ĐỌC LẠI CAMUS, NHÀ VĂN NHÂN BẢN
(Viết để ngẫm về các vụ khủng bố tàn bạo và không khí thù hận vẫn còn bao trùm thời đại chúng ta)
C ái tên Albert Camus hẳn không xa lạ đối với độc giả Việt Nam. Có thể nói ông cùng với J P Sartre là hai nhà văn đương đại Pháp được đọc nhiều hoặc ít ra cũng được nghe nhăc đến nhiều nhất. Nếu như Sartre với nhân vật Roquentin trong cuốn La Nausée được ca tụng là nhà văn của chủ nghĩa hiện sinh, thì tên tuổi Albert Camus, trái lại, được gắn liền với nhân vật Meursault trong cuốn L’Etranger như là nhà văn của triết học phi lý. Có thể nói L’Etranger là tác phẩm của Camus được ưa chuộng nhất và cũng được dịch ra tiếng Việt nhiều nhất. Theo Nguyễn Văn Lục trích dẫn dịch giả Trần Thiện Đạo, riêng cuốn L’Etranger đã lần lượt được các dịch giả sau đây chuyển ra tiếng Việt : Người xa lạ, A. Camus (Võ Lang), nxb Thời Mới 1965. Kẻ xa lạ (Dương Kiền và Bùi Ngọc Dung), nxb Ngày Nay 1965. Kẻ xa lạ (Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc), nxb Trẻ 1973. Người dưng (Dương Tường), nxb Văn Học, Hà Nội 1995. Và mới đây nhất Kẻ xa lạ (Nguyễn Văn Dân), nxb Văn Hóa, Hà Nội 2002.(1) Hiện tượng thi dua dịch cuốn « L’Etranger » khiến hình ảnh Meursault, nhân vật người hùng của câu truyện kể, trở thành phổ biến và tên tuổi A. Camus, vì vậy, cũng được gắn liền với cuốn L’Etranger như là nhà văn của ý thức phi lý. Bản thân tôi, trong bài viết « Dịch là phản ? » (2) mới đây, khi nhắc tới nhân vật Meursault ngay trong phần mở đầu, cũng đã vô tình đóng góp vào việc nuôi dưỡng cái khí quyển phi lý bao trùm không gian văn học Camus và tô đậm thêm chân dung nhà văn của phi lý nơi ông. Nhưng một biến cố thời sự từng gây chấn động dư luận từ cuối thế kỷ trước và còn tiếp tục tiếp diễn làm tôi sực nhớ tới một bài viết về Camus cho mục văn học nghệ thuật đọc trên đài RFI cách gần ba chục năm (3) và liên tưởng tới những gì mình vẫn còn được chứng kiến bằng tai nghe mắt thấy trong cuộc sống hàng ngày.
Biến cố thời sự tôi vừa nhắc đến, là vụ một thanh niên Pháp gốc người Algérie, Mohamet Merah 23 tuổi, sáng ngày 19/3/12 đã bất ngờ sấn tới nổ súng bắn chết một giáo viên cùng ba trẻ em học sinh trước cửa một trường học tại Toulouse chỉ vì họ là dân Do Thái. Thành thực mà nói, vụ sát hại này, về mặt tổn thất nhân mạng, cũng chẳng lấy gì làm khủng khiếp cho lắm so với con số hàng chục có khi lên tới hàng trăm người bị chết hoặc bị thương trong các vụ khủng bố hoặc đàn áp dân chúng tại nhiều nơi trên thế giới. Như, tại Trung Đông cách đây không lâu, vụ quân chính phủ dùng vũ khí hóa học tại một khu ngoại ô Damas, thủ đô Syrie, gây chết chóc cho gần hai trăm thường dân mà đa số nạn nhân là trẻ em và phụ nữ. Tiếp đó là vụ quân khủng bố djihad thuộc phe Hồi giáo cực đoan không ngần ngại cắt cổ như ngóe hàng loạt con tin hoặc tù binh chiến tranh, sau đó còn đem khoe khoang phô bày như là thành tích chiến công cho cuộc thánh chiến của họ. Rồi, chỉ ít lâu sau, ngày 16-12-2014 quân phiến loạn taliban đã bất ngờ đột nhập một trường học tại Pakistan thẳng tay hạ sát một lúc 132 học sinh chỉ vì các em là con cháu quân nhân thuộc phe chính quyền mà họ chống đối. Với kỹ thuật truyền thông tiên tiến hiện đại, hàng ngày thiếu gì các tin tức thuộc loại này. Hình ảnh các vụ giết chóc xảy ra hầu như cơm bũa ấy, đã dần dà tạo nơi ta một thứ phản xạ dửng dưng của người ngoại cuộc được bình chân như vại, nhất là khi những cảnh chết chóc đó chỉ được hình dung bằng các con số khô khan trừu tượng. Tuy nhiên vụ thảm sát tại Toulouse, qua tường thuật của tuần báo Paris – Match số 3279 (22-28 Mars 2012) vẫn để lại trong tôi một ấn tượng xúc động kinh hoàng.
Theo bài báo, đúng 7g54 sáng thứ hai 19-3-2012, sau khi lái xe moto tới trước một ngôi trường trung học Do Thái, tên Merah đã dùng súng bắn chết một giáo viên người Do Thái cùng hai đứa con trai lên ba và lên năm đang đứng trước cổng trường. Sau đó tên Merah còn quay súng định hạ sát thêm bé gái Myriam bảy tuổi, con của vị hiệu trưởng trung học cũng dân Do Thái. Nhưng do súng kẹt đạn, em Myriam chỉ bị thương nên chạy trốn vào trong sân trường. Nhất định không tha, tên Merah phóng mình rượt theo nắm bắt em, rút trong người ra một khẩu súng khác và hạ sát em. Tôi rùng mình khi tưởng tượng ra cảnh em bé ngây thơ vô tội đó hai tay ôm mặt, thân hình co quắp lại vi sợ hãi, trong khi tên sát nhân, bất chấp tiếng rú thất thanh và khuôn mặt rúm ró của em đã lạnh lùng bắn vào màng tang em. Tôi còn kinh hoàng hơn nữa khi được biết động cơ của hành vi sát nhân dã man này, theo lời tự thú của đương sự trong một cuộn băng vidéo thu sẵn định nhờ truyền thông phổ biến, là nhân danh chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và để trả thù cho các trẻ em Palestine nạn nhân của người Do Thái. Mấy chi tiết sống sượng này đã ám ảnh tâm trí tôi, làm tôi thắc mắc tự hỏi : Sự thật có đúng như vậy không ? Nếu quả là đúng, bước vào kỷ nguyên tin học ở thế kỷ 21 này chúng ta thực sự đã ra khỏi tình trạng dã thú để có thể tự hào là thuộc về nhân loại văn minh tiến bộ hay không ? Hay, những phát minh khoa học diệu kỳ đem lại cải thiện đời sống vật chất đáng kể, nhưng không đi kèm với tiến bộ của lương tri, chỉ dẫn đến hủy hoại tâm hồn, như lời cảnh báo của Rabelais đã vang vọng ngay từ đầu thế kỷ thứ 16. ( « Science sans conscience n’est que ruine de l’âme », Rabelais, Gargantua, Livre I,17)). Tôi thắc mắc tự hỏi không phải riêng vì Merah là người gốc Ả Rập và y đã ra tay hành động nhân danh các chủ thuyết tôn giáo và chủng tộc. Chưa đầy một tháng sau vụ thảm sát tại Toulouse thì tại Oslo, thủ đô xứ Na Uy lại dội lên vụ án Anders Breivik, một thanh niên Na Uy theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, ngày 22-7-2011 đã thẳng tay hạ sát 77 nhân mạng cùng làm bi thương hàng chục người khác tới dự một cuộc họp biểu tình của các nhóm thiên tả, trong đó có nhiều người theo đạo Hồi. Ra tòa, Breivik chẳng những không hề tỏ vẻ ăn năn, mà còn cho việc làm của mình là hành vi tự vệ chính đáng để bảo vệ đất nước Na Uy khỏi sự xâm nhập và bành trướng của đạo Hồi. Cả Merah lẫn Breivik, trong hai vụ này, đều tự cho mình cái quyền sinh sát nhân danh các chủ thuyết hay tín ngưỡng của họ. Chinh thái độ cuồng tín ấy làm tôi chợt nhớ tới nhân vật Kaliayev trong vở « Les Justes » của Albert Camus, khiến tôi muốn tìm đọc lại vở kịch này. Nhưng giữa hành động khủng bố của Mahomet Merah và nhân vật Kaliayev trong vở « Les Justes » có sự liên hệ nào ? Trước khi đi vào trả lời, có lẽ ta cần tìm hiểu qua nội dung và ý nghĩa vở kịch của Camus.
Một bên là Stépan đại diện cho nhóm người cách mạng khủng bố chuyên nghiệp, lấy việc xây dựng một trật tự xã hội mới làm cứu cánh và thù hận làm động cơ hành động. Ta có thể gọi họ là những con người cách mạng tha hóa (des révolutionnaires aliénés). Là những robot cách mạng, những con người chỉ có cái đầu mà không có trái tim, họ không tin rằng tham gia cách mạng còn có thể là những con người bình thường và vẫn có thể sống như một con người bình thường. Bởi vậy ngay buổi hội kiến lần đầu, Stépan đã tỏ vẻ khó chịu trước một vài biểu hiện lạc quan yêu đời của Kaliayev và nghi ngờ về khả năng đi làm cách mạng nơi anh. Rồi tới khi nghe nói Kaliayev tự phong mình là nhà thơ và cho rằng « thơ cũng là cách mạng », y đã lạnh lùng đáp : « Chỉ có bom đạn mới cách mạng » (« Seule la bombe est révolutionnaire. » A.Camus - Les Justes, p.21.- Folio, Editions Gallimard 1950). Tiếp đến, khi thấy Kaliayev lủi thủi quay về chỉ vì trên xe còn có hai trẻ nhỏ, Stepan đã không ngần ngại quả quyết : « Ngày nào chúng ta quyết định quên đi những đứa trẻ, ngày đó, chúng ta sẽ làm chủ thế giới và cách mạng sẽ thành công. » (Quand nous nous déciderons d’oublier les enfants, ce jour-là, nous serons maitres du monde et la révolution triomphera. » - Sđd. tr. 59). Rồi khi nghe Dora, người yêu của Kaliayev, phản biện :« Ngay cả trong hủy diệt, cần có một trật tự, cần có những giới hạn.» (Même dans la destruction, il y a un ordre, il y a des limites.) y liền hung hăng kết tội : « Không cần có giới hạn. Sự thật là mấy người không tin vào cách mạng. » (« Il n’y a pas de limites. La vérité est que vous ne croyez pas à la révolution » ; Sdd. tr. 62). Qua một vài mẩu đối thoại trên, ta có thể xếp Stepan thuộc loại con người cách mạng tha hóa. Với những con người như vậy ta không lạ gì nếu, sau khi cách mạng thành công, họ đã khư khư bám lấy quyền hành, dựa vào chủ nghĩa nhằm củng cố quyền hành, để rồi cuối cùng sự đam mê quyền hành đã biến họ trở thành những bạo chúa tha hóa. (4).Ta có thể coi những Staline, những Mao Trạch Đông, những Polpot, những Kim Jong Un … đều là những khuôn mặt cách mạng tha hóa thuộc diện này.
Khác với Stépan, ta có thể gọi Kaliayev cùng người yêu Dora là những nhà cách mạng nhân bản (des révolutionnaires humanistes). Họ đến với cách mạng không chỉ với cái đầu mà còn bằng trái tim, nghĩa là họ vẫn là những con người còn biết yêu : yêu bản thân, yêu người yêu, yêu đồng loại, yêu cái buồn cái vui, cái thương cái ghét, cái làng cái xóm, cái hoa cái bướm, cái nắng cái mưa… tất cả những cái bình thường nhưng ý vị đem lại ý nghĩa cho đời sống trên thế gian này. Đó mới là động cơ thúc đẩy họ gia nhập cách mạng. Ta hãy nghe Kaliayev tâm sự với Dora : « Anh yêu cái đẹp, anh yêu hạnh phúc ! Chính vì vậy anh mới ghét bỏ sự chuyên chế áp bức… Làm cách mạng, dĩ nhiên rồi ! Nhưng làm cách mạng là để vun trồng sự sống, là để tạo thêm cơ hội cho cuộc sống, em có hiểu không ? » (« J’aime la beauté, le bonheur ! C’est pour cela que je hais le despotisme. La révolution bien sûr ! Mais la révolution pour la vie, pour donner une chance à la vie, tu comprends ? » ; Sdd. tr 36). Cũng bởi vậy, nên khi bị Stépan chỉ trích là anh có thể làm hỏng cơ đồ cách mạng chỉ vì muốn buông tha hai trẻ nhỏ, Kaliayev đã thẳng thắn trả lời: « Nhưng tôi, tôi lại yêu mến những con người đang sống trên cùng một trái đất như tôi. Họ mới là kẻ tôi muốn chào đón. Vì họ tôi mới đấu tranh, vì họ tôi mới chấp nhận hi sinh. Và tôi không thể nhân danh một thiên đường xa vời không lấy gì chắc chắn để mà đạp lên mặt những người anh em tôi. Tôi không thể nhân danh một nền công lý chết mà hành động để làm tăng thêm những bất công hiện tại. » (Mais moi, j’aime ceux qui vivent sur la même terre que moi, et c’est eux que je salue. Et c’est pour eux que je lutte et que je consens à mourir. Et pour une cité lointaine, dont je ne suis pas sûr, je n’irai pas frapper sur le visage de mes frères. Je n’irai pas ajouter à l’injustice vivante pour une justice morte. » Sdd, tr. 65). Bởi dấn thân làm cách mạng do yêu mến con người và yêu chuộng công lý nên Kaliayev đã nhiều lần bức xúc trăn trở với ý nghĩ phải ra tay sát hại tha nhân. Nhưng rồi anh cũng tìm ra được giải đáp qua phần thố lộ dưới đây với Dora : « Một ý tưởng làm anh trằn trọc : chúng đã biến chúng ta thành những kẻ sát nhân. Nhưng đồng thời anh nghĩ là anh sẽ chết, thế là tâm hồn anh lắng dịu. Rồi anh mỉm cười và ngủ lại, như một đứa trẻ thơ. » (Une pensée me tourmente : ils ont fait de nous un assassin. Mais je pense en même temps que je vais mourir, et alors mon cœur s’apaise. Je souris, tu vois, et je me rendors comme un enfant. Sdd. tr, 39)
Về phần Dora, người yêu của anh, tuy chưa phải sống cái bi kịch của con người công chính đi làm cách mạng như Kaliayev, nhưng lại có những âu lo khắc khoải khác. Trước hết là âu lo của một đồng đội. Gia nhập hàng ngũ cách mạng trước Kaliayev và cũng lớn tuổi hơn, Dora đã nhìn sự nhiệt tình hăng say của Kaliayev bằng cặp mắt đùm bọc âu lo của người chị với đứa em còn non trẻ . « Ồ ! Yanek. (5) Anh nên biết, anh cần phải được cảnh báo. Một con người dẫu sao cũng là một con người. Quận công (lúc đó) có thể đang có tia nhìn cảm thông. Có thể anh sẽ thấy ông ta đang gãi tai hay cười nụ vui vẻ. Biết đâu trên mặt ông ta lại chẳng có một vết xước dao cạo. Và biết đâu lúc đó ông ta lại chẳng nhìn anh… » (Oh ! Yanek, il faut que tu saches, il faut que tu sois prévenu ! Un homme est un homme. Le grand-duc a peut-être des yeux compatissants. Tu le verras se gratter l’oreille ou sourire joyeusement. Qui sait, il portera peut-être une petite coupure de rasoir. Et s’il te regarde à ce moment-là… Sdd ; tr.42). Cũng tham gia cách mạng như Kaliayev, nhưng từng trải hơn, kinh nghiệm hơn, nên Dora biết nhìn ra cái cạm bẫy mà Kaliayev có thể gặp phải : Khi ta trừu tượng hóa đối tượng đấu tranh bằng một ý niệm, bằng một biểu tượng cho sự bất công áp bức ta có thể chém giết không gờm tay. Nhưng khi phải đối diện một con người bằng xương bằng thịt với một vài điệu bộ của một con người bình thường - như ta - thì chính những biểu hiện bình thường ấy đã làm ta phải ngần ngại. Cái tuyệt tác của văn chương Camus là thế đó. Là ở chỗ ông đã khéo chọn thể loại kịch để khai thác khả năng truyền đạt của ngôn ngữ kịch trong những trạng huống đặc biệt. Chỉ bằng một vài mẩu đối thoại nho nhỏ, đôi ba chi tiết cỏn con, ông cũng cho ta thấy được khoảng cách vời vợi giữa những kẻ đầu cơ cách mạng để thực hiện tham vọng ngông cuồng của họ, và những con người chân chính đến với cách mạng chỉ vì tha thiết với cuộc sống và qui trọng con ngừoi.
Nhưng Dora không chỉ có là đồng đội mà, trước hết, còn là một con người đang yêu và được yêu. Bởi vậy nàng mới phải sống một thảm kịch riêng. Nếu như Kaliayev, bằng hi sinh tính mạng, đã có thể an tâm lên đường làm Kinh Kha tráng sĩ hề một đi không trở lại, thì Dora, trong cương vị người yêu bất lực, lại phải sống thấp thỏm lo âu trước viễn ảnh cuộc tình có thể vĩnh viễn dở dang. Bởi vậy tuy không muốn làm cho Kaliayev phải anh hùng khí đoản, Dora cũng có lúc không trấn áp nổi cái nhi nữ thường tình của mình : « Máu đã đổ nhiều quá, bạo lực cũng nhiều quá. Những kẻ thực tình yêu công lý lại không được quyền hưởng lạc thú yêu đương. Họ phải đứng đậy như em, cái đầu ngửng cao, cặp mắt nhìn thẳng. Liệu có chỗ đứng nào cho tình yêu trong những trái tim kiêu hãnh này ? Tình yêu làm cho cái đầu mềm mại cúi xuống, Yanek. Vậy mà anh và em, chúng ta cứ phải ngửng cổ cao. » (Il y a trop de sang, trop de dure violence. Ceux qui aiment vraiment la justice n’ont pas droit à l’amour. Ils sont dressés comme je suis, la tête levée, les yeux fixes. Que viendrait faire l’amour dans ces cœurs fiers ? L’amour courbe doucement les têtes, Yanek. Nous, nous avons la nuque raide. Sdd. tr,84). Rồi khi nghe Kaliayev tìm lời an ủi : « Nhưng chúng ta yêu nhân dân… (Vì nhân dân) chúng ta cho hết, hi sinh hêt mà không hi vọng được đền bù, đó chính là tình yêu » (Mais nous aimons notre peuple… Mais c’est cela l’amour, tout donner, tout sacrifier sans espoir de retour. Sdd ; tr.84), nàng đã trút hết nỗi lòng bằng những lời hầu như nức nở : « Có thể. Đó chính là tình yêu tuyệt đối, niềm vui tinh khiết và cô đơn, và đó cũng là cái đang nung nấu trong em. Tuy nhiên cũng có lúc em tự hỏi liệu tình yêu có thể là một cái gì khác thay vì chỉ là những lời độc thoại (6) và liệu, đôi khi, cũng có được câu trả lời. Anh biết không, câu trả lời đó em mường tượng như sau : ánh nắng lung linh, đôi mái đầu từ từ cúi sát, con tim từ bỏ niềm kiêu hãnh, những cánh tay mở rộng. Ôi ! Yanek, nếu chúng ta có thể quên đi, dù chỉ là một giờ thôi, quên đi những thống khổ trên thế gian này để được cùng nhau sống buông thả. Quên đi để được sống ích kỷ với nhau chỉ trong một giờ ngắn ngủi thôi. Anh ! anh có nghĩ như vậy không ? » (Peut-être. C’est l’amour absolu, la joie pure et solitaire, c’est celui qui me brûle en effet. A certaines heures pourtant, je me demande si l’amour n’est pas autre chose, s’il peut cesser d’être un monologue, et s’il n’y a pas une réponse, quelquefois. J’imagine cela, vois-tu : le soleil brille, les têtes se courbent doucement, le cœur quitte sa fierté, les bras s’ouvrent. Ah ! Yanek, si l’on pouvait oublier, ne fût-ce qu’une heure, l’atroce misère de ce monde et se laisser aller enfin. Une seule petite heure d’égoïsme, peux-tu penser à cela ? Sdd. tr,84-85).
Vở kịch, như chúng ta đã biết, kết thúc bằng cái chết của Kaliayev. Hành động hi sinh quả quyết của anh đã làm thay đổi cách nhìn của Stépan khiến y biết cảm thông. Bởi vậy tuy được chỉ định thi hành sứ mạng kế tiếp, nhưng trước cái đau khổ tuyệt vọng của Dora, y đã nhường vinh dự ấy cho Dora để nàng có cơ hội được gặp lại người yêu trong một thế giới tốt đẹp hơn. « Les justes » do đó không chỉ có là bi kịch lịch sử, mà còn là bi kịch con người trong lịch sử hay, đúng ra, là bi kịch của thân phận những con người còn là người. Những con người biết thương biết ghét, biết vui biết buồn, biết sướng biết khổ, biết yêu biết hờn… nghĩa là tất cả những gì đem lại ý nghĩa cho đời sống con người trong một thế giới còn mang chiều kích con người. Riêng với những con người ở tuổi thanh xuân, thử hỏi có bi kịch thân phận nào bi đát hơn là bi kịch tình yêu ? Bởi vậy Camus đã không quên mượn câu thơ của Shakespeare trong vở « Roméo et Juliette » : « O love ! O life ! Not life but love in death » (Ôi tình yêu ! Ôi cuộc sống! Không phải sự sống mà là tình yêu trong cõi chết.) để mở đầu cho vở kịch của ông . Với câu thơ này phải chăng Camus còn muốn nhắc nhở ta rằng sau mỗi biến động lịch sử, nếu như - vâng nếu như – đời sống xã hội có được phần nào cải thiện thì những người đang sống hôm nay chớ nên quên rằng những gì họ đang thụ hưởng đã được tạo nên bằng máu và nước mắt của những Dora, những Kaliayey, những con người công chính (les justes) quảng đại, không biết sống cho mình nhưng sẵn sàng dâng trọn tuổi thanh xuân để mong vun xới cho cây đời thêm được xanh tươi. (7)
Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua sau bài viết đầu tiên nói lên những cảm nghĩ của tôi khi được đọc vở “Les justes” của A. Camus. Với thời gian, con người đã thực hiện thêm được những bước nhảy vọt về mặt khoa học kỹ thuật. Nhưng các thành tựu khoa học ấy, đặc biệt về mặt kỹ thuật truyền thông, đã chẳng giúp cho con người xích lại gần nhau hơn, mà còn khiến các bức tường thù hận ngày dựng lên một nhiều, ngày một thêm dày đặc. Mới đây thôi, sự kiện quân khủng bố nhân danh chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ra tay hành động trong cùng ngày thứ sáu 26-6-2015 tại Pháp, Tunisie và Koweit, gây chết chóc hoặc bị thương cho hàng trăm con người, lại được các cơ quan truyền thông quốc tế đua nhau phổ biến hình ảnh và tường thuật hấp dẫn, làm tôi thêm ngao ngán và thèm đọc lại “Les Justes” của Camus hơn bao giờ hết. Không phải để lẩn tránh hiện tại hoặc nhấm nháp ý vị văn chương tuyệt tác. Mà để thấm thía hơn tính hiện đại và nội dung nhân bản trong thông điệp ông muốn gửi đến chúng ta. Và cũng nhờ đọc lại, tôi phát hiện thêm rằng : Văn chương không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc trò chơi chữ nghĩa để mưu cầu giải trí. Nó lại càng không phải là công cụ để phục vụ cho những chế độ toàn trị nhân danh chủ nghĩa hay những tham vọng quyền lực. Văn chương đích thực phải là và chỉ có thể là nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của ý thức để tìm kiếm những giá trị mới đem lại một ý nghĩa mới cho dòng đời không hề ngừng chảy. Và văn chương càng có giá trị cao chừng nào khi nó càng được bắt rễ sâu vào mạch sống chừng nấy. Hàn Lâm Viện Thụy Điển quả đã không lầm khi trao tặng Camus giải văn chương Nobel 1957 như là để tưởng thưởng “một công trình văn học đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt cho lương tri con người ở thời đại chúng ta” (… pour couronner une oeuvre qui met en lumière les problèmes se posant de nos jours à la conscience des hommes. Theo Lagarde & Michard, XXè siècle, p. 616) Tôi mong sẽ còn dịp trở lại với Camus để nói về một vài tác phẩm khác của ông. Tôi cũng mong sẽ có những đóng góp khác của các vị học giả uyên bác, các nhà phê bình chân chính, các bậc giáo sư tiến sĩ có thẩm quyền để cùng độc giả ra khỏi những lối mòn lầy lội và tạo điều kiện cho chúng ta tìm ra được sự đồng cảm và hiểu sâu hơn, hiểu rộng hơn về một nhà văn mà giá trị tư tưởng đã được thế giới công nhận.
(Chép lại để cập nhập đêm 30-07-2020)
(1) Nguyễn Văn Lục: “20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975” – Hợp Lưu số 79 Tháng 10&11 năm 2004, tr.69
(2) Bài viết được đăng trên các trang mạng Chim Việt Cành Nam, Thư Viện Sáng Tạo và mới đây trên diễn đàn Khoahoc Doisong.
(3) Bài viết mang tựa đề “Cách mạng bạo động và cách mạng nhân bản qua vở Les justes của Albert Camus”, đọc trên Đài RFI khoảng đầu năm 1992 hay 1993, vì đã lâu ngày tôi không nhớ rõ. Bài viết ngắn hơn, thuần văn học hơn, ít mang tính chất thời sự hơn.
(4) Tôi chỉ mượn hình ảnh của Stépan trong phần đầu của vở kịch dùng làm biểu tượng cho con người cách mạng tha hóa mà thôi. Thực ra trong vở kịch Stépan không hoàn toàn như vậy.
(5) Dora quen dùng tên này để gọi thân mật Kaliayev.
(6) Độc thoại của những kẻ khủng bố ôm bom chờ đợi trong bóng tối miệng lẩm bẩm với những câu hỏi, những hồi hộp, những lo âu của mình.
(7) Dora trong vở kịch này làm tôi nhớ tới bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tập nhật ký của chị, đặc biệt doạn văn sau đây trong thư gửi người yêu :”…Em nghe rồi, nhưng vẫn có lúc nào đó trong hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim… Đó là khuyết điểm không thì tùy người đánh giá… Anh có khỏe không? Mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không phải chỉ có lửa đạn…” (Trích đoạn lấy lại trên trang mạng “Tin tức Bình Phước- www.binhphuoc.org.). Về phần Kaliayev, được chết mỉm cười hạnh phúc trong niềm tin vào sự hi sinh hữu ích của mình, tôi cho rằng Kaliayev đã có số phận may mắn hơn nhân vật Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh : Sống sót sau những cái chết bi thảm của đồng đội, rồi còn phải chứng kiến những cảnh đời trái tai gai mắt phơi bày sự khoe khoang hợm hĩnh như là một phỉ báng xấc xược vào các lý tưởng đấu tranh và sự hi sinh thiệt thòi của những con người đã nằm xuống, Kiên nhiều lúc phải sống trong hoang tưởng của kẻ mộng du do chấn thương tâm thần. Và anh chỉ biết đi tìm an ủi bằng sống ẩn náu trong quá khứ kỷ niệm, “ bởi vì nhờ thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người (in đậm do tôi, NBH), những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả. Ngày mà tất cả đều còn rất son trẻ, trong trắng và chân thành.” (Bảo Ninh : “Nỗi buồn chiến tranh”(*) – Nhà Xuất Bản Hôi Nhà Văn 1991, tr. 283)
(*) Tác phẩm đã được Phan Huy Đường dịch ra Pháp ngữ với tựa đề : Le Chagrin de la guerre – Editions Philippe Picquier 1995. Tác phẩm cũng còn được dịch ra tiếng Anh, nhưng tôi không rõ tựa đề và tên người dịch.