NGÀY TẾT TRONG TÂM THỨC VIỆT
T ừ lâu, do chịu ảnh hưởng nặng nề của sự nô dịch văn hoá của gần 1 ngàn năm nô lệ nên một số người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng Rồng là của Tàu và Tết Nguyên Đán cũng là tết của Tàu, chúng ta ăn tết theo Tàu. Ngày nay, sự thật khách quan của lịch sử đã được phục hồi sau hàng ngàn năm bị che phủ bởi lớp bụi của thời gian và nhất là do âm mưu xảo quyệt của đế quốc “Đại Hán” xưa và đế quốc mới Trung Cộng ngày nay.
Ngay từ khi thành lập triều Thương của Trung Quốc, với tư tưởng chủ đạo “Độc tôn Đại Hán”, tự cho mình là trung tâm của thiên hạ nên ngay từ triều Thương, sau khi đánh đuổi nhà Hạ của tộc Việt đã chọn tên nước là Trung Quốc. Trung Quốc là trung tâm của thiên hạ, triều đình Trung Quốc là “Thiên triều” trong khi các nước khác là chư hầu, vua Trung Quốc là Thiên tử. Sau khi đã xâm chiếm nhà Hạ và các nước Bách Việt, hết Thương rồi đến Chu đã xâm thực văn hóa, tiếp thu tinh hoa của nền văn minh Việt rồi cải biến thành văn hóa Hán, tự cho mình là văn minh, mạo nhận là “Hoa Hạ” còn tất cả các nước là man di mọi rợ.
Các sử gia Hán tộc với quan niệm: “Đại nhất thống” tự cho là trung tâm thế giới, cái rốn của nhân loại, là tộc người ưu việt. Chủ trương trước sau như một của Đại Hán bành trướng là “Huệ thử Trung Quốc, dĩ tuy tứ phương” nghĩa là: lấy ân huệ Trung Quốc để yên định bốn phương. Đó là chủ trương bành trướng Đại Hán “Dĩ Hạ biến Di” nghĩa là lấy cái cao thượng, tao nhã của Đại Hán để cải hoá man di mọi rợ. Chính vì vậy trong mọi thời kỳ lịch sử, Hán tộc luôn luôn chủ trương tiêu diệt văn tự các dân tộc khác, âm mưu nô dịch văn hoá rồi đồng hoá các dân tộc. Lợi dụng Hán tự là văn tự duy nhất các sử gia Trung Quốc từ cổ đại đến nay đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, sửa đổi cho phù hợp với sử quan Đại Hán, đánh đổ lòng tự hào dân tộc của các tộc người khác để dễ bề thống trị và đồng hoá. Đó là chủ trương nhất quán, là bản chất bành trướng thâm độc của họ suốt từ xưa tới nay.
Chính vì thế, lịch sử Trung Quốc là lịch sử của những cuộc chiến tranh xâm lược bành trướng, thôn tính và đồng hóa các dân tộc khác. Hán tộc thời Thương Chu vẫn ngạo mạn, tự cho họ là trung tâm là Hoa Hạ (Trung Hoa) cao sang còn tất cả đều là man di mọi rợ cả, nên Hán ngữ thường gọi tên của những dân tộc xung quanh họ kèm theo bộ khuyển (chó), bộ trĩ (côn trùng), bộ mã (ngựa). Trong khi những người họ gọi là man di mọi rợ đã thành lập gần 40 quốc gia phồn thịnh và hùng mạnh ở đó vào thời Xuân Thu.
Truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc với Bố Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ cũng như sách sử, di chỉ khảo cổ nhà Hạ đã minh chứng Rồng là vật tổ biểu trưng của Việt tộc, một tộc người sống bằng nông nghiệp nên mới chọn Rồng là vật Tổ phun nước xuống để cày cấy lúa, mưa thuận gió hòa. Chính sách sử cổ Trung Hoa và Trung Quốc Văn hóa Sử đều chép rằng: “Những thị tộc người Việt cổ tôn thờ vật tổ rồng, vẽ hoa văn trên mình cắt tóc ngắn, trên cơ sở vẽ hoa văn vật tổ rồng”. Các nhà khảo cổ khai quật được những di chỉ văn hóa Long Sơn (Sơn Tây) mà theo các nhà nghiên cứu thì văn hóa Long Sơn – Sơn Tây có hình tượng rồng cũng trùng hợp với truyền thuyết liên quan tới vật tổ rồng thời nhà Hạ của Việt tộc.
Đến thời Thương, triều đại đầu tiên của lịch sử TQ chọn vật tổ là con hổ đến thời Hán lấy Rồng Việt làm vật Tổ. Lưu Bang xuất thân là một viên Đình Trưởng ở miền sông Hoài, chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa Việt nên sau khi đánh thắng Hạng Võ (Sở Việt) lên ngôi Hoàng Đế triều Hán. Khi lên ngôi, Hán Cao Tổ cũng tế Li Vưu là thần chiến tranh, Hoàng đế của người Hmong-Mien (Mèo Dao) là 1 chi tộc Việt và chọn Rồng làm vật tổ của tộc Hán. Thời Hán Vũ Đế diệt “Bách gia Chư Tử-Tôn sùng Khổng giáo” trọng dụng Đổng Trọng Thư như một Khổng Tử triều Hán lập thuyết Thiên mệnh để chính danh cho các vua Hán làm vua là do mệnh Trời, là con Trời (Thiên tử) nước Hán là “thiên quốc” bốn phương đều là “Man, Di, Mọi Rợ), với Tam cương “Quân, Sư, Phụ”, nước nhỏ phải “thờ” Thiên tử, Thiên triều, lấy Rồng là biểu tượng tối cao, thân xác vua là long thể, mình rồng, giường vua nằm là long sàng, áo vua mặc là long bào, mặt vua là long nhan, thuyền vua đi là thuyền rồng …
Ngoài việc lấy Rồng Việt làm vật tổ, Hán tộc còn xem cái tết Nguyên Đán là của Hán tộc. Từ thời cổ đại cho tới Nhà Hạ vẫn lấy ngày mồng một tháng giêng là ngày Tết của người Việt cổ. Nhà Hạ ăn tết nhằm cung dần, dựa theo nông lịch tức tiết đầu xuân lúc khởi đầu có sấm. Khi tộc Thương (Hán tộc) đánh đuổi Nhà Hạ (Việt tộc) khỏi Hoa Bắc thì Hán tộc chọn ngày 1 tháng 12 âm lịch là Tết Nguyên Đán, đến triều Chu chọn ngày 1 tháng 11 âm lịch, triều Tần chọn ngày 1 tháng 10 âm lịch cho cả Trung Quốc. Mãi đến thời Hán Vũ Đế chịu ảnh hưởng của văn hoá Bách Việt phương Nam nên chọn lại ngày 1 tháng giêng là Tết Nguyên Đán.
Ngày nay, Trung Quốc lại chọn ngày 1 tháng 1 Dương lịch tức Tết Dương lịch của Tây phương làm ngày Tết nhưng dân gian Hoa Nam và Hoa Đông là người gốc Việt cổ vẫn “Ăn Tết” vào ngày mồng 1 tháng giêng. Truyền thống ăn Tết Nguyên Đán ảnh hưởng lên toàn thể dân Trung Quốc gốc Hán nên thế giới hiểu lầm cho rằng ngày Tết Nguyên Đán là của người Trung Quốc. Ngày nay, sự thật lịch sử đã được phục hồi và chúng ta, những người Việt Nam tự hào hãnh diện về nền văn minh Việt cổ. Trong khi Nhật Bản, Trung Quốc đã chọn ngày Tết Dương Lịch, nhưng dân tộc Việt Nam trước sau như một vẫn bảo lưu truyền thống “Nông lịch” của người Việt cổ lấy ngày mồng một tháng giêng Âm lịch là ngày Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Ta để phân biệt với Tết Dương lịch 1 tháng 1 Dương lịch là Tết Tây.
Trong lễ hội dân gian, người Việt cổ xem trọng nhất là Tết. Tết là phong tục truyền thống của người Việt từ xa xưa cho đến ngày nay. Dân gian vẫn thường phân biệt là Tết ta và Tết Tây chứ không ai nói là tết Tàu vì chỉ dân tộc Việt Nam mới có chữ “TẾT” mà thôi, Hán ngữ không có chữ tết nên Tết là của Việt Nam chứ không phải của Tàu.
Thật vậy, trong Kinh Lễ viết Tế-Sạ # Tết mà Khổng Tử, người thầy muôn đời của người Trung Quốc đã giải thích với học trò:"Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống ruợu và ăn chơi vào những ngày đó, họ gọi tên cho ngày đó là "Tế-Sạ". Điều này chứng tỏ rằng người Trung Quốc không có tết và Kinh Lễ là của người Việt cổ nên tên gọi tết cổ của người Thái là chi Âu Việt trong Bách Việt cũng gọi Tết là Thê-Sa. Trong khi đó, chính sách sử của Trung Quốc ghi rõ phong tục tết Nguyên Đán của người Việt trong “Tùy Thư (Địa Lý Chí) như sau: “Năm nào đến ba ngày Tết Nguyên đán, người ta cũng dọn cỗ bàn linh đình cúng tổ tiên. Trai gái ăn chay và dùng hương hoa niệm Phật rồi rủ nhau đi chơi đu, ném còn, hát múa, kéo co. Bên nào được cuộc thì uống rượu, bên nào thua thì uống nước lã…Tháng 7 làm hình vàng mã đốt cúng vong hồn. Trong làng xóm có hội bơi chải, đua thuyền. Tháng 8 nhà nông giết trâu bò, tế thần đất, bày tượng, chơi trò leo cột, đập tay, hay làm lễ Phật cầu an”.
Các công trình nghiên cứu đã tìm thấy hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là một sơ đồ Âm Lịch, với những tháng đủ, tháng thiếu, có đêm trăng tròn, trăng khuyết, hay không có trăng, lại có cả năm nhuận và chu kỳ 18 năm để tính tháng dư, cũng như có những chỉ vạch về 4 mùa trong năm. Mặt trống đồng có ghi chép âm lịch của người Việt cổ
Sử Trung Hoa có ghi, vào đời vua Nghiêu ( 2356-2255 TCN) đã biết vị trí nhị thập bát tú, nhật nguyệt ngũ tinh, đã định năm là 365 ngày, đã biết đặt tháng nhuận nầy.
Cách tính Âm lịch của người Việt cổ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ
Sách “Hoàng Đế Ngũ Gia Lịch (Tam thập tam quyển)” chép:người Trung Hoa in lịch trên sách và lịch 365 ngày. Người giao Chỉ khắc lịch vào mặt trống đồng và lịch 354 ngày. Người Trung Hoa dùng Thiên Can, Địa Chi tính năm tháng ngày theo chu kỳ thập lục hoa giáp. Người Giao Chỉ tính chu kỳ 18 năm và những bội số của 18 ấy. Tỉ như 180 là gồm 3 lần lục thập hoa giáp (180=3x60) . Kết quả vẫn như nhau vậy .
Riêng người Việt cổ có một sắp xếp ngày tháng năm của quyển lịch cho tiện dụng hàng vạn năm thì đã thật là một sáng chế rất văn minh và khoa học rất hợp lý và nhất là khi chúng ta được biết trong cùng thời kỳ chưa thấy dẫn nước nào có một quyển lịch hay như người Việt cổ đã sáng chế (Âm lịch hay Dương lịch ).
Tết là ngày lễ mừng đầu năm mới của rất nhiều dân tộc và sắc dân ở khắp miền Đông Nam Á. Ngày nay, các công trình nghiên cứu đã xác định cư dân Đông Nam Á cùng chung chỉ số sọ, cùng một mã di truyền DNA, nên là những chi tộc Việt trong Bách Việt. Chính vì vậy, tất cả đều ăn tết, chữ tết cùng một nguồn gốc với chữ Tết của Việt tộc. Đồng bào Nùng cũng đọc là tết (nèn tết=năm tết), đồng bào Mường cũng ăn “Thêt”= ăn tết như đồng bào Việt, đồng bào Thái thì có lễ mừng năm mới gọi là Thêts. Thêts khal là mùa tết, những ngày tết, khal text là ngày tết. Đồng bào Chàm cũng có tết mà họ gọi là “Tít” vào lễ tháng năm của lịch Chàm cổ, “băng tít” là ăn tết, kTêh là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chàm. Người Mon cũng ăn tết mà họ gọi là Ktêk. Người Khmer cũng có lễ hội “Chêtr” là Tết mừng tháng 5 theo cổ lịch Khmer là tháng gió mùa bắt đầu thổi ngược lại, tháng của mùa gió nồm ở Đông Nam Á tùy theo nơi, từ cuối tháng tư đến cuối tháng năm. Ấn Độ cũng có chữ “Chetr” để chỉ tên tháng tư và tháng năm là 2 tháng giao mùa từ mùa nắng sang mùa mưa trong lịch Ấn Độ cổ. Đặc biệt ở Népal cũng ăn tết trong “Lễ đầu năm” cổ truyền của người Népal và người Munda cũng có lễ ăn mừng mùa mưa đến gọi là “Teej”* như các quốc gia nông nghiệp trong Bách Việt.
Tiền nhân chúng ta gửi gấm truyền thuyết khởi nguyên dân tộc, bức thông điệp hàng ngàn năm lịch sử trong những câu truyện cổ tích. Không phải ngẫu nhiên mà truyện cổ tích về đời vua Hùng thứ 8 sau khi nhờ Phù Đổng Thiên Vương “Cậu bé nhà Trời” phá tan giặc Ân đã chọn người con thứ 9 là Lang Liêu để truyền ngôi. Đặc biệt, truyền thuyết dưới dạng truyện cổ tích Việt Nam về lễ Tết lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay gắn liền với ý niệm cha Trời, mẹ Đất. Ý niệm về Đất Trời được thể hiện qua hình tượng Bánh Chưng bánh dày ngay từ thời vua Hùng thứ tám (Sách sử xưa viết là vua Hùng thứ sáu vì không kể Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, chỉ tính từ vua Hùng thứ nhất. Thực ra phải nói là vua Hùng thứ tám mới đúng theo quốc phổ ghi trong Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư và phù hợp với niên đại lịch sử.
Bánh chưng có từ thời Vua Hùng thứ VI
Truyện kể rằng, vua Hùng thứ tám sau khì nhờ Phù Đổng Thiên Vương “Cậu bé nhà Trời” phá tan giặc Ân đã chọn người con thứ 9 là Lang Liêu để truyền ngôi. Tương truyền trong khi 21 người anh em đi tìm sơn hào hải vị để đến tết dâng lên vua cha cúng tiên vương cho tròn đạo hiếu thì Lang Liêu do mẹ mất sớm, gia đình nghèo nên chỉ biết dâng lên vua cha cặp bánh chưng hình vuông và bánh dầy hình tròn. Lang Liêu là người con hiếu thảo, biết thương người đang buồn rầu lo nghĩ rồi tủi thân vì mẹ mất sớm nên không ai phụ giúp nên “Thần nhân” hiện ra mách bảo Lang Liêu rằng: “Trong trời đất, không vật gì quý hơn gạo vì gạo là để nuôi dân, người ta ăn mãi không bao giờ chán. Nếu con lấy gạo nếp nấu sôi lên rồi đem quệt cho thật nhuyễn, nặn thành hình tròn để tượng trưng cho trời gọi là bánh dầy. Lấy gạo nếp trắng tinh đem vo sạch, cho nhân thịt và đậu xanh vào giữa rồi lấy lá dong xanh gói rồi đem nấu chín gọi là bánh chưng”.
Vua Hùng thấy Lang Liêu là người biết tri ân Trời Đất, ông bà Tiên tổ, lại biết thương yêu đồng bào nên chọn chàng lên ngôi kế vị vua cha. Từ đó, dân gian Việt có truyền thống đã trở thành tập tục dân gian là đến ngày tết thì gói bánh chưng, dịp tết lễ cúng giỗ thì làm bánh dầy để cúng ông bà tiên tổ. Ý niệm vuông tròn biểu trưng cho trời đất và sự hoàn thiện, tuyệt mỹ nên dân gian thường chúc nhau “Mẹ tròn con vuông” mỗi khi sinh đẻ. Tinh hoa của minh triết Việt chỉ ra rằng cuộc sống phải hội đủ 2 yếu tố Âm dương mới đầy đủ viên mãn. Đó chính là “Đạo” vì phải có cả âm dương mới là đạo. Đạo Trời, đạo Đất và cũng chính là đạo người (nhất âm nhất dương chi vị đạo).
Ý niệm trời tròn (Dương) đất vuông (Âm) xuất phát từ ý niệm phải hội đủ 2 yếu tố Âm dương mới đầy đủ viên mãn. Đó chính là “Đạo” vì phải có cả âm dương mới là đạo. Đạo Trời, đạo Đất và cũng chính là đạo người (nhất âm nhất dương chi vị đạo). Ý niệm vuông tròn biểu trưng cho sự hoàn thiện, tuyệt mỹ nên dân gian thường nói “mẹ tròn con vuông” hàm ý cầu mong cho người mẹ sinh nở dễ dàng, nuôi con hay ăn chóng lớn. Người xưa cũng không phải tình cờ mà đúc đồng tiền có hình tròn lỗ vuông. Tiền tròn dễ bỏ túi nhưng lại làm lỗ vuông mà không chọn lỗ tròn để đồng tiền giống hình vành khăn dễ xỏ dây như của Hán tộc. Đó chính là đặc trưng ‘Vuông-Tròn’ của văn hoá Việt cổ.
Trên bình diện triết lý, theo kinh Dịch thì vuông là tất cả những gì chuyên biệt vì hình vuông có góc cạnh, còn vòng tròn bao bọc lấy vuông tức là xem đời sống tâm linh cao hơn vật chất, đặt tình người trên tài vật, đặt tình trên lý, trọng nghĩa hơn tài. Chính vì muốn quân bình âm dương nên phải phù suy chứ không phù thịnh, bênh kẻ yếu đuối thế cô chứ không theo kẻ mạnh như lẽ thường tình của đời thường. Đó là bản sắc riêng biệt của Việt tộc mà cổ sử gọi là “Tả nhậm” nghĩa là trọng bên trái, thiên về bên trái nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy tất cả những hình người, hình thú bay lượn xung quanh mặt trời trên mặt trống đồng đều theo chiều ngược lại chiều kim đồng hồ. Xã hội Việt cổ theo ‘Nguyên lý Mẹ’ nên quý phụ nữ, trọng văn hơn võ, tinh thần hơn vật chất, đời sống thiên về tình cảm hơn là lý trí… Chính vì vậy, người Việt cài nút áo bên trái, vắt khăn bên vai trái và theo âm lịch dù rằng cuộc sống thường nhật phải áp dụng Dương lịch. Đặc biệt là cho đến bây giờ, người Việt vẫn ăn tết Nguyên Đán Âm lịch trong khi các nước Á Đông khác kể cả Trung Quốc, Nhật Bản đã lấy tết Dương lịch là lễ tết chính thức của họ.
Trên phương diện cơ cấu luận thì trống đồng cũng như triết lý Âm dương của kinh Dịch là đối tượng mà khoa học ngày nay đang hướng tới. Thật vậy, những khám phá mới nhất của các nhà bác học lỗi lạc đã chứng minh cho sự đúng đắn của tri thức Việt cổ định trên số một được hiểu là duy nhất, duy vô nên nếu chỉ có tròn tuy được gọi là tiến hoá nhưng lại đi đến chỗ bế tắc không lối thoát. Nhân loại bước sang thiên niên kỷ thứ ba với nền triết học không còn tính cứng nhắc, cố định duy này duy nọ nữa mà nền tảng của sự tiến hoá đặt trên sự “Chu Tri” tức là cái biết trọn vẹn của tri thức. Người Việt cổ xưa gọi cái biết này là “Song trùng cơ bản” nghĩa là có âm thì phải có dương, có đàn bà thì phải có đàn ông mới là nhân loại, có chẵn phải có lẻ, có trong phải có ngoài, có trên phải có dưới… luôn luôn đi đôi với nhau. Nền tảng của minh triết Việt là Âm dương, vạn vật vũ trụ và con người cùng một thể (vạn vật đồng nhất thể).
Đặc biệt, truyền thuyết dưới dạng truyện cổ tích Việt Nam về lễ Tết lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay gắn liền với ý niệm cha Trời, mẹ Đất. Ý niệm về Đất Trời được thể hiện qua hình tượng Bánh Chưng bánh dày ngay từ thời vua Hùng thứ tám (Sách sử xưa viết là vua Hùng thứ sáu vì không kể Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, chỉ tính từ vua Hùng thứ nhất. Thực ra phải nói là vua Hùng thứ tám mới đúng theo quốc phổ ghi trong Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư và phù hợp với niên đại lịch sử.
Trong văn học thường viết Tết gắn liền với chữ Nguyên Đán là Tết Nguyên Đán. Truyền thuyết xa xưa kể lại rằng Đế Chuyên Húc, ông vua Việt cổ thời cổ đại gọi tháng giêng là NGUYÊN, gọi mồng một là ĐÁN rồi ghép lại là Nguyên Đán tức mồng một tháng giêng. Tầm nguyên ngữ nghĩa của hai chữ Nguyên Đán sẽ cho ta thấy rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của Tết Nguyên Đán. Nguyên là mới bắt đầu, Đán là một chữ tượng hình, ở bên trên là chữ nhật chỉ mặt trời, bên dưới là chữ nhất thay cho mặt bằng phẳng khiến chúng ta liên tưởng mặt trời từ từ lên cao, tượng trưng cho một ngày mới bắt đầu. Nguyên Đán là ngày đầu năm đầu tháng giêng Âm lịch. Do đó, Tết Nguyên Đán là ngày đầu tiên của tiết đầu của một năm mới.
Đối với người Việt, cái Tết có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống. Thật vậy, ngoài cái giờ phút thiêng liêng chuyển đổi của đất trời qua “Giao thừa” sang năm mới, mọi người trong gia đình mỗi người đều mang một tâm trạng riêng, nhớ tới những người thân đã khuất còn hiển hiện quanh đây, trong không khí ấm cúng của gia đình đêm ba mươi tết. Trên bàn thờ với đĩa ngũ quả khói hương nghi ngút, đan quyện linh hồn những người đã khuất với kẻ còn sống đang tưởng nhớ tới họ. Tết nhất cũng là dịp gia đình đoàn tụ xum vầy, cháu con dù đi làm ăn xa đến đâu nếu có phương tiện vẫn trở về mái ấm gia đình, để hàn huyên tâm sự chia xẻ những khó khăn trong cuộc sống.
Hàng năm cứ vào những ngày cuối tháng chạp (tháng 12 ÂL), ai cũng nao nao trong lòng về ngày Tết sắp đến. Qua ngày hai mươi là Tết đến nơi rồi, không biết năm nay những người thân xa quê hương ai sẽ về đón Tết, ăn Tết với gia đình? Để chuẩn bị vui đón cái tết đúng ý nghĩa của nó, gia đình nào cũng phải trang hoàng nhà cửa, sửa soạn bàn thờ Gia Tiên với đĩa “Ngũ quả” gồm 5 loại trái cây là trái sung, trái mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài nói lên ước vọng tâm tư dân dã miền Nam. Cầu (mãng cầu) trời khấn phật cho vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (Xoài). Người Việt miền Bắc thì trong đĩa ngũ quả phải có một chùm quả Sung ước mong sự sung túc cho gia đình.
“ Mỗi năm hoa Đào nở,
lại thấy ông Đồ già ..
Nghiên mực tàu giấy đỏ,
bên phố đông người qua…
Ngày xưa dân gian thường nhờ ông Đồ viết đôi câu đối để chúc tụng, cầu mong tài lộc hạnh phúc theo ý của mỗi người: “Hoa tay thảo những nét, Như Phượng múa Rồng bay”. Năm nay “Đào lại nở” nhưng ít thấy ông Đồ xưa nên chúng ta phải nhờ mấy “ông Thư pháp trẻ” viết vài chữ, vài câu gọi là mừng xuân. Giới trẻ thì trước tết đã rủ nhau đến hiệu sách chọn mua thiệp Xuân để gửi chúc tết đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp với những lời chúc mừng nhân dịp Xuân về.
Ngày 23 tháng chạp là ngày ông Táo lên trời. Đêm giao thừa 30 tháng chạp, ông Táo lại trở về trần gian với gia đình vào thời điểm “năm cùng tháng tận” mang lại hy vọng cho gia chủ sang năm làm ăn may mắn phát tài phát lộc. Vào dịp cuối năm, gia đình nào cũng lo sơn quét nhà của đón Tết nhưng cũng không quên ra thăm viếng sửa sang sơn quét những ngôi mộ của người thân, đó chính là lúc tâm hồn người ta chùng xuống chạnh nhớ ông bà cha mẹ, nhớ những ngày tháng đã qua trong cuộc đời trong tâm thức mỗi con người. Lễ Tết còn thể hiện tình bà con nghĩa làng nước, gia đình này bàn với gia đình kia mổ chung một con heo, nấu chung nồi bánh chưng, bánh tét để được ngồi bên nhau canh nồi bánh kể chuyện râm ran cả một quá khứ tuổi thơ hiện về ngập tràn tâm tưởng.
Trước Tết nhà nào cũng lo đi sắm Tết, mua cho con trẻ bộ áo mới để mặc tết. Đúng giờ Giao thừa, gia đình đứng trước bàn thờ gia tiên để khấn vái ông bà Tiên Tổ phù hộ cho mọi người. Trong không khí trang trọng đặc biệt của ngày Tết, trên bàn thờ khói hương nghi ngút, con cháu lần lượt chúc tuổi các bậc trưởng thượng ông bà cha mẹ được sống lâu trăm tuổi, rồi ông bà cha mẹ lại mừng tuổi cho con cháu mau khôn lớn, học hành thành đạt … Sau đó, gia đình anh chị em rủ nhau đến chùa lễ Phật hoặc đến nhà thờ nhưng không quên tập tục dân gian xưa là bẻ một cành cây có lá non gọi là “Hái lộc” mới đem về nhà cho sang năm gia đình được nhiều may mắn, tài lộc.
Ý nghĩa cao đẹp nhất của ngày Tết truyền thống Việt là “Tạ Ơn”, đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Thật vậy, Giờ phút “Giao Thừa” chuyển đổi từ năm cũ sang năm mới, dân gian Việt Nam nhà nào cũng bày một mâm hoa quả trước sân nhà để cúng Trời Đất, cảm tạ Trời Đất đã ban sự sống cho con người, cảm tạ ông bà Tiên Tổ đã sinh thành ra mình để có được ngày hôm nay. Truyền thống dân gian Việt là “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy” đã nói lên đạo hiếu của bổn phận làm con và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt. Ngày mồng một tết, sau khi chúc tuổi thọ cha mẹ biểu trưng lòng biết ơn cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng dạy dỗ nên người, dân gian còn phải đến chúc tết các bậc trưởng thượng trong dòng họ rồi chúc tết bà con cô bác, hàng xóm láng giềng.
Trong ba ngày tết, đi đến đâu, vào nhà nào cũng được tiếp đón linh đình nồng hậu hơn mọi ngày với nay đủ món ngon vật lạ ngày tết. Ngày mồng 3 tết đặc biệt dành riêng để đến nhà thày cô chúc tết với món quà biểu tỏ lòng biết ơn công lao người đã dạy dỗ việc học hành trên ghế nhà trường. Tất cả đã nói lên truyền thống cao đẹp tràn đầy tính nhân bản, thấm đậm nét nhân văn của đạo làm người của một dân tộc có gần năm ngàn năm văn hiến.
Ngoài ý nghĩa tâm linh của ngày tết, dân gian Việt thiên về cuộc sống tình cảm nên xem ngày tết như là một dịp để quên đi những vất vả gian truân của cuộc sống, quên đi những buồn phiền hiềm khích năm cũ đẻ vui vẻ đón tết, ăn tết. Không một ai trong chúng ta lại không nhớ đến nỗi vui mừng khi nhận những bao tiền “Mừng Tuổi” “lì xì” màu đỏ rực thời còn nhỏ dại của người thân mừng tuổi cho những đồng tiền mới tinh.
Người Việt Nam chúng ta không ai có thể quên được không khí tưng bừng nao nức của ngày tết với câu đối đỏ, những bức tranh tết đỏ rực, những câu đối chúc tụng, những tràng pháo đỏ treo trên cây nêu hoặc trên cao để đúng giờ giao thừa nổ liên hồi để xua đuổi tà ma nên đêm ba mươi dân gian còn gọi là “đêm trừ tịch”.
Tiếng pháo nổ dòn giã vang rền, có nơi còn múa lân để chúc mừng gia chủ khiến lòng người ai ai cũng hoan mừng chờ đón giây phút thiêng liêng trọng đại đó để “Tống cựu nghinh tân”, đạp cái xấu xa xui xẻo năm cũ để đón mừng một năm mới tràn đầy hy vọng. Làm sao có thể quên được những đôi môi mọng đỏ của các cô gái khi cắn hạt dưa. Cái thú ngồi cắn hạt dưa đến rát cả lưỡi mà vẫn cắn không biết chán, những tiếng cười ròn rã, những câu truyện râm ran suốt cả đêm. Tết nhất với đủ mọi món ăn nào là thịt mỡ dưa hành, giò chả rồi bánh chưng, bánh tét tha hồ mà ăn đến ngán ngẫm ê hề.
Nói đến Tết không ai không nhớ đến bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên vào những ngày cuối năm với cái tết dân gian thấm đậm truyền thống Việt: “Nêu cao, pháo đỏ bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành …” của không khí ngày tết ở làng quê: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột. Loẹt loè trên vách bức tranh gà ..! Bên cạnh những tấm lòng chân thật còn có những lời chúc “Đầu môi-chót lưỡi” của những phường giả dối nên thi sĩ Tú Xương đã mỉa mai cay đắng:
“ Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau,
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu …!!!”
Mỗi lứa tuổi đón tết một cách khác, trẻ em thì vui mừng mong đợi ngày tết với những ước mơ đơn giản đời thường với bao tiền lì xì mừng tuổi, bộ quần áo mới và bánh thịt phủ phê năm ba ngày tết. Tuổi thanh xuân thì ngao du đây đó xa nhà, có người lo làm ăn sinh kế nên phải xa nhà tha hương nơi đất khách quê người, chợt một lúc nào đó cảm thấy hụt hẫng thiếu vắng một cái gì khiến tâm tư lắng đọng nhất là những chiều cuối năm nắng hanh vàng vọt bên thềm khiến lòng ta xao xuyến:
Chiều cuối năm gợi nhớ,
Trở về mái nhà xưa …
Ngập tràn bao kỷ niệm,
Thương biết mấy cho vừa ..!
Chiều cuối năm gợi nhớ,
Một thoáng buồn xa đưa …
Những người thân thương cũ,
Chờ ai đón Giao thừa ..?!
( Phạm Trần Anh)
Thi sĩ Thế Lữ cũng đã trải qua những ngày tết xa nhà nơi gác trọ mới cảm thấy một nỗi buồn thấm thía:
Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan,
Trong lúc gần xa pháo nổ ran ...
Rũ áo phong sương trên gác trọ,
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang ..!
Với tuổi già thì những ngày cuối năm biết bao nhiêu buồn vui cuộc sống đủ để trầm ngâm về thế thái nhân tình, về cõi nhân sinh riêng mình chứng nghiệm! Nhìn bàn thờ khói hương nghi ngút, nhớ những người thân đã qua đời, những bạn bè không còn nữa, chậm rãi vuốt chòm râu bạc nhấp một hớp rượu rồi khề khà ngâm vịnh:
“ Nén hương khói toả thờ Tiên Tổ,
Chén rượu ngâm nga chúc bạn bè ...!”
Vào tuổi “Thất thập cổ lai hi”, với cái nhìn thấu suốt toàn diện cuộc đời sau bao năm thể nghiệm cuộc sống để cuối đời nhận chân được qui luật muôn đời của con tạo xoay vần, của sinh lão bệnh tử nên bình thản chấp nhận tuổi già xồng xộc đến, chờ đón cái chết một cách ung dung tự tại như bài kệ “Cáo tật Thị chúng” của thiền sư Mãn Giác:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai ..
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai ..
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai ..!
Xuân qua trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa tươi ..
Việc đời qua trước mắt,
Trên đầu già đến rồi …
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng mãi,
Đêm qua sân trước một cành mai ..!
* “Từ điển Đồng Nguyên Tiếng Việt-Đông Nam Á” của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng.
Sách Hán thư chép rằng: “Người Lạc Việt đến mùa thu tháng tám thì mở hội, trai gái hát giao duyên, bằng lòng nhau thì lấy nhau”*-.