Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





VĂN HỌC KHAI SÁNG ĐỨC

 

(1720-1785)


B ối Cảnh Lịch Sử

Vai trò tiến bộ trong lịch sử khi bước lên vũ đài của chế độ phong kiến giờ đây không còn nữa, nó trở thành chướng ngại vật trên con đường phát triển của xã hội.

Những đêm dài Trung cổ phong kiến bị xóa tan bởi giai cấp tư sản hình thành ở Hà Lan vào thế kỷ XVI, ở Anh vào thế kỷ XVII và ở Pháp vào thế kỷ XVIII. Cấu trúc kinh tế xã hội, chính trị ở Vương quốc La Mã thần thánh của dân tộc Đức ở thế kỷ XVIII tụt hậu quá xa so với Anh và Pháp, bao trùm khắp nước Đức là bầu phong kiến cát cứ với 300 công quốc lớn nhỏ. Do tình trạng kinh tế thấp kém và xã hội lạc hậu nên giai cấp tư sản Đức yếu ớt, không có đủ thực lực để làm một cuộc Cách mạng như ở Anh và Pháp.

Đặc Điểm Văn Học

Khai sáng (Ánh sáng) là một trào lưu tinh thần (Triết học, Văn học v.v.) ở thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII ở Châu Âu, nó xuất hiện đầu tiên ở nước Anh, sau đó lan sang tới Pháp, rồi Đức, tiếp đến là lan sang các nước khác ở Châu Âu. Một trong những người truyền bá tinh thần Khai sáng là Voltaire.

Ý tưởng quan trọng của Văn học Khai sáng: Con người là một bản thể sống bằng lý trí và phải lấy lý trí làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình, mà lý trí ấy lại dựa trên suy nghĩ lô gích và dựa trên kinh nghiệm. Nếu như khả năng trí tuệ của nó phát triển chưa đầy đủ, thì có thể dùng giáo dục để tạo nên khả năng cần thiết đó. Và vì vậy phải có tinh thần độ lượng, bình đẳng và bác ái, phải có niềm tin ở sự tiến bộ. Nhờ có phong trào Khai sáng mà ở nửa cuối thế kỷ XVIII hệ thống nhà trường và hệ thống trường đại học được khuyến khích, mở mang.

Nhìn chung văn học Đức thời gian 1720-1785 tìm cách giải thích những mối tương quan cùng những nguyên nhân sâu xa mà trước đó người ta chưa biết, lý trí được đề cao và dùng ánh sáng của lý trí để soi tỏ chân lý, để giải phóng tư tưởng cho mọi người, mở mang trí tuệ cho họ, tạo điều kiện cho mọi người tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật. Phong trào văn học này tiếng Đức gọi là Aufklãrung. Từ này có nghĩa: làm sáng tỏ, khai sáng. Vì vậy chúng ta có thể gọi Văn học Đức thời kỳ này là Văn học Khai sáng.

Những nhà văn thơ tiêu biểu của Văn học Khai sáng là Johann Christoph Gottsched, Friedrich Gottlieb Klopstock, Gotthold Ephraim Lessing, Gottlieb Wilhelm Rabener, Christian Fũrchtgott Gellert, Wilhelm Ludwig Gleim, Johann Peter Uz, Salomon Gessler, Martin Wieland, Johannn Joachim Winkelmann, Johann Jakob Breitinger, Johann Jakob Bodmer.


Johann Christoph Gottsched (1700-1766)

Nhà lý luận văn học tiêu biểu của thời kỳ Tiền Khai sáng là Giáo sư, Hiệu trưởng Trường đại học tổng hợp Leipzig Johann Christoph Gottsched. Ông sinh ngày 2.2.1770 ở Judittenkirchen và mất ngày 12.12.1766 ở Leipzig.

1720-1750 là thời kỳ Tiền Khai sáng, trong thời gian này có rất nhiều gánh hát Ý và Anh vào lưu diễn ở các thành phố của Đức. Theo gương các gánh hát nước ngòai, dần dần ở Đức cũng hình thành những gánh hát và thường diễn những vở do gánh hát tự cương ra, kịch bản không theo một qui tắc nghệ thuật nào cả. Nổi tiếng nhất trong các gánh hát Đức là gánh hát của bà Neuberin. Gottsched đả phá lối thi ca không có niêm luật. Ông muốn nâng cao trình độ sân khấu Đức, sao cho thóat khỏi cảnh các gánh hát đi lưu diễn khắp nơi. Gottsched đã sáng tác kịch theo lý luận sân khấu của chủ nghĩa cổ điển Pháp và muốn xây dựng nền sân khấu Đức dưới ảnh hưởng của quy tắc Tam nhất nên ông hợp tác với gánh hát của bà Neuberin. Qua việc này, Gottsched đã đóng góp vào việc đặt nền móng xây dựng kịch cổ điển Đức ở thế kỷ XVIII.

Quan điểm của Gottsched về nghệ thuật chủ yếu dựa vào Aristoteles, Horaz, Boilleau. Ông muốn tạo nên một nền thi ca Đức với hành văn trong sáng , lý trí lành mạnh, có thị hiếu và vui nhộn, trau dồi đạo đức để hòan thiện thuần phong mỹ tục của giai cấp tư sản.

Gottsched xuất hiện trên văn đàn với tư cách là nhà sư phạm, nhà cải cách, nhà lý luận, đồng thời là nhà phê bình sân khấu nhiều hơn là với tư cách nhà văn, kịch gia. Những nhà sư phạm Đức xưa nay nổi tiếng là cứng nhắc, Gottsched cũng chẳng phải là ngọai lệ. Ông máy móc rập khuôn theo những nguyên tắc của kịch cổ điển Pháp (kịch chia thành 5 hồi, sân khấu không được bỏ trống khi thay cảnh v.v.) Trong các vở kịch của Gottsched thì vở kịch Cato chết (1832) là đáng lưu ý hơn cả.

Với tư cách là nhà sư phạm, nhà lý luận, Gottsched biên sọan hai cuốn sách Cơ sở của nghệ thuật sử dụng tiếng Đức, Những điều cần biết về lịch sử thi ca Đức. Bằng hai cuốn sách đó Gottsched đã đưa tiếng Đức lên vị trí mới trong đời sống xã hội thời bấy giờ. Nếu Christian Thomasius là người đầu tiên đưa tiếng mẹ đẻ- tiếng Đức vào dạy ở đại học thay thế tiếng La Tinh thì Gottsched là người tạo điều kiện phổ thông hóa tiếng Đức bằng những niêm luật đưa ra ở trong hai cuốn sách của ông. Sách có tiếng vang lớn trong đời sống xã hội thời bấy giờ nên người ta gọi ông là "Giáo hòang của văn học".

Gotthold Ephraim Lessing ( 1729-1781)

Sự cần thiết của lòng khoan dung tôn giáo

Gotthold Ephraim Lessing sinh ngày 22.1.1729 ở Kamenz vùng Oberlausitz và mất ngày 15.2.1781 ở Braunschweig. Ông là con trai một mục sư . Thưở nhỏ ông học ở Kamenz, rồi học trường của lãnh chúa ở Meissen. 1746 ông học Y , từ 1748 chuyển sang học Thần học ở thành phố Leipzig.

Lessing là đại biểu xuất sắc nhất, đồng thời là người kết thúc trào lưu văn học Khai sáng Đức .Lessing nổi tiếng bởi những bài phê bình, bởi những công trình lý luận nghệ thuật vĩ đại trong lịch sử văn học Đức, bởi những vở kịch đặt nền móng cho kịch tư sản Đức, không những vậy ông còn là một nhà văn viết ngụ ngôn và người làm thơ phúng thích.

Đáng lưu ý trong sự nghiệp sáng tác của Lessing là những vở kịch Miss Sara Sampson, Minna von Barnhelm, Emilia Galotti, Nathan, nhà hiền triết, là những tác phẩm lý luận Kịch trường Hamburg, Những bức thư về văn học hiện đại, Lakoon hay là ranh giới giữa hội họa và thi ca. Bằng kịch và bằng lý luận, Lessing đặt nền móng cho mỹ học của văn học Khai sáng Đức, đưa nền sân khấu tư sản Đức tới mức hòan chỉnh và tạo nên cơ sở lý luận của chủ nghĩa hiện thực Đức. Lessing là nhà văn đa tài ông viết rất nhiều thể lọai, riêng kịch ông viết cả bi kịch lẫn hài kịch. Trong khi ảnh hưởng của văn học Pháp ta thấy rõ nét ở Klopstock, ngược lại ta thấy ảnh hưởng của văn học Anh rất rõ nét ở Lessing.

Vở bi kịch tư sản đầu tiên trong văn học Đức là vở bi kịch Miss Sara Sampson(1755) của Lessing. Miss Sara Sampson có đầu đề phụ “Bi kịch tư sản”. Sara một cô gái đức hạnh ,ngây thơ yêu và bỏ nhà đi theo chàng Mellefont. Trong lúc tưởng chừng hạnh phúc với trong tầm tay thì Marwood-người yêu cũ của Mellefont - xuất hiện. Cơn ghen nổi lên với người tình địch Sara. Marwood đã giết Sara bằng thuốc độc. Đứng trước cảnh đó, Mellefont tự tử theo Sara. Một tờ báo đương thời tả quang cảnh buổi biểu diễn vở Miss Sara Sampdson: “... Khán giả chăm chú theo dõi vở kịch suốt ba tiếng rưỡi ,ngồi ngay như phỗng và khóc...” Lessing dựa theo vở kịch Thương gia người London (1731) của nhà văn Anh George Lillos và theo tiểu thuyết Clarissa (1748) của nhà văn Anh Richardson để viết bi kịch Miss Sara Sampson. Tính ghen tuông đã được đưa lên sân khấu từ lâu như trong vở kịch Medea (thời cổ đại), như trong vở kịch Othello (bi kịch của Shaskespeare), nhưng nhân vật trong những bi kịch đó là người thuộc tầng lớp trên, trong bi kịch của Lessing nhân vật chính là người thuộc đẳng cấp thứ ba, họ cũng ghen tuông và bất hạnh như người thuộc tầng lớp trên. Bi kịch xưa chỉ dành cho những nhân vật thuộc tầng lớp trên, quan niệm đó đã được Lessing thay thế bằng nhân vật trung tâm của thời đại mới: nhân vật thuộc đẳng cấp thứ ba. Trong chiến tranh bảy năm 1756-1763 tranh giành vùng Schlesien giữa Đức và Áo, Lessing là thư ký của viên tướng Phổ Tauentzien. 1767 ông viết hài kịch kể về đời lính tráng trong và sau chiến tranh bảy năm: Minna von Barnhelm . Đây là vở hài kịch Đức đầu tiên đề cập trực tiếp đến một vấn đề xã hội của dân tộc Đức. Goethe gọi đó là “kịch bản đầu tiên phản ánh cuộc sống có ý nghĩa với một nội dung thời đại đặc biệt.”

Năm 1772, Lessing viết bi kịch Emilia Galotti , mặc dù câu chuyện diễn ra ở một công quốc nhỏ thuộc nước Ý thời Phục hưng, nhưng người xem nhận ra ngay sự ám chỉ tình hình xã hội Đức thế kỷ XVIII, vì hai giai cấp chính trong thế kỷ XVIII ở Đức là tư sản và qúy tộc xuất hiện trên sân khấu. Emilia Galotti đã đính hôn với nam tước Appiani,nhưng hòang tử xứ Guastalla cùng tên tay sai Marinelli tìm cách phái Appiani đi xa để đọat chiếm Emillia, nhưng Appiani từ chối, chúng bèn dùng quyền lực. Trên đường Emilia cùng với Appiani về quê để tổ chức lễ cưới thì Marinelli cùng một lũ lâu la chặn đường, giết chết Appiani và cướp bắt Emilia về lâu đài của hòang tử xứ Guastalla. Cha của nàng Emilia là Odoardo Galotti nghe tin con bị bắt thì tìm đến và gặp được con gái. Đứng trước lo sợ bị tên hòang tử cưỡng hiếp và mong muốn bảo tòan sự trong trắng cho con gái mình, Odoardo không còn cách nào khác – khi cả hai còn nằm trong vòng cương tỏa của tên hòang tử – là tự tay giết con gái mình. Vở kịch là tiếng nói tố cáo bạo chúa phong kiến hòang tử xứ Guastalla, từ xung đột về tình cảm dẫn tới xung đột giai cấp giữa phong kiến và tư sản. Goethe gọi vở kịch là “bước quyết định tiến tới việc gây ra sự chống đối về đạo đức chống lại nền thống trị độc tài.”




VVM.19.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .