Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




        

CÁC THỪA TRONG ĐẠO PHẬT

  


K hi Đức Thích Ca mới thành lập thì Đạo Phật là một khối duy nhất. Nhưng từ sau khi Phật nhập diệt, tới đời Tổ Thứ Tư thì các Vị Trưởng Lão đã tách ra. Kể từ đó Đạo Phật chia ra thành 2 Thừa. Trưởng Lão Bộ hay Tiểu Thừa, và Đại Chúng Bộ hay Đại Thừa. Cả hai đều dùng tài liệu khi Kết Tập, nhưng giải thích về lý do, cũng như kết quả tu hành đều không giống nhau. Quả vị cao nhất bên Tiểu Thừa là A La Hán. Người cho là đắc được A La Hán do thấy các Pháp là Không. Nhờ thấy các Pháp là Không nên được an lạc, gọi là đạt được Niết Bàn. Quả vị của Bên Đại Thừa là Thành Phật, vì cho rằng “con thì phải nối nghiệp cha”. Cha là Phật thì con cũng phải là Phật theo lời của Đức Thích Ca đã Thọ Ký. Thành Phật cũng không phải là thành Thần Linh như nhiều người đã hiểu lầm. Chỉ là “Thành tựu Công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ” mà thôi. Muốn Thành Phật thì phải qua Địa Vị Bồ Tát, phải Độ tận Chúng Sinh của chính bản thân, và phải tự làm, không lệ thuộc, không cầu xin ai, không nhờ ai giúp được, nên gọi là TỰ ĐỘ.

Từ lúc chia ra đến nay, trước, sau ta thấy chỉ có Hai Thừa, nhưng đọc Diệu Pháp Liên Hoa, ta thấy Kinh viết là Đạo Phật có đến 3 Thừa: Tiểu Thừa, Đại Thừa và Phật Thừa, và nhiều lần lập đi lập lại rằng “Chỉ có Phật Thừa là được diệt độ thôi, không có Thừa nào khác”. Vậy thì thế nào là Phật Thừa?

Mục đích của Đạo Phật là Độ Khổ. Do quan sát thấy con người mải mê ngụp lặn trong bể Khổ mà không biết, không hay, và dù Khổ mặc lòng, con người vẫn không chịu buông bỏ, không muốn Thoát ra. Vì thế, Đức Thích Ca đã dùng nhiều phương tiện để dụ cho con người buông xả các Pháp để thoát Khổ. Bản tánh con người vốn tham lam, nếu không biết rằng nó sẽ có những thứ quý giá hơn, tốt đẹp hơn thì nó sẽ không bao giờ buông bỏ cái nó đang có, do vậy mà Đức Thích Ca phải dùng rất nhiều phương tiện để dẫn dụ.

Đầu tiên là Phật hứa 4 Quả vị cho người nào chịu Quán Sát, Tư Duy. Theo Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận thì:

1. Người thấy được Thân này là giả dối, mượn nó để tu học gọi là tỏ ngộ được THÂN KHÔNG thì sẽ được Quả Dự Lưu Tu Đà Hoàn.

2. Người thấy được Chân Tâm, nương Chân Tánh để tự làm chủ lấy mình, gọi là tỏ ngộ TÂM KHÔNG, thì gọi là chứng Quả Nhất Lai Tư Đà Hàm.

3. Người ngộ được Tánh của mình thường yên lặng, mà có cảm ứng thần thông biến hóa vô cùng, oai linh khó nghĩ, sáng suốt làu làu, tự giác, tự ngộ, linh thiêng vô tận, vắng lặng triệt để, vô vi mà thường vi, gọi là tỏ ngộ TÁNH KHÔNG, thì chứng Quả Bất Lai A Na Hàm.

4. Người biết quan sát Kinh điển của Phật nói ra đều là những pháp môn phương tiện dẫn dắt chúng sanh vào đạo. Như nước dùng để rửa bụi. Như thuốc dùng để chữa bệnh. Bệnh khỏi thì thuốc cũng trừ gọi là tỏ ngộ PHÁP KHÔNG. Y theo đó tu hành thì chứng đặng Quả Vô Sanh A La Hán.

Đó là Tứ Quả Thánh mà người tu hành theo Thanh Văn đạt được.

Vì sao hàng Thanh Văn bị chê là “Chồi khô, mộng lép”? Do thấy các Pháp là Không, nên họ chán đời. Không hơn thua đã đành, nhưng cũng không muốn tham gia bất cứ việc gì với cuộc đời nữa, mà cũng không suy nghĩ, không cần biết phải làm gì tiếp theo. Vì thế, cuộc sống họ trở thành chơ vơ, chỉ còn chờ ngày về Niết Bàn, cho rằng đã được Diệt Độ! Người sống như thế không làm lợi ích gì cho chính bản thân họ, vì họ sống chỉ để chờ hết kiếp, cũng không giúp đỡ gì được cho ai, vì quan niệm tham gia vô việc của người khác là chia Nghiệp với họ. Không những bản thân người theo Tiểu Thừa nghĩ như thế mà còn khuyên dạy Phật Tử cũng làm như họ. Chính vì vậy mà Đại Thừa chê họ là “chồi khô, mộng lép”, vì không nẩy nở, sinh sản được pháp nào nữa, kể cả pháp Thiện! Lý do là vì họ học chưa hết Giáo Pháp của Đạo Phật.

Chính vì vậy mà Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA mượn lời Phật để giảng cho hàng Thanh Văn, mở “Con Đường Độ Sinh” cho họ, đưa họ ra khỏi cái Không Vô Ký, vào địa vị Bồ Tát để thành Phật. Kinh viết: “Xá Lợi Phất! Ta thuở xưa dạy ông chí nguyện Phật Đạo, ông nay đều quên mà bèn tự nói đã được diệt độ. Ta nay lại muốn khiến ông nghĩ nhớ bổn nguyện cùng đạo đã làm, mà vì các Thanh Văn nói Kinh Đại Thừa tên là DIỆU PHÁP LIÊN HOA GIÁO BỒ TÁT PHÁP PHẬT SỞ HỘ NIỆM”.

Tại sao phải giảng cho hàng Thanh Văn? Tại vì những vị Thanh Văn khi quán sát thấy các Pháp là Không, vì cuối cùng nó sẽ về Không, lại nghe Phật dạy cuộc đời là VÔ THƯỜNG, nên không nghĩ ngợi, tha thiết gì về cuộc sống. Do không suy nghĩ, không dính mắc gì với cuộc sống mà họ có được cái tâm nhẹ nhàng, khinh an, được gọi là đạt được Niết Bàn tự tâm hay đắc Quả A La Hán rồi đắm mình trong đó. Họ không biết mục đích của Đạo Phật là để giúp cho con người sống giữa trần gian, nhưng không bị các pháp trần vùi dập, được như Hoa Sen, sống giữa bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm. Đó là lý do mà Đạo Phật dùng Hoa Sen làm biểu tượng.

Hoa Sen vẫn sống giữa bùn cho đến khi tàn tạ, đâu có chê bùn là nhơ bẩn để dời đến sống trong chậu nước tinh khiết? Người đời học Phật Pháp là để “Thoát phiền não ngay chính trong phiền não” chớ đâu có tránh né, trốn phiền não, xây tường rào ngăn cách, hay lên non cao, động vắng, xa lánh cõi trần để được thanh tịnh? Người tu học theo Đạo Phật là để giải quyết cuộc sống, để tiếp tục sống giữa các Pháp Thuận, Nghịch trong đời mà vẫn được an vui. Không những thế, kiếp sau nếu có càng tốt đẹp hơn vì cả đời chẳng những tránh Ác, mà còn hành Thiện để xây dựng cảnh trần thêm tốt đẹp, mà nếu ai có đọc mô tả 32 Tướng Tốt, 80 Vẻ Đẹp của Phật sẽ thấy: mỗi việc cư xử với nhau trong cuộc sống tượng trưng cho MỘT TƯỚNG không phải là những hảo tướng tự nhiên sinh ra. Chính vì vậy mà Lục Tổ Huệ Năng có Kệ: “Phật Pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác. Ly thế mịch Bồ Đề. Cáp như cầm thố giác”. Có nghĩa là “Pháp Giải thoát ở ngay tại thế gian. Không thể rời thế gian mà giác ngộ. Rời thế gian mà tìm Giải Thoát cũng như đi tìm sừng thỏ”. Chính vì trần gian có quá nhiều khổ đau mà con người mới cần Pháp Giải Thoát. Rời thế gian, không còn gì để đau khổ, phiền não thì cần gì Giải Thoát?

Thật thế. Bỏ trần gian, vô Chùa, xây tường rào ngăn chặn các Pháp, các Pháp không xâm phạm được thì có gì phiền não nữa đâu, mà cần phải Giải Thoát? Nhiều người hiểu lầm, cho rằng Xuất Gia đi tu là Thoát Phàm, Thoát Phiền Não. Thấy người mang bộ Y, với cái Đầu cạo láng thì cho đó là Tu Sĩ. Thật ra, nghĩa của Tu là Sửa. người đang chỉnh đốn Thân, Tâm với Thân Giới, Tâm Huệ thì đó mới đúng là Tu Sĩ theo đúng với tinh thần Đạo Phật. Chiếc Áo, cái Đầu mới nói lên phần hình tướng mà thôi, không có giá trị gì đối với người Tu Phật chân chính. Người đời cũng nói: “Chiếc áo không làm nên Thầy Tu”. Phật Ngôn cũng dạy: “Nếu chiếc áo Ca Sa có uy lực giải trừ Tham, Sân, Si thì cha mẹ hay người thân đứa bé chỉ cần khoác nó lên người đứa bé mới sinh là đã được toại nguyện”, cho thấy rằng nhận định giữa Đạo với Đời không khác!

Dù hai Thừa cùng hành chung Giáo Pháp là Giới và Bát Chánh Đạo, là hai căn bản cần thiết cho người tu, nhưng mục đích tu hành Thoát Khổ không giống nhau: Tiểu Thừa do hiểu lầm Phương Tiện của Đạo Phật nên cho rằng trần gian là ô uế, là phiền não, nên “Xuất Gia Đầu Phật” để tìm an ổn cho mình bằng cách tránh Pháp, không tiếp xúc, không tham gia với người đời, với cuộc đời. Cuộc sống chỉ để dành Ngồi Thiền, Tụng Kinh, Niệm Phật, chờ về Niết Bàn. Đương nhiên người không phải lo toan mọi vấn đề. Từ cất Chùa cho tới cơm áo, vật dụng, phương tiện đều do thí chủ cung cấp. Mọi thứ đã có thí chủ phục vụ. Tu sĩ không cần biết đến tiền bạc. Không hay thị trường giá cả lên xuống. Không phải chi trả bất cứ thứ gì, lại không đau đầu vì vợ con mè nheo, lải nhải đòi tiền chợ, tiền học, tiền trường, tiền phấn son, quan hôn, tang tế… thì tâm hồn sao mà không thanh thản? Do vậy họ cho rằng mình đã đạt đến Niết Bàn, thanh tịnh, và đó là rốt ráo của Đạo Phật, cần gì phải thắc mắc tìm kiếm điều chi thêm nữa?

Trong khi đó, con đường Giải Thoát của Đại Thừa từ Phát Tâm cho đến kết quả cuối cùng có cả một quy trình được giải thích hoàn toàn hợp lý, không khiên cưỡng, không áp đặt. Họ được hướng dẫn cho phân tích từ lý do Phát Tâm cho tới cách tìm nguyên nhân gây ra Khổ, cách thức khắc phục, kết quả, đều thuận Đạo, hợp đời, vì tu hành không phải để Đắc Quả hay về cõi nào, mà chính là để giải quyết cho cuộc sống. Do đó, họ không một bề theo Đạo, bỏ Đời. Trái lại nhờ Đạo rèn giũa tâm tính để sống mội kiếp người thật xứng đáng, có ích cho mình, cho người, làm cho cõi Đời thêm tốt đẹp.

Thật vậy. Đại Thừa cũng cho rằng Đời là Bể Khổ, nhưng biết rằng lỗi không phải chỉ do Các Pháp, mà trong đó có sự tiếp tay của nội ứng từ bên trong mỗi người. Đó là cái Vọng Tâm. Do vậy, muốn Trừ cho tận nguồn gốc của Khổ thì phải nhận biết cả hai: TÂM và PHÁP, nhưng Pháp thì vô tình, cứ vô tư khởi rồi diệt. Do cái TÂM CHẤP LẤY PHÁP mà ra chuyện. Vì vậy, người tu được dạy ĐIỀU TÂM, không ĐIỀU PHÁP. Họ cũng được dặn dò không nên Tin những gì đã Nghe, mà khi Nghe xong phải suy nghĩ, thấy đúng thì mới hành theo gọi là VĂN-TU-TU. Biết thủ phạm là cái VỌNG TÂM, họ sẽ nương theo hướng dẫn của Đạo Phật dành thì giờ quán sát, tư duy để tìm cho ra nó, rồi cũng theo cách thức mà Đạo Phật bày cho để biến Vọng Tâm thành Chân Tâm, gọi là “Phản Vọng quy Chân”.

Trong Tâm có hai tình trạng Tốt và Xấu nên gọi là PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ. Trong quá trình quán sát cái Vọng Tâm thì người tu sẽ thấy rằng trong đó có những tư tưởng luôn khởi, diệt. Những tư tưởng xấu được Đạo Phật gọi là “Chúng Sinh”. Chúng Sinh này luôn theo các pháp mà “trùng trùng duyên khởi”. Con người bị Phiền Não là vì những Chúng Sinh này. Vì vậy, muốn thành Phật thì phải “Độ” cho hết những Chúng Sinh, bao giờ Chúng Sinh hết Khổ, được an ổn, gọi là Thành Phật, thì người Độ mới hoàn tất công việc tu hành. Việc điều phục hay hóa giải Chúng Sinh, là công tác chỉnh đốn cái Tâm, nên gọi là TU TÂM.

Cũng theo Đạo Phật, dù “Chúng Sinh vô lượng”, nhưng không ngoài 6 Đường (Lục Đạo). Muốn Độ cho Sáu con đường này thì phải làm Sáu Việc gọi là LỤC ĐỘ. Đó là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, và Trí Huệ. Muốn tu hành đạt được kết quả thì cần có sự sáng suốt gọi là Trí Huệ. Muốn có Trí Huệ thì phải Định, tức là dừng lại, là ngưng chạy theo các Pháp và tìm hiểu về chúng.

Muốn tìm hiểu vấn đề gì đó thì cần phải tập trung mà suy nghĩ, Đạo Phật gọi là Tư Duy, do đó mà có Thiền Định. Ngày xưa người ta đã dịch rất sát nghĩa của Thiền, là TƯ DUY TU. Nhưng về sau chỉ gọi là Thiền nên nhiều người không biết phải Ngồi như thế nào, chỉ khoanh tay, khoanh chân, mắt khép hờ Ngồi một cục, hết giờ thì Xả ra, thấy mình Ngồi Thiền được 1 suất! Thiền đang được nhiều phái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau: Thư giãn, điều tức trị bệnh, xuất hồn, luyện Khí Công đều Ngồi Thiền. Thiền của Đạo Phật cần kết hợp với Quán Sát, Tư Duy nên gọi là THIỀN QUÁN (Vipassana). Nhờ Thiền Quán mà người tu sẽ có được sự hiểu biết sáng suốt, rồi sẽ hành theo sự hướng dẫn của cái Biết. Cái Biết đó gọi là Trí Huệ. TRÍ HUỆ quan trọng đến nỗi BÁT NHÃ TÂM KINH viết: “Tam Thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Có nghĩa là Ba Đời Phật đều nương Trí Bát Nhã mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Dù có người vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nhưng nếu không Tư Duy thì trọn không thể đạt Vô Thượng Bồ Đề”.

Nói về THIỀN, Kinh Viên Giác viết: “Đây là phương tiện tu hành của Hành giả, tức là BA PHÁP QUÁN (CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU). Nếu các chúng sanh tinh tấn siêng tu Ba Pháp này được hoàn toàn, tức là Như Lai xuất hiện ở thế gian vậy”. Vừa Soi Quán, vừa kiên trì đối chiếu với Chính Kinh, vừa thực hành, để cái Lý với cái Hành đồng nhất thì dần dà người hành sẽ có được sự tự chủ vững mạnh để tiếp tục sống giữa cuộc đời mà không còn bị cảnh Khổ hành hạ nữa. Không còn bị xao động, bị Khởi Ghét, yêu vì các pháp. Thấy các Pháp như nó vốn như thế, nên gọi là Như Thị. Người thấy các Pháp đều Như, không còn khởi tâm khi đối Pháp gọi là Như Lai. Do đó, Như Lai không phải là Phật Tổ Như Lai quyền phép tột cao để mọi người tạc tượng mà Thờ!

Người theo Tiểu Thừa, vừa Thấy các Pháp là Không thì chấp lấy đó, không muốn tiến tu tiếp. Không cần tìm hiểu thêm. Người theo Đại Thừa vẫn Biết các Pháp cuối cùng là trở về Không, nhưng hiện tại nó đang tồn tại, nên học cách đối phó với nó mà không chấp lấy, không ôm giữ, đeo bám nó, chỉ cư xử với nó đúng như cần thiết mà thôi. Do vậy họ không bị điên đảo với các Pháp. Không mừng khi được. Không tiếc khi mất. Không ham hố danh lợi, không tranh giành với mọi người nên được cuộc sống an ổn. Chính nhờ không BỎ ĐỜI, chỉ bỏ THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT. Không bỏ nhà thế gian, chỉ RỜI XA NHÀ LỬA TAM GIỚI. Bỏ THAM ÁI, không bỏ cha mẹ. Bỏ Ba Nghiệp của Thân và Bốn Nghiệp của Khẩu gọi là RỜI XA QUYẾN THUỘC NGU SI... nên họ vẫn làm mọi việc, vẫn sống một cuộc đời như một người bình thường trong xã hội. Nhờ đó họ vừa có thể đền được TỨ ÂN, vừa thực hành để có được 32 Tướng Tốt của Phật, đồng thời làm lợi mình, lợi người, Đạo Phật gọi là Tự Độ đồng Độ Tha.

Họ đã đi một vòng. Từ một con người sống trong cuộc đời đầy phiền não. Từ một chúng sinh đau khổ, họ vào Đạo Phật để học cách tự cứu độ. Công việc tu hành là nương hướng dẫn của Đạo để chiêm nghiệm, thực hành từng pháp. Sau một thời gian Quán Sát, Tư Duy, Giữ Giới, đi trong Bát Chánh Đạo, làm Lục Độ Ba La Mật… Họ điều phục được cái Tâm, hóa giải được các Pháp, Xả được cái Vọng Tâm, quay về với Chân Tâm để thấy Cái Thân không phải là Mình, chỉ là phương tiện ứng hiện để cho Nhân Quả vay trả mà thôi. Kể từ đó họ trở lại cuộc đời với một tâm thế khác. Không còn để cho cái Thân sai sử để tạo Nghiệp. Trái lại điều khiển nó, dùng nó như chiếc phao để bơi qua bể Sinh Tử. Khi rũ sạch hết Phiền Não, Độ hết những Chúng Sinh, họ làm Chủ được Thân, Tâm của họ, nên dù vẫn ở trong thế gian mà thế gian không còn làm Khổ họ được nữa, gọi là được Giải Thoát hay Thành Phật.

Ứng dụng Đạo Phật vào thế gian chúng ta sẽ thấy: Nếu trước khi chưa tu hành, tâm của mỗi chúng ta đầy những dục vọng, Tham, Sân, Si lúc nào cũng chực chờ để khởi lên, thì người đã chuyển hóa xong cái Tâm ngược lại, Tâm họ lúc nào cũng tràn đầy Từ, Bi, Hỉ, Xả. Họ có được cái Thường Vui hay là an lạc trong tâm. Họ không thù ghét cái Thân, chê chán cuộc đời. Trái lại cảm ơn cái Thân, vì nhờ có cái Thân mà họ mới có Mắt để đọc những lời dạy của Phật, của Chư Vị Giác Ngộ. Có Tai để nghe những lời giảng dạy. Có Tay, Chân để thực hành những việc tốt đẹp cho đời để đền đáp những gì họ được hưởng dụng từ biết bao thành phần trong xã hội. Họ cảm ơn cuộc đời, vì có cuộc đời với những Pháp thuận, nghịch mà họ có những bài học để tiến tu. Họ không còn BỊ SỐNG, bị dòng đời lôi cuốn, vùi dập. Trái lại họ thấy mình ĐƯỢC SỐNG, hoàn toàn làm chủ cuộc sống. Nhờ Ý thức Vô Thường nên họ quý từng phút giây bên cha mẹ, bên bạn bè, người thân, vì biết rằng cái Duyên gặp nhau có hạn, không thể ở bên nhau mãi. Họ không còn tranh giành vật chất với mọi người, khi tu hành thì cũng không ham Chùa to, tượng lớn để lấy uy tín, vì biết rằng ngày nào đó ra đi cũng không mang theo được. Họ ý thức giá trị của Giải Thoát nên cũng mong muốn tất cả mọi người cùng được Giải Thoát, hết khổ, mà dùng sự hiểu biết của mình để cùng Chư vị Giác Ngộ tiếp tục “mồi ngọn Vô Tận Đăng”, tát cạn bể khổ của trần gian, để Hoa Sen được nở giữa biển lửa.

Qua đó, chúng ta thấy người tu theo Đại Thừa đúng nghĩa thì không câu nệ hình tướng. Không phân biệt trong Chùa hay ngoài Chùa, có sắc phục hay không sắc phục. Chủ yếu là điều phục cái Tâm, vì “Giải Thoát hay ràng buộc cũng chỉ do cái Tâm”. Họ không cần Quả Vị, không cần ai biết mình tu. Vì thế, họ Tu mà thoát Tu. Hành mà thoát Hành. Thoát cả Quả Vị, vì biết rằng tu cho chính bản thân mình, nên không thắc mắc, không tìm cầu. Họ không cần Chư Phật phải chứng minh mà cũng không đòi hỏi sự tôn trọng của người khác, cũng không cần ai phải cung dưỡng để mình tu, vì ý thức Nhân Quả.

Suy cho cùng, việc tu theo Đạo Phật chỉ là để “Ở trong thế gian mà thoát thế gian. Ở trong phiền não mà thoát phiền não”. Mọi Quả Vị, Tây Phương, Đông Phương, Phật Quốc v.v... chỉ là phương tiện để giúp cho con người hy vọng được về đó mà Xả bỏ mọi thứ giả tạm đang ôm giữ để được Thoát Khổ, vì mục đích của Đạo Phật là để phục vụ cuộc sống, phục vụ con người, để con người có cảnh sống yên lành, hạnh phúc cho đến hết kiếp. Nói Vô Thường là để con người thấy rằng cuộc sống không trường tồn, thấy đó rồi mất đó, để mọi người đừng vì danh, lợi mà đánh mất tình nghĩa, để cư xử với nhau tốt đẹp hơn. Không phải để mọi người chê chán cuộc đời. Tu chỉ có một nghĩa là SỬA. Là bỏ đi những thói hư, tật xấu, học hỏi những điều tốt đẹp. Do vậy, độc thân hay có gia đình, già hay trẻ, học ít hay học nhiều, địa vị cao hay thấp, nam hay nữ đều có thể tu được. Mỗi người tu là chỉ để bản thân nhờ, không thể tu giùm cho người khác. Vì vậy, người tu không có quyền nhân danh tu hành rồi bỏ hết trách nhiệm đối với cuộc đời, vì còn sống một ngày là còn hưởng dụng mọi thành quả của biết bao nhiêu thành phần trong xã hội, có nhiệm vụ phải đền đáp. Kiếp này không trả thì kiếp sau vẫn phải trả, vì Nhân Quả không mất. Phật dạy “Nhân thân nan đắc”. Khó khăn lắm mới có được thân người. Cha mẹ phải giữ gìn, nâng niu, phải nuôi dưỡng bao nhiêu năm dài mỗi người mới có được một tấm thân toàn vẹn, thì không lý do gì khi vào tu hành lại chỉ sống để chờ chết, phí phạm bao nhiêu công sức của cha mẹ, áo cơm của cuộc đời! Người cổ súy cho mọi người bỏ hết việc đời để đi tu, chẳng những có lỗi với cuộc đời mà còn có lỗi với Đạo Phật, vì Phật dạy, người tu phải có Tứ Vô Lượng Tâm, đâu có dạy Vô Tâm, vô cảm trước cuộc đời? Bởi sau khi hoàn thành việc tu hành cho mình còn phải đền Tứ Ân. Phật đâu có phải là Thần Linh để chúng ta cầu xin gia hộ cho đất nước, cho ông bà, cha, mẹ để báo Ân? Cũng không cần phải tôn thờ Đức Thích Ca hay Chư Vị đã Đắc Đạo chỉ cần hành theo những gì các Ngài đã hướng dẫn, vì mỗi người đều có thể Chứng Đắc, thành Phật như các vị đã thành. Vì thế, Tổ Đạt Ma dạy: “Đừng mang Phật ra mà lạy Phật”. Giới và Bát Chánh Đạo cũng giống như là bờ ngăn hay xe tập đi để đứa bé chưa đủ vững thì dựa vào đó để bước cho khỏi té ngã. “Tâm sinh vạn pháp”, chỉ cần Điều phục cái Tâm thì nó không còn dắt binh tướng đi làm việc sai quấy, cần gì đến mấy trăm Giới đến quay đâu cũng đụng Giới, cuộc sống chỉ làm nô lệ cho Giới? “Điều Tâm chớ không Điều Thân” Tâm ngay thẳng cần gì phải Tứ Oai Nghi? Giả sử có vi phạm Giới thì cũng chính mình là người chịu hậu quả, cần phải tự Sám Hối để không tái phạm, đâu cần phải Sám Hối với Phật? Phật đâu có quyền tha lỗi, hay chịu Nghiệp thế cho ta được?

Vì vậy, không phải Tiểu Thừa, không phải Đại Thừa, mà chỉ có Phật Thừa mới được Giải Thoát. Có nghĩa là hành giả phải thực hiện tất cả những pháp tốt đẹp của thế gian, mà không đi ngược với Luật Nhân Quả, cũng không chống trái với thế gian, nhưng không chấp vào thành quả thì mới có thể đưa đến kết quả Giải Thoát. Không phải phàm, không phải Thánh. Không dính mắc với thế gian mà cũng không Trụ ở Thừa nào. Đó là Phật Thừa. Vì còn thấy mình Thành Thánh, Thành Phật, còn cao thấp, hơn thua… là còn dính mắc, không thể Giải Thoát được vậy.


Tháng 5/2018





VVM.09.3.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com