S ự thay đổi của một triều đại thường hiện rõ nhất ở kinh đô. Một tầng lớp tiêu ma, một tầng lớp mới xuất hiện, cảnh tượng như một hí trường, một sân khấu ở rạp hát, một tấn tuồng. Có thể đó là một sự đau lòng, như câu thơ trên của Bà Huyện Thanh Quan, trích trong bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ”, mà cũng có thể là một trò hề, một thằng hề. “Vua chèo còn chẳng ra chi, quan chèo chi nữa khác chi thằng hề.” Đó là nhận xét của Nguyễn Khuyến. Vua chúa thay đổi, các tầng lớp dân chúng cũng thay đổi theo. Điều nầy, xin nói rõ về sau.
Nước ta lần lượt có 3 kinh đô. Hà Nội, Huế và Saigon. Cả ba đều trải qua những thời kỳ đổi thay, bao nhiêu cuộc “hí trường”.
Xin thu gọn một quãng thời kỳ lịch sử gần đây thôi, người ta có thể thấy rõ hơn những gì vua Lê chúa Trịnh (1533-1786), xây dựng ở Thăng Long, làm cho Hà Nội nổi tiếng hơn với cái tiếng đất “Ngàn Năm Văn Vật.” Chế độ nầy tàn lụi dần, mãi đến khi Gia Long đặt kinh đô ở Huế thì vai trò kinh đô của Thăng Long không còn nữa, vua chúa cũng không còn, một tầng lớp quan lại tàn rụi cùng với vua ngai vàng của vua Lê chúa Trịnh.
Nhìn cảnh kinh đô cũ Chu Mạnh Trinh than thở:
… Cung miếu triều xưa giờ vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải Cuốc kêu thâu
Nguyên văn:
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.
(Tiêu Đàm dịch)
Huế là kinh đô nước ta thời các vua Nguyễn (1802-1945). Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, vai trò kinh đô của Huế cũng không còn. Rồi tới vai trò thủ đô của Saigon sụp đổ năm 1975.
Sự thay đổi của Hà Thành sau khi kinh đô đã được dời vào Huế không có tính chất toàn diện. Ai nặng lòng “hoài Lê” thì lui về ở ẩn. Cũng có người “bó thân về với triều đình” mới ở Huế, cam chịu thân phận “hàng thần lơ láo”.
Sự thay đổi của Huế không phải đến khi vua Bảo Đại thoái vị mới có mà nó đã xảy ra trước đó, sau “thất thủ kinh đô” ngày 5 tháng 7 năm 1885 (23 tháng 5 Ất Dậu). Một tầng lớp ngoi lên trong giới cầm quyền. Họ là ai?
Nhìn chung, cảnh xưa chỉ còn “dấu xưa xe ngựa”, chỉ còn “hồn thu thảo” thì sự thay đổi đó không hoàn toàn triệt để như Hà Nội sau 1954, Huế và Saigon năm 1975.
Trước năm 1954, Hà Nội vẫn còn là đất ngàn năm văn vật, “người Hà Nội” vẫn còn giữ được cái tính chất riêng của họ, cái tính chất bắt nguồn từ trong văn hóa truyền thống dân tộc, nho nhã, thanh tao, lịch sự… dù họ là hậu duệ của các cựu thần nhà Lê hay con cháu các quan tân trào nhà Nguyễn.
Năm 1954, sau hiệp định Genève, trong số gần một triệu người di cư vào Nam, không ít là “người Hà Nội”. Sau đợt di cư đó, Hà Nội trống đi, nhiều nhà bỏ hoang vì người Hà Nội đã “bỏ đi Nam”, nhất là cư dân Hà Nội ở các phố nổi tiếng đẹp và sang. Hà Nội còn lại nhiều gia đình lao động, những xóm nghèo và những ai có con đi kháng chiến, ở lại để đón con từ chiến khu về.
Dưới chính quyền mới, do tính chất “cách mạng triệt để” Hà Nội đông dân trở lại vì một tầng lớp cai trị mới về sống ở thủ đô. Tầng lớp đó xuất thân từ nông dân nghèo khổ, đói rách, theo cách mạng để kiếm tìm một đời sống no ấm hơn. Đó là tầng lớp “Ba Người Khác” của Tô Hoài, của Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Cù Chính Lan, Lê Mã Lương, của thằng Cảnh (xem “Đêm Giữa Ban Ngày”) du thủ du thực và không ít những Chí Phèo, Thị Nở.
Để thay thế vào văn hóa của “người Hà Nội” cũ đã di cư, tầng lớp mới đem theo một văn hóa mới: “Văn hóa vô sản”, văn hóa của “anh hoạn heo” (2), của “anh nông dân mồ côi cha không có miếng đất cắm dùi” (3), v.v…
Vậy thì ngày nay, Hà Nội còn “ngàn năm văn vật” không? “Người Hà Nội” còn không?
Đó cũng là tình cảnh “Saigon mất tên”. “Hòn ngọc viễn đông” với Catinat (Tự Do), Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Gia Long không còn. Gần như toàn bộ quận 1 Saigon nay là “phố Bắc Kỳ 75”. Điều ấy, chắc chắn làm cho “Hòn Ngọc Viễn Đông” mất đi vẻ trong sáng của nó.
Hiểu về Huế như thế nào?
Ngay trước 1975, không ít người hiểu sai về Huế.
Hiểu đúng thì như anh học trò Quảng Nam “Thấy cô gái Huế chân đi không rời”. Cũng trong ý nghĩa đó thì Hoàng Nguyên đã gặp một “Tà áo tím bên giòng Hương Giang”. Dù “tà áo qua cầu, giòng nước trôi cuốn mau” thì Huế vẫn có những tà áo tím khác, với màu sắc đặc biệt mà người ta gọi là “tím Huế”, tím đậm hay tím than… Người con gái Huế được khen là nhu mì, hiền hậu (?). Người đàn ông Huế được khen là khéo léo, khôn ngoan (?).
Nhưng cái thay đổi đích thực của Huế là ở đâu?
Từ khi người Pháp bắt đầu xâm lược đến khi họ đã đặt nền cai trị thì một giai cấp mới đã hình thành ở Huế. Đó là những quan thông ngôn, lính tráng, thầy cai, thầy đội khố xanh, khố đỏ, bồi bếp, “ba-de” (4), phu kéo xe, đánh giày… cho Tây xuất hiện ngày càng đông ở Huế. Người ta cũng không quên các ông quan to, quan nhỏ quay lưng lại với triều đình, với vua, phục tòng cho chủ mới.
Giai tầng mới nầy là những người, nói chung là theo Tây, phục vụ cho Tây. Người Huế có khâm phục họ không? Phục hay không, xin đọc bài thơ sau đây của cụ Phan Bội Châu. Rõ ràng là cụ ngao ngán cho tình cảnh kinh đô khi cụ vào Huế tìm đồng chí:
“Vào thành ra cửa Đông
Xe ngựa chạy tứ tung
Vào thành ra cửa Tây
Sa gấm rực trời mây
Vào thành ra cửa Nam
Áo mũ đỏ pha chàm
Vào thành ra cửa Bắc
Mưa gió đen hơn mực
Dạo khắp trong với ngoài
Đàn địch vang tai trời
Đau lòng có một người!
Hỏi ai? Ai biết ai?
Hoặc tôi xin đơn cử một ví dụ, nói đúng hơn là một kinh nghiệm, tôi đã gặp trong đời.
Tháng 12 năm 1956, trường Quốc Huế kỷ niệm 60 năm. Lúc ấy tôi đang học lớp Đệ Nhị tại trường nầy. Tôi cũng đang cư trú tại xóm Chợ Xép, sát vườn nhà cụ Thị Ngô, còn gọi là cụ Hường Ngô (Trần văn Ngô). Sau lễ được ít lâu, “một hôm, tôi đang ngồi sát cửa sổ, học bài, thỉnh thoảng nhìn ra ngoài trời thì cụ Hường đi xuống nhà cầu, ngang qua cửa sổ tôi, tay vẫn không chống gậy. Khi trở vào, cụ Hường dừng lại bên ngoài, hỏi tôi:
– “Anh học trường Quốc Học?”
Tôi đứng dậy, lễ phép:
– “Thưa cụ, vâng.”
– “Hai đứa cháu nội tôi cũng học ở Quốc Học. Ba nó cũng trường Quốc Học mà ngay chính tôi, cũng là “Cựu Học Sanh” trường Quốc Học.
Tôi nói:
– “Dạ, cháu biết cụ có học Quốc Học. Năm ngoái, lễ kỷ niệm 60 năm trường Quốc Học Ngô Đình Diệm (khoảng thời gian từ 1956 đến 1963, trường có tên như thế -tg-), các cựu học sinh về dự đông lắm. Cháu thấy cụ có đi dự, mặc quốc phục, đi đầu, chung với mấy cụ già, cụ nào cũng chống gậy.”
Tôi nói các cụ già chống gậy là nói một cách tình cờ, thấy sao nói vậy. Cụ Hường, có lẽ nghĩ khác, nên cụ nói:
– “Bữa đó tôi hơi váng đầu, phải chống gậy. Bữa nay thì khỏe rồi.”
Rồi cụ nói tiếp:
– “Tôi học khóa đầu tiên.”
– “Thưa cụ, vậy hả? Chắc hồi đó trường ốc chưa có gì?” -Tôi tò mò hỏi.
– “Hồi xưa, đó là trại lính thủy của Nam Triều.” – Ông cụ giải thích – “Sau khi Pháp đô hộ rồi thì lính thủy Nam Triều bị giải tán, còn lại mấy cái lán không. Cụ Ngô Đình Khả, thân sinh của cụ Ngô bây giờ, nhà ở Phủ Cam, mỗi ngày đi làm việc ở Tòa Khâm Sứ hay trong Đại Nội, tôi không nhớ, ngang qua nơi này, thấy trại bỏ không, mới nảy ra ý kiến dùng làm trường Quốc Học, dạy cho sĩ tử học chữ Quốc Ngữ và chữ Tây (5). Khóa đầu tiên khai giảng năm 1896. Tôi học khóa đó.”
– “Hồi đó cụ thi vô có khó không?” Tôi hỏi.
– “Có thi đâu!” – Cụ Hường trả lời – “thi đậu xong thì bắt học thêm ở trường Quốc Học. Vở với bút chì phải lận dấu trong bụng. May mà mặc áo dài ta nên dấu cũng dễ.”
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– “Sao lại phải dấu?”
– “Ai cũng sợ mang tiếng là theo Tây. Học chữ Quốc Ngữ, chữ Tây là theo Tây, chống lại Triều Đình, chống lại dân mình. Dân người ta thấy, người ta chê cười mình nên phải dấu.”
– “Vậy cụ Ngô Đình Khả đứng ra chủ trương mở trường Quốc Học, không sợ mang tiếng theo Tây sao?” – Tôi lại hỏi.
– “Gốc ông ta làm thông ngôn cho Tây thì sợ mang tiếng gì nữa. Với lại nhiều khi tôi cũng nghĩ, cụ ấy hơn người, nhìn xa thấy rộng, không thể bo bo với mớ chữ Nho xưa mà cứu nước được.
(Cựu “học sanh” Viết Về Huế – 1)
Bấy giờ, Huế có hai thành phần khác nhau: Một là những người cố cựu của triều đình, giữ lòng “trung quân ái quốc”, không chịu hợp tác hay phục vụ cho thực dân Pháp, chính quyền mới. Đang làm quan, họ xin cáo quan về hưu. Một số thi đổ, cử nhân, phó bảng, tiến sĩ, được triều đình bổ ra làm quan, nhưng từ chối làm quan. Rõ nhất là trường hợp các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Võ Bá Hạp… Một số thì “hàng thần lơ láo”, một số thì cúc cung phục vụ cho chế độ mới, như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Nguyễn Trọng Hợp (đạo Thiên Chúa).
Những người cam chịu phục vụ cho Pháp để bảo tồn vinh hoa phú quí, hợp tác với một số quan lại mới, gốc là thông ngôn cho Tây, có hoặc không theo đạo Thiên Chúa như Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, Thái Văn Toản, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hoè,… Đó là giai cấp mới của Huế, của chế độ thực dân cai trị.
Dĩ nhiên thì Huế có tiếng khóc, tiếng cười… trong tiếng ca của thời Trần Hậu Chủ: “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa”. Cách giang là bên sông. Trong tình cảnh của Huế bấy giờ, thì giang là sông Hương.
Từ lâu lắm, Huế có một thú chơi, thú giải trí của giới quan lại và người giàu có mà người ta gọi là thanh tao, lịch lãm, có lẽ cũng tương tự thú hát cô đầu của người Hà Nội. Đó là thú chơi đò, thả đò trên sông Hương. Một chiếc đò rộng, trải chiếu hoa, có năm ba nhạc sĩ chơi đàn cò, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tỳ bà… với năm ba ca kỹ nổi tiếng. Họ hòa đàn và ca Huế, qua những bài Nam ai, Nam bình, Bình bán, Kim tiền, Tứ đại cảnh… bên chén trà, bầu rượu của các quan. Đò neo giữa sông hay thả trôi trên sông. Tiếng đàn, tiếng ca vang dội trong đêm vắng.
Cảnh vui chơi đó, từ trước khi mất nước (1885) đã có, mà sau khi người Pháp đô hộ rồi thì nó vẫn như vậy. Thay vào tầng lớp quan lại cũ thì có tầng lớp quan lại mới, hay cũ mới vui hưởng khoái lạc cùng nhau, mặc cho:
Ngẫm xem thế sự thêm rầu,
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi (6)
hoặc:
Một nhà sinh đặng ba vua
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài (7)
mặc cho phong trào Cần Vương, phong trào Văn Thân đang nổi lên phò vua cứu nước, mặc cho những cuộc khởi nghĩa chống Pháp còn xảy ra đâu đó trong Nam với Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, và ngoài bắc với Vụ Quang, Bãi sậy… đang trong cơn nguy biến, tuyệt vọng, vì binh lính Pháp có sự tiếp tay của các linh mục Thiên Chúa giáo, giáo dân bắn, chém giết lương dân vô tội để cướp nước và để trả thù.
Biến cố lịch sử “thất thủ kinh đô” cùng với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và chống xâm lăng của người Việt, cùng với việc một giai tầng xã hội sụp đổ, tàn rụi, tiêu vong đã tạo nên những nỗi u hoài cho người Huế, nó không chỉ “hoài cổ” như Bà Huyện Thanh Quan, mà chính là nỗi sầu thảm của người dân mất vua, mất nước. Nỗi đau mất vua mất nước làm khô héo lá gan người như cây trên đỉnh núi Ngự Bình, với bao nhiêu giòng nước mắt tràn đầy như nước sông Hương khi cao khi hạ.
Nỗi u hoài không chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, chỉ trong biến cố năm Ất dậu ở Huế, trong các phong trào nổi dậy đã bị dẹp tan, mà còn tiếp nối trong các đời vua bị lưu đày: “Mười bốn đời vua, bốn kiếp lưu đầy” (8)
Vậy thì nên hiểu người Huế ở đâu, trong “Gẫm xem thế sự thêm rầu” của cuối thế kỷ 19 và trong “Tiếng Xưa” hay “Đêm Tàn Bến Ngự” của giữa thế kỷ 20? Nỗi u hoài đó ở trong “thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu than”, trong “Ai oán cung đàn sầu vọng trần gian” trong “Đời vui chi trong sương gió”, trong sự trách móc “luyến tiếc chi khúc ca Tần Hoài” (9) và dù có muốn tìm lại cái cũ, vua quan hay nền độc lập của đất nước thì đó cũng là chỉ “Tìm trăng, trăng khuất đã lâu”.
Tất cả chỉ là “phai tàn một thời liệt oanh”, là “dư âm thấm đôi giòng châu” với “cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương” (10).
Nỗi đau của người Huế khi nghe khúc “Tần Hoài Dạ Bạc” còn thể hiện trong ca dao Huế:
Hầu như những người sinh ra và lớn lên ở Huế đều thuộc lòng hay biết câu ca dao sau đây, nhưng thực ra đó là một phần trong bài thơ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị:
“Chiều chiều, trước Bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non”
Nghe bốn chữ “ai” đi liền nhau trong câu thứ hai, người ta hiểu là tác giả muốn ám chỉ vua Duy Tân. Nhà vua thường giả dạng đi câu cá ở hồ Tịnh Tâm hay ở sông Hương để gặp gỡ và bàn bạc công việc khởi nghĩa do nhà vua lãnh đạo.
Cũng trong ý tưởng phê phán “gái đĩ không biết hờn vong quốc” trong thơ của Đỗ Mục, cụ Ưng Bình biết trắng hơn và cũng đau đớn hơn:
Núi Ngự không cây chim ngủ đất
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời.
Sau 1945, Tây sai chặt hết thông trên núi Ngự để Việt Minh không có nơi ẩn núp quan sát thành phố Huế.
Khác với thơ Huế, ca dao Huế không chỉ là tâm trạng của một người mà là của đông người, của người Huế nói chung. Sông Hương là nơi người ta gởi gắm tâm sự nhiều nhứt: Sông Hương có cái “liếc mắt khuynh thành” làm xô lệch cung vàng điện ngọc, sông Hương có bao nhiêu nước thì người ta sầu bấy nhiêu. Trong ý nghĩa đó, nỗi sầu trong lòng người cũng mênh mông như nước sông Hương vậy. Để cuối cùng, cũng chỉ là một lời trách oán những ai quay lưng lại với “nước mất, nhà tan”, phản lại với vua với dân. Những câu ca dao sau đây nói lên ý nghĩa đó.
Bến chợ Ðông Ba, tiếng gà eo óc
Bến chùa Thọ Lộc, tiếng trống sang canh
Giữa sông Hương giợn sóng khuynh thành
Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió
Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình
Ðoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh
Sông bao nhiêu nước, dạ sầu bấy nhiêu !
Ðêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng
Tiếng hát ngư ông giữa sông Nhật Lệ,
Tiếng kêu đàn nhạn trên áng Hoành Sơn
Một mình em ngồi giữa sông Hương,
Tiếng ca theo khúc đoạn trường ai nghe!
Ðất Thừa Thiên trai thanh gái lịch
Non xanh nước biếc, điện ngọc, đền rồng
Tháp bảy tầng, thánh miếu, chùa Ông
Trách ai hai dạ một lòng
Tham đồng bạc trắng phụ lòng dân đen !
Dư âm còn lại!
Không ít người phê phán về cái tính tự cao của người Huế. Nhiều người cứ tưởng mình là “con ông cháu cha”, “con giòng cháu giống”, là “dòng dõi vua quan”, là người hiểu cao thấy rộng, tư cách đạo đức hơn người.
Cách đây lâu lắm, tôi có đọc một truyện ngắn của ông Phan Du, nói về một người đàn bà thường say sưa rượu chè. Uống rượu say sưa, đối với người đàn ông đã là một điều sai, huống chi với một người đàn bà. Tuy nhiên, khi say rượu, sợ bị người đời phê phán, bà thường bảo vệ cái xấu của mình bằng mấy câu ca dao Huế:
Say như ta là say nghĩa say dơn (nhơn)
Say thơ Lý Bạch, say đờn Bá Da (Nha)
Đó là sự ngụy biện để bảo vệ cái xấu của mình, không thiếu trong một số người Huế.
Người Huế cũng thường tự hào về cái cao sang, lịch lãm của họ. Tôi từng gặp một trường hợp đau đớn về cái cá tính tự hợm mình của họ. Tôi đi ăn kỵ (giỗ) tại nhà của một người bác. Bữa kỵ nấu chay, theo phong tục của nhiều người Huế theo đạo Phật. Vào bàn, tôi gắp từng miếng đồ ăn bỏ vào chén của mình. Bà chị con ông bác đứng nhìn, thấy vậy, bèn giành lấy cái chén trên tay tôi, vừa gắp nhiều món ăn, trộn chung với nhau trong chén, đồng thời bảo tôi:
– “Ăn chay là phải ăn như ri nì.” Rồi chị ấy nói tiếp bằng một câu đầy lòng nhân ái: “Tội nghiệp nó không biết ăn chay đến nơi!”
Ấy là nói khéo rằng tôi quê mùa vì tôi sinh đẻ ở Quảng Trị. Chê người khác quê mùa bằng một câu nói “rất thương người” như vậy đấy.
Tuy nhiên tôi vẫn hiểu người Huế theo một cách khác. Năm 11 tuổi, khi người anh cả của tôi là Hồng Quang, làm chủ báo Ý Dân ở Huế, bị Tây bắt bỏ tù, tôi thường vào Huế ở lại nhà bà con ở đường Ô-Hồ (đường Võ Tánh sau nầy) để đi thăm nuôi ông anh cả. Những ngày được đi thăm, vì phải đi bộ tôi dậy lúc 5 giờ để kịp có mặt lúc 7 giờ sáng trước lao Thừa Thiên (trước Tòa Đại biểu Chính phủ) để đưa đồ thăm nuôi vào. Cũng bà chị nói trên phải dậy lúc 4 giờ hơn để nấu một nồi xôi nhỏ, bắt tôi phải ăn chút ít, vì sợ đi sớm, bụng đói, dễ bị cảm gió. Đó cũng là một tình người, ít nơi nào có được.
Tôi có người chị bà con họ bên ngoại. Chị từng là học sinh trường Đồng Khánh, em chị, trung tá Biệt Động Quân Phan Văn Cẩm, cả hai chị em gọi vua Thành Thái bằng ông ngoại. Có nghĩa rằng mẹ của họ là một công chúa (con vua Thành Thái) và thân phụ là một bác sĩ, phò mã. Vậy mà chẳng thấy họ khoe khoang về dòng dõi gia tộc bao giờ.
Cũng trong thời gian ấy, một ngưòi bạn học ở Huế, cùng một tuổi như tôi, dẫn tôi vào Mang Cá nhỏ. Anh ta chỉ một cái nhà nhỏ, hình vuông, nóc bằng, xây gạch, mỗi bề chưa quá 3 thước, xây sát bờ tường Mang Cá, nói với tôi rằng vua Hàm Nghi khi bị Tây bắt ở Đồng Hới đem về, bị giam ở đây. Nhà vua không chịu nhận mình là vua Hàm Nghi. Bọn Tây chơi trò xỏ lá, tự nó biết hay một ông quan theo Tây nào đó, bày mưu cho Tây, đưa thầy dạy học của vua Hàm Nghi là ông Nguyễn Nhuận vào thăm. Khi thấy thầy học vào, tức thì vua Hàm Nghi đứng dậy chào. Đứng dậy chào thầy cho đúng lễ Quân Sư Phụ, tức là vua Hàm Nghi vô tình bị mắc lừa, tự nhận mình là vua. Sau cái trò xỏ lá đó, biết mình bị gạt, vua Hàm Nghi mới nhận rằng ông là vua. Người Huế thường biết giữ đạo Thầy Trò như thế, và cũng không ít người, sau khi đỗ đạt, tự thấy mình cao hơn thầy.
Tuy nhiên, điều tôi suy nghĩ chính là điều bạn tôi biết về vua Hàm Nghi. Một đứa bé 11 tuổi, có thể học qua về lịch sử Pháp xâm lược nước ta năm Lớp Nhất, nhưng do đâu mà nó biết rõ về vua như thế, biết chỗ vua bị giam và về cả cái trò xỏ lá của Tây như thế? Điều đó không phải tình cờ, không ngẫu nhiên chút nào.
Dân Huế, vì là chốn kinh đô, tận mắt chứng kiến sự ngang ngược của De Courcy, khi y buộc triều đình Huế phải để cho đoàn tùy tùng cùng đi với y vào cửa chính Ngọ Môn, trái với luật lệ của triều đình Huế, cùng với dã tâm cướp nước của chúng, cũng như sự tàn ác khi chúng phản công giết hại binh lính triều đình và hàng ngàn dân thường chết chôn chung trong những hố tập thể. Dấu tích còn lại ở đường Âm Hồn, nơi có mồ tập thể tên là miếu Âm Hồn. Bên cạnh đó, còn có biến cố “Tứ nguyệt tam vương”, còn việc phế truất vua Thành Thái, việc khởi nghĩa của vua Duy Tân thất bại, vua phải đi trốn, việc xử trảm hai ông Thái Phiên và Trần Cao Vân ở bãi chém An Hòa. Những biến cố đó khích động và làm người Huế đau lòng không ít, khiến cho một đứa bé 11 tuổi như người bạn tôi, thừa hưởng nỗi đau đó của cha ông, khiến nó phải nhớ tới sự tích các ông vua bị bắt và bị lưu đày.
Nguời Huế cũng đau lòng trước những kẻ phản vua, quay lưng với triều đình, cúi đầu thờ lạy ông chủ mới mắt xanh mũi lõ, và cả những linh mục, giám mục, người có đạo Thiên Chúa tiếp tay cho công cuộc xâm lăng của người Pháp, tàn sát dân lành, đánh dẹp các phong trào Cần Vương, phong trào Văn Thân.
Nhìn vấn đề rõ ràng và cụ thể như thế người ta sẽ hiểu tại sao sự xung khắc, mâu thuẫn giữa những người dân Huế theo đạo Phật và theo đạo Thiên Chúa gay gắt hơn bất cứ nơi nào khác trên lãnh thổ nước ta.
Theo tôi, không nên hiểu người Huế của thời kỳ sau khi vua Bảo Đại thoái vị. Hãy nhìn xa hơn chút, từ trong nỗi u hoài của “cây khô đỉnh Ngự”, trong “giọt lệ sông Hương”. Nỗi u hoài của việc mất vua, mất nước, của phong trào Cần Vương, phong trào Văn Thân.
Nỗi đau đó kéo dài qua nhiều thế hệ, từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, đã trở thành truyền thống đấu tranh của Huế, muốn dựng lại một nền độc lập, một nền tự chủ đã bị cướp mất.
Nỗi đau mất vua, mất nước kéo dài qua nhiều thế hệ cũng tạo cho người Huế có tinh thần đấu tranh cũng kéo dài qua nhiều thế hệ. Nhìn lại một quảng thời gian ngắn ngủi một trăm năm đô hộ giặc Tây, người Huế không bao giờ ngưng những cuộc đấu tranh, trong triều đình cũng như ngoài dân dã.
Sau thất thủ kinh đô là phong trào Cần Vương, phong trào Văn Thân. Một cuộc đấu tranh tiêu cực bất hợp tác với người Pháp của giới sĩ phu kéo dài hàng chục năm. Mãi đến khi quân đội Thiên Hoàng đánh bại hạm đội Hắc Hải của Nga Hoàng ở eo biển Đối Mã, người dân Huế cùng cả nước thức tỉnh trước cơn mê thủ cựu, để nghe lời cụ Phan mà hát câu: “Dậy! dậy! Mở mắt xem toàn châu, Đèn khai hóa rạng khắp hoàn cầu…” Trong triều thì vua Thành Thái, Duy Tân chống Pháp, trong dân chúng nổi lên phong trào Duy Tân, theo cụ Phan Bội Châu chống Pháp tích cực hay theo đường lối “Pháp Việt đề huề” của cụ Phan Châu Trinh. Huế bao giờ cũng đứng hàng đầu, hàng nhì trong phong trào chống thuế, đám tang cụ Phan Chu Trinh (1925) hay công cuộc xin phá án cho cụ Phan Bội Châu. Bên cạnh các đấng Nam Nhi, không thiếu gương phụ nữ với Lê Thị Đàn (bà Ấu Triệu), Trần thị Như Mân, Hoàng thị Vệ, Đào thị Xuân Yến… những nguời tham gia phong trào xin phá án cho cụ Phan.
Trong khoảng thời gian mất vua, mất nước, Huế có nhiều phong trào đấu tranh xảy ra, liên tiếp. Trong triều thì hai ông vua bị lưu đày qua châu Phi vì “can tội” chống thực dân Pháp, một ông vua trốn qua Nhựt Bản. Ngoài dân chúng thì sau phong trào Cần Vương, đến phong trào Văn Thân, phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế, đám tang cụ Phan Chu Trinh, rồi các đảng phái hình thành. Đảng phái Quốc gia hay Cộng Sản, hồi ấy chỉ có môt mục đích là chống Pháp giành độc lập, chứ chưa chắc người Huế tham gia phong trào nầy đảng phái kia là vì chủ nghĩa: chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Văn hay chủ nghĩa Cộng Sản của Marx.
Hoàn cảnh Huế khác với các nơi khác vì hành động ngang ngược, hung hãn, xâm lăng và tàn ác diễn ra hàng ngày trước mắt người Huế. Các nơi khác, chỉ nghe nói lại, thậm chí có khi không biết tới nữa. Tình cảnh của kinh đô lúc bấy giờ làm cho người ta căm tức, oán giận, bất mãn. Chính những tình cảm đó tạo nên tinh thần đấu tranh của người dân Huế. Trong viễn tượng đó, những cuộc đấu tranh ở Huế là liên tục, trở thành một truyền thống.
Chính cái truyền thống đấu tranh đã xô đẩy người Huế đi theo nhiều con đường khác nhau: Tinh thần độc lập dân tộc, thiên hữu, thiên tả, thậm chí thiên Cộng và cuối cùng là những người cực đoan đi theo Cộng Sản để đến tết Mậu Thân thì từ trong rừng sâu cầm súng về Huế bắn giết, chôn sống người dân Huế để trả thù, trả thù cho ai thì không ai hiểu, ngoài cho cá nhân họ.
Những biến cố lịch sử đau đớn làm cho người Huế có tính cực đoan. Theo và chống bao giờ cũng kịch liệt, gay gắt. Biểu tình và chống biểu tình, đấu tranh và chống đấu tranh làm phân ly người Huế khá nhiều và khá đau lòng.
Dĩ nhiên ngày nay, truyền thống đó đã hết, vì nỗi u hoài của người Huế cũng bị mờ nhạt dần đi. Và bao nhiêu người đã bỏ nước ra đi, với lòng oán hận chế độ mới hơn là những nỗi đau cũ. Cũng có những người “khôn khéo”, biết lợi dụng tinh thần chống Cộng của người dân Huế ở trong nước cũng như hải ngoại, để quay mũi dùi thù hận vào những người thiên tả, vào Phật tử, vào sư sãi, vào đạo Phật, cho rằng chính những người nầy, tôn giáo nầy đã tiếp tay cho việc Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam.
Còn gì nữa đâu!!!
Huế ngày nay còn gì đáng nói chăng, thay vào nổi u hoài xưa cũ là một nỗi hân hoan mới, hân hoan của những kẻ đã giành lại được Huế vì chính cha ông họ phải trốn chạy khỏi kinh thành trong “Giặc Chày Vôi” (11), của con cái ông chủ vựa cá ở làng chài nghèo khổ Gia Đẵng (12), hay con cháu của “tiệm cầm đồ” mụ Thái ở phía trong cửa Đông Ba. Ít khi người ta cho rằng chủ tiệm cầm đồ là người dầy lòng nhân ái. Cũng như nỗi thất chí của những người mà cha ông họ tàn lụi cùng với sự tàn lụi của ngai vàng nhà Nguyễn. (13)
Trong ý nghĩa đó, với những người yêu Huế chân thật, sẽ tự hỏi: “Thuyền ơi đưa ta tới đâu”, vì khi họ “tìm trăng trăng khuất đã lâu”. Mặc dù, vẫn còn đó, những “gái đĩ không biết hờn mất nước” đêm đêm xuất hiện trên những chiếc đò sông Hương.
♣ ♣ ♣
(1) “Con ôi, ruột mẹ ngấu như tương
Bảy nổi ba chìm xiết thảm thương.
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,
Ðầy vơi giọt lệ nước sông Hương
Quê người đành gởi thân trăm tuổi,
Ðất tổ mong vì nợ bốn phương.
Mẹ cũng trông mau rồi một kiếp
Ðể cho vẹn nỗi mối cang thường.”
(năm 1919)
Ðây là bài thứ 4 trong 10 bài Khuê Phụ Thán của Thượng Tân Thị. Thượng Tân Thị là bà hoàng phi Nguyễn thị Ðịnh, thân mẫu của vua Duy Tân đã khóc thân nhân mình trong hoàn cảnh cùng chồng và con đi đày ở đảo Réunion, thuộc địa Pháp ở Phi Châu năm 1916, ít lâu sau bà từ giã vua Thành Thái và Duy Tân để trở về cố đô.
Tuy nhiên theo Bùi Thụy Đào Nguyên thì Thượng Tân Thị, tên thật: Phan Quốc Quang (1878-1966), tự Hương Thanh, biệt hiệu: Hoài Nam Tử, Thượng Tân Thị; là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Ông là tác giả mười bài thơ nổi tiếng có tên chung là Khuê Phụ Thán. Thượng Tân Thị, sinh ngày 16 tháng 7 năm 1879 tại làng Lại Nông, thuộc phủ Thừa Thiên (Huế). Cha, không rõ họ tên, chỉ biết mẹ ông là Tôn nữ Thị Xuân.
Sớm giỏi thi phú, nhưng ông đi thi Hương mấy lần đều bị hỏng. Khoảng năm 1916, buồn vì công danh lận đận, vì nạn nước (hai vua: Thành Thái, Duy Tân đều bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion), thêm buồn vì mẹ mất và gia đình ly tán, ông bỏ xứ theo ghe bầu vào Nam.
(2- 3)- Ai chẳng biết đây là Đỗ Mười, kế là Lê Đức Thọ (Xem “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên).
(4) Ba-de, nói trại chữ Paniers của tiếng Pháp là rổ rá, có nghĩa là bọn bồi xách rổ rá cho các bà đầm đi chợ. Bọn nầy ỷ vào thế chủ Tây, tỏ ra mất dạy với dân chúng. Do đó, “ba-de” cũng có nghĩa trong tiếng Việt là bọn mất dạy, vô giáo dục.
(5)- Ai mở trường Quốc Học?
Vua Thành Thái là người có tư tưởng duy tân, tiến bộ, có ảnh hưởng đến con ông là Vĩnh San, sau nầy lên ngôi lấy hiệu là Duy Tân. Nhà vua chủ trương phải tiếp xúc với thế giới văn minh, buộc các quan hậu bổ phải học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Chính nhà vua ra lệnh cho ông Ngô Đình Khả can thiệp với nhà cầm quyền Pháp dùng trại lính thủy để mở trưòng Quốc Học, chọn ông Ngô Đình Khả làm chưởng lý, khiến nhiều người lầm tưởng ông Ngô Đình Khả là người dựng nên ngôi trường nầy.
(6) Gẫm xem thế sự thêm rầu (7)- Vua Hàm Nghi – tên húy là
Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là con trai thứ 5 của Kiến Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, em ruột của Nguyễn Phúc Ưng Kỳ (tức vua Đồng Khánh) và Nguyễn Phúc Ưng Đăng (tức vua Kiến Phúc). Sau khi vua Kiến Phúc bị đầu độc chết, ông được Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi, lấy hiệu năm là Hàm Nghi. Ông không phải là con nuôi của vua Tự Đức (1829–1883) nên không được kế vị. Sở dĩ ông được chọn làm vua vì còn nhỏ tuổi, vả lại lúc đó khó tìm được người hoàng tộc đủ điều kiện để làm vua. Lẽ ra Nguyễn Phúc Ưng Kỳ được nối ngôi, nhưng ông này không được lòng Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Ngày 23-5-1885, Tôn Thất Thuyết đánh úp quân Pháp tại kinh thành nhưng thất bại nên phải bỏ kinh thành về Tân Sở (thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) lập chiến khu. Chính tại đây vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương tổ chức chống Pháp cứu nước. Nhân dân cả nước đều hưởng ứng. Lực lượng nghĩa quân đã gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp. Ngày 26-9-1888, ông bị Trương Quang Ngọc phản bội bắt về nộp cho Pháp. Sau đó Pháp đưa ông về Thuận An, rồi đưa lên tàu Biên Hoà đày sang Algérie. Các cận thần của ông kẻ bị Pháp bắt, người trốn vào rừng tổ chức nghĩa quân tiếp tục kháng chiến, Tôn Thất Đạm uống thuốc tự tử trong chiến khu. Vì cả ba anh em ông đều làm vua, nên dân gian hồi đó có câu hát: Một nhà sinh đặng ba vua, Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài (Vua còn là vua Đồng Khánh, vua mất là vua Kiến Phúc, vua thua tức vua Hàm Nghi). (8) Mười ba đời vua chính thức: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Các vua bị lưu đầy sang châu Phi là Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và ông vua không ngai vàng là Cường Để, lưu vong ở Nhựt. (9) Tần hoài Dạ Bạc: Trần Hậu Chủ (583-587) tên Trần Thúc Bảo, là một ông vua nổi tiếng tài tử phong lưu. Hậu cung lúc nào cũng có hàng ngàn mỹ nhân tuyệt sắc. Trong số đó có hai nàng là Khổng Quý Tần và Trương Lệ Hoa được nhà vua sủng ái. Suốt đêm ngày, Trần Hậu Chủ bỏ cả việc triều chính, say sưa bên cạnh Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần và những mỹ nữ ca hát bên tiệc rượu làm cho đất nước suy đồi. Tùy Văn Đế (589-617) thừa dịp nhà Hậu Trần suy vi, sai tướng Lý Uyên và Dương Tố đem quân sang vây Đại Thành. Giữa lúc ấy, Trần Hậu chủ còn đương say khướt trên lầu Kết Ỷ. Quân Hậu Trần chạy tán loạn. Về Trần Hậu chủ, có sách nói là được cứu sống, nhưng sau thấy quân sĩ giết mấy hai nàng Khổng, Trương nên buồn rầu, sinh bịnh nhớ thương mà chết. Đỗ Mục, một thi hào nổi tiếng đời nhà Đường (618-907), nhân một đêm ghé thuyền trên bến Tần Hoài, gần một quán rượu. Bấy giờ trong quán, khách còn đang say sưa ăn uống, bên cạnh những ả buôn son bán phấn hát xướng để mua vui cho khách. Lắng nghe giọng hát réo rắt bên kia sông đưa sang, Đỗ Mục xúc cảnh sinh tình: Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa, Dạ bạc Tần hoài cận tửu gia. Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng “Hậu Đình Hoa”. Dịch thơ: Khói bay, nước lạnh, khói trăng pha, Thuyền đậu sông Tần cạnh Tửu gia. Hận nước gái buôn không biết rõ, Cách sông còn hát “Hậu Đình Hoa”. (Bản dịch của Quốc Ấn) (theo Wiki) (phần tg thêm vào): Thuyền Đậu Sông Tần Hoài Có người dịch “thương nữ” là “gái đĩ”: “Gái đĩ không hay buồn mất nước.” Trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều cũng có câu: Vườn Tây Uyển khúc trùng thanh dạ, Gác Lâm Xuân điệu ngã Đình Hoa. Thừa ân một giấc canh tà, Tờ mờ nét ngọc, lặp lòe vẻ son.” (10) “Nhỏ lệ Tầm Dương”. Điển tích: Lời tựa của Bạch Cư Dị: “Năm Nguyên Hoà thứ 10, ta về giữ chức Tư Mã ở quận Cửu giang. Qua mùa thu năm sau, đêm ra tiễn khách bên bến sông Bồn, chợt nghe thuyền ai có tiếng đàn Tỳ Bà vọng lại. Nghe trong tiếng đàn thánh thót, âm vang điệu nhạc ở kinh đô. Bèn hỏi gốc gác. Người đàn trả lời rằng: “Tôi vốn là con hát, quê ở Trường An, học đàn Tỳ Bà với hai danh sư Mục và Tào. Nay tuổi đã cao, nhan sắc tàn tạ, lấy chồng làm con buôn thường theo thuyền buôn đi đây đi đó. Nghe vậy, cho dọn rượu ra đãi, xin nàng đàn lại cho nghe. Ðàn xong cảm xúc vô vàn, nàng bèn kể lại cuộc đời mình từ lúc còn trẻ, vui sướng, cho tới lúc lưu lạc giang hồ khổ nhọc. Ta về đây làm quan đã được hai năm, thanh thản, yên ổn. Hôm nay nghe nàng nầy nói chuyện, cảm thương cho số phận lưu đày! Bèn làm một bài thơ dài tặng nàng ta, gồm 616 lời, gọi là Tỳ Bà Hành.” Bốn câu cuối trong Tỳ Bà Hành là: “Thê thê bất tự hướng tiền thanh Phan Huy Vịnh dịch như sau: “Nghe não nuột khác tay đàn trước, Tác giả ghi chú thêm: Chỗ sông Bồn, nơi Bạch Cư dị đưa khách là bến Tầm Dương (Hai câu đầu của Tỳ Bà Hành là: “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu” Bốn câu cuối tả tâm trạng của Tư Mã Bạch Cư dị cũng như người đàn bà ca kỹ, cả hai đều cảm cái thân phận lưu đày, trôi nổi của mình và cùng khóc. Bản tiếng Nôm do Phan Huy Vịnh dịch. Có nhà phê bình văn học cho rằng bản dịch của Phan Huy Vịnh hay hơn cả bản Hán văn của Bạch Cư dị. (11) Giặc Chày Vôi chính là sự Phản nghịch ở kinh thành. Sử chép: 5.- Sự phản nghịch ở Kinh Thành Việc ngoài bác mới hơi nguôi nguôi, thì Kinh đô lại có việc làm cho náo động lòng người. Nguyên vua Dực Tông là con thứ mà được nối ngôi, là vì người anh ngài là Hồng Bảo, phóng đãng, không chịu học hành cho nên không được lập. Ông ấy lấy điều đó làm tức giận, bèn mưu đồ với một nước ngoại quốc để tranh ngôi vua. Chẳng may sự lộ ra, ông ấy phải bỏ ngục, rồi uống thuốc độc mà chết. Còn con ông ấy thì được tha mà phải đổi tên là Đinh Đạo. Đến năm Bính Dần, là năm Tự Đức thứ 19, nhà vua đang xây Vạn Niên Cơ tức là Khiêm Lăng bây giờ, quân lính làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận. Bấy giờ ở kinh thành có Đoàn Trưng cùng với em là Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực và bọn Truơng Trọng Hòa, Phạm Lương, kết làm “Sơn Đông thi tửu hội”, để mưu việc lập Đinh Đạo lên làm vua. Bọn tên Trưng mới chiêu dụ những lính làm ở Vạn Niên Cơ và cùng với quan hữu quân Tôn Thất Cúc làm nội ứng định ngày khởi sự. Đến hôm mồng 8 tháng 8, bọn tên Trưng đem quân vào cửa tả dịch, chực xông vào giết vua Dực Tông. May nhờ có quan chưởng vệ Hồ Oai, đóng cửa điện lại, hô quân bắt được tên Trưng, tên Trực và cả bọn đồng đảng. Đinh Đạo phải tội giảo. Tôn Thất Cúc thì tự vẫn chết, còn các quan có trách nhiệm đều phải chiếu tội nặng nhẹ, hoặc phải cách. (Việt Nam Sử Lược – tập 2. trang 272) Theo dư luận ở Huế, cháu chắt Đoàn Trưng, Đoàn Trực sợ liên lụy, bèn bỏ Huế chạy trốn, một số về Truồi, phía nam Huế; một số ra Hương Cần, phía bắc Huế, đổi thành họ Lê. Con cháu họ Lê ở Hương Cần, theo như người Huế nói, có ông Lê Văn Khương, đại tá Không Quân VNCH, ông Lê Van Lâm, tác giả sách lý hóa đệ nhị, ông Lê Văn Bang, thiếu tá Không Quân VNCH… Điều nầy, tôi chỉ nghe đồn chớ có được đọc gia phả của họ đâu mà biết chắc! Họ Lê ở Truồi, chính là ở làng Bàn Môn, huyện Phú Lộc (sau nầy đổi thành Vinh Lộc) là họ của Lê Đức Anh. Khi Lê Đức Anh làm tổng bí thư đảng Việt Cộng, có người nói: “Lê Đức Anh là con cháu tên phản nghịch, nay làm trùm đảng cướp. Giòng nào giống đó! Có chi mà thắc mắc?” Anh em Lê Đức Anh học hành không tới nơi. Người anh có tiệm đại lý gạo ở Hàng Bè, tiệm gì “… Lợi” đó, tôi không nhớ. Chủ tiệm nầy là bố trung tá hải quân trung tá Lê Kim L. của VNCH. Có lẽ nhờ là cháu Lê Đức Anh, ông trung tá nầy đi “tù cải tạo” chỉ 4 năm rưởi thì được tha ra. Như người ta thì cũng phải ngồi gở trên mười cuốn lịch. Ông hải quân trung tá Lê Kim L. qua Mỹ theo “diện” HO. Lê Đức Anh, mới đậu bằng “Sơ học yếu lược” (lớp ba), rời quê vào Nam tha hương cầu thực, làm cặp rằng ở đồn điền cao su Phú Riềng. Việc nầy nhiều người biết, xin khỏi bàn thêm. (Trích “Chuyện bên lề lịch sử, cùng tác giả) (12)- Đoàn Khuê tên thật là Trần Bá Khuê, quê ở làng Gia Đẵng, phủ Hải Lăng tỉnh Quảng Trị, làng làm nghề đánh cá biển, chỉ có đất cát, không có ruộng nương gì, làng nghèo nhứt của tỉnh nghèo nhứt nước ta. Tuy nhiên, cha mẹ ông Trần Bá Khuê (Đoàn Khuê) không nghèo, nhờ làm nghề “đầu nậu” (mua tôm cá của ngư phủ rồi bán lại, và làm nghề cho vay cắt cổ khi tới mùa biển động, ngư dân không đánh cá được, đến mùa cá thì trả bằng cá đánh được, cả vốn lẫn lời. Hai anh em ông Đoàn Khuê, Đoàn Mại (tức Trần Bá Mại, hoạt động nằm vùng ở miền Nam trước 1975) được đi học chứ không dốt chữ như toàn bộ dân làng Gia Đẵng. Xong tiểu học ở “École Primaire de Quangtri” (tên trước 1945, tức là trường tiểu học Quảng Trị) thì vào Huế ở với mẹ đẻ (vợ hai của cha). Bà nầy mở tiệm cầm đồ trên đường Đông Ba (Mai Thúc Loan), gần miếu Âm Hồn, không chưng bảng hiệu, dân chúng thường gọi là “Tiệm cầm đồ “Mụ Thái”). Năm 1945, cả hai anh em theo Việt Minh. (13) Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc dòng dõi Hoàng Hữu Bính, làm quan triều Nguyễn. Vì nhà Nguyễn suy tàn nên dòng họ Hoàng Hữu nầy cũng tàn theo. Bố của Tường học chữ Nho không tới, chữ Quốc ngữ không thông, nên xin học và làm y tá ở bệnh viện Quảng Trị thời kỳ bác sĩ Phan Văn Hy làm giám đốc bệnh viện ở đây. Lương y tá thì nhỏ, sống nhờ của cải tổ tiên để lại, ngày càng nghèo đi nên thất chí, bất mãn. Việc ấy ảnh hưởng đến tâm tính các con ông. Phụ lục: Thăng Long thành hoài cổ – Bà Huyện Thanh Quan Tạo hóa gây chi cuộc hí trường Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương, Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương. Ngàn năm gương cũ soi kim cổ. Cảnh đấy người đây luống đoạn trường Đêm tàn Bến Ngự – Dương thiệu Tước: Tiếng Xưa – Dương Thiệu Tước Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là hậu duệ danh sĩ Dương Khuê đời Tự Đức (1829-1883) hiệu Vân Trì. Tục gọi ông là Nghè Vân Đình vì ông quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, nay là thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội. Ông là cháu nội của cụ Đốc học tỉnh Sơn Tây Dương Đức Ứng, húy Thụy, con cả cụ Đô ngự sử Dương Quang, anh ruột là Dương Lâm. Ông văn hay chữ tốt, đỗ cử nhân lúc ngoài 20 tuổi. Ông vào kinh thi Hội bị hỏng khoa đầu, nhân được Tùng Thiện Vương (Nguyễn Phúc Miên Thẩm) mời về nhà dạy con cháu học, ông nán ở lại chờ khoa sau. Năm Mậu Thìn (1868), ông đỗ tiến sĩ lúc 29 tuổi, được bổ làm Tri phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương rồi thăng dần chức Bố chính. Khi quân Pháp xâm lược nước ta, ông dâng sớ bàn phải quyết liệt chống Pháp nhưng vua Tự Đức xem sớ phê là “Bất thức thời vụ”, rồi giáng làm Chánh sứ Sơn phòng, trông nom việc khai hoang. Mấy năm sau, thăng làm Án sát tỉnh Hải Phòng, lại bị cách chức lần nữa trở ra Sơn Phòng như trước. Được vài tháng lại bổ làm Đốc học Nam Định, rồi thăng làm Bố chính. Đến đời Thành Thái ông giữ chức Tham tá Nha kinh lược Bắc Kì, Sau đó làm Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Về hưu, ông được tặng hàm Thượng thư bộ Binh. Ngày 6-3-1902, ông mất, hưởng thọ 63 tuổi. Thơ văn ông được truyền tụng hầu hết là những bài hát nói, đặc sắc hơn cả là bài “Đề: Động Hương Tích.” Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, (báo chí Mỹ gọi bà Bomb Lady) thuộc dòng dõi họ Dương nầy!
Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư. (Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê) Bác Dương thôi đã thôi rồi, Cùng là hậu duệ các quan, nhưng xem ra, với hai bài hát trên, người ta hiểu, quí trọng và yêu mến nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nhiều,
vì ông là người có tâm hồn, biết rung cảm, xuc động trước nỗi đau của Huế, nói riêng và dân tộc, nói chung, khác xa với anh em Hoàng
Phủ Ngọc Tường những con người đầy lòng thù hận.
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi
Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát;
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Cô gái không hay buồn nước mất,
Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa
Mãn toạ trùng văn giai yểm khấp
Toà trung khấp hạ thùy tối đa
Giang châu Tư Mã thanh sam thấp”
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.”
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
VVM.17.3.2023