Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TỪ CÁI YẾM VIỆT ĐẾN ÁO NGỰC TÀU




         

T ôi còn nhớ vào năm 1968, có dịp cùng cụ Viện Trưởng lên di chỉ Khảo cổ học Đồng Đậu Vĩnh Phúc, xe tói đầu làng, thấy treo trên gốc đa cổ thụ một chiếc nong cũ trên có viết nguệch ngoạc mấy hàng chữ bằng vôi trắng:


          Cấm vào làng:

          -Quần ống tuýp
          -Đầu đít vịt
          -Xa chiêng nhọn


Cụ Viện trưởng Tây học của tôi nhìn cái biển cấm lạ chẳng hiểu ra sao cả. Cụ hỏi tôi: “Thế này là thế nào hở anh?” Vội nhìn xuống cái ống quần của cụ, cái quần tây của anh con trai cụ gửi từ bên CHDC Đức về biếu. Chết cha ! Quả là nó hơi chật. Hồi ấy, người ta cho rằng mặc áo kẻ ô vuông (ca rô), mặc quần ống chật, đầu tóc chải lật lên nom như đít con vịt là những kẻ ăn chơi, càn quấy…Tôi đành cố giải thích cho cụ biết: “Bây giờ người ta đang xây dựng nếp sống văn minh đấy cụ ạ. Mặc quần mà không nhét đươc vào cái ống quần một chai bia thì coi là quần ống tuýp. Nếu nhét vào dược một cái chai sâm banh thì gọi là quần ống loe. Ở Hà Nội bây giờ ra đường mà thanh niên cờ đỏ vớ được anh nào mặc như thế là bị cắt phăng ngay cái ống quần…Cụ Viện trưởng của tôi lưống cuống. Cụ đi đâu cũng ô tô cả nên đâu có biết. Rất may là hôm ấy vào làng, cán bộ Xã thấy cụ cao tuổi, lại chức sắc, đi ô tô nên chẳng ai để ý đến cái ống quần của cụ . Ra về, cụ lại hỏi :”Thế xa chiêng nhọn là gì anh nhỉ?” Tôi phì cười vì cụ là người quá giỏi tiếng Tây mà chẳng đoán ra. Cái mà tây họ gọi là Soutien (Vật nâng đỡ vú đàn bà), sang ta dân mình biến thành “xú chiêng”, sau về đến thôn xã thì lại một lần nữa cải tiến ngôn ngữ thành “xa chiêng” rồi thì cuối cùng, cái mốt thời ấy lại đẻ ra cái “Xa chiêng nhọn” nó mới kì khôi khiến cụ Viện trưởng của tôi chẳng đoán ra nổi. Ấy là cái soutien khởi thủy bị đám thợ may nhà quê độn vải vào may cho nó nhọn hoắt đeo vào vú con gái gây cho đấng nam nhi cảm giác như hai quả núi nhọn chọc vào khiêu khích cánh mày râu. Cấm đàn ông quần chật, đầu đít vịt thì cũng phải cấm đàn bà mặc cái sa chiêng nhọn cho nó “Nam nữ bình quyền” chứ.

Ấy là chuyện xưa. Hôm qua, gửi cho ông bạn già Việt kiều bên Pháp cái mẩu tin “Cái áo ngực của Tàu sản xuất bên trong có những viên thuốc lạ” để cảnh báo ông bạn vì ông có hai cháu gái đẹp như tiên. Ông bạn già lâu ngày không về nước hỏi lại “Cái áo ngực là cái gì? nếu cái soutien giờ dân ta gọi là cái áo ngực thì cái slip bây giờ dân mình đổi ra tiếng Việt thế nào? Hi hi”. Đành chịu vì chưa thấy báo chí nào nói về cái thứ ấy giờ tiếng Việt mình cải biến ra sao. Chẳng lẽ gọi là cái quần chim, quần bướm à?

Tò mò tra cứu lại lịch sử cái áo ngực của chị em mình, bỗng tìm thấy một bài khảo cứu rất khoa học và rất lí thú của nhà nghiên cứu Đoàn Thị Tình, xin trích ra đây một đoạn để ta cùng nhớ lại cái Yếm (cái áo ngực) của chị em ta xưa nó ra sao:

“cách đây hàng ngàn năm, từ thời Hùng Vương, chiếc yếm đã trải qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước mà vẫn hiện hữu cho tới ngày nay trên trang phục của các pho tượng, phù điêu, chạm khắc nơi đình chùa…

Từ tầng lớp quý tộc vương phi hay thị nữ trong cung đình đến người dân lao động và trên sân khấu chèo truyền thống, trong trò chơi ngày hội dân gian hay những canh hát quan họ của liền anh liền chị vùng Kinh Bắc… Kết cấu của yếm thật đơn giản, số lượng vải không nhiều, chỉ là một vuông, mỗi chiều khoảng 40cm (xưa kia dệt thủ công, khổ vải chỉ rộng khoảng 30, 40cm), đặt chéo trước ngực đủ để che kín phần ngực và bụng người mặc. Một góc vải được khoét tròn là nơi cổ yếm, có hai dải hai bên góc cổ để buộc ra sau gáy; hai dải ở hai góc cạnh sườn người mặc, buộc phía sau lưng. Qua từng thời kỳ, kết cấu cơ bản của yếm không thay đổi. Nhưng một số chi tiết được bổ sung, cải tiến để tăng tính bền chắc khi sử dụng và giá trị thẩm mĩ trong trang phục. Cổ yếm có loại từ cổ hình tròn (còn gọi là cổ xây), rồi cổ xẻ (còn gọi là cổ chữ V); cổ cánh nhạn: trên cơ sở cổ chữ V, nhưng dưới đáy khâu đột 3 đường chỉ để chỗ xẻ lâu bị rách. Các cô gái làm đỏm thì đường khâu này thường bằng chỉ màu đỏ, làm nổi rõ 3 đường như 3 nhánh của chân chim (bổ sung một nét trang trí trên cổ yếm thêm duyên (do đó nó còn được gọi là yếm cổ chân chim); cổ kiềng: hình thức như cổ tròn, nhưng bộ phận vòng tròn được may lộn hai lần vải, được khâu mũi chỉ đột làm cho khung cổ yếm cứng cáp và được may riêng, mua về khâu giáp vào thân yếm. Các dải ở cổ yếm để buộc sau gáy cắt theo hình dáng chiếc bơi chèo (nên còn gọi là dải bơi chèo); hoặc dải ở hai góc yếm nơi sườn người mặc, có loại to bản từ 7 – 10cm; dài từ 60 – 70cm, đồng màu hay khác màu với thân yếm. Hai góc đấu hai dải yếm này, được khâu độn hai miếng vải hình tam giác (Δ) một hình thức đệm lót có tác dụng làm bền góc yếm, nhưng các cô gái thường đáp hai miếng vải tam giác ấy bằng vải màu đỏ hai màu hồng điều, lại mang thêm dụng ý trang trí cho chiếc yếm bớt phần đơn điệu. Khi mặc, hai dải này được vắt chéo ở sau lưng rồi buộc lại ở phía trước bụng, phần còn lại buông xuống như dải thắt lưng. Hình thức loại yếm này kín cả ngực và bụng, một phần lưng, dó đó người phụ nữ có thể không mặc áo cánh, nên cách này gọi là mặc yếm trần (nhưng chỉ mặc ở trong nhà hoặc lúa trời nóng múa hè cho mát mẻ, còn khi tiếp khách, ra đường đều phải khoác áo cánh, áo dài ngoài). Chất liệu để may yếm thường là vải, lụa, sồi (tùy vào khả năng kinh tế, loại tốt hay loại vải bình thường). Màu sắc phổ biến là màu trắng, nâu, gụ, hoa hiên, vàng tơ, bã trầu. Trong lễ hội các cô gái thường mặc yếm màu: màu hoa đào, màu đỏ, hồng cánh sen… Thông thường chiếc yếm của người phụ nữ Việt là một màu trơn, không trang trí họa tiết hoa văn. Yếm là một phần trong tổng thể bộ trang phục của người phụ nữ Việt. Yếm đi với áo cánh, tôn vẻ đẹp của cổ cao ba ngấn, bờ vai tròn lẳn; yếm trắng với áo dài tứ thân, màu nâu non tạo sự nền nã của các chị tiểu thương, hay các cô thôn nữ… Yếm đỏ, yếm đào trong bộ áo mớ ba mớ bảy của các cô gái trảy hội ngày xuân, tôn lên sự rực rỡ nhưng hài hòa và đồng thời cũng là một điểm nhấn cực mạnh của thị giác. Mảng màu của chiếc yếm, ở nơi ngực ấy, đã là một nét độc đáo, ý nhị đầy biểu cảm… Theo định nghĩa thực dụng thông thường về yếm: là đồ lót bên trong, có tác dụng che ngực, che bụng. Nhưng cái phần nhỏ trong trang phục để che ngực ấy lại là một nét trong văn hóa mặc. Người xưa coi yếm là cái gì đó còn mang tính thiêng liêng, không ai bán yếm may sẵn, người con gái thường tự cắt may lấy, khi giặt, phơi cũng phải kín đáo tránh lộ liễu.”

Nghĩ bụng: sao chị em mình lại quên mất thứ hàng Việt tuyệt vời và duyên dáng đến thế mà cứ lao vào ăn vận những yếm Tây rồi đến cả yếm Tàu để làm gì cho vừa tốn tiền mà còn độc hại.

Đến bao giờ lại có cái bảng treo đầu làng

          Cấm vào làng:

               Áo ngực Tàu có thuốc độc!

Hà nội 31-10-2012




VVM.30.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .