Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




NGƯỜI CUNG NỮ
TRONG CUNG OÁN NGÂM
LÀ NHÂN VẬT ƯỚC LỆ

  


C ung oán ngâm với lời thơ trau chuốt cực kì tinh xảo, cách biểu hiện hiện sinh đầy cảm tính, đã tập hợp những suy nghĩ và cảm quan cụ thể để tạo nên nhân vật người cung nữ héo mòn tuổi xanh nơi cung cấm.

Nếu như Truyện Kiều là câu chuyện kể đoạn đời 15 năm lưu lạc của Kiều thì Cung oán ngâm chỉ là lời tự bạch của một nhân vật duy nhất thổ lộ tâm sự hoà trong suy tư về kiếp người. Quả là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có tài nêu suy nghĩ, cảm xúc thật ghê gớm: chỉ tả nỗi lòng của một cung nữ thôi mà đã dùng những lời thơ tuyệt đẹp cùng nhiều điển tích, viết nên được tác phẩm dài đến 356 câu.

MỘT Ý LẠ CỦA NHÀ PHÊ BÌNH NỔI TIẾNG HOÀI THANH ĐỐI VỚI CUNG OÁN NGÂM

Hoài Thanh trên Giáo Dục tạp chí số 5, tháng 1/1944 chê Nguyễn Gia Thiều và nhân vật cung nữ trong Cung oán ngâm đến thậm tệ. Xin trích lại nguyên văn:

“Ít có tập thơ kỳ dị như Cung oán ngâm khúc. Dầu kính mến cổ nhân đến đâu cũng không thể không nhìn nhận điều đó. Người cung nữ của Ôn Như Hầu thật trơ trẽn hết chỗ nói. Ta sẵn lòng tin rằng nàng có tài có sắc: khó tính làm gì với những người trong truyện? Khốn nỗi chính nàng lại tự ca tụng tài sắc của nàng. Làm sao một người con gái lại có thể tự khoe mình và mở miệng ra nói, dẫu nói một mình:

Tài sắc đã vang lừng trong nước,
Bướm ong càng xao xác ngoài hiên.
Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng.

Đám con trai mang bệnh Tề Tuyên bị bêu riếu đã đành, cả đến cây cỏ nàng cũng không tha:

Bóng gương lấp ló trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa

Giá nàng chỉ hiểu hai chữ mây mưa một cách tờ mờ thì câu này cũng còn tha thứ cho được. Tiếc thay nàng lại là người học hành thông thái. Cái dụng ý của tác giả muốn nàng hơn hết thảy những thiếu nữ trong lịch sử và trong tiểu thuyết đã làm hại nàng không biết mấy. Ôn Như Hầu đã cho nàng tài ấy, sắc ấy lại còn muốn nàng cũng có trí tuệ tuyệt vời. Nàng nhìn rõ đời chỉ là một tuồng ảo hóa, nàng chán nản, nàng muốn đi tu Phật, tu Tiên. Nhưng ngày nọ ta bỗng thấy nàng ở nơi cung cấm. Điều ấy ta đâu có trách nàng. Nhưng vào cung được vua yêu, cái vẻ tiểu nhân đắc chí của nàng dễ ghét:

Đóa lê ngon mắt cửu trùng.

Sự thực có thể như thế lắm. Nhưng giá nàng đừng nói ra và cũng đừng biết đến thì có lẽ hơn. Nàng thấy những cung nữ cùng một lứa với nàng rắc lá dâu để giữ xe dê, nàng mỉa mai:

Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

Nào nàng có ngờ rồi đây sẽ đến lượt nàng bị bỏ quên. Đến lúc đó tình cảnh nàng dầu đáng thương cũng khó gợi được lòng thương. Huống chi nàng lại còn thốt ra những lời than thở hoặc ti tiện:

Vốn đã biết cái thân câu trõ,
Cá no mồi cũng khó dữ lên.

Hoặc sỗ sàng:

Tình rầu rĩ làm khuây nhĩ mục,
Chốn phòng không như giục mây mưa

Hoặc ngoa ngoắt, ầm ĩ như thói thường hàng tôm, hàng cá:

Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!
Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ,
Xe thế này có dở dang không?

Hoặc hung hăng như Trương Phi lên sân khấu:

Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!

Đàn bà đâu mà lại ăn nói như thế? Chắc hẳn Ôn Như Hầu đã quên rằng đây là một thiếu phụ. Đáng lẽ phải tự mình hóa thân làm cung nữ thì tác giả đã bắt cung nữ phải hóa thân làm Ôn Như Hầu…”

Bài viết còn dài. Hoài Thanh không chỉ chê nhân vật cung nữ mà còn chê bai cả Ôn Như Hầu: “… Sự thực thì Ôn Như Hầu dầu sinh nơi quyền quý, vẫn là một người nhà quê, dầu có ngâm vịnh văn thơ vẫn là một ông võ tướng. Gấm vóc lụa là cùng phong hoa tuyết nguyệt đã không giấu được cái vẻ cục mịch của con người lại còn khiến càng điệu càng thêm cục mịch…”(1)

NÊN XEM NGƯỜI CUNG NỮ TRONG CUNG OÁN NGÂM LÀ NHÂN VẬT CỦA TIỂU THUYẾT

Hoài Thanh là nhà bình thơ hàng đầu nước ta. Cho đến nay chắc chưa có quyển sách bình thơ nào được mọi người ưa chuộng hơn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân.

Riêng ở đây thì Hoài Thanh lại quá nặng lời với cổ nhân. Nguyễn Gia Thiều quả là một võ tướng thật nhưng Cung oán ngâm lại là tập hợp những vần thơ rất hay. Kẻ văn võ toàn tài vẫn thường xuất hiện trong đời - cho nên điều Hoài Thanh chê “ Gấm vóc lụa là cùng phong hoa tuyết nguyệt đã không giấu được cái vẻ cục mịch của con người, lại còn khiến càng điệu càng thêm cục mịch…” là chưa hẳn đúng. Cung oán ngâm quả là có nhiều gấm vóc lụa là thật bởi lời thơ trau chuốt hoa mĩ. Cung oán ngâm quả cũng rất điệu bởi dùng rất nhiều điển tích… nhưng ta nào có thấy nó “cục mịch” đâu ?!

Chỉ có một điều thấy rõ: Hoài Thanh quên mất rằng đây là một tác phẩm văn học cổ điển(2) . Nhân vật trong thơ là nhân vật ước lệ(3) . Ước lệ là một đặc trưng quan trọng của hình tượng nghệ thuật cổ điển. Người ta không đòi hỏi hình tượng này phải hợp lí như trong đời sống thực, không cần xét là chi tiết mô tả có lý hay không có lý, đúng hay không đúng với thực tế cuộc sống bởi vì ở đây cái gì cũng được đẩy đến tuyệt đối: tuyệt đối đẹp, tuyệt đối tài tình… Khẩu vị của người đời xưa vẫn thế, thích cái tuyệt đối như trong truyện cổ tích. Chuyện Tấm Cám chẳng hạn: nhân vật chính diện là Tấm thì phải tuyệt đối hiền lành thật thà. Người tình của Tấm phải là vua, đầy quyền uy mà lại hết sức chung tình… Phía phản diện là Cám thì phải cực kì tinh quái, độc ác, mụ dì ghẻ thì phải hết sức keo bẩn, cay nghiệt.

Các tác phẩm viết của các Nho sĩ ngày xưa vẫn thế: Người chinh phu xuất hiện trong Chinh phụ ngâm là hình mẫu huy hoàng, tuyệt đẹp :“Áo chàng đỏ tựa ráng pha,/ Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in…”. Đến Thuý Vân, Thuý Kiều chẳng hạn thì phải là số một trong đời: “...Mai cốt cách, tuyết tinh thần,/ Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười./ Vân xem trang trọng khác vời, / Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang./ Hoa cười ngọc thốt đoan trang,/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da./ Kiều càng sắc sảo, mặn mà,/ So bề tài, sắc, lại là phần hơn. / Làn thu thủy, nét xuân sơn,/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh./ Một, hai nghiêng nước nghiêng thành,/ Sắc đành đòi một, tài đành họa hai./ Thông minh vốn sẵn tư trời, / Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm./ Cung thương làu bậc ngũ âm,/ Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương./ Khúc nhà tay lựa nên chương,/ Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân...”

Không chỉ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, Kiều còn tuyệt đối tài hoa (tài đành hoạ hai): Ngoài tài vẽ, Kiều giỏi về âm nhạc - mà không chỉ giỏi đánh đàn, Kiều còn sáng tác nhạc, đã viết nên khúc Bạc mệnh cho hồ cầm… Tìm con người tuyệt đối như thế trong đời chắc chẳng có, nhưng đấy là nghệ thuật, đặc biệt là của văn học cổ điển. Vì vậy có lẽ không nên chê Nguyễn Gia Thiều khi nàng cung nữ của Cung oán ngâm đã mang đầy đủ nét tuyệt đối về sắc, về tài:

Trộm nhớ thủa gây hình tạo hóa,
Vẻ phù dung một đóa khoe tươi ,
Nhụy hoa chưa mỉm miệng cười,
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu dung(4).

Áng Đào Kiển(5) đâm bông não chúng,
Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành.
Bóng gương lấp loáng dưới mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa!

Chìm đáy nước, cá lờ đờ lặn ,
Lửng da trời, nhạn ngẩn ngơ sa.
Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi(6) mất vía Hằng Nga(7) giật mình.

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý(8),
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương(9).
Cờ tiên rượu thánh ai đang,
Lưu Linh Đế Thích(10), là làng tri âm.

Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã.(11),
Địch lầu thu đọ gã Tiêu lang(12).
Dẫu mà tay múa miệng xang,
Thiên tiên cũng ngảnh Nghê Thường(13) trong trăng…”

Nàng cung nữ của Nguyễn Gia Thiều cũng là nhân vật tuyệt đối, không chỉ đẹp mà còn tài hoa xuất chúng. Đẹp từ thuở thiếu nhi (Nhớ từ thuở gây hình tạo hóa/ Vẻ phù dung một đóa khoe tươi), đến lớn đã “rợn sóng khuynh thành”, “ Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn/ Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa”, đẹp đến nỗi “Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình”; làm thơ thì hay hơn Lý Bạch; vẽ thì xuất sắc hơn Vương Duy; đến uống rượu lại hơn cả Lưu Linh; đánh cờ cao hơn Đế Thích; gảy đàn ngang Tư Mã Tương Như; thổi sáo hay như Tiêu lang; múa đẹp hơn cả khúc Nghê Thường trên tiên giới…

Tất cả là phải là số một trong đời. Đấy là ý thích của tác giả mà cũng là cái ưa thích chung của quần chúng thưởng thức nghệ thuật thời xưa. Không phải Nguyễn Gia Thiều không biết là phụ nữ thì không cần phải giỏi uống rượu, cao cờ… nhưng vì muốn tạo mức tuyệt đối; muốn chẳng tài năng nào của loài người vượt qua mức ấy…

Vả lại, Nguyễn Gia Thiều dựng lên nhân vật cung nữ chẳng qua là để mượn lời cung nữ để nói nỗi lòng riêng chán nản và mệt mỏi với “đường thế đồ gót rỗ khi khu” thôi. Nhân vật cung nữ tuyệt đối đẹp, tuyệt đối tài hoa ấy chỉ là hình mẫu tưởng tượng.

Việc Hoài Thanh chê trách thậm tệ Cung oán ngâm quả là không hợp lí. Tuy vậy chắc Hoài Thanh cũng thừa biết điều này bởi ngay ở đầu bài Hoài Thanh đã viết : khó tính làm gì với những người trong truyện? Biết nhân vật truyện chẳng qua chỉ là cái bóng của sự tưởng tượng do nhà văn dựng nên nhưng vẫn phê bình và đả kích. Đây cũng chỉ là một cách để thể hiện mình. / .

CHÚ THÍCH:
1. ĐƯỢC ĐĂNG LẠI BỞI HTTP://HONVIETQUOCHOC.COM.VN.
2. VĂN HỌC CỔ ĐIỂN: THEO CÁCH GỌI CỦA GS. THANH LÃNG: THỜI ĐẠI CỔ ĐIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM LÀ TỪ THẾ KỶ XIII ĐẾN NĂM 1862. GS. TRẦN ĐÌNH HƯỢU LẠI DÙNG TỪ “CỔ ĐẠI, TRUNG CỔ…” ĐỂ CHỈ THỜI KÌ TỪ THẾ KỶ X ĐẾN HẾT THẾ KỶ XIX. GS. NGUYỄN LỘC GỌI ĐÂY LÀ THỜI KÌ VĂN HỌC TRUYỀN THỐNG. SÁCH GIÁO KHOA TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY GỌI ĐÂY LÀ THỜI KÌ TRUNG ĐẠI THEO CÁCH CỦA GS. NGUYỄN HUỆ CHI.
3. ƯỚC LỆ: QUI ƯỚC TRONG CÁCH BIỂU HIỆN NGHỆ THUẬT (MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT MANG TÍNH ƯỚC LỆ SẼ BIỂU HIỆN THEO MỘT DẠNG THỨC QUI ƯỚC).
4. GẤM NÀNG BAN ĐÃ NHẠT MÙI THU-DUNG: BAN TIỆP DƯ LÀ CUNG NHÂN CỦA VUA THÀNH-ĐẾ NHÀ HÁN, VỐN ĐƯỢC VUA YÊU, SAU VÌ SỢ TRIỆU PHI YẾN GIÈM NÊN XIN ĐƯỢC Ở HẦU THÁI-HẬU. CẢM TÌNH CỦA VUA VÌ THẾ NGÀY CÀNG PHAI NHẠT. NÀNG ĐÃ LÀM MỘT BÀI THƠ VIẾT LÊN QUẠT GẤM, TỰ VÍ MÌNH NHƯ CÁI QUẠT ĐÃ TỪNG ĐƯỢC VUA YÊU NAY PHẢI CẤT ĐI.
5. ĐÀO KIỂN TỨC LÀ QUA TIỂU NGA, DA TRẮNG ỬNG MÀU HỒNG, MỖI KHI ƯỚT NƯỚC HAY CÓ MỒ HÔI THÌ TƯƠI NHƯ HOA ĐÀO NGẬM SƯƠNG. VUA THUẬN ĐẾ ĐỜI HÁN GỌI NÀNG LÀ YÊU ĐÀO NỮ; NHÂN VÌ VẬY MÀ CÓ TÊN LÀ ĐÀO KIỂN PHU-NHÂN (PHU-NHÂN CÓ VẺ ĐẸP NHƯ CÂY ĐÀO NON).
6. TÂY THI: MĨ NHÂN NỔI TIẾNG THỜI XUÂN THU. VUA NGÔ LÀ PHÙ SAI SAY MÊ NÀNG ĐẾN NỖI MẤT NƯỚC.
7. HẰNG NGA TRONG TRUYỀN THUYẾT TRUNG HOA LÀ MĨ NHÂN TUYỆT THẾ, VỢ CỦA HẬU NGHỆ. HẰNG NGA UỐNG TRỘM THUỐC TRƯỜNG SINH CỦA CHỒNG RỒI BAY LÊN CUNG TRĂNG.
8. LÝ BẠCH: ĐỆ NHẤT THI NHÂN ĐỜI ĐƯỜNG, ĐƯỢC ĐỜI SAU TÔN LÀ THI TIÊN.
9. VƯƠNG DUY LÀ NHÀ THƠ, NGƯỜI VIẾT THƯ PHÁP NỔI TIẾNG ĐỜI ĐƯỜNG, ĐƯỢC TÔN LÀ THI PHẬT CÙNG VỚI LÝ BẠCH (THI TIÊN) VÀ ĐỖ PHỦ (THI THÁNH) LÀ BA NGƯỜI NỔI TIẾNG VỀ THƠ. VƯƠNG DUY CÒN LÀ HỌA SĨ NỔI TIẾNG.
10. LƯU LINH: NGƯỜI CUỐI ĐỜI TẤN, NỔI TIẾNG VỀ TÀI UỐNG RƯỢU. THEO TRUYỀN THUYẾT TRUNG HOA, ĐẾ THÍCH RẤT CAO CỜ, ĐƯỢC TÔN LÀ VUA CỜ.
11. TƯ MÃ TƯƠNG NHƯ ĐỜI HÁN VĂN HAY, ĐÀN GIỎI, ĐÃ ĐÀN KHÚC PHƯỢNG CẦU HOÀNG KHIẾN TRÁC VĂN QUÂN MÊ, BỎ NHÀ THEO.
12. TIÊU LANG ĐỜI XUÂN THU, CÓ TÀI THỔI SÁO HAY NHƯ TIẾNG PHƯỢNG KÊU.
13. THEO ĐƯỜNG THƯ: ĐƯỜNG MINH HOÀNG MƠ ĐƯỢC LÊN CHƠI NGUYỆT ĐIỆN, THẤY CÁC TIÊN NỮ MẶC ÁO CÁNH CHIM, XIÊM Y NGŨ SẮC, HÁT BÀI TÂY THIÊN ĐIỆU KHÚC,  ĐẾN KHI TỈNH RA, CÒN NHỚ MANG MÁNG RỒI CHẾ RA KHÚC NGHÊ THƯỜNG CHO CÁC CUNG NỮ MÚA.





VVM.06.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com