Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        




HERBERT VON KARAJAN

  


M ặc dù với một quá khứ có dính líu tới chế độ quốc xã và được sự che chở ưu đãi của Hermann Göring thủ hạ thân tín của Hitler nhưng Herbert von Karajan đã ngự trị, từ năm 1950 cho đến lúc ông qua đời vào ngày 16 tháng 7 năm 1989, trong cương vị một "übermaestro""- übermeister" đầy quyền lực tại Âu châu nhờ vào những vị trí gần như chiếm lĩnh độc quyền trong các kỳ đại hội âm nhạc tại thành phố Salzbourg và những dàn nhạc thính phòng lừng danh Bá Linh, Vienne... Karajan trở thành "nhà cầm quyền âm nhạc uy lực nhất từ ngày Wagner đến nay" theo lời nói của Sir Georg Solti.

Sinh ngày 5 tháng 4 năm 1908 tại Salzbourg - Áo quốc. Xuất thân trong một gia đình thương gia người Hy Lạp tới định cư đã lâu tại nước Áo, Karajan có bản tính tự nhiên - nhỏ con nhưng lại thật rắn rỏi, ông cảm thấy sung sướng khi được sống gần núi đồi thiên nhiên hoặc được băng mình trên chiếc du thuyền của ông ta . Không to cao cho lắm nên cũng có nhiều người đồn rằng ông luôn đau khổ vì "bệnh phức cảm của Napoléon" bởi tầm vóc nhỏ bé của mình. Nhưng ngược lại khi gặp Karajan người ta luôn luôn thấy đầy ấn tượng với mái tóc bàn chải màu trắng và đôi mắt xanh lạnh. Nữ ca sĩ soprano (giọng cao) Elisabeth Schwarzkopf đã ví ông như một con mèo, "thanh nhã và lôi cuốn, nhưng lại có thể tung vuốt ra một cách bất thần".
Karajan bắt đầu theo học dương cầm năm lên 4 tuổi. Ngay năm sau, ông đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng trong một buổi hoà nhạc từ thiện tại Salzbourg. Từ năm 1916 đến 1926 Herbert von Karajan ghi tên theo học tại Mozarteum Salzbourg và là học trò của Franz Ledwinka, Franz Sauer và Bernhard Paumgartner, chính vị thầy sau cùng này đã khuyến khích ông theo học điều khiển dàn nhạc. Rời Mozarteum của thành phố Salzbourg, Karajan tiếp tục theo học ở Musikhochschule tại Vienne thủ đô nước Áo cho tới năm 1929.

Sự nghiệp Karajan chói sáng kể từ năm 1928 tại một thị trấn nhỏ ở Ulm - Đức. Một phần nhờ vào chính khả năng của ông, phần khác nhờ vào sự khuyết vắng mà những người nhạc sĩ khác đã để trống vì họ đã bị chế độ quốc xã Đức sa thải nên Karajan có thể thăng tiến một cách nhanh chóng.

Năm 1934, Karajan trở thành Opernkapellmeiste tại thành phố lịch sử Aachen. Chỉ trong vòng 1 năm, ông được thăng chức Generalmusikdirektor - "giám đốc tổng quát âm nhạc" - với điều kiện phải gia nhập đảng quốc xã, điều kiện này ông đã thực hiện mà không có một phản ứng nào. Năm 27 tuổi, Karajan là một vị giám đốc âm nhạc trẻ tuổi nhất tại Đức. Trong một lá thư viết cho mẹ ông, Karajan đã diễn tả sự thoả mãn của mình khi đề cập đến lương bổng : Ông đã được cấp lương nhiều hơn cả viên thị trưởng thành phố Aachen.

Những người nhạc sĩ của dàn nhạc tại Aachen sau này cũng thuật lại rằng vị chỉ huy mới của họ - Karajan, như ma ám, đã tự mình đến nhà riêng của từng người trong dàn nhạc một cách đột ngột để kiểm soát xem họ có luyện tập hay không.
Năm 1938, Hitler quyết định xát nhập lãnh thổ Áo với Đức, đây cũng là một năm "huyền diệu" trong đời Karajan . Ông bắt đầu cộng tác với dàn nhạc thính phòng và nhà hát opéra (Staatsoper) Bá Linh, tậu chiếc thuyến buồm đầu tiên, mua một chiếc xe BMW và cưới người vợ thứ nhất. Phép lạ Karajan (Der Wunder Karajan)tên một bài bình luận nổi tiếng về buổi hoà nhạc trong đó Karajan đã được chào đón như "người nhạc trưởng gây ấn tượng nhất thế kỷ". Tuy nhiên, mọi việc không phải tất cả đều hoàn toàn tốt đẹp : Ít lâu sau, chế độ quốc xã cũng không thích sự hợm hĩnh của Karajan. Ông lãi còn trình tấu những tác phẩm bị cấm đoán và có một thaí độ kiêu ngạo mặc dù Karajan đã hoàn toàn thành công khi cầm đuã điều khiển dàn nhạc tại các thành phố bị Đức quốc xã chiếm đóng như Amsterdam (Hoà Lan), Copenhague (Đan Mạch), Bucarest (Hung Gia Lợi) và Paris (Pháp) nhưng Karajan đã làm Hitlet bực dọc. Lãnh tụ Hitler lại mến chuộng một người rất ghét Karajan đó là nhạc trưởng Wilhelme Furtwängler, thêm vào những sự kiện này , năm 1942 Karajan lại lấy Anita Gutermann, một phụ nữ có dòng máu Do Thái . Kết quả : sự nghiệp của Karajan bị tuột dốc và năm 1945 ông bỏ trốn khỏi nước Đức điêu tàn để sau chiến tranh phải trở lại ra toà "xoá bỏ ảnh hưởng chủ nghĩa nazi" của các nước đồng minh dành cho các bị can có dính líu đến chế độ quốc xã suốt 2 năm trời nhưng được thả ra vì nhận thấy Karajan chỉ là một người theo chủ nghiã thời cơ vì sự nghiệp cá nhân mà chẳng có gì gọi là "quốc xã". Ngay sau đó Karajan được làm việc với Walter Legge (một người sản xuất nhạc của hãng sản xuất đĩa nhạc EMI và cũng là người sáng lập dàn nhạc thính phòng London Philharmonia Orchestra. Chính nhờ những cuộc "xoá bỏ ảnh hưởng chủ nghĩa nazi" nên thêm một lần nữa , con đường sự nghiệp của Karajan lại nhanh dễ hơn vì những đối thủ có khả năng trong nghề điều khiển dàn nhạc hầu như đều bị loại bỏ.


Năm 1948, Karajan trở thành nhạc trưởng thường trực của dàn nhạc thính phòng Luân Đôn (do Walter Legge sáng lập) rồi nhạc trưởng vĩnh viễn suốt đời của dàn nhạc thính phòng Bá Linh năm 1955 sau đó kể từ năm 1956, Karajan nắm trọn quyền điều khiển Đại hội liên hoan âm nhạc Salzbourg (Festival de Salzbourg) . Năm 1957, được phong thêm các chức Giám đốc nghệ thuật nhà hát opéra Vienne. Rồi Bayreuth rồi La Scala (Ý) ... đều nằm trong vòng ảnh hưởng của Karajan. Từ năm 1969 đến năm 1971 : Giám đốc nghệ thuật dàn nhạc Paris (Pháp)

Người ta cũng thường nhắc lại một chuyện khôi hài vào thời kỳ đó : người tài xế taxi một ngày đó đã hỏi Karajan rằng bây giờ anh ta phải lái xe đưa ông đi đâu , Karajan trả lời : " Điều này không quan trọng bởi lẽ...ở đâu người ta cũng cần có sự hiện diện của tôi !" .
Suốt ba thập kỷ tiếp theo, Der Chef - ông xếp - tên mà ông thích được người ta gọi, đã xử dụng thế lực của ông, hành xử uy quyền và đòi hỏi tối đa tiền bạc cho những buổi hoà tấu, đại hội, nhà sản xuất đĩa nhạc... mà ông điều khiển. John Culshaw một nhà sản xuất của cơ sở Decca đã nói : "Dù có thể không muốn như thế nhưng Karajan đã thay thế một phần nào khoảng trống "tâm thần" của người Đức khi họ đi tìm một người chỉ huy để thay thế vai trò của Hitler đã để lại sau khi chết ".


Về đời sống cá nhân thì Karajan tương đối có hạnh phúc.
Năm 1938, Karajan cưới Elmy Holgerlof, một nữ ca sĩ ca nhạc kịch nhẹ (opérette) và năm 1942 Karajan bỏ người này để lấy Anita Gutermann rồi bỏ Anita năm 1958 để lấy một người mẫu trẻ 17 tuổi gốc Pháp, Éliette Mouret. Kết qủa của cuộc tình duyên cuối cùng này là 2 người con nhưng theo một tin đồn thì Karajan bị chứng bệnh lưỡng tính. Trên phương diện tài chánh thì âm nhạc đã mang lại cho Karajan nguồn tài sản và lợi tức thật dồi dào. Khi qua đời Karajan đã để lại nhiều biệt thự tại các thành phố Salzbourg , Vienne (Áo) và Saint-Moritz (Thụy Sĩ), một chiếc máy bay phản lực , một chiếc trực thăng , một chiếc du thuyền dài hơn 25 thước, nhiều bức tranh của danh hoạ Picasso và Renoir. Tài sản của ông đã được ông để lại một cách thật khôn ngoan tại những thiên đàng về thuế má như tại tiểu quốc Liechtenstein và Thụy Sĩ ước luợng vào năm 1989 tính theo giá trị hiện nay khoảng 500 triệu dollars: Karajan là một người giầu nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển.


Nhưng di sản âm nhạc mà Karajan đã để lại cho đời là những gì ?

Đối với quần chúng hâm mộ âm nhạc cổ điển thì cái tên Karajan vẫn luôn đồng nghĩa với sự tinh tế kỹ thuật gương mẫu trong phương cách biểu diễn và ghi âm. Rất nhiều đĩa nhạc của các nhạc sĩ Bruckner, Mahler, Strauss, Beethoven et Brahms mà Karajan cho thu âm, phổ biến vẫn luôn là những tác phẩm cổ điển giá trị. Sự liên hệ dài hạn của Karajan với dàn thính phòng Bá Linh đã cho phép ông có cơ hội phát triển : âm điệu hoàn hảo, âm sắc tuyệt đẹp và động thái tính toán khôn ngoan. Một số nhà phê bình âm nhạc nhận định rằng Karajan là một vị nhạc trưởng lớn nhưng không phải là một nhạc sĩ lớn. Một số khác lại nói rằng họ thấy cách diễn xuất của Karajan như không có linh hồn. Ngày nay những dàn nhạc lớn trên thế giới thiếu những vị nhạc trưởng tài ba, nhất là người gốc Đức, một phần cũng bởi Karajan đã không ngần ngại gạt bỏ những bậc thầy -maestros- trẻ tuổi có triển vọng vì muốn luôn được độc quyền và Der Chef muốn bảo vệ cho những sự thực hiện của ông luôn còn là những gì không tài nào đụng chạm đến được.


Trong đời sự nghiệp của Karajan, ông đã thu âm khoảng 900 đĩa nhạc được bán hơn 120 triệu bản, điều này chứng tỏ rằng ông là người có nhiều đĩa nhạc nhất được bán trong lịch sử âm nhạc cổ điển thế giới và đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc "dân chủ hoá" nền âm nhạc cổ điển.
Theo lời một trong những người ngưỡng mộ ông như nhạc sĩ lừng danh về sáo (flûte) James Galway, "Karajan là hiện thân của linh hồn âm nhạc". Những người không ưa ông, như trường hợp tác giả Norman Lebrecht, đã liệt ông vào loại "quốc xã ngoan cố" và người cầm quyền kỹ thuật hám danh, "một kẻ đã thừa hưởng một lý tưởng vĩ đại và đã lợi dụng cho chính quyền lợi của riêng mình và thực hiện chủ nghĩa cơ hội một cách tuyệt vời.".

Sự gia nhập đảng quốc xã, tính cố chấp, ham chuộng xa hoa , thích những sự giật gân, có giác quan bén nhạy và thủ đoạn tinh tế về thương mại một cách đáng sợ, thực dụng yoga, niềm tin vào Phật giáo thiền, tình yêu con cái và nhiều lần hôn nhân .... tất cả đã tạo nên một Karajan thật phức tạp khó hiểu.

Herbert von Karajan từ trần ngày 16 tháng 7 năm 1989 tại Salzbourg nơi ông chào đời 81 năm về trước.





VVM.13.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com