Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Tượng thờ Công Chúa Huyền Trân tại Huế




HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA



T riều đại nhà Trần ở nước ta dưới thời vua Trần Nhân Tôn đã trải qua những trang lịch sử rất hào hùng.
Nhà vua vốn đã là một người thông minh, quả quyết, lại có được các quan triều thần có nhiều tài trí, nhất là nhờ có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giúp sức nên từ năm Giáp Thân (1284) đến năm Mậu Tý (1288) đã đánh đuổi được quân Nguyên (tức quân Mông Cổ) hai lần sang xâm lấn nước ta. Ngoài việc chống xâm lăng từ phương Bắc sang, năm Canh Dần (1290) vua Nhân Tôn mấy lần thân chinh sang Ai-Lao để dẹp trừ các nhóm giặc thường sang quấy nhiễu vùng biên thùy nước ta. Và cũng dưới đời vua Nhân Tôn việc văn học cũng hưng thịnh lắm như đặc biệt có Nguyễn Thuyên(1) dùng chữ Nôm để làm thơ phú, gây được một tinh thần tự chủ trong nền văn học nước ta.

Năm Quý Tỵ (1293) Nhân Tôn truyền ngôi cho Thái Tử Thuyên(2) để về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng. Được ít lâu nhà vua xuất gia đầu Phật, trước lên tu tại chùa Võ Lâm phủ Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình sau về ở tại Yên Tử sơn thuộc huyện Hưng Yên, tỉnh Quảng Yên lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, còn gọi là Điều Ngự Giác Hoàng, có lần Ngài đến Bố Chính Trại (tỉnh Quảng Bình) lập Trì Kiên am để ở rồi về ở tại chùa Sùng Nghiêm núi Linh Sơn. Năm Mậu Thân (1308) Thượng Hoàng Nhân Tôn mất tại chùa trên núi Yên Tử, thọ 51 tuổi.

Nhưng trước đấy vào năm Tân Sửu (1301) nhân sang Chiêm Thành xem phong cảnh thấy cảnh trí đất nước xinh đẹp và con người của nước lân bang này cũng văn vẻ nên trong lòng nhà vua cũng vơi nhẹ nỗi tự tôn và đã ước gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân. Nhưng trong triều đại của vua Nhân Tôn, ngoài các tướng sĩ đã giúp nhà vua chống giữ giang sơn bờ cõi, còn có sự kiện đặc biệt hơn là bậc nữ lưu cũng có công góp phần mở rộng bờ cõi giang sơn nước nhà, một vị công chúa đã vâng lệnh vua cha về làm vợ của vua Chiêm, cái tước vị hoàng hậu là hiển nhiên với bao nhiêu cao sang quyền quý nhưng dù sao cũng phải thầm khen công chúa đã coi trọng chữ hiếu. Ngoài những sính lễ như vàng bạc châu báu thì hoàng gia nào cũng đâu có thiếu gì, nhưng ở đây lại là một dãy đất giang sơn của đàng trai gồm 2 châu Ô Rí (cũng gọi là Lý) kéo dài từ phía Nam tỉnh Quảng Trị đến phía Bắc tỉnh Quảng Nam, Châu Ô đổi thành Thuận và Châu Lý đổi thành Hóa.

Khi Huyền Trân Công Chúa về với vua Chiêm, dù nghiễm nhiên trở thành Hoàng hậu, nhưng buổi đầu khi vào bái yết long nhan vẫn phải giữ lễ quỳ gối cúi đầu trước mặt vua. Chế Mân mới cho nàng ngước mặt lên, thì lạ thay công chúa thấy dung mạo của vua Chiêm là một trang thanh niên khôi ngô tuấn tú, khiến công chúa mừng thầm, những ý nghĩ ban đầu do sự cách biệt tự tôn dân tộc cũng dần như tan biến. Khi tiếp nhận hai châu Ô, Lý xong thì dân Đại Việt từ miền Bắc cũng ồ ạt kéo vào định cư lập nghiệp ở miền đất có tên mới Thuận Hóa và chính Đoàn Nhữ Hài - một thư sinh đang trọ học ở Thăng Long - nhờ làm giùm bài biểu tạ tội say rượu lỡ dịp về dự hội nghị cho vua Anh Tôn để đệ lên Thượng Hoàng Nhân Tôn nên được phong làm Ngự sử Trung tán rồi sau đó phụng mạng đi sứ Chiêm Thành ông bỏ lệ lạy quốc chúa Chiêm Thành, khi về được thăng Tham tri Chính sự. Và sau đó cũng chính Đoàn Nhữ Hài được vua Anh Tôn cử vào quản lý để phủ dụ dân an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới Thuận Hóa.

Hai nhân vật lịch sử như đã nói ở trên, một nữ lưu là công chúa nhà Trần đã chịu rời bỏ nơi cao sang quyền quý, ngàn dặm ra đi để đánh đổi cho nước nhà thêm được phần lãnh thổ và một là nhà chính trị cũng là nhà ngoại giao có biệt tài, biết giữ gìn quốc thể, thật đều đáng được tôn thờ làm tiền hiền cho đất Phú Xuân ngày nay. Khi về với Chế Mân, công chúa Huyền Trân được phong ngay làm Hoàng hậu với Mỹ hiệu PARAMECVARI, nhưng mối lương duyên Chàm – Việt này chỉ kéo dài được một năm thì vua Chăm băng hà (1307).
Vua Trần Anh Tôn được tin bèn sai quan Nhập nội Hành khiển Tả Bộc sự là Trần Khắc Chung và An phủ sứ là Đặng Văn sang Chiêm Thành nói thác là để điếu tang rồi lập mưu đưa công chúa về Thăng Long, để khỏi tuẫn táng trên hỏa đàn theo tục lệ Chàm.
Tương truyền Trần Khắc Chung bày kế lập đàn chay ở ven trời vùng biển rồi rước công chúa Huyền Trân ra để cầu hồn vua Chiêm về rồi cùng thể lên giàn hỏa, nhưng khi ra đến bờ biển Trần Khắc Chung đã dùng thuyền nhẹ cướp công chúa vượt ra khơi để hướng về Bắc và hai người đã cố tình cho thuyền lòng vòng trên sông nước mấy tháng trời để thỏa nguyện nghiã cũ tình xưa – khi về đến Thăng Long, vua Anh Tôn vì thương em nên không đá động đến chuyện này.
Để kỷ niệm sự tích này người dân miền Thuận Hóa đã đặt ra lời ca, câu hò theo âm điệu đặc biệt rất là Huế cho đến ngày nay đã đi vào văn hóa dân tộc gọi là ca Huế, và những đêm trăng thanh gió mát, trên dòng Hương Giang êm đềm, du khách thường nghe các cô gái đất thần kinh ru hồn khách viễn phương trên những chiếc đò dọc với giọng ca mượt mà mà lời lẽ đã nói lên tâm trạng có phần đắng cay của một vì công chúa khi phải gá nghĩa cùng với vua một dân tộc lân bang vì chữ “hiếu” mà trong lòng chắc không khỏi sinh ra mối mặc cảm tự tôn, dù cho lương duyên kết hợp xem ra rất môn đăng hộ đối…

Có người cho rằng sự tích như thể “Chiêu Quân Cống Hồ”: Quá quan này khúc Chiêu Quân – nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia(3). Xin kể ra đây một khúc ca Huế(4) theo điệu Nam Bình thường được các ca nhi hát nhất:

Nước non ngàn dặm ra đi(4) Cái tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì
Độ xuân thì
Cái lương duyên hay là cái nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết
Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì
Khúc ly ca
Sao còn mường tượng nghe gì
Thấy chim hồng nhan bay đi
Tình lai láng, bóng như hoa quỳ
Dặn một lời Mân quân
Nay chuyện mà như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tỉnh đêm lại mà cân
Đắng cay muôn phần


Ghi chú:

(1) Nguyễn Thuyên: cũng có tên là Hàn Thuyên, được coi là Ông tổ của thơ Nôm, rất nổi tiếng với bài “Văn tế cá sấu”; truyền thuyết cho rằng khi bài thơ được thả xuống sông Phú Lương thì cá sấu đi thật nên vua Trần Nhân Tôn ban cho ông họ Hàn, có ý ví với Hàn Dũ đời Đường bên Tàu là người sính văn thơ.
(2) Thái Tử Thuyên: vua Trần Nhân Tôn có 3 con: Anh Tôn Thuyên, Huệ Võ Vương Quốc Chân và Công chúa Huyền Trân. Năm Quý Tỵ (1293) vua Nhân Tôn truyền ngôi cho Thái Tử Thuyên để về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng, Huyền Trân Công Chúa là em của Thái Tử Thuyên tức vua Trần Anh Tôn.
(3) Truyện Kiều: câu 479 – 480.
(4) Ca dao hay dân ca: là loại hình văn chương lời lẽ mộc mạc xuất phát từ trong dân gian, thường không để lại tên tác giả. Nhưng có người cho rằng bài Nam Bình nói trên là do ông Võ Chuẩn đặt lời. Ông Võ Chuẩn làm Tổng đốc tỉnh Quảng Nam thời kỳ trước năm 1945. Ông là con của cụ Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ triều Khải Định; qua đến thời Bảo Đại chánh quyền bảo hộ thay toàn bộ nội các triều đình Huế bằng các vị tân học chỉ trừ Bộ Lễ vẫn giữ lại.
. Đường Huyền Trân Công Chúa nay thuộc quận 1, Tp.HCM là đường ngắn nằm giữa khuôn viên Hội trường Thống Nhất và Công viên tao Đàn, nối liền đường Nguyễn Du với đường Nguyễn Thị Minh Khai.
. Đường Đoàn Nhữ Hài nay thuộc quận 4, Tp.HCM là đường nối liền đường Nguyễn Trường Tộ với bến sông Sài Gòn xuyên qua đường Nguyễn Tất Thành.



Cập nhật theo nguyên bản của tác gỉa từ SàiGòn .