T hế là ông Trump đã rời sân khấu ra đi, ông đã ra đi thật rồi! Là một diễn viên xuất sắc trong các vai quân tử tầu, ông lại vừa thủ vai chính trong một tấn tuồng đời hội đủ bốn mùi ca ngâm hỉ, nộ ái, ố suốt bốn năm trường. Nay ông bất ngờ bỏ đi vào phút chót, để lại một sân khấu trống vắng, liệu mấy ai có thể dửng dưng hững hờ cho được. Phe cuồng Trump thì ngơ ngác buồn vì từ nay sẽ vắng bóng thần tượng siêu sao, đã cho họ những cơ hội được hả hê vỗ tay tung hô vạn tuế, tôn vinh lên lên hàng thiên sứ hay lãnh tụ thiên tài. Phe cuồng chống Trump cũng buồn ngẩn ngơ không kém vì nay không còn được coi những màn show trình diễn để có dịp .được huýt sáo la lối om sòm sả xú bắp. Về phần tôi, một khán giả thuộc loại coi cọp, cũng không tránh khỏi phần nào ngỡ ngàng. Vậy xin được nêu ra một vài cảm nhận riêng tư, mà tôi mong sẽ được phần nào khách quan bằng cái nhìn của người ngoại cuộc. Xin thưa ngay rằng tâm sự của tôi là nỗi lòng của một kẻ cuồng si chẳng mấy chốc đã vỡ mộng với người yêu lý tưởng của mình. Tại sao vậy ?
Trả giấu gì quí vị, tôi dân con nhà lành, tuy không được một trăm phần trăm, nhưng hãy còn nhẹ dạ cả tin. Bởi vậy khi thấy ông Trump ra tranh cử với hai khẩu hiệu America first vá Make America Great Again, tôi đã phải lòng ngay. Lúc ấy, tôi thấy ông đánh trúng phóc tim tôi nên tôi đã kỳ vọng nhiều nơi ông, tin tưởng ông chính là bậc thiên sứ giáng trần để đem lại hòa bình, trật tự cho thế gian. Nhất là gặp thời buổi Tàu khựa với tham vọng bành trướng lãnh thổ, đang hung hăng nhe nanh khoe vuốt gây sóng gió tại Biển Đông. Nhưng chỉ sau một vài buổi sơ giao, mối tình si của tôi không chỉ như bông hoa sớm nở tôi tàn, mà mới chớm nở đã tàn. Khoan khoan, xin ai chớ vội bĩu môi chê tôi con người đen bạc, lòng dạ sớm mận tối đào. Sở dĩ tôi muốn sớm chia tay với ông Trump vì tôi cứ nghĩ rằng “yêu nhau đâu có phải cứ nắm chặt tay nhau, đôi mắt trợn trừng ngó nhau thắm thiết; mà phải biết cùng nhau nhìn chung về một hướng” (nguyên tác: “… aimer ce n’est point nous regarder l’un l’autre, mais regarder ensemble dans la même direction” - A. de Saint-Exupéry – Terre des hommes, p, 252; Bibliotheque de la Pléiade, édition Gallimard 1959). Bởi lỡ nghe theo lời xúi dại của cái nhà ông tây ấy, dân gốc phi công không chịu lo lái máy bay lại bày đặt học đòi viết văn, nên tôi đã nhận thức ngay rằng ông Trump và tôi không thể đi về chung một lối mòn, vì cả hai không cùng nhìn chung về một hướng. Chi bằng hai đứa nên hãy cùng nhau bye bye, xin được một lần vẫy tay chào and not see you again, là tốt nhất.
Tôi không thể cùng ông Trump đi chung trên một lối mòn vì tôi đã hiểu lầm dụng ý của ông Trump với hai khẩu hiệu « America First » và « Make America Great Again » ông tung ra để tranh cử. Tôi cứ nghĩ rằng, theo chút ít hiểu biết về lịch sử nước Mỹ của tôi, América first có nghĩa là cần làm sống lại tinh thần hòa đồng hòa hợp giũa các chủng tộc, sắc dân khác nhau trong một quốc gia thống nhất. Đó chính ý nghĩa của cái tên Etats – Unis, danh xưng chính thức của nước Mỹ mà biểu tượng là lá cờ với 50 sao phấp phới, tiêu biểu cho 50 tiểu bang kết hợp thành nước Mỹ. Hơn thế, lá cờ còn là biểu tượng cho các giá trị tinh thần làm nền tảng cho việc sáng lập ra nước Mỹ : lòng yêu chuộng tự do và óc mạo hiểm khai phá của các nhà lập quốc tiên phong, những giá tri tinh thần đã khiến nước Mỹ, từ một quốc gia tân lập non trẻ sớm trở thành một đất nước hùng mạnh nhất thé giới. Bên cạnh đó, còn có bức tượng Nũ Thần Tự Do với bó đuốc trên tay mang ý nghĩa biểu tượng soi đường chỉ lối cho những ai, chỉ bằng tài năng và nghị lực, muốn tìm đến nước Mỹ như là một miền đất hứa để thực hiện giấc mơ Mỹ quốc (the American dream) của mình. Chẵng phải tìm kiếm đâu xa, chỉ cần nhìn vào thành quả các nỗ lực tìm kiếm nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 đang gieo rắc trên toàn thế giới là thấy liền.
Đại dịch covid-19, có thể nói đây là tai họa lớn nhất cho loài người bước vào thê kỷ 21 này, có khi còn hơn cả trận dịch cúm Tây Ban Nha (grippe espagnole) hồi đầu thế kỷ trước. Trước tai họa thảm khốc ngày càng lan rộng do nạn dịch gây ra, các quốc gia đua nhau tìm kiếm để mong chế ra loại thuốc chích ngừa (vaccin) hữu hiệu nhất. Trong cuộc chạy đua này, Pháp vốn là quê hương của Louis Pasteur, người đã phát minh ra vaccin làm thuốc phòng chống hữu hiệu các loại bệnh dịch, cũng đành buông tay, lắc đầu xin chào thua. Chỉ riêng có Mỹ là quốc gia tây phương đầu tiên đã kiếm ra hai loại vaccin phòng chống dịch covid-19 hữu hiệu khiến nhiều nước trên thế giới đã phải giành nhau để xin mua, đó là vaccin của viện bào chế PfizerBiontech và vaccin của viện bào chế Moderna. Thành công này có được là nhờ công trình nghiên cứu tập thể của các chuyên viên và bác học Mỹ, trong đó có nhiều người là dân nhập cư. Đó là trường hợp của giáo sư Moncef Slaoui gốc dân Maroc và chuyên gia sinh học Katalin Kariko gốc ngưới Hung ga ri. Trong hai nhân vật này, trường hợp bà Katalin đáng để ta đặc biệt chú ý.
Sinh ngày 17-1-1955 tại Hung Ga Ri, khi ấy còn dưới chế độ cộng sản, trong một gia đình công giáo bần hàn với cha làm nghề bán thịt, bà Kariko ngay từ nhỏ đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc và có khiếu về môn sinh học (biologie). Sau khi đậu bằng tiến sĩ, năm 1985 bà quyết định cùng chồng và đứa con gái ba tuổi tìm cách đào thoát tới Mỹ. Do kiểm soát khắc nghiệt của nhà nước lúc bấy giở (không được mang quá 100 đo la ra khỏi nước), bà đã phải dấu số tiền 1000 đô la dành dụm được trong bụng con nu nuộc của đứa con gái mới có ba tuổi. Đạt chân được tới Nữu Ước, cả gia đình chỉ còn lại có 10 đô la. May mắn thay bà đã được đại học Pennsyvanie thâu nhận làm việc cho phân khoa sinh hóa học (biochimie). Nhờ vậy mà từ đó, bằng các công trình tìm kiếm của mình, bà đã lần lần leo tới đỉnh thang chức vụ và đóng góp cho sự vinh quang của ngành y dược Mỹ. (theo Paris Match no 3746 – Fevrier 2021). Câu chuyện của bà Katalin Kariko trên đây là thí dụ điển hình cho thấy sự hòa đồng, hội nhập giữa các sắc dân, chủng tộc khác nhau chính là nền tảng cho sự kiến tạo ra nước Mỹ, giúp cho Mỹ sớm được trưởng thành và mau lẹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Sở dĩ tôi phải lắm lời kể trên, vì chỉ muốn nói rằng nước Mỹ quả là miền đất hứa cho những ai có tài năng và quyết tâm đều có thẻ tìm đến để thực hiện ước mơ của mình. Bởi vậy những ai trước đây đã từng phải đi chui và nay được trở thành công dân Mỹ, không nên vội coi những toán người lần mò tìm cách lọt vào đất Mỹ, đều là nhũng thành phần bất lương đầu trộm đuôi cướp. Đầu trộm đuôi cướp, những đứa nhỏ mới lên năm lên ba đã phải rớt từ bức tường đang xây dở xuống đất để giúp cho bố mẹ nuôi hi vọng có ngày được đặt chân lên miền đất hứa? Di dân nay đã trỏ thành một vấn nạn trên toàn thế giới do mọi thứ tai họa gây đói khổ, chết chóc khắp nơi: hết thiên tai bão lụt hạn hán lại chiến tranh bạo loạn do do tranh chấp tôn giáo, ý thức hệ hay độc tài, tham nhũng… Bởi vậy để giải quyết vấn nạn này tận gốc, cần phải tìm ra được một giải pháp chung. Chứ không thể chỉ cho xây một bức tường ngăn đôi biên giới là coi như vấn đề sẽ được giải quyết. Vả lại một bức tường xây lên như vậy, đâu có thể là biểu tượng cho “Make America Great Again” được?
Bức tường đang xây dở ấy đã giúp tôi sớm tinh ngộ rằng ông Trump và tôi không thể đi về chung một lối mòn vì cả hai không ngước mắt về cùng một hướng. Trái với tôi nghĩ, América First với ông Trump có nghĩa trước hết là phải làm sống lại nước Mỹ của chủ nghĩa White Supremacism hay Chủ nghĩa Da trắng thượng đẳng, là chủ nghĩa đã gây ra cuộc Chiến tranh ly khai (Guerre de Sécession) hay cuộc chiến tranh Bắc-Nam (1861-1865) bất chấp Bản Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 ra đời. Không chỉ có thế, Chủ nghĩa Da trắng thượng đẳng còn là chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cái chết mới đây của George Floyd tại thành phố Minéapolis. Nhưng Chủ nghĩa Da trắng thượng đẳng dâu có phải chỉ chủ trương kỳ thị với dân da đen. Nó còn tác hại đến cả những công dân Mỹ không phải gốc Phi châu nữa. Chả thế mà mới đây tại khu phố, một vài ông già bà cả nhân buổi đẹp trời, ra đường đi dạo vừa để làm thể dục dưỡng sinh. Ai ngờ tai bay vạ gió, khi không nhận được những cú đấm như trời giáng làm xưng môi thâm tím mày mặt, chẳng hiểu ất giáp làm sao . Té ra lỗi của mấy ông bà già này chỉ vì màu da không được trắng bóc mà hơi nhờ nhờ như có pha thêm chút bột nghệ, Nhưng với thành viên của các Tổ chức QANon hay Proud Boys thì những dân nhập cư mang màu da này, bất kể là người Việt, người Tàu, người Đại Hàn hay Philippines v.v…, đều là cá mè một lứa. Nếu muốn dịch thành ngữ dân gian “cá mè một lứa” này của người mình ra thứ ngôn ngữ của ông Sheakspeare cho người Mỹ hiểu được, tôi đề nghị ta nên dịch thành “chinese or not chinese, it is the same”. Mà nghe đâu trong số các nạn nhân, một vài vi có con cháu đã từng vác cờ vàng ba sọc đỏ tích cực tham dự vào vụ tấn công điện Capitol ngày 6-1-21 vừa qua thì phải.
Xét cho cùng, chủ trương America First của ông Trump chảng khác gì cái chủ nghĩa Dân Túy đang lan tràn như loại nấm độc thế giới. Đó là thứ chủ nghĩa đề cao chủng tộc tộc, đề cao huyết thống mà một số chính trị gia thường đem sử dụng làm đòn bảy để khích động lòng yêu nước của người dân, dùng nó làm bàn nhún để tạc tượng cho mình như là một vĩ nhân lịch sử. Đó là trường gợp của Tạp Cận Bình ôm mộng làm chủ toàn vùng Biển Đông, Poutine với tham vọng tái lập Liên Bang Xô Viết. Thậm chí lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jung Un, mặt còn non choẹt người thì phục phịch như con heo nái; nhờ được ông Trump đến bắt tay tại ranh giới vĩ tuyến 38, đã tự cho mình là lãnh tụ anh minh, ngang hàng với lãnh tụ quốc gia hàng đầu thế giới. Không những thế, ông ta còn lấy đó làm lý do chính đáng để buộc người dân các vùng nông thôn Bắc Hàn vốn đã nghèo đói, nay lại còn phải thắt lưng buộc bụng thêm để đóng góp cho ông có phương tiếp tục thử các loại vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa đê diễu võ dương oai. Mỗi lần nghe tin Tập Cận Bình ngày càng hung hăng tại Biển Đông, Poutine sau khi đã sáp nhập Crimée nay lại nuôi ý đồ thôn tính vùng Dombass của Ukraine, hay hình ảnh cuộc diễn binh lên cơ bắp của Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng, tôi không khỏi rùng mình liên tưởng tới nhứng bước chân rầm rập diễn hành của các đoàn binh SS Dức Quốc Xã trước khi bùng nổ cuộc Đẹ Nhị Thế Chiến. Tôi có thương ông Biden hơn ông Trump là vì thế, chứ tôi đâu có phải là kẻ bạc tình dến thê.
Tôi thương ông Biden lắm cơ, cho dù ông nay không còn ở tuổi hồi xuân nữa mà đã bước vào thời kỳ cải lão hoàn đồng. Hồi xuân là tuổi của những ai còn ham chơi trống bỏi; bằng không lại đi đánh golf hoặc lo hưởng thụ đê được sống dối già. Còn cải lão hoàn đòng là trở về cái thời làm đứa trẻ lẫm chẫm biết đi. Leo được vài ba bậc thang đã lập cập vấp ngã, nhưng tiếng cười lại hồn nhiên vui tươi, ánh mắt ngây thơ trong sáng lại hướng về tương lại. Tôi có thương ông Biden hơn ông Trump vì lẽ đó. Nhất là sau khi tôi được nghe ông Biden lầu bầu than thở như sau: “ Trump ơi, toa hại moa quá. Ai biểu toa và đám đệ tử ruột của toa giờ này còn bai bải rằng cái ghế tông thống moa đang ngồi đây, là moa đã giựt của toa bằng bàu cử gian lận. Toa làm moa bi giờ chẳng khác chi cảnh gái ngồi phải cọc í,,,; không biết lựa lời ăn nói làm sao cho đẹp lòng quan viên hai họ sất cả. Toa cũng biết đấy, Khi không đám quân phiệt Birmanie nghe lời xúi giục của Tàu khựa, bắt giam bà Aung San Sui Ky, lấy cớ là đảng của bà gian lận bàu cử đẻ cướp đoạt quyền hành. Vậy mà moa cũng chỉ đành nhẹ lời khuyên bảo. Moa đâu dám mạnh bạo lên án, vì ngại chúng sẽ phản pháo rằng : Tốp tốp đi là vừa, ông nội. Ông nội có biết rằng cái ghế tổng thống ông nội đang ngồi là nhờ vào bàu cử gian lận đó không?” Cũng vì được nghe ông Biden than thở như vậy, tôi lại càng thương ông Biden nhiều hơn ( thương đây có nghĩa là quí mến theo cách nói của người dân miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long đó nghen, bà con). Thương trước hết, vì là nạn nhân của một chiến dịch vu khống bàu cử gian lận, ông vẫn cắn răng ngậm bồ hòn làm ngọt. Thương tiếp đến, là vì ông được ngồi vào cái thế tổng thống Hiệp Chủng Quốc thứ 46 bằng tôn trọng thể thức chọn lựa dân cử, đúng với tinh thần tự do dân chủ truyền thống. Nhờ vậy ông đã có thể nhân danh Mỹ, lên tiếng danh chính ngôn thuận trên chính trường quốc tế. Cái danh chính ngôn thuận mà ông Trump đã làm trở nên rè rè.
Rè rè bởi vì, như mọi người đều biết, sau khi kết quả kiểm phiếu được chính thức công bố, ông Trump vẫn lớn tiếng rêu rao rằng ông đã được hơn 73 triệu cử tri Mỹ dồn phiếu cho ông. Đó là thành tích mà trước ông, chưa có vị tổng thống nào ra tranh cử nhiệm kỳ hai đã đạt được. Có lẽ vì thế ông mới ấm ức, quyết tâm giành lại cái ghế tổng thống bằng bất cứ giá nào, bất kể chiêu thức sử dụng có chính đáng hay không. Trước hết nhân cơ hội bà niên trưởng Tối Cao Pháp Viện vừa qua đời, ông đã vội vã bổ nhiệm bà Amy Barret, một thành viên cộng hòa thế vào ghế trống. Cách bổ nhiệm như chạy tang này, làm tương quan lực lượng từ 5 Cộng Hòa, 4 Dân Chủ, nay lại nghiêng hẳn về phe Cộng Hòa với 6 Cộng Hòa, 3 Dân Chủ. Để dược chắc ăn như bắp, ông còn bỏ gần một giờ đich thân điện thoại cho thống đốc bang Georgia, hết ve vãn lại đe dọa nhàm thuyết phục thông đốc bang này sửa lại kết quả bàu cử, chi cần ông hơn ông Biden một lá phiếu, cũng đủ để ông giành được toàn bộ phiếu của đại cử tri đoàn Georgia. Bằng dường binh sập xám này, ông Trump chắc mẩm trước sau gì mình sẽ ở lại Tòa Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ nữa. Ai ngờ kết quả lại cho thấy ông binh lủng, vì ông đã tính sai một nước cờ.
Ông Trump binh lủng do tính sai nước cờ, ông vi đã quên rằng ông, Donal Trump là tổng thống của Hoa Kỳ, một quốc gia có nền tảng tự do, dân chủ; chứ không phải là một Vladmir Poutin của Nga Xô hay một Tập Cận Bình của Trung Quốc. Tại hai xứ sở này, cũng như tại mọi nước bị đặt dưới chế độ đọc tài chuyên chế khác, mọi sự đều được sắp xêp an bài, nên kết quả bàu phiếu cho người đương nhiệm bao giờ cũng là 99% đến 99,99%. Còn nếu tính thêm bonus thì kết quả số phiếu cho người đắc cử có thể còn lên tới 105%. Nói khác đi tại các nước này, một kẻ có tham vọng chính trị, khi đã có quyền lực trong tay rồi, thì lòng dân với họ có thể vo tròn bóp méo thế nào cũng được. Bởi vậy người dân tại các nơi đây vẫn thường phải bật miệng than rằng “ ý dân là… í chời !” Cũng bởi ông Trump là tổng thống một nước văn minh tiên tiến, có một truyền tự do dân chủ lâu đời, nên ông không có thể dùng quyền lực để hăm dọa hay mua chuộc được. Bởi vậy ông đã không thuyết phục được thống đốc bang Georgia sửa đối số phiếu của bang này giúp ông được chuyển bại thành thắng. Rồi khi các vụ kiện tụng lên tới Tôi Cao Pháp Viện, mặc dù có thêm bà Amy Barret mà ông Trump tưởng sẽ là đồng minh, phán quyết tối hậu vẫn là ông Biden đắc củ tổng thống với 8 phiếu thuận, một phiếu trắng. Chính phán quyết này đã làm tôi thương ông Biden hơn ông Trump, chứ không phải vì bản thân ông Biden hay cái ghế tổng thống ông đang tọa lạc. Tôi đâu có ngu gì mà lại bỏ rơi một người đang độ hồi xuân, để theo một ông già đi lập cập vấp ngã.
Tôi đã chọn thương ông Biden vì ông biết tôn trọng luật chơi dân chủ của các nước tự do văn minh tiên tiến nên đã giúp tôi lấy lại được niềm tin. Nhờ ông, tôi đã thấy được là nước Mỹ, tuy vừa trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng, nhưng không vì thế đã để đánh mất linh hồn. Mỹ chưa để bị mất linh hồn vì kết quả cuộc bàu cử vừa qua đã cho thấy Mỹ vẫn là một quốc gia thuộc khối tự do dân chủ. Nơi đây, mới đúng “ ý dân đúng là ý trời” vì việc lựa chọn nhà lãnh đạo đất nước được tiến hành đúng theo ý nguyện của người dân. Bằng chứng là cử tri Mỹ vẫn thể hiện được quyền tự do chọn mặt gửi vàng nên đã dành cho ông Biden trên 81 triệu phiếu, hơn hản con số 71 triệu mà ông Trump vẫn tự hào. Nhưng điều đáng nói hơn nữa là những người được chỉ định điều hành việc nước, dù là do dân bàu ra hay được bổ nhiệm, ngoại trừ một thiểu số, phần lớn không vì chức vụ hay quyền lợi riêng tư, đã biết tôn trọng Hiến Pháp và đặt quyền lợi của tối cao của đất nứơc lên trên hết. Đó chính là những sụ kiện này đã giúp tôi lấy lại được niềm tin, đồng thời cũng là biểu hiện cho thấy triển vọng tốt đẹp của các nỗ lực nhằm “Make America Great Again” .
Trên đây là bản trần tình các cảm nghĩ của riêng tôi về kết quả cuộc bàu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Những suy nghĩ có thể hãy còn sai sót hay nông cạn. Nhưng vơí lòng thành khẩn khai báo, tôi mong sẽ được các bậc cao minh hiền triết chỉ bảo cho những chỗ sai trái, để tôi được học hỏi cho thêm sáng mắt, sáng lòng.