướng tay chấm gối; tướng thường phát ánh sáng cách xa tám thước và tướng răng khít, không thưa hở. Nhờ công phu tu sach ba nghiệp nên được các tướng khác...
Lại nữa, đối với chúng sinh, sinh tâm thuần thiện, nhờ nhân duyên ấy được tướng tay chân mềm mại, da thịt mịn màng, bụi nhơ không bám. Vì theo thứ lớp và thời tiết mà tu tập các pháp lành, cho nên được tướng thứ hai, thứ ba và thứ tư. Ưa làm điều lành, lòng không chán nản, nhờ nhân duyên ấy mà được tướng thân sắc vàng, tướng thân thường sáng, tướng răng trắng, tướng khoảng giữa lông mi có sợi lông trắng. Nếu nghe người ta ca ngợi đức tính của mình thì không sinh lòng kiêu mạn, dấu diếm việc lành không cho người khác biết, nhờ nhân duyên ấy mà được tướng mã tàng. Phàm tu các việc lành đều hồi hướng cho đạo Bồ Đề, vì thế mà được tướng lông trong mình đều xoay về bên phải, tướng trong miệng có 40 chiếc răng; tướng khi ăn thấy mùi vị thượng hảo. Nhờ nhân duyên siêng tu tinh tiến nên được tướng hàm vuông như hàm sư tử, tướng nửa mình trên như mình sư tử. Dốc lòng thương nhớ hết thảy chúng sinh như mẹ thương con, nhờ nhân duyên ấy mà được tướng răng nhỏ và bằng phẳng, tướng mắt xanh biếc như mắt Ngưu Vương. Nhờ tu tập các pháp lành không biết chán nản cho nên được các tướng khác.
Các Bậc Bồ Tát khi y vào tịnh hạnh mà tu 32 tướng tốt, khi các nghiệp đã được thanh tịnh, tuy có 32 tướng tốt như thế nhưng đầy đủ, chưa đầy đủ, chưa được hoàn toàn trong sáng. Bồ Tát còn phải tu theo 13 hạnh đ ể thấu suốt đầy đủ hết thảy các pháp của Phật". Trong vô lượng tướng, chúng sinh không giống nhau, có Thượng, trung, và Hạ không thể nghĩ bàn. Bởi thế Phật nói, trong 32 tướng, đem công đức tích góp hợp hết thảy chúng sinh mà so sánh thì mới chỉ bằng cái tướng mảy lông của Như Lai. Hết thảy các lỗ chân lông đều có công đức, chứa góp hoà hợp mà thành một vẻ đẹp, rồi tập hợp công đức của 80 vẻ đẹp tăng gấp trăm lần mới thành một tướng. Duy có hai tướng Bạch Hào và Nhục Kế thì phải tập hợp hết thảy các tướng khác, tăng đến nghìn lần mối thành được hai tướng đó. Bởi đem hòa hợp hết thảy công đức, đem hết công đức của 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tăng lên nghìn vạn ức lần mới thành được cái tướng lôi Âm của Như Lai mà âm vang xa thẩm đến vô lượng vô biên thế giới của Chư Phật nhiều như vi trần cũng đều nghe thấy. Vì làm lợi ích cho chúng sinh mà Bồ Tát tu hạnh đại từ bi, nhớ ơn đền ơn, tu tập các pháp sâu xa mầu nhiệm khó thể nghĩ bàn và các tướng tốt vi diệu như thế. trong mỗi tướng có thể làm lợi ích cho vô lượng trăm nghìn vạn ức chúng sinh, khiến cho đều mở lòng bồ Đề, lần lượt tu tập đầy đủ công đức cho thành được 32 tướng tốt đẹp. Khi có đủ các tướng tốt đẹp rồi, đều khiến đi đến gốc cây Bồ Đề, hàng phục ma quân chứng thành Phật quả, quay bánh xe Chánh Pháp, độ cho chúng sinh qua khỏi bể khổ, ngu si, sinh tử mà lên bờ giác ngộ, giải thoát yên vui để thành tựu công việc lợi ích cho hết thảy chúng sinh."
Qua đó, ta thấy TƯỚNG TỐT của Phật là có thật, nhưng không có gì huyền bí, ghê gớm, linh thiêng, vĩ đại. Cũng không phải do đục, tạc mà được, mà do thực hiện các Hạnh lành mà ra. Theo mô tả những việc làm để được các tướng này, ta thấy đâu có gì khác hơn là những việc mà những người tốt bình thường vẫn làm, là cúng dường cha mẹ, thầy và những bậc có đức, và tôn trọng, săn sóc, giúp đỡ mọi người, dẹp bỏ Tham, Sân, Si, kiêu mạn? Cũng qua đó, ta thấy, PHẬT không phải là một nhân vật, mà chỉ là hình ảnh tượng trưng, mô phỏng theo hình tướng của một con người. Mỗi Hạnh tượng trưng cho một TƯỚNG TỐT mà người tu thực hiện được, gọi là Công Đức, tích góp lại đầy đủ thành ra một THÂN PHẬT.
Tướng như thế thì làm sao có thể thấy bằng mắt? Làm sao nghe được âm thanh do ta cầu? Làm sao nhận lễ vật do ta cúng kiến? Phật, như thế chỉ là tổng hợp những công đức tích góp lại thì làm sao "Độ" được cho ai? Nhưng từ xưa, nhiều thế hệ đã hiểu lầm, lại mang đó ra làm mẫu, rồi dùng, vàng, bạc, đồng, gổ để đúc, để tạc, để cầu xin, nên Tổ Đạt Ma đã giải thích trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất như sau:
"Nói "đúc hình tạc tượng", tức đó là chúng sanh cầu Phật đạo cần tu các giác hạnh phỏng theo chân dung diệu tướng của Như lai, há phải đâu chỉ là việc đúc vàng tạc đồng tầm thường như vậy thôi ru! Bởi vậy, người cầu đạo giải thoát phải lấy thân mình làm lò, lấy pháp làm lửa, lấy trí huệ làm tay thợ khéo, lấy ba giới tu tịnh, Sáu Ba la Mật làm khuôn phép, nấu chảy, và rèn đúc chất chân như Phật Tánh ở trong thân cho thâm nhập tất cả hình thức giới luật, y lời dạy vâng đó mà làm, mỗi mỗi không hở sót thì tự nhiên thành tựu hình tướng của chân dung. Hình tướng đó đích thực là pháp thân thường trụ vi diệu cùng tột, há phải đâu là pháp hữu vi hư đốn sao? Người cầu đạo mà không hiểu nghĩa việc đúc tạc chân dung như vậy thì còn bằng vào đâu mở miệng nói công đức?".
Chính vì mọi người đều có thể nương theo cách thức đó để thực hiện cho chính mình, nên Phật không phải là ngôi vị độc tôn, và lời Thọ Ký CHÚNG SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH mới có giá trị thật sự, không bị ảnh hưởng bởi thời gian, không gian Mọi thời, mọi người, bất luận dân tộc, trình độ, giai cấp, tuổi tác, giới tính, đều có thể thực hành và thành tựu cho bản thân.
Tóm lại, trước lúc tu hành, thành Phật, thì Đức Thích Ca hoàn toàn là một con người bình thường như tất cả chúng ta, chứng tỏ rằng điều gì Ngài làm được thì tất cả mọi người đều có thể làm được. Do Ngài thấy rằng lẽ ra mọi người đều có thể sống an vui cho qua một kiếp người, nhưng vì hiểu lầm cuộc sống tạm trăm năm là thật, và không rõ lý Nhân quả, nên mọi người đã tàn phá thiên nhiên, sát sinh, hại vật, lừa dối, cướp đoạt lẩn nhau để dành chút danh, lợi, vật chất phù du, nhằm phục vụ cho tấm thân hư dối, gây xáo trộn thêm cho cuộc sống vốn dĩ đã dầy dẫy phiền não, khổ đau. Vì thế, Ngài đã dùng phương tiện đưa ra những Quả Vị, những vị Phật với tướng tốt, hào quang chói sáng, cõi Phật ở Đông Phương, Tây Phương được trang hoàng bằng bảy báu tốt đẹp, hơn hẳn những châu báu cõi trần để mọi người ham thích rồi cố gắng hành trì để đạt tới mà bớt tạo nghiệp, hầu hiện đời thoát khổ, kiếp sau nếu có lại càng tốt đẹp hơn, để tất cả mọi người đều được sống trong an lành, hạnh phúc.
Thật vậy, phải chăng nếu một xã hội, rồi cả thế giới, trong đó mọi người ai làm việc nấy, không gian manh, lừa đảo, nói láo, trộm cắp, tà dâm, không phải đề phòng lẩn nhau, trái lại cùng yêu thương, nâng đỡ nhau, cùng ý thức trách nhiệm của mình, để lo cho bản thân, gia đình, góp phần đưa cuộc sống thăng hoa hơn. Kẻ mạnh không hiếp người yếu. Người giàu, có điều kiện thì tạo công ăn việc làm mà không bóc lột người nghèo. Nước này không xâm lăng nước kia... Nếu thực hiện được như thế thì trần gian này chẳng phải là thiên đường đó sao, cần gì mơ ước Đông Tây viễn vông? Và quả thật là không hợp lý chút nào nếu ta nghe nói Phật có những tướng tốt, rồi không bắt chước để tự tạo cho mình, lại đúc tạc theo đó rồi van vái cầu xin, khác nào thấy người khác giàu mà không học hỏi phương pháp để làm theo, chỉ theo nịnh bợ để xin chút tiền lẻ! Nhưng nếu Đức Thích Ca có toàn quyền ban ơn giáng phúc thì đâu có bắt con ruột là La Hầu La và em là Anan phải tu hành làm chi ? Hơn nữa, nếu cầu mà được thì lẽ ra thế giới đã không còn loạn lạc, chiến tranh, tai ách, vì từ mấy ngàn năm nay, bao nhiêu thế hệ đã tiếp nối nhau thành khẩn cầu xin đã mỏi mòn! Chính vì vậy mà Kinh quở trách những "gã cùng tử", tức là những người tự xưng là Phật Tử mà không theo gương cha, không lo tu tâm sửa tính, gieo nhân thiện để gặt quả lành, cứ hành động bất chấp Nhân Quả, tạo bao nhiêu ác nghiệp, rồi tin vào những việc cúng kiến, giải hạn, dùng chút của cải hôi nhơ, giấy tiền vàng mã.. mà nghĩ rằng thánh thần sẽ chứng giám để đổi xấu, lấy tốt, cầu cho gia đình luôn an lành, hạnh phúc, luôn gặp vận may, tai qua, nạn khỏi! Nếu cứ làm ác rồi cầu xin mà không bị lãnh quả thì ắt luật Nhân Quả không còn hữu hiệu nữa, và thánh thần nào chấp thuận lễ cúng để đổi thay số mệnh cho họ ắt không xứng đáng được tôn sùng nữa, vì khác nào những quan chức tham ô, ham ăn của đút lót? Do đó, Đạo Phật dạy con người "cầu mà không cầu" tức là cứ gây Nhân Thiện, tự nhiên Quả lành sẽ đến, đừng cầu xin cho mất công!
Như tất cả những tôn giáo chân chính, vị sáng lập Đạo Phật là Đức Thích Ca, với lòng từ bi vô hạn, cũng mong mỏi cho nhân loại hết Khổ, được an lành, hạnh phúc trong cuộc sống hiện đời, không có hứa hẹn Niết Bàn ở cõi nào đâu xa xôi. Qua phương tiện mà Đạo Phật bày vẻ, nếu mọi người vì muốn được thành Thánh, thành Phật rồi cố gắng để tạo được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp cho bản thân thì đó là sự thành công lớn của Đạo Phật trong mục đích mang lại cuộc sống an vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Việc "cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế giới" được Tổ Đạt Ma giải thích: vì trong tâm của mỗi chúng ta, từng sát na chúng sinh của ba món Độc gọi là Tham, Sân, Si cứ theo pháp mà "trùng trùng duyên khởi", số lượng đông không thua cư dân trong một thế giới. Vì có đến 3 chủng loại, nên gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Người tu nào "độ" được hết những chúng sinh đó thì sẽ được hết Khổ, gọi là được Giải Thoát hay Thành Phật. Khi Chúng Sinh không còn lao xao, đau khổ, thì được an ổn, thanh tịnh, an vui, gọi là Niết Bàn, vì nghĩa của Niết Bàn là "ra khỏi rừng phiền não". Tất nhiên, chúng sinh được độ đó sẽ tôn trọng biết ơn người đã độ thoát cho mình, nên gọi là: "chúng sinh trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới tôn thờ",
Nhưng, "tuy diệt độ vô lượng chúng sinh, mà thật ra không có chúng sinh nào bị diệt độ cả", và "Chúng Sinh không phải là Chúng Sinh, chỉ giả gọi là Chúng Sinh" (Kim Cang). Vì tên gọi Chúng Sinh là của Đức Thích Ca đã dùng từ ngày xa xưa, với ngôn ngữ hiện đời thì gọi là "tình trạng của tư tưởng". Đó là: Thương, Ghét, Tham, Sân, Si, không phải là người hay vật gì ở ngoài Tâm. Vì thế, chỉ mỗi người có thể tự độ lấy cho mình, không thể độ giùm người khác, hay nhờ người khác độ giúp, nên gọi là "Tự Độ".
Hết Khổ tất nhiên sẽ được an vui. Đó cũng là nghĩa của lời hứa: "thời sau. Đức Phật Di Lạc sẽ giáng trần để mang lại niềm vui cho bá tánh", vì thật ra chẳng có Ngài Di Lạc ở cõi nào khác giáng thế, để ban phát niềm vui cho mọi người như hàng Nhị Thừa vẫn chờ đợi, mà chính là từ nơi cái Tâm của người tu, sau khi lọc bỏ hết những chấp nhất, độc ác, gian tham, đố kỵ... chỉ còn lại Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả, thì niềm an lạc đương nhiên sẽ xuất hiện vậy.