Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             





PHỤ ĐỒNG TIÊN,
MỘT NÉT VĂN HOÁ DÂN GIAN XƯA.




D ân Việt xưa có một nếp văn hoá lưu truyền qua nhiều đời: Phụ đồng.

Việc phụ đồng thường là các hoạt động mang tính thần bí, là một sinh hoạt tôn giáo mang màu sắc đa thần (polytheism), có khi là mê tín dị đoan nên bài trừ nhưng cũng có khi lại là một sinh hoạt văn hoá dân gian cần khảo sát. Một trung tâm nổi tiếng về phụ đồng là Điện Hòn Chén ở làng Hải Cát, huyện Hương Trà, Huế. Điện Hòn Chén được vua Minh Mạng sắc phong là Ngọc Trản sơn từ, thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Liễu Hạnh Công Chúa (Vân Hương Thánh Mẫu), ngoài ra còn còn thờ Phật, Quan Công và hơn 100 thần thánh khác. 

Người phụ đồng phải có tính cách, năng lực riêng. Maurice Durand, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO : École française d'Extrême-Orient) tại Hà Nội, có thời gian sống ở Việt Nam khá lâu, đã tìm hiểu về kỹ năng, việc thực hiện các buổi phụ đồng. Lúc trở về Pháp M. Durand đã viết cuốn Technique et Panthéon des médiums vietnamiens (Kỹ thuật và đền thánh của người hầu đồng Việt Nam). Khi phụ đồng các Thanh Đồng (1) có thể đi trên than hồng,  dùng thanh sắt sắc nhọn đâm xuyên vào hai má và miệng, ăn lửa, lên đai (thắt cổ)… Nói chung lúc này họ là hiện thân của vị thần nào đó nhập vào và làm được những việc lạ thường.

PHỤ ĐỒNG TIÊN Ở VÙNG CẨM XUYÊN - HÀ TĨNH

Tôn giáo xưa của nước ta là Tam Giáo: Nho, Phật, Lão. Tam giáo đồng nguyên vẫn là nét chung văn hoá của các nước chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa: Việt, Nhật, Triều Tiên, Hàn Quốc…

- Đạo Phật vào Việt Nam từ thế kỉ I trước Công nguyên. Đầu tiên, đạo truyền từ Ấn Độ (hình tượng Bụt trong truyện cổ tích xưa – “Bụt” là phiên âm chữ Buddha [bậc giác ngộ]. Đến thế kỷ thứ IV - V, ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc truyền sang, "Bụt" được thay bằng "Phật" -佛).

- Nho giáo, Đạo giáo (Lão giáo) sang nước ta từ thời Bắc thuộc. Đạo giáo phổ biến mạnh từ lúc Cao Biền đời Đường sang ta tìm long mạch. Đời Đinh, Lê, Lý, Trần coi trọng Đạo sĩ ngang hàng Tăng Sư, đến đời Lê Trịnh thì Đạo giáo bị Phật hóa, các Đạo quán trở thành chùa. Nay tại Hà Nội vẫn còn một số Đạo quán: Thăng Long tứ quán gồm Trấn Vũ quán (đền Quan Thánh), Huyền Thiên quán (chùa Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai), Đồng Thiên quán (chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành), Đế Thích quán (chùa Vua ở phố Thịnh Yên).

Thời xưa các trong đời sống tinh thần giới trí thức cũng như cả dân tộc nói chung vẫn thể hiện quan điểm Tam giáo đồng nguyên: hoà nhập Phật giáo, Đạo giáo vào Nho giáo: Ngô Thì Sĩ, người dâng nhiều bản điều trần  chấn hưng Nho phong sĩ khí lại là người thờ cả Khổng tử, Thích Ca Lão tử…Trạng nguyên Nho học Trịnh Tuệ đã viết Tam giáo nhất nguyên thuyết, Lê Quý Đôn bàn khá nhiều về Phật giáo trong các trước tác. Ngô Thì Nhậm, một nhà Nho chính thống đã viết  Đại chân viên giác thanh với lời tựa của Phan Huy Ích. La Sơn Phu tử lại dụng tâm luyện đan dược…

Nay, Đạo giáo tuy không là một tôn giáo ở nước ta nhưng vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần người Việt; Truyện Nôm Bích Câu kì ngộ, một truyện thơ thuần Việt, là tác phẩm truyền bá tư tưởng Đạo giáo: Giáng Kiều là Tiên, gặp Tú Uyên là Nho sinh, kết thành vợ chồng, sinh được một trai… Về sau Giáng Kiều giác ngộ Tú Uyên học đạo rồi thành Tiên và cả hai cùng về Tiên giới…


Theo dòng tư tưởng trên, hình tượng “Tiên” trong Văn hoá Việt vẫn rất quen thuộc: ngôn ngữ hàng ngày, ngôn ngữ thi ca vẫn có các ngữ “sướng như Tiên”, “hay như thuốc Tiên” ; “ Vội vàng chi đã mãi lên Tiên”, “Em là ai - Cô gái hay nàng Tiên ?”…

Riêng ở vùng Nghệ Tĩnh, khoảng trước 1950, rải rác có những buổi Phụ đồng Tiên. Chỉ một nhóm nhỏ tổ chức tại sân vườn của một gia đình nào đó tại làng Xuân Lộc (nay là Cẩm Hà), thuộc Huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, người ta cầu Tiên Nam Thanh Chủ nhân. Căn cứ lời cầu, vị Tiên này tại núi Thiên Cầm, phía bắc thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, cách thành phố Hà Tĩnh 27km.

Lúc này, dân ta ít chữ nghĩa: người có chút vốn Hán học, rải rác trong làng xã đôi khi chỉ được vài người, ngoài ra đa số là là nông dân. Người phụ đồng là nông dân không biết chữ nhưng khi đã nhập đồng thì văn chương sắc sảo, chữ nghĩa uyên thâm, thông thạo cả Hán, Nôm, quốc ngữ… Người phụ đồng được chọn phải có năng lực riêng, cầm chiếc giỏ bằng tre đan, có cần uốn cong để viết thơ lên mâm gạo… Các bài thơ của Tiên cho thực sự là những tác phẩm có giá trị Văn học.

Xin trích lại ở đây bài Nam Thanh Chủ Nhân tụng lưu lại trong kí ức:

Thiên địa huyền hoàng chi Tạo hoá;
Càn khôn nhật nguyệt thử tinh anh.
Thân chí tịnh nhi tâm chí thành;
Thân tâm thị thần linh chi cảm ứng.
Tế như tại (2) dương dương hồ thượng.
Đệ tử tôi chiêm ngưỡng đốt tuần hương.
Thỉnh Tiên gia giáng ứng đàn tràng;
Cứu trần thế luân hồi trong bể khổ.
***
Đấng Tiên Tử vốn sẵn lòng ái mộ,
Quyết một phen thổ lộ can tràng.
Hỡi trần gian sao khéo mơ màng.
Giấc mê đã chán chường sao chưa tỉnh.
Khổng Tử, Mạnh Kha chư hiển thánh;
Cũng vì đời mà xả mệnh chu du.
Đem tấm lòng vì đạo dạy truyền cho
Mười tám nước, công phu đà quá đỗi. (3)
Hỡi trần thế cứ tu lòng giả dối;
Chẳng biết nguồn tội lỗi bởi vì đâu.
Sách Hán hoàng (4) miệng đọc làu làu.
Câu Lễ-Nghĩa để vào đâu không nhớ nữa.
Hỡi trần thế hãy mau mau kíp sửa,
Tu lấy tâm mà sửa lấy mình.
Quân tất minh nhi thần tất trung.
Quân thần thị nhân sinh chi trọng yếu.
Phụ tất từ, tử tất hiếu;
Phụ bất từ, tử đạo bất trách chi.
Phu chi xướng, phụ chi tuỳ.
Phu bất chính, phụ nhi chi bất trách.
Trên phải ở làm sao cho trong sạch.
Lấy công bằng vi hạnh phúc chi mưu.
Chữ Tam công đạo Thánh dạy làm đầu.
Hỡi trần thế mau mau nên xét lại.
Tâm huyết cũng cùng chung trong xã hội;
Vốn ngày xưa dòng dõi giống Rồng Tiên
Khuyên anh em phải ở cho hiền.
Đừng có nghĩ bạc tiền hơn máu mủ.
Đời người chẳng bao lâu như giấc ngủ.
Dẫu đồ vương tranh bá cũng mà chi.
Sống tham lam ăn xổi ở thì.
Khi thác xuống oan hồn tương báo mãi.
Hỡi trần thế hãy suy đi xét lại.
Chớ điềm nhiên phúc tội thị như không;
Mà đua nhau tranh cạnh đủ trăm vòng.
Sao chẳng sợ Thiên Công chi thưởng phạt.
Hay là đời tưởng không Thần, không Phật;
Cứ đem lòng gian giảo phỉnh phờ nhau.
***
Nay lâm đàn ta phải vạch vài câu.
Hỡi trần thế phải mau mau sám hối.
Tác tội chung quy hưởng tội;
Vi nhân, tất thị phùng nhân.
Ta phải nên cứu kẻ cơ hàn
Cũng như kẻ lâm nàn, người ngộ bệnh.
Thấy ta mạnh, ta muốn đời cho mạnh;
Thấy ta nhàn, anh em cũng nên nhàn.
Nhất nhật nhàn thị nhất nhật tiên.
Can chi phải tranh quyền cướp nước.
Can chi phải mua danh bán tước.
Can chi mà ao ước sự giàu sang.
Thử tính xem ngày tháng tựa tấc gang.
Khi thác xuống muôn vàn thôi phủi sạch.
Nhất phiến đan tâm hoàn tự thạch;
Thiên niên mai cốt bất mai danh.(5)

Kìa ai ai muốn được hưởng phúc lành,
Kíp sớm lấy tu hành làm cội rễ.
Trung, Hiếu, Trí, Tín, Lễ, Nghĩa,
Treo làm gương cho người thế khỏi sai lầm.
Bóng thiều quang nhất thốn tự thiên kim.
Hỡi trần thế kíp tìm nguồn hạnh phúc.
***
Đấng Tiên tử vốn xưa cùng thế tục.
Làm kiếp người trong một lúc phong ba.
Cũng đã từng gươm đạn giữa can qua;
Mà nếm đủ chua cay mùi tục luỵ.
Hai mươi mốt tuổi, thăng đường nhiệm lỵ.
Phù hai triều Tiền Lý, Hậu Lê.
Hai mươi năm danh lợi lợi chán ê chề.
Say đắm giữa sông mê, bể khổ.
Bỗng một phút Thánh hoàng thịnh nộ.
Xả thân mà tìm thú lâm tuyền;
Đem tấm lòng phó mặc Hoàng Thiên.
Khi thoát tục trở lên miền Cực Lạc.
Khi loan xa, khi giá hạc,(6)
Khi hoàn thạch thất, khi phiếm long châu. (7)
Trải qua chơi ba mươi sáu Động Đình hồ,
Nay trở lại non Cầm (8) nơi vũ trụ.
Khi bể Én (9) ta làm cho sóng vỗ;
Khi Hoành Sơn ta rủ cho mây bay.
Về Kỳ La (10) nghe giọng hát dân cày;
Qua Hoá Dục (11) xăn tay người bủa lưới.
Kẻ lên non hái củi,
Người xuống suối ngồi câu.
Thú tiêu dao ngày tháng hạn gì đâu.
Ta rút cả phong lưu vào một cuộc.
Khi uống rượu ngâm thơ cùng bạn tục,
Khi đua cờ, dạo khúc với làng tiên.
Bàn cờ, hồ rượu, cảnh thiên nhiên.
Hang Hồ thị (12) tương truyền còn có đó.
***
Hỡi hạ giới hãy nghe lời dạy nhủ :
Đem phúc lành ban bố khắp gần xa.
Lời tuyên dương kính tụng một và.
Phụng Tiên tử sơn hà quy Đế Chúa .

Bài thơ trên ngoài chữ nghĩa, điển tích, lời thơ thanh thoát còn là một minh chứng cho quan điểm Tam giáo đồng nguyên: "Xả thân mà tìm thú lâm tuyền/ Đem tấm lòng phó mặc hoàng thiên/ Khi thoát tục trở lên miền Cực lạc”. Dù đã về cõi Tiên của Đạo giáo nhưng luôn nêu quan điểm Nho giáo : “Khổng tử, Mạnh Kha chư hiển thánh/ Đã vì đời mà xả mệnh chu du […] Trung Hiếu, Trí, Tín, Lễ ,Nghĩa/ Treo làm gương cho người thế khỏi sai lầm…

Nhìn chung cả bài thơ là sự hoà trộn hài hoà cả 3 tôn giáo. Thể hiện tư tưởng Nho, Lão lại luôn nêu quan điểm nhà Phật: quả báo, luân hồi:

“Đời người chẳng bao lăm như giấc ngủ/ Dẫu đồ vương, tranh bá cũng mà chi/ Sống tham lam, ăn xổi ở thì/ Khi thác xuống oan oan tương báo mãi”.

“Hay là đời tưởng không thần, không Phật/ Cứ đem lòng gian giảo phỉnh phờ nhau / Nay lâm đàn ta phải vạch vài câu/ Hỡi trần thế hãy mau mau sám hối/ Tác tội chung quy hưởng tội/ Vi nhân tất thị phùng nhân… ”.

Cuối cùng, xem lại một quan điểm của Nho giáo trong giao tiếp: Sách Luận ngữ, chương Ung dã có câu: 務民之義, 敬鬼神而遠之, 可謂知矣. Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị trí hĩ" ; nghĩa là “Giúp ích cho dân, làm việc nghĩa, nên kính quỷ thần nhưng nên xa. Đó là trí vậy”.

Quan điểm của Khổng tử lúc dạy học trò luôn chú ý đến việc phục vụ nhân sinh. Khổng tử tế tự thật trang nghiêm nhưng không muốn bàn đến thế giới tâm linh.  Sách Luận ngữ chép : Quý Lộ vấn sự quỷ thần. Tử viết: "Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ”. Viết: "Cảm vấn tử”. Viết: "Vị tri sinh, yên tri tử”. (Quý Lộ hỏi về việc thờ quỷ thần, Khổng Tử nói: " chưa thể làm việc, phục vụ người, làm sao thờ được quỷ thần". Lại nói: Xin hỏi về sự chết. Khổng Tử nói: "Sống còn chưa biết, làm sao biết được sự chết". Khổng Tử không phủ nhận thần linh và khuyên phải kính tổ tiên, thần linh. Kính nhưng xa.

Cùng quan điểm trên ta bài trừ mê tín, dị đoan nhưng cần khảo sát các sinh hoạt văn hoá trong lịch sử đời sống tinh thần dân tộc.
-----------------------------------------
CHÚ THÍCH :
(1) Thanh Đồng: Người tham gia phụ đồng. Nam thì gọi là "cậu", nữ gọi là "cô” hoặc “bà đồng" .
(2) Tế như tại: Quan điểm của Khổng Tử trong Luận Ngữ : Tế như tại, tế thần như thần tại. Tế tự thì phải xem đối tượng được tế đang có. Tế thần thì phải coi như thần linh đang hiện diện.
(3) Thời Đông Chu, để truyền bá tư tưởng Nhân Nghĩa, Khổng tử đi du thuyết qua 18 nước nhưng không thành. Lúc này, ngài đã từng than thân phận mình như Táng gia chi cẩu (chó không nhà). Cuối cùng Khổng tử đành quay về quê, mở trường dạy hoc, truyền bá đạo Nhân.
(4) Nhà Hán ở Trung Hoa được xem là triều đại Nho học phát triển thịnh vượng nhất. Sách Nho học phần lớn được biên soạn trước tác trong thời kì này.
(5) Một tấm lòng son cuối cùng cũng lại trơ như đá. Ngàn năm sau, xương cốt chôn vùi nhưng danh vẫn còn.
(6-7) Khi đi xe loan, khi cỡi hạc; Khi về động đá, khi thả thuyền rồng trên biển.
(10) Núi Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
(11) Bể Én : Vùng biển tiếp giáp xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
(12) Kỳ La:  Vũng đất sát biển cạnh núi Thiên Cầm. Hiện địa danh này không còn.
(13) Hoá Dục: Năm 1841, Minh Mạng vì kỵ húy tên vợ đầu là Hồ Thị Hoa (胡氏華) nên cho đổi Kỳ Hoa thành Kỳ Anh Hoa Xuyên thành Cẩm Xuyên, phủ Hà Hoa đổi thành phủ Hà Thanh gồm 3 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Riêng huyện Cẩm Xuyên có 4 tổng, trong đó có tổng Lạc Xuyên gồm 5 xã:  Dư Lạc, Lạc Xuyên, Hoá Dục, Nhượng Bạn vàTư Dung.
(14) Hồ thị (胡 氏: Đời nhà Hồ). Năm 1407, giặc Minh sang cướp nước, nhà Hồ cầm cự với quân giặc nhưng thua trận, cha con Hồ Quý Ly phải chạy vào phương Nam, qua châu Ái, đến châu Hoan (Nghệ Tĩnh), vào ẩn trong hang Dang Hùng, núi Thiên Cầm thì bị bắt. Hồ Hán Thương cũng bị bắt trên bãi biển Kỳ La. Từ đây hang Dang Hùng được gọi là hang Hồ Quý Ly (hang Hồ thị).




VVM.06.3.2023
| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com