Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



ALBERT CAMUS :
NHÀ VĂN LUẬN VỀ TRIẾT HỌC PHI LÝ,
VÀ CÂY VIẾT GẮN BÓ
VỚI CÕI SỐNG THẾ GIAN




- D ẫn nhập -

Thế giới bắt đầu chú ý tới cái tên Albert Camus khoảng cuối năm 1957, khi có tin ông được Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao tặng giải văn học Nobel. 1957 cũng là con số đánh dấu năm đầu tiên tôi được đặt chân vào khuôn viên đại học. Mới ngày nào còn là đứa học trò thò lò mũi xanh nay được lên chức cậu sinh viên văn khoa mà trường sở lại vừa khánh thành tại góc đường Gia Long - Nguyễn Trung Trực ngay trung tâm thủ đô Sài Gòn, khỏi phải nói hai cái lỗ mũi của thằng tôi nó phổng to biết chừng nào. Nhưng không vì thế mà tôi cứ vác cái mặt vênh vênh váo váo ra đều ta đây ngó mọi người. Cái nièm hãnh diện tự hào ấy, chỉ những ngày cuối tuần, tôi  mới đem ra trình diễn. Cứ mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật,  tôi lại lên khung bộ đồ vía dành cho mấy ngày trọng đại này. Mà bộ đồ vía của tôi không phải là thứ bộ đồ mới toanh láng coóng đúng mốt thời trang mới ra lò đâu nhá. Trái lại, để tỏ ra ta đây khác đời không giống ai, bộ đồ vía của tôi chỉ là chiếc quần đã bạc màu với dăm ba chỗ vá, bên trên là cái áo sơ mi trắng sờn cổ cũng bắt đầu ngả sang màu cháo lòng. Tay cầm cuốn L' Etranger cố tình làm cho nó có vẻ nhầu nát đã cũ, tôi mới lững thững mò tới quán kem giải khát Mai Hương góc đường Pasteur- Lê Lợi. Tới nơi, tôi chọn một cái bàn nhỏ khuất kín, nhìn ra được cả hai bên mặt đường để một mình ngồi bám trụ. Cuốn sách đặt trên bàn, ly cà phê sữa đá bên cạnh, tôi lim dim đôi mắt thờ ơ ngó ra hai bên hè phố, ra vẻ ta đây là một kẻ ngoại cuộc, từ một phương trời xa lạ nào đó lạc bước tới đây nên chẳng thiết tha gì tới cảnh tượng ồn ào náo nhiệt đang diẽn ra bên ngoài. Mắt tôi chỉ sáng lên và mở to ra mỗi khi có đám mấy em nữ sinh Trưng Vương hay Gia Long đi ngang qua. Em nào nom cũng đều thơm như múi mít cả (1), nhún nhảy trong tà áo trắng trinh nguyên, vừa đi vừa lí lắc chuyện trò khúc khích cười đùa với nhau. Mấy em đi khỏi rồi, tôi mới trở về với tư thế trầm tư ngủ gật cũ. Vậy đó. Tuy mới đọc được có mỗi cuốn L'Etranger. nhưng tôi đã coi Camus như một người bạn tri âm tri kỷ, vì nhờ có ông, hay đúng ra là nhân vật Meursault của ông, tôi mới tạo được cho mình cái dáng đứng (hay dáng ngồi) văn nghệ văn gừng đó. Chỉ với thời gian và sau nhiều năm được mài đũng quần trên ghế giảng đường các đại học Văn Khoa Sài Gòn rồi Sorbonne Paris, tôi mới ngày một hiểu ông hơn. Mãi tới gần đây, sau khi đọc lại hai bài diễn từ (Discours de Suède) ông phát biểu vào dịp được trao tặng giải thưởng Nobel, tôi mới được vỡ lẽ thêm rằng ( dù chỉ là cảm nhận của riêng tôi) : A. Camus không chỉ là nhà văn luận về triết học phi lý, mà còn là cây bút gắn bó với cõi sống thé gian.

I - A. Camus, nhà văn luận về triết học phi lý

Có thể nói trong sư nghiệp văn học đồ sộ của  A. Camus, cuốn L' Etranger là tác phẩm được người mình chiếu cố nhiều nhất. Chả thế mà cho tới nay đã có tới năm sáu bản dịch cuốn sách ra  tiếng Việt với những tựa đề khác nhau như Kẻ xa lạ, Người lạ mặt, Người dưng … Mới đây thôi (2021), Nhà Xuất Bản Nhã Nam lại cho ra mắt thêm một bản dịch mới của Liễu Trương mang tên Kẻ ngoại cuộc. Đây là  tựa đề, theo tôi, rất thích hợp với nội dung thông điệp Camus muốn gửi đến ta.

Lần đầu mở cuốn L’ Etranger để đọc, ít ai không khỏi ngỡ ngàng trước thái độ hầu như vô cảm của Meursault, nhân vật chinh  trong câu truyện tự thuật này. Đời thuở nhà ai, có kẻ nào nhận được điện tin từ Nhà Dưỡng Lão báo tin mẹ mất mà  chỉ thuật lại bằng hai câu cụt lủn : Hôm nay mẹ chết. Hay hôm qua cũng nên, tôi không biết. (Liẽu Trương: Kẻ ngoại cuộc. Nhà xuất bản Nhã Nam 2021, tr. 7). Dửng dưng cứ như là kẻ ngoại cuộc nói về cái chết của một ai đó chứ không phải là chính mẹ ruột mình. Tiếp đến, y còn làm ta phải sững sờ khi từ chối đề nghị của ông quản gia mở nắp quan tài để ngó mặt mẹ lần chót. Đã thế, tang lễ mẹ mới cử hành bữa trước, hôm sau găp lại cô đào cũ đã cùng cô ta xuống tắm biển, rồi theo cô đi coi một cuốn phim hài do anh hề Fernandel thủ vai chính, trước khi rủ nhau về phòng hú hí. Chỉ ngần ấy sự kiện thôi cũng đủ làm ta phát nực rồi. Vậy mà đâu đã hết. Chỉ vài bữa sau y còn để bị lôi cuốn vào một cuộc tranh cãi không dính dáng gì tới mình, rồi còn rút súng bắn hạ một kẻ không hề quen biết tới năm phát đạn lận. Thằng cha Meursault mắc dịch này, đúng là một kẻ vô luân bất hiếu, chăng biết tôn trọng thuàn phong mỹ tục, luật lệ xã hội là gì cả. Cứ để hắn sống phây phây như vậy, có khác gì cho phép hắn được tiếp tục gây rối loạn cho trật tự xã hội; bằng không cũng làm gương xấu cho những đứa con nhà tử tế nết na, đã được uốn nắn theo khuôn đúc thuần phong mỹ tục của xã hội loài người từ bao lâu tới giờ. Nên đem hắn ra xử bắn là vừa. Chêt mà ai thương. Nghĩ vậy kể cũng đúng thôi. Nhưng khoan khoan chớ có nên vội nóng. Cách nhận xét và đánh giá trên chỉ là với cặp mắt quen thuộc của con người xã hội chúng ta mà thôi. Vậy hãy ráng bình tâm, để tìm hiểu về con người chân thật của Meursault cái đã, rồi hãy ra phán quyết.

Trước hết ta hãy xét về mặt đạo làm con có hiếu. Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ, ngay khi vừa biết đọc biết viết, đám nhóc tì tụi tôi đã phải ê a bốn câu học thuộc lòng như sau:

Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con.

Theo lời giảng của ông thầy tiểu học dân miệt vườn thì bốn câu thơ này ngụ ý nhắc nhở ta phải luôn nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ để mà ăn ở cho phải đạo làm con có hiếu. Nhưng thế nào là ăn ở cho phải đạo làm con có hiếu thi lại tùy thuộc vào suy diễn chủ quan từng người. Ăn ở phải đạo làm con có hiếu, có phải là khi bố mẹ về già hay đau yếu bịnh tật chăng chịu chăm nom săn sóc. Hoặc khi phải chăm nom vất vả, đôi khi lại lầu bầu thầm nhủ sao ông hay bà không chịu vè chầu trời cho rồi để được sớm rảnh nợ đời, mà tôi cũng đỡ cực khổ. Đến khi một trong hai người mất đi thì lại tổ chức tang lễ um xùm, bày tiệc cỗ linh đình mời không chỉ thân nhân họ hàng, mà còn bà con lối xóm, ra điều ta đây nhớ tới công ơn cha mẹ như thế nào. Cho là chưa đủ, có kẻ còn mướn người luân phiên tới nhà khóc lóc thay mình suốt ba ngày ba đêm để bày tỏ lòng thương tiếc cha mẹ lắm lắm. Xử sự như vậy là để bày tỏ lòng hiếu đễ với cha mẹ hay với thân nhân hay láng giềng? Cái màn kệch cỡm giả dối ấy, dễ gì lấy vải sô hòng che mắt thánh cho được. Bởi thế miệng lưỡi thế gian mới có những câu nói ngụ ý mỉa mai châm biếm, như thành ngữ " thương vay khóc mướn" hay câu nói vần vè "Lúc sống thì chẳng cho ăn. Đến khi đã chết, làm văn tế ruồi". Nhưng cái chuyện mập mờ đánh lận con đen ấy không phải chỉ có ở trong nước đâu nhé. Cái trò chơi xâp xí xâp ngàu này cũng còn được một số người không quên xếp vào hành trang mang theo khi được đi ra nước ngoài. Bởi thế mà trong cộng đồng người Việt hải ngoại không thiếu gì những kẻ miệng lúc nào cũng ỉ ôi than vãn để nói lên nỗi niềm nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc trong thân phận của một kẻ phải sống lưu vong, chẳng khác chi con cọp của Thế Lữ đành “ gặm một mối căm hờn trong cũi sắt” cả. Nhưng thỉnh thoảng họ lại thậm thụt lén lút về Việt Nam, lấy cớ tìm cơ hội để trả thù dân tộc; đồng thời để huênh hoang với bà con trong nước và vui chơi hưởng lạc. Có dám nhìn vào sự thật này, ta mới hiểu được phần nào phong cách xử sự  của Meursault đối với mẹ  khi còn sống.

Trước hết là việc cho mẹ vào nhà dưỡng lão. Dưới con mắt người đời, đây là một hành động bỏ bê mẹ, nên chẳng riêng gì người ngoài, mà ngay cả những người ra vào cùng chung một cầu thang với Meursault cũng tỏ ý chê trách. Nhưng có đặt mình vào hoàn cảnh của Meursault, ta mới hiểu được lý do tại  sao. Do hàng ngày phải đến sở làm và điều kiện tài chánh không cho phép, nên Meursault không thể tối ngày túc trực bên mẹ được Vả lại dù có luôn luôn ở bên cạnh thì, do khác biệt thế hệ và tuổi tác, Meursault cũng không ngăn được mẹ luôn luôn sụt sùi. Đó là điêu mà ông giám đốc nhà dưỡng lão biết thông cảm đã an ủi Meursault : " Cậu không phải biện minh gì cả, con trai ạ. Tôi đã đọc hồ sơ của mẹ cậu. Hồi đó cậu không thể đáp ứng mọi nhu cầu của cụ. Phải có người trông nom cụ. Lương bổng của cậu quá ít. Và nói cho cùng, ở đây cụ sung sướng hơn... Cậu biết không, cụ có bạn bè, những người đồng lứa tuổi với cụ, Cụ có thể chia sẻ với họ những điều vui thuộc về một thời khác. Cậu còn trẻ và hồi đó sống bên cạnh chắc cụ nhàm chán." (Sdd, tr.9). Tiếp đên là việc Meursault từ chối cho mở nắp quan tài để ngó mặt mẹ lần chót. Đây là một nghi thức đã trở thành thủ tục hầu như không thể thiếu được trong bất cứ cuộc tang lễ nào, Nhưng có thật là phải được nhìn mặt người chết lần chót, ta mới giữ mãi hình ảnh người ta thương mến trong trái tim ta không? Tôi đã từng xếp hàng để chờ đến lượt được ngó mặt người quá cố, chẳng khác gì những cái bóng hiện lên trên nền một cái đèn kéo quân ấy. Nhưng một khi được ngó rồi,  tôi lại chỉ muốn quên đi hình ảnh người đã chết, khuôn mặt nay chỉ như là một pho tượng đá cứng nhắc, đôi khi trên môi được thoa tí son, mặt thoa chút phấn chẳng khác chi một diễn viên phương chèo ấy. Trái lại, hình ảnh sống mãi trong tôi, ấy là nhưng lúc tôi đã được cùng người ấy vui vẻ chuyện trò với nhau. Nếu Meursault đã không muốn nhìn mặt mẹ lần chót trước khi đậy nắp quan tài chắc cũng vì lẽ đó.

Thế còn ngay sau ngày tang lễ mẹ, kẻ ngoại cuộc ấy đã không ngần ngại đi chơi du hi với cô đào cũ thì sao? Muốn tìm được câu trả lời phần nào thích đáng, có lẽ ta phải đọc hết đoạn chót của chương 5 phần II khi Meursault, không chỉ bác bỏ những lời khuyên răn của vị linh mục tuyên úy, mà còn phũ phàng xô đẩy ông ta ra khỏi phòng giam của mình (Sdd. tr. 144 - 153). Meursault không hề có ý bài bác hay chống đối tôn giáo. Y chỉ là một kẻ vô thần hay đúng ra là kẻ ngoại đạo. Y không tin có một cuộc sống vĩnh hằng mai hậu. Chỉ có cuộc sống duy nhất trên thế gian này mới là đáng sống và cần phải được sống trọñ vẹn. Đám tang mẹ đã được cử hành đúng theo nghi thức rồi. Vậy là mẹ đã an phận mẹ. Và Meursault cho là từ nay mình có quyền tiếp tục sống những ngày đáng sống còn lại của mình. Thực ra Meursault không hề hành động sai trái gì cả.  Y chỉ hành sử bằng tấm lòng chân thật của mình, nghĩ sao nói vậy, làm vây. Như một đưa trẻ thơ hồn nhiên vô tư, còn chưa bị con người xã hội làm mất đi cái nhân chi sơ tính bản thiện. Chả thê mà trước tòa, y đã hoặc không trả lời, hoặc không nghe lời khuyên bảo của luật sư để được hưởng sụ giảm khinh. Thí dụ như hắn đã không thể hoặc không biết giải thích rằng hành động hắn rút súng bắn tên ả rập chỉ là một phản xạ tự vệ, do cái nắng chói chang làm hắn nhức đầu, và vì ánh sáng lóe ra từ con dao làm hắn cảm thấy bị đe dọa. Nhưng thái độ giữ im lặng hoặc không muốn trả lời dối với lòng ấy lại bi  ông chánh án cho rằng, nếu không là một sự gián tiếp nhận tội, thì cũng là một biểu lộ lì lợm như muốn thách đố công lý. Động thái hay phong cách xử sự này làm ta liên tưởng tới mấy câu thơ của Phùng Quán trong bài “ Lời Mẹ Dặn” để muốn dược làm con người sống chân thật :

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Những lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu xanh chói đỏ…
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

 Nhưng thái độ giữ im lặng hoặc không muốn trả lời dối với lòng ấy lại bi  ông chánh án cho rằng, nếu không là một sự gián tiếp nhận tội, thì cũng là một biểu lộ lì lợm như muốn thách đố công lý. Dựa vào những cái đó, ông chánh án sẽ không khó khăn gì đưa ra những lý do thuyết phục để kết án tử hình Meursault. Xử như vậy là đúng quá chứ lị. Chết có mà ai thương. Nhưng đó chỉ là cái nhìn mà ta cho là phải đạo theo khuôn khổ luật lệ, thành kiến, của xã hội chúng ta đang sống mà thôi. Bởi vậy Camus đã muốn dùng nhân vật Meursault làm tấm gương phản ánh sự thật ở đời đẻ, khi soi vào đấy, ta mới phát hiện được cái lố bịch, cái giả tạo của những cái mà ta đã làm quen và chấp nhận để thích nghi trong cuộc sống hàng ngày. Và chỉ với cái bằng cặp mắt vô tư khách quan của một người ngoại cuộc như Meursault, ta mới cảm nhận được tính phi lý để, từ  mới nảy sinh trong ta cái khái niệm về phi lý. Cái khái niệm về phi lý này, Camus đã làm sáng tỏ bằng cuôn tiểu luận Le Mythe de Sysiphe, ra mắt cùng năm với L' Etranger (1942), chi cách nhau có vài tháng.

Với Camus, phi lý không đồng nghĩa với vô lý (non sens) hay không hợp lý (irrationnel. Phi lý (absurde) là không có lý do gì để biện minh cho nó cả. Và cảm nhận phi lý chỉ bất chợt  đến với ta mà thôi. Thí dụ như trên chuyến tàu cho một cuộc hành trình dài, ta đang thiu thiu ngủ, bất chợt có người lớn tiếng làm ta sực tỉnh. Nhìn sang hàng ghế bên cạnh chỉ thấy có mỗi một hành khách. Chiếc smarphone trước mặt, người ấy mỗi lúc một to tiếng vào cái smartphone, chẳng khác gì như đang tham dự vào một cuộc đáu khẩu nào. Nhìn người ấy đang khua chân múa tay, miệng mỗi lúc một lớn tiếng làm ta liên tưởng đến một con rối đang múa may dưới bàn tay điều khiển của một phù thủy nào đó. Cuộc cãi vã mỗi lúc thêm gay gắt, nên người hành khác mỗi lúc một thêm khoa chân múa tay và lớn tiếng như để thuyết phục đối tác rằng lẽ phải thuộc về phần mình. Phía bên kia chắc cũng vậy, nên cuộc tranh luận mới gay gắt đến thê. Nhưng lẽ phải thuộc về ai trong cuộc cãi vã sư nói sư phải, vãi nói vãi hay ấy. Mà liệu thực sự có một lẽ phải hay không? Câu hỏi này dẫn ta đến thắc mắc ta sống đẻ làm gì, cuộc sống trên cõi đời này gì chăng? Hỏi, không phải là tự trả lời, mà là không kiếm ra được câu trả lời. Từ đó mới nảy sinh trong ta cái ý thức về sư phi lý.

Sự phi lý ấy, Camus đã cho ta đinh nghĩa như sau : “Phi lý là sự đối nghịch giữa khát vọng vô lý và vô biên dội lên tự đáy lòng ta muốn mọi điều đều được soi tỏ.”(  L'absurde, c'est la confrontation de cet irrationnel et de ce désir éperdu de clarté dont l'appel résonne au plus profond de l'homme. L'absurde dépend autant de l'homme que du monde."   Camus II - ESSAIS, le mythe de Sisyphe - Gallimard 1965 - Bibliotheque de la Pleiade, p.113. cf. MS, p.39). Đoạn văn này rất đáng để ta chú ý. Không phải riêng vì Camus cho ta định nghĩa về phi lý, mà còn nhắc nhở ta về tương quan giữa phi lý với con người. Phi lý luôn luôn hiện diện trên cõi đời này. Nhưng với một thân cây, ngọn cỏ, một cục đá, phi lý có đấy cũng như không có đấy, nghĩa là mới chỉ tồn tại. Chỉ với con người như là cây sậy biết suy tưởng (roseau pensant), theo triết gia kiêm thần học Pháp Blaise Pascal, phi lý mới trở thành hiện hữu khi ta bắt đầu cảm nhận và ý thức được nó. Nói khác đi chừng nào ta chưa muốn trở thành cây sậy biết suy tưởng, nghĩa là chừng nào ta vẫn cho là hợp lý, những cái thực ra là vô lý hay vô nghĩa, thì phi lý dù có đấy cũng như không. Thí dụ như những phụ nữ A Phu Hãn (Affghanistan) sống tại những vùng xa xôi hẻo lánh, coi việc tuân thủ các hủ tục khắt khe mà đám cuồng tín Taliban áp đặt lên họ là bình thường, là làm đúng theo lời dặn của đấng tiên tri Mohamet. Chi những phụ nữ sống tại thủ đo Kaboul hay các thành phố lớn, được tiếp xúc với ánh sáng văn minh mới cảm nhận được sư phi lý của các hủ tục, luật lệ đó.    

Nhưng phi lý không phải chỉ thấy nơi  các phụ nữ Afghanistan đâu. Ta có thể gặp phi lý ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Thí dụ như cuộc chém giết một sống một còn giữa hai hệ phái sun nít (sunite) và shit (chite ). Cùng theo đạo Hồi, nhưng phe nào cũng cho rằng chỉ có mình mới là đệ tử ruột của đấng tiên tri Mahomet. Rồi còn những luật lệ, phong tục tập quán thay đổi tùy nơi tùy chốn. Ngay trên một đất nước cùng chung một màu cờ, luật lệ cũng được thi hành khác nhau. Thí dụ như việc thi hành án tử hình tại Mỹ chẳng hạn : bang này cho việc bãi bỏ án tử hình là nhân đạo, trong khi bang kia lại cho rằng cần phải duy trì đL bảo đảm an Cinh trật tự xã hội. Vậy thì chân lý nó nằm ở đâu, về phía bang Con Lừa hay bang con Voi? Hay, cũng như phát biểu cua Pascal : Bên này dãy núi Pyrénées là chân lý, bên kia lại là sai lầm. Nhưng không phải chỉ ở Á Châu hay Mỹ Châu mới có chuyện đó đâu. Tại Âu châu cũng vậy. Không tin, cứ nhìn vào cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine là được thấy liền. Do tham vọng ngông cuồng muốn biến mình thành một thứ tsar tân thời và tái lập đế chế liên xô cũ (URSS), ngày 24-2-2022, chủ tịch nhà nước Nga Vladimir Poutine cho xua quân vào lãnh thổ Ukraine, lấy cớ là giúp người dân tại đây thoát khỏi sự thống trị của giới lãnh đạo theo chủ nghĩa tân quốc xã (neo-nazisme). Với sức mạnh quân sự hùng hậu được xếp hàng thứ hai thế giới, Poutine tin tưởng sẽ ăn gỏi được đất nước và nhân dân Ukraine trong vòng ba ngày.  Nhưng cuộc chiến đã không diễn ra như Poutine trông đợi do lòng yêu nước cũng như lòng yêu chuộng tự do dân chủ của người dân Ukraine cùng với sự lãnh đạo quyết tâm của tổng thóng Vodmir Zelenky. Thất bại trong  tham vọng trở thành Nga hoàng đại đế tân thời và tái lập đế chế liên bang xô viết cũ, Poutine như con chó dại lên cơn khùng. dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt thâm hiểm để thực hiện ý đồ của mình. Hết phong tỏa việc xuất cảng lúa mì đe dọa gây nạn đói cho một số nước Phi châu, lại cúp nguồn năng lượng và khí đốt gây rối loạn kinh tế cho thế giới, đặc biệt là tại Au Châu. Mới đây thôi, lại còn lấy vũ khí nguyên tử cũng như việc cho nổ các lò nguyên tử tại thành phố Djaporijia như là thủ đoạn bắt chẹt toàn thể thế giới. Ấy vậy mà ngay khi mới phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, Poutine đã được một số người theo chủ nghĩa dân túy cực đoan, hay do nhu cầu tranh cử, không ngại lên tiếng ca tụng  là lãnh tụ vĩ đại, thậm chí còn cho là lãnh tụ thiên tài nữa. Vậy lãnh tụ thiên tài ở chỗ nào? Với tôi đây la một điều " thiên cơ bất khả lộ" ở ngoài tầm hiểu biết của tôi. Rất mong có những bậc cao minh hiền triết, quán thông kim cổ giải đáp dùm tôi để tôi them được sáng mắt sáng lòng. Mấy sự kiện nêu trên tưởng cũng đủ để ta hiểu tại sao Pascal lại ví con người như là cây sậy. Chỉ có khác biệt với những cây sậy khác ở hai chữ suy tưởng mà thôi.  

Cũng là cây sậy biết suy tưởng, nên khi Đệ Nhị Thé Chiến bùng nổ với những cảnh chết chóc tang thương, tàn phá khốc liệt xảy ra đã làm Camus được thức tỉnh. Và ông đã phát hiện ra rằng thế gian này không phải bao giờ cũng là một chốn hạnh phúc an bình như khu phố lao động nghèo hèn ông đã được lớn len và nuôi dưỡng tới giờ. Trước mắt ông, nay đã thấy sừng sững dựng lên một bức tường phi lý dày đặc bóng tối. Vậy ta phải có thái độ ứng xử ra sao đây. Nếu cuộc đời là vô lý, ta có nên tiếp tục cuộc sống vô nghĩa đó hay không?  Camus cho đây mới là vấn đề cốt lõi, được ông nêu ra ngay trong câu mở đầu của tiểu luận Le mythe de Sisyphe : " Il n' y a qu'un seul probleme philosophique vraimemt serieux : c'est le suicide. Juger que la vie vaut ou ne vaut pas la peine d'être vecue, c"est repondre à la question fondamentale de la philosophie". ( Camus II - ESAIS, Le mythe de Sisyphe - Gallimard 1965 - Bibliotheque de la Pleiade, p. 113. (Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc : đó là tự tử. Phán đoán xem cuộc đời là đáng sống hay không đáng sống, đó là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học.)

Trước câu hỏi gai góc này, ta tưởng chỉ có hai giải pháp : hoặc là giải quyết bằng tự tử, hoặc là bằng thái độ nín thở qua sông, tìm cách gán cho cuộc sống một ý nghĩa tạm bợ, như đặt  niềm tin ảo tưởng vào một tín ngưỡng, chủ nghĩa hay ý thức hệ nào đó.  Nhưng tự tử chỉ là hành động phủ nhận phi lý, chứ không giải quyết được vấn đề phi lý. Dù ta còn sống hay đã chết, thì phi lý vẫn còn đó, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Còn như tìm giải pháp bằng một niềm tin ảo tưởng, thì Camus cho rằng chỉ la một hình thức tự sát triết học (suicide philosophique) mà thôi. Bởi vậy Camus mới cho rằng để giải quyết vấn đề phi lý, ta không thể tìm cách né tránh nó, mà phải trực tiếp đương đầu nó bằng sự tỉnh táo, sáng suốt : "J'installe ma lucidite au milieu de ce qui la nie. J' exalte l'homme devant ce qui l' écrase et ma liberté ma révolte et ma passion se rejoignent alors dans cette tension, cette clairvoyance, cette répétion démesurée. - Camus ESSAIS II, p. MS. p 121. ( Tôi đem sự sáng suôt đặt giữa lòng cái  mưu toan phủ nhận nó. Và tôi đề cao con người trước cái muốn đè bẹp nó, và sư tự do, sự nổi dạy cũng như sự đam mê của tôi cùng hội nhập vào sự căng thẳng, sự sáng suốt trong nỗ lực phấn đấu không ngừng này.).  Nhưng đương đầu với phi lý như thế nào và bằng cách nào đây? Là đứa con của miền Địa Trung Hải, cái nôi của hai nền văn minh La Mã  và Hy Lạp, Camus đã dựa vào câu truyện về nhân vật huyền thoại Sisyphe. để tìm ra câu giải đáp cho mình.(2)

Theo truyền thuyết Hy Lạp, Sisyphe bất chấp lệnh cấm của các thần linh, đã ăn cắp lửa thiêng để đem lại sự sống cho thế gian. Giận dữ, các thần linh đã tìm cách trả thù bằng một hình phạt mà họ cho là thâm hiểm nhất : đó là bắt Síysyphe phải vần một tảng đá nặng từ chân núi lên đỉnh một ngọn núi cao. Nhưng vì đỉnh núi nhọn hoắt, nên khi Sisyphe vần được tảng đá lên tới đỉnh thì khối đá, do sức nặng của nó lại lăn xuống chân núi. Cứ thế, cứ thế, Sisyphe phải tiếp tục vật lộn với công việc vô ích phi lý này. Các thần linh cho đây là hình phạt tàn nhẫn và khắc nghiệt nhất. Có thế họ mới xoa tay mỉm cười cho là được mát  dạ hả lòng. Họ đâu có ngờ rằng Sisyphe đã tìm được nơi trừng phạt một niềm vui hạnh phúc làm lẽ sống để đánh bại ý muốn trả thù của các thần linh. Đành rằng trong thân phận của một tên nô lệ, Sisyphe không thể không thể khước từ công việc đảy đá mỗi ngày. Nhưng có chịu đựng  công việc đảy đá này như là một cực hình trong thân phận của một tên tù khổ sai chung thân hay không, thì lại tùy thuộc vào quyết định lựa chọn của Sisyphe. Tảng đá kia có thể là khối nặng ngàn cân các thần linh dùng để dồn Sisyphe vào thế tuyệt vọng không lối thoát. Nhưng Sisyphe cũng có thể, bằng nghi lực, bằng quyết tâm phấn đấu đảy hòn đá lên đỉnh núi để có thể tự hào đã khắc phục được nỗi tuyệt vọng, lấy đó làm niềm vui chiến thắng, vì  đánh bại được các thần linh trong ý đồ trả thù hắc ám của họ. " Ta phải tưởng tượng Sisyphe có hạnh phúc" (Il faut imaginer Sisyphe heureux. (Sdd. tr.198). Với Camus cũng vậy.  “Nhận thức được phi lý ở đời không thể là một cứu cánh, mà chỉ là một khởi đầu. Phát hiện ra sự kiện này không phải là điều đáng quan tâm, mà là những hậu quả cùng thái độ ứng xử để đối phó mới là đáng kể.( Constater l'absurdité ne peut-être une fin, mais seulement un commencement. Ce n'est pas cette découverte qui intéresse, mais les conséquences et les règles d'action qu'on en tire”. Sdd, tr.1419). Đó là nhận định Camus đã nêu ra ngay từ năm 1938 trong một bài báo trên tờ Alger républicain khi bình luận về cuốn La Nausée của J. P Sartre.  Vậy A. Camus, qua bài học của Sisyphe đã xác định được cho mình thái độ ứng xử với phi lý ra sao ?   

II - A. Camus, cây bút găn bó với cõi sống thế gian 

Albert Camus không thuộc loại nhà văn thích dậm chân tại chỗ, chỉ biết nhai đi nhai lại mỗi một chủ đề với những lập luận cũ rích và một mớ từ ngữ công thức sao mòn. Theo dõi các tác phẩm ông lần lượt cho ra đời, ta thấy có một quá trình chuyển biến tâm tư theo dòng thời sự. Ta có thể cảm nhận điều này qua bài tựa ông viết thêm cho cuốn L' Envers et l' Endroit trong ấn bản "Camus - Toàn bộ" gồm hai tập trong Tủ sách Bibliotheque La Pleiade do nhà xuất bản Gallimard án hành năm 1956.

Với bài tưa cho cuốn L'Envers et l" Endroit, Camus như muốn ta cùng ông làm cuộc hành hương về nguồn, cái nguồn trong lành như dòng sữa mẹ đã dìu dắt ông và nuôi dưỡng ông, giúp ông giữ được nguồn cảm hứng nguyên thủy trong suốt cuộc đời viết văn của mình. Như ông đã bày tỏ ngay trang đầu của bài tựa : "Mỗi nghệ sĩ đều giữ trong tâm khảm một nguồn cảm hứng duy nhất đã nuôi dưỡng suốt cuộc đời viết văn của anh ta ...  Về phần tôi, tôi biết rằng nguồn cảm hứng ấy nằm trong L' Envers et L' Endroit, trong cái thế giới bần hàn nhưng chan hòa ánh sáng đã giúp mọi nghệ sĩ tránh khỏi hai mối đe dọa đối nghịch nhau. đó là mối hậm hực và lòng tụ mãn."* (Chaque artiste garde (ainsi), au fond de lui, une source unique qui alimente sa vie ce qu'il est et ce qu' il dit...  Pour moi, je sais que ma source est dans L' Envers et l' Endroit, dans ce monde de pauvreté et de lumière où j' ai longtemps vécu et dont le souvenir me preserve de deux contraires qui menacent tout artiste, le ressentiment et la satisfaction. (Albert Camus - ESSAIS - L' Envers et l' Endroit, preface.- Bibliotheque La Pleiade, Gallimard 1956, p. 5 et 6). Tâm tình này, với ta, có thể là một nghịch lý, Nhưng phải là Camus và ở cảnh ngộ của ông, ta mới hiểu được.

Sinh ra ngày 7-11-1917 tại Belcourt, một khu phố bình dân lao động thuộc thành phô Alger trong một gia đình bần hàn. Cha ông là một  thợ nông nghiệp, còn mẹ ông là một di dân gốc Tây Ban Nha lại thất học nên chỉ làm công việc của một femme de ménage, tức là phụ trách công việc trông nom nhà cửa và bếp núc cho các gia đình giàu có. Đã thế ông lại không may mắn sớm mồ côi cha, vì cha ông bị động viên và tử thương trong một trận đánh tại Marne ở Pháp. Trường hợp là tôi, chắc tôi không khỏi vò tai rứt tóc để la làng : tôi sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Nhưng Camus không hề cảm thấy như vậy, vì ông có được bà mẹ hiền hết lòng thương yêu nên tận tụy lo cho ông và người anh được cắp sách đến trường như những đứa trẻ khác. Hết trung học, lẽ ra ông phải tiếp tục nghề của cha theo quyết định của ông cậu với quan niệm truyền thống gia đình : Con vua thì lại làm vua, là con thầy chùa về quét lá đa. Nhưng ông may mắn gặp được ông thầy giàu lòng nhân ái là Louis Germain, thấy ông học hành chuyên cần lại có năng khiếu nên can thiệp với gia đình và xin học bổng giúp ông ăn học lên tới đại học. Nhờ vậy mà trong những buổi cắp sách đến trường, ông còn được sống những giờ phút hồn nhiên vô tư trong những trò chơi lành mạnh với những bạn bè cùng lứa tuổi. Thêm vào đó, ông còn có thời gian rảnh rỗi đến thăm các địa danh mang tên Djaméla, Tipaza mà người đời mấy ai thèm biết đến. Nhưng với ông đây cũng là những giây phút hạnh phúc vì ông được làm những cuộc giao duyên (Noces) với cảnh đẹp thiên nhiên,  bên trên là bàu trời rộng bao la phía dưới là nước biển màu xanh biếc với tiếng sóng rạt rào. Trong khung cảnh đó, ông còn có dịp viếng thăm các di tích lịch sử điêu tàn đầy cỏ mọc, nhưng với ông lại là cơ hội để làm quen với của nền văn minh La - Hy cổ xưa. Trong khung cảnh sinh hoạt ấy, ta mới hiểu tại sao ông cảm thấy hài lòng được sống giàu sang hạnh phúc như ông đã tâm tình cùng ta : "Sự nghèo khó, trước hết, với tôi, không hề là một điều bất hạnh : ánh sáng tràn lan sự giàu sang trên đó...  Đôi khi tôi gặp được những người sống giữa những tài sản tôi không tưởng tượng nổi. Tuy nhiên tôi phải cố gắng để hiểu tại sao người ta có thể ham muốn các tài sản dó... Sự xa hoa nhất, với tôi, đều trùng hợp với một sự túng thiếu nào đó).  ( La pauvreté, d' abord, n'a jamais été un malheur pour moi : la lumiere y répandait sa richesse... Je rencontre parfois des gens qui vivent au milieu des fortunes que je ne peux pas imaginer. Il me faut cependant un effort pour comprendre quon puisse envier ces fortunes... Le plus grand des luxes n' a jamais cessé pour moi avec un certain dénuement. Sdd, tr 7)   Câu chót này có vẻ là một nghịch lý, Nhưng với Camus, điều này có nghĩa là những kẻ càng được sống trong cảnh giàu sang nhung lụa bao nhiêu, họ lại càng sống xa rời với thế giới con người và thế giới tự nhiên bấy nhiêu. Như con chim chỉ thích hót trong lồng son, mà không biết hưởng cái hạnh phúc được sống tự do bay lượn giữa bàu trời trong xanh lồng lộng. Vậy  khu phố Belcourt lao động bình dân đã trở thành một góc thiên đường với Camus là thế đó. Đồng thời nó cũng cho hiểu vì sao Camus, tuy có chuyển biến tâm tư, nhưng vẫn trung thành với nguồn cảm hứng ban đầu.  

Nhưng trên cõi đời này có cái gì tồn tại vĩnh viễn đâu?  Cũng như có bông hồng tươi thắm nào sớm mai chớm nở mà tối lại chẳng phai ... tàn ? Thoạt nghe có vẻ cải lương hơi sến một chút đấy. Nhưng với Camus lại đúng là vậy. Đang sống vui hạnh phúc với khu phố nghèo nàn nhưng ấm áp tình người và chan hòa ánh sáng ấy, thì Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Trước những cảnh chết chóc tang thương, đổ vỡ hoang tàn, ông nay cảm thấy như ông A Dong và bà E Và bị bứng ra khỏi vườn đia đàng. Chỉ có điều khác biệt : ông A Dong và bà E Và vì lỡ nghe theo lời súi dại của con rắn độc. Còn mối bất hạnh của Camus là do tham vọng muốn thay đổi thế giới để làm nên lịch sử của một vài nhân vật. Thế là trước mắt Camus, nay bỗng dựng lên bức tướng phi lý dày đặc bóng tối. Vậy ta phải đối đầu với phi lý sao đây?  Câu truyện về nhân vật huyền thoại Sisyphe đã chỉ dẫn Camus con đường tìm ra câu giải đáp : Đó là bằng thái độ phản kháng để bày tỏ quyết tâm không cam phận phục tùng, chứ không phải bằng sự nổi loạn bạo động để phủ nhận với tham vọng thay đổi trật thế giới. Camus đã chia xẻ cùng ta con đường ông chọn để đương đầu với phi lý qua ba tác phẩm tiêu biểu như sau : kịch bản Caligula, La Peste (Dịch Hạch)Les Justes (Những kẻ Công Chinh).

Là một bạo chúa trong lịch sử La Mã, Caligula khét tiếng là hiếu sát vì ra lệnh giết người vô cớ và vô luân vì ăn nằm chung chạ với Drasuila, em gái ruột và cũng là người tình ông thương mến nhất. Tuy nhiên mở đầu vở kịch, Caligula lại xuất hiện như là một ông vua khoan dung biết thông cảm, có triển vọng trở thành một đấng minh quân. Chỉ sau cái chết bất ngờ của Drasuila, Caligula mới biến thánh bạo chúa với những sở thích độc địa, tùy hứng  như tùy ra lệnh giết người vô cớ hay bắt quần thần đi lấy mặt trăng về làm đồ chơi. Sự thay đổi tính tình đột ngột này của Caligula khiến đám quần thần ngơ ngác. Chỉ riêng Caligula mới hiểu được nguyên nhân khi một mình lẩm bẩm : "Mọi người đều chết và không có hạnh phúc " (Les hommes meurent et ils ne sont pas heureux et ils meurent  CALIGULA -  Acte I, sc. 4  Coll. Folio Gallimard 1950 p. 27 ) Vậy là cái chết của Drasuila đã làm Caligula tỉnh mộng, không còn nuôi ảo tưởng gì về cuộc sống thế gian. Do đó ông ta mới đột ngột thay độ tính tình. Một phần vì nổi loạn,  muốn thay đổi thân phận con người mà ông ta cho là phi lý. Phần khác là để thức tỉnh những ai còn nuôi ao tưởng về hạnh phúc trường cửu trên đời này. Nhưng thái độ nổi loạn ấy chỉ là nỗ lực vô ích. Cuối cùng  chính Caligula lại trở thành nạn nhân cho  khát vọng ảo tưởng đó.  

Đối nghịch với Caligula, chúng ta có bác sĩ Rieux trong La Peste. Tuy không nuôi ảo tưởng gì về thân phận phi lý con người. nhưng không vì thế mà Rieux cho là cuộc sống trên thế gian là vô nghĩa, là không đáng sống. Bởi vậy ông không nuôi tham vọng làm một người hùng hay nhân vật thần thánh nào đó để thay đổi bộ mặt thế gian. Tâm sự đó, ông đã chia xẻ cùng ta như sau  : "Tôi không có sở thích với chủ nghĩa anh hùng hay thánh thiện. Điều làm tôi quan tâm, ấy là được làm con người". (Je n'ai pas de gout pour l' heroisme ou la saintete. Ce qui m' interresse, c' est d'être un homme. La Peste -  Gallimard 1967 Coll. Folio, p.230 ) Chi muốn được làm con người, bởi vì Rieux đã tìm ra được lẽ sống bằng cảm thông (compréhension) với đồng loại cùng chung cảnh ngộ như mình, lấy việc chia xẻ buồn vui với họ làm lé sống. Bởi vậy ông mới có tinh thần phục vụ cao, hết lòng chăm lo sức khỏe cho mọi người. Và Rieux không hề cảm thấy cô đơn khi thấy có nhiều người cùng mang tâm trạng như mình. Thí dụ như trường hợp phóng viên Rambert của một tờ báo Paris,  Được phái tới công tác tại Oran, một thành phố của Algerie. chẳng được bao lâu thì có lệnh phong tỏa do bệnh dịch hạch ra tay hoành hành. Tự cho mình không có liên hệ gì với thành phố này nên lúc đầu Rambert tìm mọi cách trốn ra ngoài để trở về với người yêu ở Paris. Trong khi chờ được cơ hôi, Rambert nhận làm phụ tá cho Rieux, đồng thời để nhờ bác sĩ lấy uy tín giúp anh ta có phương tiện đào tẩu. Nhưng khi  gặp được thời cơ , phút chót Rambert lại quyết định không trốn đi. Trước cái nhìn thắc mắc dò hỏi của Rieux, Rambert chỉ ngắn gọn trả lời :" Thật là một điều tủi hổ khi chi lo hạnh phúc cho riêng mình" (Il ya honte à être heureux tout seul. Sdd, tr. 190 ) Sự thay đổi thái độ của Rambert giúp ta  hiểu được tại sao Rieux  lại gắn bó với cuộc sống thế gian và chỉ muốn được là con người. Như ông ta đã nhận định trong phần chót của câu truyện : " Trong những cơn đại dịch ta lại thấy nơi con người nhiều điều đáng chiêm ngưỡng hơn là để khinh bỉ." ( On apprend au milieu des fleaux, qu'il y a plus de choses à admirer que de choses à mepriser". Sdd. tr. 279) 

Nhưng tai họa thế gian không chi do dịch bệnh hay biến động thiên nhiên, mà còn do những kẻ ôm mộng hoang tưởng cải tạo thế gian như Caligula. Bởi vậy cũng có lúc con người thấy phải ra tay hành động. Không phải để thay đổi thế gian, mà là để thay đổi cuộc sống, Đó là trường hợp của Kaliaev hay Yanek trong vở kịch  Les Justes (Những kẻ công chính) (1). Là thành viên của một tổ chức hoạt động bí mật nhằm lật chế độ Nga hoàng chuyên chế áp bức, Kaliaev được tổ chức giao cho sứ mạng ôm bom lao vào chiếc xe của quận công Serge, một cận thần của Nga Hoàng, để sát hại ông ta. Bất ngờ đúng ngày phải ra tay hành động, trên xe lại có hai trẻ nhỏ là những đứa cháu của quận công, Thấy không thể bắt những đứa trẻ trở thành nạn nhân vô tội, Kaliaev đành ôm bom trở về. Kaliaev liền bị Stepan, một thành viên quá khích trong tổ chức, lên án là hèn nhát và phán rằng đã làm cách mạng thì không có giới hạn.  Kaliaev đã thẳng thắn đáp trả : "Tôi chấp nhận giết người là để lật đổ chuyên chế. Nhưng đằng sau điều anh vừa nói, tôi lại thấy báo hiệu một nền chuyên chế mới mà, nếu trở thành hiên thực, nó sẽ biến tôi thành một tên sát nhân trong khi tôi chỉ muốn làm kẻ thi hành công lý." (J'accepte de tuer pour renverser le despotisme. Mais derriere ce que tu dis je vois annoncer un despotisme qui, s' il s' installe jamais, fera se moi un assassin alors que j' essaie d' être un justicier. Les Justes, Acte II, p. 63 * Folio).  Ba ngày sau, gặp quận công một mình trên cỗ xe, Kaliaev đã không ngần ngại ôm bom lao vào chiếc xe, giết được quận công nhưng bị bắt sau đó

Mấy nhân vật biểu tượng trong ba tác phẩm nêu trên cho thấy sư chuyên biến tâm tư nơi Camus không hề là một tách lìa với nguồn cảm hứng nguyên thủy. Nó chỉ là kết quả, của một sự trưởng thành trong khói lửa, theo cách nói của dân lính tráng miền Nam chúng tôi trước đây. Cũng nhờ có được sự trưởng thành trong khói lửa ấy,  Camus mới ý thức được vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ nói chung, người cầm bút nói riêng trước các diễn biến lịch sử. Và ông đã làm sáng tỏ ý thức này về vai trò của người làm công tác văn học nghệ thuật trong hai bài diễn từ đọc tại thủ đô Stockhom nhân dịp tới nhận giải thưởng văn học Nobel.

Trong bài diễn từ đọc ngày 10 -10- 1957 để nhận giải, Camus đã nói lên nỗi bàng hoàng xúc động khi được biết trao tặng giải thưởng cao quí này . Ông cho rằng sở dĩ ông được cái vinh dự cao quí đó là do ông đã thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của người làm văn học : đó là không dùng ngòi bút để phục vụ những kẻ muốn làm nên lịch sử, mà phải đứng về phía nạn nhân của những tham vọng làm nên lịch sử. Trách nhiệm và vai trò này, ông đã dành cho buổi nói chuyện (conférence) tại đại giảng đường đại học Upsal ngày 14-12-1957 để trình bày sáng tỏ. Bài nói chuyện khá dài. Tôi xin chỉ tóm lược những điêm chính như sau.

Mở đầu bài nói chuyện, Camus đã mượn lời một hiền triết đông phương mỗi ngày đều cầu nguyện thần linh tránh cho ông ta khỏi phải sống trong một thời đại đáng chú ý. Nhưng Camus lại cho rằng thế hệ ông không có may mắn nên phải sống trong một thời  đại đáng chú ý với hai cuộc Đại Thế Chiến  xảy ra. Trước những cảnh tượng chết chóc đau thương và đổ vỡ điêu tàn, Camus cho rằng nhà văn có ý thức trách nhiệm không thể tiếp tục giam mình trong tháp ngà để tìm lời hoa mỹ ca ngợi trăng sao hay kể những câu chuyện tình mùi mẫn ướt át. Anh ta phải coi mình như kẻ đã "bước xuống tàu", hay "embarqué" theo từ Camus sử dụng. "Bước xuống tàu" hay "embarqué" không đồng nghĩa với "dấn thân" hay "engagé". Dấn thân có thể là hành động hào hiệp của một kẻ ngoại cuộc  giữa đường thấy sự bất bình mà tha.  Nhưng dấn thân đôi khi cũng có nghĩa là do quá nhiệt tình hay đam mê mù quáng nên trở thành một kẻ cuồng tín, dù là  cho một tín ngưỡng, chủ nghĩa hay ý thức hệ. Nhìn vào những cuộc tranh chấp, chém giết nhau đang còn diễn ra giũa các bè nhóm, phe phái trong cùng một cộng đồng,cùng một dân tộc hay cùng một tôn giáo, ta thấy hành động dấn thân có thể dẫn đến hậu quả tai hại như thế nào. Còn bước xuống tàu, trái lại theo Camus, là một thái độ khiêm tốn hơn chỉ nên coi như là thi hành một nghĩa vụ quân sự ( ll s'agit plutôt d'un service militaire). Điều này có nghĩa là người cầm bút ngày nay phải coi mình như đang trên một chuyến tàu gian nan gặp phong ba bão tố nên phải biết tham dự, đống góp vào nỗ lực chung với khách đồng hành để giữ cho con tàu chao đảo khỏi bị chìm đắm. Là nhà văn, Camus cho rằng ông phải đứng ra đảm nhiệm hai nghĩa vụ rất khó khăn không dễ gì hoàn tất. Đó là : "  Không dùng ngòi bút  để phục vụ cho những kẻ ôm tham vọng làm lích sử. mà là phục vụ cho những kẻ phải hứng chịu lịch sử… Sự cao quí của nghề viết văn phải đặt nền móng trên hai cam kết không dễ gì tôn trọng : không được dối trá về những đièu mình được biết, và cưỡng lại sự áp bức. ( Il ne peut se mettre au service de ceux qui font l' histoire : il est au service de ceux qui subissent l' histoire. ... La noblesse de notre métier s' enracinera dans deux engagements difficiles à maintenir : mentir sur ce que l'on sait et la résistance à l' oppression. - Discours de Suede. ESSAIS, Biblio. La Pleiade, p. 1072). 

Muốn làm tròn hai nghĩa vụ khó khăn này, người nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng, cũng phải đáp ứng hai đòi hỏi khắt khe không kém. Trước nhất là phải quí trọng chữ nghĩa, tôn trọng sự trong sạch của chữ nghĩa. Các từ càng mang ý nghĩa cao đẹp bao nhiêu, ta càng phải đối sử thận trọng bấy nhiêu. Còn như sử dụng chúng một cách tùy tiện, ta dễ làm chúng bị hoen ố, trở thành cô gái điếm, chẳng khác chi gã sở khanh dùng lời đường mật gạt gẫm Thúy Kiều, để đẩy tấm thân ngà ngọc của nàng vào chốn thanh lâu cả. Tôi dùng hai chữ gái điếm để tạm dịch từ prostituer, Camus đã không ngại sử dụng hai lần trong bài viết của ông. " Ta không được biến vô tội vạ các từ thành những cô gái điêm. Ngày nay giá trị của từ tự do lại là giá tri bị làm hoen ô  nhiều nhất"  (On ne prostitue pas impunement les mots. La valeur la plus calomniée aujourd'hui est certainement la valeur de la liberte". Camus,  ESSAIS, Discours de la Suede, Bibliothèque La Pléiade, p.1082). Rồi chi vài trang sau đó ông lại viết: " Chỉ khi nào từ tự do được trở thành mối hiểm họa, khi ấy nó mới hết mang thân phận gái điếm" ( Si la liberté est devenue dangereuse, alors elle est en passe de ne plus être prostituée. Sdd, tr. 1095). Với hận định này, ý Camus muốn nhắc nhở ta rằng hai chữ tự do không phải là loại quà cho không biếu không, mà người thực sự yeu tự do đôi khỉ phải trả giá bàng chấp nhận bị đàn áp, tù đày của bản thân. Đó là trường hợp của các nhà đấu tranh tù nhân lương tâm tại các nước dưới chế độ độc tài toàn trị. Phát biểu trên cũng khiến ta không khỏi liên tưởng tới hai chữ tự do đã được một số người Việt ở hải ngoại suy diễn và sử dụng như thế nào. Được đến sống tại một quốc gia dân chủ tự do, họ cho rằng thế là từ nay mình có quyền tha hồ tùy tiện ăn nói. Ưa ai thì bốc lên tới trời xanh; còn ghét ai không tiếc lời nhục mạ. Thậm chí họ còn bóp méo sự thật, tung ra những nguồn tin thất thiệt, biến chúng thành những thuyết âm mưu nhằm gây chia rẽ, khích động hận thù, đôi khi còn nuôi dưỡng hận thù giữa một tập thể, một cộng đồng, thậm chi một dân tộc trong cùng một đất nước. Đám người này đâu có hiểu rằng tự do phải là biểu hiện cho sự trường thành của đời sông tâm linh nên bao giờ cũng  cần được đi kèm với  tinh thần trách nhiệm. Bởi vậy chỉ thực sự yêu tự do những ai đôi khi dám chấp nhận trả giá bản thân mình bằng chịu đựng tù đầy. Thí dụ như những đấu tranh tù nhân lương tâm chảng hạn.

Nhưng giữ cho ngòi bút được liêm khiêt mới chỉ là điều kiện ắt có, chưa phải đã đày đủ. Người cầm bút liêm khiết còn phải biết giữ cho mình khỏi sa vào một vài cái bẫy, để công trình nghệ thuật của họ không biến thành một thứ xa xỉ phầm dối trá (un luxe mensonger). Trước hết, theo Camus, chúng ta nay đã bước vào kỹ nguyên của xã hội mại bản (société marchande),hay xã hội tiêu thụ ngày nay. Do đó mọi sản phẩm, kể cả  sản phẩm văn hóa, đều có thể trở thành món hàng tiêu thụ chạy theo sở thích của khách hàng. Điều quan trọng với họ không phải là sáng tác có giá trị văn hóa, mà là các sản phẩm được giới tiêu thụ ưa thích. Với họ, miễn sao tên tuổi hay tác phẩm của mình được nhièu người nhắc đến hay biết đến mới là quan trọng. Họ không biết rằng thành công như thế chi làm chết đi con người nghệ sĩ chân chính nơi họ. Bởi vậy càng gặt hái được thành công về mặt danh vọng, tiền tài trên thị trường chữ nghĩa bao nhiêu , nhà văn càng đánh mất bản chất con người nghệ sĩ chân chính nơi mình, với kết quả là anh ta chỉ tung ra thị trườngi những sáng tác thuộc loại xa xỉ phẩm dối trá.

Bên cạnh cái bẫy do danh vọng tiền tài giăng ra. nhà văn cũng có thể sa vào một cái bẫy khác : Đó là uốn cong ngòi bút để dối trá, mua chuộc  quyến thế, và bỏ qua những đòi hỏi chính đáng của quần chúng,  Thí dụ như máy câu thơ của Tố Hữu bày tỏ lòng thương tiếc Staline được tôn lên hàng vĩ nhân: " Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một thương ông, thương mười" Đây chỉ là những câu thơ đầy dối trả nhằm phục vụ bạo quyền để mong hưởng được chút ân huệ. Như chúng ta đều biết, lich sử cho thấy Staline chỉ là một nhà độc tài hiếu sát. Ông ta không chỉ đày đọa nông dân Nga trong các goulag hay trại tù tập trung, mà còn gây ra nạn đói khủng khiếp tại Ukraine trong những năm 1932-1933 khiến hàng chục triệu người dân Ukraina phải thiệt mạng chỉ vì những người này không chịu thi hành chính sách nộng nghiệp xã hội chủ nghĩa do y dựng lên. Lẽ ra Tố Hữu nên dành mấy câu thơ bày tỏ lòng thương tiếc ấy cho hàng chục triệu nông dân Nga đã là nạn nhân trong các cuộc thanh trùng của Staline mới phải.

- Kết -

Ngày 4 -1 -1960 Camus đã bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi khi ông mới có 47 tuổi. Cái chết bất ngờ và phi lý ấy không vì thế làm cho tên tuổi ông ngày một chìm trong quên lãng. Trái lại, các biến cố thời sự đang dồn dập diễn ra đã cho thấy tính hiện đại hơn bao giờ của thông điệp ông để lại cho chúng ta qua toàn bộ các tác phẩm của ông. Ta có thể tóm lược nội dung thông điệp ấy qua mấy điểm chinh như sau : Cuộc sống trên thế gian này không phải bao giờ cũng là một góc thiên đường như khu phố bình dân Belcourt ông đã từng được sống từ thời niên thiếu cho tới khi trưởng thành. Trái lại, các biến cố thiên tai cũng như các biến động lịch sử hiện nay, như bệnh dịch Covid-19 hay hiểm họa một cuộc thế chiến nguyên tử có thể xảy ra, đã làm ta nay không còn cái cảm giác an toàn của du khách trong một chuyến du lịch nhàn hạ trên tàu. Trái lại, con tàu thế gian của chúng ta nay đã trở thành một thứ con tàu say ( bateau ivre)  điên đảo chuếnh choáng giữa một vùng trời đày bão tô. Trong hoàn cảnh đó, Camus cho rằng mình cũng như mọi hành khách trên tàu, phải đóng góp vào nỗ lực chung để giữ cho con tàu khỏi bị dắm chìm. Nhưng chỉ với tư cách là người đã bước xuống tàu thôi. Đừng có tìm cách giành giựt tay lái để được làm người cầm lái vĩ đại khiến con tàu càng thêm dễ bị lật chìm. Bởi vậy, trong cương vị một nhà văn, Camus cho rằng vai trò của mình không  phải đứng về phe những kẻ muốn làm nên lịch sử, mà về phía những người phải chịu đựng lịch sủ. Đây là một cuộc chiến đấu trường kỳ, vì con tàu thế gian không ngớt phải đương đầu với đủ mọi tai họa do đủ loại vi khuẩn gây ra . Mà loại vi khuẩn độc hại nhất lại do nơi con người, hay đúng ra là nơi những con người nuôi tham vọng cải tạo thế giới gây ra. Phải  chăng đó chính là thông điệp Camus muốn nhắn nhủ và nhắc nhở chúng ta trong lời kết cuốn La Peste của ông :" Có thể sẽ có ngày, cho sự bất hạnh cũng như cho sự học hỏi của con người, dịch hạch sẽ đánh thức giậy những con chuột giúp họ được tới chết trong một chốn đô thi hạnh phúc."   ( Peut -  être, le jour viendrait où, pour le malheur et l' enseignement des hommes, la peste réveillerait ses rats et les enverraient dans une cité heureuse.   LA PESTE, Folio, p. 279).<  Chôn đô thị hạnh phúc, với Camus và theo tôi hiểu, chính là cõi mà ở đó hết thẩy mọi người, bất kể sang hèn, người chính trực kẻ bất lương, đều được dành cho một chỗ làm nơi ngàn thu an nghỉ. Hàn Lâm Viện Thụy Điển quả  đã không lầm để chọn mặt gửi vàng khi tặng cho Camus giải thưởng văn học Nobei cao quí, như là để tưởng thưởng một công trình văn học " đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt cho lương tâm loài người của thời đại chúng ta". (Pour récompenser une oeuvre "qui met en lumière les problèmes se posant de nos jours à la conscience des hommes.)  Thời đại của chúng ta không chỉ có là thế kỷ 20 của Camus, mà còn là thời đại hiện nay, khi mà những con vi khuẩn thuộc loại nuôi tham vọng bành trướng lãnh thổ hay làm bá chủ thế giới còn đang ngo ngoe đòi ngóc cổ dậy. (Băt đầu viết ngày 8-9-2022, viết xong ngày 10-11-22)
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Thơm như múi mít : Ngôn từ của dân ưa tếu Sài Gòn trước 1975. Hò thường gặp nhau tại các tiệm giải khát, quán cà phê rồi đua nhau chọn từ ngữ hay từ ngữ dí dỏm, ý vị để bốc thơm (nịnh hót) hay tán thối (chỉ trích) mỗi khi bình phẩm về một nhân hay một câu chuyện thời sự nào đó.
(2) Xin mời đọc thêm bài “ Đọc lại Camus, nhà văn nhân bản” của người viết đã dược phổ biến trên một vài diễn đàn mạng.





VVM.20.2.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com