Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      





GIAI CẤP THỐNG TRỊ XÃ HỘI VIỆT NAM.



K hi bàn về giai cấp, các nhà xã hội học cũng như chính trị học không thể thống nhất ý kiến với nhau. Môt người nổi tiếng như Karl Marx còn bị chê là quá đơn giản trong quan điểm của ông. Đó là nhận xét của Weber. (1)

Weber cho rằng Marx chỉ nhận xét vấn đề trên bình diện sản xuất, tư liệu sản xuất và phân công lao động, về vai trò của họ trong những tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Cũng từ đó, xã hội luôn luôn mâu thuẫn.

Mâu thuẫn lại là động lực làm xã hội đi tới. Giải quyết mâu thuẫn, theo quan điểm của Marx là đấu tranh. Đấu tranh tích cực chỉ có thể có khi có hận thù.

Tư tưởng Mao, tư tưởng Hồ cũng không ngoài định nghĩa tổng quát của Marx, chỉ khác một điều, với tính cực đoan của người Tầu, với chế độ phong kiến hủ lậu và tàn ác, Mao chỉ làm cho mâu thuẫn giai cấp thêm gay gắt, sinh tử. Cho nên Cộng Sản sau bức màn tre ghê gớm hơn Cộng Sản sau bức màn sắt. Hồ chỉ là người theo chân “bậc thầy vĩ đại”, như ông đã từng nói vậy.

Thật ra, từ cổ đại, người ta thấy không có xã hội nào giống xã hội nào. Sự phân chia giai cấp mỗi xã hội, tùy huộc vào nhiều yếu tố khác nhau, không những trên bình diện kinh tế, mà còn về văn hóa, tập tục, tôn giáo, tri thức, chủng tộc, v.v… của các nhóm người trong xã hội đó.

Nhà xã hội học người Mỹ Rodney Stark (2) định nghĩa: “Giai cấp là nhóm người chia sẻ một vị trí giống nhau trong hệ thống phân tầng xã hội”.

Nhà xã hội học Max Weber vẫn lấy chuẩn mực kinh tế để phân chia giai cấp, nhưng Weber cho rằng mối liên hệ nhân quả giữa kinh tế và xã hội, chính trị, ý thức phức tạp hơn nhiều, không như Marx nhận xét. Vị trí kinh tế quy định ý thức và hành động, nhưng địa vị xã hội cũng dẫn tới một quy chế trong cơ cấu kinh tế, v.v…

Warner thì chia ra 6 nhóm giai cấp khác nhau trong xã hội:

Thượng lưu trên; Thượng lưu dưới; Trung lưu trên; Trung lưu dưới; Hạ lưu trên; Hạ lưu dưới.

Phân chia đẳng cấp là một dạng của phân tầng xã hội đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người.

Ví dụ, Trung Hoa cổ đại có quân tử và tiểu nhân, thứ dân (sĩ, nông, công, thương).

Hy Lạp cổ đại có dân tự do và dân nô lệ.
Ấn Độ cổ đại có bốn đẳng cấp: tăng lữ, chiến binh, thợ thủ công, và người làm ruộng và đầy tớ.

Marx xác định có 4 giai cấp trong xã hội La Mã cổ đại là quý tộc, hiệp sỹ, bình dân và nô lệ, và một số lượng giai cấp lớn hơn trong xã hội thời Trung cổ ở châu Âu. Marx cũng cho rằng, trong xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ có 2 giai cấp chính: tư sản và vô sản.

Việc phân chia giai cấp là vấn đề lớn của nhân loại bởi vì không có xã hội nào là không có giai cấp, không có sự phân chia giai cấp, ngay xã hội Mỹ ngày nay cũng vậy. Nước Mỹ phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh, ngay từ hồi lập quốc, như vấn đề kỳ thị màu da, ngay khi Jefferson viết bản tuyên ngôn độc lập, đã có ý thức về việc phân chia màu da là không hợp lý, nhưng với xã hội Mỹ thời bấy giờ, thế lực của người da trắng “chủ nhân ông” còn mạnh, nên ông ta cũng như một số bạn bè thân thiết của ông, cũng không làm gì được, phải chờ khi cuộc nội chiến kết thúc và cuộc đấu tranh bền bĩ của người Mỹ, đa số là người đen do Luther King lãnh đạo, vấn đề cũng như coi như gần được hoàn toàn, mặc dù nước Mỹ được xem là một
quốc gia dân chủ nhất, tự do nhất trong các nước tân tiến ngày nay.

Do vậy, tác giả chỉ muốn bàn tới phạm vi một quốc gia nhỏ bé, trong đó, tác giả từng đọc sử, dạy sử, tìm hiểu về xã hội Việt Nam, qua sách báo cũng như kinh nghiệm, để bàn chút ít sơ lược về giai cấp thống trị xã hội Việt Nam từ khi lập quốc cho đến ngày nay, để xem thử trong tương lai, nước ta sẽ là một xã hội có sự phân chia giai cấp như thế nào!

Nhìn chung, việc cai trị một xã hội tạo nên giai cấp thống trị của xã hội đó. Thông thường, khi một người hay một nhóm người nắm được quyền bính, sẽ hình thành một giai cấp thống trị xã hội ở đó. Tới khi có một biến chuyển lớn làm thay đổi giai cấp thống trị, một giai cấp thống trị mới hình thành.

Trong ý nghĩa đó, xã hội Việt Nam kể từ khi hình thành, có hai biến chuyển lớn, làm thay đổi giai cấp thống trị xã hội.

Giai cấp sĩ phu cai trị xã hội Việt Nam từ cả ngàn năm trước, đến khi Pháp cai trị nước ta thì lại hình thành một giai cấp thống trị mới. Giai cấp mới nầy quan hệ hay “nương tựa” không ít trên sức mạnh của Thực Dân Pháp, cũng như sức mạnh của đạo Thiên Chúa, – nhờ có công với Thực Dân Pháp mà được mạnh lên -. Giai cấp thống trị mới, so với chiều dài lịch sử, không đưọc bao lâu, bởi vì sau khi Cộng Sản cai trị một nửa nước Việt Nam năm 1954, và cai trị toàn cõi Việt Nam năm 1975, thì giai cấp nầy hoàn toàn bị đánh đổ. Ở trong nước, họ bị vô sản hóa theo giai cấp mới. Ở hải ngoại, những người chạy trốn nầy đang tập hợp và mưu đồ một sự giành giật mới với giai cấp đang thống trị ở trong nước, nếu như có cơ hội và nếu
họ có khả năng làm được.

Ở trong nước, giai cấp thống trị bây giờ, nói theo sách vở là giai cấp vô sản, nói theo thực tế là đảng viên đảng Cộng Sản. Ba triệu đảng viên Cộng Sản Việt Nam là giai cấp thống trị xã hội Việt Nam hiện nay với 90 triệu dân chúng,. Ấy là chưa kể, những phần tử theo đuôi Cọng Sản. Việc cấu kết giữa hai thành phần: giai cấp vô sản và những thành phần theo đuôi, căn bản cũng vì sự chia chác quyền lợi.

Theo cách phân chia như thế, nước ta có ba giai cấp thống trị khác nhau của bà thời kỳ:

1)-Từ khi lập quốc đến khi người Pháp áp đặt đô hộ là thời kỳ 1. Gọi tắt là giai cấp thống trị thời kỳ 1 (GCTTTK 1)
2)-Từ khi Pháp xâm lược đến khi Cộng Sản cai trị toàn bộ đất nước là thời kỳ 2. Gọi tắt là giai cấp thống trị thời kỳ 2. (GCTTTK 2)
3)-Tình trạng trong nước bây giờ là thời kỳ 3. Gọi tắt là giai cấp thống trị thời kỳ 3. (GCTTTK 3).

♣ ♣ ♣

(1)-Sự hình thành quốc gia của người Việt Nam
Sự hình thành quốc gia Việt Nam bắt đầu từ lúc nào?
Theo truyền thuyết thì nước ta có từ thời họ Hồng Bàng. “Họ Hồng Bàng làm vua ở nước ta…” là câu viết theo dã sử cũng như trong chính sử, nhưng xác định lại thời kỳ và lãnh địa nước ta lúc ấy thì nhiều sử gia không khỏi lúng túng. (3)

Ngay như nhà Triệu của Triệu Đà, các sử gia cũng chưa đồng ý với nhau, có nên coi Triệu Đà là vua của nước ta hay không?

Lãnh thổ của Triệu Đà là ở bên Tàu, vùng Hoa Nam, còn như nói tới “nước ta” thì nhiều người cho rằng đó là vùng đất thuộc lưu vực sông Nhị Hà.

Như vậy thì Thục Phán là vua nước ta thật, bởi vì Thục Phán đóng đô ở Cổ Loa (làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên), và nước Âu Lạc của Thục Phán bị Triệu Đà xâm chiếm bằng cái mưu không ấy cao thượng, là cho con là Trọng Thủy, làm giả chồng của Mỵ Châu mà ăn cắp cái nõ thần. Thục Phán mất nước vào năm 208 trước Công Nguyên. Triệu Đà thì bị nhà Hán chiếm mất nước vào năm 111 trước TL.

Vậy thì “Một ngàn năm Bắc thuộc” kể từ năm nào? Thông thường các nhà viết sử chỉ tính vào năm 111 Tr. TL, ít ai tính vào năm 208 Tr TL là năm Triệu Đà đánh lấy Âu Lạc.

Sách sử Tầu cũng như ta đều có nói rõ về những cái mốc lịch sử nầy.

Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, “nước ta” được cai trị theo chế độ phong kiến của Tầu, tức là các “thủ lãnh” mỗi địa phương được “Phong tước và kiến địa”, gọi tắt là “Phong kiến”. Theo sử, thời kỳ ấy nước ta có các “Lạc hầu” và “Lạc tướng”.

Các cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, Bà Triệu là chống Tàu, trong chế độ phong kiến của nó. Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa sau đó, như cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn đã có ý thức thành lập quốc gia. Sách “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trong Kim, cuốn 1, trang 53 viết: Năm Giáp-tí, (544), đời nhà Lương ben Tầu, ông Lý Bôn tự xưng là Nam-Việt-Đế, đặt quốc hiệu là Vân Xuân…” (tg tự in đậm và gạch ở dưới).

Cũng sách nói trên, ở Chương 1, phần Nhà Ngô (939-965), về “Tiền Ngô Vượng, (939-965) (tức Ngô Quyền- tg), viết: “Năm Kỷ-hợi (939), Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (thuộc huyện Đông Anh. tỉnh Phúc-yên,), Ngô-vương đặt quan-chức, chế triều-nghi, định phục-sắc và chỉnh đốn việc chính-trị trong nước, chỉ muốn dựng nghiệp lâu dài…”

Công việc của Ngô Quyền là công việc xây dựng một nước (quốc gia), của một “vương” (vua), không phải là công việc của một “tiết độ sứ” là chức quan thay mặt cho vua Tầu.

Sau đó, công việc xây dựng một nước của Đinh Tiên Hoàng được Trần Trọng Kim mô tả như sau:

Năm mậu-thân (968), Vạn-thắng-vương (tức Ngô quyền- tg), lên ngôi Hoàng-đế, tức là Tiên-hoàng-đế, đặt quốc-hiệu là “Đại-Cồ-Việt” (tg in đậm và gạch dưới), đóng đô ở Hoa-lư. Tiên-hoàng xây cung điện, chế triều-nghi, định phẩm-hàm quan văn quan võ…”

Nhìn chung, công việc của các nhà chính trị nói trên là nhằm thành lập một quốc gia, tách rời khỏi nước Tầu. Vì thế, sau khi đánh tan quân Nam Hán, giết thái tử Hoàng Tháo của Tầu, năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, sử gọi là “Thời kỳ tự chủ”, chấm dứt “Một ngàn năm Bắc thuộc”.

Nhân đây, cũng xin nói lại một điều. Kể từ thời kỳ tự chủ như nói ở trên, nước ta là một nước theo chế độ “Quân chủ chuyên chế”, tức là có vua. Vua thay trời trị dân bằng một chế độ cai trị độc đoán. Đất nước được chia thành tỉnh, thành “thừa tuyên”, không có khi nào cắt đất phong vương cho một ai để có một chế độ cai trị riêng, thu thuế riêng, quân đội riêng, lãnh thổ riêng, như các chế độ phong kiến bên Tây hay bên Tầu, ngoại trừ ông Trần Hưng Đạo vì có công lớn, được phong vương (Hưng đạo vương), và phong ấp. Sự việc đó chỉ xảy ra vào đời ông Trần Hưng Đạo mà thôi.

Các nhà viết sử, nhất là sử gia Việt Cộng, cứ bắt chước người Tầu gọi chế độ vua chúa của ta ngày xưa là chế độ phong kiến. Gọi như thế chỉ đúng với Tầu mà không đúng với ta. Nước ta chỉ có “chế độ quân chủ” (chuyên chế), nhưng không có “chế độ phong kiến”. Xin nói lại cho đúng như vậy.

2)-Giai cấp thống trị thời quân chủ
a)-Hàng quan lại.
Suốt trong thời kỳ chế độ quân chủ, vua đóng đô ở kinh thành, có một số quan lại “giúp vua trị nước”.

Về hàng quan lại nầy, có hai thành phần: Tại trung ương (triều đình) và địa phương (tỉnh, huyện phủ châu…). Sách “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương” của Đào Duy Anh viết như sau:

“Các quan tại triều là những người giúp đỡ vua mà đảm đương quốc chính. Các quan ngoại chức (Tỉnh, phủ, huyện, châu) là những người vâng mệnh thay mặt vua để cai trị nhân dân. Bởi thế, các quan cũng như vua, người dân thường gọi là cha mẹ dân. So với dân, các quan là một hạng người có đặc quyền xứng đáng với tư cách “dân chi phụ mẫu”…

Việc tuyển chọn các quan lại nầy như thế nào?

Có hai hạng. Hạng thứ nhất gọi là “thế tập”, danh từ thông tục là “tập ấm”. Cũng sách đã dẫn, cho biết:

“Xét phương pháp dụng nhân của lịch triều thì là thấy đồng thời vẫn có hai đường: một là theo thế tập, hai là theo nhân tài. Các triều Lý, Trần, Lê vẫn có lệ thừa ấm, hễ con các quan thì được bổ làm quan. Ở triều Lê lại có khoa nhiệm tử, cốt lấy con các quan mà bổ dụng. Triều Nguyễn cũng có lệ tập ấm, phàm quan chánh nhất phẩm thì con được tập ấm theo, hàm tùng lục thì gọi là ấm thọ, đó là bực cao nhứt; còn bậc thấp nhất thì các quan hàm tùng ngũ được một người con tập ấm, gọi là ấm sinh.

“Tuy nhiên, phép thế tập ở nước ta không giống như phép thế tập của quí tộc các nước châu Âu vì lệ tập ấm chỉ hưởng được một hai đời, mà lệ tập tước thì tước cao nhất cũng tập được bốn đời là cùng. Bởi vậy cho nên ở nước ta tuy có phép thế tập mà vẫn không thành một giai cấp quí tộc có đặc quyền như ở châu Âu.

Hạng thứ hai là qua thi cử. Đối với các triều đại, vai trò của quan chủ khảo là rất quan trọng. Theo lệ thi, các quan chủ khảo đến các trường thi tuyển chọn nhân tài cho vua, để “giúp vua trị nước”. Không có nhân tài, vua trị nước thế nào được?! Nhân tài là ở trong dân chúng, trong hàng sĩ tử (người có học). Đến mỗi địa phương, nhờ thi cử mà quan chánh chủ khảo tìm ra nhân tài. (4)

Trong ý nghĩa đó, việc “lều chõng” ở nước ta, thời quân chủ chuyên chế là rất quan trọng.

Về việc nầy, cũng sách của Đào Duy Anh viết như sau:

“Cách chọn nhân tài thì mỗi đời mỗi khác. Ngoài chế độ khoa cử, đặt từ triều Lý thì các triều Lý, Lê lại có phép tiến cử và phép bảo cử, phàm các quan to, ai cũng phải cử một người có tài đức hoặc người có danh vọng để Triều đình bổ dụng. Đời Lê có khoa sĩ vọng để chọn lấy những người danh sĩ, khoa Hoành từ để chọn lấy những người di dật, và lệ Tứ trọng mỗi năm bốn lần khảo nho sinh để kén chọn nhân tài. Phép thuyên tuyển như vậy cũng có thể gọi là rộng rãi thực. Ở các triều trước lại còn có lệ khảo khóa xét xem chính tích các quan xấu tốt thế nào để thăng thưởng cho những người giỏi.”

“Năm 1075, vua Lý Nhân-tôn lại mở khoa thi tam trường để lấy người nho học bổ ra làm quan, tức là khoa thi đầu tiên ở nước ta.”
(VNVHSC – Đào Duy Anh/ tr. 235)

Sĩ tử, nói chung là người có học. Học cái gì để trở thành người tài “giúp vua trị nước?

Dĩ nhiên là học về Nho, Lão và Phật, thường gọi là “Tam Giáo”, nhưng quan trọng nhất là Nho học vì Nho học là một “tôn giáo” nhập thế. Trong tình trạng đó, Nho và Phật, tùy theo các triều đại mà có những lúc hưng suy khác nhau.

Lúc đầu, vì ông Lý Công Uẩn xuất thân từ chốn Thiền môn mà lên làm vua nên đạo Phật thời kỳ ấy khá mạnh. Đời Trần, nhiều ông vua nhường ngôi cho con, lên làm Thái thượng hoàng để đi tu theo đạo Phật, nhất là Thái thượng hoàng Trần Nhân Tôn, tu hành và lập ra môn phái Trúc Lâm Thiền Tông ở nước ta.

Trong tình hình đó, có lúc sĩ tử đi thi phải thi cả ba môn Nho-Phật-Lão, sử gọi là “Thi Tam giáo”, đời Lý-Trần.

Tuy đạo Phật có mạnh nhưng “Đồng thời với Phật học, đời Lý, Trần nho học cũng thịnh hành. Vua Lý Thánh-tôn (1054-1072) lập văn miếu và đúc tượng Chu công, Khổng tử và thất thập nhị hiền để thờ. Ở nước ta, triều chính bắt đầu tôn Khổng là từ đó.” (Sđd)
“Theo sách của Văn chiếu thiền sư và Trần Thái-tôn thì thấy Phật học bấy giờ có tinh thần điều hòa tam giáo như Viên chiếu nói về Phật và Khổng có câu rằng: “Trú tắc minh ô chiếu, dạ lai ngọc thố minh.” (Ngày thì mặt trời soi, đêm thì mặt trăng chiếu); sách Khóa hư thì chỗ nào cũng dẫn ba lời nói của Khổng tử, Lão tử và Phật mà đối chiếu.” (Sđđ).

Cái tinh thần điều hòa tam giáo nói trên làm cho cả ba tôn giáo cùng tồn tại và cùng phát triển, nên sử gọi là “Tam giáo đồng nguyên”.

Ngoài tính cách hòa hợp là tâm lý của người Việt Nam, nguyên lý căn bản của ba tôn giáo đó cũng không có tinh thần độc tôn. Vì vậy nên không có việc tôn giáo nầy muốn chống lại và triệt tiêu tôn giáo kia.
Nó khác với tính chất của đạo Thiên Chúa. Đạo Thiên Chúa khi du nhập vào nước ta thì tạo ra nhiều mâu thuẫn, xung khắc, kỳ thị vì điều quan trọng nhất của đạo Thiên Chúa là không chấp nhận sự tồn tại và song hành của bất cứ một tôn giáo nào khác, một tín ngưỡng nào khác, ngay cả việc thờ cúng tổ tiên, mà thường gọi là “đạo ông bà”.

Nhìn chung, trong lịch sử nước ta, sự xung khắc tôn giáo chỉ có từ khi đạo Thiên Chúa được truyền bá vào Việt Nam, nhất là sau khi người Pháp cai trị nước ta. Sức mạnh xâm lăng của Pháp là chỗ dựa cua đạo Thiên Chúa vì nhiều lý do khác nhau, mà quan trọng nhất là chính các giáo sĩ đạo Gia Tô đã giúp cho người Pháp khá nhiều trong công việc người Pháp đặt nền đô hộ ở đây.

Ở các trường học của tổ tiên chúng ta ngày xưa, mục đích của sự giáo dục là rèn luyện nhân cách (đức dục) và sự hiểu biết, khôn ngoan (trí dục). Trong đó, người đi học phải rèn luyện cho đạt được đức nhân, tức là trở nên người quân tử, “nhân cách mô phạm của đạo Nho là người quân tử.”

Vua là Thiên tử (con vua), thay trời trị dân. Người giúp vua trị dân là con vua (quân tử).

Quân tử là người như thế nào?

Nguyên quân tử chỉ là những người ở địa vị thống trị, song theo Khổng giáo thì chỉ người nào có đức mới trị được người, cho nên đồng thời quân tử cũng chỉ là người có đức. Khổng tử nói: “Người quân tử bất nhân thì có được không? Chưa hề thấy kẻ tiểu nhân mà có nhân bao giờ.” Mạnh tử thì nói: “Không có quân tử thì không có ai trị dân quê, không có dân quê thì không ai nuôi quân tử.” Cứ hai câu ấy thì ta có thể chắc rằng chữ “quân tử” chỉ cả địa vị và đạo đức của người ta mà nói.
(VNVHSC – Đào Duy Anh/ tr.242)

Nói chung, ở triều đình hay ở địa phương, người giúp vua trị dân là hàng quan lại. “…quan lại tuy không phải là một giai cấp quí tộc mà cũng là một hạng người cao quí được thiên hạ tôn kính và thèm thuồng. Bởi thế người nào cho con đi học cũng hy vọng cho nó được làm quan, mà đứa trẻ đương để trái đào mới cắp sách đi học cũng đã hoài bảo một ông quan ở trong mộng tưởng.”
(VNVHSC – Đào Duy Anh/ Tr. 150)

b)-Giai cấp bị trị: Nông dân
Thứ hai là giai cấp bị trị, chín mươi phần trăm là nông dân. Dân quê sống trong mỗi làng. “Dân làng thường chia làm hai hạng: nội tịch và ngoại tịch. Chỉ dân nội tịch mới có các quyền lợi dân đinh ở trong làng, có thể gánh vác việc công và được chia công điền, công thổ. Hạng nầy gồm những văn thân, chức sắc, hào mục, những người địa chủ giàu, cùng những người trước giàu mà bây giờ suy. Còn hạng dân ngoại tịch, cũng gọi là dân lậu, thì gồm những người bần cùng, và những người ngụ cư (khách tịch).

“Hạng nội tịch trong làng lại chia ra làm nhiều bực, có quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau:

“Bực thứ nhất là chức sắc, là những người khoa mục, chức tước, văn thì đậu tú tài hay có hàm cửu phẩm trở lên, võ thì đậu cử nhân hay có hàm suất đội trở lên.

“Bực thứ hai là những tân, cựu chánh phó tổng, chánh phó lý và hương trưởng, khán chủ, trương tuần và các người có tiền bỏ ra mua nhiêu, mua xã.
Bực thứ ba là các thí sinh, khóa sinh hoặc người trúng khảo, trúng hạch ở những làng hiếm kẻ văn học.

Ba bực ấy họp lại thành một đoàn gọi là hội tư văn hay là quan viên, song phải làm đủ lệ khao vọng, nghĩa là làm lễ tế thần và dọn tiệc đãi làng thì mới được dự vào ngôi thứ ấy.

Bực thứ tư là lão hạng, gồm những người từ 50 hay 55 tuổi trở lên. Lão hạng cũng có lệ khao vọng. Trong lão hạng từ 60 tuổi trở lên được miễn trừ sưu dịch, gọi là lão nhiêu, hoặc là bô lão. Già hơn nữa thì được vào hạng tứ trụ, gồm cụ cả, cụ hai, cụ ba, cụ tư. Lên hạng tứ trụ cũng phải vọng một lần, rồi đến khi lên ngôi cụ cả lại phải vọng một lần nữa.

Bực thứ năm là dân dinh, gồm những người từ 18 tuổi trở lên đến 49 tuổi. Người ở bực nầy phải gánh vác sưu dịch và hết thảy những việc nặng nề trong làng.

Bực thứ sáu là hạng ti ấu, từ 6, 7 tuổi đến 17 tuổi. Hạng nầy phải vọng ngôi hương ẩm rồi thì mới được dự đến việc hàng phe hàng giáp.
(VNVHSC Đào Duy Anh tr. 125/126).

Trong chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa, còn một hạng dân nữa, thấp nhất, gọi là nô-tì. Đã lâu, chế độ nô tì không còn. (5)

c)-Phân biệt giai cấp
Xem ra, nói theo cách thông tục, xã hội ta ngày xưa có hai giai cấp: Thống trị và bị trị. Nói theo Nho giáo, kẻ thống trị phải là người quân tử, nói theo tình hình xã hội ta ngày xưa, đó là hàng quan lại. Giai cấp bị thống trị phần đông là nông dân. Trong mỗi giai cấp nầy, quan lại cũng như nông dân, không có sự phân chia rõ rệt và lâu dài.

Ngay giữa hai giai cấp thống trị và bị trị, cũng không có sự phân biệt, cách biệt nào khắt khe và bền lâu. Vua sai quan tuyển chọn người giúp vua trị nước, tức là đưa người tuyển chọn ấy vào hàng quan lại, tức giai cấp thống trị, thì người được tuyển chọn ấy cũng từ trong dân chúng, trong nông dân mà ra. Còn như khi một người xin cáo quan, tức là ra khỏi giai cấp thống trị, thì người ấy cũng trở về với dân chúng. Khi trở về, họ có thể làm ruộng, nếu muốn thì mở trường dạy học, làm nghề dạy học (làm thầy đồ), thầy tướng số, thầy thuốc (ngành y), bốc thuốc-trị bệnh, v.v… Vì vậy, người xưa có nói: “Tiến vi quan, thối vi sư” hay “thối vi dân”, có nghĩa rằng tiến lên thì làm quan, rút lui thì làm thầy (giáo) hay làm dân, làm ruộng.
Sự tiến thối đó dễ dàng, không có luật lệ ngăn cấm. Điều nầy rất thường thấy trong chế độ xưa. Nổi tiếng trong số nầy có Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình), Lê Quí Đôn, La Sơn Phu tử (Nguyễn Thiếp)…

Về sự phân biệt giai cấp thời quân chủ, sách VNVHSC của Đào Duy Anh viết:

“…cho nên người ta có thể nói rằng xã hội cũ chỉ có hai bậc người: trên là bực sĩ tức quí phái, dưới là bực thường dân, chứ ở giữa không có bực trung lưu như ở xã hội hiện đại các nước Tay phương.

Nhưng bực quí phái ấy không phải là một giai cấp cố định, vì chế độ khoa cử mở rộng cửa cho tất cả mọi người, con quan cũng như dân, nếu có học thức tương đương thì đều được gia nhập giai cấp thứ nhất. Lại thêm chê độ gia tộc làm cho bốn bực người (sĩ nông, công thương, – tg) tiếp cận nhau luôn, vì con cái môt nhà có khi chia nhau mỗi người ở vào một bực sĩ, nông, công, cổ (tức là thương – tg)
(trang 335)

Do đó, sự phân chia giai cấp, không khắt khe và quyết liệt như ở xã hội Tây hoặc Tầu.

Xã hội ta xưa thường được phân làm bốn hạng (hạng chứ không phải giai cấp), gọi là Sĩ, Nông, Công, Thương. Sĩ là người có học, có thể ra làm quan, làm thầy… Thứ hai là làm ruộng (nông), thứ ba là người làm nghề (thợ mộc, thợ rèn…) hạng chót là buôn bán.

Sĩ tuy cao hơn nông (“Nhứt sĩ nhì nông”), nhưng nông nghiệp là kinh tế chính của nước ta, nên ca dao nói ngược lại: “Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.

Bởi vì mục đích giáo dục cao thượng, đào tạo người đi học thành “bậc quân tử”, dù có người đạt được, dù có người không, nhưng quân tử là cái mục tiêu nhắm tới của giới sĩ tử, nên xã hội ta ngày xưa, khi không có chiến tranh, ngoại xâm hay nội chiến, không có thiên tai địch họa, đất nước thanh bình, có sự hòa hợp giữa kẻ bị trị và thống trị, không giống như giai cấp thống trị thời kỳ thứ hai, là thời kỳ kể từ khi người Pháp xâm lăng nước ta cho đến lúc Cộng Sản cai trị toàn cõi Việt Nam.

3)-Giai cấp thống trị thời Pháp thuộc.
a)-Tầng lớp mới
Ngay khi Pháp xâm lăng nước ta, một giai cấp mới bắt đầu hình thành. Dần dần, giai cấp nầy loại trừ tầng lớp sĩ phu, quan lại của giai cấp cũ, hợp tác với Thực dân Pháp, cai trị nước ta. Những người đó, dân chúng thường gọi họ là “theo Tây”.

Tùy theo tình hình xâm chiếm lãnh thổ, khi Pháp chiếm đất Nam phần, nhiều người ra làm thông ngôn, làm quan cho Tây, để được Tây trả ơn bằng cách cho nhiều quyền lợi và quan chức. Tiêu biểu thành phần nầy ở Nam Kỳ lúc đó là Huyện Sĩ, Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương), Tôn Thọ Tường, Trần Tử Ca, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Diệp Văn Cương…

Về thành phần nầy, VNVHSC, sách Đd, trang 331 viết như sau:

“Mà thực ra, những hạng người ấy, học võ vẽ được ít nhiều tiếng Pháp, có thể làm “thông ngôn” được, là được chính phủ Pháp tin dùng và cất nhắc lên những địa vị cao quí, phần nhiều là kẻ bất lương, là bọn tiểu nhân đắc chí, cho nên thấy vậy, sĩ phu và nhân dân lại càng thêm kỳ thị âu hóa thêm.

Khi Pháp xâm lăng Bắc Kỳ, rồi đến Huế, tầng lớp nầy phát triển theo bước chân xâm lăng của Pháp. Tiêu biểu cho thành phần này ở Huế là Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả.

Thuở ban đầu, những người như Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả được đào tạo ở Mã Lai, trong dòng tu đạo Thiên Chúa, mục đích của các ông cha cố là đào tạo linh mục người bản xứ. Nhưng vì những lý do nào đó, (người theo đạo Thiên Chúa cho rằng không được ơn kêu gọi của Chúa Giê-Su), những người nầy không làm linh mục, lại ra làm thông ngôn cho Tây. Một là vì quyền lợi cá nhân, như một nghề sinh nhai, hai là được Tây ban thưởng chức quyền.

Phần đông, những người nầy bị liệt vào thành phần “chống vua”, “phản dân tộc”, “thời Việt Minh”, họ bị dân chúng gọi là “Việt gian”.

Do nhu cầu cai trị, cần người thông ngôn, Thực dân Pháp mở trường thông ngôn, để đào tạo “cán bộ” riêng cho họ, mà không có sự tiếp tay của các Dòng tu La Mã, nên nhiều người xuất thân ở các trường thông ngôn nầy, không phải là tín đồ đạo Thiên Chúa. Có thể họ là người “lương” (lương dân), hoạc tín đồ đạo Phật, như trường hợp các ông Diệp Văn Cương, Thái Văn Toản. Tuy nhiên, dù trong trường hợp nầy, họ cũng là người “theo Tây”, theo cách gọi thông thường của dân chúng.

b)-Tầng lớp “xoay chiều”
(Gió chiều nào, xoay chiều ấy – tục ngữ)
Một lớp người khác, xuất thân là giới sĩ phu, quan lại của triều đình, nhưng khi người Pháp bắt đầu đặt nền đô hộ, họ “quay lưng lại với vua”, “quay lưng lại với Nam Triều” (triều đình nước An-Nam), để hợp tác với Pháp. Tiêu biểu cho tầng lớp nầy là các quan lại như Tôn Thọ Tường (ở Nam), Hoàng Cao Khải (ở Bắc), Nguyện Thân, Trương Như Cương (ở Trung).

Một số quan lại khác, ban đầu là quan lại triều đình, làm quan hay cầm quân đánh Pháp, nhưng sau khi Triều đình Huế ký hòa ước với Pháp, chịu nhận sự đô hộ, thì hàng quan lại nầy vẫn làm quan với triều đình, nhưng hợp tác với Pháp trong việc cai trị. Tiêu biểu là Hoàng Kế Viêm, Trương Quang Đản, Phan Đình Bính, v.v…

Thành phần nầy, phần đông là quan lại ở các tỉnh, như Tổng đốc, Tuần vũ, Tri phủ, Tri huyện, Tri châu … Một ít người trong số họ là tín đồ đạo Thiên Chúa.

b)- Tầng lớp “Tây học”
Đầu thế kỷ 20, sau khi Nhật thắng Tầu (1895) rồi thắng Nga (1905) ở eo biển Đối-Mã, người Việt Nam thức tỉnh, thấy cần phải canh tân nước nhà, theo gương Minh Trị Thiên Hoàng bên Nhựt Bản, để nước nhà giàu mạnh lên, mới mong gỡ bỏ được vòng nô lệ. Từ đó, “Phong Trào Duy Tân”, “Phong Trào Đông Du” nổi dậy mạnh mẽ.

Ngoài việc đưa du học sinh sang học ở Nhât Bản, việc học hành ở trong nước cũng được chỉnh sửa cho kịp với thời đại mới. Ông Vĩnh San lên nối ngôi cha lấy niên hiệu Duy Tân (Theo mới). Duy Tân là ở trong ý nghĩa đó. Trong triều đình thì có sự lưu tâm của nhà vua (Thành Thái, Duy Tân) các quan lại tại triều, dân chúng có nhiều “hội duy tân”, khuyến khích con em theo học các chương trình giáo dục mới. Đông Kinh Nghĩa Thục (ở Hà Nội), trường Dục Thanh (ở Phan Thiết) được thành lập cũng trong ý nghĩa nầy.

Bấy giờ nhiều người theo học ở các “trường mới” như vừa nói hay theo học các “trường Dòng”, “trường Bảo hộ”, “trường Tây” mà không còn phải lén lút như trước vì sợ bị dân chúng chê là “theo Tây”. “Học chữ Quốc ngữ”, “học chữ Tây” là “theo Tây” như quan điểm chung của dân chúng hồi cuối thế kỷ 19.

Trong viễn tượng đó, một tầng lớp “Tây học” được hình thành. Không ít người tốt nghiệp ở các trường phổ thông (tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học), một số tốt nghiệp ở các ngành chuyên môn như khoa học, y dược, luật khoa, sư phạm, mỹ thuật, v.v…Có người tốt nghiệp ở bên Tây.

Ngoại trừ những người tốt nghiệp ở các ngành y-dược, kỹ thuật, khoa học, phần đông nếu học ngành phổ thông thì làm quan với Tây, như thông sự, phán sự hay thư ký, hoặc đăng lính Khố Xanh, Khố Đỏ. Ở Bắc Việt và Trung Việt, cấp bậc cao nhứt của người Việt Nam đi lính cho Tây là “quan quản” (thượng sĩ). Còn phần đông là “thầy Đội” (trung sĩ). Đông nhứt là binh lính. Chỉ có một số ít, sau khi Pháp đầu hàng Đức, người Việt Nam đi lính cho Tây mới được lên hàng sĩ quan: “quan một, quan hai” (thiếu úy, trung úy). Làm “công chức” hồi đó, phần đông “ăn lương” theo ngạch Bảo hộ (ngạch cai trị của Tây), hàng quan lại ăn lương ngạch Nam triều.

Trong thực tế, hàng quan lại triều đình ở trung ương cũng như địa phương như cái bóng mờ trong việc cai trị, hay chỉ làm tay sai cho các Công sứ, là viên quan cai trị người Pháp ở một tỉnh. (6)

Bên cạnh đó, việc giao thông được mở rộng, hầm mỏ được khai thác, vài hàng xưởng nhỏ hình thành, nghề buôn cũng phát triển. Một tầng lớp mới trong các ngành nghề nầy trở nên giàu có.

Tất cả các tầng lớp mới nầy họp chung lại thành một giai cấp mới thời Pháp thuộc. Vì quyền lợi, họ cấu kết với nhau, với bọn quan Tây cai trị, và với cả các thành phần trong giáo hội Thiên Chúa La Mã để cai trị dân chúng Việt Nam, mà phần đông cũng là dân quê, sống bằng nghề canh nông.

Sự hình thành giai cấp thống trị thời Pháp thuộc, là, theo tư tưởng của Weber, là nhóm người có “cơ may sống” giống nhau, được xác định bởi vị trí kinh tế trong xã hội, những sản phẩm mà họ sở hữu và những cơ hội đối với thu nhập của họ. Theo xã hội học hiện đại, đó là tất cả những gì thuộc về tài sản, của cải. (7)

Mặc dù có sự cấu kết giữa các tầng lớp trong giai cấp nầy để bảo vệ quyền lợi và địa vị, dưới thế lực của Tây và các cha cố đạo Thiên Chúa, trong dân chúng, không phải là không có những người yêu nước, chống Pháp, giành độc lập.
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tinh thần chống Pháp rất mạnh mẽ và cương quyết trong giới sĩ phu. Ngay lúc đó cũng có các “hội kín” chống Tây, nhiều người liên kết với nhau, thành lập các hội như “Duy Tân hội”, những người ủng hộ và theo “Phong trào Dông Du”, nhiều người đỗ đạt nhưng không chịu ra làm quan với Pháp, các phong trào Chống thuế, Đám tang cụ Phan Chu Trinh, không đi lính cho Tây trong Thế giới Chiến tranh thứ Nhứt… Độc giả có thể đọc thêm sách “Lịch sử Việt Nam” của ông Trần Gia Phụng để biết rõ hơn.

Từ cuối thập niên 1920 về sau, các hoạt động yêu nước chống Tây xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở Hà Nội và một số tỉnh lớn phía Bắc, ở Huế và Quảng Nam, hoặc ở Saigon.

Các tổ chức chống Pháp nầy chịu ảnh hưởng Tây phương nhiều hơn, tức là hoạt động theo “đảng” như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Tân Việt Cách Mạng Đảng, Cộng Sản Đảng, v.v… Mục đích của tất cả các đảng nầy là chống Pháp, dân chúng thường gọi chung là “Đảng Cách Mạng”. Những người hoạt động trong các đảng nầy gọi là “người làm cách mạng”. Mặc dù dân chúng có cái nhìn chung như thế, nhưng trong thực tế, các “đảng Quốc gia” như Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Dân Chính… thì phát triển trong tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Tuy tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng Sản là thuộc hàng tiểu tư sản, nhưng họ hoạt động theo sách lược của đảng, lấy công nhân (vô sản) làm lực lượng chính, nên nhiều nông
dân, công nhân, đặc biệt là công nhân xe lửa, được tuyên truyền tham gia đảng Cộng Sản.

Sau khi quân đội Nhựt vào Đông Dương, một số tôn giáo, cá nhân hoạt động chống Tây có khuynh hướng “thân Nhựt”. Đó là trường hợp đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo ở Nam phần.

Cao Đài hay Phật giáo Hòa Hảo là tiếp nối công trình yêu nước của một số người yêu nước hồi đầu thế kỷ ở Nam Phần.

Nhờ là “đất Nam Kỳ thuộc địa”, một số người Việt học hành ở Saigon và các thành phố lớn ở trong Nam, hoặc du học Pháp. Tuy được đào tạo ở nhà trường thực dân, nhưng không ít người trong số họ là người yêu nước, chống Tây.

Trong bài viết về ông Ngô Đình Nhu, tôi có nhắc lại anh em ông Ngô Đình chê bên nội bà Trần Lệ Xuân là không “môn đăng hộ đối”.

Tuy nhiên, “vợ ông Trần Văn Thông là em gái ông Bùi Quang Chiêu. Ông Bùi Quang Chiêu là kỹ sư, là người từng đòi Pháp phải trả độc lập cho Việt Nam. Bạn cùng chí hướng với kỹ sư Bùi Quang Chiêu có luật sư Dương Văn Giáo, nhà báo Diệp Văn Kỳ, cựu thủ tướng Nguyễn Phan Long, bác sĩ Trần Như Lân, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh. Ông là lãnh tụ “đảng Lập Hiến”. Họ vừa giỏi, vừa có lòng yêu nước sâu sắc, mạnh mẽ. Phần đông họ bị Việt Minh (đám Trần Văn Giàu) ám sát hoặc thủ tiêu trong thời kỳ “Nam Bộ Kháng Chiến”.

Cùng hoạt động yêu nước với nhóm “Tây học” nầy, còn có các lực lượng quân sự hình thành thời Nhựt và thời gian sau đó. Đó là lực lượng quân sự Cao Đài, Dân Xã Đảng (Hòa Hảo). Ban đầu, họ tham gia Nam Bộ Kháng Chiến, chống lại Tây xâm lược nước ta lần thứ hai. Vì họ không chịu làm tay sai cho Cộng Sản nên bị Cộng Sản đánh phá dữ dội, khiến họ phải hợp tác với Tây, dưới “ngọn cờ Quốc Gia” của Quốc Trưởng Bảo Đại.
Tuy nhiên, lực lượng Cao Đài Liên Minh của tướng Trình Minh Thế rút về cố thủ ở núi Bà Đen, vừa chống Việt Minh vừa chống Tây. Sau năm 1954, lực lượng nầy về hợp tác với ông Ngô Đình Diệm và bị… tan rã.

Tất cả các “lực lượng quân sự giáo phái” và Bình Xuyên đều hoàn toàn tan rã vì hợp tác với chính quyền bấy giờ (Ngô Đình Diệm) hay bị đánh dẹp hoàn toàn (8).

c)-Lịch sử sang trang (1945)
Sau khi Nhựt đầu hàng Đồng Minh, Việt Minh cướp chính quyền, sự phân hóa trong giai cấp thống trị thời Pháp thuộc càng lúc càng mở rộng, xung khắc và mâu thuẫn càng ngày càng sâu sắc, khốc liệt và kết quả là Cộng Sản toàn thắng ở Việt Nam.

Việt Minh cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945, thành lập chính phủ mới. Vua Bảo Đại thoái vị, phần đông dân chúng Việt Nam ủng hộ Việt Minh chống Pháp giành độc lập. Bấy giờ, một số người biết Việt Minh chỉ là cái bình phong che dấu của Cộng Sản Việt Nam, thì sự phân hóa dân tộc bắt đầu từ đấy.

Ban đầu là những người có quyền lợi liên quan đến chế độ Thực Dân Pháp, nhờ Pháp mà họ giàu có và có địa vị. Nay Pháp không còn thì cái địa vị ấy, cũng như quyền lợi ấy sẽ bị mất đi. Phần đông, những người nầy là các quan chức từng phục vụ cho chế độ Bảo hộ hay Nam triều. Bên cạnh đó là một số người có đạo Thiên Chúa, nhất là hàng tu sĩ người Việt, và đặc biệt là các linh mục người Tây dương.

Tuy nhiên, vì tinh thần độc lập Dân tộc, vì ý thức Quốc gia, vì muốn chống lại ách cai trị tàn ác của Thực Dân Pháp, không ít người trong số nầy cũng hy sinh quyền lợi của mình cho Dân tộc, tham gia Việt Minh chống Pháp…

Thứ hai là các đảng phái Quốc Gia.
Ngay từ khi mới thành lập, các đảng phái Quốc Gia đều có tinh thần chống đảng Cộng Sản. Thoạt kỳ thủy, các đảng phái Quốc Gia và Cộng Sản chống nhau không phải vì chủ nghĩa. Bấy giờ, mục tiêu là chống Pháp, giành độc lập, chủ nghĩa không phải vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, ngay lúc bấy giờ, khi chưa nắm chính quyền, Cộng Sản Việt Nam đã chống các đảng phái Quốc gia, bằng tuyên truyền, mua chuộc, dụ dỗ hay ám sát, thủ tiêu.

Đến khi nắm được chính quyền, Việt Minh giành độc quyền cai trị và lãnh đạo đất nước nên cuộc xung đột càng ngày càng gay gắt. Việc bắt cóc, thủ tiêu, ám sát, tù đày càng ngày càng nhiều, càng gắt gao, đưa tới tình trạng một mất một còn.

Sau khi chiến tranh Đông Dương nổ ra vào tháng 12/ năm 1946, nhờ sức mạnh và vũ khí, và có nhiều thủ đoạn tàn ác, gian manh, các đảng phái Quốc Gia bị đánh, bị giết, gần như tan tác, nhiều người phải trốn chạy khỏi quê quán, đất nước của mình.

Trước chính sách đàn áp đó của Việt Minh, các phần tử chống Cộng, bất cứ lý do gì, tập trung với nhau để chống Cộng Sản. Nơi họ ẩn trú tương đối an toàn là vùng Pháp tạm chiếm, được gọi là vùng Quốc Gia. Vua Bảo Đại hồi loan, chính phủ Quốc Gia hình thành. Dân tộc Việt Nam chia thành hai phần đối đầu kịch liệt.

Sau hiệp định Genève 1954, miền Bắc Việt Nam là vùng Cộng Sản cai trị. Nam vĩ tuyến 17 là vùng Quốc gia. Hai năm sau, ông Ngô Đình Diệm thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa.

Thành phần xã hội miền Bắc tương đối đồng nhất: giai cấp vô sản cầm chính quyền. Những người tiểu tư sản, thuở ban đầu theo Việt Minh chống Pháp, nhưng lỡ theo Việt Minh, dần dần biến dạng trong giai cấp vô sản.

d)- Giai cấp vô sản là giai cấp nào?
Thật ra, không như các nước công nghiệp phát triển, Việt Nam là một xã hội nông nghiệp nên không thể có giai cấp vô sản. Công nhân thợ thuyền – giai cấp vô sản theo quan điểm của Marx – ở thành thị ở nước ta là rất ít. Họ chỉ là một thành phần nhỏ. Tình hình ở thôn quê cũng vậy. Những người không có ruộng cày, tá điền, tá canh ở phía Nam đông hơn ở phía Bắc vì miền Nam có nhiều chủ điền.

Ở Bắc Việt, tuy có địa chủ, đất ít dân đông, nhưng thành phần bần nông, cố nông là không đáng kể, bởi vì:

Văn hóa Việt Nam theo chế độ gia tộc, mỗi làng có một ít họ (gia tộc). Các họ thành một làng.

Người đứng đầu một gia tộc, thường gọi là trưởng họ, có trách nhiệm với tất cả những người trong họ của mình. Người trong họ, dưới sự lãnh đạo của trưởng họ, có trách nhiệm với nhau, về nhiều mặt như kinh tế (đời sống no ấm hay đói khổ), học hành (giúp nhau học hành để thi cử, đổ đạt), về hôn nhân (chọn lựa người làm vợ, làm chồng cho con cháu), về tư cách đạo đức (cờ bạc, trộm cắp…). Đời sống vật chất và tinh thần của người trong họ quan hệ chặt chẽ với nhau.

Ý nghĩa đó người ta thấy được trong câu: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, hoặc “Có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời”. Học hành đỗ đạt là làm “Vẻ vang cho dòng họ”. Cũng chính vì cái trách nhiệm đó, nên khi Cao Bá Quát bị xử tử, thì Cao Bá Nhạ cũng phải bị xử tội chết theo, hay như trường hợp Nguyễn Trãi, khi ông bị tội, thì con cháu họ Nguyễn phải bỏ xứ trốn vào viễn châu, ngoại châu để bảo toàn mạng sống. Đó là ý nghĩa của hình phạt “tru di tam tộc”.

Nhiều họ họp thành một làng. Mỗi họ chu toàn bổn phận của mình trong tinh thần máu mũ thân tộc thì tình nghĩa dân chúng trong một họ hay trong một làng giống nhau. Mọi việc đều phải gìn giữ để khỏi bị người “trong họ ngoài làng” chê cười. Vì vậy, trong làng, nếu có ai nghèo khổ, đói ăn, thì người trong họ vì nhiều lý do: thân tộc, tình người, tôn giáo… phải giúp đỡ.

Hầu hết các làng, dù có một nghề nào khác chăng nữa, vì vẫn giữ nông nghiệp để sinh sống. Làm nông nghiệp là nông dân. Nông dân là thành phần nồng cốt của dân tộc ta: Xây dựng đất nước cũng do nông dân. Chống lại quân xâm lược, cũng do nông dân. Giữ gìn làng xã được yên ổn thanh bình, cũng do nông dân. Mở rộng bờ cõi về phương nam trong cuộc Nam Tiến cũng do nông dân.

Nhiều dòng họ lên làm vua cũng từ nông dân mà ra. Đó là trường hợp các vua Lý, vua Trần, vua Nguyễn…

Thông thường, những người dân sống trong làng mà không có ruộng, không được cấp công điền, công thổ là dân ngụ cư, khách tịch.

Nạn đói năm Ất Dậu 1945, với hai triệu người chết đói, nhiều làng có rất nhiều người đói, người chết đói, có làng vì đói quá dân làng bỏ đi cả… Nạn đói tràn lan, rộng khắp, khiến “trong họ ngoài làng” không ai còn có thể giúp đỡ được ai.

Tình hình đó biến làng quê thành chỗ đất mầu mỡ để Cộng Sản tuyên truyền, xây dựng đảng của họ. Trước tình cảnh đói khổ, phần đông dân chúng được tuyên truyền chống Pháp giành độc lập, được “giác ngộ giai cấp”, “đấu tranh giai cấp”, “hận thù giai cấp” chỉ còn có một con đường: “Theo “cách mạng” thì sống, không theo thì chết”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, một mặt thì người Pháp trở lại xâm lăng, một mặt thì Cộng Sản độc quyền cai trị, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, xã hội nông thôn Việt Nam dần dần tan rã, phân hóa, thay đổi theo chánh sách cai trị của Cộng Sản.

Chủ nghĩa gia tộc không còn, tinh thần làng xã không còn, “phép vua thua lệ làng” không còn, làng xã ngày nay mất hết tình làng, nghĩa xóm, nông dân biến thành một thứ nông nô thời hiện đại, chỉ nhằm phục vụ cho giai cấp thống trị mới, là giai cấp đảng viên. Hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn hiện nay chỉ là một hình thức nông nô thời hiện đại, bởi vì người nắm hết đất ruộng trong xã là chi ủy, đại diện cho trung ương đảng Cộng Sản ở nông thôn.

Lãnh đạo làng quê hiện nay, không còn những người là con cháu các họ tộc có công đóng góp xây dựng nên làng mà chính yếu là những người thuộc hàng “khách tịch”, như “Nhà Mẹ Lê”, những thành phần thuộc các gia đình nghèo khổ, bần nông, cố nông như Chí Phèo, Thị Nở của tiểu thuyết Nam Cao, hay Bối, Đình, Cự trong “Ba Người Khác” của Tô Hoài, tệ hơn cả những nhân vật chính trong “Quê Người” của cùng tác giả.

Chủ nghĩa Quốc Gia thì mơ hồ. Chủ nghĩa Cộng Sản thì tàn ác, không chút nào thích hợp với tâm tính người Việt Nam, là không tưởng. “Chủ nghĩa Gia Tộc”, truyền thống của làng xã Việt Nam cả ngàn năm, bị Cộng Sản cho là “phong kiến, hủ lậu, cục bộ”, bị đánh đổ “đào tận gốc, trốc tận rể” bằng nhiều thủ đoạn, mà khốc liệt nhất là trong “Cải Cách Ruộng Đất”, đánh đổ và tiêu diệt bọn “địa chủ”, bọn “cường hào ác bá”…

Bọn địa chủ và cường hào ác bá là ai?
Theo VNVHSC (Sđd), thống kê trước 1945, “ở Bắc Việt có 964.490 địa chủ đối với số dân cư 8.005.000 người, ở Trung Việt có 658. 034 địa chủ đối với dân cư 4.912.000 người, còn phần đông là hạng tiểu nông (90/phần 100 ở Bắc Việt, 94 phần 100 ở Trung Việt). (Tài liệu của Economie Indochinoise của Yves Henry)

Dựa vào các con số nói trên, tính tròn thì ở Bắc có 1 triệu địa chủ trên 8 triệu dân, tỷ lệ là 1/8. Ở Trung Việt, tỷ lệ là 1/6.
Tôi chỉ dẫn các con số ở Bắc và Trung vì hai nơi nầy, Cộng Sản Việt Nam có thi hành cái gọi là “Cải Cách Ruộng Đất” từ năm 1953.

Ban đầu, người ta nói ông Hồ Chí Minh không muốn tiến hành chính sách “Cải Cách Ruộng Đất” .Về sau, vì sức ép của Tầu nên không làm không được. Tôi không rõ và cũng không suy đoán thái độ của Hồ Chí Minh, nhưng hậu quả của “Cải Cách Ruộng Đất” thì thật là khủng khiếp, ghê gớm.

Theo thống kê của chính quyền Cộng Sản Hà Nội, kết quả của “Cải Cách Ruộng Đất” là “giải phóng” cho hai triệu hộ. Nếu tính trung bình mỗi hộ 4 người (vợ chồng và hai con) thì Cộng Sản đã giải phóng cho 2 x 4 là 8 triệu dân, bằng với dân số Bắc Kỳ mà Đào Duy Anh đã trích dẫn nới trên.

Với cách tính như thế thì còn bao nhiêu địa chủ cho đủ với “chỉ tiêu” do Trung Cộng đã đề ra?

“Qui thành phần” ai địa chủ ai không là do “Đội Cải Cách”, (dân chúng thường gọi tắt là “Đội”) chọn lựa và đưa ra. Thành phần của “Đội” không phải là người địa phương mà do “trung ương” (đảng) cử xuống. “Người” của Trung Ương nên địa phương không làm gì được, không dám “đụng” tới.

Sau 1975, đi “tù cải tạo” về, tôi nói chuyện với một người quê ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, làng của Trường Chinh. Tôi hỏi, trong “Cải Cách Ruộng Đất”, bố Trường Chinh bị đấu tố, có phải không?

Người ấy trả lời: Làng Hành Thiện là làng quan, hết cả mấy họ, ai nấy giàu có. Dân trong làng có người có xe hơi, đường sá vài nơi tráng nhựa. Khi “Đội” về phát động đấu tố, bố Trường Chinh, tên là Đặng Xuân Viện, con nhà quan, vẫn sống phong lưu như ngày xưa, còn mang giày hạ, mặc áo gấm, cầm quạt đi dạo trong làng. “Đội” chẳng biết ông là ai, lại ăn mặc theo kiểu “phong kiến” nên chận lại hỏi: “Ông là ai?” Bố Trường Chinh trả lời: “Tao à? Tao là bố thằng Khu đây!” Nếu nói bố Trường Chinh, có người trong “đội” có thể biết Trường Chinh là ai. Còn nói “bố thằng Khu” thì “Đội” chẳng biết thằng Khu là thằng nào. “Đội” bèn trói “bố thằng Khu” lại, đưa ra đình đấu tố. Trong làng có người biết chuyện, bèn
lên “trung ương” báo cáo. Hồ Chí Minh cho người về liên lạc với “Đội”, tha cho “bố thằng Khu” và ra lệnh “miễn nghị” cho gia đình các “ông lớn”.

Ở làng, “Đội” là Trời (viết hoa). Đội muốn làm cái gì, dân làng phải tuân theo. Ai cũng phải tuân theo. Sau một “đợt cải cách”, “Đội” rời đi, thế nào cũng để lại vài cái bụng bầu, “tác giả” là “Đội”, nhưng minh thị tên tuổi, thì không rõ là ai!

Phần đông, như tài liệu trên đã dẫn, 90 phần 100 (9/10) dân quê là tiểu nông. Làng nào không đủ số địa chủ như chỉ tiêu đưa ra, “Đội” họp dân làng và “qui lại thành phần”. Trung nông qui thành địa chủ, có khi tiểu nông cũng qui thành địa chủ, cho đủ số “trên giao”.

Mục đích của “Cải Cách Ruộng Đất” là để vừa lòng Mao?

Không hẳn thế.
Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, cấp lãnh đạo và chỉ huy Việt Minh phần đông là thanh niên tiểu tư sản thành thị, con cái địa chủ, trung nông.

Thành phần tiểu nông và vô sản, không học hành, không kiến thức, làm sao “giác ngộ cách mạng”, hiểu biết về sự bóc lột của Thực Dân Pháp, “giác ngộ chủ nghĩa” để “đứng lên giành quyền lợi, quyền sống”. Chỉ những người có học, mới có hiểu biết, ý thức để đấu tranh. Vô sản, tiểu nông, chỉ “theo đuôi”. Nghe hô hào, nghe tuyên truyền thì “theo cách mạng”.

Nhưng chế độ Cộng Sản không phải là chế độ của tiểu tư sản, dù thành thị, thôn quê. Vì vậy, ngay khi xử dụng tiểu tư sản làm cấp chỉ huy, Cộng Sản đã có chủ trương tiêu diệt thành phần nầy, dù họ có “giác ngộ cách mạng” hay không!

Đầu tiên là trường hợp “Trung Đoàn Thủ Đô”. Trung Đoàn Thủ Đô là trung đoàn Vệ Quốc Quân, có nhiệm vụ đánh Tây ngay trong đêm 19 tháng 12 năm 1945 khi Hồ Chí Minh hô hào “Toàn Dân Kháng Chiến”. Thủ đoạn của Hồ Chí Minh là mượn tay Pháp tiêu diệt trung đoàn nầy.

Sau đó, thanh niên thành thị hay thôn quê, có học vấn, cấp trung học, đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp đều phải bị thanh trừng, thay thế, bị loại ra khỏi hàng ngũ kháng chiến (vô sản).

Về trường hợp nầy, tôi có viết trong bài: “Quang Dũng, Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, in trong Việt Về Huế, tập 4.

Vậy thì ai thay thế những người nầy.
Cộng Sản đã “rèn luyện nông dân vô sản”, “trưởng thành trong chiến tranh”. Sau mấy năm “kháng chiến” dần dần, “giai cấp vô sản”, nói rõ ra là những người như Chí Phèo, như Bối, Đình, Cự… thay thế cấp lãnh đạo, cấp chỉ huy, gốc tiểu tư sản.

“Người vô sản” đã theo đảng và hy sinh cho đảng, vây họ phải được đảng “trả công”, “đền đáp”, “ban thưởng” cho họ cái gì chứ!? Lấy ruộng của địa chủ, chia nhau tài sản của địa chủ. Đó là cách “đảng ban ơn” cho những ai “theo đảng, vì đảng”, v.v…

Nói rõ ra, “Cải Cách Ruộng Đất” là chính sách cướp đoạt tài sản để chia cho người “theo đảng”, để họ “giữ lòng trung thành với đảng”.

Cách làm như thế, không chỉ có sai, mà còn độc ác, vô ơn, phản phúc người đã hy sinh cho công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Dĩ nhiên, phản ứng của dân chúng khá mạnh. Hồ Chí Minh, bày ra một tuồng mới: Cách chức Tổng bí thư của Trường Chinh, đưa Võ Nguyên Giáp ra sửa sai. Mục đích nội bộ: tranh giành ngôi vị: Không còn tổng bí thư, đặt ngôi vị mới: Bí thư thứ nhất, quyền hạn giảm bớt đi. Ngôi vị cao nhất là chủ tịch đảng. Ngồi vào chỗ nầy, không ai khác hơn là Hồ Chí Minh.

Mao Trạch Đông nói, khi cần uốn một thanh sắt, hãy uốn quá đi môt chút. Khi thanh sắt đàn hồi, là vừa ý muốn. Trong ý nghĩa đó, cái sai của “Cải Cách Ruộng Đất” là ở chỗ “hãy uốn quá đi một chút”. Đó là ý đồ của Cộng Sản, sao gọi là sai để “sửa sai”?

e)-Sự phân hóa của nông dân
Không phải tất cả nông dân, dù tiểu nông hay bần nông, cố nông, thành phần căn bản của chế độ Cộng Sản đều theo Việt Minh, (Việt Cọng).

Ngay khi Thực dân Pháp trở lại Nam Bộ hay sau ngày gọi là “Toàn Dân Kháng Chiến” thì không ít người trong số họ đi lính cho Pháp, trong các đơn vị chính qui của Pháp hoặc các đơn vị như Comandos, Partisans. Sau đó, họ tham gia các đơn vị quân đội của chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam, của “Quân Đội Quốc Gia” và sau nầy là quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Họ có nhiều lý do để làm công việc nầy: Chống Cộng Sản vì lý do tôn giáo, vì tinh thần quốc gia, dân tộc, hoặc những hoàn cảnh chính trị, đảng phái chống Cộng, v.v…

f)- Tinh thần chống Cộng của “thành phần quốc gia”
Trước hiệp định Genève 1954, vì chống chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản, những “người Quốc gia” cố tập họp lại với nhau, nhưng không thành công hoàn toàn.

Nó có nhiều lý do trong việc “không thành” đó. Bản chất tư sản, tiểu tư sản, và nhất là tinh thần Dân chủ, yêu Tự Do khó làm cho “người Quốc gia” ngồi chung lại với nhau. Có người chủ trương một chế độ độc tài – “độc tài hảo tâm” – để có thể tập họp được sức mạnh. Chế độ Đệ Nhứt Việt Nam Cộng Hòa và sự thất bại của nó, chứng minh rằng những “người quốc gia”, không thể chấp nhận bất cứ một chế độ độc tài nào!

Tinh thần không thể hòa hợp đó, làm cho công cuộc chống Cộng khó thành công, bởi vì, phía kẻ thù là một khối “đồng nhất”, dù đồng nhất trong sắt máu, kềm kẹp của chế độ.

Một lý do quan trọng không kém, dù dưới chính thể Quốc Gia trước 1954 hay dưới hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa sau hiệp định Genève 1954, những “người quốc gia”, với bản chất không phải là nông dân, nên đã bỏ ngõ nông thôn cho phía địch.

Việc bỏ ngõ nông thôn là nguyên nhân chính làm cho việc chống lại quân Cọng Sản thất bại. “Người quốc gia” không phải không biết điều ấy. Họ có nhiều cố gắng “nắm nông thôn”, nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. Hậu quả là ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Nhìn chung, sự đa dạng và phức tạp của giai cấp thống trị xã hội Việt Nam từ khi Pháp xâm lăng nước ta đến khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ là nguyên nhân của sự thiếu đồng nhất, làm cho sức mạnh yếu đi.

Tình hình đó, không chỉ ở Việt Nam mà nó diễn tiến nhiều nơi trên mặt địa cầu. Một bên là Cộng Sản độc đài, một bên Tư Bản tự do. Trong một thời gian dài, kể từ khi có cuộc cách mạng Bolshevik 1917, Cộng Sản độc tài thì thắng lợi, đi tới, lãnh thổ mở rộng, chiếm gần một nửa địa cầu. Nhất là sau khi Thế giới Chiến tranh Thứ hai kết thúc,sự bành trướng của khối Cộng Sản càng mạnh, càng mau.

Nhưng độc tài không phải là khuynh hướng đi tới của nhân loại. Ngược lại, nó phải là Tự Do. Tự do mới làm cho dân tộc và đất nước phàt triển, giàu mạnh, trên cả hai lãnh vực tinh thần và vật chất. Đó chính là niềm hy vọng to lớn và vững chắc của người Việt Nam lưu vong và ngay cả với người dân ở trong nước, mặc dù họ đang sống dưới sự kềm kẹp của chế độ.

e)-Giai cấp thống trị hiện nay ở trong nước.
Giai cấp thống trị hiện nay ở trong nước là vô sản. Đó là nói theo sách vở.

Trên thực tế, họ ở đâu ra?

Lấy tình hình Hà Nội hiện nay làm ví dụ:

Dân Hà nội thanh lịch, người Hà Nội lịch sự, có văn hóa… Tuy nhiên, sau Hiệp Định Genève 1954, thành phố Hà Nội bỗng nhiên vắng đi nhiều. Tại sao? Trừ thành phần lao động nghèo khổ, trừ một số người có con theo Việt Minh chưa hồi cư, dân Hà Nội kéo nhau “đi Nam”.

Thay thế vào đó là ai? Là những người “theo Đảng, theo Bác” bao lâu nay, sẽ tiếp thu Hà Nội. Gia đình họ cũng sẽ đến định cư, thay vào những ngôi nhà trống của “người đi Nam”. Với thành phần nầy, những gì là “Đất ngàn năm văn vật”, những gì là “thanh lịch” không còn, vì người Hà Nội mới là dân quê vô sản, một thứ đồng cấp, đồng bộ với Chí Phèo, thị Nở, với Bối, Đình, Cự, với “vợ của Lê Đạt”.

Không riêng gì Hà Nội, các thành phố lớn ở miền Bắc như Nam Định, Hải Phòng đều như thế cả!

Tình trạng đó lại tái diễn ở Saigon sau 1975. Ở trung tâm thành phố Saigon, (quận 1, quận 2 cũ) hiện nay còn có ai là người “dân Saigon”. Họ là dân của “thành phố Bác”, như họ thường tự nhân.

Trong quá trình “tiến lên xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”, văn hóa cũ, Việt Cộng gọi là “văn hóa phong kiến” phải bị tiêu diệt, và phải xây dựng “văn hóa mới”, tức là xây dựng “văn hóa và đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa”

Văn hóa cũ là cái gì?

>

“Văn hóa cũ” tức là “văn hóa phong kiến” là văn hóa gì?

“Văn hóa phong kiến” là cách gọi của Việt Cộng. Đó chính là văn hóa của tổ tiên người Việt. Văn hóa đó được đúc kết từ trong bản sắc dân tộc, từ tinh hoa của dân tộc, kết hợp với tinh hoa của tam giáo, là những cái gì là điều hay, lẽ phải, sự chân thật, ngay thẳng, lòng yêu thương, tình nghĩa gia đình cha mẹ, anh em, con cái, xóm làng, đất nước, dân tộc… đã truyền tử từ ngàn xưa, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, cho tới khi dân chúng bị “Cộng sản hóa” theo “văn hóa mới” của Việt Cộng.

Văn hóa của dân tộc, nói sao cho hết cái hay, cái đẹp, cái tình nghĩa, yêu thương… của dân tộc ta.

Văn hóa mới là cái gì?

Là đấu tranh giai cấp.

Đã đấu tranh thì phải có hận thù. Trước hết là thù hận giai cấp, căn bản là thù người giàu có, người đủ ăn, người có ăn có mặc…

Thù hận tạo ra nhiều cái xấu. Triệt tiêu nhân tính, tức là không có tình thương, là vô cảm, là tàn ác, là giành giật, mưu lược, thủ đoạn, là không còn gia đình, gia tộc, làng xã, đất nước, dân tộc thì những thứ đó là cục bộ, là ngăn cản việc tiến tới một thế giới đại đồng, là vô sản thế giới, là “nhân dân thế giới” mà không còn dân tộc quốc gia.

Hễ còn dân tộc là còn quốc gia, đất nước.

Muốn tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa thì phải triệt tiêu dân tộc, chỉ còn nhân dân: Nhân dân Việt Nam, Nhân dân Lào, Nhân dân Kampuchia, tất cả đều thuộc vào Nhân dân Thế giới, là chủ nghĩa Cọng Sản quốc tế.

Như chúng ta đã biết, hệ thống tổ chức làng xã Việt Nam là rất quan trọng. Hoạt động làng xã trong bốn lũy tre làng là “tự trị”. Thời quân chủ, nhà vua chỉ cắt đặt quan của triều định đến cấp phủ, huyện, châu là chót hết. Từ phủ, huyện đến làng là một khoảng cách chính trị vì những người điều hành, quản trị làng là do dân bầu ra, tuy không hoàn toàn dân chủ như Âu – Mỹ nhưng nó vẫn có ý nghĩa tương đối.

Thành thử, về an ninh, quân sự, làng là đơn vị cơ sở nồng cốt của quốc gia.

Ví dụ về nhiệm vụ đi lính cho nhà vua, quan tri huyện, tri phủ, tùy theo dân đinh mỗi làng, quan hệ với những người cầm đầu trong làng để đưa ra một con số. Làng theo con số đó mà cung cấp người đi lính cho triều đình.

Ngoài ra, làng tự lo liệu về tuần phòng, canh giữ, chống cướp và trở thành đơn vị du kích chống trả quân xâm lăng. Việt Cộng lợi dụng tối đa sinh hoạt an ninh nầy để phát triển du kích làng, tiến dần lên các đơn vị quân sự cấp cao hơn, từ Xã đội (đơn vị làng), tến lên Huyện đội, Tỉnh đội, v.v…

Nhiều làng, có khi 90 phần trăm dân làng là giao liên, du kích, hoạt động cho Việt Cộng. Về căn bản, người Pháp thua ở Việt Nam, khởi đầu là các đơn vị du kích làng. Quân đội Pháp không thể tiêu diệt họ được. Trong chiến tranh Đông Dương lần Thứ Hai (1960-1975), tình hình nầy đã xảy ra một số nơi. Chính quyền VNCH không có đủ những đơn vị phản du kích để chống du kích Cộng Sản.

Từ kinh nghiệm chiến đấu chống Pháp và chống miền Nam VN, để bảo tồn chế độ của họ, Việt Cộng hiện đang ra sức phá bỏ hệ thống chế độ làng xã Việt Nam. Mỗi xã đều có một “đảng bộ xã”, thường gọi là “chi ủy xã”. Bí thư chi ủy và toàn bộ Xã đảng nhận chỉ thị và thi hành lệnh của đảng. Do đó, tính cách tự trị của làng xã không còn, đời sống làng xã không còn tính cách tự lập, dân chủ, mà phải theo lệnh lạc của trung ương. Do đó, sức đề kháng của làng bị triệt tiêu.

Nếu một ngày kia, khi người Tầu xâm lăng nước ta, làng xã không còn đóng vai trò tích cực như xưa, như khi dân tộc ta phải chống lại những cuộc xâm lăng của quân Nguyên đời nhà Trần, hay chống lại ách cai trị của nhà Minh khi Lê Lợi cất cờ khởi nghĩa.

Cái di hại của Việt Cộng để lại cho dân tộc tính không sao tính hết được.

4)-Kết: Giai cấp thống trị tương lai, thời hậu Cộng Sản

Hiện giờ, ở trong nưóc và nhất là ở hải ngoại, người ta hy vọng chế độ Cộng Sản sẽ sụp đổ sớm, sớm chừng nào hay chừng đó, và nước Việt nam, Dân tộc Việt Nam sẽ có Nhân quyền, có Tự do, Dân chủ.

Nhân quyền, Tự do, Dân chủ nhưng dưới một giai cấp thống trị như thế nào?

-Một giai cấp thống trị mới với một chế độ chính trị có Tự Do, Dân Chủ như xã hội Âu – Mỹ?

-Một giai cấp thống trị như thời kỳ thứ 2. (Từ khi Pháp xâm lược đến tháng Tư/ 1975.

-Một giai cấp thống trị có Tự Do, Dân Chủ thực sự, quyền cai trị thuộc về Dân Chúng, trong đó, Phật giáo chiếm đa số và có lợi cho đạo Phật, có lợi cho “tăng ni”?

-Một chế độ cai trị đầy mâu thuẫn và xung khắc như thời “hậu Ngô Đình Diệm”. Một chế độ Diệm mà không có Diệm.

Từ những tình hình như thế, những tín đồ Thiên chúa Cực đoan và những Phật tử cực đoan, không thiếu âm mưu để loại trừ nhau, bôi lọ nhau, chống nhau công khai hoặc ngấm ngầm hiện đang xảy ra.

Chắc gì sau khi Cộng Sản sụp đổ, Dân Tộc Việt Nam sẽ có được Hạnh phúc.

Kinh nghiệm lịch sử các dân tộc trên thế giới cho thấy, sau khi một chế độ độc tài sụp đổ, là một thời kỳ xáo trộn, chống đối, tranh giành, xâu xé, giết chóc lẫn nhau giữa các thế lực chính trị đối kháng. Đặc biệt ở các nước lạc hậu là mâu thuẫn tôn giáo, không ít người, nhất là các lãnh tụ tôn giáo cuồng tín muốn đem Thần Quyền vào Thế Quyền.

Tình hình các nước Hồi Giáo ở Bắc Phi và Trung Đông như Ai Cập, Lybia, Iran, Irắc, Á Phú Hãn… cho chúng ta thấy rõ điều đó. Có khi phải trải qua một thời kỳ xáo trộn lâu dài tình hình mới vãn hồi, đi dần tới Dân Chủ, Tự Do.

Tình hình nước ta, “Ba năm xáo trộn” sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ cũng cho chúng ta kinh nghiệm đó.

Trường hợp Tiệp Khắc, Nam Phi là may mắn cho dân tộc họ vì họ có những nhà lãnh đạo vừa có tài vừa có đức như Václav Havel, Nelson Mandela.

May ra, nếu (?) những nhà lãnh đạo cuồng tín, nhất là cuồng tín tôn giáo không được ai nghe theo, không được ai ủng hộ, hoan nghênh thì nước ta sẽ tiến nhanh đến Tự Do, Dân Chủ sau khi chế độ Cộng Sản Hà Nội cáo chung./

(1)-Maximilian Carl Emil Weber (1864-1920) là nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức, là một trong bốn người sáng lập ngành xã hội học đương đại. Ông bắt đầu sự nghiệp tại Đại học Berlin, sau đó Weber làm việc tại các trường đại học Freiburg, Heidelberg, Wien và München. Ông am tường nền chính trị Đức, từng là cố vấn cho các nhà thương thuyết Đức tại Hòa ước Versailles và tham gia soạn thảo Hiến pháp Weimar.
(2)-Rodney Stark lớn lên ở Jamestown, Bắc Dakota, Hoa Kỳ khởi đầu là một phóng viên báo chí, đậu tiến sĩ tại Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ, Giáo sư Xã hội học và Tôn giáo tại Đại học Baylor, Đại học Washington; Giám đốc Viện Nghiên cứu Tôn giáo trực thuộc Đại học Baylor; Giáo sư danh dự về Xã hội học của Đại học Bắc Kinh, Tầu.
(3)Truyền thuyết về nước Văn Lang
Theo sử ký Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) – phần ngoại kỷ do sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỷ 15 chép rằng: Đế Minh sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân. Kế tiếp Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh được 100 người con trai, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc – Phú Thọ
Nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN bởi An Dương Vương Thục Phán. Từ đây hình thành quan niệm dân gian coi nước Văn Lang đời Hùng Vương ra đời cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm và thường được sách báo nói tới 4000 năm văn hiến.
Tuy nhiên theo bộ sử ký xuất hiện còn sớm hơn bộ ĐVSKTT là bộ Đại Việt sử lược vào thế kỷ 13 thì chép nước Văn Lang được thành lập bởi thủ lĩnh bộ tộc Văn Lang thu phục các bộ tộc Việt (15 bộ) khác vào khoảng thế kỷ 7 TCN cùng thời với vua Chu Trang Vương của nhà Chu – Trung Quốc. Ông lên ngôi xưng hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô tại Văn Lang. Về sau các sử gia nước ta bị ảnh hưởng của các sử gia Trung Quốc nên gọi kinh đô thời Văn Lang là Phong Châu.

(4) Việc thi cử, tuyển nhân tài cho đất nước, hai người được tiếng triều Nguyễn là:
a)-Cao Xuân Dục, Thịnh Mỹ (Thịnh Khánh), xã Cao xá, huyện Ðông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
Ông có hai lần làm chủ khảo: Khâm sai chủ khảo trường thi Hương Hà Nam (1894) và Chủ Khảo trường thi Hội (1901), quản Quốc tử giám. Kỳ thi nầy, ông cùng Ngô Đình Khả (thượng thư bộ Lễ) vớt cho Nguyễn Sinh Sắc (sau đổi là Huy), đậu phó bảng.
(Trích từ “Quan hệ Ngô gia – Hồ gia) cùng tác giả, in trong Viết Về Huế, tập 3. Văn Mới xuất bản):
“Cụ Ngô Đình Khả với cụ Cao Xuân Dục, chánh chủ khảo, cho thí sinh Nguyễn Sinh Sắc đậu vớt. Tuy nhiên, có điều hơi rắc rối là có hai người cao điểm hơn cụ Sắc cũng rớt. Vậy nếu vớt cụ Sắc thì phải vớt thêm hai người cao điểm hơn, trước cụ Sắc. Một trong hai người đó là cụ Phan Chu Trinh. Thành ra, thay vì hỏng, nhờ vớt cụ Sắc nên cụ Trinh cũng được vớt luôn trong kỳ thi Hội nầy
Để rõ hơn, xin độc giả xem đoạn trích dẫn sau đây:
“Quốc triều khoa bảng lục”.
Tác giả là Cao Xuân Dục, ghi lại tên họ, quê quán của tất cả những thí sinh thi đỗ các khoa thi Đình dưới thời nhà Nguyễn, từ khoa Nhâm Ngọ (Minh Mạng thứ ba – 1822) đến khoa sau cùng năm Kỷ Mùi (Khải Định thứ bốn – 1919).
Trích dẫn một số tân đăng khoa:
I – Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (thời nhà Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên, cao nhất là Bảng nhãn, sau là Thám hoa)
II – Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân
III- Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân
Đời Thành Thái: khoa Tân Sửu 1901
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân:
1)- Nguyễn Đình Tuân
2)- Ngô Đức Kế
3)- Nguyễn Viết Thông
4)- Nguyễn Đình Điển
5)- Trần Văn Thống
6)- Lê Ngãi
7)- Nguyễn Duy Tích
8)- Nguyễn Văn Tính
9)- Nguyễn Văn Bân
Phó Bảng:
1)- Nghiêm Châu Tuệ
2)- Vũ Tuân
3)- Nguyễn Đình Hiến
4)- Lê Đình Xản
5)- Hoàng Đại Bỉnh
6)- Đỗ Dương Thanh
7)- Vũ Vĩ
8)- Nguyễn Mậu Hoán
9)- Phạm Ngọc Thụy
10)- Nguyễn Xuân Thưởng
11)- Nguyễn Sinh Sắc
12)- Nguyễn Duy Thiện
13)- Phan Châu Trinh
(các ông số 11, 12, 13 là đậu vớt)
Đời Thành Thái: khoa Giáp Thìn 1904
II – Đệ nhị giáp tiến sĩ:
1)- Đặng Văn Thụy
III – Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân:
2)- Trần Quí Cáp
3)- Hoàng Kiêm
4)- Huỳnh Thúc Kháng
5)- Hồ Sĩ Tạo (quê Bình Định –tg)
6)- Nguyễn Mai
Phó Bảng:
1)- Tạ Thúc Đĩnh
2)- Hoàng Văn Cư
3)- Nguyễn Đình Tiến
4)- Nguyễn Tư Tái
5)- Thân Trọng Ngật.
Ơn nghĩa thứ nhứt cụ Ngô Đình Khả ban cho cụ Nguyễn Sinh Sắc là vớt cho đậu phó bảng.
b)-Hoàng Hữu Xứng là danh thần nhà Nguyễn, sinh năm Tân Mão (1831) đời vua Tự Đức, tại làng Bích Khê, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Nhâm Tý (1852), ông đỗ cử nhân, được bổ làm quan. Tháng 10 năm Tân Dậu, khi làm tri huyện Tuy Viễn (Bình Định), nhờ có công “bắt đạo Gia Tô và giặc cướp”, nên được đặc cách làm tri huyện Hà Đông (Quảng Nam) đầu năm 1863. Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1869), ông về triều làm Biện lý bộ Binh.
Rạng sáng ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (25 tháng 4 năm 1882), Đại tá Henri Rivière của Hải quân Pháp cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, đưa tối hậu thơ đòi giải giới và giao nộp thành. Vị quan giữ thành khi ấy là Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu tiếp thư. Phía Pháp không đợi trả lời, nổ súng tấn công. Quan quân trong thành kháng cự, nhưng không thể ngăn địch được. Hoảng sợ, Bố chính Nguyễn Văn Tuyển, Đề đốc Lê Văn Trinh đều bỏ chạy, Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng trốn trong hành cung.
Đến khi Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tuẫn tiết, Hoàng Hữu Xứng cũng định tuyệt thực quyên sinh, nhưng nghe theo lời Tôn Thất Bá nên thôi. Hai tháng sau, triều đình nhà Nguyễn nghị tội, bố chánh Tuyển bị đuổi về làm dân, còn án sát Bá và ông đều bị cách chức nhưng cho lập công chuộc tội.
Năm 1883, sau khi vua Tự Đức mất, ông được phục chức làm việc tại triều. Năm 1885, Đồng Khánh kế vị, Hoàng Hữu Xứng được thăng Quang Lộc tự khanh lãnh Lại bộ thị lang kiêm quản viện Đô sát.
Tháng 9 năm Bính Tuất (1886), xét thấy ông trầm tĩnh, học rộng nên sung làm Đổng lý, cấp ấn “khâm phái quan phòng”, đến ở phòng Nội các, lo việc biên chép cương vực nước Việt Nam.
Tháng 3 năm Đinh Hợi (1887), sách Đại Nam quốc cương giới vựng biên (7 quyển) làm xong, ông dâng lên, được vua Đồng Khánh khen và ban cho hàm Lại bộ thị lang, Thự Tả tham tri, sung Quốc sử quán toản tu
Đời vua Thành Thái (nối ngôi năm 1889), Hoàng Hữu Xứng lần lượt trải các thêm các chức Thượng thư bộ Lễ, Chủ khảo các kỳ thi Hương, thi Hội,…
Với nhiệm vụ nầy, ông được tiếng là người tìm người tài giỏi giúp vua, giúp nước. Tiếc rằng lúc ấy, Nước không còn.
Đại Nam quốc cương giới vựng biên: 7 quyển và một tập bản đồ (gồm bản đồ phủ Thừa Thiên và bản đồ các tỉnh), do ông cùng với Nguyễn Hữu Độ, Phan Bình Đình, Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Thường biên soạn năm Đồng Khánh thứ 2 (1866). Sách chép tay, chữ Hán, 590 trang, khổ 28,7 x 21 cm, chưa được khắc in.
Cung kỳ luân âm (cùng viết với Nguyễn Thuật)
Chê trách và khen ngợi
Hành động thiếu dũng cảm của Hoàng Hữu Xứng khi thành Hà Nội thất thủ năm 1882, trở thành đề tài cho sĩ phu thời bấy giờ châm biếm. Tương truyền, thơ nói về ông có hai bài, nhưng chỉ mới sưu tầm được một, nguyên văn như sau:
Thành hạ quan triều phải buổi se,
Sân rồng phục vị chỉ ngồi nghe.
Quyên sinh lại than thân còn vướng,
Nhất quyết nhiều khi mắt đỏ hoe.
Ba bữa không cơm than uống giận,
Mấy phen ép than cũng ăn dè![
Giảng hòa nghe tiếng chừng mê mẩn
Một đỉnh than đinh chuyện bé nhè.
Tuy nhiên, nhờ có công tổ chức biên soạn bộ sách Đại Nam quốc cương giới vựng biên, nên ông vẫn được kể là “người con rất xứng đáng của Việt Nam trên đất Bích Khê”. Ngoài ra, ông có công có công quy tập hài cốt của nghĩa quân Tây Sơn vì quốc vong thân, mang về an táng tại đất làng Thạch Hãn, cạnh thành cổ Quảng Trị.
Nơi ấy gọi là Nghĩa Trũng đàn. (theo wikipedia)
Các ông Hoàng Thi Thơ, Hoàng Thi Thao, Hoàng Hữu Pha (tức nhà văn Quang Đạo), Hoàng Hữu Quýnh (tác giả “Tôi Bỏ Đảng”), Hoàng Hữu Chỉ (thi sĩ Cuồng Vũ), Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan là hậu duệ của ông.
(5)-Chế độ nô tỳ
Ở nước ta cũng có chế độ nô tỳ, như chế độ nô tỳ ở Hy Lạp và La Mã xưa.
Nguyên xưa chỉ có các nhà quí tộc và quan lại mới có nô tỳ, hoặc là những người bại trận bị bắt, hoặc là những người phạm tội. Mấy lần nước ta đánh được nước Chiêm Thành, những người Chiêm bị bắt tù thường phải đi khai khẩn đất hoang hay làm nô tỳ cho các nhà quyền quý. Vợ con của những người phản thần bạn nghịch, cùng vợ con những kẻ tội nhân, đều bị bắt làm nô tỳ ở các nhà quan. Những kẻ giàu có cũng có thể xuất tiền mua con cái nhà nghèo bắt làm nô tỳ suốt đời.
Địa vị nô tỳ không được ngang với địa vị lương dân. Họ không được kết hôn với lương dân và việc hôn nhân của nô tỳ hoàn toàn do chủ nhân định đoạt. Nô tỳ mà phạm tội thì phải chịu hình phạt nặng hơn lương dân. Nếu nô tỳ đánh lại chủ nhà thì vô luận bị thương hay không, pháp luật xưa đều bị xử tử hình. Nhưng nếu chủ nhà mà giết nô tỳ thì chỉ phạt 60 trượng. Nếu người nô tỳ bị giết có anh em bà con cũng làm nô tỳ thì những người nầy được giải phóng mà trở lại làm lương dân.
Hiện nay chế độ nô tỳ như thế không còn nữa, song các đầy tớ trai gái cũng không được pháp luật xem là bình đẳng với lương dân. (VNVHSC – Đào Duy Anh – trang 119-120)

(6)“Cơ quan hành chánh toàn hạt ở dưới quyền bính của quan Toàn-quyền, là đại biểu của chính phủ Pháp, có quyền lập qui, và quyền tự ý xử lý các việc hành chánh, tài chánh, kinh tế và trị an…”
“Về phương diện hành chánh địa phương thì mỗi xứ có một quan thủ hiến, ở dưới quyền quan Toàn quyền Đông pháp nhưng cũng có đủ quyền tự ý xử đoán về những vấn đề hành chính, kinh tế và trị an. Ở Nam Việt, quan Thống đốc có hai nghị hội hiệp trợ trong việc cai trị, một là Hội đồng tư mật chỉ có quyền tư vấn, hai là Hội đồng thuộc địa (quản hạt) có quyền thảo nghị.
Ở Bắc Việt, quan thống sứ có hai nghị hội tư vấn hiệp trợ, một là Hội đồng bảo hộ do Chính phủ cử ra, hai là Hội đồng pháp nhân quyền lợi do người Pháp bảo cử, ba là viện Dân biểu do người Việt bảo cử.
Ở Trung Việt có Hội đồng bảo hộ và Hội đồng Pháp nhân quyền lợi như ở Bắc Việt, còn viện Dân biểu thì từ năm 1932 không thống thuộc về quan Khâm sứ mà lại thống thuộc về Nam triều. Dưới quyền quan Thống sứ và quan Khâm sứ có những nha môn địa phương, mỗi nha môn có một vị quan cuộc trưởng.
Cơ quan hành chính các tỉnh thì có những quan cai trị người Pháp đứng đầu. Ở Nam Việt gọi là quan Chủ tỉnh, ở Bắc Việt và Trung Việt thì gọi là quan Công sứ. Ở mỗi tỉnh Nam Việt, quan Chủ tỉnh có một Hội đồng tỉnh hạt giúp sức, còn ở các tỉnh Bắc Việt và Trung Việt thì có Hội-đồng hào mục tỉnh hạt làm cơ quan tư vấn.
Về phương diện hành chánh bản xứ thì xứ Nam Việt chỉ có những thuộc viên người Việt, như các viên Chủ quận, Bang biện, Sung biện và các hương chức trực tiếp ở dưới quyền quan Chủ tỉnh người Pháp.
Ở Bắc Việt thì quan thì quan Thống sứ có danh nghĩa là quan Kinh lược thay mặt cho Hoàng đế Việt Nam để giám đốc tất cả các quan lại bản xứ. Ở Bắc Việt có hai ngạch quan lại, ngạch hành chính gồm các quan Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Tri phủ, Tri huyện và Tri châu, ngạch tư pháp gồm các quan thẩm phán ở các tỉnh và các phủ, huyện, châu ở dưới quyền các quan hành chính.
Ở Trung Việt thì các cơ quan hành chính bản xứ có Hoàng đế là nguyên thủ, có viện Cơ mật coi việc xung yếu. Quan Khâm sứ Trung Việt có thể ngồi vị chủ tịch những kỳ hội nghị của viện Cơ mật. Ở dưới quyên Hoàng đế, có các bộ Quốc vụ (bộ Lại, bộ Tài chính, bộ Tư-pháp, bộ Học chính, bộ Công nghệ Mỹ thuật, bộ Xã dân Kinh tế), mỗi bộ có một quan Thượng thư, một hay hai quan Tham tri, một hay hai quan Thị lang và Tá lý, cùng các thuộc quan ở các ty tào. Ở bên các quan hành chính trung ương ấy thường gọi là Nam triều, có viện Dân biểu thay mặt cho dân để đạo đạt ý nguyện với Chính phủ, trực tiếp thống thuộc với bộ Lại.
Ở các tỉnh thì có các quan tổng đốc hay Tuần phủ là quan đầu tỉnh, quan Bố chính coi về việc hộ, quan Án sát coi về việc hình. Ở những tỉnh nhỏ thì có quan Quản đạo. Ở các phủ, huyện, châu thì có Tri phủ, Tri huyện, Tri châu. Những quan lại ấy kiêm cả việc hành chính và tư pháp.
Theo nguyên lý thì các quan lại bản xứ ở dưới quyền trực tiếp của Nam triều, nhưng theo sự thực thì các quan Thượng thư các bộ phải ở dưới quyền giám đốc của quan Khâm sứ, cũng như các quan tỉnh thì phải dưới quyền giám đốc của quan Công sứ, cho nên ta có thể cho rằng những quan lại Nam triều cũng chỉ là viên chức thừa hành của Chính phủ bảo hộ mà thôi.
(VNVHSC Đào Duy Anh, trang 161-162)
(7) Trường hợp ông Hà Thúc Ký và ông Trần Kim Tuyến là điển hình. Ban đầu là hai kẻ thù: Một người là lãnh tụ đảng Đại Việt, chống nhà Ngô. Một người là “Trùm Mật Vụ Ngô triều”. Một người là tín đồ đạo Phật, người Huế, một người là tín đồ đạo Thiên Chúa, người Bắc. Cả hai là trí thức hồi ấy: Ông Ký là kỹ sư canh nông, ông Tuyến là bác sĩ y-khoa. Về sau họ trở thành bạn là vì lý do như Weber nói ở trên.
Trong “Sống còn với đất nước”, ông Hà Thúc Ký viết:
“Ngoài những cuộc thăm viếng của bà con, bạn bè, anh em đồng chí, tôi còn có một cuộc tiếp xúc đặc biệt với một nhân vật quan trọng dưới chế độ Diệm là người đã trực tiếp giam giữ tôi, đó là Bác Sĩ Trần Kim Tuyến. Nhớ lại quãng đời tù tội ở trại Lê Lợi, sống như một con vật trong sở thú, lẽ ra tôi phải qui trách nhiệm giam giữ chính trị phạm, một cách khắt khe vô nhân đạo như thế, cho Bác Sĩ Tuyến, nhưng lạ lùng là tôi thấy lòng mình dửng dung. Bình thản, không vướng bận một chút oán trách nào cả. Về sau chúng tôi trở thành bạn.
(8)-Thủ đoạn của anh em Diệm Nhu là di chuyển các đơn vị quân đội Cao Đài Liên Minh của tướng Trình Minh Thế sau khi về hợp tác là ra miền Trung, nhất là sau khi tướng Thế tử trận. Xa quê hương bản quán, sinh hoạt ở vùng đất lạ, dưới sự kềm kẹp của đảng Cần Lao, các quân nhân nầy không còn tinh thần Quốc gia Chống Cộng và chống Pháp, như khi họ phục vụ dưới quyền tướng Thế, ở núi Bà Đen (Tây Ninh)





VVM.25.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com