LẠI NÓI VỀ THƠ
B áo Văn nghệ số 31(2168) ra ngày 4/8/2001 có đăng bài "Thơ đúng nhưng không hay rất nhiều" của tác giả-nhà thơ LNS. Tôi phải đọc lại bài này mấy lần vì cảm thấy có điều gì chưa ổn. Cũng phải nói rằng có một số điều trong bài viết tôi đồng ý với tác giả, tuy không phải là mới mẻ gì. Song có một số điều mà tôi không đồng ý với anh. Nhân đọc bài viết này và trước thực tế về sự phát triển và thẩm định thơ hiện nay, nhất là trước một số nhận định thiên lệch về thơ, tôi muốn được phát biểu ở đây một vài ý kiến cá nhân.
Ngay cái tiêu đề "Thơ đúng nhưng không hay rất nhiều" mà LNS viết đã là không ổn. Thế nào là thơ "đúng" ? LNS khẳng định là thơ đúng nhưng anh không nói rõ tại sao và như thế nào là "đúng". Người ta đọc bài viết của anh là do cái tiêu đề đặt ra, vậy mà anh không hề đả động gì đến phần cốt yếu của nó cả! Như tác giả nói : "... số lượng đầu sách thơ, số lượng các bài thơ được in ra thì thật là khổng lồ.... Có lẽ hàng năm phải có đến hàng trăm hàng nghìn tập thơ, hàng vạn hàng triệu bài thơ được ra đời." Vậy thì tất cả những tập thơ ấy, những bài thơ ấy đều "đúng"? Mà nếu tất cả đều đúng thì còn gì để mà phàn nàn nhỉ ? Chúng ta có một gia tài khổng lồ thì càng tốt chứ sao? Còn "không hay rất nhiều" là lẽ đương nhiên rồi. Giữa số lượng và chất lượng rất khó mà hoà hợp, mà đồng nhất. Vả lại thế nào là thơ "hay" thì hiện vẫn còn là điều tranh cãi. Ai cũng có khái niệm thế nào là hay, là đẹp, nhưng nhãn quan mỗi người không giống nhau. Với anh thì bài này là hay, bài kia không hay. Nhưng với người khác thì có khi là ngược lại. Nhiều người cho rằng bài thơ hay là bài thơ có "tứ", có nội dung hàm súc, có hình ảnh, có nhịp điệu, có cách thể hiện độc đáo... Nhưng có người lại thiên về xu hướng trừu tượng, mô đéc, bí hiểm, phá phách... Bởi vì hiện nay chúng ta chưa có một tiêu chí nào rõ ràng để phẩm bình về thơ nên khái niệm thơ hay mới chỉ là tương đối. Chẳng hạn, trong tuyển tập "Thơ Việt Nam 1975-2000" mới xuất bản, chắc rằng với các vị trong hội đồng tuyển chọn và biên tập thì tất cả đều hay, vậy mà dư luận lại xì xầm bài nọ hay bài kia dở ẹc, thậm chí có bài còn là "phản thơ". Mà đã là "phản thơ" thì chắc là không "đúng" rồi! LNS còn nói là "loạn thơ", vậy thì làm sao có thể nói là "thơ đúng" được? Tất nhiên ở đây tôi không có ý phản bác tác giả ở chỗ " không hay rất nhiều".
Nhưng đâu phải chỉ có thơ là như vậy? Văn cũng thế, ca khúc cũng thế, phim ảnh, hội hoạ v.v và v.v... hầu như đâu cũng thế! Chất lượng gà công nghiệp làm sao bằng gà nhà ? Vì muốn nhanh, nhiều, rẻ nên dùng thuốc kích thích tăng trọng, nên làm ẩu, làm không tốt là lẽ thường tình. Cái đáng trách ở đây không phải chỉ là do người làm thơ vì mỗi người có trình độ và khả năng giới hạn nhất định. Cái đáng trách là ở các nhà xuất bản, ở các báo và tạp chí đã làm không tròn chức trách của mình, để cho các mặt hàng thứ phẩm tung ra bừa bãi làm rối loạn thị trường thơ, làm cho công chúng yêu thơ không đủ lòng tin vào chất lượng thơ và trở nên xa lánh thơ. Nó còn làm cho một số người trong nghề thơ trở nên "ngấy" thơ!
Năm điều mà LNS đưa ra để giải thích hiện tượng có nhiều người làm thơ chỉ đúng một phần thôi bởi vì anh thiên về mặt xấu nhiều hơn mặt tốt. Ta cần thấy rằng, trước hết thơ là tiếng nói của tâm hồn. Người ta làm thơ trước hết là để giãi bày tâm sự, để bộc lộ tình cảm của bản thân. Thơ trước hết là thể hiện cái "tâm" của người làm thơ. Có người in thơ là vì "danh" thật, nhưng theo tôi không phải là số đông, càng không là đại diện. Còn in thơ vì tiền thì chắc ai cũng rõ là hầu như không có mấy người, bởi vì với những người làm thơ thực sự thì thơ làm rất tốn công tốn sức mà nhuận bút lại rẻ như bèo. In tập thơ thường chỉ tốn tiền mà vốn không thu về được. Do đặc tính về ngôn ngữ tiếng Việt giàu âm sắc, nhạc điệu mà hầu như mọi người dân nước Việt đều có thể nói thành câu thành vần, một trong những yếu tố đầu tiên và rất cơ bản để có thể làm thơ. Điều đó giải thích được tại sao có nhiều người làm thơ. Còn trong số đó ai trở thành nhà thơ và được gọi là nhà thơ thì lại là chuyện khác. Một lần vào thành phố Hồ Chí Minh tôi có đến thăm ông Khai Trí (Nguyễn Hùng Trương) người đã biên soạn tuyển tập "Thơ Việt Nam và thế giới chọn lọc". Trong khi trò chuyện, ông Khai Trí có đưa ra cho tôi một câu hỏi thế này:
- Trước 1975 ở Miền Nam chỉ có chừng năm chục người được gọi là thi sĩ, tức là nhà thơ. Còn bây giờ tôi hỏi thì có người bảo là cả nước có chừng 1000 nhà thơ, có người lại nói là có tới... 100.000 nhà thơ lận! Vậy theo ông, hiện nay ở nước ta có bao nhiêu nhà thơ ?
Câu hỏi của ông Khai Trí có lẽ khó có ai trả lời chính xác được, ngay cả Hội Nhà văn. Định nghĩa thế nào là một nhà thơ thì theo tôi cho đến nay chưa thật rõ ràng. Có người cho rằng chỉ những ai làm thơ đã được kết nạp vào Hội Nhà văn thì mới được gọi là nhà thơ. Điều đó không đúng vì đã vô hình chung lấy ngọn làm gốc. Có nhiều người làm thơ rất hay mà vì một lý do nào đó họ không xin vào hội hoặc chưa được kết nạp vào hội, chẳng nhẽ họ không phải là nhà thơ? Và nếu vậy thì các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... cũng không phải là nhà thơ sao? Khác với nhiều ngành nghề khác, nhà thơ xuất hiện thường do ngẫu nhiên, do năng khiếu bẩm sinh là chính chứ không phải do đào tạo. Nhạc sĩ, hoạ sĩ... đa số là do đào tạo, có bằng cấp hẳn hoi, còn nhà thơ thì không. Trường viết văn Nguyễn Du chỉ là góp phần bồi dưỡng cho các nhà thơ vốn dĩ đã có bộc lộ thiên bẩm (ta quen gọi là năng khiếu) từ trước rồi. Vậy ai phong danh hiệu "nhà thơ"? Và làm gì có khái niệm nhà thơ được phong hay "tự phong"? Còn thơ hay đến mức nào thì mới được gọi là nhà thơ cũng chỉ là một khái niệm tương đối. Tôi có nói với ông Khai Trí thế này:
-Theo tôi, nói ở nước ta có 1000 hay 100.000 nhà thơ là do quan niệm, do cách nhìn của mỗi người. Nó cũng giống như khái niệm mà ngày xưa người ta thường dùng để nói về "người có học". Nếu coi "người có học" là những người có trình độ đại học thì tất nhiên là ít, còn nếu coi người học đến hết cấp 1 phổ thông cũng là "người có học" thì rất nhiều...
Làm được vài câu vè, vài câu ca dao hay làm thơ để đăng báo tường cũng gọi là biết làm thơ, là nhà thơ thì nước ta có lẽ có tới cả hàng chục triệu nhà thơ. Còn nếu làm thơ có kỹ thuật, có nghệ thuật đạt đến một trình độ hoàn thiện hoàn mỹ thì chắc là không có được bao nhiêu. Mà có đạt đến như vậy thì mới thật xứng đáng với danh hiệu nhà thơ. Thơ làm nên danh hiệu nhà thơ. Có được một bài thơ hay, thậm chí một câu thơ hay chẵng phải dễ đâu. Bây giờ có nhiều người vẫn được gọi là nhà thơ, thậm chí tiếng tăm khá nổi thế mà thực sự thì chưa hẳn đã đúng là một nhà thơ với thực chất của nó. Trong khi đó lẩn khuất trong bạt ngàn người viết mai danh ẩn tích lại có những người rất xứng đáng được gọi là nhà thơ. Trong những lần đi chu du để kiếm tìm thơ hay cho tuyển tập "Một thế kỷ thơ Việt", nhà thơ Trinh Đường đã phát hiện được rất nhiều bài thơ hay, nhiều tác giả rất khá mà chưa hề xuất hiện trên thi đàn. Nhà thơ Gia Dũng trong khi đi sưu tầm thơ để làm tuyển tập "Thơ các dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam" và tuyển tập "Thơ Việt Nam 1945-2000" cũng đã phát hiện được nhiều người như vậy. Chẳng hạn khi anh lên Sa Pa, tình cờ anh được nghe anh thợ ảnh Nguyễn Thọ đọc cho nghe bài thơ "Chợ phiên" mà anh chưa hề công bố bao giờ. Bài thơ của anh thợ ảnh đã làm cho nhà thơ xúc động và bất ngờ thực sự. Bài thơ có những câu như: "... Mình về con dốc thì dài / Mây chen chân ngựa, gió cài vành khăn..." Hoặc: "... Lời yêu trong mắt long lanh / Mùa xuân căng mọng nửa vành áo thêu". Một trường hợp khác, một anh bộ đội ở tỉnh Bắc Giang (anh Tô Hoàn) khi về thăm mẹ vào một đêm mưa, nhìn mái nhà dột nát đã xúc động viết nên những câu thơ như: "...Con đi chiến đấu suốt đời / Mà không che nổi một nơi mẹ nằm !". Viết được những câu thơ đằm thắm và sâu sắc như vậy có đáng được sánh vai cùng các nhà thơ không nhỉ ? Đoàn Phú Tứ chỉ có một bài (Màu thời gian), Vũ Đình Liên với "Ông đồ" hầu như cũng vậy mà ai cũng công nhận là nhà thơ. Trong nghề làm thơ đâu phải chỉ số lượng là yếu tố cơ bản để tôn anh thành nhà thơ? Về những người làm thơ còn mai danh ẩn tích như tôi đã nói có rất nhiều mà không ai có thể thống kê được. Đó là những người mà có một số người đã có tiếng, đã thành danh rồi trở nên ngạo mạn khi liếc qua không cần biết thơ người ta hay dở thế nào đã vội gọi họ một cách vừa miệt thị vừa xấc xược là "lạ hoắc". Những người đã thành danh ấy quên mất một điều là khi bản thân họ xuất hiện lần đầu trên thi đàn thì họ cũng từng là người "lạ hoắc". Nếu không có sự xuất hiện này thì làm sao để công chúng biết, để có thể thành danh? Khi đã trèo được lên đỉnh đồi, đỉnh núi thì chớ vội chê người khác là thấp là hèn, so với mình không đáng!
Trước kia chỉ có một số người đã thành danh hoặc do vận may, do thế lực, do quen biết hay do một điều kiện gì đó mà được các nhà xuất bản, các báo, tạp chí in thơ. Rất nhiều người không được cái may mắn đó nên thơ họ cứ nằm lỳ trong sổ tay cá nhân. Những bài thơ họ viết chắc đâu là thơ dở ? Bây giờ thơ được in một cách thuận lợi, ai cũng có thể được in thơ là một điều rất đáng hoan nghênh. Nó làm cho nhiều tài năng có điều kiện được xuất hiện, được đến gần bạn đọc. Hiện vẫn còn nhiều người có thơ mà chưa được in vì bản thân tác giả không kiếm đâu ra tiền, trong khi các nhà xuất bản lại không phải là các "Mạnh thường quân". Đa số các tập thơ in ra với số lượng rất hạn chế không phải chỉ vì thơ không hay mà thực chất là do vốn tài chính eo hẹp và điều kiện phát hành không có. Vậy thì đừng trách tại sao người ta in với số lượng rất ít. Mỗi bài thơ, mỗi tập thơ đến với được dăm ba trăm độc giả đã là đáng quý, còn hơn là nằm im trong bóng tối. Đấy là nói về nguyện vọng chính đáng của người làm thơ. Còn nhiều tập thơ không ra thơ mà vẫn được in thì lại là lỗi của chính khâu biên tập. Có thể tác giả không tự đánh giá được khả năng của mình, nhưng các nhà biên tập thì không được phép làm tắc trách như vậy. Người biên tập là những người kiểm tra chất lượng, là những người quản lí thị trường thơ. Còn nhà phê bình cũng có chức trách như "đèn trời soi xét", chỉ nên là đèn chiếu sáng chứ không nên là đèn quảng cáo. Hàng dởm lan tràn trên thị trường một phần trách nhiệm rất lớn là của những nhà chức trách này.
Cũng cần nói thêm rằng, nói hiện nay thơ nhiều cũng chỉ là tương đối. Với những người có điều kiện tiếp xúc với thơ thì đúng là "ăn thơ không hết, để thừa thơ nhiều quá..." như LNS đã viết. Trong khi đó thì rất nhiều người yêu thơ mà không có thơ đọc. Cứ về nông thôn, về vùng sâu vùng xa mà xem. Có hàng nghìn hàng triệu người rất thích thơ nhưng không kiếm đâu ra thơ để đọc. Họ đâu có thơ mà "ăn thơ không hết"! Vậy thì đâu phải là thừa thơ? Đó chỉ là do thơ thiếu điều kiện phân phối. Vì thơ bán không chạy, không thu lời được bao nhiêu nên mạng lưới phát hành chẳng mấy mặn mà với nó. Đó cũng là một trong những lý do làm cho "thơ ăn không hết". Người thành phố bây giờ đi ăn cỗ thường chê thịt gà, giò chả, để thừa mứa và cho những thứ này là chán. Trong khi đó đại đa số dân là người nghèo thì không có để ăn. Vậy thì thịt gà, giò chả có phải là thức ăn dở thực sự dư thừa không? Thơ cũng vậy thôi. Nhiều người cầm tập thơ vội nhìn tên tác giả, thấy tên tác giả đã thành danh thì coi là mặt hàng cao cấp, chưa thành danh thì coi thường như mặt hàng bình dân. Anh quen xài hàng cao cấp nên có thể chê mặt hàng bình dân, nhưng một lúc nào đó có khi anh lại thấy mặt hàng bình dân tuy không diêm dúa, không hoa hoè hoa sói nhưng lại có thể có hàng tốt thật sự, ít bị làm hàng dởm. Một thời người ta thích hàng ni lông, bây giờ lại đua nhau đi chọn hàng cô tông, hàng sợi bông chính gốc. Xin đừng vội chê, vội bỏ qua các bài thơ, các tập thơ của những người "lạ hoắc", những người chưa thành danh.
Nếu biết trân trọng và chịu khó tìm tòi thì biết đâu lại tìm thấy kim cương, hồng ngọc trong đống đất phế thải !