Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




        

TIN PHẬT NHƯ THẾ NÀO
MỚI ĐÚNG CHÁNH PHÁP?

  


T heo thông kê về Tôn Giáo, thì số người theo Đạo Phật trên thế giới hiện nay chiếm khoảng 7% . Dự kiến sẽ giảm xuống còn 5% vào năm 2060. Tính theo toàn thế giới thì tín đồ Phật Giáo có khoảng 360 triệu, đứng hạng Thứ Tư, sau Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo. Theo Cục Thống Kê Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư năm 2019 thì tín đồ Phật Giáo ở Việt Nam còn khoảng 4,6 triệu người, tương đương 35% dân số, nhưng nhiều nhà lãnh đạo Phật Giáo không đồng ý con số này, vì họ cho là nhiều người theo Phật Giáo mà không kê khai. Theo các vị, người đi thu thập thông tin chỉ tính số người Quy Y mà không tính những người dù đi theo Đạo Phật nhưng không Quy Y. Rõ ràng những nhà lãnh đạo Phật Giáo bao giờ cũng mong muốn số người theo Đạo mình ngày càng đông, vì thế, khi nghe số lượng tín đồ Đạo Phật bị giảm thì một Thượng Tọa đã tuyên bố là bị sốc ! Hình như tâm lý chung của các nhà lãnh đạo Tôn Giáo là muốn cho tôn giáo của mình được nhiều người theo nhất, có lẽ là từ niềm tin và suy nghĩ của bản thân, thấy rằng đạo của mình mới là đúng nhất, có ích cho người theo nhất. Vậy chúng ta thử phân tích xem Đạo Phật có gì khác so với một số Tôn Giáo lớn hay không ?

Hầu hết những tôn giáo đều cho rằng Giáo Chủ của mình là có quyền năng, ban phúc, giáng họa, cầm nắm vận mạng của tín đồ. Thiên Chúa Giáo thì có trên 2 tỷ Tín đồ. Giáo Chủ là Chúa Giêsu, được cho là từ trời giáng sinh xuống trần gian để chuộc tội cho con người. Rồi cũng chính con người đã bắt, đã hành hạ, đóng đinh người trên Thập Tự Giá cho đến chết. Tín đồ Thiên Chúa giáo tin rằng Chúa là đấng tạo nên trời đất muôn vật và cằm nắm vận mạng con người từ sống, chết, nghèo, giàu, sướng, khổ đều do Chúa quyết định, những gì bất như ý là thử thách của Chúa, nên không dám oán trách, chỉ cầu xin để Chúa nhẹ tay. Người theo Thiên Chúa Giáo phải giữ 10 Điều Răn của Chúa và Sáu Điều Răn của Hội Thánh. Họ được dạy nếu làm lành thì khi chết được lên Thiên Đàng. Người làm ác phải chịu đày xuống Địa Ngục.

Hồi Giáo tuy cùng hệ thống Nhất Thần của các tôn giáo khởi ngồn từ Abraham, có lượng tín đồ khoảng 1,5 tỷ. Họ cũng có nói về Chúa Jesus, cũng tin ngày phán xử cuối cùng : Người tốt sẽ được thưởng lên Thiên Đàng. kẻ xấu sẽ bị đọa Địa Ngục. Nhưng họ cho rằng Jesus chỉ là sứ giả như bao nhiêu sứ giả khác. Họ thờ thánh Allah cho đó là đấng toàn năng, tạo thiên lập địa, sáng tạo và thông hiểu tất cả mọi vật.

Đạo Hindu hay Ấn Độ Giáo thì có 900 triệu tín đồ. Họ thờ hơn 1 triệu vị Thần, trong đó có 3 vị quan trọng nhất là Thần Shiva, đấng sáng tạo. Thần Vishnu, đấng bảo vệ muôn loài, và thần Brahma là thần của mọi tri thức. Tín đồ rất tin và sùng đạo, hàng ngày thờ cúng tại nhà và thường xuyên đến Đền.(Nguồn Internet). Nói chung, các Tôn Giáo Nhất Thần hay Đa Thần dù các Giáo Chủ mang tên khác nhau, do ai khởi xướng thì cũng đều tôn thờ Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ và thực hành theo những điều được khuyên dạy cầu xin để được che chở, phù hộ.

Đạo Phật thì Giáo chủ là Đức Thích Ca, không phải là Thần Linh, mà là một con người bình thường như tất cả mọi chúng ta. Xuất thân là một Thái Tử của một nước nhỏ thuộc Ấn Độ. Có vợ là một công chúa xinh đẹp và có một con trai. Nhân một dịp đi dạo ở ngoại thành, thấy con người phải chịu cảnh SINH, LÃO, BỆNH, TỬ làm Thái Tử ưu tư, suy nghĩ xem có cách nào để không phải chịu những cảnh Khổ đó không ? Thấy rằng cứ ở trong hoàng cung bận bịu vợ, con và việc triều chính, khó thể tìm ra câu trả lời cho điều Ngài đã trăn trở. Thế rồi, một đêm kia Ngài đã lẻn ra khỏi hoàng cung, sống đời sống du Tăng. Thời gian đó Ngài tìm Thầy học để mong có câu trả lời. Sáu năm học với sáu vị Thầy giỏi nhất mà chỉ học được một số phép thuật, nhưng vẫn không tìm được đáp án, dù đã làm đủ cách, khổ hạnh, nhịn đói, lõa thể, tuyệt thực. Cuối cùng, Ngài nhớ lại phương pháp Thiền Định đã học được, nên quyết định không tuyệt thực nữa, vì cho rằng “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối”. Ngài đã nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò rồi trải tòa cỏ, ngồi dưới cội cây Bồ Đề, phát nguyện sẽ không đứng dậy cho đến khi tìm ra lời giải đáp.

Rạng sáng đêm thứ 49, Ngài đã tìm ra câu trả lời nên xả Thiền, đứng dậy tuyên bố : “Ta lang thang trong vòng luân hồi, qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi KẺ LÀM NHÀ, từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Người không được Làm Nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi đã tan nát cả rồi. Trí ta đã đặt đến Vô Thượng Niết Bàn, Ta đã hoàn toàn giải thoát”. Đó là tóm lược nguyên do khiến Thái Tử Sĩ Đạt Ta Xuất Gia và hành trình tu học cũng như Đắc Đạo của Ngài. Từ sau khi Đắc Đạo, Đức Thích Ca đã dùng cả quãng đời còn lại để mở ra CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT hay còn gọi ĐẠO PHẬT, giảng dạy cho các Đệ Tử, được họ kế tục nhau truyền cho đến nay, tính ra gần 3.000 năm.

Sở dĩ phải dài dòng từ buổi đầu, phân tích lý do rời bỏ ngai vàng, xa lìa vợ đẹp, con xinh của Thái Tử Sĩ Đạt Ta - sau này gọi là Xuất Gia - cũng như cách thức mà Ngài đã tu hành, đắc đạo để chúng ta thấy : Trong khi các Tôn Giáo khác thì Giáo Chủ của họ không phải là người phàm, mà có nguồn gốc là Thần Linh, hoặc cho rằng đó là Con Thiên Chúa, từ trời giáng sinh xuống làm người, hoặc qua mặc khải cho sứ giả nào đó thì đều cho Giáo chủ là đấng sáng tạo muôn loài, có quyền năng định đoạt sống, chết, khổ, vui cho con người. Do đó, tín đồ phải tuyệt đối yêu mến, tuân phục, thờ phụng Giáo Chủ và làm theo những điều răn hoặc những lời dạy được ghi lại trong Thánh Kinh, để lúc sống được che chở, ban phước, lúc chết thì được về nước của các Ngài.

Riêng Đạo Phật thì khác hẳn. Lịch sử ghi lại, sau này các nhà Khảo Cổ học cũng đã đến tận những địa danh được cho là nơi Đức Phật đản sanh thì đã tìm thấy những dấu vết để xác minh là đúng là có những kinh thành xưa nơi đó, chứng tỏ là câu chuyện về Đức Phật là có thật. Đức Thích Ca thật sự là con người, không phải là Thần Linh giáng thế. Quá trình tu học, đắc đạo của Ngài cũng chứng minh sự chứng đắc đó chỉ là tìm ra Thủ phạm đã gây ra cảnh SINH, TỬ LUÂN HỒI cho kiếp sống con người, không có môn học nào để biến Đức Thích Ca thành Thần Linh, có quyền năng ban ân, giáng phúc hay thay đổi vận mạng cho người khác. Đạo Phật quan niệm rằng kiếp sống ngắn ngủi không đầy trăm năm mà con người bị quá nhiều nỗi Khổ bủa vây. Vì thế, mục đích tu hành theo Đạo Phật là để hết Khổ, gọi là được Giải Thoát. Người muốn Thoát Khổ thì phải tự mình hành trì theo những trình tự được Đức Thích Ca và Chư Tổ đi trước thành công để lại, gọi là Tự Độ.

Theo Đức Thích Ca, Thủ phạm làm con người phải Khổ không phải là Thần Linh hay Thượng Đế bên ngoài, mà chính là Cái Vọng Tâm, tức là Cái Tâm Mê Lầm của mỗi người - Cái mà Ngài đã bắt gặp được sau 49 ngày đêm Thiền Định và đã đặt tên cho nó là KẺ LÀM NHÀ. Chính nó đã xây lên những Ngôi nhà Sinh Tử, làm cho con người hết Sinh rồi Tử, hết Tử rồi lại Sinh gọi là vòng Luân hồi . Nó cũng là cái Chân Tâm, nhưng trong quá trình trôi lăn đã bị ô nhiễm. Chính nó đã Tưởng Lầm Cái Thân đang ứng hiện để trả Nghiệp Quả đã gây tạo trong quá khứ là Mình. Vì vậy mà trong kiếp sống, mỗi người vừa trả Nghiệp cũ lại tạo thêm Nghiệp mới rồi cứ thế mà tiếp tục trôi lăn triền miên trong Sáu đường (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Thiên, Nhân, A Tu La) nên cái Khổ không bao giờ dứt.

Người tu theo Đạo Phật là người muốn Thoát Khổ. Họ sẽ nương hướng dẫn của Chư vị Giác Ngộ đi tìm Thủ Phạm của Sinh Tử Luân Hồi - là Cái Tâm - để điều phục hay chuyển hóa nó, để nó “Phản Vọng, Quy Chân” . Công cuộc chuyển hóa Cái Tâm gọi là Tu hành, không phải là cạo tóc, đắp y, ngày đêm chuông mõ tụng Kinh, niệm Phật. Khi không còn Chấp cái Thân là Mình. Cái Tâm nhuốm Tham, Sân, Si, Thương, Ghét là Tâm của Mình, cởi được sợi dây VÔ MINH đã trói Giả Tâm, Giả Thân mình vào Giả Cảnh, lấy lại được sự Tự Chủ, thì người tu sẽ không còn bị pháp đời vùi dập nữa thì gọi là Thoát Khổ hay Thành Phật. Sở dĩ gọi là THÂN GIẢ, Tâm Giả, Cảnh Giả là vì cái Thân chỉ là Thân do Nghiệp Quả hình thành, ứng hiện để Trả Nghiệp. Khi hết Nghiệp nó phải trả về cho Tứ Đại những gì nó đã vay mượn, không thể trường tồn mãi, nên gọi là Thân Giả. Tâm Giả vì nó bám theo Cái Thân, nhận, và phản ứng với Các Pháp đến với Cái Thân. Mà Cái Thân vốn đã không thật, nên những phản ứng đó cũng không thật. Cảnh TRẦN kéo dài hàng ngàn năm, hết thế hệ này dến thế hệ khác sao gọi lả Giả ? Là vì nó là đối tượng của cái Thân Giả. Khi cái Thân còn tồn tại thì Cảnh tồn tại, Cái Thân hết kiếp thì đối với Cái Thân, Cảnh Trần cũng chấm dứt, nên gọi là Giả Cảnh. Do đó, Kinh Viên Giác gọi là “Dùng Huyển để trị Huyển”. Tức là dùng những Pháp Giả để trị những bệnh Khổ. Khi bệnh Khổ hết rồi thì thuốc cũng không cần nữa.

Đó là tóm tắt những gì cần hiểu, cần hành của người tu Phật. Phật không phải là Thượng Đế, vì không tạo ra con người hay mọi vật. Cũng không phải là Thần Linh có quyền phép cứu khổ,ban vui cho ai. Chính giáo pháp của Đại Thừa, cả Phật Giáo Nguyên Thủy đều xác nhận : “Đức Thích Ca không phải là Thần Linh. Chỉ là một người bình thường như tất cả mọi người. Nhờ đoạn trừ phiền não mà được Giải Thoát”. Đức Thích Ca cũng xưng Ngài là Đạo Sư, tức là người dẫn đường. Hoặc xưng là NHƯ LAI, có nghĩa là người không còn bị động tâm vì Các Pháp. Vì thế mọi người không nên tôn thờ Ngài để cầu xin được ban ân, giáng phúc, cứu khổ, cứu nạn, vì Phật không có khả năng đó.Tin Phật là Tin vào Giáo Pháp của Phật đã thuyết, rồi học hỏi, thực hành theo đó để được được Giải Thoát như Ngài, thưc hiện lời Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả Chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Thế nhưng, nhìn vào cách Tin Phật được các Chùa phổ biến ngày nay, chúng ta thấy khác hẳn với những gì Phật đã giảng dạy và Chư Tổ nối truyền còn ghi lại trong những bộ Chính Kinh. Đa phần Phật Tử Tin Phật là một vị Thần Linh giống như Giáo Chủ của những tôn giáo Thần Quyền khác , rồi cất thật nhiều Chùa, đúc thật nhiều Tượng ngày càng to, hàng ngày nhang khói cầu xin Phật phù hộ khi sống cũng như lúc qua đời mà không biết rằng đó là đã lai sang Thần Quyền, không còn là Đạo Phật theo đúng Chánh Pháp nữa.

Chúng ta nên biết, sở dĩ Đạo Phật xưng mình là Chánh Pháp là vì Mục đích của Đạo Phật, dù dùng mọi phương pháp nhưng chỉ để hướng dẫn cho con người cải tà, quy chánh, cải ác, hành Thiện bằng Giới, Bát Chánh Đạo, bằng những việc làm để người theo Đạo Phật trở thành người con có hiếu, người công dân lương thiện, hiền hòa. Không tranh chấp, không cao thấp, hơn thua hay làm thiệt hại cho người chung quanh, kể cả những sinh vật. Người tin và tự hành trì theo Giáo Pháp của Đạo Phật sẽ được Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử, được hạnh phúc, an vui trong kiếp sống, không phải để Thành Thánh, Thành Phật, nhưng nhiều người đã hiểu sai rồi Tăng Thượng Mạn khi thấy được chút gì trên con đường tu học.

Nhưng nhiều đời qua đã có nhiều sự hiểu lầm về Đạo Phật và cách thức tu hành, cầu xin, nương tựa Phật, Bồ Tát, là do những người lẽ ra không có quyền phổ biến Phật Pháp mà lại đi Giảng Pháp. Họ không biết rằng chỉ người đã Thấy Tánh, đã Chứng Đắc mới được giảng Pháp, truyền bá Đạo Phật. Điều này đã được Phật thực hiện qua việc TRUYỀN Y BÁT. Đầu tiên, Phật truyền cho Đức Ca Diếp, dặn dò là việc này nên tiếp tục để Phật Pháp được trường tồn. Nhưng lời Phật không được tuân giữ bao lâu. Chỉ sau khi Phật nhập diệt chừng 100 năm là các Trưởng Lão đã tách ra để lập riêng Phái Tiểu Thừa. Nhóm còn lại gọi là Đại Thừa do Tổ thứ Tư tiếp tục Truyền Y Bát lần hồi đến đời Tổ thứ 33 là Lục Tổ Huệ Năng mới kết thúc.

Từ khi Y Bát không còn truyền nữa thì mạnh ai nấy giảng pháp. Tu Sĩ chỉ cần đi tu vài năm, ở trong Chùa, ăn chay, niệm Phật, học thuộc một số pháp là ra giảng dạy, việc Truyền Y Bát hầu như không được nhắc đến. Không những thế, người bên Phật Giáo Nguyên Thủy không những hoàn toàn không biết đến việc Truyền Y bát, mà còn vận động mọi người chống đối rất quyết liệt kinh Đại Thừa, cho đó là “Kinh Ngụy tạo, do các Tổ nhiều đời sau khi Phật nhập diệt viết, không phải là lời của Đức Thích Ca thuyết”. Họ đã nói đúng, Kinh Đại Thừa là do các Tổ được Truyền Y Bát viết, không phải chép lại lời Phật thuyết. Có điều họ không biết rằng danh xưng Phật chỉ để nói về kết quả Giải Thoát mà người tu đạt được. Không phải là Thần Linh, cũng không phải là ngôi vị độc tôn, chỉ một mình Đức Thích Ca Chứng được, mà bất cứ ai, bất cứ thời nào, nếu thực hành đúng theo những gì được Đạo Phật hướng dẫn thì đều thành tựu như nhau. Do vậy mà gọi là có TAM THẾ PHẬT, tức là Phật Quá khứ, Phật hiện tại và Phật Vị Lai, vì thời nào cũng có người tu hành Chứng Đắc.

Cái Chứng đắc trong Đạo Phật cũng giống như bằng cấp Tốt Nghiệp của người đời. Người trước, người sau, khi đã tốt nghiệp rồi thì trình độ như nhau. Chính vì vậy Kinh viết : “Phật trước, Phật sau đều bình đẳng”. Vì vậy, khi Chư Tổ đã thành tựu cho mình rồi, thì thuyết giảng hay viết Kinh chỉ lại kinh nghiệm để hướng dẫn cho người sau có gì sai ? Điều đó chứng minh một lần nữa là những người chống đối Kinh Đại Thừa không hiểu lời Thọ ký của Đức Thích Ca : “Ta là Phật đã thành. tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Theo Đạo Phật, mọi phiền não, đau khổ, Sinh Tử Luân Hồi đều do Cái Tâm. Nhưng Cái Tâm thuộc về phần Vô Tướng, khó thể diễn tả, Phật phải vận dụng nhiều cách thức, tả nhiều cảnh giới nên dễ gây hiểu lầm. Chính vì vậy mà Kinh dặn dò có Bốn điều cần nên Y theo, gọi là TỨ Y.

Đó là : “Y PHÁP BẤT Y NHÂN. Y TRÍ BẤT Y THỨC. Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Y KINH LIỄU NGHĨA BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA”. Bởi vì “Y KINH GIẢI NGHĨA TAM THẾ PHẬT OAN”, Y theo Kinh mà giải nghĩa làm oan cho Ba đời Phật. Khi nghĩa của Tứ Y còn chưa minh định thì chắc chắn dù tu bao nhiêu lâu cũng không thể đạt kết quả cuối cùng của Đạo Phật được.

Nhiều Phật Tử cũng không biết rằng Phật không bao giờ yêu cầu tín đồ tin tưởng mình tuyệt đối, mà dặn dò qua Phật Ngôn : “Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy ta đã nghe thấy có người nói một lần rồi. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy đả được truyền lại từ xưa. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy được đồn từ phương xa đến. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy được viết ra từ trong Kinh sách. Đừng chấp nhận điều gì chính ta đã ức đoán và nêu ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì vì chính ta đả suy diễn và nói ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì bề ngoài tỏ ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì vì điều ấy hợp với thành kiến của ta. đừng chấp nhận điều gì vì tính cách có thể chấp nhận của các điều ấy. Đứng chấp nhận điều gì chỉ vì sự kính trọng của ta đối với người đã nói ra điều ấy.

Nhưng tự các con, các con đã hiểu rõ ràng có một điều gì đúng với đạo lý, không thể bị chê trách, được các bậc Thiện Tri Thức thiện tâm tán đồng và có thể mang lại hạnh phúc an vui, các con phải thực hành điều ấy” .

Ngay cả những lời được trích ra từ Kinh, được thuyết bởi những người mà ta kính trọng cũng không nên chấp nhận một cách dễ dãi, mà chỉ chấp nhận điều gì đúng với đạo lý, được các bậc Thiện Tri thức thiện tâm tán đồng, có thể mang lại hạnh phúc an vui...Đó là những lời dặn dò của Phật. Người chấp nhận những gì được nghe người khác thuyết giảng mà không cần đối chiếu để biết đúng, sai là người mà Đạo Phật gọi là thiếu trí. Muốn có Trí Huệ thì phải Tư Duy. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN dạy : “Nếu có người vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính pháp. Nhưng nếu không Tư duy thì trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề”. Chánh Tư Duy mới sinh Trí Huệ được. Đây là một trong Bát Chánh Đạo mà người Phật Tử cần phải thực hành.

Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của Tôn giáo, vì là chỗ dựa, là lẽ sống cho con người, bởi cuộc sống quá nhiều bất trắc, con người thì yếu đuối như nhau, không biết nương tựa vào đâu. Cũng nhờ sự giáo hóa của Tôn Giáo, vì tin tưởng vào sự thưởng phạt của Giáo chủ, mà con người bớt làm ác, biết sống lương thiện, biết giúp đỡ người khác, cùng dìu nhau qua kiếp sống tạm. Thời Phật tại thế, để chứng minh sự lời nói tương ưng với việc làm, không màng đến hưởng thụ vật chất, Phật và Chư Đại Đại Đệ tử, mỗi người chỉ “Một Y, một nạp”, ngụ ở cội cây hay ở trong rừng, đi chân không, ăn ngày chỉ một bữa, được cho gì, ăn nấy. Có Bài Kệ được cho là của Đức Di Lặc nói về cuộc sống của người tu hành :

Bình bát cơm ngàn nhà.
Thân chơi muôn dặm xa.
Mắt xanh xem người thế.
Mây trắng hỏi đường qua..

Nhưng từ sau khi Phật nhập diệt, có một lớp người đã không hành theo lời Phật dạy, họ lợi dụng sự tin tưởng, cúng dường của tín đồ mà được ăn trên, ngồi trước, nhà cao, cửa rộng, sử dụng phương tiện đời mới lại không phải vất vả làm ăn kiếm sống. Chỉ cần đi giảng Đạo, quảng bá về Phật. Họ ca tụng quyền năng của Phật, cho rằng Phật “quyền phép vô biên, cứu độ, ban ân, giáng phúc cho mọi người”, làm cho nhiều người xem Phật là Thần Linh để cầu xin, nương tựa, sông thì Cầu An, chết thì Cầu Siêu, không còn là Đạo Phật tin theo Nhân Quả, Tự Tu, Tự Độ nữa.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều thiên tai, dịch bệnh, động đất, lũ lụt, cháy rừng.. để lại hậu quả kinh khủng làm những người chỉ Tin vào sự hộ trì của Phật, củaThần Linh phải suy nghĩ lại. Tháng 4 năm 2015 , những trận động đất ngay tại Nepal là quê hương của Phật, đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, làm sụp đổ bao nhiêu tòa Tháp cổ quý giá. Gần đây nhất là nạn dịch COVID. Ấn Độ đứng đầu về số trường hợp mắc bệnh và số người chết lên đến hơn 3.000 người mỗi ngày. Oxy cũng không đủ để cho bệnh nhân thở. Người ta phải rút bình oxy của người già để nhường sự sống cho người trẻ hơn. Lò thiêu quá tải. Họ phải để xác chết nằm từng hàng lộ thiên ngoài đường rồi chất củi lên thiêu. Về sau thì củi cũng thiếu nên họ phải thả hàng trăm xác chết trôi tự do, hoặc vùi đại dưới cát trên Sông Hằng ! Tính đến nay thì con số người chết vì Covid tại Ấn Độ đã hơn 240.000 người, và những ca nhiễm bệnh đã vượt mốc 20 triệu ! Những lời cầu xin hầu như đã vô vọng ! Cho tới thời này mà người Ấn Độ còn uống nước đái bò và dùng cứt bò trét khắp người để trị bệnh. Họ thiếu ý thức đến độ người chết vì Covid mà họ sờ mó xác chết theo hũ tục, đến độ mấy chục người phải chết theo sau đó. Theo tin mới nhận được thì có cả 1.000 Bác Sĩ Ấn Độ đã chết vì Covid ! Một thiệt hại quá lớn cho ngành Y và cho cả nước Ấn, vì phải mất bao nhiêu năm mới đào tạo ra được một Bác Sĩ ! . Việt Nam ta thì trong tình hình dịch bệnh mà hàng chục ngàn người chen chúc nhau để đi Chùa, đi du lịch Đà Lạt. Về sau phát hiện có người của Chùa và người đi du lịch Đà Lạt trong những ngày lễ có người bị Covid hẳn là những người chen chúc nhau ở hai nơi đó trong những ngày đó đang nơm nớp lo sợ không biết Covid có gọi tên mình hay không ! Hiện nay Covid cũng đã có mặt vài nơi ở Miền Nam rồi, và lực lượng Công An vẫn còn phải vất vả truy lùng những người không chịu khai báo. Đã vậy, một số người vì tham tiền mà chứa chấp hay lén lút đưa một số người T.Q nhập cảnh bất hợp pháp, gây khó khăn cho chính quyền.

Ấn Độ là xứ của nhiều Đạo Giáo, họ thờ nhiều thứ Thần, mà Thần nào cũng được cho là đầy quyền năng. Do niềm Tin vào Thần Linh phù hộ mà họ không thấy mối hiểm họa đang chực chờ để tổ chức những lễ hội với số người tham dự đông đảo, và kết quả là môi trường tốt để cho đại dịch bùng phát, lây lan, chính quyền không đỡ nổi ! Đó cũng là quê hương của Phật. Nếu Phật thật sự linh thiêng và có quyền phép thì Ngài không thể nào không cứu dân mình, quê hương mình. Điều đó một lần nữa, xác định là Đạo Phật chân chính không sai. Bởi Giáo Pháp đã xác định Phật không phải là Thần Linh để cứu độ mọi người. Phật cũng không phải là Thượng Đế để xá tội cho những người ăn năn, sám hối, Ngài chì dùng Nhân Quả để hướng thiện cho con người, dạy cho mọi người biết : “Gieo gì, gặt nấy. Làm lành, gặp lành, làm ác, gặp ác” , không cần giáo chủ phải phán xét, tự mỗi người ý thức việc của mình sẽ mang lại hậu quả nào cho mình để “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, vì người chịu hậu quả là mình, không thể đổ cho ai khác !.

Tóm lại. Những mất mát, tang thương đang diễn ra khắp thế giới. Dịch bệnh đang hoành hành trên nhiều nước, dù rất là đau lòng, nhưng phải chăng là một sự nhắc nhở để Phật Tử xem lại NIỀM TIN của mình. Nếu TIN PHẬT, thì chỉ nên Tin vào Giáo Pháp của Phật, Tin sâu Nhân Quả để nương theo căn bản đó mà hành trì. Dù là Thừa nào, thì cũng “ăn ngay ở thật, mọi tật mọi lành”. Không cần đọc nhiều Kinh sách hay đi Chùa thường xuyên. Lục Tổ Huệ Năng dạy:

“Lòng bình đẳng đâu cần giữ Giới.
Làm việc ngay há đợi tu Thiền
Ân song thân hiếu dưỡng cần chuyên
Nghĩa huynh đệ dưới trên tương ái
..........
Vốn Bồ Đề tìm ở Tâm thanh
Ngoài mộng ảo muội manh nhọc kiếm..”

Không cần phải Xuất Gia, vô Chùa, cũng không cần hình tướng rườm rà, không cần Tứ oai nghi gò bó. Chỉ cần giữ cái Tâm cho ngay thẳng thì đã là tu. Không cần mong về Tịnh Độ của Phật nào. Kinh Duy Ma Cật dạy : “Trực tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sinh không dua vạy sinh sang nước đó”. “Tu Phật là Tu tâm”. Cứ Tâm mình mà chỉnh sửa cho ngay thẳng. Không nghĩ Ác, làm Ác, không toan tính hại người thì đã là có Giới. Học cho hết những Giáo Pháp, nào Tứ Diệu Đế, Bát chánh Đạo, Lục Độ, Vạn Hạnh, Tứ nhiếp Pháp, hành Thiền Định.. rốt lại cũng chỉ để trở thành một Con Người đúng nghĩa mà thôi, không thành ông Thánh hay Ông Phật nào, bởi Quả Vị chỉ là phương tiện của Đức Thích Ca bày ra để dụ con người cải Tà, quy Chánh, ngưng tạo Ác Nghiệp để khỏi bị quả báo mà thôi.

Là Phật Tử, tức con của Phật. Con của Phật thì phải Thành Phật. Muốn Thành Phật thì phải Độ Sinh. Muốn Độ sinh thì phải biết Chúng Sinh là gì ? Lục Tổ Huệ Năng dạy : “Chúng người hãy chú tâm mà nghe cho rõ. Những người mê muội đời sau, nếu biết cái Tâm Chúng Sanh, tức là Thấy Phật Tánh. Bằng chẳng biết cái Tâm Chúng sanh thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó gặp”. Ngài chỉ rõ : “Chúng sanh trong Tâm mình là Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này đều gọi chung là Chúng sanh”. Mọi người phải dùng Tánh mình mà độ lấy mình mới gọi là thiệt độ”. Chúng Sanh của mình mà mình chưa độ được mà còn đòi đi độ cho ai, hay nhờ ai độ cho?

Kinh viết : “Phật là vô tướng, do vô lượng công đức mà thành”. Bởi dùng từ Phật nghe lớn lao, không ngờ đó chỉ là một tư tưởng được giáo hóa để bỏ đi những âm mưu đen tối, trở thành trong sáng, thanh tịnh. Đó là “Một Chúng sinh đã “được độ”, được đưa về Phật quốc, hay gọi là đã thành Phật”, và Thành Phật chỉ có nghĩa là được Giải Thoát mà thôi. Tất cả chúng sinh đều được “độ” như thế, cho đến không còn chúng sinh nào hết. Đức Thích Ca đã làm xong cho mình nên Ngài đã “Thành Phật”. Kinh Kim Cang : “Ta đã diệt độ vô lượng vô số Chúng sanh. Nhưng thật ra không có Chúng sinh nào bị diệt dộ cả”, vì không cần phải “diệt” mới “độ” được, chỉ chuyển hóa nó từ tình trạng xấu xa, động loạn trở thành thanh tịnh. Thế thôi. Phật được hình thành từ những việc làm như thế đó, thì làm gì Có Tướng ? Đâu phải lấy gỗ, đá rồi chạm, đúc, đẽo, gọt..mà ra Phật !. Cho nên, TIN PHẬT là Tin bản thân mình cũng sẽ Thành Phật, tức được Thoát Khổ, rồi quay vào Tâm mình mà Sửa. Cải Ác, hành Thiện. Đó mới là Tin Phật theo đúng Chánh Pháp.

Niềm Tin có hai phía. Phía Tin và phía được Tin. Phía được Tin tức là những người mang sắc áo của Phật, được bá tánh xem như đại diện cho Phật. Trong Đạo Phật có Giới Vọng Ngữ. Nếu ta chưa biết rõ con đường tu hành, nhưng không chịu khó tu học cho đến nơi đến chốn, mà vì lợi dưỡng nên giảng sai, làm cho mọi người hiểu lầm về Đạo Phật thì công không bằng tội. Người ý thức Nhân Quả không bao giờ dám làm như thế, cũng không dám hưởng dụng của bá tánh cúng dường Phật, nếu không làm được lợi ích gì cho Đạo, mà chỉ lo vun vén cá nhân. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Số người Quy Y không nói lên được điều gì nếu họ không hiểu, không hành đúng Chánh Pháp.

Phía những Phật Tử thì Kinh không thiếu. Tìm đâu cũng có. Ngay cả muốn nghe Sư nào giảng ? Đề tài gì ? thì bao la trên mạng. Tại sao ta nói mến mộ Đạo Phật mà không dám bỏ chút thì giờ ra để đọc Kinh, tìm hiểu, để nghe ai giảng gì thì Tin đó rồi bị dắt sang Thần Quyền, mê tín cũng không hay ? Bên Thiên Chúa Giáo thì “Phúc cho ai không thấy mà Tin”. Ngược lại, Kinh Đại Bát Niết Bàn viết : “Ngay cả lời của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ cũng không nên thọ trì”, vì cho rằng bản thân mỗi người tu phải có sự sáng suốt, gọi là Trí Huệ. Và như mọi người đều biết : Đâu phải bất cứ ai vô Chùa cũng đều tu hành nghiêm chỉnh, đạo đức, Giới, Hạnh nghiêm minh, Lý, Sự viên thông, nắm vững con đường tu hành ? Nếu ta tu mà không biết phải làm thế nào để đạt kết quả thì sẽ về đâu ? Ngay cả Ngồi Thiền mà không biết Đức Thích Ca Ngồi như thế nào ? Làm gì trong lúc Thiền để Đắc Đạo. Đắc Đạo là đắc cái gì ? thì dù có Ngồi cả đời cũng làm sao Chứng Đắc, mà nếu bỏ cả đời tu để không Chứng Đắc thì tu làm chi ?

Đồng ý là lời Phật không hư vọng, đáng tin. Nhưng có những điều khi đối chiếu với thực tế rất mâu thuẫn. Thí dụ như nói “Phật cứu độ Tam Thiên Đại Thiên thế Giới”, sao Đạo Phật còn lại dạy Tự Độ ? Tại sao em Phật, con Phật là Ngài A Nan và La Hầu La cũng phải tự tu mà không để Phật độ cho ? Nói rằng tu Phật là để “thoát Sinh Tử”, trong khi Đức Thích Ca cũng chết, cũng trà tỳ ? Người tu Phật mà chưa giải thích được những điều mâu thuẫn đó thì chắc chắn còn quanh quẩn bên ngoài, chưa vào chính đạo được.

Tóm lại. Tin Đạo Phật là Tin Nhân Quả, mà đã là Nhân Quả thì không thể có việc Xin, Cho, có người hộ trì, đổi xấu, lấy tốt cho. Cả đời sống không lương thiện, lưu manh, lừa đảo, hại người, hại vật, lẽ nào khi chết chỉ cần Cầu Siêu là “Phật và Thánh chúng sẽ tiếp dẫn vong linh đưa thẳng về Tây Phương Cực Lạc” ? Nếu vậy thì Nhân Quả bỏ đi đâu ? ! Do đó, nếu ta tin vào việc Cúng Kiến, Cầu xin là đã ở bên Nhị Thừa, Quyền Thừa hay còn gọi là Thần Quyền, không phải là Nhất Thừa, là Phật Thừa nữa. Vì vậy, nếu chỉ Tin thôi mà thiếu Hiểu, Hành, thì e rằng khó đi đến đích của Đạo Phật được.

(Tháng 5/2021)





VVM.19.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com