Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




“NGÓ LÊN XÃ TẮC HAI HÀNG MÙ U”




N gười ta chia hoa ra làm nhiều loại khác nhau. Thứ nhứt là  hoa vương giả, thường trồng trong cung điện để vua và hoàng gia thưởng thức. Loại nầy gồm các thứ như phù dung, mẫu đơn, quỳnh hoa… Khi hoa nở, vua cùng hoàng hậu, phi tần mỹ nữ xúm lại xem hoa. Hoa đó đẹp lắm, chẳng hạn như hoa phù dung là loại hoa Lý Bạch đem ví với sắc đẹp Dương Quí Phi: “Phù dung như diện, liễu như mi.”

Hoa hồng là loài hoa tình yêu. Ở Mỹ, không ít chàng hằng ngày, hằng tuần mua hoa hồng tặng cho bồ. Ở Việt Nam cũng vậy. Tuy vậy, ông Phan Khôi có bài thơ hoa hồng khá nổi tiếng thời Nhân Văn Giai Phẩm:

Hồng nào mà chẳng có gai
Hay là những thứ hồng dài không hoa
Hồng nào mà chẳng có hoa
Không hoa chỉ có gai mà ai chơi
Ta yêu hồng lắm hồng ơi!

Phan Khôi ví công cuộc khánh chiến chống Pháp giành độc lập như cái hoa, còn gai là Cộng Sản. Vì yêu kháng chiến mà người ta bị gai chích.

Nhưng hoa hồng thường thấy tặng nhau trong giới có học. “Cô ấy” đẹp như hoa hồng. Và chắc gì cô ấy không có gai?!

 

Thế  còn giới bình dân?

Giới bình dân có nhiều loại hoa biểu tượng cho tình yêu. Trong thơ Nguyễn Bính chẳng hạn, đó là hoa mồng tơi. Khi mồng tơi trổ hoa, người ta tìm đến nhau, nhưng “Từ độ mồng tơi thôi trổ lá, Thì cô hàng xóm cũng thôi sang.” Đó là trong thơ! Còn trong văn? Trong “Quê Người” của Tô Hoài, Hời cũng có một người yêu. Tới khuya, khi vắng người, Hời đến nhà người yêu, ném qua cửa sổ một hoa bưởi. Đang dệt vải, ngửi thấy mùi hoa bưởi, cô thợ dệt vải biết người yêu của mình đang chờ ở bên ngoài. Trong cải lương, trước đây có vở tuồng “Hoa Tím Bằng Lăng.” Khi tôi còn ở trại cải tạo, có anh binh nhì địa phương quân, bị bắt về “tội” phục quốc. Khi trại có tổ chức văn nghệ, anh ta thường lên ca một bài cải lương nhan đề “Hoa Tím Bằng Lăng.” Ở tù hơi lâu mà không có án, không biết ngày về, đôi khi anh chàng bỗng sinh bệnh tâm thần, nằm lăn xuống đất la lối, nên bài ca anh ta thường ca được anh em đổi tên là “Hoa Tím Nằm Lăn.”

Hoa biểu tượng cho lòng chung thủy của người vợ là hoa quỳ, tên chữ  là hướng dương:

Ca dao có câu:

       Lòng em như hoa hướng dương,
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.

 

Trong Chinh Phụ Ngâm, bà Đoàn Thị Điểm viết như sau:

Tin thường lại, người không thấy lại,
Hoa dương tàn đã trải rêu xanh.

Hoa hướng dương đã tàn mà chưa thấy người chồng về, ý nói người vợ đợi chờ đã lâu.

 

Hướng dương lòng thiếp như hoa,
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương

Lòng người đàn bà như hoa hướng dương, lúc nào cũng hướng về chồng, là nói tấm lòng của người chinh phụ với chinh phu đang đi đánh giặc ở xa.

Việt Nam thuộc xứ nóng, có nhiều nắng nên cây cỏ  dễ mọc, hoa cỏ cũng vậy. Ở nhà quê, người ta nhìn hoa, hái hoa để tặng nhau nên cũng có nhiều loại hoa tượng trưng cho tình của chàng đối với nàng hay ngược lại. Chẳng hạn như “Trèo lên cây bưởi hái hoa, Bước ra vườn cà hái nụ tầm xuân” để tặng cô hàng xóm bên kia hàng rào mà than rằng “Em có chồng anh tiếc lắm thay…”

 

Có  những hoa nghe tên rất hay. Hoa mơ chẳng hạn. Người nấu thịt chó phải dùng thêm lá mơ. Tôi chưa từng ăn thịt chó nên không rành. Ở xứ tôi người ta không gọi là hoa mơ, mà gọi là hoa thúi địt (Xin lỗi độc giả). Có một thứ mọc hoang bên bụi gọi là bông lẹo, tụi trẻ dặn nhau đừng hái bông đó mà chơi, dễ bị mụt lẹo nơi mắt. Một số loại hoa có tên bắt nguồn từ thực tế.

Sau nầy, nhiều loại hoa được đưa vào văn chương, thi nhạc, chẳng hạn như hoa phượng để nói tới chuyện tình cảm đám học trò choai choai, hoa mắc cở.  Người Nam gọi là mắc cở, người Bắc văn vẻ hơn, gọi là hoa trinh nữ. Trần thiện Thanh, trong bài hát của ông, biến hoa trinh nữ thành một thiên tình sử giữa một đấng quân vương và giai nhân.

Loài hoa tôi nói ở đây, tên nghe cũng không văn vẻ  gì, nôm na lắm, đó là hoa mù u. Ngày xưa, người ta trồng cây mù u vì hai lý do. Một là để lấy dầu thắp đèn, hai là có bóng mát. Cây mù u lá dày, tàng cây rậm, cho bóng mát rất tốt.

Dĩ  nhiên, ngày xưa không có ngọn đèn thắp ngược như lời tấu trình của chánh sứ Phan Thanh Giản với vua Tự Đức, khi ông ta đi Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Bộ về. Các loại đèn thường có hồi ấy là đèn thắp bằng mỡ, bằng dầu. Mỡ thì dùng mỡ heo, khi bấc cháy, có mùi khét. Dầu lạc không hôi nhưng mắc tiền, chỉ có dân hít-tô-phe mới dùng đèn dầu lạc. Ngoài ra còn có đèn dầu chai, dầu chai là dầu lấy ở câu dầu trong núi, đốt rất sáng.

Ca dao có câu:

Ai ơi chớ phụ đèn chai,
Thắp trong nhà ngói, rạng ngoài nhà tranh


Thông dụng là đèn dầu mu u, vừa rẻ, vừa ít khói mà  lại sáng.

Vì  nhu cầu ánh sáng, người dân ta trồng nhiều mù u.

Võ  mù u cứng, bọn trẻ dùng làm bi để đánh chơi. Các bà cụ bán nước mắm, cắt vỏ mù  u như cái gáo dừa, tra một cái cán để múc nước mắm trong hủ, bán cho khách hàng. Ngày xưa không có chai thủy tinh như ngày nay. Đồ nung bằng đất sét thì nhiều. Hủ làm bằng đất sét.

Từ  việc trồng mù u để lấy dầu, mới sinh ra sáng kiến  đánh Tây bằng trái mù u. Năm 1857, Pháp và Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng, do tướng Regault De Genouilly chỉ huy. Pháp thì tàu sắt súng đồng, còn quân ta chỉ có gươm giáo, không tới gần quân Pháp và Y Pha Nho được. Quân ta bèn lấy trái mù u rải giữa đường, rồi phục binh hai bên. Quân địch mang giày sơn-đá (soldat), tới chỗ rải mù u, bị trơn trượt, té xuống đất. Quân ta bèn xông ra đánh giáp lá cà. Một phần vì quân ta gan dạ, một phần vì bị bệnh thời khí, vã lại ông cố đạo Pellerin có hứa rằng, hễ quân Tây Dương tấn công thì người có đạo trong nước sẽ nổi lên tiếp ứng, nhưng chờ lâu không thấy gì, bèn rút đi.          

Trong Đại Nội ngày xưa cũng dùng đèn mù u. Có phải vì vậy mà ở nền Xã Tắc trồng nhiều mu u để lấy dầu cung cấp cho triều đình. Huế  có mấy câu ca dao:

Văn Thánh trồng thông,
Võ Thánh trồng bàng,
Ngó lên xã tắc hai hàng mù u.

 

Tại sao Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng mà  không trồng ngược lại?

Tại vì cây thông gần với Văn hơn Võ. Nguyễn Công Trứ  có câu thơ:

    Kiếp sau xin chớ làm người 
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo 
Giữa trời vách đá cheo leo 
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

 

Đến đầu thế kỷ 20, Võ Liêm Sơn cũng viết:

 

       Bên mồ có mọc một cây thông
Để cho xương thịt máu vun trồng
Theo gió reo lên một khúc nhạc
Kêu vang chín chín ngọn non Hồng.   

  

Sự  gần gủi giữa cây thông với văn học, triết học (Lão giáo) không phải đến Nguyễn Công Trứ mới có  tư tưởng ấy, có lẽ trước đó đã lâu.

 

Còn trồng bàng?

Bàng là loại cây cho nhiều bóng mát. Trồng bàng là  để tạo nên bóng im cho các quan khi họ đến Võ  Thánh vào những ngày lễ cúng.

Bây giờ Võ Thánh không còn, mà thông Văn Thánh cũng bị đốn cả, khi Tây tái chiếm Huế và  đóng đồn ở đây. Sau nầy là một trung tâm huấn luyện của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Ông Ngô Đình Diệm chủ trương chấn hưng Khổng Giáo tại sao lại không chỉnh đốn, tu sửa Văn Thánh là nơi thờ ông Khổng Tử và thất thập nhị hiền. Chấn hưng là chấn hưng cái văn hóa đó trong đời sống dân tộc, trong sự Trung-Hiếu (Trung với nước, Hiếu với cha mẹ). Cái Trung đó cũng có lợi cho cái ghế tổng thống của ông Ngô Đình Diệm ít nhiều, bớt lo bị đảo chánh; chớ còn việc dựng lại bàn thờ để cúng thờ ma quỉ thì đâu có hợp với một người theo đạo thiên Chúa. Bát nhang thờ ông bà còn ra nằm ngoài hàng rào thì sá chi một ông thánh mặt mày lạ hoắc đời xửa đời xưa nào đó ở tận bên Tàu?!

Sau 1945, Xã Tắc không còn mù u. Người dân chặt làm củi hết rồi. Trong nội thành Huế, chỉ còn con đường trước Tam Tòa là còn hai dãy mù u trồng hai bên. Lá mù u lớn, chứa nhiều nước nên giọt nước trên lá mù u rớt xuống vừa to vừa nặng, tiếng kêu cũng lớn. Nhà thơ Đỗ Tấn tả cảnh đêm mưa ở Huế với cây mù u như sau:

 

   Đêm Huế mưa buồn như em không nói


Những cây mù u gục đầu
Lạnh về cắn xé đêm thâu.        

 

Về  mùa xuân, mù u nở hoa. Hoa mù u xấu, nhỏ  lại nở trên tàng cây cao và lớn, ít ai thấy, để ý. Ít ai dùng hoa mu u để biểu tượng cho con gái, tuổi trẻ, hạnh phúc. Vì vậy ca dao có câu:


  Bướm vàng đậu trái mu u
Lấy chồng càng trẻ lời ru càng buồn.   

 

Người thì đẹp lấy người chồng không “xứng đôi vừa lứa”  như con bướm vàng đậu trên cái bông mu u thì đời vui làm sao được. Vì vậy mà tiếng ru con nghe sao buồn lắm!

Có  một người từng học hành lớn lên ở Huế, cảm nhận được “Hồn Thu Thảo” của người xưa qua bóng cây mù u nên bày tỏ tấm lòng hoài cổ qua bài thơ như sau:


DẤU HOÀNG CUNG  

 Hoàng Thành lấp loáng ánh mù u
Cảnh cũ người xưa dáng mịt mù
Giọng hát liêu trai chiều nắng xế
Tiếng đàn cung nữ buổi trăng lu
Phấn hương ràng buộc đời nô lệ
Kinh sử xua tan nỗi hận thù
Xa giá xiêm y thời cổ tích
Lâu  đài soi bóng nước hồ thu.


Lê Ngọc Phái





| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com