Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




        

GIẢI MÃ "THIỀN"

  


K hông riêng nguời tu Phật mới nghe nói đến THIỀN, mà Thiền đến nay hầu như đã phổ biến rộng rải khắp nơi. Để tĩnh tâm, để trị bịnh, luyện khí công, mở luân xa, xuất hồn... mọi người đều mượn phương tiện này.

Thiền thật ra đã có từ trước khi Đức Thích Ca đi tu, lúc đó gọi là Tĩnh Lự hay Tư  Duy Tu, do một người tên là Phất Đang La sáng lập. Nhưng kể từ Đức Thích Ca thành đạo nhờ  THIỀN và đưa vào Đạo Phật như một trong Sáu Phương Tiện không thể thiếu cho con đường tu Phật gọi là LỤC ĐỘ, tức là Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định, Trí  Huệ, thì Thiền và Đạo Phật không thể tách rời nhau, muốn tu Phật là phải có Ngồi Thiền. Nhưng một câu hỏi mà lẽ ra tất cả những người tu Phật cần phải đặt ra là : Tại sao Đức Thích Ca chỉ cần Ngồi Thiền có 49 ngày đêm mà Đắc Đạo, người thời sau, nhất là thời nay ngồi mãi mà không thấy đắc ? Để tìm đáp án cho thắc mắc này, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu nói về Thiền từ các Tổ, cho đến những thiền sư danh tiếng như các Ngài Suzuki, Nguyệt Khê, Lai Quả.. kể cả các sách vỡ của Thiền Tông, nhưng vẫn không tìm ra. Vì thế, tôi đã bỏ ra bao nhiêu năm dài lục tìm trong chính Kinh và những tài liệu có liên quan đến con đường tu hành của Đức Thích Ca, và các Tổ chân truyền. Cuối cùng tôi cũng đã giải mã được về Thiền như sau, xin trình bày ra đây, mong được sự góp ý của các nhà Thiền Học xa gần.

Thiền thì ai cũng biết, cách Ngồi là xếp bằng trong tư thế Kiết Già hay Bán Già, lưng thẳng, mắt khép hờ, tập trung và đếm hơi thở gọi là Sổ Tức, hoặc tập trung và điều khiển cái Ý đưa nó đến những luân xa hay huyệt  đạo để khai mở hay để trị bịnh tùy theo mục  đích người ngồi muốn dùng. Chỉ riêng phần NGỒI, ta đã thấy hình thức thì giống, nhưng do cách vận dụng hơi thở và điều khiển cái Ý mà  ra kết quả khác, và theo Đạo Phật, người Ngồi Thiền, với cái Tâm an định, có thể có được những hiện tượng :

1/- Mở được thần thông.

2/- Thiên nhỉ thông : nghe được các tiếng của chư  thiên và các tiếng người bất cứ xa hay gần.

3/- Tha Tâm Thông, tức đọc được tư tưởng người khác.

4/- Túc mạng minh, tức có thể nhớ được tiền kiếp.

5/- Thiên nhãn minh : tức là thấy rõ tính cách sinh diệt của mỗi chúng sinh.

6/- Lậu tận minh : Đây là cái sáng suốt mà người tu Phật cần đạt được. Người tu Phật có thể  không cần đắc 5 cái trên, nhưng rất cần đắc cái Lậu Tận Minh này : đó là biết rõ về  Khổ và con đường Diệt Khổ. Đó cũng là  mục đích chính của công việc Tu Phật, vì Đạo Phật được gọi là Đạo Độ Khổ, khi Diệt  được Khổ thì gọi là được Giải Thoát. Do đó, người muốn Ngồi Thiền cho thành công trong bất cứ mục đích nào thì trước lúc Ngồi cần hiểu rõ để vận dụng cho đúng. Thông thường, người đắc 1 trong 5 hiện tượng nói trên dễ bị say mê, thích thú nên vướng mắc ở đó, khó  tiến thêm trên đường tu Phật.

Thường thì có hai hiện tượng diễn ra trong lúc Ngồi Thiền với người không theo một phương pháp cụ  thể : Thứ nhất là hôn trầm, tức là  cái Ý không còn suy nghĩ gì thì bặt  đi đâu mất, người ngồi sẽ như người ngủ  sâu, vì không còn ý thức để cảm nhận  được nữa. Thứ hai là do đóng các căn và  kềm chế ý thức nên nó không còn nhìn thấy nghe cảnh trần nữa thì phiêu lưu vào cảnh giới của cõi khác, thấy mình gặp gở, tiếp xúc với thần, tiên, ma quỉ, hoặc thấy Bồ Tát, Phật và cảnh sắc lạ lùng, huyền bí, lại được nghe giảng đạo, làm cho người ngồi rất thích thú vì thấy lâng lâng nhẹ nhõm nên rất thích ngồi. Tuy nhiên, đó không phải là cảnh giới thật, mà gọi đó là  ma cảnh, nên người ngồi và say mê như thế  lần hồi trở thành bất thường gọi là "tẩu hoả nhập ma", đôi khi trở thành điên loạn vì có những lời lẻ cử chỉ không bình thường, đó là hiện tượng vẫn thường gặp trong giới Tu Thiền mà thiếu người hướng dẫn.

Nhưng nếu muốn Ngồi Thiền để "Đắc Đạo" như Đức Thích Ca thì phải Ngồi như thế  nào ? Vì cách Ngồi đã không khác, sao kết quả  lại không giống ? Để giải đáp cho câu hỏi này chúng ta lại phải đi một vòng, từ những người Thiền sai được dẫn chứng trong Kinh để từ đó kiểm chứng ngược lại.

Thứ Nhất, ta thấy Ngài Xá Lợi Phất trong Kinh Duy Ma Cật cũng ngồi Thiền, nhưng bị Ngài Duy Ma Cật quở trách và giải thích : Ngồi Thiền không phải là "Ngồi sửng ở đó" mà là " Phải vào ba cõi mà không hiện thân, ý".

Thứ hai, trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có nói về  Phật Đại Thông Trí Thắng, cũng là một kiểu "ngồi sững ở đó", vì " một tiểu kiếp cho đến mười tiểu kiếp, ngồi xếp bằng thân và tâm không động mà các phật pháp còn chẳng hiện ra trước" (DPLH tr. 206).

Thứ ba : trong Mã Tổ Bách Trượng Ngữ  Lục ta thấy có giai thoại : Lúc Mã Tổ còn là một thiền sinh, đang Ngồi Thiền, thì Hoà  Thương Hoài Nhượng muốn khai mở cho ngài nên lượm một viên gạch mang mài trước am của Ngài. Mã Tổ  lấy làm lạ hỏi :

- Mài gạch để làm gì ?

- Đáp : Để làm kính.

- Hỏi : Gạch mài sao thành kính được ?

- Đáp : Gạch mài không thành kính được, toạ Thiền há thành Phật được sao?

- Hỏi : Vậy thì sao mới phải ?

- Đáp : Như bò kéo xe, xe không đi thì đánh xe hay đánh bò là phải ? Ông học tọa thiền hay toạ Phật ? Nếu học toạ thiền thì thiền không dính chi tới chuyện nằm ngồi. Nếu học toạ Phật thì Phật vốn không có tướng nhất định. Cái pháp vô trụ không nên buông bắt. Nếu chấp cái tướng ngồi thì không đạt được lẽ đó".

Đến đây chúng ta cũng thấy hé mở một chút về Thiền của Đạo Phật : Thứ Nhất : Thiền không phải là "ngồi sửng ở đó". Thứ hai : " Phải làm cho phật pháp hiện ra". Thứ ba : "Thiền không dính tới chuyện nằm ngồi. Thứ tư : "Xe không đi thì đánh bò hay đánh xe" ? Tức là người tu cần biết mục đích của việc Ngồi Thiền, để sử dụng phương tiện cho đúng. Xe là Cái Thân, Bò, theo Đạo Phật thì đó là cái đã làm ra vòng Sinh tử Luân Hồi. Do đó, nếu ta chỉ trói cái Thân tức là đánh cái xe, chưa khống chế được con bò, thì ngồi cho nhiều cũng vô ích mà thôi.

Do Kinh sách không giải thích rõ Đức Thích Ca hay Chư  Tổ đã Ngồi Thiền như thế nào, nên người sau rất mơ hồ, chỉ bắt chước được phần hình tướng, tức là cách ngồi, mà không nắm được nội dung, nên không thể thành công được. Vì thế, muốn hiểu về Thiền của Đạo Phật thì cách hay nhất là ta phải bắt đầu từ Đức Thích Ca, xem lại từng bước tu hành của Ngài thì mới mong đạt được điều mà Ngài đã đạt được.

Phải chăng ai cũng biết rằng do bức xúc khi trông thấy cảnh SINH, LÃO, BỊNH TỬ đè nặng lên kiếp người nên Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã bỏ ngai vàng, vợ  đẹp, con xinh, gia nhập vào hàng ngũ những người tu đương thời để tìm cách hoá giải. Sáu năm tu học với sáu vị Thầy, chứng đầy đủ các phép thần thông, nhưng cũng không tìm được lời giải đáp, mà do khổ hạnh nên thân thể ngày càng yếu  đi. Thấy rằng "tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối" nên Ngài đã bỏ nếp sống khổ hạnh, nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò rồi trải toà cỏ ngồi dưới cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện : "Chỉ đứng dậy khi nào tìm được thủ phạm đã làm ra ngôi nhà sinh tử "?

Tới đây ta đã thấy được nguyên nhân Xuất Gia và Ngồi Thiền của Đức Thích Ca, đồng thời ta cũng thấy được là do quyết tâm tìm cho ra thủ phạm làm ngôi nhà sinh tử nên Ngài đã Ngồi Thiền. Mục đích đã rõ, và qua kinh nghiệm hành trì, Ngài biết rằng nếu cứ để cho Lục Căn, tức là ; Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, và Ý tự do hoạt động thì chúng sẽ cứ theo thói quen mà tiếp nhận các pháp, không thể tập trung được, nên Ngài dùng hình thức Ngồi Thiền để trói cái Thân, tập trung toàn bộ, nhắm đến mục tiêu Ngài cần tìm. Trong khi Ngồi Thiền thì Ngài đã dùng THIỀN QUÁN hay gọi là THIỀN MINH SÁT, có nghĩa là Ngài đang tập trung cả Thân, Tâm để giải quyết điều Ngài đang bức xúc : là tìm cho ra nguyên nhân của Sinh, Lão, Bịnh, Tử.

Nhưng căn cứ vào đâu mà ta biết rằng Đức Thích Ca đã dùng thì giờ Ngôi Thiền để tập trung tìm thủ phạm làm ra Ngôi Nhà Sinh Tử  ? Căn cứ vào lời tuyên bố đầu tiên của Ngài lúc xả thiền : "Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Hỡi kẻ làm nhà, từ đây ta đã gặp được ngươi rồi, ngươi không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi, rui mè của người cũng tan nát cả rồi. trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn, ta đã hoàn toàn giải thoát" . Chính lời tuyên bố ngay khi xã Thiền, cũng như lời phát nguyện trước khi Ngồi Thiền cho phép ta khẳng định điều Ngài đã làm trong lúc Ngồi Thiền, cũng như dựa vào lý do Xuất Gia của Ngài mà ta có thể xâu lại thành một chuỗi con đường tu tập của Ngài và điều mà Ngài đã được, gọi là "Đắc Đạo".

Thật vậy, phải chăng con đường Đức Thích Ca thiết tha muốn tìm đó là cách thức để thoát khỏi sự ràng buộc của cái Thân theo quy trình Sinh, Lão, Bịnh Tử ? Do đó, khi Ngài khám phá ra con đường đó thì gọi là "Được Đạo" hay Đắc Đạo, tức là gặp được con đường, hay là  biết được thủ phạm cũng như cách thức  để hoá giải ? Thủ phạm đó được Ngài chỉ lại cho các đệ tử và từ đó các Tổ lần lượt truyền cho nhau : Đó là cái VỌNG TÂM, hay cũng gọi là cái TÂM VÔ MINH. Chính cái Tâm này đã chuyền níu với các pháp làm thành một vòng gọi là THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN, trói chặt con người vào vòng Sinh Tử Luân Hồi, vì thế, con đường tu Phật là phải thấy được cái Tâm này và tìm cách hoá giải nó, hay nói cách khác là Ngộ được Bản Thể Tâm vốn thanh tịnh, nên cần thấy thế nào là cái Tâm Vô Minh để chuyển hoá nó. 

Để thấy được điều đó thì cần phải tập trung cả Thân lẩn Tâm, vì vậy mà có THIỀN và QUÁN. THIỀN là tập trung, là dừng những động loạn. QUÁN là Quán Sát, Tư duy. Sau khi thấy được cái Tâm, biết nó dính mắc như thế nào ? Biết cách để tháo gở, thì bắt đầu SỬA nó. Chính vì vậy mà tu theo Đạo Phật được gọi là TU TÂM. Đó là mấu chốt của việc NGỒI THIỀN và ĐẮC ĐẠO. Cho nên người tu nào không biết được quy trình này thì việc Ngồi Thiền sẽ không thể đưa đến kết quả gặp con đường, hay "Được Đạo" như  Đức Thích Ca.

Bài Kệ trong Kinh Viên Giác cũng định nghĩa THIỀN  ĐỊNH như sau :

THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ QUÁN,

VÀ CHỈ QUÁN SONG TU.

Khi biết được mục đích THIỀN là CHỈ, QUÁN, thì dùng Tướng NGỒI hay không, không còn cần thiết nữa. Cũng chính vì vậy nên Lục Tổ tám tháng ở trong chùa của Ngũ Tổ, chỉ có  giả gạo, chẻ củi, đâu có giờ để Ngồi Thiền, nhưng vẫn ngộ được Bổn Tâm. Khi ra hành đạo, giảng về Thiền Định, Ngài nói : "Chư Thiện tri Thức, sao gọi là Ngồi Thiền ? Ngoài đối với các điều lành, dữ , các cảnh giới mà tâm chẳng khởi vọng niệm gọi là Ngồi. Trong thấy tánh mình chẳng động gọi là Thiền" " Ngoài lìa tướng gọi là THIỀN, trong không tán loạn là ĐỊNH". Để nói về những người Ngồi Thiền mà không rõ ý nghĩa, Lục Tổ đọc Kệ :

Khi sống, ngồi chẳng nằm,

Lúc chết, nằm chẳng ngồi.

Gốc là cục thịt thúi.

Làm chi vậy mệt ôi !

Tổ ĐẠT MA cũng dạy : " Ta đến xứ này cũng chỉ truyền một Tâm ấy, không luận về Giới, Thí, tinh tiến, khổ hạnh, cả đến việc vào nước, lửa, lên vòng gươm, chay lạt ngày một lần, ngồi hoài không nằm (Thiền ), thảy thảy chỉ là pháp hữu vi của ngoại đạo". Vì sao gọi là ngoại đạo ? Vì không đi vào được cái Tâm, chỉ loanh quanh với các hình tướng bên ngoài mà thôi.

Tóm lại, THIỀN ĐỊNH của Đạo Phật là  để sinh Trí Huệ, vì thế, công việc cần làm trong lúc NGỒI THIỀN là CHỈ, QUÁN. Muốn Chỉ Quán thành công thì phải có đề tài liên quan đến Đạo Phật, và như Chư vị đi trước nói : "nghi lớn, ngộ lớn, nghi nhỏ, ngộ nhỏ", không phải nghi cái gì, Quán cái gì cũng Đắc Đạo. Đức Thích Ca bức xúc về con đường giải thoát khỏi nổi Khổ SINH, LÃO, BỊNH, TỬ của kiếp người, hẳn là trong sáu năm dài, từ lúc bắt đầu xuất gia Ngài không ngừng trăn trở về nó, nên khi theo học với những vị Thầy đương thời, đạt đến cảnh giới cao nhất của mỗi vị, lần lượt cả Sáu người mà vẫn không tìm được lời giải đáp thì Ngài biết rằng phương pháp của họ không đáp ứng được nguyện vọng của ngài, nên quyết định dùng Thiền Định để tự tìm. Cuối cùng sau 49 ngày đêm Thiền Định thì  Ngài khám phá ra con đường giải thoát, gọi là  "Được Đạo". Những người Ngồi Thiền  để trị bịnh như Yoga, để luyện khí công, để mở luân xa, để xuất hồn đều có mục  đích và có phương pháp riêng, nên khi Ngồi  đúng phương pháp, có thầy hướng dẫn phần đông đều đạt được yêu cầu.

Tất nhiên, không phải do ngồi bất động, ngồi nhiều thời trong ngày, ngồi nhiều tháng năm mà có thể  Đắc, vì không phải Ngồi là THIỀN và chỉ  cần tập trung và Tư Duy mà được đạo, vì xếp tay, chân, ngồi bất động mới chỉ  là NGỒI. Thiền của Đạo Phật là phải  ĐỊNH, tức tập trung tư tưởng rồi Tư Duy đúng hướng của Đạo Phật. Tại sao cần đúng hướng ? Bởi vì những nhà khoa học hay các nhà nghiên cứu, họ cũng tập trung cao độ, suy tư rất sâu, nhưng đâu thể có cái Đắc của Đạo Phật ? Hơn nữa muốn Thiền theo Đạo Phật thì đòi hỏi ba điều kiện :

1/- Ưu tư về Đạo.

2/- Có  sự hỗ trợ của 5 Độ còn lại.

3/- Phải kiên trì .

Cũng giống như người đời muốn thành công trên bất cứ lãnh vực nào thì đòi hỏi phải có  niềm đam mê và có phương pháp phù  hợp. Người Ngồi Thiền mà không có mục tiêu, không biết làm gì trong lúc Ngồi, không biết bắt  đầu từ đâu, không tư duy, quán sát, không biết mình muốn tìm gì thì làm sao gặp ? Ngồi khơi khơi như thế, nếu không hôn trầm thì cũng thả  hồn rong chơi các cảnh, xả Thiền ra thì cũng đâu có cái thấy biết nào khác hơn trước lúc Ngồi ? Xét về Nhân Quả, rất đời mà cũng rất Đạo : "tìm gì thì gặp đó, không tìm thì  không gặp". Đó là lý do khiến người thời nay ngồi mãi mà vẫn không đắc. Suy cho cùng thì  đó là lẽ đương nhiên, nên không có gì  đáng ngạc nhiên vậy.






VVM.17.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com