Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Đền Ngọc Sơn HàNội







NHỮNG MIẾU THỜ

DANH TIẾNG KHẮP NƯỚC


Miếu Đại Càn

Đại Càn là danh xưng vắn tắt của Đại Càn Quốc Gia Nam hải Tứ Vị Thánh Nương. về nguồn gốc thờ phượng nầy được các nhà nghiên cứu tín ngưỡng dân tộc trình bày như sau: Vào thàng ba năm 1279, quân Nguyên Mông đem những lực lượng hùng hậu của mình tấn công vào đất Nam Tống tại vùng rừng núi Nhai Sơn, phía Nam huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông.

Trận chiến diễn ra vô cùng khốc liệt; cuối cùng thì quân Nam Tống đại bại. Trong giây phúc khẩn cấp nhất, vị Tả Thừa Tường của Nam Tống là Lục Tú Phu đành phải xông pha trong vùng gươm đao cõng vua Nam Tống là Đế Bình chạy ra vùng duyên hải, nhưng thế cùng lực tận đành phải nhảy xuống biển trầm mình. Cũng trong khi đó thì những lực lượng hậu quân cũng như quân binh đi theo bị sát hại vô kể.

Theo lời đồn thì có đến 100,000 xác người Nam Tống đã bị sát hại trong vòng 7 ngày, thây nổi trên mặt bể ngỗn ngang vô kể. Những người trong triều đình, kể cả hoàng tộc cũng không tránh khỏi tai ương nầy. Khi đó, Dương Thái Hậu cùng với 3 cung tần và công chúa vớ được môt tấm ván trôi dạt vào một ngôi chùa vùng duyên hải và được cứu sống. Họ được dân chúng trong vùng săn sóc, sức khoẻ dần dà được khôi phục. Nhưng trong chùa đã gặp phải một sư hổ mang, khi thấy nhan sắc tuyệt trần, cho nên đã mang tâm chuyện ép liễu nài hoa, tính chuyện làm nhục.

Dương Thái Hậu và các cung tần công chúa cương quyết cự tuyệt. Nhà sư sau khi nghe những lời khuyên can của Dương Thái Hậu, đã hồi tỉnh và đã gieo mình xuống biển tự vận. Nhưng cái chết đó cũng khiến cho bốn bàn ân hận. Trong tình trạng nước mất nhà tan, gặp nhiều cảnh điêu linh không lối thoát cho nên cả bốn bà cũng gieo mình xuống biển tự vận theo.

Bốn thi thể nầy trôi lênh đênh trên mặt bể; sau cùng thì tấp vào cửa Cờn, trong địa phận bờ biển huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Những người ngư phủ địa phương nầy thấy những thi thể nầy vẫn còn nguyên vẹn, dung mạo uy nghi, cho nên đã tổ chức chôn cất chu đáo, đồng thời cũng lập đền để cúng tế, càu siêu độ, được gọi là "Càn Hải Từ".

Dân chúng trong vùng thường đồn nhau rằng ngôi miếu nầy rất linh thiêng. Những khách đi buôn theo đường biển thường hay đến cầu đảo để tránh những tai họa thì thường được ứng nghiệm ngay; lễ bái ngày càng đông và ngôi miếu được trùng tu ngày càng khang trang hơn nhiều.

Vua Trần Nhân Tôn ở nước ta sau khi nghe được câu chuyện và đức hạnh của những vị nầy đã tổ chức phong tặng tước vị là "Đại Càn Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương". Về sau những vị vua khác cũng đã cho trùng tu đặc biệt là cuộc trùng tu, kiến tạo quy mô nhất vào năm 1312 đời vua Trần Anh Tông. Dân chúng vùng duyên hải nầy nhân đó thường đến cúng tế trong những ngày Sóc Vọng.

Mỗi năm đến ngày mồng 3 tháng 4 là đại lễ của miếu Đại Càn. Vào đời vua Duy Tân, thần hiệu nầy cũng đã được gia phong là "Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hoá Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng Thần. Tại Huế, miếu Đại Càn được dựng lên tại làng Thanh Phước, huyện Phú Vang.

Miếu bà Vân Hương Thánh mẫu

Những nhà biên khảo tín ngưỡng dân gian, khi trình bày Bà Chúa Ngọc thường nêu lên một số đặc điểm:

(a) Khi đề cập đến việc thờ cúng Bà Chúa Ngọc thì người ta thường liên tưởng đến ngày hội Phủ Giầy ở thôn An Thái, xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thật ra việc thờ Liễu Hạnh Công Chúa được tổ chức nhiều nơi khắp ba miền đất nước.

Một bản thông kê của hội Chân Biên, có đến 34 đền thờ lớn nhỏ khắp toàn quốc về Liễu Hạnh Công Chúa. Nhiều nơi như tại Thừa Thiên - Huế thì gọi là đền thờ Vân Hương Thánh Mẫu.

(b) Những nhà dân tộc học thường liệt Liễu Hạnh Công Chúa vào nhân thần; tuy nhiên, căn cứ theo gốc gác thì đây là nhân vật huyền thoại.

(c) Trước khi Liễu Hạnh Công Chúa hiễn thánh và được tôn phong là Thánh Mẫu thờ phụng tại nhiều nơi, dưới những dạng thức khác nhau và danh hiệu cũng khác nhau, thì đã xuất hiện và khá phổ biến tước hiệu như Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu.

Tôn phong là Thánh Mẫu, nhưng căn cứ theo huyền thoại về Liễu Hạnh Công Chúa thì nhiều nhà dân tộc học lại liệt vào loại Vương Mẫu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: "Việc tôn phong và thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã phản ánh một cảm quan huyền thoại, một sự tín ngưỡng chân thành, một đời sống tâm linh tao khiết..."

(d) Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu đã liệt Liễu Hạnh Công Chúa là một trong "tứ bất tử" trong hệ thống tín ngưỡng dân gian. Ba vị khác là bà Chúa Thượng Ngàn, bà Chúa Xứ (núi Sam) và Linh Sơn Thánh Mẫu (núi Bà Đen - Tây Ninh).

(e) Về phương diện thi văn, Liễu Hạnh Công Chúa thường đàm đạo với nhiều danh sĩ đương thời (?); chẳng hạn như những giai thoại văn chương giữa Liễu Hạnh Công Chúa với danh sĩ Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng).

Trong Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện có trích dịch (Phan kế Bính) 4 bài "từ" của Liễu Hạnh Công Chúa là Xuân từ (điệu Xuân quang hảo) Hạ từ (điệu Cách phố liên) Thu từ (điệu Bộ bộ thiềm) Đông từ (điệu Nhất tiễn mai). Những bài từ nầy cũng được Liễu Hạnh Công Chúa phổ vào những bản đàn.

Thờ cúng Bà Thiên Hậu

Rất nhiều ngôi chùa thờ bà Thiên Hậu. Hoặc thờ riêng một ngôi đền riêng, hoặc thờ chung trong chùa chiền, theo mô thức "tiền Phật hậu Mẫu" hay đảo ngược lại.

Thông thường bên cạnh tượng của bà Thiên Hậu còn thờ chi vị khác. Bên phải có tượng thờ bà Kim Hoa, tức là vị thần trông coi việc sinh sản (phồn thực); bên trái là tượng ông Thần Tài. Những mẫu kiến trúc, đồ hoạ trang trí thuộc mô hình của thế kỷ XIX. Còn chùa thờ chung thì khác.

Chẳng hạn như ngôi chùa Ông Bắc tại Long Xuyên, do người Hoa gốc Quảng Đông dựng lên. Từ ngoài vào, trước hết là tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát. Kế đến là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Phía bên trong, ở giữa thờ Huyền Thiên Thượng Đế, bên trái thờ Quan Thánh Đế Quân. Bên phải thờ Thiên Hậu Thánh mẫu. Ngoài ra còn thêm những tượng khác: Ông Thiên Lý Nhãn, ông Thương Phong Nhĩ. Chùa Quan Thánh Đế Quân tại Long Xuyên thì thờ: ông Bổn (Thần tài) Ông Táo Quân, Ông Địa, Quan Công và bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Chùa Ông Quắc ở Long Xuyên do người Hoa gốc Phúc Kiến lập nên thì tượng của Bà Thiên Hậu thờ phía sau tượng và bàn thờ của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chùa Ông ở thị xã Châu Đốc do người Hoa ở những bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ lập nên. Bà Thiên hậu Thánh Mẫu được thờ bên cạnh tượng Quan Công, Ông Hổ, Hiệp Thiện Đại Đế, Phước Đức Chánh Thần. Lễ thỉnh sắc từ đền Bà Thiên Hậu về chùa Bà. Lễ nầy được tổ chức vào lúc 15 giờ ngày 24.

Tại miếu Bà, các bô lão trong làng và Hội đồng quản trị lễ phục chỉnh tề sang thỉnh sắc ở lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu Bà. Đoàn thỉnh sắc rất đông đúc từ viên chức, bô lão, quan khách đến dân chúng. Đội múa lân của miếu Bà đi trước dẫn lộ. Kế đến là vị chánh bái, hai bô lão đại diện và các chức sắc. Những người đi dự đều cầm cờ phướn theo hầu trước và sau long đình.

Khi đến trước điện thờ Thoại Ngọc Hầu, mọi người dâng hoa, niệm hương tế lễ. Sau phần nghi lễ, đoàn cung thỉnh bốn bài vị lên long đình về miếu. Bốn bài vị đó là: bài vị của Thoại Ngọc Hầu, bên trái là bài vị Bà chánh phẩm Châu Thị Tế, bên phải là bài vị bà nhị phẩm Trương Thị Miệt, cuối cùng là bài vị Hội đồng. Khi về đến miếu, các bài vị đều được an vị ngôi chính điện. Ban Quản trị làm lễ dâng hương thỉnh an. Buổi lễ thỉnh sắc chấm dứt.

Lễ túc yết: Lễ nầy được tổ chức vào lúc 0 giờ ngày 26 tháng tư (âm lịch). Những người tham gia chủ lễ có: chánh bái, các bô lão, ban quản trị; phía sau có 4 học trò và 4 đạo thầy.

Vật cúng là: heo trắng, mâm xôi, mâm trái cây, mâm trầu cao, một đĩa gạo muối. Vào lễ, vị chánh bái niêm hương. Hai người xướng lễ thay phiên nhau điều hành toàn thể buổi lễ theo trình tự sắp đặt sẵn. Kế đến là phần khởi cổ: nhạc trỗi lên, chuông trống bát nhã, dâng hương, chúc tửu, hiến trà. Dâng hoa rồi cúng rượu ba tuần, cúng trà ba lần. Người chủ sớ đọc văn tế. Heo cúng được lật ngữa trước khi khiêng đi. Lễ cáo chung.

Điện Hòn Chén

Đồng bóng và chầu văn ở Huế và phụ cận Huế rất thịnh hành. Hàng trăm điện thờ được tổ chức. Nhưng quan trọng hơn hết thì vẫn là những cuộc lên đồng bóng nhân lễ Kỳ Yên tại điện Hòn Chén.

Điện Hòn Chén còn gọi là Huệ Nam Điện nằm trong địa phận của làng Hải Cát, tổng Long Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, nơi thờ thần Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi, bà Chúa Ngọc trong truyền thuyết của người Chiêm Thành trước đây, sau nầy thờ đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Từ các chúa Nguyễn, đền Ngọc Trản chỉ được quan tâm dựng lập, nhưng chỉ bằng tranh tre, gỗ lá, đủ cho việc hương khói.

Đến đầu thời Nguyễn, năm Minh mạng thứ 13 (1832) đền đã được trùng tu với quy mô khá lớn. Đầu thời vua Đồng Khánh, nhà vua cho đại trùng tu ngôi đền. Có ý kiến cho rằng phần gỗ ở chính điện nầy (Minh Kính Đài) nguyên là kiến trúc của ngôi chùa cổ Long Quang ở làng Xuân Hoà, xã Hương Long, thành phố Huế, vốn do vị sư Nguyễn Văn Quý (từng tham gia phong trào Đoàn Trưng thời Tự Đức) trụ trì, nhưng về sau chùa hoang phế, nên triều đình ra lệnh triệt giải. Điều nầy còn là nghi vấn.

Đền thờ nầy được sắc phong của vua Đồng Khánh ban cho là Huệ Nam Điện; dân chúng vẫn quen gọi là điện Hòn Chén. Huệ Nam Điện nằm trên ngọn núi Ngọc Trản, trong địa phận Hải Cát. Điện nầy trước kia là Ngọc Trản Sơn Thần Từ, còn gọi là đền Hàm Long.

Trước sự linh ứng của bà Thiên Y A Na, vua Minh Mạng sau khi lên ngôi được 2 năm, đã cho mở rộng ngôi đền và trùng tu vào năm 1832. Trước ngôi đền là một vực sâu của giòng sông Hương, sắc nước đen ngòm; theo truyền thuyết của cư dân trong vùng nầy cho là vực không đáy và nơi đây là cung điện của Thủy Thần. Họ còn kể lại rằng: nhiều cư dân đã thấy xuất hiện một con giái to lớn bằng chiếc chiếu, bơi lội không ngừng trong vực sâu nầy, do đó đã tạo nên những luồng sóng tràn dâng lên khủng khiếp làm đắm hết thuyền bè vô tìnhqua khu vực nầy.

Về những tính chất linh thiêng của vùng nước không đáy và bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu, những chuyện còn truyền lại như sau: ngày trước, vua Thiệu Trị (1840 - 1847) cho xây lăng mộ của mình tại vùng nầy; một chiều nọ, nhà vua cùng những Hoàng phi đến thăm lăng trong thời kỳ được xây cất, ngược theo dòng sông Hương và đi quanh vùng điện Hòn Chén. Vừa khi qua đền nầy, một bà Hoàng phi vô ý đánh rơi chiếc ống nhổ bằng vàng ngay đúng vùng nước xoáy. Các bà Hoàng phi tiếc nuối chiếc ống nhổ, khuyên nhà vua nên cầu khẩn Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Nhà vua không tin ở tính chất linh thiêng của Thánh Mẫu, chỉ làm qua loa cho xong chuyện. Nhưng ngờ đâu vài phút ngắn ngủi sau đó thì chiếc ống nhổ từ từ nổi lên trên mặt nước và được vớt lên.

Do sự linh ứng vừa thấy, nhà vua hứa sẽ cho trùng tu lại đền thờ này; nhưng nhà vua đã băng hà trước khi thực hiện lời hứa nầy. Câu chuyện vẫn truyền miệng qua nhiều triều. Mãi cho đến khi vua Đồng Khánh lên ngôi mới cho sửa sang là đền thờ (1886) và đổi tên là Huệ Nam Điện.

Theo tài liệu của ông H. Hélétie đăng trong tạp chí Bulletin des Amis Du Vieux Hué xuất bản tháng 10 năm 1915 thì: Khi vua Đồng Khánh còn là Hoàng Tử, chỉ ước mong sao cho mình sớm có ngày được lên ngai vàng, liền cho người đến đây để cầu khẩn. Nhà vua nằm chiêm bao đuợc báo mộng cho biết ngày tháng lên ngôi. Về sau, chuyện đã ứng nghiệm.

Nhà vua đã cho sửa sang lại và đổi tên Ngọc Trản Sơ Thần Từ Thành Huệ Nam Điện, có nghĩa là ân huệ ban cho nước Nam. Cũng trong thời gian nầy, nạn hạn hán xẩy ra nhiều nơi trong nước khiến cho nông dân lo sợ mất mùa đói kém. Nhà vua ra lệnh cho những quan lại đầu tỉnh cầu khẩn khắp nơi nhưng vẫn không thấy ứng nghiệm. Nhà vua sực nhớ đến điện Hòn Chén, liền cho làm lễ cầu khẩn tại đây. Bỗng nhiên sự linh ứng thấy rõ.

Về các sắc thần của vua Đồng Khánh vào năm 1886, thì việc thờ phụng tại điện Hòn Chén gồm có (a) bà Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng Thần (b) Thủy Long Thánh Phi Trung Đẳng Thần (c) Sơn Trung Tiên Phi Trung Đẳng Thần.

Nhà vua đối với Thượng Thiên Thánh Mẫu rất cung kính. Chính nhà vua đã làm nhiều thơ văn ca vịnh Thánh Mẫu, nay còn được bảo lưu. Thậm chí, ngài cũng tự xem Thánh Mẫu là "chị" và nhận mình là "em". Vua cũng ấn định vào tháng hai và tháng bảy là lễ Kỳ Yên ở đây, công nhận là Quốc lễ, và vị chủ lễ trong những lần Kỳ Yên đều do một quan đại thần làm chánh bái.

Về các sắc thần, cho tới năm 1886, bàn thờ giữa ở trên gác có sắc của Bà Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần, Thủy Long Thánh Phi trung đẳng thần, Sơn trung tiên phi trung đẳng thần.

Ba vị trên đều là nữ thần; đây là ba vị Thánh mẫu thượng thiên, thủy cung và thượng ngàn. Gian bên trái, trên gác thờ Quan Thánh đế quân. Sai khu Huệ Nam Điện được sửa chữa (1886) bài vị Quan Thánh Đế Quân đã được di chuyển, thờ tại môt miếu riêng xây lên bên hữu Huệ Nam Điện. Gian bên phải thờ lục vị tướng quân, gồm có: Tiên cung thông minh thượng tướng quân tôn thần; Tiên cung liên minh đại tướng quân tôn thần; Thủy tinh lục dũng tướng quân tôn thần; Sơn tinh quả dũng tướng quân tôn thần; Sơn tinh võ dũng tướng quân tôn thần. Bàn thờ lục vị tôn thần đã được di chuyển sang bên phải bàn thờ tam vị Thánh Mẫu, còn bên trái có thờ thêm nhị vị Đức Bà trong đó có Thánh Mẫu Liễu Hạnh người Huế gọi là Đức Mẫu Vân Hương từ hồi đền thờ được sửa chữa thời vua Đồng Khánh.

Thờ ông Bổn

Ở những chùa, đền, miều của người Hoa, vị Thần Thổ Địa có danh hiệu là "Phước Đức Chính Thần", tức là nhắc đến việc tu trì đức hạnh để bảo hộ nhà cửa, của cải, hơn là những việc làm phi pháp khác.

Những loại ảnh tượng thờ Ông Địa có hình ảnh trông như một vị quan nhỏ, khiêm cung nhưng đàng bệ. Một số người đã đồng hoá Ông Địa với Ông Bổn, trong những điện thờ ông Bổn. Ông Bổn tức là Bổn Đầu Công, tên thật là Trịnh Hòa, một vị quan của triều đình Vĩnh Lạc (1403 - 1424) ở Trung Hoa.

Một số tài lịêu nhấn mạnh đến công trình Trịnh Hoà trong việc di dân người Hoa đến những vùng thuộc Đông Nam Á và Đông Á. Trịnh Hòa hoạt động trong thời gian từ năm 1405 - 1433, mà sử sách thường xem ông ta là một nhà hàng hải thương thuyền, đồng thời cũng là tay chính trị đầy tham vọng Trung Hoa là Trịnh Hoà đã dẫn đầu một đoàn thuyền 7 lần đi xuống vùng biển phía Tây, nhiều lần qua lại những đảo ở Nam Hải. Mỗi lần làm một chuyến "viễn du" kiểu như vậy, Trịnh Hoà đều mang theo đến 20,000 quân, 250 chiếc thuyền lớn.

Đi đến đâu Trịnh Hòa và những tay thân cận đều ghi chép các tài nguyên, điều là y gọi là các "dị vật". Trở về, y tường trình cẩn thận với chính quyền Yên Kinh. Theo tài liệu, những nước mà y tới, trong trường hợp không chịu vâng lời "triều cống" (?) nhà Minh đều bị đe doạ đủ điều. Thậm chí những vua nước đó đã bị Trịnh Hoà bắt về Yên Kinh để "trị tội". Những nước Trịnh Hoà đến rất nhiều, trong đó có: Indonésia, Ấn Độ, Tích Lan, Ba Tư...

Những tài liệu của Trung Hoa chép: Trong lần viễn du thứ 7 (1430) họ Trịnh đã đến đất Chiêm Thành, Côn Lôn Dương và qua khu vực quần đảo Hoàng Sa trong "các nhóm đảo ở Nam Hải" mà Trịnh Hoà gọi là "Thạch Tinh, Thạch Đường, Vạn Sinh, Thạch Đường Dư", đã được nhà viết sử Trung Hoa là Sư Đệ Tổ nhắc lại nhiều lần. Các cuộc "viễn du ra oai" của Trịnh Hoà ở các nước Đông Nam Á và phía Tây Thái Bình Dương đã không làm cho dân chúng các nước nầy lo sợ. Giấc mơ "Bình Thiên Hạ" của các vua nhà Minh ở thế kỷ thứ XV hoàn toàn thất bại.Có thể vì những đả kích mãnh liệt vai trò thực dân của Trịnh Hoà cho nên, có giải thích khác về ông Bổn.

Chẳng hạn như những tài liệu Thần phả của người Hoa Phúc Kiến thì: Ông Bổn tức là Châu Đạt Quan, một viên quan nổi tiếng đời nhà Nguyên (1403 - 1424) cũng là người đã từng tham gia trong những phái bộ Trung Hoa đến nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Chân Lạp.

Nhiệm vụ của Châu Đạt Quan là "điều tra, nghiên cứu văn hoá" những vùng cần thiết. Mục đích là gì? Không ai rõ. Tại thành phố Sài Gòn cò chùa thờ Ông Bổn (tại Nhị Phủ Miếu số 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, quận Năm). Người Hoa Phúc Kiến thường quan niệm ý nghĩa thờ phượng nầy như là "Vị Phúc Thần" của người trong bang hội của mình.

Không thấy nói đến Trịnh Hoà như cácbang hội khác (mà đông đảo nhất là người Hoa Hải Nam và người Hoa Triều Châu) tại vùng Chợ Lớn trong việc thờ Ông Bổn. Để nhấn mạnh sự tương quan giữa việc thờ ông Bổn (Châu Đạt Quan) với Thần Thổ Địa, trên trang thờ có ghi thêm rằng "Ngô Thổ Địa dã". Người Hoa Phúc Kiến đều thờ Ông Bổn trước của nhà mình.

Bà Chúa Thượng Ngàn

Trong những đền thờ Mẫu khắp nơi ở nước ta, trong Tam toà Thánh Mẫu, thì Bà Chúa Thượng Ngàn được tạc hình dáng là một pho tượng nữ đoan trang, phúc hậu. Nếu trường hợp bàn thờ riêng của Thánh Mẫu Thượng Ngàn thì trên đầu đội mũ triều thiên có 1 2 đồ đệ theo hầu; ngoài ra những loài voi ngựa, rắn rít cũng đều bị Bà Chúa thu phục trở thành những người hầu hạ trung thành. Điều nầy dựa theo huyền thoại của nhân vật nầy mà trong Thần phả được ghi chép pha trộn giữa thực chất và huyền thoại. Có ít nhất là 5 thiên truyện khác nhau về Bà Thánh Mẫu Thượng Ngàn.

Nhiều danh xưng về vị Thánh Mẫu nầy: Mẫu Đệ tam, Lâm Cung Thánh Mẫu. Dân gian thường gọi là Mẹ Rừng hay Nữ Thần Rừng. Còn trong danh sách của Tứ Phủ thì Bà Thánh Mẫu Thượng Ngàn là bà Sơn Phủ hay Nhạc Phủ. Nói chung đây là vị thần của núi rừng. Về lai lịch bà Thánh mẫu Thượng Ngàn, tài liệu dẫn giải không đồng nhất. Nhìn chung, có hai truyền thuyết khác nhau.

Truyền thuyết 1: Về trường hợp bà chúa của núi rừng nầy được nhiều tài liệu nghiên cứu trình bày như sau: Sau khi đánh thắng được Thủy Tinh, thần Tản Viên (Sơn Tinh) được vua Hùng gả con gái là Mỵ Nương cho. Họ sống rất hạnh phúc và sinh được hai người con; một trai khôi ngô tuấn tú tên là Mai, một gái kiều diễm tên là La Bình (có sách viết là Khoa Bình). La Bình chẳng những có sắc đẹp mà lại còn thông minh, tài đức cho nên được Tản Viên cưng chiều; khi đi đâu, Tản Viên cũng dắt con gái theo cùng.

Tản Viên vốn là người thích săn bắn ở khắp rừng núi nên trong các chuyến đi đều cho La Bình đi theo. Đến đâu, nàng cũng ưa thích, yêu quý núi non. Nàng làm bạn với muôn thú cỏ cây. Ngọc Hoàng Thượng Ðế thấy vậy, phong cho nàng là "Nữ chúa của rừng xanh". Từ đó nàng lại còn yêu quý, gắn bó với núi rừng hơn nữa. Nàng thường dạy bảo muôn loài cầm thú về tình thương và không nên sát hại lẫn nhau. Do đức hạnh nầy, cho nên Ngọc Hoàng Thượng đế đã giao cho nàngcai quản 81 cửa rừng.

Trong những cuộc kháng chiến chống Nguyên, nàng từng giúp các vua Lý, Trần đánh thắng, bảo vệ bờ cõi. Khi Lê Lợi khởi nghĩa, đóng ở một địa thế không lợi; nhờ quen địa hình, cho nên La Bình đến báo mộng nên rút quân ngay. Nhưng Lê Lợi không nghe theo nên bị thảm bại. Lê Lợi rút quân theo đường núi qua khu rừng rậm. La Bình hoá thành bó đuốc để dẫn đường, rồi báo mộng khuyên nên đóng quân tại Yên Thế. Căn cứ địa nầy giúp Lê Lợi khôi phục quân binh, đi dần dà đến các chiến thắng.Về sau, triều nhà Trần cũng như nhà Hậu Lê đều có tổ chức sắc phong đền Công Đồng Bắc Lệ, đền Suối Mỡ cũng như hệ thống tôn sùng bà Chúa Thượng Ngàn ở vùng rừng núi miền Bắc, miền Trung và vùng Tây Nguyên.

Truyền thuyết 2: Vua Hùng Định Vương có ba bà hoàng hậu, đều cùng có mang vào mùa xuân. Đến kỳ sinh nở, hai bà sinh được hai hoàng tử; còn một bà tên là An Nương thì mắc chứng chửa trâu.

Ba năm sau, trong một kỳ dạo chơi trong rừng thì sinh hạ một công chúa. Khi sinh, An Nương vịn tay vào cây quế cổ thụ, gắng sức sinh con. Nhưng khi đứa con vừa chào đời thì người mẹ kiệt sức và chết luôn. Hùng Định Vương thương con gái côi cút, nhưng không biết làm gì hơn. Sau khi chôn cất vợ xong, vua Hùng đưa con gái về cung, đặt tên con là Mỵ Nương Quế Hoa. Lớn lên, Mỵ Nương có sắc đẹp khuynh quốc khuynh thành. Nhiều hoàng tử đến cầu hôn, nhưng nàng thờ ơ với tất cả. Nàng luôn ám ảnh "Mẹ ta đâu"? Từ đó, nàng quyết tâm đi tìm mẹ. Cùng với 12 thị tỳ, nàng đi vào rừng sâu. Dần dà, lương thực cạn sạch, các thị tỳ phải kiếm rau rừng để sống qua ngày.

Trên đường đi, nàng gặp nhiều người dân quê khốn khổ, vào rừng đào củ, hái rau để sống. Nàng nghĩ cách để giúp cho họ. Một vị tiên hiện ra, cố giúp nàng để hoàn thành tâm ý nầy. Vị tiên trao cho Mỵ Nương một cuốn sách, khuyên nàng ra công nghiên cứu. Khi đắc đạo, nàng dùng phép tiên, khai thông sông biển, dạy dân tròng tỉa. Từ đó, dân chúng ấm no, sung túc. Hoàn thành tâm nguyện, nàng cùng 12 thị tỳ về trời.

Dân chúng lập đền thờ, tôn phong là Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Cả hai truyền thuyết kia tuy khác nhau, nhưng đều thuộc giòng quý tộc, cùng chung một mục đích: đề cao một nhân vật nữ được tôn phong làm Thánh Mẫu nhờ độ lượng, thương người, thay đổi cuộc diện.

Miếu thờ ông Nam Hải

Tỉnh Bến Tre có tục thờ cúng cá voi (cá ông) tại những vùng cư dân ven biển. Với một chiều dài đến 65 cây số đuờng biển, những huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đều có những ngôi làng dược thành lập từ thời kỳ khẩn hoang lập ấp của những chúa Nguyễn vào mở mang như xã Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận, Bình thắng thuộc huyện Bình Đại; Tân Thủy, An Thủy, Bảo Thạnh, bảo Thuận thuộc huyện Ba Tri; Tân Phong, Thạnh Phong thuộc huyện Thạnh Phú còn tồn tại cho đến nay về tục lệ thờ cá voi.

Đặc biệt nhất là tại xã Vang Quới Đông thuộc huyện Bình Đại nằm cách xa bờ bể đến 30 cây số theo đường cánh chim bay, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn di tích và lễ tục, diễn xướng tương quan đến tục thờ cúng nầy. Thực ra, nhìn trên sinh hoạt của những cư dân vùng duyên hải miền Nam Việt Nam, những lễ tục và diễn xướng về thờ cá voi không hoàn toàn là của riêng tư của cư dân các xã ven biển của vùng Bến Tre.

Ngay tại tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang), ở Vàm Láng, cư dân vùng nầy tổ chức lễ hội cá voi rất nổi tiếng từ trước đến nay. Vàm Láng là vùng cửa rạch Vàm Láng, nay thuộc địa phận của xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Vàm Láng là làng ven biển, cho nên có tục thờ cá ông Voi.

Hàng năm vào ngày 16 tháng giêng và tháng sáu âm lịch thường tổ chức lễ Hội Rước cá Ông Voi. Theo công trình nghiên cứu của Sơn Nam và Vương Hồng Sển thì tụcthờ cúng cá voi (cá ông), tục thờ bà Câu... phổ biến ở nghề chàilưới ở Bình Định, Phú Yên cũng đã được đưa vào đất Ðồng Nai.

Cá voi gần gủi với cuộc sống tinh thần và tín ngưỡng của cư dânđánh cá mièn biển. Họ thường gọi cá voi bằng những danh xưng mang tính sùng kính như: Ông Nam Hải, ông Chuông, ông Lộng, ông Khơi, ông Sứa...

Trong tâm thức của những người chuyên sống về n ghề đánh cá ven biển cá voi trở thành một chỗ dưạ tinh thần quý giá, nơi gửi gắm niềm tin của những người sống lênh đênh trên biển, gặp những khi sóng tó gió lớn bão tố, thuyền đắm, lưới mất, tính mạng của họ bị đe doạ, cái chết trong đường tơ, kẻ tóc.Việc tin vào một đắng ân nhân cứu mạng khi lênh đênh trên biểncả, ban đầu là một nhu cầu, nhưng về sau thì in hằn sâu trong tiềm thức của họ, đã trở thành một tín ngưỡng dân gian cần thiết.

Sự thể hiện của tín ngưỡng ấy đã trở thành một lễ hội trang trọng, có những diễn xướng nêu cao những đức tánh của loài cá voi, đã tạo thành một quần thể kiến trúc riêng của tín ngưỡng nầy, khác với các thể loại tín ngưỡng dân gian khác trên địa bàn sinh sống khác nhau.

Trước hết, tín ngưỡng thờ cúng cá voi gắn liền với môt di tích kiến trúc mà những cư dân trong vùng thường thờ cúng gọi là Lăng Cá Ông. Kiểu thức kiến trúc nầy là môt trong ba di tích kiến trúc của những cư dân sống bằng nghề biển: Đình làng thờ Thần Hoàng, Khai canh và Khai Khẩn.

Thờ Thiên Tiên Thánh Mẫu

Theo những nhà nghiên cứu tín ngưỡng bình dân Việt Nam thì thực chất Thiên Tiên Thánh Mẫu là một tín ngưỡng đồng bóng được biến thể, một lối tín ngưỡng đã có ở đất nầy từ nhiều thế kỷ trước từ trong tư tưởng Đạo Giào biến thể mà ra để gần với dân gian hơn.

Tuy nhiên trong xu thế ảnh hưởng nầy đã không trực tiếp từ kinh sách hay thần điện của Đạo Giáo. Nguyên nhân là vì kinh sách Đạo Giáo quá nhiều, uyên áo, có phần bí hiểm, siêu hình và cả những đạo sĩ Việt Nam trước đây ít người có điều kiện tiếp xúc hay th âm cứu (Đạo tạng của tôn giáo nầy tàng trữ tại Bạch Vân Quán ở Bắc Kinh lên đến 512 bộ, 5480 quyển).

Về thần điện thì Đạo Giáo lại thờ: - Nguyên Thủy thiên tôn, tức là đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và chư vị.- Thái Thượng Lão Quân hay Lão Tử. - Huyền Thiên Thượ ng Đế tức là chòm sao Bắc Đẩu. - Văn Xương Đế Quân, tức là chòm sao Văn Xương.- Thái Ất Từ Tôn. - Quan Thánh Đế Quân.- Tam Giới Thánh mẫu.Từ chư vị trong thần điện nầy của Lão Giáo khi ảnh hưởng sang nước ta, tín ngưỡng Thờ Mẫu và chư vị ở Việt Nam chỉ tiếp thu môt số thần vị chính như Quan Thánh Đế Quân, Tam Giới Thánh Mẫu.

Tuy nhiên, ảnh hưởng chính là từ phương thuât cầu cúng, hành lễ của đạo sĩ, pháp sư như lên đồng, dùng buà chú yểm trừ ma, trịbệnh bằng những phương thuật phổ biến thì lại mô phỏng phần lớntheo lối thờ cúng tại trung Hoa.

Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu cũng đề cập đến môt ảnh hưởng thứ hai từ phương Nam tức là tín ngưỡng Chăm Pa, mà tiêu biểu nhất là việc thờ Thiên Y A Na (Po Yan Inư Nagar). Ảnh hưởng nầy diễn ra từ khi cư dân Việt đi vào Nam định cư tại châu Hoá, cho đến các đời vua Nguyễn, thì việc chuyển hoá nữ thần Chăm Pa trở thành nữ thần Việt với những nghi lễ khác nhau. Những điều nầy đã diễn ra tại miền Trung mà điển hình rõ nét nhất là tại điện Hòn Chén (Huế)

Theo những nhà nghiên cứu phong tục học thì trong thuở ban đầu, cư dân Việt chỉ kế tục việc thờ cúng nầy một cách đơn giản. Theo thông lê, hàng năm vào những ngày đầu xuân thì tại đây có những lễ dâng cúng, mở hội đua trải để cầu mưa. Nghi lễ nầy được tổ chức trên đoạn sông Kim Trà, từ Ngã Ba Bãng Lãng cho đến vùng Kim Long, mà quan trọng nhất là khu vực Điện Hòn Chén. Nhưng từ trong sinh họat cúng tế nầy, cũng đã hình thành nghi lễ chầu văn. Dần dà, các chúa Nguyễn đã phong tặng sắc thần, chính thức hoáviệc phụng thờ nữ thần.

Đến đời vua Gia Long, thì việc phong sắc ban cho các làng (Hải Cát) thờ cúng diễn ra phổ biến. Sự tích của nữ thần bắt đầu được nho sĩ đương thời ghi rõ qua bàivăn "Cổ Tháp Linh Tích" viết vào năm 1801, trong môt đại lễ nhận sắc thần của điện Hòn Chén.

Vào năm 1832, vua Minh Mạng lại cho trùng tu thêm đền chính tại làng Hải Cát, có chính điện thờ Tiên chuá, có miếu thờ Thủy Thần...

Phần 2: Lễ hội Thiên Tiên Thánh Giáo Một trong những lễ hội và diễn xướng nổi tiếng tại Huế chịu ảnh hưởng của lão Giáo lẫn Phật Giáo là Thiên Tiên Thánh Giáo.

Theo giải thích của hội nầy thì: Thiên tức là huyện Thiên Bản; Tiên là làng Tiên Hương, tức là thôn Vân Cát, làng An Thái, chính là nơi giáng sinh lần thứ hai của Liễu Hạnh Công Chúa. Còn hai chữ "Thánh Giáo", căn cứ theo môt Thần phải của Tổng Hội nầy lả "Xin thừa nhận tín ngưỡng nầy như là một tôn giáo thiêng liêng".

Theo những tài liệu nghiên cứu Lễ Hội Dân gian Huế thì: Nguồn tín ngưỡng nầy còn được gọi là tín ngưỡng Tứ Phủ, vì quan niệm các Thánh thần trong 4 cõi: thượng thiên, trung thiên, thượng ngàn và thủy thủ. Hiện nay trụ sở của Tổng Hội Thiên Tiên thánh Mẫu được đặt tại 252 đường Chi Lăng Huế. Lễ hội của Thiên Tiên thánh Giáo nhằm vào những ngày lễ của Thiên Y A Na Diễn Ngọc Thánh Mẫu, Chúa Thượng Ngàn, Tây Cung Vương Mẫu và Thủy Thủ Long Cung Thánh Mẫu. Thiên Y A Na Thánh Mẫu lễ vào ngày 17 tháng 4 âm lịch; Viá Bà Chúa Thượng Ngàn vào ngày 18 tháng 3 âm lịch; Tây Cung Vương Mẫu tổ chức ngày 21 tháng hai âm lịch; Thủy Thủ Long Cung Thánh Mẫu cử hành ngày 5 tháng 10 âm lịch. Lên đồng bóng là chính trong lễ hội. Những giá đồng thường được thực hiện cúng tế là Ngũ Vị Thánh Bà và Lục Vị Tôn Ông.

Những vị nầy được gọi là "Giá bỗng", những con nhang đệ tử là "Giá chính". Theo quan niệm của Thiên Tiên Thánh Giáo thì "Lên đồng bóng cũng như những nghi thức liên quan khác chính là sự hoá thân vào vai những vị thần thánh hay những loài ma quỷ linh thiêng trong hành lễ, mà những nhân vậy nầy được "ốp đồng" vào người lên đồng, hướng dẫn cho con nhang đệ tử hiểu biết mọi chuyện trên cõi trần, cõi tiên, tương lai ra sao, đồng thời cũng giải toả cho những oan hồn sớm được siêu thoát”.

Nghi lễ: Trong nghi lễ Thiên Tiên thánh Giáo, trước hết phải có lễ cúng. lễ cúng phẩi đầy đủ; vật phẩm, văn số tuyên đọc, có cung văn hầu văn, có người đệm đàn, có người nhịp sênh, nhịp phách. Những vai đồng thường là thể hiện động tác múa: múa quạt, múa kiếm, phi ngựa, dâng rượu -./.


Cập nhật theo nguyên bản của tác gỉa chuyển khi còn sinh tiền ngày 28.02.2021 .