Từ Vũ NewVietArt ViệtVănMới trân trọng
cảm ơn
nhà thơ, nhà biên khảo
Bùi Ngọc Tuấn đã ưu ái
cho phép đăng tải toàn bộ công trình biên khảo này.
C húng ta có rất ít tài liệu về đồ gốm cổ truyền Việt Nam, số người sưu tập đã ít, số sách vở viết về đồ gốm, đồ gỗ, đồ đồng Việt chỉ được phổ biến một cách hạn hẹp. Trong số tài liệu ít ỏi đó, phần lớn được viết bằng bởi người ngoại quốc ở Úc, Anh, Nhật… trong mươi, mười lăm năm gần đây. Nhiều người Việt không biết rằng dân tộc mình có một ngành nghệ thuật thuần nhất, phong phú, kéo dài nhiều trăm năm và rất được yêu chuộng bởi các nhà sưu tập trên thế giới. Những món đồ gốm, hình tượng gỗ, trống đồng này rất đặc biệt Việt Nam, rất đẹp và rất hiếm có. Chúng tôi có cái duyên may là yêu thích ngành nghệ thuật tạo hình đặc sắc này của ông cha, nên trong những năm qua đã có dịp tìm hiểu và sưu tập được khá nhiều món, từ tô, đĩa, đến bình, ấm, lư hương, chân đèn.. Càng tìm hiểu chúng tôi càng say mê hơn và nhận rõ hơn cái giá trị tuyệt vời của nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt Nam. Càng tìm hiểu chúng tôi càng bứt rứt vì thấy ít ai biết đến và ít ai sưu tập những món đồ thật sự Việt Nam, vừa đẹp vừa nghệ thuật, vừa giầu kỹ thuật sáng tạo lại vừa chứa đựng cả dòng diễn tiến của văn hoá nhà qua những món đo.à.. hoặc thường dùng hàng ngày, hoặc khi tế lễ, hội hè, từ thôn quê đến kinh đô. Do đó dù sự hiểu biết còn thiếu xót, dù cuộc nghiên cứu chỉ mới ở mức khởi đầu, nhưng cảm thấy không thể chờ đợi lâu hơn được, chúng tôi đành mang cái biết thiếu xót ấy, mang những vật tích gom góp được để trước là mua vui cho bà con, sau là khơi động lên lòng yêu văn hóa dân tộc, rồi từ đó những cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh sẽ được thực hiện bởi các nhà chuyên môn. Ngõ hầu người Việt chúng ta hiểu rõ hơn, yêu nhiều hơn, rồi cùng chung giữ và trân quí các món đồ biểu hiệu cả một dòng tình tự dân tộc. Hy vọng rằng một ngày gần đây đa số chúng ta biết và yêu những nét chạm khắc trên cột đình cổ, những cái trống đồng, những món đồ Chu Đậu, đồ Lý Trắng, Lý Nâu ... để càng hiểu và yêu thêm cái tâm tình thuần Việt được thể hiện qua bàn tay người nghệ sĩ Việt nhiều trăm năm trước. Để qua những cái đĩa, cái chén, cái trống đồng, các hình tượng ấy, chúng ta sẽ thấy rõ ông cha ta nhìn đời sống chung quanh mình thế nào.
Đ ồ đời Lý nhiều món thường có men trắng, hay trong lòng tô mầu trắng, ngoài mầu nâu đậm, nhưng không vẽ hình mầu, đồ Trung Hoa vào thời này lại ít khi dùng men trắng. Sang đến đời Minh, men lam hồi từ Persia được nhập cảng vào Trung Hoa và Việt Nam, từ đây, đồ Chu Đậu của Việt Nam đồ men lam Trung Hoa bắt đầu được phát triển, tạo nên hai loại đồ tuyệt đẹp, nhưng lại khác nhau hoàn toàn, tuy cùng có nhiều hình vẽ mầu xanh biếc trên nền men trắng ngần. Đồ Chu Đậu thuần Việt, còn đồ men lam của nhà Minh, nhà Thanh lại hoàn toàn Trung Hoa. Đồ ‘men lam Huế’ như chen vào chính giữa, có những nét Việt nhưng lại là đồ sứ Trung Hoa.
Đồ ‘men lam Huế’ đôi khi bị hiểu sai là đồ sứ làm ở Huế - là loại đồ men trắng xanh, do vua quan Việt Nam họa kiểu riêng, đặt làm bên những lò gốm nổi danh bên Tàu. Tên gọi ‘men lam Huế’ do ông Vương Hồng Sển dịch theo từ ‘Bleue de Hue’, do người Pháp dùng để chỉ các món đồ Men Lam Hồi mà họ thấy có nhiều ở Huế. Khi tìm hiểu về văn hóa Việt, ông này thấy ở Huế có nhiều món đồ men lam hồi đặc biệt nên gọi chung là ‘bleue de Hue’.
Đáng lẽ khi viết về đồ cổ Việt Nam ta không nên nói về đồ làm ở Trung Hoa, tuy nhiên đồ ‘men lam Huế tuy là xác Tầu nhưng lại mang hồn Việt’, nên chúng tôi thấy nên tìm hiểu rõ ràng, nên sưu tập.
Nói vắn tắt, đồ men lam Huế gồm những món sau:
- đồ Nội Phủ và đồ Khánh Xuân: Trịnh Sâm đặt,
- đồ Mai Hạc: Nguyễn Du đặt,
- đồ do các vua nhà Nguyễn đặt, đồ chữ nhật,
- đồ thờ nhà họ Đặng: Đặng Huy Trứ đặt,
- tô ‘Mó Rận’ và ‘Nằm ệch’ ... không rõ do ai đặt,
1. Đồ Nội Phủ và Khánh Xuân:
Đồ gốm và đồ sứ Trung Hoa vốn được bán ở Việt Nam từ lâu, nhưng hình như chúa Trịnh Sâm là người đầu tiên đặt cán lò sứ ngự dụng ở Trung Hoa làm những món theo ý riêng để dùng trong vương phủ của mình. Trịnh Sâm là một con người rất đặc biệt, văn võ kiêm toàn, tham vọng lớn, mà hào hoa cũng nhiều. Nếu ông không chết sớm thì chắc lịch sử ta cũng còn nhiều biến động.
Trịnh Sâm đặt làm rất nhiều đồ sứ theo ý mình, dưới đáy có ghi rõ từng kiểu: ‘nội phủ thị trung, nội phủ thị bắc, nội phủ thị tả, nội phủ thị hữu, nội phủ thị đoài....’ những món đồ này rất đẹp, xứng đáng là đồ ngự dụng. Nước men trắng, dầy, sáng, nét vẽ sắc, chi tiết linh động, mầu xanh biếc chỗ đậm chỗ nhạt. Khi uy quyền lên tuyệt đỉnh, Trịnh Sâm không hài lòng với ngôi chúa, mà muốn thoán ngôi nhà Lê để làm vua, dù rằng vua Lê lúc bấy giờ chỉ là bù nhìn, còn quyền lực đều ở cả trong tay Trịnh Sâm.
Ngoài việc cử sứ bộ Vũ Thần Triệu sang xin nhà Thanh phong cho mình làm vua khi Lê Hiển Tông băng hà. Để chuẩn bị lên ngôi, ông mang hết đồ ‘Nội Phủ’ dâng cho vua Lê (vào thời khác, đây là việc ‘khi quân’ có thể bị xử chém, vì không ai có thể mang đồ đã dùng cũ để dâng vua cả. Như thế đủ hiểu Trịnh Sâm coi thường nhà Lê thế nào, đủ hiểu vua quan nhà Lê hèn nhát thế nào). Rồi để thay vào đồ ‘Nội Phủ’, Trịnh Sâm lại đặt người Tầu làm một loại đồ khác, dưới đáy ghi kiểu ‘Khánh Xuân thị tả, Khánh Xuân thị trung…’
Đồ Khánh Xuân và đồ Nội Phủ đều do lò Cảnh Đức Trấn, điều khiển bởi tay kỳ tài Đường Anh dưới đời Càn Long làm. Tuy làm cùng một lò nhưng đồ ‘Khánh Xuân’ đẹp hơn và lộ ý muốn chiếm ngai vàng của nhà Lê một cách rõ rệt. Chúng tôi có được vài đĩa Khánh Xuân lớn 26cm, với hình rồng và lân (Trịnh Sâm và Thế Tử Trịnh Cán). Rồng vẽ trên đĩa này có năm móng, biểu tượng đế vương. Một vài đĩa khác cũng có vẽ đôi rồng 5 móng.
Nhưng mưu kế của Trịnh Sâm không thành. Khi cầm biểu cầu phong của Trịnh Sâm đi đến Động Đình Hồ, Vũ Thần Triệu đốt bỏ tờ biểu cầu phong rồi tự tử để khỏi mang tiếng phản vua Lê. Sứ bộ cầu phong đành về nước, mưu thoán ngôi của Trịnh Sâm bị hỏng. Rồi sức khỏe suy xụp, ông đau mà chết trước cả vua Lê Hiển Tông, năm đó Trịnh Sâm mới được 44 tuổi.
Ít năm sau, vua Quang Trung ra Bắc hai lần, lần trước diệt Trịnh phù Lê, lần sau phá quân nhà Thanh. Khi trở về Phú Xuân, vua Quang Trung mang theo phần lớn gia sản họ Trịnh, với cả đồ ‘Nội Phủ’ lẫn đồ ‘Khánh Xuân’. Khi Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, gia sản nhà Tây Sơn trở nên đồ dùng trong cung điện họ Nguyễn. Nhà Nguyễn suy, đồ trong cung bị hoạn quan lấy bán ra ngoài, vì thế đồ ‘Nội Phủ’ và đồ ‘Khánh Xuân’ chỉ có nhiều ở Huế.
Ông Vương Hồng Sển trước sau tìm được bẩy món Nội Phủ thị trung, bốn món Nội Phủ thị hữu, bốn món Nội Phủ thị đông, ba món Nội Phủ thị đoài, ba món Nội Phủ thị bắc, một món Nội Phủ thị nam và sáu món Khánh Xuân thị tả. Chúng tôi không may mắn như vậy, nên chỉ có bốn đĩa Khánh Xuân thị tả và vài món Nội Phủ, vậy mà cũng rất vui sướng rồi.
2. Đồ Mai Hạc:
Nguyễn Du, kẻ tài tử suốt đời gặp chuyện không vừa ý, không muốn làm quan mà phải làm quan, muốn lãng du với núi rừng Hồng Lĩnh mà lại sinh giữa thời cuộc đảo điên, thơ ông lúc nào cũng u uất cái tâm tư quằn quại của kẻ thất tình. Con người lãng đãng đó lại được vua Gia Long trọng đến cử đi sứ nhà Thanh (đời vua Gia Khánh). Những bài thơ trong Bắc Hành Thi Tập là những tiếng thở dài u uẩn, là nỗi đau trầm thống và cũng là niềm mong ước cuộc phiêu lãng triền miên giữa những vùng sương khói của núi rừng, của tâm tưởng. Năm ấy, năm 1813, khi cầm đầu sứ bộ Việt Nam, kẻ nửa quan lại, nửa nghệ sĩ đã ngao du khắp vùng danh thắng ở Trung Hoa tìm đến lò sứ Ngoạn Ngọc ở Giang Tây, nơi sản xuất những món đồ sứ nhà Thanh tuyệt hảo để đặt làm bộ chén trà ‘Mai Hạc’.
Bộ chén trà Mai Hạc là một tác phẩm Việt, được tạo thành bởi bàn tay nghệ sĩ Trung Hoa. Bộ Mai Hạc được sản xuất nhiều lần, ta dám nói rằng trước khi Nguyễn Du tới thăm, thì lò Ngoạn Ngọc không hề làm bộ Mai Hạc này. Bởi vì những bộ chén này gồm ba chén quân, một chén tống. Đây là cách uống trà của người Việt, không phải cách uống của người Tầu. Cái đĩa chỉ to vừa để úp ba chén quân cạnh nhau, còn chén tống thì được úp lên một trong ba chén quân.
Chén và đĩa giống nhau, vẽ hình một cội mai già đang trổ bông, thân mai cằn uốn như hình chữ nữ, chim hạc đứng bên phải cội mai, chân co chân duỗi, quay đầu nhìn xa. Phía bên trái có viết hai câu lục bát nôm bất hủ của Nguyễn Du:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen
Thơ nôm lục bát của Nguyễn Du, người Tầu không đọc được nên họ tìm cách ngắt câu cho cân đối một cách tức cười. Đồ sứ làm hoàn toàn bằng tay, mỗi món một lần, hình giống nhau nhưng nét mỗi bản mỗi khác, nên tùy hứng của người họa sĩ Trung Hoa mà hai câu lục bát này được ngắt câu sai vài cách khác nhau. Cách thường thấy nhất là:
nghêu ngao vui thú yên hà
mai là
bạn cũ hạc là người quen
Đĩa Mai Hạc còn thấy nhiều ở Huế nhưng chén Mai Hạc thì rất khó tìm. Những tay buôn đồ cổ ở Việt Nam nói rằng trong mấy năm qua, du khách Tầu, Nhật mê lắm, tìm mua hết mang về xứ. Uổng cái là người mình thì lại thờ ơ với một món đồ rất đẹp mà còn có cái gốc tích nên thơ như vậy. Những kẻ yêu cái đẹp, cầm cái đĩa mai hạc trên tay, đọc câu thơ nôm của Nguyễn Du thì khó có thể bỏ xuống ngay được. Men trắng mịn, nét vẽ mầu xanh lam hồi khi đậm khi nhạt, rất thần tình, hình chim hạc đứng trên gò đá cạnh cây mai gợi nên những niềm tâm tư lãng đãng của những chốn đi về của mộng mị, người nào quen thuộc với Bắc Hành Thi Tập, với Thanh Hiên Thi Tập thì còn như thấy ẩn hiện cái quằn quại của Nguyễn Du. Nhà Ngoạn Ngọc làm đĩa Mai Hạc với thơ nôm Nguyễn Du rôi, Nhà Nhã Ngọc lại làm thêm bộ chén y như vậy, nhưng lại viết hai câu ngũ ngôn chữ Hán:
hàn mai xuân tín tảo
tiên hạc táo chi đầu
nghĩa là:
hoa mai nở sớm báo xuân sang
chim hạc về trướùc đứng đầu cành
3. Đồ do vua nhà Nguyễn đặt, đồ chữ nhật:
Vua Gia Long, kẻ dựng nghiệp trên mình ngựa, từ năm 17 tuổi đã sống cuộc đời binh đao, khi lên ngôi phải lưu tâm đến việc củng cố chế độ, việc ổn định quốc gia, lại thêm đồ chiến lợi lấy được của nhà Tây Sơn còn rất nhiều nên không đặt làm chén đĩa mấy. Qua các đời sau, xã hội ổn định, văn học phát triển, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị bắt đầu đặt làm nhiều đồ riêng.
Có những món ghi niên hiệu vua nhà Nguyễn, ngoài ra còn rất nhiều món ký hiệu chữ nhật. Vì từ đời Minh Mạng, tên tức vị của các vua nhà Nguyễn đều thuộc bộ nhật. Loại đồ chữ nhật rất nhiều kiểu. Tuy cùng làm bởi các lò sứ nổi danh của Tầu, nhưng khác với đồ Mai Hạc của Nguyễn Du ở điểm là ngoài thơ nôm, lại còn vẽ những phong cảnh Huế, những chuyện tích của nhà Nguyễn. Ngoài bộ đồ trà, còn ống giắt bút, đĩa, còn phần lớn là tô lớn, to bằng cỡ cái tô ta dùng ăn bún bây giờ. Chúng tôi có một số tô loại này, và còn thấy một số khác ở Huế. Hình như ông Vương Hồng Sển là người sưu tầm được nhiều món thuộc loại này nhất.
Đời Gia Long có bộ chén trà ký niên hiệu Giáp Tý, Mậu Thìn, tô vẽ mãn họa san thủy niên hiệu Kỷ Tỵ và tô vẽ tứ thời niên hiệu Canh Ngọ…
Đời Minh Mạng thì có tô anh hùng hội niên hiệu Canh Thìn, ống bút niên hiệu Giáp Thân, điã trà sơn thuỷ niên hiệu Bính Tuất, hộp son để dóng ấn niên hiệu Mậu Tý, đĩa vẽ hạc rập, đĩa vẽ Đằng Vương Các niên hiệu Canh Dần, tô uống trà vẽ lưỡng long tranh châu ký Minh mạng niên chế, chén tống hoa dây ký Minh Mạng niên tạo…
Đời Thiệu Trị có bộ chén trà lộc-trúc, bình hút thuốc lào, tô chữ nhật không hình toàn chữ, tô ‘ngư gia độ hoàng gia’ hiệu Ngoạn Ngọc, chén ‘ngư gia độ hoàng gia’ hiệu Mỹ Ngọc. Chúng tôi may mắn có được một đĩa ‘Ngư gia độ hoàng gia’ vẽ sự tích Gia Long tẩu quốc, mà cụ Vương Hồng Sển đã tả trong bộ sách ‘Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế’...
Đời Tự Đức có rất nhiều món, đáng kể nhất là: đĩa ‘đồng-nguyệt-tùng-phong-cầm-vận’ (vẽ cây ngô đồng, vầng trăng bạc, cây thông già, trận gió mát, tiếng cung đàn, một vần thơ) năm Tự Đức ngũ niên, đĩa vẽ ông câu Nhâm Tý mạnh đông 1852, bộ chén trà ‘ngũ liễu’ năm 1857, và những món ký hiệu chữ nhật như tô vẽ Bá Nha Tử Kỳ có hai câu thơ nôm hai kẻ bạn tri âm - vui thay một khúc cầm - non cao cùng nước biếc - rằng để ít ai ngâm, tô ‘liễu mã’ vẽ bốn con ngựa đứng kề cây liễu (tích ‘Tứ mã công khanh’ ), đĩa vẽ bốn con vịt ‘phi minh túc thực’ (mỗi con một động tác: bay, kêu, ngủ, ăn)...
Nói chung đời Tự Đức có nhiều đồ dặt làm nhất và hình vẽ, nội dung dồi dào nhất, đồ đời Tự Đức thường ký hiệu chữ nhật.
4. Đồ thờ nhà họ Đặng:
Đặng Huy Trứ đi sứ nhiều lần, rồi lại giữ chức Bình Chuẩn Sứ, trông coi về việc buôn bán ở các cửa biển nên ông đã nhiều lần đặt làm đồ riêng cho mình. Vì cùng thời, cùng loại nên so với đồ Mai Hạc, đồ Chữ Nhật, đồ thờ nhà họ Đặng chỉ khác ở hình vẽ. Loại này rất hiếm, chúng tôi có được một tô giống như tô dùng đựng nước cúng trên bàn thờ nhà họ Đặng, với bài thơ nôm ‘một thức nước in trời’, mà cụ Vương Hồng Sển đã sưu tập được. Tuy nhiên tô của chúng tôi lại ký chữ nhật. Do đó có thể suy là ngoài những món đồ Đặng Huy Trứ đạt làm cho nhà vua, ông cũng đặt làm những món đó cho nhà mình.
5. Tô Mó Rận và Tô Ngã Lừa:
Chúng tôi chưa hề thấy tận mắt những món rất đặc biệt mà ông Vương Hồng Sển cho là đồ do sứ bộ nhà Tây Sơn đặt làm, ông cũng chỉ có bốn món: đĩa Trân Ngoạn vẽ hình ông già nhiều râu ngồi dựa cây liễu kế đó có ông tiên cưỡi ngựa với câu thơ nôm nhắc lại tích Trần Đoàn và Triệu Khuông Dẫn:
mó rận luận chơi thời sự
ngã lừa mừng thủa thái bình
đĩa Trân Ngoạn vẽ hình hai cội tùng cổ, cò ông già nằm bắt chân chữ ngũ bên gốc, với câu thơ nôm:
vắt chân nằm ghệch ngáy o o
ngẫm xem chẳng khác Dường Ngu thói thuần
đĩa vẽ hình ông quan ngủ ngồi dưới cội cây, thơ chữ Hán:
dụng hội tùy nhân hưu trước ý
thanh phong thùng hạ chỉ cao miên
đĩa Trân Ngoạn vẽ hình sông nước, thơ chữ Hán:
phong nguyệt thanh lâu song phú diệm
yên ba tịnh phiếm nhất châu khinh
đĩa Gia Lạc vẽ hình tòa thành cao, dưới đất có con ngựa gặm cỏ, kế bên có ông quan chỉ tay lên thành đứng cạnh một người nhỏ vóc, như kẻ tùy tùng, thơ nôm:
một cụm lâu đài mỉa tốt tiên
khác con mát tục tức ưa nhìn
no nao tay phím dây cầm sắt
kẻo nhọc thung thăng sứ điệp truyền
Ông Vương Hồng Sển cho rằng đây là đồ đặt làm bởi nhà Tây Sơn vì ông suy từ cái khẩu khí của mấy câu thơ này. Chúng tôi không đồng ý cũng chính vì lối suy luận riêng về cái khẩu khí của mấy câu thơ ấy. Đời Tây Sơn chuộng kẻ anh hùng, thanh gươm yên ngựa, sao lại làm thơ sao thoát tục như vậy. Thêm nữa, nước men kém mịn, nét vẽ lại lem luốc, chúng tôi độ rằng đây là đồ đời nhà Nguyễn sau này.
Tóm lại đồ men lam Huế làm bởi các lò sứ Giang Tây nổi tiếng nhưng do người Việt vẽ kiểu, đề thơ. Tuy rằng chưa cổ gì mấy (từ đời Trịnh Sâm đến nay chỉ mới ngoài hai trăm năm) nhưng vì vừa thể hiện tâm tình Việt, vừa đẹp, lại vừa rất đặc sắc ở chỗ ‘xác Tầu, hồn Việt’ nên xin kể như một nhánh đặc biệt của văn hóa Việt Nam.
... CÒN TIẾP ...