KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG Ở TÂY NGUYÊN &
LỄ HỘI THỜ MẪU THIÊN Y A NA TẠI KHÁNH HÒA
. K hông gian văn hóa Cồng Chiêng ở Tây Nguyên
Trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của di sản văn hóa quý giá và đặc sắc này là 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austro-Asian) và Nam đảo (Austronesian) sống trên khu vực cao nguyên trung bộ của Việt Nam.
Các cộng đồng cư dân nơi đây chủ yếu sống bằng canh tác nông nghiệp truyền thống. Họ đã phát triển nhiều loại hình nghề thủ công, sáng tạo ra nhiều phong cách trang trí và các kiểu nhà ở truyền thống độc đáo của mình.
Tín ngưỡng chủ đạo của cư dân nơi đây xuất phát từ tục thờ cúng tổ tiên, shaman giáo và thờ cúng vật linh. Gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày của cư dân và chu kỳ các mùa trong năm, những tín ngưỡng này hình thành nên một thế giới thần bí, nơi mà những chiếc cồng chiêng là chiếc cầu nối thông linh giữa con người, thần linh và thế giới siêu nhiên. Chứa đựng bên trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng là một vị thần. "Cồng chiêng càng già thì thần linh càng mạnh và càng thiêng"*. Hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Điều này thể hiện sự giàu có và quyền thế, đồng thời cũng là vật che chắn, bảo vệ cho gia đình.
Bao ngàn đời nay, cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả, v.v. cho đến lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới, v.v.
Có giả thuyết cho rằng văn hóa cồng chiêng bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn, là nền văn hóa đồng thau xuất hiện tại Đông Nam Á. Cồng chiêng của Việt Nam rất đặc trưng so với cồng chiêng ở những khu vực khác do tính cộng đồng rất cao. Điều này thể hiện ở việc mỗi nhạc công đánh một chiếc. Từng thành viên trong dàn nhạc nhớ rõ từng tiết tấu của từng bài chiêng trong mỗi nghi lễ và kết hợp hài hòa với các nhạc công khác cùng chơi. Tùy theo từng nhóm dân tộc, cồng chiêng được đánh bằng dùi hoặc bằng tay; mỗi dàn cồng chiêng có khoảng từ 2 đến 13 chiếc có đường kính dao động từ 25 đến 120 cm.
Xưa nay, người Tây Nguyên không tự chế tác mà mua cồng chiêng của người Kinh từ các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, dân tộc Lào hoặc Campuchia, rồi về nắn chỉnh lại để có được âm thanh mong muốn. Mỗi một làng bản đều có một người chuyên lên chiêng (hay còn gọi là người chỉnh chiêng).
Các quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội và tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của các cộng đồng nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn. Việc gìn giữ và chuyển giao các tri thức và bí quyết về cồng chiêng lại cho thế hệ tương lai gặp rất nhiều khó khăn. Phần vì nhiều nghệ nhân nắm giữ bí quyết qua đời, nhiều người không còn biết hết các nghi lễ truyền thống, thế hệ trẻ ít hoặc không quan tâm đến cồng chiêng do sức hút mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại và văn hóa du nhập. Ở nhiều nơi, cồng chiêng bị tước khỏi ý nghĩa nguyên bản và không gian văn hóa linh thiêng. Cồng chiêng trở thành những vật buôn bán trao đổi, tái chế phục vụ cho các mục đích khác.
Ngày 25-11-2005, Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Sau Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới.
Điều đó khẳng định Việt Nam là một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa, có nhiều nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Về cội nguồn, có nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng là "hậu duệ" của đàn đá. trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá: cồng đá, chiêng đá... tre, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng... Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.
Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. . hay trong một buổi nghe khan... đều phải có tiếng cồng. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết dính những thế hệ.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Đã có thời một chiếc chiêng giá trị bằng hai con voi hoặc 20 con trâu. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.
Cồng chiêng đã đi vào sử thi Tây Nguyên như để khẳng định tính trường tồn của loại nhạc cụ này: “Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ, cho tất cả chỉ còn lắng nghe tiếng chiêng của Đam San...”.
Tồn tại trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ đã hàng ngàn đời nay, nghệ thuật cồng chiêng ở đây đã phát triển đến một trình độ cao. Cồng chiêng Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú.
Hiện nay, tại hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đều có những đội cồng chiêng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng, trong dịp hội hè. Vào ngày lễ tết, hình ảnh quen thuộc '''bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng''' lại xuất hiện trên khắp các buôn làng. Các nghệ nhân dân gian diễn tấu cồng chiêng kết hợp với nhau rất hài hòa, tạo nên những bản nhạc với các tiết tấu, hòa thanh rất phong phú, mang sắc thái riêng với muôn vàn cung bậc.
Mỗi dân tộc đều có những bản nhạc cồng chiêng riêng để diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, khát vọng của con người... Người Giarai có các bài chiêng Juan, Trum vang... Người Bana có các bài chiêng: Xa Trăng, Sakapo, Atâu, Tơrơi... Âm thanh của cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của buôn làng. Đây là sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất ở nhiều dân tộc Tây Nguyên.
Âm nhạc của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, những người dân dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện tuyệt vời. Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là "tiếng nói" của con người và của thần linh theo quan niệm "vạn vật hữu linh".
Mỗi một dàn cồng chiêng là tiếng nói tâm linh, tâm hồn của người Tây Nguyên, để diễn tả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Các tộc người ở Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc của riêng dân tộc mình. Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ. Cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... Tây Nguyên.
Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng của cồng chiêng. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ, hoặc dùng theo dàn, theo bộ từ 2 đến 12 chiếc, cũng có bộ 18 đến 20 chiếc như bộ chiêng của người Giarai. Dàn cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức như một dàn nhạc có thể diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau. Điều đặc biệt trong dàn nhạc này mỗi người chỉ đánh một chiếc cồng, hoặc chiêng (cồng là loại có núm, chiêng không có núm).
. Tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ hội Am Chúa gắn liền với thờ mẫu Thiên Y A Na (20/04/2021)
Hàng năm, từ mùng 1 - 3/3 âm lịch, người dân tỉnh Khánh Hòa và du khách thập phương lại nô nức về di tích Am Chúa nằm trên núi Đại An (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) để dự lễ hội Am Chúa. Đây là dịp để mọi người cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn đối với Thánh Mẫu Thiên Y A Na - người đã khai sáng và truyền dạy cho người dân Khánh Hòa cách làm ăn, sinh sống.
. Truyền thuyết Thánh Mẫu Thiên Y A Na
Sử sách cổ chép rằng, vùng đất Khánh Hòa từng là mảnh đất của người Chăm một thời. Đây là vùng đất phát tích nhiều câu chuyện thần bí về sự tích hiển thân của các vị thần. Một trong số đó có truyền thuyết Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng trần trên núi Đại An. Hiện nay, ở lưng chừng núi Đại An có di tích Am Chúa. Am Chúa chính thức xây dựng từ năm nào không rõ nhưng trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay vẫn là nơi thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na rất trang nghiêm.
Tấm bia lớn trước sân di tích Am Chúa có ghi lại bút ký của tiến sĩ, Hiệp biện Đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản soạn năm Tự Đức thứ 9 (1857) rằng, xưa kia tại núi Đại An có hai vợ chồng người tiều phu già đến cất nhà và vỡ rẫy trồng dưa nơi triền núi. Thế nhưng, đến mùa dưa chín thì thường hay bị mất.
Sau một thời gian dài bị mất dưa, hai vợ chồng người tiều phu tìm cách bắt tên ăn trộm. Một hôm, người chồng rình và bắt gặp một thiếu nữ trạc mười chín tuổi hái dưa, rồi đùa giỡn dưới trăng. Thấy cô gái dễ thương, ông đem về nuôi. Vợ chồng người tiều phu này vốn không con cái nên yêu thương cô gái như con ruột của mình.
Một hôm, trời mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, thiếu nữ lấy đá chất thành 3 hòn giả sơn và hái hoa lá cắm vào, rồi ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, người cha nuôi nặng tiếng rầy la. Nhưng thiếu nữ ấy là một tiên nữ giáng trần đang nhớ cảnh bồng lai. Đã buồn lại bị cha nuôi la rầy, nhân thấy khúc kỳ nam theo nguồn trôi đến, tiên nữ bèn biến thân vào khúc kỳ nam, để mặc cho sóng đưa đẩy.
Khúc kỳ nam trôi ra biển cả, rồi tấp vào đất Trung Hoa. Mùi hương bay thơm ngào ngạt, người địa phương lấy làm lạ nên rủ đến xem. Thấy gỗ tốt nên họ xúm nhau khiêng nhưng người đông bao nhiêu cũng không nhấc lên nổi.
Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn liền tìm đến xem hư thực. Thấy khúc gỗ không lớn lắm, lẽ gì nặng đến nhấc không lên nên chàng lấy tay nhấc thử. Mọi người ngạc nhiên bởi chàng nhấc khúc kỳ nam lên nhẹ như tờ giấy. Sau đó, thái tử đem khúc kỳ nam về cung, trân trọng như một bảo vật.
Một đêm, dưới bóng trăng mờ, thái tử thấy có bóng người con gái thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam. Nhưng lại gần xem thì tứ bề vắng vẻ, bên mình chỉ phảng phất một mùi hương từ khúc kỳ nam bay ra. Chàng quyết rình xem, suốt mấy đêm liền, không hề thấy gì khác lạ.
Không nản chí, chàng vẫn nhẫn nại chờ đợi. Rồi một hôm đêm vừa quá nửa, bốn bề im phăng phắc, một giai nhân tuyệt sắc theo ngọn gió hương ngào ngạt từ trong khúc kỳ nam bước ra. Thái tử vụt chạy đến ôm choàng. Không biến kịp, giai nhân đành theo thái tử về cung và cho biết rõ lai lịch. Giai nhân ấy chính là Thiên Y A Na.
Thái tử vốn đã trưởng thành nhưng chưa có lứa đôi vì chưa chọn được người ưng ý. Nay thấy Thiên Y A Na xinh đẹp khác thường, bèn tâu cùng phụ hoàng xin cưới làm vợ. Nhà vua sai quan bói cát hung. Bói trúng quẻ đại cát nên liền cử lễ thành hôn.
Vợ chồng thái tử ăn ở với nhau rất tương đắc và sinh được hai con, một trai, một gái. Người con trai tên Trí, dung mạo khôi ngô. Người con gái tên Quý xinh đẹp. Thời gian qua đi, Thiên Y A Na sống trong êm ấm.
Nhưng một hôm, lòng quê thúc giục, nhớ đến cha mẹ nuôi, Thiên Y A Na liền bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam, trở về làng cũ. Tuy nhiên, khi về núi Đại An, cha mẹ nuôi đã qua đời. Thiên Y A Na bèn đắp mồ mả cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự.
Thấy dân địa phương còn lạc hậu, Thiên Y A Na liền dạy dân cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra lễ nghi. Từ đó, ruộng nương mở rộng, đời sống của người dân mỗi ngày thêm phú túc, phong lưu. Công khai hóa của Thiên Y A Na chẳng những ở trong địa phương mà các vùng lân cận cũng được nhờ. Rồi một năm sau, vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim hạc từ trên mây bay xuống, Thiên Y A Na cùng hai con lên lưng hạc bay về trời. Người dân địa phương nhớ ơn đức, tạc tượng Thánh Mẫu Thiên Y A Na, rồi dựng nên Am Chúa ở lưng chừng núi Đại An để phụng thờ.
. Đặc sắc lễ hội Am Chúa
Cấu trúc của Am Chúa có bái đường và chính điện. Trên nóc bái đường và chính điện đều có đắp nổi hình tứ linh: long, ly, quy, phụng. Ở gian bái đường còn đắp nổi đôi câu đối bằng chữ Hán ghi lại sự tích Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Giữa chính điện là khám thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, hai bên tả hữu thờ các ban liệt vị.
Tại Am Chúa vẫn còn giữ được nhiều sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. Trong đó, có sắc phong của vua Tự Đức cho phép thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na là “Hồng Nhơn phổ tế linh cảm diệu thông. Mặc tướng trang huy thượng đẳng thần”. Điều đó phần nào cho thấy giá trị văn hoá của Am Chúa đã được khẳng định từ xưa.
Hàng năm, từ mùng 1 - 3/3 âm lịch, lễ hội Am Chúa được tổ chức để tưởng nhớ ơn đức của Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 12 - 14/4, với sự tham gia của khoảng 6.000 người, trong đó có 200 đoàn khách hành hương trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa.
Năm nay, lễ hội Am Chúa có các hoạt động như: dâng hương, dâng hoa Thánh Mẫu Thiên Y A Na; lễ tế cổ truyền do các bô lão trong vùng thực hiện; lễ cúng ngọ. Cùng với đó là nghi thức hành lễ của các đoàn hành hương. Mỗi đoàn đến với lễ hội đều cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đạo bình an.
Trong lễ hội Am Chúa không thể thiếu điệu múa bóng để dâng lên Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Đây là một điệu múa rất đặc sắc của người Chăm truyền lại, được Quách Tấn miêu tả chi tiết trong cuốn “Xứ trầm hương” rằng: “Vũ nữ múa theo điệu đàn điệu trống, đoanh lộn nhịp nhàng dưới ánh đuốc ánh đèn hừng hẫy. Họ múa rất khéo, vừa dẻo vừa mềm, đầu và thân cũng luôn ngả nghiêng uốn éo theo bước chân nhịp tay, rộn ràng đều đặn. Thế nhưng, đèn và hoa đội trên đầu, không vịn không đỡ mà vẫn không hề lay dịch. Dường như có những bàn tay vô hình đỡ nâng không thể nào giải thích được”. Từ đó, có thể thấy lễ hội Am Chúa thể hiện rõ nét sự giao lưu văn hoá Việt - Chăm.
Không chỉ là di tích lịch sử văn hóa lâu đời, Am Chúa còn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân xã Diên Điền nói riêng và huyện Diên Khánh nói chung. Hiện nay, trước sân của am vẫn còn một cây mã tiền cổ thụ có tuổi thọ trên 350 năm. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây mã tiền nhiều lần được dùng làm cột treo cờ để biểu dương lực lượng, khơi dậy truyền thống yêu nước của nhân dân.
Sau lưng Am Chúa còn lưu lại dấu vết của lô cốt, giao thông hào bằng đá do thực dân Pháp xây dựng trong những năm chiếm đóng tại đây. Với nhiều giá trị văn hoá và lịch sử cách mạng, năm 1999, Am Chúa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa là một truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thể hiện tấm lòng tri ơn, nhớ ơn bà mẹ xứ sở Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã dạy dân cày cấy, trồng dâu, nuôi tăm, ươm tơ, dệt vải.
. Thiên Y A Na Nũ thần Po Nagar (hay Thánh Mẫu Thiên Y A Na & Tháp Trầm Hương ở Nha Trang, Khánh Hòa
Đức bà Thiên Y A Na hay Thiên Hậu Thánh Mẫu, người Chiêm Thành, gọi Poh Yang Ina Nagar (bà chúa nước), tuy chỉ là một vị thần theo truyền thuyết, nhưng đã được cư dân Việt và Chăm thờ phụng, và đã được nhà Nguyễn xếp vào bậc thượng đẳng thần.
Trong truyện dân gian, giữa người Việt và người Chăm có những điểm giống nhau về chủ đề, cấu trúc, hình tượng và ý nghĩa, mà truyện bà Thiên Y A Na là một ví dụ. Đó là kết quả của sự giao lưu, trao đổi, bồi đắp và hòa hợp văn hóa của hai dân tộc.
. Thiên Y A Na, người sở hữu nhiều trầm nhất Khánh Hòa
Tháp cao nhất là nơi thờ Bà Poh Nagar & Trên những trụ biểu này là sân khấu múa Bóng dâng Bà ngày xưa.
. Tiên nữ hóa thân thành khúc kỳ nam
Thiên Y A Na (hay là Poh Nagar theo tiếng Pháp) có nhiều sự tích vô cùng ly kỳ. Truyền thuyết của người Việt (được cụ Phan Thanh Giản chép lại thành một bài ký và Bố chánh sứ tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Quýnh khắc bia dựng phía sau tháp Poh Nagar) kể rằng: Xưa kia tại núi Đại An có hai vợ chồng ông tiều phu đến cất nhà và vỡ rẫy trồng dưa nơi triền núi. Dưa chín thường hay bị mất . Một hôm ông rình, bắt gặp một thiếu nữ trạc chín mười tuổi hái dưa, rồi giỡn dưới trăng. Thấy cô gái dễ thương, ông đem về nuôi, hai ông bà vốn không con cái, nên đối với thiếu nữ thương yêu như con ruột.
Một hôm trời mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, thiếu nữ lấy đá chất thành ba hòn giả sơn và hái hoa lá cắm vào, rồi đứng ngắm làm vui, ông tiều nặng tiếng la rầy. Ông không ngờ rằng con gái mình chính là tiên nữ giáng trần đương nhớ cảnh Bồng Lai. Đã buồn thêm bực! Nhân thấy khúc kỳ nam theo dòng nước nguồn trôi đến, tiên nữ bèn biến thân vào khúc kỳ, để mặc cho sóng đưa đẩy. Khúc kỳ trôi ra biển cả rồi tấp vào đất Trung Hoa. Mùi hương bay ngào ngạt. Nhân dân địa phương lấy làm lạ, rủ đến xem. Thấy gỗ tốt xúm khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không giở nổi.
Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn, tìm đến xem hư thực. Thấy khúc gỗ không lớn lắm, lẽ gì nặng đến nỗi không giở lên. Thái Tử bèn lấy tay nhắc thử và lấy làm lạ vì khúc gỗ nhẹ như tờ giấy! Bèn đem về cung, trân trọng như một bảo vật. Một đêm, dưới bóng trăng mờ, Thái tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam. Nhưng lại gần thì tứ bề vắng vẻ, bên mình chỉ phảng phất mùi hương thanh thanh từ khúc kỳ nam bay ra. Chàng quyết rình xem suốt mấy đêm liền không hề thấy gì khác lạ. Chàng không nản chí. Rồi một đêm bốn bề im phăng phắc, một giai nhân tuyệt sắc theo mùi hương ngạt ngào trong khúc kỳ nam bước ra. Thái tử chạy đến ôm choàng. Không biến kịp, giai nhân đành theo Thái tử về cung và cho biết lai lịch. Giai nhân xưng là Thiên Y A Na. Thái tử đã trưởng thành, nhưng chưa chọn được người xứng ý. Nay thấy Thiên Y A Na xinh đẹp khác thường, bèn tâu cùng phụ hoàng xin cưới làm vợ. Vua đồng ý. Vợ chồng ăn ở với nhau rất tương đắc và sinh được hai con, một trai tên Trí, một gái tên Quý, dung mạo khôi ngô. Thời gian qua trong êm ấm. Nhưng một hôm, lòng nhớ quê thúc giục, Thiên Y A Na bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam trở về làng cũ.
Núi Đại Am còn đó nhưng vợ chồng ông tiều đã về cõi âm. Thiên Y A Na bèn xây đắp mồ mả cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự. Thấy dân địa phương còn man dã, Bà dạy họ cày cấy, dạy kéo vải dệt sợi và đặt ra lễ nghi... Từ ấy ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày một thêm phú túc phong lưu. Rồi một năm vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim hạc từ trên mây bay xuống, bà cùng hai con lên lưng hạc bay về trời. Nhân dân địa phương nhớ ơn đức, xây tháp tạc tượng phụng thờ. Và mỗi năm vào ngày Bà thăng thiên, dân đều tổ chức lễ múa bóng dâng hoa rất long trọng... “Khánh Hòa là xứ trầm hương/ Non cao biển rộng người thương đi về”. Rất nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á có trầm hương, nhưng không có nơi đâu trầm nhiều và chất lượng như ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, những nơi có núi cao rừng rậm như Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam đều có trầm hương nhưng không đâu nhiều và thơm như Khánh Hòa. Cho nên hễ nói đến Trầm Hương là nói đến Khánh Hòa mà nói dến Khánh Hòa là nói đến trầm hương. Nhưng ở Khánh Hòa, trầm hương nhiều nhất là Ninh Hòa và Vạn Ninh. Và nhiều, tốt nhất là trầm hương Vạn Giã của Vạn Ninh. Chả thế mà ca dao Khánh Hòa có câu: “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/ Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm”.
Dù là “trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm” nhưng tìm ra được trầm hương không phải là việc dễ. Như Quách Tấn viết trong biên khảo “Xứ trầm hương”: Người Khánh Hòa, nhất là người đi địu (đi tìm trầm trên rừng), tin rằng trầm hương là của Bà Thiên Y A Na. Bà cho ai thì người ấy được. Bằng Bà không cho thì dù đứng một bên cũng không tìm thấy. Có đôi kẻ có phước, không cố tâm đi tìm mà tự nhiên Bà cho hưởng lộc. Lại truyền rằng Bà có bốn cây trầm hương kỳ cựu trấn bốn phương: Một ở Ðồng Bò trấn phía Nam; một ở Hòn Bà (Ninh Hòa) trấn phía Bắc; một ở Hòn Dữ (Diên Khánh) trấn phía Tây; một ở Suối Ngổ trấn phía Ðông. Những cây trầm nầy không còn lá không còn giác, mưa nắng không thể làm hư mục được. Và có chim rừng canh, cọp rắn giữ. Hễ ai trông thấy mà có ý muốn chiếm hữu thì liền bị “lính canh giữ của Bà” đánh đuổi. Bởi vậy trước khi đi tìm trầm, người đi địu phải dâng lễ cầu khấn Bà. Và trong những rừng nào có nhiều cây gió đều có miếu, có am thờ Bà do những người đi địu lập, để tiện việc cúng kính trước khi vào rừng.
-Đặc biệt việc tổ chức múa Bóng do người sống ở khu vực trước tháp phụ trách. Những vũ nữ cũng người trong xóm. Cho nên xóm mệnh danh là xóm Bóng thuộc làng Cù Lao”.
Cũng theo Quách Tấn viết trong “Xứ trầm hương” thì “Lệ múa Bóng ngày vía Bà đã bỏ từ thời vua Bảo Đại, trước đệ nhị thế chiến nên xóm Bóng không còn những bà bóng về ở để múa dâng Bà nữa. Nhân đó có câu hát: “Ai về xóm Bóng thăm nhà/ Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?/ Thế thường tre lụn còn măng/Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành”. Ngoài múa Bóng, ở Tháp Bà còn có hầu đồng và hát văn của người Việt để hầu Bà trong những dịp lễ vía, nhưng cũng chung tình cảnh thăng trầm như múa Bóng vì rất nhiều lý do. Hát văn tại lễ hội Tháp Bà tháng 5.2018 & Nhạc sĩ Minh Kỳ
. Minh Kỳ (1930–1975)
Là nhạc sĩ trước năm 1975 nổi tiếng với ca khúc Xuân đã về. Ông là một trong ba thành viên của nhóm Lê Minh Bằng.
Ông tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, gốc Huế nhưng sinh tại Nha Trang, Khánh Hòa. Theo gia phả hoàng tộc triều Nguyễn, Minh Kỳ là cháu 6 đời của Vua Minh Mạng.
Năm 1957, ông vào định cư tại Sài Gòn. Chức vụ cuối cùng trước 30/4/1975 là đại uý cảnh sát VNCH. Sau sự kiện năm 1975, ông bị bắt đi học tập cải tạo ở trại An Dưỡng, Biên Hòa.
Đêm khuya ngày 31/ 8/1975, ông thiệt mạng vì lựu đạn nổ khi đang ngồi ăn cơm cùng bạn tù trong sân(?) Phần tro cốt thi hài ông hiện được lưu giữ tại nhà hài cốt thuộc Giáo xứ Tân Định.
Ca khúc: Nha Trang - Minh Kỳ
Nha Trang là miền quê hương cát trắng, Có những đêm nghe vọng lại
Ầm ầm tiếng sóng xa đưa, Nha Trang cảnh đồng bao la bát ngát
Hương quê dâng lên ngào ngạt, Hòa cùng sức sống yên vui.
Nha Trang cảnh đẹp nên thơ khiến nhớ, Bao năm du khách hằng chờ
Một ngày ghé đến Nha Trang, Ai ơi người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền, Ngàn đời lòng tôi mến yêu.
Còn đâu những chiều vui xưa, Còn đâu những chiều say sưa
Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông.
Còn đâu Tháp Bà êm mơ, Còn đâu đá Chồng bơ vơ, Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ.
Nha Trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát, Ai qua không quên để lại
Một vài luyến tiếc xa xôi, Ai ơi người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền, Ngàn đời lòng tôi mến yêu. - ./.