Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






VŨ ANH KHANH

VÀ HAI THẾ GIỚI MÂU THUẪN




I.- KHÁI QUÁT

Nói đến văn nghệ Miền Nam thế hệ 45-50, người ta nghĩ ngay đến cặp Lý Văn Sâm -Vũ Anh Khanh, cũng như nói đến nhà văn thế hệ 32 người ta nghĩ ngay đến Khái Hưng và Nhất Linh. Nhưng trên văn đàn ở một giai đoạn, tôi nghĩ không thể có hai người ở tuyệt đỉnh, bởi vậy giữa Lý Vũ ta phải chọn người trội, cũng như giữa Khái Hưng và Nhất Linh ta phải chọn người bá chủ văn đàn của thế hệ 32. Ở đây, Miền Nam, giai đoạn tranh đấu, ta phải nhận rằng Vũ Anh Khanh vượt Lý Văn Sâm nhiều. Nếu có thể xếp các nhà văn theo thứ bậc, tùy theo kết quả những tác phẩm của họ ta phải xếp Vũ Anh Khanh rồi mới tới Lý Văn Sâm, Hồ Hữu Tường, Phi Vân, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh…Sở dĩ chúng tôi xếp Vũ trước Lý vì nhiều lý do, trước nhất tác phẩm của Vũ nhiều và hầu hết là quan trọng, ở Lý có nhiều quyển kém và có sự hiện diện của những tác phẩm viết vội vàng, viết ra cho những người trẻ lớp dưới.

Phần khác thơ Vũ Anh Khanh cũng góp phần để gây ảnh hưởng cho Vũ. Ta có thể cãi rằng Lý Văn Sâm có viết kịch. Vũ thì không nhưng phải nhận rằng ngày nay người ta biết Vũ thi sĩ chứ rất ít người biết Lý kịch gia. Về phương diện gây ảnh hưởng trong quần chúng lúc ấy Vũ Anh Khanh có Nửa Bồ Xương Khô và những nhân vật chiến sĩ thánh thiện, đáng mến có ý tưởng và hành động đáng yêu, Lý Văn Sâm không được lợi điểm nầy, nhân vật của ông cũng khá nhưng mơ hồ, nghèo khó, chìm nặng trong suy tư mà phai lợt ở hành động - điều nầy cần yếu cho lúc đó . Sự kiện nầy có thể giải thích được bởi đường lối sáng tác của một người thiên về quốc gia còn một người thiên về xã hội. Tuy nhiên dù sao ngày nay người được nhắc nhiều là Vũ Anh Khanh chớ không là Lý Văn Sâm.

Đọc qua số tác phẩm của Vũ Anh Khanh ta thấy ngay ông là ngòi bút có chân tài, văn ông nhẹ nhàng, bình dị nhưng gợi cảm, thấm thía khiến người đọc không chán khó quên. Nếu thường những văn sĩ ở tác phẩm đầu tay có sự non kém về trí cũng như về kỹ thuật trường hợp Nhất Linh với Nho Phong và Người Quay Tơ thì trái lại định luật nầy có sự thừa trừ ở Vũ. Tác phẩm đầu tay của ông, căn cứ trên năm ghi dưới cuốn sách (Cây Ná Trắc (1948) - vẫn không sút kém với tác phẩm sau là bao. Nói như vậy không có nghĩa là khiếm khuyết sự tiến bộ mà chỉ có nghĩa tác giả có chân tài, bởi vì những tác phẩm sau cũng như ở tác phẩm trước là những công trình có tiếng, có bản sắc, kỹ thuật cao, thu nhiều cảm tình của độc giả trí thức cũng như bình dân.

Văn ông mang màu sắc Nam Việt nhẹ nhàng ở những danh từ địa phương , đơn giản ở cách kết cấu mang nhiều tính chất Đồng Nai, Hậu Giang…

Tính tình nhân vật của ông cũng vậy nhiều khi mang cái nóng tính nhất thời nhưng họ biết suy nghĩ, biết phục thiện nếu được nghe lời nói phải, họ ít khi suy tính lợi lộc mà thường hành động theo cảm tình theo ý hướng thiện, họ có một cách tiên thiên.

Nhìn tổng quan về tư tưởng của Vũ Anh Khanh ta thấy các đề tài của ông không ra ngoài mục đích chính lập trường người dân cổ võ ủng hộ cách mạng chống thống trị, xâm lược. Từ đó sinh ra hai ý:

- Nói về tác phong những người kháng chiến là những người đã ý thức được bổn phận mình để hy sinh mình cho vinh quang dân tộc:

- Trình bày bộ mặt trái của đô thành với những ung nhọt ghẻ lở, bỉ ổi xấu xa, vì chứa đựng những người không có ý thức, không chú ý đến sự nguy vong của tổ quốc.

Để diễn tả ý trên ông đề cao kháng chiến lý tưởng hoá người đi chống giặc, họ thường hành động đẹp đẽ, đáng yêu không vụ lợi, hy sinh, bình tĩnh, biết bỏ những lợi lộc cũng như những ràng buộc cỏn con hiện tại để theo chánh nghĩa, họ biết tổ quốc nặng và ái tình nhẹ, đặc biệt người con gái ở đây, chung thuỷ, thùy mỵ, có tình yêu bao la và hướng về những người khán chiến.

Để thành công hơn, ở ý sau ông mạt xát kẻ thờ ơ lúc tổ quốc nguy vong, hay chạy theo phú quý vinh hoa, ông vẻ và tô đậm thêm những bỉ ổi do chính quyền thống trị đề xướng trong đô thành như cờ bạc, đỉ điếm để ru lòng, làm nhục chí khí người dân, nếu cần ông nói một vài tính xấu của người ở lại như thục kết, theo đào, có tư tưởng an nhàn, tự mãn…

Đành rằng ông định hướng ý mình là mạt sát và đề cao hai bộ mặt để cùng đi đến đối tượng: Chống thực dân, xâm lược, nhưng nếu khắt khe ta phải nhìn nhận là ông quá chủ quan; ở chỗ luôn luôn mô tả người kháng chiến luôn luôn cao đẹp, thánh thiện, người ở lại càng bỉ ổi, ty tiện, hời hợt trong tư tưởng. Có lẽ ông vẽ theo phương pháp hoạt hoạ, ông trình bày để đi đến mục đích. Nhưng đó là việc riêng không phải là công việc tìm hiểu tư tưởng một tác giả. Nhìn riêng ở mỗi chuyện đề tài của Vũ thoát, cảm động thực sự người đọc, đánh mạnh vào tâm trí tư tưởng người xem và do đó có ảnh hưởng nhiều với quần chúng lúc ấy.

Vì Vũ là nhà văn lớn, nên chúng tôi khảo sát đặc biệt hơn; trình bày sự phân cách giữa hai hạng người, vị ngã, vị quốc gia, dưới mắt họ Vũ, rồi mới nhìn tổng quan từng tác phẩm của ông.

HAI THẾ GIỚI MÂU THUẪN DƯỚI MẮT HỌ VŨ

A) Bộ Mặt Của Thành Phố Vô Ý Thức

Thành phố là nơi ồn ào đô hội, nơi tập trung của những thành phần ưu đãi của xã hội, họ sống dễ dàng vì nơi đây đồng tiền dễ kiếm, chiến tranh cũng như lùi bước trước ánh sáng kinh kỳ, người dân không có nỗi lo về đời sống khó khăn, nếu sinh kế bắt họ phải bon chen với đời thì nỗi nhọc nhằn nầy cũng không phải là bao so với nỗi khổ của người dân quê nơi thôn dã. Họ cũng không phải lo lằn đạn vô tình, có thể xuyên qua vách lá lúc nào, để làm cho cảnh gia đình ly tán. Cảnh chiến trường hoạ hoằn lắm mới xảy ra ở đây, cho nên họ dễ dàng quên để nghĩ rằng mình sống trong cảnh thanh bình.

Từ đó, con người buông trôi theo cuộc sống tranh đua nhau làm đẹp, làm sang, quên đi nhục vong quốc.

Một lần Vũ Anh Khanh đã cất tiếng kêu :

Hỡi cô con gái đô thành nội
Ai điểm trang mà em phấn son?

Dễ dãi đời sống, con người muốn tìm lúc căng thẳng thần kinh, họ đua nhau giỡn tiền, từ đó lòng tham nổi dậy, buông trôi theo việc cờ bạc, ăn thì xài xa hoa, thua thì bao nhiêu bẽ bàng sẽ đến.

Họ, không làm gì hơn là chen chúc nhau trong xòng tài xỉu, xa xa tiếng súng nổ, người dân ngã gục dưới họng súng của quân thù dường như là một cảnh xa lạ, không liên quan gì với họ.

Người ta chỉ chú ý mình, đến vận mệnh mình qua những con lúc lắc vô tri, qua những rủi may vô nghĩa; để cuối cùng một chút tự do còn xót lại của đời mình cũng mất luôn.

Thanh và Thảo vui vẻ cặp tay nhau hùng dũng vào phòng. Thanh đứng nghểnh mặt dòm quanh dòm quất bảo Thảo:

- Tao nhắc “nước” mầy đánh nhé.

Thảo gật gật đầu, thò tay vào túi nắn nắn xấp giấy bạc, tin tài bạn. Ngoài đường gió lạnh, thế mà vào trong nầy lại ấm, ấm từ cái trán ấm đi. Có lẽ vì đông người cũng có lẽ vì hơi tiền bạc lên cao trông như khói mỏng manh.

Lần đầu Thảo mới vào gian phòng nầy, chàng hơi lạ, lòng thành có vẻ ngớ ngẩn, Thảo để ý rồi Thảo lắng tai nghe. Những tiếng “hối” của mấy cô Sẩm cố quay miệng kéo thật dài hơi, những tiếng “tắc” ngập ngừng, phờ phĩnh rơi tõm vào lòng người. Thảo kiễng chân nhìn ba con hột lúc lắc.

- Lại “xỉu”.

Một con bạc đứng trước mặt Thảo nói ra theo hơi thở Thảo mỉm cười nghe hai công dân Tàu đang “tỉu” ngậu xị với nhau. Bên góc bàn đặt tiền, một công dân Tây, tay vuốt mồ hôi, cười gượng gạo. Bên tay trái Thảo, một công dân Ấn đang đướng trầm lặng quăng một mình. Còn công dân “An nam” thì đông lắm, đang chửi thề và hục hặc.

. . . . . . . . . . . . .

Thảo hối hận muốn khóc. Chàng dựa lưng vào vách khám, mắt lờ mờ nhìn tia nắng len qua hai cánh tay cửa tò vò.

Trong một giây, Thảo nhớ lại……..

…….. Thảo gặp Thanh, người bạn cũ chuyên sống về tài bài bạc. Thảo sa ngã theo Thanh, Thảo cờ bạc, rượu chè.

Thảo đã thua tiền nhà, Thảo lại thua tiền kết của hãng giao đi mua hàng. Thảo bị bắt tống giam và chờ ngày ra toà.

Thảo thở dài.

(Sông Máu Saigon ơi – trang 28-29-30)

Khi thua, người con trai làm bậy, thụt két, trộm cắp, cướp giựt, rồi vào tù. Đó là nỗi khổ vật chất mà họ phải gánh chịu vì trót mê say cuộc đỏ đen. Người con gái gặp cảnh nầy khổ sở hơn vì họ có thể nhơ nhớp cuộc đời vì túng phải làm tiền: đem thân mình đổi như tờ giấy nhèo nhò, vô nghĩa lý, để rồi chuốc sự rẻ khinh của ngay cả người cung cấp cho mình những tờ giấy ấy.

Ông khách ẵm Son lên lòng, khẽ nựng rằng:

- Em có chồng chưa?

Ngập ngừng, Son trả lời:

- Có rồi.

- Sao em làm nghề nầy?

- Vì em thua nhiều quá!

Ông khách cười:

- Hỏi các cô thì cô nào cũng vậy. Thua bạc, ai bảo đi đánh?

(Đầm Ô Rô - trang 41)

Nhưng không phải một người, hai người làm việc nầy, họ là căn bệnh của thời đại, căn bệnh của những người vô trách nhiệm, không ý thức đang chen chúc trong đô thành dưới mắt họ Vũ. Người ta lăn xả vào những cuộc vui có hại như những con thiêu thân lăn xả vào ánh đèn…

… Nào có phải gì mình Son đâu? Saigon bây giờ cờ bạc thạnh thành, thì lẽ tất nhiên theo luật tuần hoàn trai sinh ra trộm cắp, gái sinh ra điếm đàng.

Hàng trăm “hộp đêm” lén lút mở cửa và cứ mỗi chiều có năm, mười cô gái còn trẻ thua bạc, ngẩn ngơ neo thuyền đậu lại một bến Tầm Dương.

Từ đấy, chờ giờ chồng đi làm, Son mặc áo hoa thêu gọi xe đi về phố X…tìm đường vào Ma Thiên Lãnh để “bắt mồi” kiếm tiền.

(Đầm Ô Rô – Ma Thiên Lãnh, trang 43)

Đó là những lời chê trách của Vũ Anh Khanh với những người đã buông trôi đời mình vào vô nghĩa, lời chê trách còn khắt khe hơn khi ông nhìn đến những người dửng dưng trước cuộc tranh đấu của dân tộc. Họ chỉ mải mê chạy theo đồng tiền, chạy theo cách làm cho mình giàu hơn, khá hơn. Họ không biết rằng giữa lúc muôn người xả thân cho quốc gia, đem máu xương của mình chống chọi với kẻ thù, mọi việc mưu tìm lợi lộc cho chính mình là việc bần tiện khả ố, vì quốc gia là của chung mọi người, quốc gia mất thì một vài cá nhân giàu có cũng không ích lợi gì và trước sau gì họ cũng bị áp bức, giết chóc. Đó là chưa kể họ đã không làm tròn bổn phận với quốc gia, chưa xứng đáng với sự hy sinh của những người đã ý thức…

Người chung quanh sẽ khinh bỉ họ, chán ghét, xa lánh, kể cả người đầu gối tay ấp với mình, có một chút nghĩ suy…Ba năm binh lửa, chàng ra đi, Thơ ở lại lấy chồng. Chồng Thơ là gã ngu phu, thường trọng tiền tài hơn danh dự, thường xuyên quên chuyện lớn mà là lo việc cá nhân. Chồng Thơ xấu, Thơ cũng phải mang tiếng xấu lây.

… Những chuyện của chồng làm, Thơ không để ý đến. Thơ chỉ biết rằng chồng Thơ thường đi nhiều, có đêm suốt sáng, thường nghĩ ngợi nhiều có vẻ lo lắng. Thơ cho rằng chồng hay đi đêm với gái, nghĩ nhiều chắc là tìm cách làm tiền. Trong cơn quốc biến biết bao nhiêu người đã đành lòng đứng ra ngoài lề mà chạy theo miếng đỉnh chung, quên danh dự làm người, quên bao dòng máu đã chảy vì ai!

(Đầm Ô-Rô , Miếng Đỉnh Chung – trang 9)

Đứng trước sự xuống dốc của những người nầy Vũ Anh Khanh trước khi đối chiếu với những người thức tỉnh, đã mô tả một hạng người tha thiết đến quê hương, cố công kêu gọi mời mọc, cảnh tỉnh những người đã bỏ rơi tâm hồn mình. Đó là những nghệ sĩ đã trở mình khỏi tháp ngà. Họ biết rằng một người dửng dưng thì lực lượng cách mạng thiệt đi một người, đất nước rất cần những bàn tay và sức mạnh của bất cứ ai, nên nghệ sĩ cố đem tiếng lòng ra giải bày để mong những đứa con lạc loài có dịp phản tỉnh để trở về.

Nhưng trước kim tiền, vật chất, sự dễ dàng, người nghệ sĩ nhiều phen thất bại, ứa nước mắt vì những kẽ hồi đầu quá ít, người ta còn mãi bận bịu vì những thứ nhứt thời, bỏ mặc quê hương rách nát.

Ngày xưa lâu lắm, vào thời Trịnh nguyễn tranh hùng, giành nhau chia xẻ giang sơn Việt Nam ra làm hai mảnh có một chàng văn sĩ đau lòng vì cảnh tương tàn, tương sát, chàng mới ngồi nặn óc viết ra một truyện để cảnh tỉnh lòng người. Chuyện chàng viết rất công phu, nhưng người ngoài thiên hạ đọc không hiểu, không ai thèm xem. Buồn lòng vì tài mình chưa đủ, chàng mới đi chu du để tìm thầy…

(Sông Máu - Cầu chìm , trang 75)

Đó là văn sĩ, với ngòi bút rướm máu của mình, với những câu chuyện xa xa gần gần. Người ta không có thì giờ để xem đã đành, nhưng còn tai người ta cũng bịt lại, vì nhạc sĩ cũng cố đem những âm thanh oán hờn, tủi nhục, tiếng sắt, tiếng thép, gợi lên cảnh nhục nhã đau thương cho họ nghe, nhưng rồi kẻ thông cảm lại quá ít, trần ai mấy ngưới tri kỷ. Người nghệ sĩ ôm mối hận lòng của mình xuống mộ, để quê hương đau khổ lại cho những kẻ không nghĩ gì xa hơn ăn mặc, vui chơi.

Ngày xưa có một nhạc sĩ Chàm tên Chế Liễu – chàng có một ngón đàn vô cùng tuyệt diệu và một tấm lòng yêu mến quê hương thiết tha. Biết trước sẽ có ngày dân tộc chàng bị tiêu diệt, nếu giống Chàm cứ mải sa ngã vào những cuộc rượu chè. Chàng mới đặt ra những bản nhạc thật hùng mạnh. Cứ mỗi đêm về khuya, chàng leo lên ngọn tháp cao nhất giữa kinh thành Đồ Bàn mà đàn mong rung cảm lòng dân. Nhưng buồn thay, chẳng một ai buồn hiểu!

… Chế Liễu được vua cho phép quỳ giữa sân chầu mà đàn để giúp vui cho bữa tiệc.

So giây kỹ lưỡng, chàng nghệ sĩ đất Chàm thu hết tài ba bấm chắc chắn từ cung. Tiếng đàn rung lên, khi mau, khi chậm, khi nhẹ nhàng, khi hấp tấp, khi như van lơn, khi như nguyền rủa. Bao nhiêu nỗi thắc mắc đau khổ trong lòng của Chế Liễu đều theo đường tơ mà tuôn ra những giọng ai oán lâm ly.

Ai nấy đều lắng nghe những tiếng đàn tha thiết kêu gọi kín đáo, vừa chua chát, vừa quyến rũ. Nhưng tiếng đàn chỉ có một người hiểu.

Công chúa Huyền Trân…

…Thời gian qua Chế Liễu chết và dân tộc Chàm bị tiêu diệt vì không hiểu nổi tiếng đàn kia…

(Sông Máu -(Cây đàn câm – trang 48-49-50)

Nhưng cũng may, có hạng người luôn luôn ngủ, ai kêu cũng không dậy, ai xô cũng không thức thì cũng có hạng người không ngủ, không cần ai gọi cũng đã tỉnh. Hạng người nầy là những người ý thức, hạng tạo thành tự do cho quê hương chúng ta.

B) Những Người Ý Thức:

Hạng người nầy, Vũ Anh Khanh, mô tả thật kỹ, với tấm lòng quý chuộng của mình. Người ý thức là trai, gái, già, trẻ, không cần, điều quan trọng là họ biết nghĩ suy, trong cơn quốc biến, không thể dửng dưng sống cho mình, vui thú cho bản thân, ai chết thây kệ. Nước còn hay mất không lo. Họ là những người tha thiết với quê hương mình, dám vứt bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của quê hương, bỏ sau lưng mình cuộc đời đang lên, tươi đẹp, bỏ tất cả tuổi hoa mộng đang hé tay chờ đọi để giúp đỡ phần nào những người chiến sĩ đã xả thân cho quê hương.

Một chiều mây tang tóc. Mây xám ngoẹt ở lưng chừng trời: Khói loạn ly bắt đầu sấy đen những chiếc lá úa rụng xuống khắp các ngả đường.

Ngày ấy Phấn ra đi.

Nàng đã trút bỏ bộ áo nữ sinh trường “Áo tím” thay vào một bộ vải ta đen to sợi dệt. Phấn theo đoàn quân sống lăn lóc những ngày nhiều mưa gió. Từ một nữ học sinh nhảy qua đời nữ cứu thương Phấn thấy mình thay đổi rất nhiều. Nàng đã tìm lẽ sống trong một cuộc đổi thay, một đời sống mới. Ngày ngày, nàng được băng bó những vết thương cho các chiến sĩ tiền tuyến. Phấn hay để lòng xót xa cho họ và tìm được chân lý của sự hy sinh: lòng thương người và tình yêu nước.

Một năm qua, hai năm qua, cuộc sống chiến đấu dằng dai càng ngày càng dữ dội. Những giòng máu vô tội cứ chảy và ba năm qua phố phường lại rộn rịp, tưng bừng như xưa. (Đầm Ô Rô – Tóc Thề, trang 55-56)

Khi chí đã quyết, lòng đã trui, con người ý thức không còn coi việc gì quan trọng hơn là sứ mệnh nữa. Họ cho rằng chết vinh hơn sống nhục, vấn đề là đất nước thoát khỏi cảnh đô hộ xiềng xích, cá nhân là vô nghĩa, người nầy chết đi sẽ có trăm ngàn người khác đứng lên thay thế họ. Họ sẵn sàng chấp nhận cái chết như một vinh dự, một bổn phận thiêng liêng. Thắc mắc của họ không phải là sự có mặt của mình trên cõi đời nầy, mà là khúc khải hoàn của dân tộc.

Lìn lấy hai viên đạn để giữa lòng bàn tay, đưa lên miệng, hôn đưa cho Lương hôn, nàng bảo:

- Trước khi từ giả cõi đời, em xin cầu nguyện cho tổ quốc Việt Nam dân tộc Việt Nam mau ca khúc khải hoàn.

(Bạc Xiu Lìn trang 131)

Đó là một hình ảnh cảm động đến rơi lệ, người chiến sĩ biết tình cảm của mình không thể khác hơn, thà chết chớ không hàng địch.

Hình ảnh sau đây còn đáng nể hơn nhiều: người con gái, sau khi bị thương, biết mình sắp chết không ân hận, không buồn bã mà còn tìm trong đó một ý nghĩa, ý nghĩa họ đã biết trước khi lao thân vào cuộc đời tranh đấu:

Tôi không còn được bao ngày nữa! Thầy thuốc đành bó tay trước vết thương quá nặng? Thôi thế cũng hay, ít ra tôi cũng đã ghi lại trên đời một cái gì không để tên cho vong hồn tổ tiên. Còn việc sống hay chết đối với một chiến sĩ nào có nghĩa gì.

(Đầm Ô Rô - Miếng Đỉnh Chung – trang 11)

Đó là hành động và tư tưởng của người anh hùng, kẻ đã quyết chí hy sinh, không phải lúc ấy chỉ có một người, hai người, mà là một con số rất lớn, gần như hầu hết những người tay lấm chân bùn, những người rất ít được ân sủng của xã hội là được sống trong cảnh yên lành, dễ dàng cuộc sống, tiện nghi của tiến bộ, họ là những dân quê, hiền lành, chất phác, nhưng sức sống dồi dào mãnh liệt, ý chí cương quyết vô bờ, gặp cảnh ngửa nghiêng, họ không suy nghĩ gì hơn là phải làm thế nào để ngăn chận bước đường tiến của quân giặc, không cho bọn thực dân lộng hành.

Đây không phải là sự bồng bột nhất thời, một sức vùng lên thiếu tổ chức, mà là một tình cảm tự nhiên, hợp lý, quyết giữ nước giữ làng, sức mạnh của họ được hợp nhất, tổ chức có hệ thống, chặt chẽ, hữu hiệu, đúng phương pháp.

Nhà nào cũng vậy, vàng bạc, của cải có thứ gì lo chôn, quần áo, giường mền, lo sắp đặt sẵn; chờ hễ có lệnh là tản cư về Đồng Bái.

Dân trai tráng phải chia phiên nhau đi tuần cả đêm lẫn ngày. Con đường xe hơi chạy về thành thị bị đào gần khoảng xóm cháy, cách xa làng chừng mười cây số. Gần mấy trăm cây dừa tư bị hy sinh, đốn ngã xuống rào đường. Những phương pháp ngăn đường tiến của quân địch đều được chu đáo thi hành.

(Cây Ná Trắc – trang 9)

Họ cũng biết lực lượng của mình, sự tương quan lực lượng giữa hai bên là một điều mỉa mai đối với họ, nhưng điều đó chỉ được đặt ra để cố gắng hơn, can đảm hơn, chớ không phải được đặt ra để chán nản, tuyệt vọng, buông trôi, giao đất nước mình, quê hương mình cho kẻ mạnh. Họ cố hết sức, lợi dụng tất cả phương tiện để đi đến thành công chút nào hay chút nấy, không hoảng hốt, sợ sệt, nao núng. Khí giới không quan trọng, quan trọng là lòng người đoàn kết, can đảm, căm thù, cố gắng hy sinh và chấp nhận mất tất cả để ngăn cản bước tiến của quân thù. Một nao núng của mình là một sự khích lệ bước tiến sự tàn ác của bọn người cướp nước. Sự can đảm hy sinh của mình sẽ là trở lực cho họ, khiến họ nao lòng, nản chí và dễ đặt lại vấn đề xâm lược. Bởi vậy, toàn thể dân làng Khánh Thiện đã một lòng chống giặc, bất chấp tất cả.

Nghĩ đến khí giới, Tảo ngậm ngùi.

Ngăn giặc bằng gì? Tấm lòng yêu nước thiết tha.

Chống giặc bằng gì ư? Cả làng Khánh Thiện chỉ vỏn vẹn có một thanh gươm Nhật Bản của một gánh hát cải lương từ Nam Bộ tản cư ra tặng lại hiện Bão đeo làm gươm lệnh, mươi trái lựu đạn và năm cây súng sáu ru lô của trên ủy ban quân sự tỉnh cấp cho, còn là tay không mình trần.

Gần ba ngàn tráng đinh nếu đầy đủ súng ống cũng là một lực lượng đáng kể. Thiếu khí giới tối tân họ đành tự mình kiếm vật phòng thân vậy. Thôi thì rựa củi đi rừng, mác tre, dao phay bằm cá, tất cả những thứ đồ sắt nào đâm được, chém được đều đem ra dùng. Họ tự an ủi lẫn nhau:

- Một chiếc guốc vông nhẹ còn có thể giết người được nữa là! Miễn cần có một bầu máu nóng gan lì mà chịu đựng, một ý chí mãnh liệt hy sinh.

Những cô gái nhu mì đã bắt đầu can đảm cắt ngay mớ tóc đuôi gà, áo may ngắn thắt tay, một mảnh vải đính chữ thập hồng bịt ở đầu, một hộp đựng đồ cứu thương đeo ngang lưng, một túi dét quần áo mang cạnh sườn và luôn luôn đi đó đi đây lo công việc từ thiện. Phấn son quẳng vào bếp, giày dép bơ móc dưới gầm bàn, các cô thường đi chân không. (Cây Ná Trắc – 13-14)

Như một tác giả có cái nhìn thấu đáo, Vũ Anh Khanh cho rằng người hy sinh thân thế mình cho dân tộc, không phải là người mất đi tất cả tình cảm khác, chỉ có lòng yêu nước mà thôi. Họ không phải là những cái máy đánh giặc, không phải những kẻ cuồng tín, mặc dầu cuồng tín cho tình tự quê hương, họ vẫn còn là con người với đầy đủ tình cảm, nhưng lòng yêu nước của họ mạnh mẽ, đàn áp, nổi bật lên trên tất cả tình cảm khác mà thôi. Họ dành hầu hết thì giờ cho việc chánh, gần như quên hết mọi sự, nhưng khi rảnh rỗi, lúc thảnh thơi một mình họ cũng biết nhớ đến người mẹ già, kẻ đã tạo mình hình vóc ngày nay…

- Lâu lắm mình mới được soi gương kỹ càng.

Nói xong câu nầy. Tiềm chợt nhớ chàng còn một bà mẹ già ở nhà quê mà lâu lắm chàng chưa có dịp về thăm. Lâu lắm đi theo tiếng gọi của lòng, Tiềm mải mê theo công việc, chàng không còn thì giờ để mà nhớ đến mẹ nữa! Tiềm ngậm ngùi, thở ra thương cho mẹ già chiếc bóng, chiều chiều lê gậy trúc ra cửa ngóng tin con. (Vũ Anh Khanh – Cây Ná Trắc 65)

Con người phải đầy đủ nhân tính của nó, không thể chỉ biết có một mục tiêu duy nhất để mà bỏ qua tất cả. Vũ Anh Khanh là tác giả thành thật và hơn người ở chỗ đó. Không quá khích không vướng mắc vào sự tuyên truyền, chỉ có ích lợi cho giai đoạn và không xứng đáng là một văn nhân.

*

Nhiều khi ngòi bút của Vũ Anh Khanh còn làm cảm động lòng người hơn, ông mô tả cảm nghĩ, cử chỉ của những người mà ta tưởng rằng họ đặt quyền lợi của gia đình, tình cảm thân thuộc lên trên, nhưng không, họ cũng đi theo kịp quần chúng, cũng tha thiết với tiếng gọi của quê hương. Thật vậy, ai yêu mến gia tài, tiền bạc của mình bằng mấy cụ già, vì họ đã bỏ ra gần hết cuộc đời mình để gầy dựng nên nó, gia tài là hình ảnh thời gian đã qua của họ, là mồ hôi nước mắt của họ.

Tình thân mến nào bằng tình cha con, vì người con là lẽ sống của mình, là nơi nương tựa, là hình ảnh thân yêu của mình, nhưng trước lúc đất nước ngửa nghiêng, người già cả cũng vậy: dẹp bỏ tình cảm, lòng tha thiết của mình để vì quốc gia.

Mình không làm gì cả, anh em họ có công ra tiền tuyến, sống chết không biết giờ nào, mình có bổn phận phải nuôi họ, khuyến khích họ.

Bảo dạ một tiếng khẽ. Anh chủ tịch đỡ lời:

- Nhưng lâu nay cụ đã giúp cho nhiều quá!

- Mấy anh cứ nói nhảm! Trời cho tôi có tiền thì tôi giúp. Vả lại, giữ tiền, giữ gạo lại làm gì? Giặc đến rồi thì cũng mất và khi chết tôi cũng chẳng đem theo xuống lỗ được.

Nói xong cụ cười dòn.

- Thưa cụ, cụ có tin gì về anh An?

- Không, hình như nó đang ở Phong điền, Phong thủy gì đó…

- Dạ.

- Thời bình nó là con tôi, thời loạn nó là con của nước. Tôi không có quyền kềm giữ nó nữa.

(Cây Ná Trắc – trang 33)\

Ta thấy ngay Vũ Anh Khanh phân chia hai hạng người rõ rệt, một hạng chỉ biết có mình, sống cho chính mình, ai chết mặc ai, và một hạng sống cho lý tưởng, hiến đời mình cho quê hương. Và trong sự mô tả của ông, ta thấy hạng trên thường là người ở thành thị, nơi có đủ điều kiện để phè phỡn, hạng dưới là người dân quê, nơi dễ bừng lên sức căm hờn, nhưng không phải mục đích của ông là tả sự khác biệt giữa hai thế giới, thành thị, thôn quê, không phải ông muốn cho ta thấy đô thị xuống dốc, bưng biền tiến bộ như Thế Phong đã nói, mà ông muốn cho ta thấy sự mâu thuẫn khác biệt giữa hai thế giới, thế giới người người ý thức và thế giới kẻ u mê.

Thật vậy, đoạn văn sau đây của Vũ cho ta thấy rõ điều đó:

- Người Hànội bây giờ có vẻ ăn chơi nhiều quá nhỉ?

- Chỉ một số ít thôi; đấy là hạng người thiếu huấn luyện, hám danh lợi, tôn thờ chủ nghĩa vật chất! Còn phần đông đang âm thầm tranh đấu, nhiều nhất là sinh viên mấy trường đại học.

(Vũ Anh Khanh - Bạt Xiu Lìn ,trang 65)

Đấy là ý chính của Vũ, để diễn tả ý chính nầy, ông mượn rất nhiều khung cảnh người đời nay, đời xưa, thế giới người chết, thế giới thần tiên, nhiều khi đề tài của ông có tính cách ví von tượng trưng, gợi ý, nhưng chủ đích vẫn không ra ngoài hai bộ mặt ở trên. Dĩ nhiên, nếu kỹ lưỡng hơn ta cũng sẽ thấy một vài ý phụ khá độc đáo trong các sáng tác của ông…

Sau đây chúng tôi xin đưa ra những mầu sắc cá biệt ở mỗi tập truyện của Vũ Anh Khanh. Sự phân tích nầy tuy vậy không rời rạc vì nhận xét từ quyển cho ta biết tính chất ở mỗi phần của tư tưởng, những phần nầy góp lại thành toàn thể văn tài và đường hướng của họ Vũ.

II.- PHÂN TÍCH TÁC PHẨM.

Tác phẩm của Vũ Anh Khanh rất phong phú, ta có thể kể:

Bên Kia Sông (truyện ngắn) Tân Việt Nam 1949

Sông Máu (truyện ngắn) Tiếng Chuông 1949

Đầm Ô Rô (truyện ngắn) Tiếng Chuông 1949

Cây Ná Trắc (Truyện dài) Tân Việt 1949

Ngũ Tử Tư (truyện ngắn) Tân Việt Nam 1949

Bạt Xiu Lìn (Truyện dài) Tiếng Chuông 1949

Nửa Bồ Xương Khô I và II (truyện dài) Tân Việt Nam 1949

Dường như Vũ còn nhiều cuốn nữa đã viết xong nhưng chưa xuất bản, hầu hết là những truyện dài: đó cũng là điều lổ lả cho chính tác giả và cho cả nền văn chương nước nhà.

Ở đây chúng tôi chỉ nói về văn chương của Vũ còn thơ nếu có dịp sẽ bàn sau 35

Bên Kia Sông Và Những Bước Chân Lên Đường Hùng Tráng

Ý chánh ở đây là hành động lên đường của tất cả những người bỗng nhiên thấy lòng mình bừng sáng và mình phải có một hàng động gì xứng đáng là một con dân trong một nước đang binh lửa (Tướng cướp Năm Đen một ngày thu nhìn khói tang thương, đốt cháy làng mạc, tàn phá quê hương mình bỗng bừng tỉnh, ý thức rằng không nên để cuộc đời mình trôi trong vô nghĩa nên mạnh dạn bẻ gươm thiêng, phá tan sào huyệt cũ đi về một hướng mới. (Bên Kia Sông)

Hướng mới đó là theo những chiến sĩ cách mạng.

- Nga, một người con gái mù, đã hy sinh cuộc đời mình để cảnh tỉnh người yêu, nàng đã thành công; người yêu của nàng sau lần cuối nghe bản nhạc của nàng đã quyết chí lên 35 Thơ của Vũ Anh Khanh rất khá, nhạc điệu, ý độc đáo, bài thơ Tha La nổi tiếng không thua Màu Tím Hoa Sim, tập thơ “Chiến Sĩ Hành” góp phần không nhỏ trong việc làm bừng lên nền văn chương Kháng Chiến 1945-1950. đường làm nhiệm vụ cao cả của người trai (Đèn Saigon).

Nhiệm vụ đó là cứu quốc.

- Tráng khách, một người tự nhận mình là dòng dõi những bậc anh hùng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, lúc nào cũng quyết chí:

Một ngựa, một gươm hề, một cây cung Với lòng dũng cảm hề, với chí lớn Ta xông xáo hề trong đám mông lung

Mong mỏi được làm một cái gì, nên khi được lệnh thì vội vàng khăn gói lên vai, dấn mình vào sương gió, nhập thành công tác (tráng Khách).

- Liêu, một văn sĩ thấy quanh quẩn ở thành nội thiếu một mảnh đất tự do, tin tưởng mình sẽ thắng trở lực, đạp đổ được hết những chướng ngại… ra đi để tìm quê hương thật sự của mình vào một buổi chiều mưa. (Cười Mưa Tan)

- Tôn Nữ Lan Phương, một cô gái Huế, sau những ngày sống bình dị ở cố đô, thấy hoài bão của người chung quanh sao mà tầm thường quá nên đã ra đi. Trong khi thi hành nhiệm vụ, chuyện không may đã xảy ra. Khi biết đời mình không thể kéo dài được thì…Chị nhờ em thay chị về lựa lời an ủi giùm m ẹ chị, chắc người buồn lắm đấy! Chị không ân hận gì đâu. Em yên lòng (Tôn Nữ Lan Phương).

- Trâm, nghe cuộc đời nay đây mai đó của người khách viễn phương, nhớ đến nước nhà muốn trở vế giúp ích một phần nào cho quê hương (Người Khách Viễn Phương)

*

Những tình tiết ở đây rất gợi cảm, nhân vật hành động và đối xử cao cả, một cách đáng mến. Họ vừa có khí phách vừa giàu suy tư (Năm Đen, Tráng Khách, Người Khách Viễn Phương) hành động đĩnh đạt, dễ thu phục người chung quanh (Trúc, Quang. Liên, Minh) đời sống nội tâm phong phú (Tôn Nữ Lan Phương). Ở đây không có sự phân biệt gái trai, ở đây chỉ có những người giác ngộ, gái cũng như trai, thản nhiên bước vào cõi chết, hy sinh của báu độc nhất của đời mình là mạng sống để cảnh giác người yêu (Nga – Đèn Saigon). Ở đây cũng có sát phu, thất phụ, nhưng đó là thời gian trước cuộc đời họ, lúc sau họ đều đền đáp xứng đáng những lỗi lầm trước, hành động của họ còn ý nghĩa hơn người bình thường nhiều (Tướng cướp Năm Đen quay về chính nghĩa trong Bên Kia Sông, Cô Gái Phản Bội Tên Trà ăn năn nắm chặt ngọn dao bàn, nhắm mắt vung tay để tự xử mình trong Bát Canh Rau Má…)

Tóm lại, nhân vật trong Bên Kia Sông thuộc những người đã thức tỉnh cảm thấy cuộc đời chỉ có nghĩa khi ta hành động vì dân, vì nước…Vì quyển Bên Kia Sông, ở trong hệ thống tư tưởng của Vũ Anh Khanh nên những băn khoăn của người sắp sửa lên đường vì quê hương nhìn lại những kẻ dửng dưng trước vận nước (trang 31-32), chỉ lo mua vui (trang 69), chạy theo hư vinh (trang 77)

Sông Máu Và Sự Bi Đát Làm Sôi Nổi Ý Chí Cách Mạng

Cái ghi nhận đầu tiên của người đọc Sông Máu là ảnh hưởng của Nguyễn Tuân lên Vũ Anh Khanh; một Nguyễn Tuân Tài hoa với vài hình ảnh xa mờ của quá khứ đau thương qua “Vang Bóng Một Thời”.

Mở đầu tập “Sông Máu” là cái chết của chàng thanh niên thường đi về bến Ké, một thanh niên cách mạng bí mật. Chàng chịu tội tử hình ở bãi pháp trường tạm gần bờ sông và đi về bên kia thế giới dưới sự tiễn đưa của một quan Tuần Vũ và quan Công Sứ, nhờ sự đưa đường của một đao phủ múa thanh quất bén. Ta tự hỏi cần gì có sự hiện diện của quan Tuần Vũ và người chết cũng chẳng cần quan Công Sứ đón đưa. Cái chết của một thanh niên thời ấy đâu phải là một ngày lễ quan trọng?

Sự hiện diện của họ có được bởi vì ngày xưa Nguyễn Tuân đã viết như vậy để nhè nhẹ nói lên lòng căm hờn và ngày nay Vũ lập lại vì thích hợp lòng mình, thích hợp với sự diễn tả khách quan của mình.

Ở “Tiếng Địch Sông Ô” thì ảnh hưởng của Nguyễn Tuân rõ ràng hơn tý nữa. Cái tật ghiền nghe, ở bữa ăn, âm vang của thanh quất chém vào cổ người của tên phản dân tộc Nguyễn Thân, khiến thầy đề lại già phải chém chuối để thế bởi vì trong khám tỉnh đã vắng bóng người, mà bọn cướp đường cũng hết dám ngoay ngoe quấy nhiễu, là một biến thể từ việc sửa soạn chém vào chuối để ngày mai biểu diễn chém treo ngành…

Qua “Cây Đàn Câm” tác giả mới chịu đề tặng Nguyễn Tuân, tác giả Chùa Đàn, vì Vũ nhận mình gợi ý từ đây.

Ta không lạ, bởi vì nhắc lại vài sự kiện xưa để làm sống lại nỗi khổ đau của người dân dưới ách bạo tàn, ngoại thuộc, nhắc lại vài hình tượng nhục lụy xưa thì tác giả có thể gợi ý ở các chuyện xưa đúng ý mình. Bởi vậy ta không ngạc nhiên khi thấy “Bên Kia Sông” cử chỉ của Năm Đen có vài nét giống tướng cướp Cai Xanh trong truyện của Nguyễn Tuân. Dù sao áp dụng sự gợi ý, mô tả vài hình ảnh na ná nhau, dăm câu văn tuôn ra theo tiềm thức từ một tác giả mình phục tài, cũng không làm cho mình trở thành người đạo văn, không có chân tài. Điều quan trọng là lấy ý có thoát không, ngọn bút có vượt được người đi trước không, truyện mình xây dựng có thành công không. Ở Vũ tôi thấy ông gần như đầy đủ những điều kiện nầy bởi vậy tôi cho rằng Vũ Anh Khanh chịu ảnh hưởng một phần rất nhỏ nào đó của Nguyễn Tuân trong khi vẫn duy trì được ưu thế của mình đối với những nhà văn trên văn đàn Nam Bộ vào những năm khói lửa…

Đó là một vấn đề gợi ra từ quyển Sông Máu còn về tư tưởng, ở đây, tôi thấy họ Vũ thường trình bày những kết thúc buồn thảm, bi quan (ở Sông Máu là cái chết của người khách thường xuôi thuyền vào bến Ké để rồi một đêm trở về bằng một bóng lờ mờ, mặc áo chàm xanh, một tay xách đầu của mình, một tay ngoắc người yêu. Ở “Trên Thái Bình Dương” là việc bị thương mê man của Dung, ở “Saigon ơi” là việc bị bắt giam cầm của người vợ còn giữ mãi niềm tin, ở “Tiếng Địch Sông Ô” là cái chết đớn đau của một cặp trai tài gái sắc vì giai cấp vì cái nhục lụy của người dân, ở “Cây Đàn Câm” là tiếng lòng rướm máu của Chế Cầu, gảy lên nhưng chẳng thức tỉnh được lòng người đã xuống dốc quá xa; “Hai Lá Thư Không Gửi” là sự cách biệt nhau để đến lúc chết không hiểu nhau của đôi nhân tình tha thiết yêu nhau; ở “Mai Phi” tả cảnh khổ vì vận nước truyền từ đời cha đến đời con của dòng họ biết yêu trọng quê hương; ở “Cầu Chìm” là sự khổ sở phải nhúng tay vào để giải quyết giữ nhiệm vụ và tình yêu…) Nhưng đặc biệt nhờ tác giả thể hiện mình qua nhân vật chính nên mặc dù bi đát vì cảnh ngộ họ vẫn đón nhận được câu văn khích lệ hay những cái nhìn dưới khía cạnh danh dự, màu hồng. Do đó sự thất bại ở đây không là một chướng ngại cho những người muốn lên đường chiến đấu giành độc lập vinh quang cho tổ quốc, mà trái lại là một khích lệ, một đào sâu căm hờn với bọn thống trị; hôm nay nó là một vết tích ghi lại tội ác của bọn thực dân thuở trước trên đất nước ta.

Đầm Ô Rô Và Hai Thế Giới : Thức Tỉnh – Mê Muội.

Đầm Ô Rô là tập truyện ngắn tương đối mỏng nhưng giá trị của nó nhiều vì bối cảnh hình tượng ở đây hầu hết thực và gợi cảm. Thực vì chuyện xảy ra ở đô thành trong những người ở lại những năm chinh chiến. Gợi cảm vì người cách mạng ở đây thường gặp những bất lợi, thất bại và chết chóc. Bởi vì chết như người chiến sĩ cách mạng ở chuyện “Đầm Ô Rô” chưa hẳn khổ bằng Phán trong “Tóc Thề”. Nàng về với mục đích trao đi kỷ vật người yêu theo lời trối trăn cùng để khỏi thấy hằng ngày những di vật đau lòng. Nhưng không thể được. Người đáng lý nhận những di vật nầy phải ra một nơi muôn đời có sóng bủa vây gầm thét. Và nàng phải giữ lại cho đến lúc chết cái hình ảnh của người xưa. Bi đát, thất vọng là lúc tìm không ra người nhận để mình ôm mãi những vật tượng trưng cho tuổi trẻ mình, cho cái “lìa đời” của người yêu, cho cái tình cảm của người mình hoài vọng…

Một bi đát nữa gợi ra từ vấn đề do tác giả đặt ra. Một tướng Trịnh chịu “khổ nhục kế” để về đầu Nguyễn, Lộc Khuê Hầu Đào Duy Từ biết và khuyên chúa Nguyễn Phúc Sãi tha bởi vì “máu của hắn cũng là máu của người dân Việt”. Tác giả đã có lòng nhân đạo, đã có cái nhìn thấu đáo và hiến sinh. Nhưng thực tế người ta khó lòng nhận được giải pháp ấy, người ta phải ứa nước mắt giết kẻ thù mặc dù là cùng giống, mặc dù kính phục họ vô cùng. Đau khổ, sinh ra từ sự mâu thuẫn của tiếng gọi của lý trí và thực tế là vậy.

Như trên đã nói Vũ Anh Khanh ở “Đầm Ô Rô” cũng vậy, có viết về những người ở thành nhưng cái nhìn của tác giả phần nhiều thiên về đả kích, ông tả sự sống sa đoạ, xuống dốc, tầm thường của họ. Huyền ở “Hối Tắc” bị mấy tiếng “hối chỏ lây”, mà suýt nữa phải “theo một người nào đó, tắc lưỡi một cái, nhắm mắt lại dâng cái quí nhất đời mình cho kẻ có tiền để đổi lấy vài miếng giấy bàu nhàu… “ trong khi đã không biết bao lần vì mê đánh bạc nàng đã bị những cặp đùi láu cá cứ vẩn vơ cạ mãi vào đùi nàng”. Son ở “Ma Thiên Lãnh” không được may mắn như Huyền, nàng cũng ở trong trường hợp trên và đã phải “Tìm đường vào” Ma Thiên Lãnh để “bắt mối” kiếm tiền “để rồi dần dần trở thành một con đĩ, một con đĩ dối chồng và dối cả trai”. Những lần Son phản tỉnh, những lúc Son thấy cái cách biệt của mình và những “con đĩ thập thành” là những lúc Son đau khổ. Nhưng điều đó cũng chưa đáng nói, một ngày kia người thiếu phụ đáng thương kia – đã sa đoạ, nhơ đời vì một chế độ dung dưỡng cờ bạc, đĩ điếm của thời trước – đã gặp chồng mình ở “Ma Thiên Lãnh”. Sự đổ vỡ ai cũng đoán được, đã xảy ra…

Đó là cái nhìn của tác giả, cái nhìn của nhân vật do ông tạo ra cũng vậy. Lời nói của họ vẫn là khinh khi hay hoài nghi thiện chí. Trong “Miếng Đỉnh Chung” hành động của Hoàng bị vợ chàng cũng nhìn với cặp mắt hạ thấp giá trị. Không thiện cảm.

Bởi vậy ta thấy tác giả đã có một chủ kiến sẵn, ông không đào sâu hay đưa ra giải pháp, ông chỉ đứng ở cương vị nhà văn mà trình bày, ông gây những tơ lòng rướm máu, xót xa nhìn cảnh trái lòng nhưng ông không bước qua chỗ của người làm chánh trị, nhà xã hội học để đề nghị sửa đổi cải cách. Ông muốn mình thuần túy là nhà văn; đặt vấn đề để người khác giải quyết, là một chứng nhân ghi lại chớ không là nhà tiên tri tưởng tượng những hình ảnh xa vời trong tương lai.

Cây Ná Trắc Và Tình Người Trước Cảnh Dầu Sôi, Lửa Bỏng

Cây Ná Trắc là câu chuyện ghi lại một vài nếp sinh hoạt kháng chiến của người dân làng Khánh Thiện, ở miền duyên hải, khi bọn Nhật tiến đến đây, Những thanh niên, thiếu nữ yêu nước đã tổ chức cuộc canh phòng, báo động, nghênh chiến để mong cản trở phần nào sự phá hoại của địch, Bảo, Tảo, Đình là những công dân quan trọng của nhóm dân quân nầy.

Sau một thời gian giữ nhiệm vụ ở làng, một ngày kia không thể chịu được cảnh tàn phá của quân giặc, không chịu câu thúc bởi tình cảm vợ con yếu hèn, không thể ngơ trước cảnh vong quốc, Tảo lên đường gia nhập quân đội để giúp ích quốc gia hữu hiện hơn. Cùng đi với Tảo có Niềm người em nuôi người “Mọi”. Trong một trận giáp chiến Niềm bị đạn, trước khi chết Niềm tặng Tảo cây ná trắc yêu quí và cũng thổ lộ luôn lòng mình rằng đến nay vẫn còn yêu một người con gái không bao giờ yêu mình và đã đi lấy chồng”.

Ta thấy câu chuyện lấy đề tài kháng chiến, bối cảnh là những năm tao loạn trong miền đất loạn ly, nhưng tác giả ở đoạn cuối đã thêm vào một đoạn đầy tính chất lãng mạn. Điều nầy không phải tác giả bị ngòi bút hướng dẫn mà vì ông muốn nêu lên một tình cảm đẹp của người đồng bào Thượng khả ái - Niềm – anh ta đã hoà mình với cuộc sống khổ sở tang tóc của toàn dân Việt. Sống chung, cảm thông nhau, Niềm đã trở thành hẳn người Việt khi yêu cầu người “ở lại”:

Anh săn sóc giùm má ba em và khi nào thái bình anh có gặp Nhân, anh bảo rằng em vẫn cón nhớ nàng cho đến lúc chết, mặc dầu nàng đã có chồng”. (trang cuối)

Anh có cái lo lắng của người dân quê yêu mến mả mồ tổ phụ, anh giống họ ở chỗ yêu sâu đậm ít bộc lộ nhưng trung thành. Người yêu chê bỏ đi lấy chồng Niềm buồn chớ không oán giận; rồi khi cần nỗi buồn kia được gác riêng qua để Niềm làm tròn nhiệm vụ với nước non đã nuôi sống, dung dưỡng mình. Cái đẹp là ở chỗ đó.

Đó là Niệm, những nhân vật khác cũng thế. (An lên đường đầu quân chỉ xin ảnh người yêu chớ không bận rộn chia ly, nhân dân yêu thích quyên tặng quần áo, vật dụng cho những chiến sĩ, cha Niềm thà chết chớ không chỉ nhà có con gái cho bọn lính say Nhật Bản). Mỗi nơi tác giả đều đem mang về thực sự, cảm động.

Ngoài ra những tình cảm nồng nàn giữa ba bạn Tảo, Bảo, Đình, Tình anh em thương yêu nhau giữa hai giống người Niềm mảo, tình sâu đậm, kính mến của vợ chồng Tảo: tình bạn tâm sự giải bày của Tảo Hồ khiến ta thấy những gì êm đẹp, dịu dàng, đáng mến. Ở đây giữa những người sống trong mảnh đất bị đe doạ họ không nghĩ đến riêng tư, thù hiềm gì nữa mà chỉ còn thương yêu, cởi mở, lo lắng cho nhau.

Đành rằng khuynh hướng văn nghệ không thể ngừng lại ở chỗ luân lý nhân nghĩa, nhưng dù sao qua những gì tác giả đưa ra ta cũng thấy cái thanh tao của con người. Về mặt thuật sự tác giả khá thành công khi kể lại một vài nếp sinh hoạt của dân ta ở giai đoạn đau khổ vì giặc giã ngoại xâm, nó làm chúng rằng tinh thần dân ta không bao giờ hèn yếu, chịu khuất phục trước những khó khăn, không bao giờ chịu đầu hàng trước những lực lượng hùng mạnh của ngoại bang.

Ngũ Tư Và Cảm Nghĩ Của Những Người Ở Thế Giới Siêu Hình

Đây là một tập truyện mà không gian và thời gian rất thay đổi, nhưng dù khung cảnh nào, từ nước Việt Nam xưa với chàng Mạc Bảo Châu lãnh sứ mạng thích khách Tôn Sĩ Nghị đến nỗi thất vọng lớn của người nhạc sĩ Phù Tang cố tâm tìm âm thanh đặc biệt của nhân dân đau khổ qua lời thở hổn hển của Ngũ Tử Tư nước Tàu rắp tâm báo thù cha anh, sang thế giới vô hình của hai linh hồn chiến sĩ, thế giới thần tiên của thần vòng, thái dương thần nữ tác giả đều cố nói lên. Lòng yêu nước của bậc thức giả.

- Mạt sát sự yếu hèn của người xu phu.

Ở đây trí tưởng tượng của ông dồi dào, đào sâu lịch sử để trình bày ý mình một cá biệt.

Các nhân vật ở thế giới nầy dù là lịch sử, dù là thần thoại đều giống người thường, họ cũng có tư tưởng, biết cảm xúc nhưng họ có cái nhìn thấu đáo hơn, cử chỉ họ siêu thoát hơn và tài năng họ nhiều hơn.

Họ là thần vòng, thổ địa, bóng ma, thái dương thần nữ, hay những tướng tài đã chết, cũng đều biết yêu mến những vị anh hùng, biết tha thiết với dân tộc, họ cũng cho rằng ở đời cần làm một cái gì xứng đáng chớ hạnh phúc cá nhân chẳng qua cũng là ảo ảnh và tầm thường vô nghĩa lý như cuộc đời.

Vậy thế giới Siêu Hình của Vũ Anh Khanh chỉ là một thứ siêu hoá những người trần tục; một cách làm cho được tin tưởng hơn những gì mình nói một phương pháp để diễn tả mạnh mẽ hơn ý mình (cảm tưởng của Thái Dương Thần Nữ, thần vòng về những tội nhân chiến tranh của Nhật) bởi vậy thế giới thứ hai nầy của tác giả cũng không có gì lạ lắm, không xa thực tế, mà còn đánh mạnh vào lòng người đọc hơn.

Thế giới trung gian của trần tục và siêu hình cũng vậy đó là thế giới của những nhân vật lịch sử, vì có tính chất của các nhân vật ở đây tương tợ tâm sự, tư tưởng của các nhân vật trong hai thế giới trước, họ cũng biết buồn vì vận nước, biết hành động khi mất nước (Mạc Bảo Châu, Ngũ Tử Tư…)

Điều cần ghi nhận là mặc dầu nhân vật của Vũ ở thế giới nào cũng được cảm tình của người đọc vì ý tưởng của họ và tác giả tạo họ sau khi đã suy nghĩ cân nhắc nên hành động cử chỉ của họ không giả tạo, sai sử liệu, cứng nhắc như ta thường thấy ở những nhân vật lịch sử của tuồng cải lương trong những ngày gần đây.

Bạt Xiu Lìn Và Tình Tự Yêu Nước

Đây là một truyện dài trinh thám gián điệp đã đăng trên báo Tiếng Chuông năm 49. Tên Bạt Xiu Lìn do âm Quảng Đông Bạch Tiểu Liên (bông sen trắng nhỏ) mà ra, nàng là người con gái cha Tàu, mẹ Việt nhưng yêu dân tộc đã sinh dưỡng nàng nên có hành động chống lại lớp người thống trị Việt Nam. Nàng cùng Lương người anh nuôi và em kết nghĩa của Lương là Sơn hợp thành một nhóm gián điệp lợi hại tổ chức nhiều việc cầm chân quân Nhật có hiệu quả. Chuyện kể nhiều sự kiện hùng tráng, đấu trí, choảng nhau giữa những người yêu nước và quân Nhật. Bối cảnh là cuộc vùng lên của dân tộc, khêu lên những căm hờn vì sự đè nén của ngoại bang.

Tác giả có một cái nhìn thấu đáo chẳng hạn khi cho rằng người Việt biết căm phẫn nhưng họ không nói ra, họ chịu đựng vì thấy chưa đến lúc bộc lộ, chớ không phải là giống ươn hèn cam chịu số phận con sâu cái kiến.

Tác giả có kỹ thuật nên trước khi đưa ra một việc gì dù rất là tầm thường đều sửa soạn bằng vài sự kiện giới thiệu nên người đọc dễ chú ý và thấy rõ ý tác giả (việc cãi nhau giữa hai người phu xe về một cử chỉ ngang tàng của một ông tai to mặt lớn nào đó đi xe không chịu trả tiền, được dẫn từ cuộc đối thoại của Lương – Sơn về tính người dân nghèo V.N). Về văn chương, với tài văn lưu loát sẳn có Vũ vẫn được nhiều cảm mến của độc giả. Tóm lại, quyển truyện Bộc Lộ Tình Tự Yêu Nước lồng trong một câu chuyện có tính cách giải trí.

Nửa Bồ Xương Khô Và Tình Cảm Của người Cách Mạng

Nửa Bồ Xương Khô là chuyện dài quan trọng nhất của Vũ Anh Khanh, quan trọng vì tính chất nghệ thuật của nó hoàn hảo nên được mọi người ưa thích. Ta có thể nói Nửa Bồ Xương Khô là một “Tha La” về tản văn của tác giả, vì nói đến Vũ Anh Khanh người ta có thể giới hạn trong hai tác phẩm điển hình trên. “Nửa Bồ Xương Khô” gồm hai quyển ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu quyển I vì quyển II tác giả viết thêm về chủ Nghĩa Cộng sản nên bị hội đồng kiểm duyệt lúc ấy bỏ nhiều và cấm lưu trữ. Như chúng tôi đã xác nhận từ lúc mở đầu rằng viết văn thiên về chánh trị, chủ nghĩa là không làm tròn bổn phận một nhà văn hoá – theo quan niệm của chúng tôi. Bởi vậy tôi bỏ qua không bàn đến “Nửa Bồ Xươn Khô II”. Phần khác tôi thấy quyển I tự nó vẫn đầy đủ ý nghĩa, đứng một mình vẫn không thiếu sót, tác giả thấy mình thành công nên viết thêm quyển hai mà thôi…

Chuyện kể cuộc sống tình cảm lúc ra làm nữ cứu thương cho bộ đội của ba người con gái quê là Cải, Tiến, Huyện. Cải thông minh, lanh lợi, dí dỏm, chưa từng biết yêu ai và không “quan trọng hoá” ái tình. Tiến ngây thơ, hiền hậu. Huyện dịu dàng và đã biết mùi vị của yêu đương. Trước khi hưởng ứng lời kêu gọi của tổ quốc ba người con gái lên đường, Huyện đã đau khổ vì nghe tin người yêu là Chung đã chết. Sau đó nàng gặp lại Chung, bây giờ đã có vợ, nàng cho rằng người yêu phụ bạc và đau khổ. Một bạn đồng đội đã chép lại lời tâm sự của Chung để giải oan cho chàng, vì Chung chỉ lấy vợ vì lời yêu cầu của một người bạn lúc lâm chung. Một đêm trên giường bệnh, sau khi hiểu nỗi lòng của người yêu, Huyện nằm mơ thấy một bóng ma. Bóng ma mà một lần nàng đã bốc mộ lấy được nửa bồ xương khô vì tưởng đó là vật chất còn lại của người yêu.

Câu chuyện không thể thắt nút lắm và tình tiết để xây dựng cốt truyện có vẻ tương tợ như “Trong Mùa Chinh Chiến” của Phạm Thu Cảnh, nhưng ở đây tác giả vì có đời sống nội tâm phong phú nên nêu ra được nhiều đoạn hợp tình cảm động thực lòng người. Vả lại, nhờ giải quyết theo thực tế nên câu chuyện mang tính chất của cuộc đời chớ không giả tạo trong phần kết thúc một cách cổ điển như trường hợp của “Trong Mùa Chinh Chiến”. Những nếp sống, sự việc ở đây mang một hấp dẫn người đọc vì đáng yêu và mang mầu sắc người, tính chất nhân bản. Người yêu chết, Huyện nhớ lại lời xưa, liều nguy hiểm đi bốc mộ về… Tưởng người yêu bạc tình định tự tử, bạn thân là Cải tìm cách cảnh tỉnh nàng. Đây là một đoạn văn dài tác giả quan sát khá nên viết linh động, gợi cảm, người đọc thấy trong sự việc sự thực chớ không thấy gì vẻ kịch tính, tiểu thuyết cả (trang 90). Tình thương bà của Huyện, nỗi bực tức của người lính trước cái chết thê thảm của người dân, muốn trả thù lên đầu những tù binh (trang 104), những lời mạt sát nức nở của Huyện (trang 107). Những đoạn nêu trên chứng tỏ các tác giả có chân tài, biết quan sát, biết đem vào tác phẩm mình những đoạn cần thiết.

-Ngoài ra, như ở quyển “Cây Ná Trắc” có những đoạn ghi lại những cảnh sinh hoạt của người dân trong thời binh lửa, ở đây qua những chương: Tam nhân đồng hành, mết tinh, vui ra đi, người nữ cứu thương, đêm kinh khủng một đêm vui…ta thấy rõ những tư tưởng, cảm nghĩ, lề lối sinh hoạt, nghĩa là những hình tượng chứng nhân nói lên những phản ứng của người dân Việt yêu nước trước sự xâm lăng của ngoại nhân. Người ta cũng thấy ở đây những cực nhọc, thất bại, chết chóc nhưng qua ngòi bút của tác giả, ta biết đó là những hy sinh cần phải có để đem lại tổ quốc sự vinh quang đó là những cảnh đẹp đáng mến chớ không phủ đầy một màu u ám, chán chường như nhiều người lầm tưởng.

Như trên đã xác định, “Nửa Bồ Xương Khô” thành công là nhờ ở kỹ thuật nhiều – đành rằng cũng có góp phần của nội dung lành mạnh, đánh trúng vào lòng người, nhưng điều nầy cũng chỉ là một phần nhỏ.

Ta đọc một đoạn văn tả cảnh tái ngộ của một cặp tình nhân yêu nhau rất mực vì bổn phận phải xa nhau, nay gặp lại trong bẽ bàng, để biết thêm về ngòi bút của Vũ:

Chàng (Chung) vui vẻ bắt tay Đồng đứng đón ở cửa rồi đi thăm mấy bịnh nhân, hỏi qua cách làm việc.

Đồng giới thiệu những nhân viên giúp việc, thuật sơ lại công lao của từ người. Đến phiên Huyện, nàng ngẩng mặt nhìn Chung trân trối. Chàng ngạc nhiên, chàng vui mừng kêu một tiếng khẽ:

- Huyện!

Đồng cụt hứng đứng im. Chung đi lại gần Huyện. Huyện sung sướng quá, nàng ôm chầm ngay lấy Chung, muốn làm một cử chỉ thân mến hay nói một câu chào, nhưng nàng thấy nghẹn ngào, hai giòng nước mắt lăn dài. Mọi người có mặt đều lạ lùng chưa hiểu. Chung run giọng:

- Cô…em Huyện.

Chung cũng nghẹn ngào, chàng không tìm ra lời để nói. Cuộc gặp gỡ đột ngột tình cờ làm cho cả hai người đều ngượng nghịu. Sau cùng, chàng quay lại nói với mọi người:

-Cô Huyện, em gái tôi.

Chàng cầm tay người đàn bà để vào tay Huyện nói nhỏ:

- Và vợ tôi.

Như (nghe) một tiếng sét đánh, Huyện tái mặt, tay nàng tự nhiên run run trong tay người đàn bà kia. Nàng cố gượng cười để chào. Một phút qua, nàng thoáng cảm thấy cả một tan vỡ đau đớn. Ruột nàng quặn thắt lại xót xa.

Huyện cắn chặt răng để khỏi bật một tiếng khóc và vội cúi đầu.

Nàng không nghe gì nữa! không thấy gì nữa!

Chung quanh nàng, những bóng người đảo lộn không phân biệt màu sắc, những âm thanh pha trộn xô bồ. Nàng thấy mình bị bỏ rơi. Nàng thấy nàng trở nên bé nhỏ trước người đàn ba kia. Huyện sợ hãi, bấm chặt ngón chân xuống nền gạch, tìm hiểu vì cớ nào Chung nhẫn tâm quên nàng mà lấy vợ. Gã đàn ông hiền hậu ngày xưa lại quên lời thề cũ! Tự nhiên Huyện muốn nói một lời thật chua chát với Chung. Nàng ngẩng lên, nàng nhìn bạo dạn vào mắt Chung. Chung đang nhìn lại nàng, nỗi bực tức của Huyện không hiểu sao biến mất, lui sâu vào lòng. (trang 85)

Từ lâu Huyện mang thần tượng về Chung, với nàng, Chung là tất cả những cao quý, kết đúc những đức tính đáng yêu, cái chết của Chung - đối với nàng - giữa lúc nàng yêu Chung tha thiết càng làm cho Huyện thấy cao hơn, giờ đây trước thực tế phũ phàng nỗi thất vọng lớn sinh ra từ đó, đè nặng lên người Huyện, nàng thấy mình yếu đuối, bé bỏng, chơ vơ, mất cả những niềm tin cũng như hình ảnh đẹp.

Bởi vậy sau đó khi Cải hỏi nàng đươc dịp để trút những nỗi phẫn uất không thể cầm được nữa. Bao nhiêu nỗi khổ sở của Huyện tuôn ra theo một tiếng nấc lớn.

- Bạc!

Rồi nàng ôm lấy Cải, rồi nàng gục đầu vào vai bạn khóc nức nở:

- Người như thế mà bạc!

Những tiếng bạc đơn độc như những tiếng thét, cái nấc, đọc lên ta thấy vài giọt nước mắt trào ra, ta hình dung được ngay sự đau khổ muôn vàn của người con gái nhiều tình cảm.

Ngoài những ưu điểm trên, Vũ Anh Khanh có nhược điểm là nhắc đi nhắc lại một ý của ông, dù là độc sáng – khi thấy hợp lúc, ở những tác phẩm giống nhau như việc nhắc lại Chị Giang - Nguyễn Thái Học, đề cao ngọn cỏ bưng biền vì ích lợi và hứng máu anh hùng, gởi em gái lại cho bạn, lớp bình dân phục vụ, nghĩa là ông thường để ngòi bút lướt theo cảm hứng nên ý có thể trùng ở chi tiết ở chuyện nầy và chuyện khác. Ông cũng rút từ truyện dài ra khai thác, thêm thắc để tạo nên một đề tài mới khi viết thành truyện ngắn.

Họ Vũ chỉ có khuyết điểm là vậy, còn những sơ hở luân lý, tư tưởng, những non nớt trên ngôn từ, kỷ thuật ta khó lòng tìm thấy ở ông.

Dù sao nhờ có chân tài, diễn tả bay bướm tài hoa nhưng không sáo cộng thêm vào đó là sự phong phú tác phẩm thành công, đề cao những tình cảm trong sáng, dân tộc. Vũ Anh Khanh đã nghiễm nhiên trở thành lãnh tụ của văn đàn Nam Việt vào những năm tao loạn nhất.

III.- KẾT LUẬN

Qua phần khái quát ta có thể hiểu tổng quát về tư tưởng của Vũ Anh Khanh qua đoạn phân tích tác phẩm ta được đi vào mỗi ngang ngách tư tưởng của ông, thế cũng tạm đủ; ở phần kết thúc nầy chúng tôi chỉ nói về địa vị của ông trong số những nhà văn miền Nam khoảng 1945-50 và bước qua phần kỹ thuật của ông, như ta đã biết khoảng 1945-1947 dường như không có tác phẩm nào, có chăng vài tư tưởng thiên Cộng được trình bày trên những bài báo: trên những tập sách nhỏ không ảnh hưởng quan trọng. Ở năm 50 tác phẩm trở lại ít và chuyển hướng, đề tài giờ đây ít khai thác ở kháng chiến mà thiên về tâm tình xã hội kiểu tiền chiến. Những năm quan trọng chỉ còn lại 48-49 hay đúng hơn chỉ có mỗi một năm 1949. Năm này tác giả nào cũng viết nhiều, tác phẩm phần nhiều quan trọng. Trong số đó tác phẩm được xuất bản dẫn đầu có thể nói được là Vũ Anh Khanh. Vì số lượng không là điều chính yếu mà việc quan trọng để xếp định giá trị một văn tài là phẩm cho nên ở trên chúng tôi đã nói nhiều về tư tưởng của ông. Ở thời ấy không có những vấn đề triết học được đặt ra: phi lý kiếp người, hoài nghi giá trị con người, thắc mắc về sự hiện hữu, vấn đáp và tư do hành động, tư tưởng…v.v…lúc đó chỉ có những vấn đề được đặt ra và nhận một cách tiên thiên: yêu nước, làm bất cứ cách gì để nước được độc lập, người dân được no đủ. Có đề tài rồi, mỗi tác giả viết theo ý của mình, xây dựng truyện của mình, ai viết khá thoát, không mang vết tích tuyên truyền, không cứng ngắc giả tạo… là người ấy thành công. Trong đó phải kể Vũ Anh Khanh ở hàng đầu vì dù đã có đề tài cốt truyện của ông cũng hấp dẫn người đọc, văn ông được người mến, tư tưởng của nhân vật thanh cao, và phần kết thúc truyện của ông khó biết trước được (so sánh với Lý Văn Sâm truyện thường để lộ kết thúc).

Phần kỹ thuật, để khỏi dài dòng, chúng tôi xin nhận xét quyển Cây Ná Trắc và nói thêm rằng vào một khu rừng đẹp, nhìn một vài góc cạnh cũng lấy làm thoả mãn, mỗi nơi một vẻ, nhưng không thể nào nhìn hết được. Đại khái tác giả có cái nhìn quan sát tinh vi vì diễn tả được bằng một vài câu sự khôn ngoan chiều chuộng chồng, thấy trước những ước muốn của chồng là những cảnh ta thường thấy ở gia đình Việt Nam.

“Đình vui vẻ: Hai anh ngồi xuống đây, cả Diễm nữa.

Tảo kêu vợ pha thêm trà.

Bảo tặc lưởi hai ba cái nói đùa: “Trăng thì trăng rằm, trà thì trà thượng hạng, pha đặc, giá có ít cái bánh rế ăn cho đúng điệu.

Vợ Tảo mỉm cười bồng con đi mua (trang 25)

Tác giả có những cuộc đối thoại khá thực, chứng tỏ cái nhìn của ông đã đến mức thu nhận những sự kiện đáng ghi của cuộc đời.

“Chúng ta hiện giờ phải đánh hai thứ giặc: giặc xâm lăng và giặc dốt. Giặc xâm lăng chưa biết bao giờ mới dẹp xong, chớ giặc dốt thì chính phủ đã ra huấn lệnh bảo phải cấp tốc trừ dứt trong vòng một năm trở lại.

Tảo mỉm cười nhìn Biểu:

- Đối đầu với giặc dốt chúng tôi xin nhường các chị cái ấn tiên phong.

Hồ cũng cười tiễn hai người ra cửa.

- Thế đối với giặc xâm lăng các anh cho tôi đi hậu tập sao?

Biễu cười dòn.

- Thì xin nhường luôn ấn tiên phong cho các chị vậy. (trang 38)

Về văn từ thì, Vũ Anh Khanh diễn tả với ngòi bút nhẹ nhàng gợi cảm lôi cuốn giọng văn nhiều nhạc điệu với những ngôn từ đúng chỗ, duyên dáng.

Tóm lại, nhờ ý tưởng thanh tao, nhờ biết chọn bối cảnh và ghi lại những gì đáng diễn tả, Vũ Anh Khanh là ngôi sao sáng trên văn đàn Nam Bộ vào những năm 1945-1950.