Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        




VỀ HUẾ THĂM LĂNG

  


D u khách lần đầu đến Huế ai cũng háo hức muốn đi thăm lăng tẩm các vị đế vương nước ta bởi đến Huế mà không viếng lăng thì kể như chưa biết Huế.
Nhà Nguyễn trị vì được 143 năm, từ năm 1802 (Gia Long lên ngôi) đến năm 1945 (Bảo Đại thoái vị), gồm 13 đời vua, nhưng chỉ có sáu vua ngồi trên ngai vàng cho tới lúc từ trần là : Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định (1). Các vua này đều xây lăng cho mình, chuẩn bị trước ngày đi vào cõi vĩnh hằng.
        Ngoài các lăng kể trên còn có lăng Dục Đức là một trường hợp đặc biệt. Ngày 19-7-1883 ông hoàng Ưng Chân, con trai của hoàng đệ Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y và là con nuôi của vua Tự Đức (vua Tự Đức không có con) được đưa lên ngai vàng tức là vua Dục Đức. Nhưng chỉ ba ngày sau, ông đã bị truất phế vì tội "dám lược bỏ một đoạn văn trong di chiếu truyền ngôi của tiên đế" (vua Tự Đức), bị tống giam và bị bỏ chết đói trong ngục (1883). Mãi đến khi con ông là vua Thành Thái lên ngôi mới xây An Lăng cho cha mình vào năm 1890.
        Trong số các lăng vua thì lăng Dục Đức và lăng Kiến Phúc có qui mô nhỏ nên ít được quan tâm. Các lăng đều xây ở phía Nam và Tây Nam kinh thành Huế, ở hai bên bờ sông Hương, thuộc địa phận huyện Hương Trà và Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Lăng Gia Long xa nhất, cách Huế 16 cây số, lăng Dục Đức gần nhất, cách Huế 3 cây số.
        Lăng Gia Long (Thiên Thụ lăng) nằm giữa một rừng thông bao la, gợi ấn tượng vừa hùng tráng vừa thanh thản ; lăng Minh Mạng (Hiếu lăng) toát lên vẻ trang nghiêm ; lăng Thiệu Trị (Xương lăng) có nét riêng độc đáo, nằm giữa những ruộng vườn tươi tốt như cuộc đời bình dị của ông ; lăng Tự Đức (Khiêm lăng) là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, cảnh trí êm đềm và thơ mộng ; lăng Đồng Khánh (Tư lăng) mang dấu ấn của hai nền kiến trúc Đông Tây, phong cách vừa cổ điển vừa hiện đại ; lăng Khải Định (Ứng lăng) có cách kiến trúc mới lạ nhất do sự hòa hợp của nhiều trường phái kiến trúc : Ấn Độ giáo, Phật giáo, Gothique…
        Về đại thể, cách kiến trúc các lăng gần giống nhau. Bên ngoài là bức tường thành xây bằng gạch và đá để phân định ranh giới, có cổng lớn ra vào. Bên trong có hồ thả sen, điện thờ vua và hoàng hậu, trong điện lưu giữ các đồ ngự dụng (đồ dùng của vua lúc sinh thời). Chung quanh điện là những dãy nhà phụ dùng làm nhà ở cho các phi tần lo việc hương khói cho vua và thờ các phi tần đã mất.
        Sau điện thường có sân rộng với tượng quan viên văn võ đứng chầu rồi đến Bái đình và Bi đình (nhà bia). Trong cùng là lăng và tẩm. Lăng là nơi đặt thi hài của vua và hoàng hậu, tẩm là điện thờ bên cạnh mộ.
        Nhiều người thắc mắc chẳng biết dưới các ngôi mộ ấy có thi hài của vua không. Trong một bài diễn văn đọc năm 1916 ở Paris, viên Toàn quyền Albert Sarraut (từng là quan cai trị ở Việt Nam) đã gián tiếp giải đáp thắc mắc này :"…..Còn ngài (vua) thì ngài ngủ giấc thiên niên ở một nơi nào không ai biết, vì quốc tục là phải giấu chỗ chôn vua, phòng khi có kẻ gian phi đến xâm phạm. Vậy những đền đài miếu điện rải rác khắp mọi nơi là vừa để biểu cái ý tôn nghiêm, vừa để lạc mọi sự tìm tòi. Nay quan quách đựng di hài vua gửi chốn nào không ai biết, mà tư tưởng cuối cùng của vua cũng không ai hay, cả hai đều bí mật như nhau, thiên vạn cổ không tìm thấy được, thiên vạn cổ không xâm phạm được" (2).
        Cảnh trí ở các lăng đẹp như tranh vẽ. Toàn quyền Albert Sarraut từng đến thăm và tả lại như sau :"Cảnh thiên nhiên đã có vẻ uy nghiêm lại thêm nhân công kỳ xảo mà gây nên những chốn như chốn "lạc viên" : vườn rộng bóng cây che rợp, rừng cao cổ thụ um tùm, ao lấp loáng sắc vàng màu biếc, hồ ngổn ngang sen trắng sen hồng; nào miếu, nào điện, nào tượng, nào bia, nào đồng trụ, nào bài phường, nào đình, nào tạ, nào gác, nào lầu; đá hoa trong như ngọc, gỗ báu bóng như ngà, sứ men trắng, đồng nước đen, bốn bề vườn rộng tịch mịch và u sầm…." (3).

* LĂNG GIA LONG (Thiên Thụ lăng)

        Lăng của Thế tổ Cao hoàng đế xây tại làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, phía tả ngạn sông Hương, cách Huế chừng 16 cây số về phía tây. Lăng xây năm 1814 (bắt đầu từ cái chết của bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu, chánh phi của vua Gia Long ngày 21-2-1814) và hoàn thành năm 1820, sau khi vua Gia Long băng hà.
        Lăng xây trên núi Thụ Sơn, về sau đổi là Thiên Thụ nên lăng cũng có tên là Thiên Thụ lăng. Chung quanh ngọn núi này có 36 ngọn núi khác cũng quây quần về đấy. Mặt trước lăng rộng 600 mét, ba mặt tả, hữu và phía sau, mỗi mặt rộng 400m.
        Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng và rộng lớn. Phía trước có ngọn núi Thiên Thụ án ngữ, phía sau có bảy ngọn núi làm hậu án. Bên phải và bên trái, mỗi bên có 14 ngọn núi là "Tả thanh long" và "Hữu bạch hổ".
        Qua hai trụ biểu xây bằng gạch cao khoảng 15m là đến một cái hồ hình bán nguyệt. Qua khỏi hồ là một cái sân lát gạch, dài 49m, rộng 23m, hai bên có hai hàng tượng đá đứng chầu (gồm 2 tượng voi, 2 tượng ngựa và 10 tượng quan).
        Qua khỏi sân này, ta sẽ đến 6 bậc cấp xây bằng gạch cao lần lên, mỗi bậc dài 44m70, rộng 6m50. Tầng thứ sáu gọi là Bái đình. Sau Bái đình là đến Bửu thành, có cửa bằng đồng. Bên trong Bửu thành là hai ngôi mộ đá dạng thạch thất, hình chữ nhật, trên có hai mái như mái nhà xây song song và kích thước bằng nhau. Đó là mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Trước mỗi mộ có một án thờ bằng cẩm thạch và một bình phong rộng.
        Bên trái Bửu thành là Bi đình (nhà bia), trong đó để tấm bia "Thánh đức thần công" bằng cẩm thạch màu xám xanh cao 2m90, rộng 1m05, chạm trổ tỉ mỉ công phu. Chữ trên bia đều thếp vàng. Văn bia do vua Minh Mạng viết ngày 10-8-1820 ghi lại công đức của vua cha (Gia Long).
        Bên phải Bửu thành có tẩm điện gọi là điện Minh Thành. Điện gồm hai nếp nhà dựng theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc" (4). Trong điện có thần vị của vua Gia Long và hoàng hậu. Phía trước là một cái sập để đồ ngự dụng của nhà vua lúc sinh thời như : khăn mặt, cái thau, bộ đồ trà, cái tráp trầu… Hai bên lại bày những đồ pha lê và đồ sứ tây, chắc là đồ của các sứ thần Pháp đem cống các vua khi xưa.
        Bên phải điện Minh Thành, gần bờ hồ, có lăng của Thuận Thiên Cao hoàng hậu, vợ thứ hai của vua Gia Long và là mẹ của vua Minh Mạng. Lăng này xây trên núi Thuận Sơn, gọi là lăng Thiên Thụ Hữu. Bà này mất ngày 2-10-1846.
        Lăng Gia Long là một bức tranh thiên nhiên hùng tráng và kỳ vĩ được điểm tô bằng những nét kiến trúc tuyệt vời. Đến thăm lăng, du khách sẽ thấy lòng nhẹ lâng lâng như vừa thoát tục để bay vào một thế giới mông lung của thơ và mộng.

* LĂNG MINH MẠNG (Hiếu lăng)

        Lăng của Thánh tổ Nhân hoàng đế xây trên núi Cẩm Kê, sau đổi là Hiếu Sơn ở ấp An Bằng, huyện Hương Trà. Lăng xây từ năm 1841 đến 1843. Hiếu lăng không hùng vĩ như lăng Thiên Thụ nhưng có vẻ u nhã hơn. Chung quanh lăng có thành xây kín cả, bên trong cây cối um tùm, lâu đài, đền tạ rải rác khắp nơi.
        Công việc xây lăng đang tiến hành thì vua Minh Mạng băng hà (11-1-1841) sau 21 năm trị vì nên nhà vua không thấy được nơi yên nghỉ của mình. Con là vua Thiệu Trị lên ngôi, chỉ mười hôm sau đã cho tiếp tục xây lăng của vua cha.
        Vào lăng có ba cửa lớn : mặt trước là Đại Hồng môn, bên phải và bên trái có  Hữu Hồng môn và Tả Hồng môn. Qua Đại Hồng môn là đến một sân gạch lớn, hai bên có các tượng đá đứng chầu. Tiếp đó là Bi đình, một nhà bia hình vuông, nền cao ba tầng, 20 bậc cấp, bên trong có tấm bia cao 3m, văn bia do vua Thiệu Trị viết ca ngợi công đức của cha mình.
        Trong cùng là Bửu thành, cây mọc như rừng, không biết mộ ở chỗ nào vì người đương thời theo lệ xưa, chôn vua phải làm cẩn mật. Quan tài của vua không đưa từ cửa lăng vào mà đi theo một đường hầm ngầm bí mật gọi là "toại đạo", khi quan tài đưa vào đến nơi đã định thì đường hầm bị lấp, đề phòng kẻ gian phi xâm phạm thi thể nhà vua.
        Viếng lăng Minh Mạng, du khách ngỡ mình lạc vào không gian của thi ca, âm nhạc và hội họa. Tiếng thông reo vi vu, khung cảnh gợi tình của thiên nhiên hoa cỏ, kiến trúc đa dạng, đền tạ trầm mặc uy nghiêm khiến ta liên tưởng tới tâm hồn lãng mạn và trí thức uyên bác của nhà vua.

* LĂNG THIỆU TRỊ (Xương lăng)

        Lăng của Hiếu tổ Chương hoàng đế ở hữu ngạn sông Hương, cách Huế chừng 6 cây số. Lăng xây trên núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, khởi công tháng 10 năm 1847 đến tháng 11 năm 1848 thì xong.
        Phía trong cùng vẫn là Bửu thành, trong đó có mộ vua. Trước Bửu thành là hồ Ngưng Thúy. Qua khỏi cầu Chánh Trung ở giữa hồ là đến lầu Đức Hinh. Ngoài lầu là Bi đình, trong đó có bia "Thánh đức thần công" ghi tiểu sử và công đức của vua Thiệu Trị do vua Tự Đức viết.
        Ngoài Bi đình là một cái sân, hai bên có tượng đá các quan và voi ngựa đứng chầu. Ngoài cùng là một cái bình phong rồi đến hồ Nhuận Trạch. Xương lăng giản dị như tính tình của vua Thiệu Trị. Lăng không có la thành bao quanh như các lăng khác, thay vào đó là những đồng lúa mượt mà, những vườn cây xanh tốt.
        Chính nhà vua, trước khi mất, đã dặn vua Tự Đức nên xây lăng thật kiệm ước, không nên xây nhiều đền đài, đình tạ mà hao tốn tiền của, sức lực của dân và vua Tự Đức đã tuân theo lời dạy ấy.

* LĂNG TỰ ĐỨC (Khiêm lăng)

        Lăng của Dực tông Anh hoàng đế là lăng đẹp nhất và tiêu biểu nhất, có thể xem như hoàng cung thứ hai với đầy đủ tiện nghi để nhà vua đến nghỉ ngơi cùng đoàn tùy tùng khi vua muốn tiêu dao cùng tuế nguyệt.
        Lăng Tự Đức tức Khiêm lăng cách Huế 7 cây số về phía Tây Nam là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình triều Nguyễn, nằm trên vùng đồi núi Dương Xuân xinh tươi tĩnh mịch, có tiếng thông reo suối chảy suốt bốn mùa. Lăng được xây dựng trong ba năm từ 1864 đến 1867 (trước dự kiến 6 năm).
        Lăng Tự Đức là một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp gồm khoảng 50 công trình khép kín trong vòng la thành, diện tích lên tới 225 héc-ta. Tất cả lăng tẩm và các kiến trúc khác đều có chữ "Khiêm" trong tên gọi.
 La thành mở ba cửa vào lăng : Vụ Khiêm, Thượng Khiêm và Tự Khiêm. Qua cửa chính Vụ Khiêm, bên phải là hồ Lưu Khiêm thơ mộng. Hồ nguyên là con suối nhỏ, được đào rộng thành hồ để thả sen, đất đắp lên thành đảo Tịnh Khiêm, một thế giới thần tiên để vua đi thuyền ra ngồi thư giãn dưới ngôi đình xinh xắn. Trên đảo, cây cối mọc trùm lên những dấu tích đình tạ thời xưa. Trên bờ hồ, về phía Tây có nhà thủy tạ Dũ Khiêm, phía Bắc có nhà thủy tạ Xung Khiêm làm theo kiểu nhà sàn trên mặt nước. Đây là hai nơi để vua ngắm trăng, hóng gió, câu cá, làm thơ.
        Từ nhà thủy tạ Dũ Khiêm leo lên 15 bậc cấp, qua một sân rộng, lại leo lên 16 bậc cấp nữa thì đến Khiêm Cung môn, cửa chính của bức thành bao quanh điện Hòa Khiêm, nơi thờ vua Tự Đức và hoàng hậu. Đây là nơi ở của vua khi còn sống. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, trước là chỗ ăn nghỉ của vua, nay là nơi thờ mẹ vua, bà Từ Dũ.
        Bên phải điện Lương Khiêm có Ôn Khiêm đường, nơi cất đồ ngự dụng, Chí Khiêm đường, nơi thờ các phi tần và bên trái là nhà hát Minh Khiêm đường, xây dựng năm 1866 để nhà vua xem hát. Đây là nhà hát duy nhất và cổ nhất của triều Nguyễn còn sót lại, có sân khấu cao dành cho vua và các quan ngồi xem hát bội hay ca múa nhạc cung đình.
        Từ Ôn Khiêm đường có một hành lang dẫn ra Trì Khiêm viện và Y Khiêm viện là chỗ ở của các phi tần theo hầu vua lúc còn sống và hương khói cho vua khi đã chết. Gần đấy là Tùng Khiêm viện, Dung Khiêm viện và vườn nuôi nai của nhà vua.
        Từ Khiêm Cung môn rẽ tay phải, theo con đường quanh co khuất khúc ven hồ, du khách sẽ đến khu lăng mộ. Ở đây du khách gặp Bái đình với tượng hai hàng quan viên văn võ đứng chầu, phía sau là Bi đình với tấm bia bằng đá Thanh cao 4 mét, rộng 2 mét, dày 0,5 mét, nặng 20 tấn, trên mặt khắc bài "Khiêm Cung ký" dài đến 4935 chữ do nhà vua soạn thảo để kể lại cuộc đời mình. Vua Tự Đức muốn dùng tấm bia đó để kể công và nhận tội trước lịch sử.
         Phía sau Bi đình là hai trụ biểu cao vút, sừng sững như hai ngọn đuốc toả sáng tượng trưng cho uy lực của vương quyền, rồi đến hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm trì và cuối cùng là Bửu thành với mộ vua bên trong và rừng thông bao phủ bên ngoài, ngày đêm vi vu lộng gió.
        Bên kia bờ hồ là lăng mộ của hoàng hậu Lệ Thiên Anh (vợ chính của vua) và khu lăng đơn sơ của vua Kiến Phúc (con nuôi của vua Tự Đức).
        Lăng Tự Đức là một công viên vĩ đại. Ông vua thi sĩ đã chọn cho mình một không gian của thơ và nhạc, của bình yên và vĩnh cửu để làm nơi nằm ngủ giấc ngủ sau cùng. Không có những con đường thẳng tắp, góc cạnh, mà chỉ có những con đường quanh co uốn lượn lát gạch Bát tràng rợp bóng thông, tùng, sứ, nhãn ôm ấp những công trình kiến trúc cổ điển tuyệt vời. Đường nét kiến trúc rất phóng khoáng, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, có thể làm chuẩn mực cho nghệ thuật phong cảnh và kiến trúc Việt Nam thời Nguyễn. Cùng với các đền đài lăng tẩm khác ở Huế, lăng Tự Đức rất xứng đáng được UNESCO (5) xếp hạng vào những di sản văn hoá thế giới (6).
______________________________
(1) Có sách xếp vua Kiến Phúc vào với các vua này là 7 vị, nhưng Kiến Phúc chỉ làm vua có 6 tháng thì mất (sử cho rằng ông bị Nguyễn văn Tường đầu độc) lại không có lăng riêng nên chúng tôi không xếp vào đây.
(2) Phạm Quỳnh dịch (Thượng Chi văn tập, tập III trang 74).
(3) Sách đã dẫn.
(4) "Trùng thiềm điệp ốc" : lối kiến trúc có một tầng mái phụ nối liền mái của hai nếp nhà xây cách nhau.
(5) Unesco : cơ quan văn hóa, khoa học, giáo dục của Liên hợp quốc.
(6) Trong bài có sử dụng một ít tư liệu của các tác giả Lê văn Hảo, Trịnh Cao Tưởng và Trần Đức Anh Sơn.





VVM.13.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com