Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







HIỂU và HÀNH  ĐẠO PHẬT

THEO ĐÚNG CHÁNH PHÁP





T rong bất cứ lãnh vực nào, người có thể hoàn thành một cách tốt nhất là người hiểu rõ về điều mình cần Làm, phải Làm như thế nào ? Làm tới chừng nào ? Trong Đạo Phật cũng không khác. Người muốn Hành đúng thì phải Hiểu Đúng, Hiểu rõ. Vì cũng Tin Đạo Phật, nhưng đúng theo Chánh Pháp, và cũng là TIN Đạo Phật, nhưng lại rơi vào Tà Pháp.

Trong bài trước, tôi đã phân tích thế nào là TIN ĐÚNG về Đạo Phật. Có TIN ĐÚNG thì mới theo lời chư vị Giác Ngộ đi trước dặn dò, tìm cách để HIỂU Đạo Phật dạy những gì ? cần Hành những pháp nào ? Hành như thế nào ? thì mới mong đạt kết quả.

Thật vậy. Nếu chúng ta thay vì TIN rằng Đạo Phật là CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN GIẢI THOÁT, bất cứ người nào chấp nhận rồi tìm cách để Hiểu cho đúng, rồi Hành theo Cái Hiểu đó đều đạt kết quả Giải Thoát, thì chúng ta lại TIN rằng Phật là Thần Linh, “có quyền , cứu khổ, ban vui, cứu độ Tam Thiên Đại thiên thế giới” rồi tôn thờ để cầu xin được độ, thì đó là chúng ta đã HIỂU sai về Phật. Mà đã TIN SAI, HIỂU SAI, đương nhiên làm sao HÀNH đúng để cho ra kết quả đúng ?

Để có được cái TIN, HIỂU đúng thì buộc người tu Phật phải Quán Sát, Tư Duy tất cả những điều được nghe, hay đọc được về Đạo Phật, bởi Đạo Phật được mở ra đã gần 3.000 năm rồi. Thời gian quá dài đó có biết bao nhiêu người tu hành, hiểu nhiều hay ít, đúng hay sai đều có quyền giảng, viết, có quyền in thành sách, viết thành những bộ tài liệu để phổ biến theo sự hiểu biết của mình. Chính do những người lẽ ra không được phép phổ biến Đạo Phật, không nằm trong hệ thống Truyền Thừa, chưa Chứng Đắc, Thấy Tánh, mà lại làm công việc giảng Pháp,  đã làm cho Đạo Phật chân chính trở thành tam sao thất bản, đưa đến việc thay vì Tu Phật là để Thành Phật thì biến việc Tu Phật trở thành hy sinh cuộc đời để phụng sự cho Phật, và lôi kéo nhiều người Thờ Phật như hiện nay.

Muốn hiểu đúng về Đạo Phật thì buộc người sau như chúng ta phải trở về nguồn gốc Đạo Phật.  Qua sử liệu thì chúng ta thấy. Thời Phật tại thế chỉ có một nhóm Đại đệ tử duy nhất, nhưng sau khi Phật nhập diệt khoảng chứng 100 năm thì các Đệ Tử đã tách ra thành hai nhóm gọi là ĐẠI THỪA và TIỂU THỪA. TIỂU THỪA về sau đổi thành PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY. Hàng con cháu của Lục Tổ Huệ Năng không còn tu theo truyền thống nữa, mà lập ra Ngũ Phái Thiền : LÂM TẾ, TÀO ĐỘNG, QUI NGƯỠNG, VÂN MÔN và PHÁP NHÃN dạy tu theo cách của Pháp Môn mình. Chưa kể về sau các Thiền Sư mạnh ai nấyđào tạo Đệ Tử. Ngài VÔ MÔN trong VÔ MÔN QUAN đã cho rằng người theo Thiền Tông khi Chứng ngộ còn cao hơn cả Phật. Ngài Nguyệt Khê sáng chế ra Tuyệt Đối Luận rồi chê ngược lại là Thích Ca còn chưa luận tới !

Người tu Phật không nên để mặc cho người thầy dạy thế nào thì tin thế ấy mà tự mình cần tìm để có cái hiểu Đạo như Phật đã dạy là “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Việc tự tìm hiểu mới đúng với tinh thần VĂN-TƯ-TU mà người tu Phật cần phải làm, bởi vì có Tư Duy mới sinh ra Trí Huệ. Kinh Bát Nhã khẳng định : “Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Có nghĩa là Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai đều nương Trí Huệ mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Trong Đạo Phật không phải cứ vào tu học đôi ba năm, thuộc một số pháp, qua vài lớp đào tạo  là được quyền Giảng Pháp.   Nghiên cứu tiến trình của Đạo Phật chúng ta sẽ thấy Đạo Phật có đường truyền chính thức qua việc Truyền Y Bát như sau: Sau mấy mươi năm giảng dạy, Đức Thích Ca thấy mình đã già yếu nên muốn chọn người để thay thế trước khi ra đi. Có một lần, giữa đại chúng, Ngài cầm Cành Sen đưa lên, trong khi đại chúng còn ngơ ngác không hiểu ý Phật muốn nói gì thì Ngài Ca Diếp mìm cười. Qua nụ cười đó, Đức Thích Ca biết rằng Ngài Ca Diếp đã nắm rõ Giáo pháp của mình nên giữa đại chúng tuyên bố giao lại cho Ca Diếp thay ngài để cằm nắm Tăng Chúng cũng như giữ gìn và phổ biến Giáo Pháp của mình. Việc giao lại quyền thay Phật để lãnh đạo Tăng Chúng và chịu trách nhiệm phổ biến Giáo Pháp được gọi là Truyền Y Bát. Việc này được dặn dò cứ thế tiếp tục để cho Chánh Pháp không dứt diệt.

Việc Truyền Y Bát được bắt đầu  từ Đức Ca Diếp truyền lần xuống, cho đến Tổ Đạt Ma là Tổ thứ 27 đều là người Ấn Độ. Sử 33 Vị Tổ viết : Tổ Đạt Ma thấy căn khí Đại Thừa bên Trung Quốc vượng, nên đi thuyền mất ba năm, qua đó truyền tiếp được cho 5 Vị Tổ người Trung Quốc mà Lục Tổ Huệ Năng là Tổ cuối cùng. Nhưng theo thứ tự tính từ Đức Ca Diếp thì Lục Tổ Huệ Năng là Tổ Thứ 33.

Thời Phật Thích Ca tại thế thì chưa có chữ viết.  Sau khi Phật nhập diệt khoảng 200 năm mới bắt đầu có chữ viết. Lúc đó các Đệ Tử Phật duới sự chỉ đạo của Tổ đương thời gom lại những lời Phật dạy ghi thành những Bộ Kinh, cộng với những gì được các Tổ nhiều đời sau tiếp tục giảng hay viết ra. Tất cả gom lại thành 12 Bộ, gọi là 12 Bộ Chính Kinh.

Người tu học về sau tham khảo những Bộ Kinh này mới là chính xác. Muốn xác nhận sự hiểu biết của mình đã phù hợp hay chưa thì phải đối chiếu với những lời được viết trong đó. Nếu thấy phù hợp thì gọi là Khế Kinh. Đó là cơ sở để cho người tu học về sau noi dấu.

Có nhiều vị tu hành thuộc hệ phái ngoài Đại Thừa đã cực lực chỉ trích Kinh Đại Thừa, cho đó không phải là lời của chính kim khẩu Phật thuyết, mà do các Tổ về sau bịa ra. Thậm chí họ còn gọi Kinh Đại Thừa là Kinh Ngụy Tạo ! Đó là vì họ không hiểu gì về việc TRUYỀN Y BÁT, bởi bên họ nằm ngoài hệ thống Truyền Thừa, nên họ hoàn toàn không nghe nói đến điều đó.

Việc TRUYỀN Y BÁT có nghĩa là người thầy đã Chứng Đắc, Ấn Chứng cho người đệ tử khi đủ trình độ Chứng Đắc như người đi trước. Nó cũng giống như việc tốt nghiệp cuối cùng của một hệ thống đào tạo. Người được Ấn Chứng trong Đạo Phật không phải do thuộc nhiều Pháp, không phải do tu lâu năm, mà do Thấy Tánh hay còn gọi là Thấy được Bổn Thể Tâm mà chúng ta có thể nhận biết qua Kinh PHÁP BẢO ĐÀN.

Đọc PHÁP BẢO ĐÀN KINH chúng ta sẽ thấy Y Bát không phải được trao một cách ngẫu nhiên mà có sự tuyển chọn. Trước đó Ngũ Tổ đã thông báo cho toàn thể môn nhân trong Chùa, kêu mỗi người “lấy Tánh Bát Nhã của mình mà làm một Bài Kệ.  Nếu ai hiểu rõ đại ý Ngài sẽ Truyền Y Pháp cho mà làm Tổ Thứ Sáu”.  Nhưng các môn nhân đều không dám làm, nhường cho Sư Thần Tú là Giáo Thọ. Phần Sư Thần Tú thì cũng không dám tự tin, nên lén viết bài Kệ lên nhà cầu, hy vọng nếu  Ngũ Tổ thấy được mà khen hay thì mới ra nhận. Bài Kệ như sau :

Thân thị Bồ Đề Thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhá trần ai”

Qua bài Kệ, Sư Thần Tú cho rằng Cái Thân là gốc giải thoát. Cái Tâm như một đài gương sáng. Lúc nào cũng cần lau, phủi, đừng cho vướng bụi trần. Đó cũng là công phu mà bất cứ người tu hành nào cũng đều phải làm.

Phần Ngài Huệ Năng, tuy không biết chữ. Nhưng nhờ người đọc lên thì Ngài hiểu là Bài Kệ chưa Thấy Tánh. Ngài chỉ cần sửa vài chữ  là ý nghĩa hoàn toàn khác :

“Bồ Đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai ?”

Có nghĩa là Giải Thoát vốn không có gốc gác. Gương sáng cũng không có đài. Trước sau không có vật nào thì chỗ đâu mà vướng bụi trần ?

So sánh hai Bài Kệ thì chúng ta thấy : Một bên còn đang trụ ở Thân, Tâm. ThẤy cần phải lau chùi, tu sửa, không để cho vướng bụi trần. Chứng tỏ người đó còn đang trên hành trình tiến tu mà qua lời nhận xét của Ngũ Tổ : “Ngươi mới tới ngoài thềm cửa, chưa bước vào trong nhà. Cứ như chỗ thấy, hiểu ấy mà tìm Vô Thượng Bồ Đề thì rõ ràng không thể được”. Ngài Huệ Năng thì đã Thấy, đã tả được cái Bổn Thể Tâm hay cái Chân Tâm, Chân Tánh vốn Vô Tướng, làm sao bụi trần có thể bám vào ? Do cái Thấy Tánh đó Lục Tổ được Ngũ Tổ Truyền Y bát.

Thời này đọc hai bài Kệ chúng ta cũng có thể so sánh để thấy hai trình độ khác nhau quá rõ, để thấy là việc Truyền Y Bát không hề do cảm tình riêng tư hay do tu lâu năm, học được nhiều bài vỡ. Bằng chứng là  Sư Thần Tú, bản thân là Giáo Thọ nhưng chưa Thấy Tánh nên chưa thể diễn tả được tính cách của Cái Tánh. Cái Học Pháp là thuộc bài, nhưng Thấy Tánh là sự Chứng Ngộ. Hai việc hoàn toàn khác nhau.

Khi đã Chứng Đắc hay Thấy Tánh rồi, thì “Phật trước Phật sau đều bình đẳng”. Cũng giống cùng một địa điểm nào đó, thì người tới trước hay tới  đều thấy cảnh vật giống như nhau, nên mô tả cũng giống nhau không khác. Do đó, Chư Tổ, là những người đã Chứng Đắc, nên dù có viết hay giảng Pháp cũng không khác với nhau hay khác với những gì Đức Thích Ca đã giảng.  Dù có thể là ngôn ngữ, cách diễn tả mỗi thời có khác, nhưng cách Hiểu, cách Hành, nhưng đích đến cuối cùng đều là Giải Thoát giống nhau.

Những người chống đối Kinh Đại Thừa, chống đối các Vị Giác Ngộ thời sau viết Kinh, là vì họ không hiểu rằng “Phật không phải là Thần Linh, mà chỉ là kết quả Giải Thoát mà bất cứ người thời nào, nếu theo đúng trình tự tu hành một cách nghiêm túc đều sẽ đạt được”. Chính vì vậy mà có TAM THẾ PHẬT, tức là Quá khứ đã có người Thành Phật.

Hiện tại cũng có người Thành Phật và tương lai cũng có người sẽ Thành Phật, không phải Phật  Quá Khứ là Đức A Di Đà, Phật Hiện Tại là Thích Ca và Phật Tương Lai là Đức Di Lặc như nhiều người đọc thấy trong Kinh rồi gán ghép. Do không hiểu rõ, nên cách giải thích của họ cũng không hợp lý :  Thử hỏi Đức Thích Ca đã đắc đạo và đã nhập diệt cách đây đã gần 3.000 năm sao có thể gọi đó là Phật Hiện Tại ? Cũng có người còn cho rằng nếu người tu hành nào mơ ước được Thành Phật là Tăng Thượng Mạn ! Đó là vì họ chưa hiểu hết về Đạo Phật.  Chưa hiểu là Tu Phật là để Thành Phật, là phải Thành Phật. Nếu nói rằng Đức Phật Thích Ca là ngôi vị độc tôn, không ai có thể đạt đến sao Đức Thích Ca lại Thọ Ký : “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” ? Chẳng lẽ lời Phật nói không đáng tin ? Đã không hiểu Phật là gì ? Làm thế nào để thành Phật ? thì đi tu làm chi ? Những người bản thân chưa hiểu Đạo còn mang kiến thức nửa vời  đó đi truyền bá thì rõ ràng là phá đạo chớ đâu phải phụng sự cho Đạo ?

Giữa hai bên, dù cùng nói là Tu Phật, cũng mượn hình ảnh của Phật, cũng áp dụng Giáo Lý của Đạo Phật. Nhưng một bên thì “Y Kinh giải nghĩa”hay còn gọi là Y NGỮ. Thấy Kinh tả về Phật như một vị Thần Linh, “có quyền cứu độ Chúng Sinh” thì cho mình là Chúng Sinh của Phật, rồi tạc tượng để thờ, để tôn vinh. Toàn bộ quay ra bên ngoài mà làm : Xây Chùa cho lớn, quy tụ nhiều người tu hành để phụng sự Phật. Dựng Tượng thật to rồi ngày mấy thời thắp hương để cầu xin phù hộ độ trì lúc sống cũng như khi qua đời. Kêu gọi nhiều người Quy Y theo Phật, càng đông càng tốt, tưởng đó là Độ Sinh. Những người hành trì như thế  gọi là NHỊ THỪA hay QUYỀN THỪA mà Kinh Kim Cang gọi là Hành Tà Đạo qua bài Kệ :

“Ai nương sắc thấy ta
Dùng âm thanh để cầu ta
Kẻ đó hành tà đạo
Không thế thấy Như Lai”

Một bên theo đúng Ý Nghĩa của Kinh sách mà hành. Biết “Phật chỉ là sự Giải Thoát trong Tâm”. “Tu Phật là Tu Tâm”, nên không cất Chùa to, dựng tượng Phật cho lớn, mà quay vào tu sửa Thân, Tâm, sửa chữa những tính xấu, những tư tưởng còn đen tồi, còn âm mưu để hại người, còn hơn thua, đố kỵ, ganh tỵ v..v.. cho nó trở nên thanh tịnh, trong sáng, nhẹ nhàng - gọi là ĐỘ SINH -  để đạt mục đích Giải Thoát. Những người tu theo Thừa này không Thờ Phật, không cầu xin Phật Độ, mà Tự Tu, Tự Độ, để Tự Giải Thoát hay Thành Phật. Tu cách đó gọi là NHẤT THỪA hay PHẬT THỪA, mới đúng là tu Phật theo CHÁNH PHÁP.

Do Hiểu khác nhau nên Hành cũng khác nhau. Vì thế, trong Đạo Phật mới có việc TRUYỀN Y BÁT, để chỉ người đã Chứng Đắc, đã hiểu Đúng Đạo Phật mới được phép giảng nói cho người khác. Những  gì được ghi trong những Bộ Chính Kinh,  là lời của những vị đã Đắc Pháp tiếp tục khai triển thêm những gì mà thời Đức Thích Ca do không đủ ngôn từ nên chưa thể diễn tả một cách rõ ràng, phải mượn hình ảnh bên ngoài dễ sinh ra hiểu lầm.

Đạo Phật dù giải thích các kiểu, nói có Nước Phật, có Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chúng Sinh v.v… Nhưng tất cả cũng chỉ nói về những diễn biến TRONG TÂM của mỗi con người. Nhưng vì Cái Tâm là phần Vô Tướng, mọi diễn biến, tốt, xấu, khởi, diệt… cũng không thể nhìn thấy  bằng mắt, nên thời Phật còn tại thế chưa thể chỉ rõ được, nên phải mượn hình ảnh để mô tả :

-   Tình trạng thanh tịnh, tốt đẹp, gọi là Chư Phật.

-   Tả về những hoạt động, khuyên nhủ, giáo hóa  để      cái Tâm chịu bỏ đi những suy nghĩ, toan tính  xấu,      chuyển hóa nó thành ra tốt đẹp, gọi là Bồ Tát.

-   Nói về những tư tưởng còn đen tối, xấu xa, chưa      cải tạo được là Chúng Sinh. Ví có Chúng Sinh nên      mới có Bổ Tát để làm công việc giáo hóa. Kinh      dạy : “Bồ Tát muốn Thành Phật thì phải Diệt Độ      tất cả Chúng Sinh. Bao giờ Độ Tận Chúng Sinh thì      Bồ Tát mới Thành Phật được”.

Nhưng “Diệt Độ tất cả Chúng Sinh mà không có Chúng Sinh nào bị Diệt Độ cả” , bởi đó chỉ là những sự thay đổi, chuyển hóa tâm tính từ xấu, sang tốt, từ động loạn sang yên ổn trong nội Tâm mà thôi. Không phải chuyển đối, cải tạo cho đối tượng nào đó ở bên ngoài. Cõi PHẬT chỉ là tình trạng Thanh Tịnh trong Tâm nên Kinh DUY MA CẬT viết : “Bồ Tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh nên làm cho Tâm thanh tịnh. Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh”.

Nhưng nếu cõi Phật chỉ ở trong Tâm, tại sao có Nước Phật A Di Đà được làm bằng Bảy món châu báu ? Trong Tâm làm sao chứa được những thứ đó ? Kinh viết :

“Xá Lợi Phất !  Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất ! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất.
Vàng, bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao, trên thềm đường có lầu, gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não... ”

Vàng, bạc, châu báu….là những món mà người trần ham thích, chém giết, tranh dành nhau để có được. Kinh tả Cõi Phật như thế làm cho nhiều người do “Y Kinh giải nghĩa”bỏ hết mọi việc, ngày đêm niệm Phật A Di Đà để mong được về đó, mà không biết đó là phương tiện của Chư Vị Giác Ngộ để dụ con người, nhờ ham thích về đó sẽ bớt tham đắm của cải vật chất trần gian mà giảm bớt tạo nghiệp. Con số 7 có ý nghĩa như sau :

Như chúng ta đã biết. Tu hành theo Đạo Phật dù nói nhiều thứ, tả nhiều cảnh giới, nhưng chung quy khi thực hành thì cũng chỉ  ở nơi THÂN và TÂM của mỗi người mà thôi. Dùng số 7 là để nói về 7 Nghiệp mà con người vẫn làm nơi THÂN, và KHẨU : THÂN có 3 NGHIỆP là THAM, SÂN và SI. KHẨU có 4 NGHIỆP là Nói dối, Nói khen mình, nói chê người và nói lưỡi đôi chiều. Vì vậy, XẢ 7 Nghiệp đó gọi là Cúng Dường Bảy báu cho Chư Phật. Sở dĩ gọi là báu, vì con người ôm giữ chúng bao nhiêu đời,bao nhiêu kiếp không bỏ, giống như là người giữ của, giữ châu báu !

Nói rằng Nước Phật ở trong Tâm, tại sao trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA chúng ta thấy có Long Nữ, nhờ cúng cho Phật “Viên Châu có giá trị liên thành”, Phật nhận, thì nàng lập tức thành Phật”? Rõ ràng Kinh viết như thế.

Nhiều người “Y Ngữ” đọc đoạn Kinh này đã khiển trách Đạo Phật, cho là Phật xúi người khác cúng nhà cửa, đất đai, tài sản, châu báu cho mình để rồi ban cho họ Quả Vị ! Như vậy là Phật xúi mọi người bỏ Tham, trong khi Phật còn Tham hơn !

Đó là họ hiểu lầm ý Kinh, thấy rằng có Phật nhận của cúng dường. Có người Cúng dường của cải, châu báu !

Trong khi đó, hiểu cho đúng thì PHẬT chỉ là sự Giải Thoát ở trong mỗi người. Người tu hành tự Xả những chấp nhất, Xả những thói xấu, những ác tâm, Xả Tham, Sân Si thì sẽ được Giải Thoát. Cái Giải Thoát đó được gọi tên khác là Phật.

Kinh VIÊN GIÁC có Kệ :

NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT
CÙNG VỚI THAM SÂN SI
CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC
CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT.

Kinh khẳng định : “Chỉ cần Xả Tham, Sân, Si, Thương, Ghét là thành Phật. Không cần tu gì khác”.  Bởi vì Phật chỉ là Giải Thoát, không phải là một vị Thần Linh nào đó.

Tham, Sân, Si được ví là “Viên châu có giá trị liên thành”. Xả nó - nói cách khác là “Cúng dường cho Phật”- Nhưng Phật đây là nghĩa của giải Thoát, cho nên Xả đi thì lập tức được Giải Thoát. Đó là ý nghĩa của      “Bố Thí Tam Luân Không” :    “Không có người cho. Không có của cho. Không có người nhận”. Vì người cho cũng là mình. Của cho cũng của mình. Người nhận cũng là chính mình. Đó là nói về việc Tu sửa, Thí Xả nơi Tâm, không diễn ra bên ngoài.

Không có Phật nào để nhận của cúng dường. Nếu có Phật để nhận, có Ta để cúng dường thì đó là NHỊ THỪA, không còn là NHẤT THỪA nữa !

Một trường hợp hiểu sai đã được dựng thảnh phim, gây hiểu lầm cho rất nhiều người, vì tầm ảnh hưởng của phim ảnh rất lớn : Đó là Ngô Thừa Ân trong Tây Du Ký. Ý nghĩa Thí Xả trong nội Tâm, khi đưa ra bên ngoài thì có Ngài Quán Thế Âm Bồ tát luôn xuất hiện để cứu mỗi khi Thầy trò bị nạn, và Ngài A Nan đòi Tam Tạng cúng dường chén vàng của vua ban thì Đức Như Lai mới ban Quả Vị cho!

Phật chỉ là tình trạng Giải Thoát của người tu đạt được. Như Lai là nói về sự Thoát Pháp của người đã Chứng Đắc, dù có đến hay đi thì các pháp cũng không làm cho xao động, đâu có phải là Phật Tổ Như Lai quyền phép,  thì làm gì có quyền ban Quả Vị cho ai ?  Quả Vị cũng không có giá trị Cao, thấp để so với người khác,  chỉ mang ý nghĩa là hành giả đã đến trình độ nào đó mà thôi. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA gọi đó là những Hóa Thành, để cho người đi đường xa mỏi mệt tạm dừng để nghỉ chân, sợ họ tu hoài không thấy đạt được gì thì sẽ nản lòng mà thôi.

Trong Đạo Phật có dạy : “Tu vô tu, Chứng vô Chứng” “Đắc cái Vô Sở Đắc”. Vì cái Đắc cao nhất của đường tu là tu để đạt cái “Vô Ngã” hay“Không còn mình”. Không còn mình thì lấy ai để chứng đắc ? Vì vậy, Kinh DUY MA CẬT viết : “Trong Đạo Phật người có Chứng Đắc là kẻ Tăng Thượng Mạn”.

Người NHỊ THỪA thì cứ nhìn ra, nên có Phật, Bồ Tát cứu độ chúng sinh là mình. Trong khi đó, với Chính Kinh thì tất cả đều ở nơi Tâm.

Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA có Kệ nói về Bồ Tát nói pháp :

“LẠI THẤY CÁC BỒ TÁT
RÕ PHÁP TƯỚNG TỊCH DIỆT
ĐỀU Ở TẠI NƯỚC MÌNH
NÓI PHÁP CẦU PHẬT ĐẠO”

CÚNG  DƯỜNG  Phật  cũng  Cúng  Dường  PHẬT  CỦA MÌNH:

“LẠI THẤY NHỮNG TRỜI, NGƯỜI RỒNG, THẦN, CHÚNG DẠ XOA CÀN THÁT, KHẤN NA LA ĐỀU CÚNG DƯỜNG PHẬT MÌNH”.

Cúng Dường Phật mình không phải là tự mình tạc một tượng Phật rồi tự cúng lấy, mà là ý nghĩa của việc ĐỘ SINH.
Mỗi lần đưa được một Chúng Sinh thành Phật là ta đã CÚNG DƯỜNG MỘT VỊ PHẬT. Trong kiếp sống, từng sát na mỗi người chúng ta có biết bao nhiêu tư tưởng Khởi, Diệt ? Trong đó có biết bao nhiêu tư tưởng chưa thanh tịnh cần được Cứu Độ ? Vì thế, Kinh viết, mỗi kiếp tu hành, “Bồ Tát Cúng Dường vô luợng vô số ức Đức Phật”là như thế.

Do ngoài CHỮ còn có NGHĨA, người tu cần tìm NGHĨA để Y theo, nên có Pháp TỨ Y. “Y PHÁP BẤT Y NHÂN. Y TRÍ BẤT Y THỨC. Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Y KINH LIỄU NGHĨA, BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA”. Nếu ta chưa phân biệt thế nào là PHÁP, thế nào là NHÂN. Thế nào là NGỮ, thế nào mới là NGHĨA. Y Kinh Liễu nghĩa là Y thế nào ? thì còn làm sao đưa vào thực hành để việc tu hành được thành công ?  Nhưng bản thân mình tu hành không thành công thì không sao.  Nếu mang ra phổ biến, làm cho nhiều người hiểu sai thì lỗi đó rất lớn, vì diễn tả sai lầm sẽ làm oan cho Ba Đời Phật.  Kinh viết :“Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan !

Trích sơ vài đoạn Kinh để chúng ta thấy nhiều lời được viết trong Kinh đã bị hiểu sai. Từ việc tu hành trong Vô Tướng, thực hiện nơi nội Tâm, tức là mỗi người tu tự thanh lọc cái tâm của mình, để hoàn thành Phật của mình nơi đó, thì nhiều vị tu hành thời xưa đã vận động bá tánh gom góp vàng bạc rồi cất lên những ngôi Chùa hoành tráng, với mái Chủa đúc bằng vàng,  bạc, bằng những chất liệu quý, tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc của bá tánh, trong khi vàng bạc, tiền của đó lẽ ra dùng để xây đựng, phát triển đất nước !

Từ khi Đạo Phật phát triển đến nay, nước nào có Đạo Phật thịnh hành thì những ngôi nhà đẹp nhất, sang nhất, chiếm nhiều đất nhất, trần thiết sang trọng, tốn kém nhất là những ngôi Chùa ! Tu Sĩ thì thân cận Vua, Quan, lên xe, xuống ngựa, dùng những phương tiện hiện đại !  Trong khi lẽ ra nhữngTu Sĩ là những người đã chê chán cảnh trần, không yêu thích, hưởng thụ vật chất của trần tục  thì nên sống trong những ngôi nhà đơn sơ, vừa đủ để che mưa, nắng. Không dùng phương tiện xa hoa của người trần, để Thân, Tâm được thanh tịnh mà tu hành ! Vì thế, việc HIỂU cho đúng ý nghĩa của  Kinh để thực hành rất quan trọng để không trở thành phỉ báng Phật Pháp.

Việc tu hành có thành tựu hay không là đều do cái Hiểu. Phật dạy có 5 điều khó được : “Thân người khó được. Phật Pháp khó nghe. Khó sinh ra nơi có Phật Pháp lưu hành. Khó được sinh cùng thời có Phật ra đời. Tâm lo sợ Sinh Tử khó sinh” . Dù chúng ta không may mắn được sinh cùng thời với Phật, nhưng lời Phật còn ghi lại trong Kinh điển. Đọc Kinh tức là trực tiếp nghe Phật giảng Pháp, không khác gì Phật vẫn hiện diện. “Nơi có Phật Pháp lưu hành” thì đó là những Bộ Kinh mà thời này chúng ta có thể tìm thấy ở bất cứ nhà sách nào, cả trên mạng cũng có thì đâu còn khó nữa. “Phật Pháp khó nghe” thì chúng ta đã dọc được biết bao nhiêu bài giảng của Chư Vị Giác Ngộ, không ít thì nhiều, mưa dầm cũng thấm. Cái khó nhất là Thân người thì chúng ta may mắn đã có được, và có lo sợ Sinh Tử thì mới phát tâm tìm đến với Đạo Phật. Như vậy xem ra 5 yếu tố chúng ta đã hội đủ, thì còn chờ đợi gì nữa.

Thời xa xưa Kinh chưa dịch sang tiếng Việt, muốn đọc Kinh thì phải học chứ Phạn hoặc chứ Tàu. Thời này thì Kinh đã dịch sang tiếng Việt tràn lan,  tại sao chúng ta phải chờ người khác đọc rồi giảng sẵn cho, mà không dấn thân trực tiếp dành một số thì giờ tìm hiểu cho đến nơi đến chốn để có sự hiểu biết của chính mình, thực hiện lời Phật dạy : “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”? Trí Huệ đâu thể vay mượn của người khác được ?

Con đường tu hành theo Đạo Phật có thể được tóm tắt như sau : Thấy rằng con người được sinh ra bởi Nghiệp, rồi trong trăm năm của cuộc sống, nếu không ý thức thì lại tiếp tục tạo Nghiệp, xoay lăn trong vòng Luân Hồi, không biết đến bao giờ mới dừng. Vì thế Đức Thích Ca phải phương tiện hướng dẫn mọi người, hoặc nói cái đọa nơi Ba Đường dưới. Hoặc nói Phật Quốc với những cảnh trí huy hoàng. Nói tu hành thì sẽ thành Thánh với những Quả Vị cho con người vì sợ hoặc ham mà ngưng tạo Ác Nghiệp, hướng thiện, tạo Nghiệp Thiện để cuộc sống của bản thân và nhừng người chung quanh đều được an vui cho đến hết kiếp. Nhưng tất cả cũng chỉ là SỬA nơi Thân, Tâm của chính mỗi ngưởi. Không cần thay cảnh, đổi tướng. Chỉ cần điều phục hay chuyển hóa cái Tâm của mình, gọi là Tu Tâm thì sớm hay muộn do sức Tinh tấn của mình cũng sẽ thành công, vì “Vạn Pháp Duy Tâm Tạo”, và Nhân Quả. Địa Ngục, Niết Bàn cũng từ cái Tâm suy nghĩ, đưa đến hành động mà ra, nên Độ Sinh là Độ những tư tưởng của chính mình, không để cho nó đưa ra hành động.

Việc tu hành tưởng chừng như thiên nan, vạn nan: Phải Xuất Gia. Phải đầu tròn, áo vuông. Phải Thọ hàng mấy trăm Giới. Đi, đứng, ngồi, nằm phải có Tứ oai nghi..Nhưng với người đã HIỂU thế nào là Con Đường Giải Thoát, thì như lời Kệ của Tổ Đạt Ma trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT :

“BAO GIỜ HỌC TÂM THÔI
VIÊN THÀNH TƯỚNG CHÂN THẬT CHỢT RÕ BỎ Ý TU”

Đã TU TÂM thì hình thức đâu còn cần thiết, vì tại sao phải để cho người khác biết mình là người đang Tu ? Mục đích và kết quả Tu hành là để bản thân minh nhờ, sao phải bắt người phải cúng dường mình, cung cấp mọi thứ cho mình thì mình thì mới chịu Tu ? Người Tu Phật còn phải đền TỨ ÂN. Ta chẳng những không lo cho cuộc sống của bản thân, cũng không đóng góp gì cho cho xã hội thì Đền cách nào trong khi Phật không phải là Thần Linh để ta cầu xin mà báo đáp ? Chính vì vậy mà Chư Tổ dạy : CHỈ Y KINH KHI ĐÃ LIỄU NGHĨA, tức là phải Hiểu cho rõ ý Kinh rồi mới thực hành vậy.  

(Tháng 6/2020)



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển ngày 18.7.2020 từ SàiGòn .