H ôm đó, sau chừng một giờ bám vào sườn núi, có lúc phải chống gậy cho chắc chân để đi bộ trên cao ngắm hồ Grasmere, Lake District, chúng tôi dừng ở Rydal Hall, một dinh thự lớn nằm bên sườn ngọn núi cùng tên, Rydal Mount.
Leo núi (trekking) ở Anh phải mang theo cây gậy vì các lối đi khá hiểm trở, nhiều đá nhấp nhô, có đoạn chỉ là một dẻo đất nhỏ bên cách tường đá cao thấp, ghé mắt nhìn sang bên kia là vực sâu.
Trời tháng 8 vẫn là mùa hè trên đảo Anh nhưng tiết trời gần trưa mà đã như mùa thu: ẩm lạnh chuyển dần sang nắng nhạt. Hạt Cumbria ở phía Tây Bắc xứ England chừng 16 hồ nước lớn nhỏ trên diện tích Vườn Quốc gia Lake District hơn 2300 km, có cái như Windermere rộng trên 16 km2, cái thuộc loại nhỏ như Grasmere đây thì chỉ 0,6 km2. Tất cả hình thành do kỷ Băng Hà bào mòn mặt đất, để lại các hồ nước nằm chen giữa các đỉnh núi mà nhiều ngọn cao hơn 900 mét, lái xe dưới thung lũng ngẩng hết cổ lên mới thấy trời mây. Địa hình đặc biệt đó tạo ra vùng tiểu khí hậu đặc thù. Chúng tôi xuất phát lúc 10g sáng khi nắng mới hiu hắt trên các đỉnh núi cao vút (tiếng địa phươn gọi là fell) và phải đi đến gần trưa mới thấp Mặt Trời ló ra sau mây. Đi trên sườn đồi giữa các tán lá để nhận những hạt sương rơi xuống mũ như mưa nhỏ. Lối đi trơn nên có cây gậy nhỏ sẽ vững chân hơn lúc bước qua các mỏm đá, rễ cây quanh co như xứ sở Lords of the Ring. Cùng gậy là áo mưa mỏng, mũ, ba-lô với bình nước nhỏ, gói bánh biscuit hay shortbread, và tất nhiên là đôi giày leo núi chắc chắn, nịt dây qua các móc sắt để bao bọc cả cổ chân.
Điểm dừng chân đầu tiên là một quán trà. Quán bán trà nóng, cà phê, sandwich và bánh kem và bánh sữa, loại rất đặc trưng cho hạt Cumbria, quê hương của vô vàn bò nâu, bò vàng và bò đen. Nhóm gồm tôi, Sylvia, Ola, Philip và Amy nghỉ lại để ăn bánh, uống trà. Nước Anh vẫn trong mùa Covid nên vào quán cần đeo khẩu trang, nhưng khi đã ngồi cả ngoài sân quanh chiếc bàn gỗ bên một thác nước đổ xối xả từ độ cao xuống gầm một cây cầu đá thì cứ việc “mở toang” cái miệng, cái mũi, hít thở khí lạnh và sạch rất khoẻ người. Và lâu rồi không leo núi nên chúng tôi cũng phải để đôi chân nghỉ chứ. Chuyến đi bộ này thực ra là loại ngắn, chỉ chừng 20 km, vòng vèo quanh các ngọn đồi và núi quanh hồ Grasmere. Lối đi nhấp nhô, lúc leo lên đèo, lúc chầm chậm bám cây trèo xuống núi nên chân cẳng cũng bị hành hạ “đã lắm”. Bù lại là một nửa quãng đường tuyệt diệu, chỗ xuyên qua rừng nhỏ, chỗ qua trảng cỏ, chạm trán với đàn cừu, chỗ lại phải đi men suối, qua cầu đá nghe tiếng nước róc rách. Người đi ngược, đi xuôi trên các tuyến ‘walkway’ chào nhau ‘hello’, rồi mỉm cười đi tiếp.
Ngay ở Rydal Mount có một quán trà và tấm biển chỉ vào nhà của nhà thơ William Wordsworth (1770-1850), cây bút hàng đầu của trường phái Lãng mạn Anh. Chúng tôi chỉ dừng trước cửa một thoáng đã thấy dòng người từ phía thị trấn Ambleside dưới chân núi đi lên. Tôi nhìn nhanh thì người Anh là chính, ở đủ các lức tuổi, và có một hai cặp người Á cao tuổi, có vẻ dân Hong Kong hay Nhật Bản. Họ đi “hành hương” về thăm nơi mất của Wordsworth, thận trọng dừng chân, xếp hàng trước tấm biển giới hiệu William Wordsworth’s Home: Poetry and Illustrations.
Dòng thơ lãng mạn hòa nhập vào thiên nhiên Vùng Hồ
Thực ra, tôi chọn ngày thứ nhì tới Cumbria để đi thăm ngay Grasmere, một trong nhiều hồ nước của Lake District, cũng là vì muốn đến thăm nơi hình thành sự nghiệp thơ đồ sộ của William Wordsworth. Trên văn đàn Anh ông được đặt ở vị trí ngang các vị tiền bối William Shakespeare (1564-1616), và John Milton (1608-1674). Cùng bạn thân, nhà thơ Samuel Taylor Coleridge, ông đại diện cho trường phái Lãng mạn trong thơ Anh, phá bỏ những gò bó của dòng Tân Cổ điển ở thế kỷ 17 và 18. Tôi muốn biết nhà thơ Anh được các học giả Anh Mỹ ngày nay cho là “phủ bóng thơ tiếng Anh sang đến cả thế kỷ XX” và có tính cách tân, thậm chí cách mạng như Rainer Maria Rilke (Áo), Paul Valery (Pháp) ở châu Âu đã sống và sáng tác trong môi trường thế nào. Đúng ra, khi ngồi nhà giữa năm 2020, buồn chán vì dịch Covid hoành hành khắp nơi, gây tang thương vô bờ bến, tôi tìm ra và tìm đọc lại Wordsworth khi vào các trang về Rilke (1875-1926) để hiểu về cảm xúc trước “vẻ đẹp và sự tàn phá” (Schönheit und Schrecken) mà Rilke dõng dạc nói đời người ai cũng phải trải qua. Tôi cũng đã ngợ ngợ thấy thơ Wordsworth không chỉ đẹp mà còn phải có gì đó động đến sợi dây đàn nhân sinh.
Nhưng trước mắt tôi, điều dễ nhận thấy là ánh sáng, và màu sắc của Vùng Hồ đẹp, khác hẳn các nơi ở Anh tôi đã đi qua, và khác nhiều so với vùng ven biển và cửa sông Thames là London. Ánh sáng đổi thay huyền diệu của một thế giới tự nhiên thu nhỏ vào không gian mà màu trời mây, màu vàng ngà, xanh nhạt của cỏ cây bám trên sườn núi đá cao ngất, của mặt nước trong như gương, của tiếng gió thổi, chim bay, tiếng bò ò ò, tiếng cừu kêu be be tràn ngập trong trong thơ Wordsworth. Thế mà mình ở Anh đã hơn 20 năm. Tưởng đã đi khắp nước này hóa ra còn những nơi đẹp và lạ như nơi đây mình chưa biết. Khi bọn trẻ con còn nhỏ, đi từ vùng ngoại ô London lên Lake District ở phía Tây Bắc của xứ England (giáp biên giới với Scotland) thật xa, mất chừng 5 giờ liền, nên chúng tôi không đi được. Các chuyến nghỉ hè, nghỉ half-term (giữa học kỳ) của cả nhà thường là đi về phía Tây Nam của England: Somerset, Dorset, Devon, Cornwall. Chạy xe đi mất chừng ba tiếng và đến một trang trại bên biển có gà qué, dê cừu, vườn cây trái, ao thả cá để thuê một cái cottage (nhà kiểu quê), cho trẻ con đi ủng lội ruộng lấm lem, tối về làm thịt nướng BBQ trước hiên nhà, ngắm trời sao. Các hạy vùng Tây Nam (West Country) của Anh cũng đầy đất đai màu mỡ, ruộng vườn, đồng cỏ. Ở đó cũng có bánh kem sữa, bơ tươi và phô mai ‘farmer cheese’ đặc quánh, béo ngậy. Ở gần Chesil Beach thuộc Dorset có cả trại thiên nga sống nửa hoang dã và các bến tàu từng là nơi trú ngụ của cướp biển mà câu chuyện buôn rượu gin, buôn vũ khí từ Pháp sang đã vào văn chương Anh. Nhưng khung cảnh thì không đặc biệt như vùng Bắc Anh.
Nếu bạn nhìn vào bản đồ thì Anh Quốc như một con công quay cái đuôi (vùng Đông Nam nơi chúng tôi đang sống) về lục địa châu Âu, kiêu hãnh vươn cái đầu là Scotland ra Đại Tây Dương.
Các hạt Cumbria, Yorkshire chính là ‘cái cổ’ của con công, nằm sát vùng biên giới Scottish Borders, với cái ức công phủ toàn màu xanh, từ biển phía Đông sang biển phía Tây. Đó chính là các vườn quốc gia rất lớn: Yorkshire Dales (2.179 km2, Peak District National Park (1.437 km2), và Lake District (2.362 km2), là lá phổi của phía Bắc Anh, là nơi cung cấp nguồn nước sạch ngọt ngào cho khu vực đô thị Manchester.
Ngồi trong quán trà nhìn xuống thác nước Rydal Falls, tôi nhớ bài thơ ‘An Evening Walk’ (Đi dạo một buổi chiều) William Wordsworth sáng tác vài năm trước khi chết, có tả cảnh ở chính nơi đây.
“Then, while I wandered where the huddling rill
Brightens with water-breaks the hollow ghyll
As by enchantment, an obscure retreat
Opened at once, and stayed my devious feet.
While thick above the rill the branches close,
In rocky basin its wild waves repose,
Inverted shrubs, and moss of gloomy green,
Cling from the rocks, with pale wood-weeds between;
And its own twilight softens the whole scene,
Save where aloft the subtle sunbeams shine
On withered briars that o'er the crags recline;
Save where, with sparkling foam, a small cascade
Illumines, from within, the leafy shade;
Beyond, along the vista of the brook,
Where antique roots its bustling course o'erlook,
The eye reposes on a secret bridge
Half grey, half shagged with ivy to its ridge;
There, bending o'er the stream, the listless swain
Lingers behind his disappearing wain.”
Tạm dịch:
Nơi bàn chân đưa tôi tới, rãnh đá gặp nhau
Dòng nước sáng bừng lên ở hốc cây sâu
Nơi dừng chân như niềm vui bất ngờ
Đón bàn chân mỏi của tôi quấn quít
Trên rãnh đá tán cây dày khép lại
Vũng nước dừng sóng dại lặng yên
Lá khép mình rêu bám đá xanh trơn
Cỏ treo mình trên đá cây cô đơn
Ánh chiều tà làm mờ đi cảnh trí
Để lại thinh không sợi nắng cuối cùng
Đọng trên nhành gai vắt ngang vực nhỏ
Nước bạc tung bay đây dòng thác đổ
Sáng ngược lên chiếc lá tối trời
Xa bên kia cảnh suối giữa đồi
Những cổ thụ chìa rễ bắt chồi
Mắt tôi dừng trên chiếc cầu huyền bí
Màu xám chìm vào bụi hoa cỏ ivy
Và bên dòng thoáng lặng lẽ nam nhân
Bóng dài biến đi cùng bước chân.”
Bài thơ được ông đề tặng “Addressed To A Young Lady” (một phụ nữ trẻ), nhưng không nêu tên. Cô gái đó chắc là một trong rất nhiều phụ nữ ông đã mến thầm trên những tuyến đường nhiều mộng mơ, suy tưởng. (Xem: https://www.rydalhall.org/about/thegrot)
Thật khó mà điểm ra hết hàng trăm bài thơ và các trường ca của William Wordsworth trong sự nghiệp sáng tác khá dài, từ năm 1793, khi ông xuất bản tập thơ đầu tiên, gồm bài “Đi dạo một buổi chiều” mà tôi trích ra ở trên, cho đến 1842, khi ông đã yếu. Đó là chưa kể thơ ông tậo viết khi ông còn thiếu niên, qua tuổi sinh viên đại học, thư từ, trao đổi với bạn bè qua các chuyến xuất ngoại sang Pháp, sang Đức, đến các vùng đất khác của nước Anh.
Thế nhưng, dấu ấn lớn nhất của William Wordsworth với người Anh, và cả người Mỹ – các đại học lớn như Yales ở Hoa Kỳ hôm nay vẫn đang có những chuyên gia giảng dạy, phân tích và lý giải thơ Wordsworth – là dòng thơ về thiên nhiên và con người vùng hồ Lake District.
Chất hội họa đặc biệt ấn tượng, tính nhạc trong cách gieo vần tiếng Anh của thơ ông là sản phẩm của những lần đi bộ quanh các làng quê, núi đồi nơi đây. Các tác phẩm thời kỳ ở Lake District cũng được ghi lại trong Nhật ký của em gái ông, Dorothy Wordsworth’s Lakeland Journals.
Chính điểm chúng tôi dừng chân dùng trà, Rydal, được Dorothy Wordsworth ghi lại trong một ngày đi dạo qua núi của anh em nhà thơ. Tôi trích ra và tạm dịch để các bạn thấy giọng văn tiếng Anh của bà Dorothy từ đầu thế kỷ 19 mới như ngày hôm qua thế nào:
“February 3rd, Wednesday. A rainy morning. We walked to Rydale for letters, found one from Mrs. Cookson and Mary H. It snowed upon the hills. We sat down on the wall at the foot of the White Moss. Sate by the fire in the evening. Wm. tired, and did not compose. He went to bed soon, and could not sleep. I wrote to Mary H. Sent off the letter by Fletcher. Wrote also to Coleridge. Read to Wm. to sleep after dinner, and read to him in bed till ½ past one.”
Tạm dịch:
“03 tháng 2/1802, Thứ Tư. Buổi sáng trời mưa, chúng tôi đi bộ tới Rydale (cách viết hồi đó của Rydal) để nhận thư. Trên đồi tuyết rơi đêm qua. Chúng tôi ngồi nghỉ trên rào đá thấp ở chân núi White Moss. Buổi tối bên lò sưởi đốt củi. William bị mệt và không thoải mái. Anh đi ngủ sớm nhưng không vào giấc được. Tôi viết thư cho Mary H. và nhờ Fletcher chuyển đi. Tôi cũng viết cho Coleridge. Sau bữa tối, tôi đọc cho William dễ ngủ, đọc đến 1:30 sáng.”
Nhật ký của em gái Dorothy cho thấy cuộc sống của nhà thơ Anh những năm cuối đời gần như khép lại trong vùng hồ với các thung lũng sâu, núi đồi cao ngất.
Hào hứng với Cách mạng Pháp và thất vọng về nước Anh
Nhưng trước khi theo lời rủ của Samuel Taylor Coleridge để dọn về Vùng Hồ năm 1799, William Wordsworth khi còn là học ở Cambridge đã sang Pháp lần đầu mùa hè 1790 để đắm mình vào không khí Cách mạng Pháp 1789. Anh chàng sinh viên chưa tốt nghiệp gửi về Anh những dòng thơ ca ngợi “vinh quang và hy vọng” (glory and hope), về chuyển biến rung động châu Âu.
Thế nhưng nước Anh thời của ông, và về sau này, vẫn bám chặt chế độ phong kiến, với vô vàn định kiến cổ hủ, nên những tiếng nói gửi về từ lục địa sôi sục những sự kiện long trời lở đất như của ông xem ra chẳng có tác dụng gì. Trong bài thơ “The French Revolution as It Appeared to Enthusiasts at Its Commencement”, đã mở đầu bằng lời ngợi ca cuộc vùng lên của nhân dân:
“Oh! pleasant exercise of hope and joy!
For mighty were the auxiliars which then stood
Upon our side, we who were strong in love!
Bliss was it in that dawn to be alive,
But to be young was very heaven!—Oh! Times...
Tạm dịch:
“Ôi vui sao, hy vọng và niềm vui
Sức mạnh vùng lên của chúng tôi
Bên nhau trong tình yêu ta mạnh
Hãy sướng sống tới bình minh
Chỉ tuổi trẻ thôi đã là Thiên đường
Ôi thời đại...”
Nhưng bài thơ kết thúc bằng những câu nghi ngờ của chàng thanh niên Anh liệu cách mạng có đem lại hạnh phúc không?
“Of all of us,—the place where in the end
We find our happiness, or not at all!”
Chúng ta ở đâu khi chiến cuộc tàn
Hạnh phúc trong tay, hay vỡ tan!”
Khi người Pháp tưng bừng phá ngục Bastille một buổi chiều ngày 14 tháng 7 năm 1789, dư luận Anh nói chung ủng hộ dân Pháp đập tan vương triều của vua Louis XVI, vì...vua Pháp nổi tiếng ăn chơi đàng điếm và áp chế độ sưu cao thuế nặng vào dân. Dân Anh, vốn đầu óc thực tiễn, ghét thuế cao, chỉ ủng hộ Cách mạng Pháp tới mức đó. Tờ London Chronicle thời đó ca ngợi “Nước Pháp xứng đáng có cuộc cách mạng vinh quang” nhưng cảnh báo và tiên đoán (đúng) rằng cách mạng sẽ chấm dứt bằng bạo lực đẫm máu (before they have accomplisehd their end, France will be deluged with blood).
Năm 1791 Wordsworth trở lại Paris sau khi nhận bằng tốt nghiệp hạng trung bình (pass) ở St. John’s College, Cambridge – ông nổi tiếng chán học, ham làm thơ – và ở đó đến năm 1792.
Một thành công ‘cá nhân’ trong chuyến phiêu lưu bên Pháp là mối tình của ông với cô gái Pháp Annette Vallon. Hai người có một con gái là Catherine. Phải khi cô bé lên chín tuổi William Wordsworth mới sang Pháp lại được, nhờ cuộc ngưng bắn Treaty of Amiens trong chiến tranh Anh- Pháp, để đón về Anh nuôi.
Tuy từng tràn đầy ngọn lửa tuổi xuân muốn biến đổi thế giới, thơ của William Wordsworth đã không thuộc về dòng thơ ca cách mạng. Những năm từ Pháp về, ông trọ ở London và Bristol, sống trong nghèo khổ, thất vọng. Chính giới Anh và không ít trí thức bày tỏ thái độ thù địch về nước Pháp, và quan điểm cấp tiến của Wordsworth chỉ làm ông mất bạn. Khi được một khoản thừa kế đáng kể, ông đã bỏ vùng Đông Nam đô hội để dọn về lại phía Tây Bắc và ở lại hẳn Lake District trước ngưỡng cửa của thế kỷ 19. Trước đó, Wordsworth và Coleridge cùng xuất bản “Lyrical Ballads (1798), chính thức đặt nền tảng cho trào lưu lãng mạn trong thơ Anh.
Nhưng điều đưa Wordsworth đến với dòng thơ miền quê – đúng ra là miền hồ trong vùng núi phía Bắc nước Anh cũng là một phản ứng khác, mang tính cách mạng không kém. Đó là sự chối bỏ những kỳ tích quá nhanh chóng và tàn bạo của công nghiệp hóa tại Anh. Năm anh em nhà Wordsworth (William còn có một anh trai và hai em trai), giống như chị em Bronte, hay nhà Tennyson, thuộc về một giai tầng xã hội mới có ở Anh từ cách mạng công nghiệp: giới trung lưu. Họ không phải là quý tộc để có gia sản, của ăn của để, người hầu kẻ hạ, và cũng không phải tầng lớp tư bản làm giàu bằng bóc lột, tích lũy thô bạo. Điều bất hạnh là mẹ họ mất khi còn trẻ và người cha, một luật sư cũng chết khi anh em nhà Wordsworth còn nhỏ. Những đứa con côi phải chia tay nhau đi sống với các họ hàng. Đạo đức Anh giáo khắc kỷ và sinh hoạt cần kiệm là dấu ấn của kiếp nhân sinh nổi bật trong thơ của William cũng như nhật ký của Dorothy.
Vào cuối thế kỷ 18, nền công nghiệp ở Anh đã phát triển rất mạnh, biến các cảng biển, không chỉ ở London và vùng Đông Nam thành đầu mối giao thông ra thế giới, mà cả vùng phía Bắc cũng bị cuốn vào chuỗi sản xuất, xuất khẩu do Đế chế Anh kiểm soát. Các thành phố phía Bắc như Manchester, Liverpool không chỉ còn là bến tàu đi sang đảo Ireland, mà đã là điểm xuất phát của tuyến hải lộ sang Tân Thế giới, đưa hàng triệu người từ Anh và châu Âu tới Mỹ, Canada làm ăn, định cư. Thịt bò, thịt cừu, bơ và đá granite từ Cumbria đã nổi tiếng trên thị trường nội địa Anh từ lâu. Nhưng cách mạng công nghiệp đưa ngành khai khoáng tới và ngành làm nhựa bobbi, nghề giấy, ngành dệt len cũng lan vào các thung lũng Vùng Hồ.
Nhật ký của Dorothy kết thúc tháng 12/1802 sau đám cưới của William với Mary. Tác phẩm 218 trang với nhiều đoạn văn giàu cảm xúc cũng về thiên nhiên Vùng Hồ của người em gái tận tụy, trung thành và nhạy cảm nay được đề cao về giá trị văn chương của riêng nó. Nhờ cuốn sách mà Dorothy Wordsworth, người không lập gia đình mà ở vậy chăm sóc sức khoẻ anh trai và các con của anh, có vị trí riêng trong văn học Anh thế kỷ 19.
Sự thật vĩnh cửu nằm trong lòng Thiên nhiên
Khi họ đến đây, vùng Lake District vẫn còn chưa có đường xe lửa. Người ta vẫn đi lại bằng thuyền, bằng xe ngựa. Phong cảnh lúc đó hẳn còn rất nguyên sơ và đó là chất liệu quý báu cho William Wordsworth viết những áng thơ bất hủ.
Nhưng Wordsworth không chỉ là người thợ vẽ thiên nhiên. Tính triết học và có phần tôn giáo trong thơ ông được nói đến nhiều.
Theo Wordsworth, thơ là hình ảnh của con người và thiên nhiên (poetry is the image of man and nature). Ở đây ta thấy ông đã “chỉnh sửa” lại một khái niệm Cơ đốc giáo: “Con người là hình ảnh của Chúa Trời” để đặt trọng tâm của cảm xúc vào thiên nhiên. Thơ theo định nghĩa của ông phản ánh sự thật và sự thật đáng tin cậy nhất, trung thành nhất chính là thiên nhiên. Thiên nhiên là hiện thực ban đầu, trước khi con người được Thượng Đế trao cho làm chủ Mặt Đất này, và cũng là sự thật cuối cùng. Thơ ca hãy làm công việc ghi chép từng rung động của trực giác, của niềm vui sướng (pleasure) mà con người chúng ta đạt tới khi giao hòa vào thế giới tự nhiên để vươn tới sự thật cao nhất.
Thăm và chụp ảnh xong trong khu vườn của Rydal Hall, dinh thự xây từ thế kỷ 17 của nhà quý tộc Sir Daniel Flemming, chúng tôi đi bộ xuống núi, bên dòng suối róc rách, qua hai ba đồng cỏ xanh mướt, và mất vài lần trèo qua các hàng rào bằng mảnh đá xếp lại, để ra một con lộ nhỏ rồi qua cầu đá tới bờ hồ Grasmere. Hồ gồm hai phần, to và nhỏ, có hòn đảo ở giữa mà người ta chỉ có thể ra bằng thuyền. Nghỉ chân sát mặt nước trong một ngày nắng chỉ phảng phất ở các ngọn núi cao (đỉnh Hem Craig cao 400 mét), gió nhẹ như từ mây thổi xuống cho ta cảm giác dễ chịu. Sau đó lại tiếp tục đi leo lên cao để nhìn xuống phần lớn hơn của hồ. Lối lên là triền đồi trống trải, bước đi khá khó nhọc, đầy đá vụn, các hố đất nhỏ và cây dương xỉ, xung quanh lối không có rào hay tường đá để vịn gì hết. Thế nhưng, phần thưởng lớn nhất cho nửa ngày leo núi là điểm dừng trên cao, nhìn xuống không gian rộng mở, trùm lên hồ nước Grasmere với khu dân cư, với nhà thờ, khách sạn trắng muốt, long lanh trong nắng trưa vừa bừng lên thật rực rỡ. Nhìn xa về phía biển, Đại Tây Dương ở đâu đó bên kia các rặng núi còn cao hơn nữa. Chúng là sản phẩm của công cuộc kiến tạo kỳ vĩ, khi Băng Hà rút đi khỏi đảo Anh 20 nghìn năm trước. Nền địa chất nơi này và Scotland thực ra là một, hình thành từ đá trầm tích và núi lửa 320 triệu năm trước. Có lúc các lục địa cổ xưa trôi dạt đã va vào nhau, làm bùng nổi ra luồng năng lượng khủng khiếp, và khi tĩnh lại, nguôi đi cơn giận của thiên nhiên thì sinh ra không gian và thời gian tối cổ ấy như thế này đây: nước, mây, nắng, gió, đá và đất. Tất cả vẫn là những thành phần nguyên sinh không đổi từ thuở khai thiên lập địa.
Đứng trước non cao biển rộng ta hay băn khoăn về cái tôi nhỏ bé, có ý nghĩa gì không của mình trong Vũ trụ. Phải chăng, để hiểu được thiên nhiên ở độ sâu chiều dài hàng triệu năm không đổi đó, ta chỉ có cách tiếp cận bằng trực giác của thơ văn, nghệ thuật. William Wordsworth đã làm điều đó cho chúng ta qua các bài thơ mà nổi tiếng nhất là bài “Tôi lang thang một mình như đám mây” (I wandered lonely as a cloud) còn gọi là bài “Hoa thủy tiên” (Daffodils).
I wandered lonely as a cloud
That floats on high o'er vales and hills,
When all at once I saw a crowd,
A host, of golden daffodils;
Fluttering and dancing in the breeze.
Continuous as the stars that shine
And twinkle on the milky way,
They stretched in never-ending line
Along the margin of a bay:
Ten thousand saw I at a glance,
Tossing their heads in sprightly dance.
The waves beside them danced; but they
Out-did the sparkling waves in glee:
A poet could not but be gay,
In such a jocund company:
I gazed—and gazed—but little thought
What wealth the show to me had brought:
For oft, when on my couch I lie
In vacant or in pensive mood,
They flash upon that inward eye
Which is the bliss of solitude;
And then my heart with pleasure fills,
And dances with the daffodils.
Tạm dịch:
Lang thang một mình tôi như mây
Trên đồi trên lũng lửng lơ bay
Bên hồ nhìn xuống dưới lùm cây
Là luống hoa vàng lấp lánh say
Thủy tiên từng cánh rung trong gió
Sáng tựa sao trời sông Ngân đây
Hoa đi theo lối mãi cùng ta
Múa trong làn gió bến nước xa
Nghìn bông vũ điệu mùa xuân sớm
Sóng hồ múa nhại nhưng kém xa
Hoa cười làm thi nhân cũng vui
Khi có bạn đồng hành dễ chơi
Nhìn đi nhìn lại tôi chợt nghĩ
Hạnh phúc sao bằng trình diễn hoa
Giàu sang vàng sắc tặng hết tôi
Những ngày dài một mình trên trường kỷ
Tâm tư buồn trống rỗng chẳng ham chi
Hoa ngấp nghé mời tôi bằng nụ hé
Nỗi cô quạnh bỗng sáng loé niềm vui
Và tràn đầy hứng khởi, trái tim tôi
Mời nhảy múa nào thủy tiên ơi.
Ngày đầu tiên đến Grasmere chúng tôi không có đủ thời gian để thăm cả thị trấn và vào bảo tàng mang trên Wordsworth, một khu nhà tường bằng đá phiến, theo kiểu cổ, bên cạnh nhà vườn (Dove Cottage) của ông. Chúng tôi chỉ kịp chụp hình căn nhà ở bên ngoài, và đọc được trong bảng hướng dẫn rằng đây là căn nhà đầu tiên của hai anh em Wordsworth thuê tại Grasmere. Hai ngày sau, chúng tôi đi thăm một hồ nước khác, Ullswater và tìm hiểu về những thợ mỏ và thủy thủ Trung Hoa đầu tiên sang Anh, đến làm việc từ thời Thanh, thế kỷ 19. Trên đường về bọn tôi lại dừng xe ở Grasmere để mua món bánh gừng (gingerbread) nổi tiếng ở một cửa hàng ngay cạnh nhà thờ và thăm Vườn thơ Wordsworth. Bài thơ trên tả hoa thủy tiên – daffodils, lá xanh hoa vàng sáng như mặt trời. Trong Vườn Thơ mang tên ông, người ta trồng rất nhiều hoa này, và cuối vườn là một tấm đá đặt nghiêng trên mặt đất ghi tên nhà thơ. Thế nhưng, điều đáng nói và có thể để dân tộc yêu thơ như Việt Nam học được lại là cách mời công chúng tham gia, đóng góp vào Vườn Thơ đó. Từ sáng kiến của một hội nhà thờ (The Friends of St. Oswald’s), người ta mở ngôi vườn Wordsworth Daffodil Garden ở Grasmere mới năm 2003 và trồng tới nay khoảng 10 nghìn cụm hoa daffodil. Vườn không quá rộng, và công chúng có thể bỏ tiền mua các tấm đá khác tên họ của chính mình, và địa chỉ nơi ở để lát lối đi (walkway). Chúng tôi đã đi tới đi lui để tìm họ tên những người từ thị trấn của mình ở Kent đã góp gì vào lối đi trong vườn và tìm được một số. Ngoài ra, chúng tôi thấy cả những người từ Mỹ, từ Canada, Úc...cũng “góp gạch” tạo nền cho vườn hoa. Dù mỗi năm nhà thờ Thánh Oswald đã đón 10 nghìn người tới thăm, hiện người ta vẫn kêu gọi mua miếng đá lát lối đi (slate) hoặc hiến tặng tiền để trồng thêm hoa (www.inspirock.com/united-kingdom/grasmere/wordsworth-daffodil-garden-a5370816541). Đây là cách làm có chất văn hóa cao, thiết thực, không màu mè.
Đi loanh quanh trong vườn hoa, mỏi chân, tôi ngồi xuống bên con suối cạnh nhà thờ nghỉ một chút. Tôi thoáng nghĩ Wiliam Wordsworth có gì đó giống Hàn Mạc Tử. Họ đều là những người đàn ông sức khoẻ yếu, sống trong thời kỳ nhiều biến động và đã tìm về thiên nhiên như nơi trú ẩn cuối cùng. Thơ Hàn Mạc Tử cũng nổi tiếng với không gian vùng quê miền Trung Việt Nam, với sông nước, vườn tược, với nắng gió và thấp thoáng bóng những người con gái, với “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Thơ của họ chạm đến cái muôn thuở nên sống lâu hơn các dòng thơ mang tính khai phá, phiêu lưu hoặc chiến đấu? Thơ Wordsworth, một người Ki Tô giáo, còn có gì đó rất Thiền. Ông không hoài niệm quá mức để thành ủy mị, ông cũng không mềm yếu theo kiểu hoảng sợ trước thiên nhiên. Các bài thơ về dông bão, tuyết rơi, về cầu vồng là niềm hân hoan trước hiện tượng thiên nhiên chứ không lo ngại. Như người theo Thiền, Wordsworth sống với cảm xúc ngay bây giờ, nhạy cảm, thân ái với thiên nhiên, với chim chóc, hoa lá xung quanh, nhưng trong sâu thẳm có vương vấn một chút luyến tiếc về thế giới tự nhiên có thể bị mất dần đi, bị thu hẹp.
Những con đường của nước Anh
Những năm cuối đời của Wordsworth, không gian công nghiệp, qua các tuyến hỏa xa chạy bằng than và đầu máy hơi nước, đã lấn vào Lake District. Ba năm trước khi nhà thơ mất, hỏa xa Anh khai trương tuyến xe lửa nối Lancaster với Windermere, hồ to nhất vùng, vào năm 1847. Xe lửa đưa hàng hóa từ hạt Cumbria ra các cảng biển biên giới lớn như Carlisle (cách Scotland chỉ 8 dặm), và đón du khách, người đi nghỉ dưỡng từ khắp nước Anh tới khám phá, leo núi, ngắm cảnh đồi cao hồ rộng. Nhưng cuộc “xâm lăng” của con quái thú phun khói đen phì phì làm dơ bẩn không gian yên tĩnh “như tranh thiên đàng” của Vùng Hồ không phải được tất cả người dân hưởng ứng.
Chúng ta không thấy có bằng chứng là William Wordsworth chủ động lên tiếng chống lại hỏa xa. Ông là nhà thơ và càng về cuối đời càng yếu. Nhưng mấy chục năm sau, vào năm 1875, đã có người thợ đóng giày Robert Somervell đã tự viết truyền đơn, in ra và đi vận động dân chúng chống lại việc mở tuyến hỏa xa từ Windermere tới Ambleside, nơi William Wordsworth từng sống. Cũng không có bằng chứng gì ông thợ giày “tranh đấu” này đã lấy cảm hứng “về với thiên nhiên” từ thơ Wordsworth. Điều ta có thể đoán thôi, là người trí thức và bình dân Anh ngay từ thế kỷ 19 đã chia sẻ cảm xúc bị mất mát khi công nghiệp hóa ập đến. Lối sống của họ và những giá trị nay ta gọi là văn hóa phi vật thể, bị bào mòn dần.
Thế nhưng, so với các quốc gia ngày hôm nay vẫn tiếp tục tàn phá thiên nhiên vì mưu sinh thì Anh Quốc đã chọn con đường khác, từ lâu rồi.
Các vườn quốc gia mà Lake District chỉ là một, được bảo tồn kỹ càng bằng luật lệ, bằng các hoạt động của chính quyền, của quần chúng có ý thức,
của truyền thông. Càng về gần đây người ta càng làm chặt hơn các nguyên tắc bảo tồn. Vài tháng sau khi chúng tôi từ Vùng Hồ về nhà thì có
tin để đón chào Hội nghị Biến đổi Khí hậu ở Glasgow, COP26 vào tháng 11/2021, người ta đề nghị cấm du khách đi xe hơi đi vào một số hồ của
vùng Lake District (ban on tourist cars) nhằm cắt hẳn khí thải từ động cơ xăng và dầu diesel trong không gian quanh đó.
Chúng tôi liệu có thành những người thuộc thế hệ cuối cùng đi xe chạy xăng vào đó? William Wordsworth nếu sống lại hẳn sẽ hoan
nghênh sáng kiến mới nhất này.
Kent vào đông 2021