Đ ến với thơ là đến với nhân hậu và yêu thương. Những nhà thơ đích thực trước hết phải có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương, biết chia sẻ với cõi người, sau đó mới là tài năng. Nếu không có tấm lòng nhân hậu và không có tài năng thì chẳng thể viết được một câu thơ có ích cho cuộc đời.
Tôi vẫn thường nghĩ ai có may mắn được sinh ra trên mảnh đất này đều có thể trở thành Thi sĩ.Văn hóa quan họ đã bồi đắp cho con người nơi đây tình yêu thương và lòng nhân hậu. Trên hết thảy đã bồi đắp cho tâm hồn họ để họ có thể trở thành một Thi sĩ tài hoa. Hát quan họ là một hình thức trình diễn thơ độc đáo nhất của nhân loại. Hàng nghìn bài hát quan họ là hàng nghìn bài thơ tình của chia ly dang dở. Các liền chị liền anh nơi đây đã sáng tạo ra lời hát quan họ. Chính vì thế trước hết họ là những Thi sĩ tài hoa nhất - những Thi sĩ xuất khẩu thành thơ. Thế mới có những canh hát đối thâu đêm mà chẳng thể cạn lời. Chế định của ông cha ta là khi đã kết chạ quan họ thì có yêu nhau bao nhiêu đi chăng nữa vẫn không thể tiến tới hôn nhân. Đó là một chế định khắc nghiệt nhất nhưng sự khắc nghiệt lại được tồn tại trên nền của thiên tài - thiên tài của thiên tài. Bởi không có chế định khắc nghiệt đó có thể khẳng định một cách chắn chắn rằng hát quan họ không tồn tại. Nhân loại sẽ mất đi di sản văn hóa phi vật thể độc nhất trên thế gian này. Nếu yêu nhau mà đến được với nhau bằng hôn nhân thì hạnh phúc của họ đã tròn đầy, đã được đền đáp còn đâu sự chia ly dang dở, còn đâu thương và còn đâu nhớ. Còn đâu những "hát đắm say cho đứt ruột gan người", với tiếng gọi thảm khắc "người ơi người ở đừng về". Còn đâu những khát vọng "Ước gì sông rộng tày gang, bắc cầu dải yếm đón nàng sang chơi".
Từ thuở nằm nôi, các Thi sĩ Bắc Ninh tương lai đã được thấm đẫm những lời ru quan họ, những lời ru nhiều chia ly dang dở nhưng cũng lắm khát vọng đắm say. Những lời ru có sức mạnh kỳ diệu như Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết để tặng Lệ Ngải khi nghe Lệ Ngải hát phục vụ các chiến sĩ trên đường ra trận trên đường mòn Trường Sơn: "Tiếng em hát đò ơi/ Sông đưa đò gần lại / Tiếng em hát người ơi / Người yêu nhau mãi mãi". Một câu hát mà con sông vô tri vô giác phải đưa con đò gần lại để chở những lứa đôi. Một câu hát thôi mà mọi con người đều xích lại gần nhau và yêu nhau mãi mãi. Ta càng hiểu thêm vì sao quan họ lại được tôn vinh là văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đó chính là lý do, là nguồn cội, là dòng phù sa bồi đắp cho tâm hồn con người nơi đây để họ trở thành những Thi sĩ. Bao nhiêu Thi sĩ ở Bắc Ninh đã viết thơ tình, những bài thơ tình nhiều khát vọng đắm đuối, mê say và cũng nhiều chia ly dang dở.
Trước khi đến với Thơ tình Bắc Ninh, tôi muốn được giới thiệu hai bài thơ tình khá nổi tiếng có liên quan đến Bắc Ninh, quan họ.
Bài thứ nhất: "Tro tàn quá khứ" của Nhà thơ Lê Quang Trang quê ở Bắc Ninh: "Lả tả bay trên đường phố đông người / Tro quá khứ tình yêu em đã đốt/ Cái quá khứ không đem mà ăn được / Nhưng con người lại chẳng thể nguôi quên / Dẫu bây giờ không được nắm tay em / Mắt trong mắt như cái thời lửa cháy / Hãy tìm lại trong tàn tro đen ấy / Có những điều đốt mãi chẳng thành tro".
"Cái quá khứ không đem mà ăn được" và "Có những điều đốt mãi chẳng thành tro" cứ day dứt, cứ trăn trở, cứ lay thức trong tâm hồn mọi con người. Bởi vì chúng ta ai chẳng có một mối tình đầu dang dở. Các Thi sĩ đã trải lòng mình qua những bài thơ tình nhiều khi đã trở thành bất hủ.
Bài thơ "Hội Lim" của Vũ Đình Minh là một minh chứng: "Anh trót biết đời riêng em trắc trở / Nên hồi này xem hát chẳng vô tư / Nón thúng quai thao em thẹn thò che má / Hát đắm say cho đứt ruột gan người / Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ / Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi / Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón / Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi".
Cuộc đời của các liền anh liền chị thường là những cuộc đời nhiều chia ly dang dở. Nhưng họ đã dũng cảm bỏ quên đi để tất cả cống hiến cho nghệ thuật. Họ sống cho nghệ thuật và nói khác đi họ sống nhờ nghệ thuật quan họ.
Đất Kinh Bắc đã sản sinh ra những Nhà thơ, nhà văn lớn như Hoàng Cầm, Kim Lân, Ngô Tất Tố và các Nhà thơ đương đại sống xa quê hương như Lê Quang Trang, Nguyễn Phan Hách, Vũ Từ Trang...
Thơ tình Bắc Ninh đã rung động đến tận cùng cảm xúc của tôi. Tôi yêu miền đất và con người nơi đây. Tôi yêu thơ, yêu các Thi sĩ đích thực của vùng Kinh Bắc. Dòng chảy thơ ca của miền Kinh Bắc luôn dào dạt trong tâm hồn, trong huyết quản của tôi. Đã hàng chục năm nay tôi đã sàng đãi trong bãi sa bồi thơ mênh mông vô tận của Bắc Ninh. Thật hạnh phúc cho tôi, tôi đã có được những viên ngọc quý, những hạt vàng lấp lánh của thơ Bắc Ninh nói chung và thơ tình Bắc Ninh nói riêng.
Có một điều những bài thơ tình hay thường là những bài thơ tình buồn - những nỗi buồn nhân thế. Stalin đã nói "Thơ đích thực phải đượm chút buồn nhân thế". Những bài thơ tôi giới thiệu sau đây đều là những bài thơ đích thực. Trước hết xin được rộng lòng lượng thứ của các thi nhân Bắc Ninh nói chung bởi vì thơ tình Bắc Ninh rộng dài đến vô biên, sâu thẳm đến vô cùng. Việc làm của tôi chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà vườn hoa thì vô cùng rộng dài. Vì thế chắc không khỏi có nhiều thiếu sót.
Thơ tình Bắc Ninh là sự kế thừa tất yếu của dân ca quan họ. Lời hát quan họ thường là những lời hát đằm thắm tình người nhưng nhiều lúc cũng đượm buồn da diết nếu không muốn nói là nhiều đau thương, chia ly dang dở.
Thi sĩ đầu tiên tôi muốn đề cập đến là Thi sĩ Lê Can đã quá cố. Lê Can có thể được coi là một trong bốn Thi sĩ viết nhiều thơ tình và có nhiều bài thơ tình hay nhất. Đó là: Lê Can, Nguyễn Ngọc Ly, Nguyễn Anh Thuấn và Phúc Toản. Tôi coi họ là tứ trụ của ngôi nhà thơ tình Bắc Ninh.
Trước khi nói đến thơ tình của Lê Can tôi muốn nhắc lại hai câu thơ có thể được coi là những câu thơ bất hủ. Khi ngồi bên chiếc đồng hồ nhìn những kim giờ, kim phút, kim giây cứ quay, quay mãi, Lê Can đã nghĩ đến cái hữu hạn của kiếp người mà thời gian là lưỡi gươm oan nghiệt. Ông thảng thốt kêu lên: "Ba thanh đoản kiếm vô tư ấy / Chém rụng thời gian vạn kiếp người"
Nói về sự chia ly trong tình yêu thường là sự chia ly mãi mãi, Lê Can có bài thơ "Hai ngả": "Lang thang đi giữa dòng đời / Phía em quả đắng, phía tôi trái buồn / Gặp nhau giữa ngã ba đường / Ngả thì em đứng, ngả nhường phần tôi / Ngả còn lại ta chia đôi / Vẫn là hai ngả để rồi lại đi"
Vâng, đã là hai ngả, hai ngả rồi thì đường ai lấy đi chẳng thể nào gặp lại.
Mặc dù bóng hoàng hôn đã phủ lên cuộc đời thơ Lê Can vẫn cháy bỏng khát vọng. Đây là bài thơ "Muộn màng": "Hoàng hôn rực sắc cuối chiều / Đan vào kẽ lá bao nhiêu ánh vàng/ Nhặt đi em mấy muộn màng / Ta gom lại xếp úa tàn thành hoa / Màu thu trắng sợi sương pha / Ráng chiều đỏ mãi phía xa chân trời"
Cái muộn màng mà nhặt được, cái úa tàn có thể xếp thành hoa, đó chính là khát vọng.
Sự tinh quái, sự gian của một Thi sĩ đã bước qua tuổi lục tuần có thể coi đã đạt đến trình độ thượng thừa qua bài thơ "Đền" của Lê Can: "Anh không hiểu vì sao em khóc / Em thầm thì trót để nụ hôn rơi / Hồ rộng thế anh làm sao vớt được / Xin đền em một nụ mới tinh khôi"
Thi sĩ Nguyễn Đình Tự có hai câu thơ mà sự "gian", sự tinh quái cũng không hề kém cạnh Thi sĩ Lê Can: "Mưa xuân rắc bụi xuân đình / Sợ câu hát ướt chúng mình che chung".
Câu hát thuộc phạm trù phi vật thể thì ướt làm sao được mà Thi sĩ Nguyễn Đình Tự lại mượn nó làm làm cái cớ, một cái cớ phi lý. Nhưng nếu không có sự phi lý và hư ảo ấy làm sao hai mái đầu có thể chụm vào nhau dưới cái nón quai thao, cái ô lục soạn hay cái mảnh ni-lon. Sự tinh quái này chỉ có thể có ở các Thi sĩ miền Kinh Bắc.
Bài thơ "Trước lúc lên tàu" được coi là một bài thơ hay và lớn của Thi sĩ Hoài Phương. Bài thơ chỉ có 26 từ, nhưng một đời người, một đời thơ chỉ cần một bài thơ như thế cũng đủ để lưu danh muôn thuở: "Ngày mai anh ra Bắc/ Thôi em đừng tiễn nhau / Kẻo thương nhớ níu con tàu chậm lại / Mình đã đành còn người khác thì sao"
Nỗi nhớ thương của đôi lứa lúc chia ly có sức mạnh níu giữ cả đoàn tàu hàng nghìn mã lực. Tính lãng mạn, trí tưởng tượng của Thi sĩ ở đây đã giống như sự vô biên của vũ trụ. Nhưng bài thơ không dừng ở đó mà tính nhân văn cao cả của một Thi sĩ đã bao trùm lên tất cả "Mình đã đành còn người khác thì sao". Bởi vì trên chuyến tàu đó không phải chỉ chở những con người ra đi chia biệt mà còn chở cả những con người trở về với đoàn tụ. Lẽ nào vì mình mà làm chậm đi giây phút xum vầy hạnh phúc của người khác.
Thi sĩ quá cố Nguyễn Đình Khoa lại khát vọng về sự thủy chung vĩnh cửu của tình yêu qua bài : "Tình em": "Yêu em trọn đời / vẫn không thể dứt // bên em trăm năm / sao đã dài lâu / anh muốn / khi ta về với đất / lại ở chung ngôi nhà bằng đất / những mảnh xương cuối cùng được hòa biến vào nhau"
Thi sĩ Đinh Công Tâm có bài "Ước": "Ước gì có chợ đa đoan / Để ta đem bán trăm ngàn ưu tư / Ước gì có chợ giã từ / Ta đem trả những phong thư một thời"
Sau khi bài thơ được đăng trên báo "Tài hoa trẻ" mặc dù khi đó Đinh Công Tâm đã ngoài 60 nhưng đã nhận được hàng chục bức thư tỏ tình, kết bạn của các em học sinh trung học. Bài "Mình tự ru mình" của ông đăng trên báo "Gia đình và xã hội" lại nhận được rất nhiều lá thư của các thiếu phụ ở mọi miền đất nước. Thế mới hiểu sức mạnh truyền cảm, sức mạnh sẻ chia của thơ thật kỳ diệu. Tôi nghĩ Thi sĩ Đinh Công Tâm thật hạnh phúc.
Đinh Công Tâm có hai câu thơ được coi là bất hủ: "Thời bom đạn chuyến tàu đêm / Chở che nhau lấy trái tim thay hầm"
Sức mạnh của những con tim yêu nhau có thể chắn che được bom đạn của quân thù. Chỉ cần bài thơ "Ước", "Mình tự ru mình" và "Chuyến tàu đêm ấy" Đinh Công Tâm đã trở thành Thi sĩ đích thực mặc dù ông không phải là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Ninh.
Nguyễn Tâm - Thi sĩ quá cố có bút danh là Văn Say. Ông là một trong những Thi sĩ đã sáng lập ra nhóm thơ Tình chiều - một nhóm thơ đã vang bóng một thời không chỉ ở Bắc Ninh mà còn vang xa, lan xa đi khắp mọi miền. Đặc biệt ông có giọng đọc thơ rất truyền cảm. Khi ông đọc thơ thì cử tọa cứ im phăng phắc như uống từng lời thơ ông. Bài thơ "Trông bà" là một bài thơ tình của tuổi 60 độc đáo nhất không chỉ của Nguyễn Tâm mà là của cả Bắc Ninh, nói rộng hơn là của thơ tình đương đại: "Bà lên trông cháu cho con/ Để tôi vò võ sớm hôm trông bà / Bát cơm với mấy miếng cà / Có hôm quên bữa tưởng là đã ăn / Rau rền nấu lẫn rau răm / Vừa cay vừa chát ngăm ngăm vị buồn / Nửa cơm nửa cháo nửa hồn / Mơ mơ tỉnh tỉnh tưởng còn phải chan / Đêm mơ Lục Ngạn trăng ngàn / Quờ tay cửa sổ vớ toàn trăng suông / Kéo trăng vào gối đầu giường / Thành ra quên khuấy chưa buông cánh màn / Thảo nào nghe cứ râm ran / Ve ve tiếng muỗi nhớ đàn trùng dây / Bà đi mới có mấy ngày / Mà tôi thơ thẩn ngẩn ngây nhớ bà / Thương bà chẳng tiện nói ra / Tôi thương chắc chẳng bằng bà thương tôi".
Thời tuổi trẻ chia ly vì nợ nước thù nhà, vì bom đạn chiến tranh, còn về già lại phải một lần nữa sống chia ly vì tình thương yêu và nghĩa vụ đối với cháu con. Đối với người Việt Nam chúng ta thì tình mẫu tử "trăm năm nước mắt vẫn là chảy xuôi". Có lẽ trong cõi người của thời hiện đại còn rất nhiều những lứa đôi phải chia ly như Thi sĩ Nguyễn Tâm.
Nữ Thi sĩ Minh Tâm là người tài hoa nhưng lắm đa đoan dang dở. Suy cho cùng ở đất nước mà chiến tranh liên miên và tàn khốc kéo dài hàng mấy chục năm trời thì sự đa đoan dang dở là sự đương nhiên đối với rất nhiều người phụ nữ. Thơ Minh Tâm giàu lòng nhân ái và rất giàu sự sẻ chia. Hình như thơ bà không chỉ viết riêng cho cái tôi của mình mà cho mọi kiếp người. Trong đời nhất là phụ nữ ai cũng có tâm trạng như Minh Tâm trong bài "Có biết": "Có điều anh chưa nói / Sao lại vội ra đi / Có biết điều em đợi / Không phải là chia ly". Vâng, cuộc đời chẳng ai muốn sống chia ly. Người yêu đi mãi, đi mãi không về bà đành ở vậy rồi ngẩn ngơ kiếm tìm trong cô đơn cùng cực: "Lang thang tìm lại dấu người xưa / Cát bụi thời gian đã phủ mờ / Thấy mỗi bóng mình trên lối cũ / Ngập ngừng đứng đợi gió bơ vơ".
Đợi chờ đến suốt đời, nỗi đau ở đây là Minh Tâm không thể hóa đá. Nếu hóa đá thì đã trở thành biểu tượng để được tôn thờ và nỗi đau sẽ không còn nữa. Không hóa đá được nên nỗi đau còn mãi, nỗi đau đi trọn kiếp người: "Người ấy ra đi chẳng trở về / Con đò chờ mãi bến sông quê / Cây đa đầu bến bao thay lá / Bến cũ thu tàn lạnh tái tê".
Viết về thân phận của người phụ nữ dở dang, dang dở thơ Minh Tâm giàu lòng nhân ái và xẻ chia: "Một buổi hoàng hôn em xuống đò / Bỏ dòng sông lạnh bến bơ vơ / Cho người thương nhớ đau lòng nhớ / Để đến cùng ai chẳng đợi chờ". Đi lấy chồng vào một buổi hoàng hôn chạng vạng hỏi có gì tủi thân, tủi phận hơn như thế, thà đi vào ban đêm để người đời không nhìn thấy những giọt nước mắt rơi lã chã. Có gì khổ đau hơn khi phải buộc chặt cuộc đời mình vào người mà mình không hề yêu.
"Tìm em" là bài thơ Minh Tâm viết về nỗi đau chiến tranh. Bài thơ có mô típ như "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, "Núi đôi" của Vũ Cao. Ngôn ngữ của bài thơ đã đạt đến độ thượng thừa chẳng cần phải bình phẩm thì nỗi đau ở đây cứ vò xé, cứa nát tim ta: "Đồng chiều anh đi tìm em / Nắng hoàng hôn giọt nắng thắp đèn / Xác xơ gốc rạ / Cánh đồng quen nhưng nay thấy lạ / Mỗi bước chân đi hụt hẫng bàng hoàng / Anh về rồi đất nước khải hoàn vang / Sao em lại ra đi mãi mãi / Ngơ ngác bên anh đàn con thơ dại / Bữa cơm buồn con khóc mẹ xót xa / Màn đêm buông bóng tối nhạt nhòa / Một tiếng vạc ăn đêm gọi bầy lạc lõng / Từ sâu thẳm tim anh đồng vọng / Tiếng gọi em về em có biết chăng ? ... Ở cuối trời một ánh sao băng".
Bài thơ nhiều mất mát thương đau nhưng vẫn thắp lên trong ta niềm hy vọng. Hiện thân của người vợ là ánh sao băng ở cuối trời. Ánh sao đó sẽ soi đường, sẽ nâng dắt anh đứng dậy gạt bỏ mọi đau thương để nuôi những đứa con khôn lớn thành người.
Trong đời có rất nhiều sự tình cờ kỳ diệu. Sự kỳ diệu trong bài "Thăm mộ cha" của Trần Công Sản là một sự tình cờ như thế. Phải chăng vì thế mà Trần Công Sản đã có những câu thơ thật bạo liệt để khắc họa cuộc gặp gỡ giữa cặp vợ chồng là bộ đội và dân công hỏa tuyến nơi chiến trường Điện Biên khói lửa: "Nhận ra vợ mình nơi đất giáp trời mây / Giây phút ngỡ ngàng, giây phút ngất ngây / Gió thầm thì rừng cây xào xạc lá / Mây trắng làm chăn, gốc ban làm điểm tựa / Phút giao hòa sông núi cũng chao nghiêng". Sau phút giao hòa mà sông núi phải chao nghiêng đó là một mầm sống đã phôi thai và mấy chục năm sau mầm sống ấy đã trở lại thăm mộ cha nơi chiến trường Điện Biên năm xưa.
Chiến tranh làm lỡ hẹn bao nhiêu lứa đôi, trong đó có Trần Công Sản. Vẫn biết đó là hệ lụy của chiến tranh nhưng suốt đời Trần Công Sản không thể tha thứ cho mình: "Mấy mươi năm mà như một giấc mơ / Cơn ác mộng khi biết em còn đơn chiếc / Xin tạ lỗi với những lời hẹn ước / Vết thương này rỉ máu đến mai sau".
Trần Công Sản có những câu thơ thật đẹp khi khắc họa cảnh "Tắm tiên" của những cô gái Thái miền Tây Bắc trên đường ra trận: "Đêm hè ấy có người ra suối tắm / Phút khỏa mình vội vớt ánh trăng mơ / Chiếc khăn Piêu dập dềnh theo sóng vỗ / Ai trộm nhìn ... trăng ... cứ ngẩn ngơ".
Thời mở cửa do ô nhiễm môi trường khi ra đường đàn ông đã chịu biết bao nhiêu thiệt thòi. Không được nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, những hàm răng ngọc ngà, những đôi mắt nhung đen với cái nhìn ấm áp, những ngón tay búp măng thon thả nõn nà. Tất cả đã bị bao phủ, đã bị dấu kín bằng mọi thứ vỏ bọc. Trong cảnh ấy Thi sĩ Phạm Hiển đã phải xót xa : "Thoáng bóng người tình cũ/ Dáng xưa không thể quên / Gọi em em không nghe, không nói, không nhìn / Chìm dần trong bụi đường mờ mịt / Ta nhìn đành vậy lặng thinh". Trong chúng ta chắc đã có rất nhiều người như vậy.
Ngôn ngữ trong thơ Trần Thế Long thường được cách điệu nhiều khi thái quá nhưng ông cũng có những câu thơ mà sự cách điệu đã tạo dựng lên sự ám ảnh, tạo nên một sức nặng tâm trạng: "Nước mắt chảy mòn khuôn ngực trẻ / Thương quả tim con gái đợi chờ".
Vũ Hạ Thảo - con gái nữ Thi sĩ Vũ Thị Phúc có bài thơ tình "Khoảng cách" được Báo Bắc Ninh đưa vào chuyên mục "Đến với bài thơ hay" khi tôi viết lời bình cho bài thơ này. Bài thơ nhiều đơn côi mất mát trong tình yêu đôi lứa và chỉ cần hai câu thơ này của Vũ Hạ Thảo cũng sẽ làm rung động biết bao con tim dù cơ chế kinh tế thị trường có làm cho người ta vô cảm đi rất nhiều: "Có những chiều chân trần bước lang thang / Nghe sỏi đá thầm thì lời yêu mà khao khát". Sỏi đá vô tri vô giác còn biết thầm thì với nhau lời yêu dấu, tại sao em lại không được thầm thì với anh lời dấu yêu ? Sự đơn côi và khát vọng đã được đẩy đến tận cùng qua hai câu thơ của Vũ Hạ Thảo. Tôi thầm nghĩ một đời làm thơ chỉ cần hai câu thơ như thế cũng đủ để lưu danh.
Trần Thị Tích có thể coi là nữ Thi sĩ trẻ tuổi nhất của Hội văn học nghệ thuật Bắc Ninh. Thơ Trần Thị Tích mang phong cách hiện đại, quyết liệt và cái tôi trong thơ cũng được phơi trải ra với cuộc đời nhiều khi làm cho ta phải giật mình. Thơ chị có sức nặng ám ảnh.
"Tết" là bài thơ viết về sự giằng xé giữa tình yêu và nghĩa vụ. Một sự giằng xé không chỉ làm rớm máu trái tim người trong cuộc mà còn làm rớm máu trái tim tôi - một trái tim đã già nua cằn cỗi: "Xào xào, nấu nấu, kho kho/ Nấu cho chồng, hồn để cho một người/ Trong căn bếp tối Ba mươi/ Một mình em nấu cả trời bão giông". Ta phải giật mình khi đọc đến câu kết đó, cái bạo liệt của thi ảnh ở đây có một điều gì đó vượt ra ngoài tầm với của tri thức, nó chỉ tồn tại trong sự thăng hoa và vụt sáng của thi ca.
Bài thơ "Đến muộn" như muốn lý giải một điều, cơ may đến với hạnh phúc là vô cùng mong manh. Vì thế ta không phải là người đến muộn. Sự đến muộn nào cũng mang đến sự đổ vỡ: "Anh đến muộn một lần em bật khóc / Nước mắt ướt thầm ngày bước sang ngang / Câu thơ muộn cả bài thơ dang dở/ Lời yêu muộn màng lỡ cả đôi duyên". Tôi cầu chúc cho Trần Thị Tích không đến muộn bao giờ dù chỉ một lần trong đời.
"Lời Trương Chi" được Trần Thị Tích viết về mối tình tan vỡ của Trương Chi và Mỵ Nương. Cách lý giải của chị mang phong cách hiện đại và trí tuệ hơn. Chị dám lên án sự nhỏ nhen của tạo hóa và sự phù phiếm của con người đã gây ra sự đổ vỡ nát tan này: "Một chén trà cho em / Hồn phách tôi trong đó/ Một chén trà tan vỡ / Còn lại gì cho nhau ? / Một con đò lênh đênh / Đưa tôi đi khắp ngả / Gửi lời ca vào gió / Không ngờ đến lầu em ! Sinh ra đã chẳng quen / Gặp nhau càng xa lạ / Em cao sang đẹp đẽ / Tôi xấu xí nghèo hèn / Vâng, tạo hoá nhỏ nhen / Chẳng cho tôi khuôn mặt / Đẹp như bao người khác / Để cùng em kết duyên / Tạo hoá thì nhỏ nhen / Con người thì phù phiếm / Sắc - Tài không trọn vẹn / Chẳng thể nào bên em / Đã biết cảm tiếng đàn / Đã biết yêu giọng hát / Mà sao còn chấp nhặt / Cái bề ngoài - Mỵ Nương / Tạo hoá thì nhỏ nhen / Con người thì phù phiếm / Tôi làm sao tìm kiếm / Giữa đời một trái tim / Tôi không chết vì em / Tôi chết vì đau khổ / Biển đời không bến đỗ / Cho tiếng đàn chàng Trương".
Thi sĩ Quang Sinh - một sáng lập viên trong nhóm Tình chiều cùng Văn Say, Lê Can, Xuân Diễn, Duy Phú, Bạch Liên và Hồng Thao mà một thời người ta đã đặt cho cái tên khá nể trọng "Nhóm thất tinh". Quang Sinh ra đi để lại cho đời 100 bài tứ tuyệt lục bát khúc thi tình. Tiếc thay chẳng ai có thể xuất bản được tập thơ đó cho ông. Thơ Quang Sinh tinh tế mượt mà, ngôn ngữ được chọn lựa chắt lọc kỹ càng. Xin giới thiệu một số bài thơ của Thi sĩ Quang Sinh: "Nghe": "Nghe như cây lúa ăn màu / Nghe bèo dâu chụm vào nhau gọi tình / Nghe hương ướp nụ hoa xinh / Nghe lòng ai nói với mình lời yêu".
"Con đê": "Đò đưa ai ngang qua sông / Đường làng lạnh xác pháo hồng tả tơi / Từ hôm người ấy đi rồi / Con đê vắng cái tình tôi nó buồn".
Để nói lên sức mạnh của tình yêu, Quang Sinh có bài "Tình em": "Em như cái rá bật rìa / Cái nong lỏng cạp cái nia xổ vành / Trăm điều trông cả vào anh / Buộc làm sao lại trở thành tròn xoe".
Trịnh Văn là một Nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Ông rời bỏ chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng khi mới 43 tuổi. Cái tuổi của tài năng đang chín rộ, của hồn thơ đang dạt dào cảm xúc. Di cảo của ông để lại cho chúng ta chỉ còn tập thơ "Trước lăng Kinh Dương Vương" do Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh xuất bản.
Trịnh Văn có bài thơ tình theo thể loại thơ văn xuôi: "Anh mãi bên em" viết về tình yêu của ông với cô sinh viên Lào xin đẹp Chăn Thảo Ly khi ông đang học năm thứ hai và cũng là năm cuối cùng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Nhà trường buộc ông phải thôi học vì bề ngoài không đủ tiêu chuẩn làm một thày giáo. Bài thơ nhiều xúc động, có thể được coi đó là bài thơ tình viết theo thể loại văn xuôi hay nhất ở Bắc Ninh:
"Ngày anh lên giảng đường ánh điện sáng và trang sách mở, ký túc xá cung đàn buông thánh thót thời gian chừng giấu mặt dưới trang thơ. Đêm họp khoa sôi nổi bốn bề váy em xoè ngỡ ngàng bao ánh mắt, trăng đầu tuần ở đất thượng Lào lên.
Có những chiều ngoại ô nắng và gió thi nhau trút hết sắc đẹp của mình xuống cánh đồng hình bát giác. Từ Viên Chăn về quê em chẳng còn mấy xa. Chiếc cầu Kiều bắc chéo dải Trường Sơn. Anh cười tươi, anh múa say trong ngày Bun Hội Nậm, toàn thân anh đẫm dòng nước phúc từ mạch nguồn dịu mát tay em. Anh đưa em về ngắm núi Thiên Thai, núi đơn lẻ giữa đồng bằng vạm vỡ, núi ơi ! Em mải tìm ai lạc cả lối về hay em là cánh tay lực lưỡng của màu xanh căng ra đón lấy những bài ca, những cánh chim, những mùa khát vọng càng sát gần đá sỏi càng thấu nét hoa văn. Anh đưa em đi suốt phố Hồ. Phố xinh đẹp gối đầu lên sông Đuống, con sóng xưa lấp chìm hương cốm nay ồn ào trong mắt trẻ thơ. Bạn bè anh sau phút ngẩn ngơ bật tung cửa đón em vào náo nức.
Ơ ! Một chiếc lá vô đề văng tới, màu gắt gao bay trước mặt hai người. Em thảng thốt trở về hiện tại, anh bàng hoàng rời khỏi cơn mơ.
Chăn Thảo Ly, Chăn Thảo Ly, Chăn Thảo Ly ơi, buổi anh đi em không kịp về đưa tiễn. Em vừa cùng Đoàn sinh viên Lào lên thăm nhịp nước sông Đà. Chẳng có em đâu chuyến xe xóc gập ghềnh nỗi nhớ một vầng mây rách nát hiện nguyên hình.
Đây anh và màn đêm vô tội, sao thảnh thơi chải tóc sáng Ngân Hà, phút tĩnh nhất của lòng anh biết anh vẫn bên em, mãi mãi bên em, bền vững bên em như hai dân tộc này bền vững đứng bên nhau chung dải Trường Sơn rùng rùng gió thổi.
Hà Nội 1984.
Ở Bắc Ninh chỉ có Trịnh Văn mới viết được hai câu thơ về rượu làng Vân vừa tài hoa, vừa lột tả được tất cả những đa đoan cay đắng của cuộc đời, của một đời thơ, đời rượu: "Rượu này uống với trầm ngâm / Đủ vui một phút đủ trăm năm buồn".
Khi gia cảnh nghèo khổ thì tình yêu cũng thường tan vỡ. Bài thơ "Đằng sau cánh cửa" viết về cái mất mát thương đau đó. Bài thơ đã được Nhà thơ Trúc Thông viết lời bình trên báo Văn nghệ và trên Tạp chí Người Kinh Bắc: "Em mua hoa về cắm trong bình / Ai biết được đằng sau cánh cửa / Chồng đau ốm, đàn con suy dinh dưỡng / Đàn chó chạy kiếm mồi quên nhiệm vụ / Những con chim cắt lưỡi nuôi thân đã rụng xuống chùm lông không tố chất / Nhưng chiều chiều em vẫn cứ mua hoa / Em chải chuốt ra đường cho thêm duyên phố xá / Em bỏ quên điều gì sau cánh cửa / Hay em cố quên cánh cửa kia rồi ? / Tờ lịch cũ nhìn tôi ái ngại / Những bông hoa lặng lẽ khóc thầm / Tôi hoảng sợ đằng sau cánh cửa / Mỗi sợi tóc đàn bà mang một lá bùa mê".
Trịnh Văn cũng như bao Thi sĩ khác, khi tình yêu tan vỡ là thế giới khách quan không tồn tại. "Em xa" là một bài thơ như thế: "Xóm làng từ thuở không em / Đường đông cũng vắng, người thêm cũng thừa / Chợ chiều đang nắng thì mưa / Bao nhiêu kẻ bán người mua quáng quàng / Vắng hơi tay ấm dịu dàng / Cải chưa xanh lá đã vàng sắc hoa / Cánh đồng úa nỗi xót xa / Dù sông vẫn nặng phù sa mát mềm / Em đi làm dâu làng bên / Có người ngắm ánh trăng đêm khóc thầm".
Thi sĩ Nguyễn Ngọc Ly - Thi sĩ của những bài thơ viết về mưa khá nổi tiếng và cũng rất nhiều bài thơ tình đắm đuối mê say. Ông viết thơ tình nhiều đến nỗi có lúc phải cầu xin vợ: "Em ghen thế thì tan nhà nát cửa / Tan cửa nát nhà Thi sĩ ở vào đâu ?". Thi sĩ Nguyễn Ngọc Ly bỏ chúng ta ra đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi của tri thiên mệnh, để lại cho đời hai tập thơ "Mưa thầm" do Hội Văn học nghệ thuật Hà Bắc xuất bản và "Ngày mưa" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Đọc thơ tình Nguyễn Ngọc Ly tôi bỗng nhớ đến câu thơ nổi tiếng của Nhà thơ Chế Lan Viên: "Vết thương đau cây gió hóa thành trầm". Thơ tình của Nguyễn Ngọc Ly và những bài thơ đích thực của các Thi sĩ Bắc Ninh là thứ trầm quý hiếm được chắt ra từ những mất mát thương đau của tình yêu dang dở. Mấy ai trong đời không có một mối tình dang dở. Đọc thơ tình của Nguyễn Ngọc Ly ta cảm thấy như được xẻ chia và ta cũng xẻ chia cùng ông với những nỗi đau mất mát. Nguyễn Ngọc Ly đã dám phơi trải cái tôi của mình, cái gia cảnh của mình không hề che đậy trong bài "Vết máu bài thơ": "Vợ chê bất tài chạy theo thằng cha ấy / Con nghịch dại đành nghe hàng xóm chửi / Gà trống nào gáy nổi lúc chiều đơn". Rồi ông thảng thốt kêu lên: "Thơ hằn in cảnh nghĩa tình tan vỡ / Tôi yêu em nhưng em lại yêu tiền". Chính vì thế thơ tình Nguyễn Ngọc Ly bao giờ cũng ẩn chứa nỗi đau mất mát. "Mưa" là bài thơ tình viết về người mẹ trẻ góa bụa không chịu đựng được sự cô đơn thiếu vắng nên đã bỏ đứa con thơ dại chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Bài thơ có mặt hầu hết trong các tuyển tập thơ đương đại "Mưa": "Ấy là tôi nối ngày xưa / Mẹ tôi tái giá đò đưa theo dòng / Không mưa cũng thể phập phồng/ Lừa tôi ngõ trước mẹ vòng cửa sau / Ấy là tôi nói ca dao / Con chuồn chuồn ớt đậu vào đời tôi / Bà đừng ru nữa bà ơi / Vít cong ngọn nắng mồng tơi cuối mùa / Ấy là tôi nói áo hoa / Mẹ mua cho tết tỉnh xa gửi về / Dì tôi bảo áo của dì / Để cho tôi mặc không thì tôi không / Ghét lây bảy sắc cầu vồng / Giá như biết chặn lối vòng cơn mưa". Giá như cái cầu vồng ấy chặn được lối vòng cơn mưa thì không có mưa rơi phập phồng và biết đâu người mẹ trẻ không phập phồng nỗi thèm khát và cô đơn ở vậy mà nuôi đứa con thơ dại thành người.
Chỉ mới đọc bài thơ tình của Thi sĩ T.T.K.D đăng trên báo mà Nguyễn Ngọc Ly đã khát vọng: "Muốn hóa đá suốt đời nghe gió thổi / Cho tôi về chỗ ngoặt của dòng sông" để ngóng đợi người tình trong mộng. Nhưng rồi ông chợt nhận ra mình là kẻ quá đam mê, quá khờ dại nên phải nói tránh đi: "Đâu biết con đê làng em mềm mại thế / Uốn cong bãi bờ uốn cả lòng tôi". Vâng chỉ là con đê thôi, chứ không phải là em. Sao lại phải tự dối lòng mình đến vậy. "Bến sông quê" viết về tình yêu dang dở của một anh lái đò nghèo khó ven sông. Sự thủy chung chờ đợi của chàng trai ở đây là sự thủy chung của những người nghèo đang yêu. Đợi tàn trưa muộn chiều hôm nay, ngày mai, ngày hôm sau và mãi mãi người lái đò ấy không thể hóa đá và cũng không muốn hóa đá như Nguyễn Ngọc Ly: "Bến sông quê": "Em đi lấy chồng xa / Bãi bờ xao xác gió / Mênh mang triền sóng vỗ / Nắng hanh hao nhạt nhoà / Bên khóm tre đằng ngà / Một con chim cánh biếc / Thia lia bay tiếng hót / Vút chìm vào thinh không / Em sẽ đi theo chồng / Làm dâu con thành phố / Dân làng vào đám cỗ / Bến đò ngang vắng teo / Anh lái đò xóm trại / Em từng thề thốt yêu / Cắm mũi sào đợi mãi / Đợi tàn trưa muộn chiều / Nhuộm ráng chiều mây thắm / Xe hoa về lối đê / Chẳng ai sang sông cả / Quên đò ngang bến quê".
Bài thơ có sức nặng tâm trạng ám ảnh tôi mãnh liệt nhất của Nguyễn Ngọc Ly là bài "Em đi": "Em đi / Phía ấy / Người phúc phận / Đây tắt nắng ngày / Đơn vắng / Chấm sao im / Em đi / Phía ấy / Trao ân ái / Đây còn đây / Đáy bão / Đứng tim". Ngôn ngữ của bài thơ đã nói được rất đủ đầy tâm trạng của Thi sĩ khi bị người yêu ruồng bỏ.
Sinh thời Thi sĩ Nguyễn Ngọc Ly đã từng khát vọng: "Mai kia về cõi xa mờ / Chỉ xin còn một câu thơ gửi đời". Theo tôi khát vọng đó của Nguyễn Ngọc Ly đã tiệm cận được với hiện thực, không chỉ một câu mà là rất nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Ly đã và sẽ vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thời gian tồn tại mãi mãi trong cõi người.
Vũ Thiệp nguyên là Bí thư Đảng ủy trường Trung cấp Ngân hàng Trung ương. Ông làm rất nhiều thơ, nhưng bài thơ "Cành đào sau Tết" và bài "Ước" đã để lại rất ấn sâu đậm trong tâm hồn tôi. Tôi xin giới thiệu bài thơ "Ước" của ông: "Ước gì nhặt được áo rơi / Để anh gom chút tàn hơi ấm lòng / Ước gì nhặt được diêu bông / Để anh lại được làm chồng của em / Hết ngày rồi lại thâu đêm / Diêu bông chẳng thấy áo mềm chẳng hay / Thôi về nhặt chút heo may / Một đời tay trắng trắng tay một đời".
Nguyễn Duy Khôi nguyên là Hiệu trưởng trường Ngân hàng Trung ương cũng có rất nhiều bài thơ tình dí dỏm. Nhưng bài thơ "Đi bên trái" của ông có cái gì của liêu trai mộng ảo: "Sao em lại đi bên trái / Để rồi ta chạm vào nhau/ Tay áo nào có kêu đau / Mà hai người cùng ngoảnh lại / Chỉ tại em đi bên trái/ Ngượng ngùng chẳng dám nhìn nhau / Để ta về lòng tiếc nuối / Thầm mong gặp lại lần sau". Thật mộng ảo như liêu trai, không dám nhìn nhau, không thể nhận mặt nhau mà sao còn mong gặp lại giữa cõi người mênh mông sâu thẳm này. Sự phi lý của Thi sĩ đã đi đến tận cùng. Nhưng nếu thơ không có sự phi lý thì chẳng còn là thơ nữa và cũng chẳng còn là khát vọng nữa.
Thi sĩ Trần Anh Trang có bài thơ "Nơi hò hẹn" đã sống mãi trong tâm hồn của lứa tuổi học trò mộng ảo. Bởi vì người học trò nào cũng có một nơi hò hẹn để mà tưởng nhớ như Trần Anh Trang. Tôi được nghe một cô gái tuổi học trò đọc bài thơ ở Hội Thổ Hà, nhưng cô gái đó lại không biết tên tác giả và hỏi tôi đó là ai. Thực tình lúc đó tôi không biết đó là của Nhà thơ Trần Anh Trang. Sau một thời gian dài tôi lại được nghe người anh họ đọc lại bài thơ đó trong một cuộc vui và cho tôi biết đó là của Thi sĩ Trần Anh Trang. Tôi rất yêu bài thơ đó và đã viết một bài bình dài "Một bài thơ còn mãi với thời gian" đăng trên Tạp chí Người Kinh Bắc: "Nơi hò hẹn là gốc đa xưa cũ / Là sân đình vắng vẻ bóng người qua / Nơi tĩnh lặng ngàn năm rêu phủ / Nhưng với lòng mình lại nở hoa".
"Ngõ nhỏ" cũng là một bài thơ tình nhỏ nhẹ trong sáng như thế: "Biết em đã đi xa / Không còn trong ngõ nhỏ / Mà sao anh vẫn chờ / Nơi mình thường gặp gỡ".
Bề ngoài của Tạ Bá Hận trông khô khan lắm lắm. Hình như tất cả mọi tinh túy đều lặn vào bên trong để rồi từ đó lại được chắt ra thành những vần thơ nhiều đắm đuối mê say. Tôi coi Tạ Bá Hận là Thi sĩ của đồng quê. Bài thơ tình "Nhạt nhòa" có âm hưởng của thơ tình Nguyễn Bính. Có cái gì đó thật chơi vơi, thật hư ảo mà cũng thật xót xa đến nao lòng: "Mời em thêm chén rượu này / Uống cùng tôi để nghiêng say đất trời / Chỉ còn có nửa ngày thôi/ Là em đã hết cuộc đời thơ ngây / Nụ cười theo lá thu bay / Áo hồng khăn thắm đoạ đầy lòng tôi / Chỉ còn nửa khắc nữa thôi / Xe hoa đến rước em rời đất quê/ Biết rằng có một lời thề / Sẽ luôn chắn nẻo đường về em tôi / Chỉ còn nửa bước nữa thôi / Bóng xe khuất, bóng vàng rơi nhạt nhoà".
Thơ Vương Thọ cứ thầm thĩ thầm thì, cứ hát cứ ru đưa ta về với vẻ đẹp trinh nguyên của cuộc đời. "Chiều Tây Nguyên" là một bài thơ như thế. Chỉ một bóng dáng sơn nữ thoáng qua cũng làm cho Vương Thọ ngẩn ngơ ngơ ngẩn: "Gió xanh ngát / Chân trời sương buông tím / Hoa cúc vàng / Lối vắng bâng khuâng / Em tươi thắm / Trên lối mòn vụt hiện / Dáng thanh xuân / Dần khuất / Ngẩn ngơ chiều". Ở đây chỉ "ngẩn ngơ chiều" ! Sao Thi sĩ cứ phải dối lòng mình ?
"Tím" cũng là một bài thơ nhè nhẹ như thế: "Tim tím chiều buông / Sương tím rơi / Cánh hoa sim tím / Tím lưng đồi / Tình em anh khát / Sao không tím / Để tím chiều đông / Sông tím trôi".
Nhưng nếu phải chia xa người yêu thì thơ Vương Thọ lại bạo liệt hơn rất nhiều: Anh vùng chạy / Cho vơi nguồn giông bão / Thăm thẳm cuối trời / Nhòe ướt ánh sao rơi". Nhưng có lúc lòng Thi sĩ mềm lại khi được tưới mát bởi những lời yêu thương: "Hơi mát lời em thổi mát lòng / Là hơi lửa ấm giữa chiều đông / Cần chi thật giả lời em nhỉ / Ta mượn lời em chút bão giông".
Một bóng xưa lưu lại trong tâm thức cũng làm xao xuyến và làm cháy bừng niềm hy vọng: "Đã thẳm xa rồi bóng dáng xưa / Mấy vòng luân kiếp thoắt thoi đưa / Bao đêm sương lạnh niềm yêu cũ / Xuân lại như bừng giữa gió mưa".
Những bài thơ tình của Nguyễn Xuân Huy thường được viết theo thể loại thơ tứ tuyệt. Một thể loại kiệm chữ kiệm lời nên phải có sự chọn lựa tinh tế và phải biết dồn nén cảm xúc để trong một số từ hạn hẹp vẫn chuyển tải được cái lớn lao, cái khát vọng của thi nhân. Thơ tứ tuyệt đọc ít nhưng dung lượng cảm xúc mang đến cho ta nhiều khi là như vô tận. Tôi yêu thơ Nguyễn Xuân Huy là vì lẽ đó. Ông có hai câu thơ viết về Lý Chiêu Hoàng thật tài hoa, thật minh triết đủ đầy: "Chỉ thương người vai gầy tuổi nhỏ / Phải gánh giang sơn chịu tiếng mất cơ đồ".
Tôi xin được giới thiệu một số bài thơ tình tứ tuyệt của ông: "Chiều buông dài một nỗi nhớ em / Hoàng hôn tím như nói lời ly biệt / Ta mới hiểu nỗi bồn chồn da diết / Khi lửa tình rực cháy ở trong nhau".
Bài thứ hai "Tình đá": "Hòn trống mái giữa muôn trùng biển biếc / Như cũng yêu thương chẳng nói lên lời / Sao ta lại giã từ không nuối tiếc / Người học được gì từ đá em ơi".
Bài thứ ba "Về em": "Thuở học trò có lúc dỗi hờn nhau / Sau chia tay chuyện vui buồn này nọ / Nhưng vẫn trong anh em ngày xưa đó / Những điệu đàng thời thiếu nữ ngây thơ".
Bài thứ tư "Hòn chồng ở Nha Trang": "Bãi biển Nha Trang mây nước bềnh bồng/ Chỉ có hòn chồng mà không hòn vợ / Chẳng lẽ đá cũng lẻ tình trắc trở / Hay chia sẻ cùng người lỡ dở lứa đôi".
Tôi luôn coi Nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn là dũng cảm không phải vì bài thơ "Làng Tiến sĩ" của ông ra đời từ những năm đầu đổi mới mà vì Nguyễn Anh Thuấn dám phơi trải một cái tôi nhiều đơn côi và mất mát ra với cuộc đời để xẻ chia và cũng để nhận được sự xẻ chia từ trong cõi người. Thơ ông đơn côi, đơn côi lắm lắm. Nhiều lúc ta cảm thấy như người tình lúc nào cũng muốn xa lánh ông, muốn làm khổ ông, bắt ông phải nhớ thương, phải chờ đợi. Hay vì Nguyễn Anh Thuấn quá nhiều khát vọng yêu đương nên lúc nào ông cũng cảm thấy cô đơn và hụt hẫng. Đối với thơ Nguyễn Anh Thuấn tôi đã có bài tiểu luận của mình trong tác phẩm "Ấn tượng thơ Bắc Ninh" với tựa đề "Nguyễn Anh Thuấn - Nhà thơ của gió". Gió cứ ru, cứ thổi mát tâm hồn ông. Cũng có lúc gió thét gào giông bão chạy qua đời ông. Gió là người yêu thương và cũng là người tình hờ hững: "Em vừa đi qua cửa / Như gió không vào nhà". Hoặc nữa, gió nhà em thì: "Anh không ngờ gió nhà em dữ thế / Tổ kiến bay, bụi tre cũng bơ phờ / Em hay gió để anh thành si dại / Tóc phai mầu vẫn chưa hết ngẩn ngơ"... "Dù có thế em ơi dù có thế / Còn hơn không một chút gió trong đời/ Em khuất nẻo lâu rồi. Nhưng còn gió / Thổi dữ dằn trong khát vọng mình tôi".
Để nói cho hết cái đơn côi trong thơ Nguyễn Anh Thuấn tôi xin giới thiệu bài thơ "Lạnh quá láng giềng ơi": "Lạnh quá ! Láng giềng ơi, lạnh quá... / Mình tôi run trong đêm chật những người / Lạnh quá ! Láng giềng ơi, lạnh quá / Không lẽ mình tôi nước mắt rơi... / Trời ơi ! Mắt ấy và vai ấy / Cái bờ rào mong mỏng có gì đâu / Trời ơi ! Gang tấc mà sông chảy / Sao tôi không có một cây cầu ? / Chẳng lẽ vườn kia hoa hết nở ? / Rét cuối năm xúi giục đến tê người / Cửa hàng xóm chưa một lần hé mở / Goá bụa chiều ... / đâu phải / chỉ mình tôi".
"Tiếng gọi" - Bài thơ được tuyển vào "Thơ tình Việt Nam thế kỷ XX". Điều đó không chỉ Nguyễn Anh Thuấn tự hào mà những người yêu thơ chúng ta cũng tự hào vì các Thi sĩ ở Bắc Ninh đã có một bài thơ của thế kỷ. "Tiếng gọi" là sự đợi chờ thương nhớ đến khôn cùng của những người đang yêu. Trong đêm khuya nghe mơ hồ một tiếng gọi đâu đó và nghĩ rằng đó là tiếng gọi của người yêu: "Ai gọi nghe như là tiếng em / Tôi vùng ngay dậy chạy ra thềm / Im đường, im phố, im cây cỏ / Chỉ khổ lòng tôi không lặng im".
Thơ tình Phạm Văn Nam thường lãng đãng khói sương. Đọc thơ Phạm Văn Nam nói chung và thơ tình nói riêng ta như lạc vào một miền hư ảo. Ở đó thế giới khách quan không tồn tại. Nói khác đi thế giới khách quan trong thơ Phạm Văn Nam được bao phủ bởi cái bàng bạc khói sương, ta chỉ có thể cảm nhận mà không thể nhìn thấy. Có người đã bảo rằng thơ Phạm Văn Nam có nhiều chất Thi sĩ nhất ở Bắc Ninh. Trong bài "Gửi về Kinh Bắc" ông viết: "Cầu bắc rồi, sáo cũng đã sang sông / Sao cứ hát gọi đò cho lòng nhau trống trải / Thoảng trong gió tiếng chèo khuya vọng lại / Nhớ sương giăng bến cũ đến nao lòng / Người có về nơi ấy đợi tôi không / Trái trám rụng đau mảnh vườn tháng bảy / Đàn cò trắng đậu lùm tre buổi ấy / Giờ dắt nhau lưu lạc tới phương nào?". "Bài thơ tình viết cuối mùa đông", "Dư âm mùa thu" cũng là những bài thơ lãng đãng khói sương. Phạm Văn Nam viết nhiều thơ tình hoặc có những câu thơ, khổ thơ lạc vào trong một bài thơ tưởng như vô lý nhưng thực ra nó đã để lại trong ta nhiều suy ngẫm về tình yêu lứa đôi, về sự mất mát: "Đi qua góc ngắm phân kỳ / Toàn ảo ảnh chứ chắc gì đã em".
Nguyễn Văn Hồi khi đi Hội Lim đã có bài "Lời du khách": "Biết thế là không phải với nhau / Khi giã bạn lưng chừng canh Quan họ / Vạt áo ướt gói câu "người ở" / Xin âm thầm giữ đến hội sau". Tình cảm con người ta thật kỳ lạ, chỉ một câu hát, một dáng dấp, một ảo ảnh nơi Hội Lim đông vui ấy cũng làm cho người ta phải nao lòng, phải tiếc nuối. Có lẽ đó là tình yêu của người Quan họ.
Cuối cùng tôi muốn nói đến thơ tình của Thi sĩ Phúc Toản. Như trên tôi đã nói Phúc Toản là một trong bốn Thi sĩ có nhiều bài thơ tình hay nhất ở Bắc Ninh. Ông có hẳn một tập thơ có cái tên điệu đàng và cũng thật quyến rũ "Thơ tình Quan họ". Tôi yêu Nhà thơ Phúc Toản từ khi tôi đã bắt đầu nhàn tản và có thì giờ trở lại với văn chương. Phúc Toản được giới văn nghệ sĩ Bắc Ninh tặng cho cái tên cũng rất điệu đàng: Chàng đa sĩ - Thi sĩ, họa sĩ, ca sĩ. Còn riêng tôi khi đọc thơ tình Phúc Toản tôi xin tặng ông thêm một chữ đa, đó là: Đa tình. Nếu coi một bài thơ tình của Phúc Toản là một mối tình vắt vai thì Phúc Toản có nhiều mối tình vắt vai lắm: "Nhặt ở Cầu Sim", "Sân ga đêm ấy", "Lạc miền mây trắng", "Mùa hoa cải" và đặc biệt là "Thì ra". Nhưng khi đọc "Gửi về Kinh Bắc" của Phúc Toản tôi mới hiểu trên đời này ít có Nhà thơ nào thương yêu và chu đáo với vợ như Phúc Toản. Đi trại sáng tác chỉ có mấy ngày mà lòng Phúc Toản như đã sôi lên: "Đêm nay và cũng giờ này / Anh xa quê nhà ngàn dặm / Lấy ai là người dậy sớm / Buộc hàng đón ngõ đưa em". Rồi Phúc Toản: "Bấm tay ... ước chóng ngày về / Sớm sớm cùng nhau thức dậy/ Giúp em điều nho nhỏ ấy / Cho em dịu chút nhọc nhằn". Phúc Toản là một Nhà thơ đa tình nhưng lại có nhân cách cao đẹp biết nhường nào. Thơ tình của Phúc Toản không chỉ dành cho riêng mình mà cho mọi lứa đôi trong cõi người dang dở đều tìm thấy, đều bắt gặp quá khứ của mình, kỷ niệm của mình trong thơ Phúc Toản.
"Nhặt ở cầu Sim" có thể được coi là khởi nguồn cho thi ca Phúc Toản. Bài thơ viết vào năm 1967 tức là năm Phúc Toản vừa tròn 17 tuổi, hồi đó Phúc Toản đi tu nghiệp tại nhà cụ Nguyên Hồng ở Nhã Nam, Yên Thế. Cầu Sim là cây cầu nhỏ nằm trên con đường đất đỏ từ Bích Động đi Cao Thượng. Dù đã trăm lần qua đây nhưng trong tôi không hề có một cảm xúc nào. Còn với Phúc Toản đã lóe sáng, đã vụt hiện một sự liên tưởng kỳ diệu và bài thơ ra đời. Bài thơ ấy sẽ còn mãi trong đời: "Có cầu chẳng có hoa sim tím / Chỉ thấy dòng xanh chảy lững lờ / Em đánh rớt nụ cười chúm chím / Anh nhặt về ép giữa trang thơ". Ôi ! cái tuổi 17, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, mộng mơ và lãng mạn đến tận cùng. Ở tuổi ấy chẳng có gì mà họ không làm được, kể cả "đánh rơi" và "nhặt được" nụ cười. Cái nụ cười chúm chím "đánh rơi" ấy cứ cựa quậy, cứ day trở, cứ thao thức trong lòng Thi nhân. 30 năm sau Phúc Toản không đành lòng và phải viết thêm vào hai câu cho bài thơ được trọn vẹn: "Cầu Sim năm tháng đẩy đưa / Nụ cười trẻ mãi đến giờ em ơi".
Trong bài "Sân ga đêm ấy" có những câu thơ là tâm trạng của những người khi phải chia ly người yêu, người tình. Kể cả người ở lại hay người ra đi thế giới khách quan không tồn tại. Nếu có tồn tại cũng chỉ là một thế giới hoang vắng cô đơn. Nhiều Nhà thơ đã viết như thế và sẽ còn có nhiều Nhà thơ vẫn viết như thế: "Giữa ồn ào vẫn bơ vơ / Sân ga thêm rộng, ngẩn ngơ thêm dài / Xứ người ai có nhớ ai / Con đò xa vẫn ngóng hoài bến quê". Hình tượng con đò và bến quê đã là đôi ngả chia xa. Con đò ấy đã đi, đi mãi và bến quê vẫn đợi chờ mãi. Cái sân ga ồn ào ấy nhưng không có một người nào để Thi nhân có thể sẻ chia. Cái không gian vẫn vậy mà như rộng ra, còn nỗi ngẩn ngơ thì cứ dài mãi theo hút đoàn tàu.
Bài thơ "Thì ra" là một bài thơ tình vừa dạt dào cảm xúc, vừa có độ lớn và cũng rất nhiều khát vọng: "Thì ra ... biển cũng hẹp thôi / Mênh mông chỉ có tình tôi với nàng / Mây lãng đãng, gió lang thang / Chắc gì mơ mộng bằng trang thơ tình... / Bao nhiêu ngói lợp mái đình / Đếm so sao so xuể được tình đôi ta / Con đường thăm thẳm bao xa / Vẫn còn có đích - lòng ta không cùng / Giữa muôn giông tố, bão bùng / Có nhau ... / Vẫn vượt ngàn trùng ! Thì ra...
Thơ tình Bắc Ninh còn dài rộng đến vô biên, còn sâu thẳm đến không cùng, tôi không thể nào nói cho hết được. Đây chỉ là một cuộc dạo chơi trong vườn thơ tình Bắc Ninh nhiều hương sắc và ghi lại một đôi điều cảm nhận, gọi là một chút sẻ chia với các Thi sĩ và tất cả những người yêu thơ.