Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
địa đồ Hà Đông cũ






CẦU ĐƠ CŨ
“thượng gia hạ kiều”
TRÊN SÔNG NHUỆ & CẦU HỘI AN
“thượng tự hạ kiều”.
-




S ông Nhuệ hay Nhuệ Giang  là một con sông nhỏ, phụ lưu của sông Đáy. Sông dài khoảng 76 km, chảy ngoằn ngoèo gần như theo hướng bắc Tây Bắc-Nam Đông Nam qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

Tuyến sông

Sông Nhuệ, trước khi được đào thông với sông Hồng, lấy nước từ đầm Bát Long thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Trải qua nhiều lần đào, sông mới có được hình thể như ngày nay.

Điểm bắt đầu của nó là rãnh Liên Mạc, lấy nước từ sông Hồng trong địa phận quận Bắc Từ Liêm (thành phố Hà Nội) và điểm kết thúc của nó là cống Phủ Lý khi hợp lưu vào sông Đáy gần thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Sông chảy qua các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên của thành phố Hà Nội; huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam và cuối cùng đổ vào sông Đáy ở khu vực thành phố Phủ Lý. Diện tích lưu vực của nó khoảng 1.075 km² (phần bị các đê bao bọc). Ngoài ra, nối sông Đáy với sông Nhuệ còn có các sông nhỏ như sông La Khê (qua quận Hà Đông), sông Tô Lịch, sông Vân Đình, sông Duy Tiên, sông Ngoại Độ, v.v...

Tỉnh CẦU ĐƠ (Cầu Đa – đa lộc, đa phúc) do Thám hoa Vũ Phạm Hàm đề nghị đổi tên là Hà Đông và được chấp thuận.

Năm 1904, tỉnh Cầu Đơ đổi tên thành tỉnh Hà Đông, và tỉnh lỵ Cầu Đơ cũng đổi tên thành thị xã Hà Đông. Tỉnh Hà Đông bao gồm thị xã Hà Đông, các phủ Hoài Đức, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, huyện Hoàn Long (nguyên là khu vực ngoại thành Hà Nội). So về diện tích thì tỉnh Hà Đông rộng gấp nhiều lần thành phố Hà Nội. Ngày 6/12/1904, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi tỉnh Cầu Đơ thành tỉnh Hà Đông và từ đây, cái tên tỉnh Hà Đông bắt đầu xuất hiện.

-Cầu Đơ thực ra là tên của một cây cầu bắc qua sông Nhuệ và nối thông con đường từ Hà Nội đi Hòa Bình. Cây cầu cũ được che bằng mái ngói theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là Nhà, dưới là cầu) giống như cầu Hội An “thượng tự hạ kiều” (trên là Chùa, dưới là cầu). Về sau con đường mở rộng và cầu Đơ được xây lại bằng bê tông, tức cầu Hà Đông bây giờ.

Qua những tư liệu khai thác được cho thấy, Hà Đông manh nha hình thành từ những năm 1896 - 1899 khi tòa công sứ của Chính phủ Pháp di dời về Cầu Đơ. Lúc này, việc xây dựng và kiến trúc ở tỉnh lỵ Hà Đông đã khởi động: đầu tiên là việc bắc cầu qua sông Nhuệ (cầu Trắng), tiếp đó là việc rải đá đường quốc lộ 6 từ Hà Nội vào Hà Đông và từ Hà Đông đi Hòa Bình, 

Đình Cầu Đơ Hà Đông

Đình Cầu Đơ có từ thời Hậu Lê. Thờ thành hoàng: tướng Đỗ Bí. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1985). Địa chỉ: số 85 phố Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

Lược sử

Cầu Đơ thực ra là tên của một cây cầu bắc qua sông Nhuệ và nối thông con đường từ Hà Nội đi Hòa Bình. Cây cầu cũ được che bằng mái ngói theo kiểu “thượng gia hạ kiều” giống như cầu Hội An. Về sau con đường mở rộng và cầu được xây lại bằng bê tông, tức cầu Hà Đông bây giờ.

Làng Cầu Đơ (Cầu Đa) cùng làng Hà Trì nay thuộc phường Hà Cầu, nằm ở trung tâm của quận Hà Đông, giáp với các phường Nguyễn Trãi, Quang Trung, Phú La, La Khê và Kiến Hưng. Cuối thế kỷ XIX chính quyền thực dân Pháp thành lập đô thị Hà Nội trên phần đất của tỉnh Hà Ninh do nhà Nguyễn "nhượng lại", cho nên trụ sở quan lại cũ của Nam triều ở khu vực Phủ Doãn - Ngõ Huyện phải chuyển về làng Cầu Đơ cách đó 12km.

Tên Cầu Đơ cũng bị đặt làm tên tỉnh (mới) từ tháng 5-1902 đến tháng 12-1904, khi lại được đổi tên thành tỉnh Hà Đông với tỉnh lỵ là thị xã Hà Đông. Thị xã nằm hai bên đường quốc lộ số 6 nên thời đó có nhiều hàng quán phục vụ người Pháp và quân đội Pháp, những nhà hát cô đầu đều treo đèn lồng đỏ nên phố ấy gọi là phố Bông Đỏ. Về sau người ta ghép tên phố với tên đoạn đường gần ngã ba đi Chùa Hương vào mà thành ra tên Ba La - Bông Đỏ.

Vùng Cầu Đơ đã từng kinh doanh sầm uất với nghề dệt thủ công. Có lẽ cái tên Thao Đơ bắt nguồn từ đó. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng đến tận bây giờ và tiếp tục vinh danh cho thị xã Hà Đông. Nguyên liệu xưa kia do những ngôi làng làm nghề trông dâu nuôi tằm ngay ven sông Nhuệ cung cấp. Một số ít làng đã được triều đình nhà Nguyễn xếp hạng là “mỹ tục khả phong” (phong tục tốt đẹp).

Ngài Đỗ Bí vốn người huyện Nông Cống tỉnh Thanh, từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và phục vụ 3 đời vua đầu của nhà Hậu Lê. Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) khi Nghi Dân nổi loạn giết Nhân Tông và tự xưng vua, Đỗ Bí chống lại và bị chém vào đầu. Theo truyền thuyết, ngài phi ngựa đến Cầu Đơ, cởi chiếc khăn đẫm máu quấn quanh cổ trao cho bà cụ bán nước rồi chạy tiếp đến chiến trường xưa Tốt Động thì hóa. Sau đó dân vùng Cầu Đơ, Tốt Động và nhiều nơi khác đã lập miếu thờ ngài.

Kiến trúc

Vẻ ngoài của ngôi đình làng Cầu Đơ cho thấy một phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn đã có giảm bớt những chi tiết đặc biệt cầu kỳ. Xưa kia đình tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn. Nay tuy bị lấn chiếm và xây bưng bít xung quanh nhưng đình vẫn rất đẹp nhờ còn đó nghi môn với thủy đình soi bóng trên hồ nước phía trước và tòa phương đình duyên dáng ở giữa sân, nơi thường xuyên thu hút các họa sĩ và kiến trúc sư trẻ.

Hai bên sân có 2 dãy nhà giải vũ. Phía sau phương đình hai tầng tám mái là tòa đại đình 5 gian cửa bức bàn cùng với thiêu hương và hậu cung kết nối thành hình chuôi vồ, hai bên cũng có tả, hữu vu. Hiện nay ngôi đình đã được trùng tu với phần lớn các hạng mục được giữ nguyên theo lối cũ. Đình Cầu Đơ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá quốc gia ngay từ năm 1985.

Hàng năm cứ đến ngày 14 và rằm tháng Giêng, nhân dân Cầu Đơ lại tổ chức lễ hội đình làng để cúng tế Đức Thánh. Trong không khí long trọng và trang nghiêm, dân làng diễu hành thành đoàn dài hàng trăm bước, rước kiệu long ngai thành hoàng Đỗ Bí từ đình ra miếu rồi lại từ miếu về đình. Ngoài ra còn có nhiều sự kiện văn hóa diễn ra như: lễ mừng tuổi các cụ lão niên, các trò vui chơi dân dã và tranh đua thể thao có thưởng.

Chuyện cổ dân gian ở làng Đơ

Làng Đơ có tên gọi chữ là Cầu Đa (cầu đa phúc, đa lộc...) nằm bên hữu ngạn dòng Nhuệ Giang, trước kia thuộc Tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông; nay là phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.

Làng Đơ có vị trí đặc biệt trong quá trình hình thành tỉnh Hà Đông (cũ). Đó là vào ngày 26/ 12/1896, địa bàn làng trở thành lỵ sở của tỉnh Hà Nội. Đến ngày 3/5/1902 tỉnh Hà Nội được đổi thành tỉnh Cầu Đơ. Sau đó vào tháng 6/1904, tỉnh Cầu Đơ lại đổi thành tỉnh Hà Đông.

Làng Đơ có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Về khoa bảng có 2 vị đỗ tiến sĩ, về các di tích văn hóa - lịch sử có cả một quần thể gồm đình, chùa, đền, miếu còn được bảo tồn nguyên vẹn, tiêu biểu là ngôi đình làng với lễ hội cổ truyền độc đáo. Trong sâu thẳm hồn làng còn truyền tụng nhiều câu chuyện dân gian nói về quá khứ giữ đất, lập làng, xây dựng quê hương và ca ngợi mối cố kết gắn bó cộng đồng.

Sự tích chiếc khăn thấm máu

Tương truyền ngày xưa trong khám hậu cung đình làng có lưu một chiếc khăn thấm máu. Đó là kỷ vật cuối cùng trước khi hóa của Đức thành hoàng.

Chuyện rằng: Thuở ấy, vào một buổi chiều u ám trên đầu Cầu Đơ qua sông Nhuệ (chỗ Cầu Trắng bây giờ), ngày xưa là cầu gỗ trên lợp mái, người ta gọi là thượng gia - hạ kiều, có cụ bà bán nước chè. Khi cụ sắp dọn hàng về thì xịch cái thấy một ông tướng ghìm ngựa ngay trước lều. Cụ chưa kịp định thần thì ông tướng đã cất tiếng:

- Chào cụ, cụ có thấy ai bị đứt cổ như ta mà sống được không?

Bấy giờ cụ mới nhìn kỹ thấy trên cổ ông thắt một chiếc khăn trắng đã loang máu đỏ. Chẳng hay cơ sự gì đã xảy ra với ông? Cụ thầm nghĩ vậy. Cụ đâu có biết mấy tháng nay trong thành có loạn (1). Cụ định tìm một lời an ủi, nhưng bản tính thật thà, cụ đành ái ngại nói:

- Thưa Ngài, già ngồi ở đây đã lâu, chưa thấy ai bị chém đứt cổ mà còn sống được!

Ông tướng nghe dứt, thở dài, lướt nhìn xung quanh hỏi tiếp:

- Đây là đâu?

- Thưa Ngài đây là làng Đơ ạ!

“Ta nhớ ra rồi, mảnh đất này đã có tình nghĩa với ta, nơi ta từng ém quân để tiến đánh giặc Minh trong trận Ba La Kiều”, nghĩ vậy, ông đưa tay cởi chiếc khăn trên cổ trao cho cụ và nói rõ từng lời:

- Ta cho giọt máu này đem về mà thờ!

Đoạn ông phi ngựa chạy tiếp về phía tây. Nghe nói khi đến Tốt Động, đúng nơi chiến trường xưa, thì hóa.

Vị tướng ấy là Đỗ Bí, một trong số những danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo vào đầu thế kỷ 15.

Vì thế sau này cả làng Đơ, làng Tốt Động (huyện Chương Mỹ) đều thờ Ngài làm Thành hoàng làng.

Chùa Cầu Hội An

Cầu Chùa là cây cầu cổ “ Thượng tự hạ kiều” (trên là Chùa, dưới là cầu). trong khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cầu còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều.

Lịch sử Chùa Cầu Hội An

Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Namazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa".

Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng lại vào thời gian này. Chùa được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986 và dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt, Trung. Ngày 17/2/1990, Chùa Cầu được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia. Hiện nay, Chùa Cầu đang bị xâm thực bởi kênh nước thải hôi thối bên dưới cầu và có nguy cơ bị lún nghiêng.

Kiến trúc

Chiếc cầu làm bằng gỗ trên những trụ cầu bằng gạch đá, dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.

Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ, (có lẽ được xuất phát từ nghĩa cây cầu xây từ năm thân, xong năm tuất). Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.

Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa – lịch sử của nhân loại vào tháng 12/1999.

TỪ KẾT

TAM NGUYÊN VŨ PHẠM HÀM (1864 – 1906)

Quê làng Đôn Thư, Kim Thư, Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội), tự là Mộng Hồ, hiệu Thư Trì, tên thụy là Trang Khải. Thuở nhỏ ông thông minh, nổi tiếng thần đồng, đỗ Giải nguyên năm 21 tuổi, năm Nhâm Thìn (1892), ông đỗ Hội nguyên và Đình nguyên, vua Thành Thái ban “Nhất giáp Tam nguyên Thám hoa”. Làm Đốc học Hà Nội (Thời đó, Hà Nội tách ra từ tỉnh Cầu Đơ, Hà Đông sau này) kiêm sung “quán Đồng văn” (tức là Đại Nam Đồng Văn nhật báo, tờ báo tiền thân của tờ “Đăng Cổ tùng báo” của Đông Kinh nghĩa thục – 1907) - là một tờ báo ra đời trong thời điềm bắt đầu phong trào Duy Tân và Đông kinh Nghĩa thục, cho thấy ông đã chịu ảnh hưởng của phong trào mới và Vũ Phạm Hàm có quan hệ mật thiết với Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền (hai ông kết thông gia với nhau) – lúc đó đã chuẩn bị xuất dương đi theo con đường cứu nước của Phan Bội Châu. Giới trí thức rất hâm mộ tài học và đức độ của ông, thơ văn ông còn truyền tụng nhiều vì nội dung, nghệ thuật sâu sắc, có nhiều hình tượng nghệ thuật mà giới yêu thơ thán phục.

Các sách Địa chí của Vũ Phạm Hàm:

A/- CẦU ĐƠ NHÂN ĐINH PHONG TỤC TỔNG SÁCH

Đây là sách “Tổng hợp về Dân số và Phong tục tỉnh Cầu Đơ (về sau do Thám hoa Vũ Phạm Hàm đề nghị đổi tên là Hà Đông và dược chấp thuận).

Tỉnh ta xưa thuộc nước Lạc Long, bộ Giao Chỉ. Nước ta núi sông tươi đẹp, sản vật phong phú, các triều vua xây dựng kinh đô, thành thị tráng lệ. Bắc Kỳ là nơi trọng yếu của trung châu. Đại khái là người thành thị chuộng phù hoa, người ở núi rừng còn chất phác, người có văn học và giáo dục thì lương thiện, kẻ du đãng thì hung hăng. Phong tục có cái khó biến đổi, nhưng con người thì không thể không giáo hóa được… Nay cứ theo sự kê khai đại lược về dân đinh, phong tục trong địa hạt mà biên soạn từng mục:

-Dân Số trong Tỉnh (Nhân đinh)

I.- Phủ Hoài Đức:

1. Huyện Từ Liêm: Trai, gái, già, trẻ cộng 8 vạn 9 nghìn 19 người. Khách trú (người Hoa) có 2 người ngụ ở xã Bái Ân, về y phục còn mặc áo ngắn, quần xanh. Làm nghề trồng thuốc lá.

2. Huyện Đan Phượng:

II.-Phủ Ứng Hòa: 1.Huyện Sơn Lăng - 2. Huyện Thanh Oai (quê hương của Vũ Phạm Hàm): kê khai tương tự.

III.- Phủ Thường Tín: 1.Huyện Thượng Phúc 2. Huyện Thanh Trì 3. Huyện Phú Xuyên.

IV.- Phủ Mỹ Đức: 1.Huyện An Đức 2. Huyện Chương Mỹ Trong địa hạt tỉnh, tính tổng số dân là 53 vạn 158 người, kể cả trai, gái, già, trẻ. Thổ dân (dân tộc ít người) 2 nghìn 100 người. Khách trú 30 người.

-Phong Tục

I.- Phong tục thông thường của người Nam…

II.- Phong tục thông thường cùa dân tộc ít người (người Thổ) …

(Vũ Phạm Hàm biên soạn năm Thành Thái thứ 15 (1903) – Tháng 7 ngày 7).

B/- HƯNG HÓA TỈNH PHÚ

Đây là bài Phú về tỉnh Hưng Hóa, - là một trong số 13 tỉnh của Bắc Kỳ nước ta. Tình Hưng Hóa cổ xưa gọi là Văn Lang. Thế đất của tỉnh gồm 3 phủ, 5 huyện, 16 châu với địa vực khá rộng, gồm các 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái và tách một số huyện nhập vào Phú Thọ.

Vũ Phạm Hàm được bổ Án Sát tỉnh Hưng Hóa (từ năm 1896 – 1898), đứng hàng thứ 3 trong tỉnh. Quan Án sát coi việc hình án, phát dương kỷ cương, phong tục, xem xét việc quan lại trị dân kiêm lý việc bưu chính truyền đi trong hạt mình phụ trách. Vì thế, ông viết đầy đủ về các lãnh vực của tỉnh Hưng Hóa.

-Năm 1964, nhân Lễ kỷ niệm 130 ngày sinh của Thám hoa Vũ Phạm Hàm ờ quê Đôn Thư, Hà Nội, giáo sư sử học Lê Văn Lan và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. khi nói đến trí thông minh của Thám Hàm, đã nêu một so sánh như sau:
“Nếu trí nhớ thần đồng của Bảng nhãn Lê Quý Đôn là có một, thì trí nhớ tuyệt vời của Thám Hàm Vũ Phạm Hàm có thể kể là thứ hai” (Cả hai Vị đều đỗ Tam Nguyên: TN Bảng nhãn và TN Thám hoa)

-Tam nguyên Vũ Phạm Hàm thuộc Biệt chi (Phân chi 33) Tộc phả Họ PHẠM-VŨ Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Nội. Ông đã đặt tên Hà Đông cho Tỉnh Cầu Đơ cũ và làm Đốc học Hà Nội nên là Danh nhân Hà Nội.

Thám hoa Vũ Phạm Hàm là niềm hãnh diện và tự hào cho Dòng họ PHẠM VN nói chung và cho Tộc họ PHẠM VŨ Đôn Thư, Hà Nội, nói riêng.

Top 9 Cây Cầu Sống Ảo Đẹp Nhất Việt Nam

Những cây cầu sinh ra ở mảnh đất hình chữ S này thì vô vàn vô kể, thế nhưng đây là những cây cầu đẹp nhất Việt Nam: 

1. Cầu Vàng Bà Nà Hills

Cầu Vàng thì “gây sóng gió” khắp mọi mặt trận sống ảo không chỉ riêng tại Đà Nẵng, ở trong nước mà còn vang danh ra cả nước ngoài luôn rồi đấy! Công trình này nằm trong khuôn viên của khu giải trí nổi tiếng Sun World Bà Nà Hills, Đà Nẵng.

2.Cầu Tình Yêu Đà Nẵng

Với vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn của cầu tình yêu làm say đắm biết bao cặp đôi.

3.Cầu Mống

Cầu bắc qua sông Bến Nghé, nối liền quận 1 với quận 4 và được xem là điểm hẹn hò quen thuộc của giới trẻ Sài Thành.

4. Cầu Rồng Đà Nẵng

Cây cầu được xây dựng theo kiểu kiến trúc mang hình dạng một con Rồng thời Lý như vươn mình bay ra biển lớn, thể hiện khát vọng ngày càng phát triển lớn mạnh của Đà Nẵng sau này.

5. Cầu gỗ The Wilder-nest Đà Lạt

The Wilder-nest là một homestay & quán cafe nằm trên một ngọn đồi yên tĩnh dưới chân đèo Prenn, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km.

6. Cầu đi bộ Vinhomes Central Park

Tọa lạc trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận BT, TP.HCM) được lấy cảm hứng từ cuộc sống sang trọng và hiện đại của khu đô thị Central Park tại New York.

7. Cầu Trường Tiền – Huế

Nhắc đến xứ Huế mộng mơ, hẳn 10 người thì hết 9 người sẽ nghĩ ngay đến cầu Trường Tiền bắc qua dòng sông Hương thơ mộng. Đồng thời,

8. Cầu Nhật Bản“thượng tự hạ kiều” tại Phố cổ Hội An và

9. Nhất là Cầu Đơ cũ “thượng gia hạ kiều” trên sông Nhuệ, Hà Đông có liên quan mật thiết với Tam nguyên Vũ Phạm Hàm đáng để mọi người chiêm ngưỡng thú vị.

(Tham khảo: - Tự điển Tác gia VN của Nguyễn Q. Thắng, 1999 - Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm- Chương Thâu, 2009)


Cập nhật theo nguyên bản của tác gỉa chuyển từ SàiGòn .