Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




VĂN NGHỆ SỸ NĂM ẤY ĐÃ
VỀ THỰC TẾ SÁNG TÁC TẠI VÙNG MỎ



  
        

N ăm 1958, nhà thơ Huy Cận dẫn đầu một số nhà văn nhà thơ về thực tế sáng tác tại Đèo Nai trên. Đời sống thợ mỏ ngày ấy còn thiếu thốn nhưng tinh thần thi đua lao động sôi động ngùn ngụt. Các văn nghệ sỹ ăn ở và làm việc ngay tại Núi Trọc. Núi Trọc là khu công nhân đông đúc, có chợ cung cấp những thực phẩm thiết yếu cho người thợ. Từ chỗ ăn ở ra khai trường sản xuất chỉ mất non chục phút. Họ phải trực tiếp cầm xẻng xúc than, trực tiếp bắt cặp, đun xe goòng với người thợ mỏ. Hết giờ còn họp nhóm, họp tổ, bình xét ưu khuyết từng người để phân loại A,B,C. Nhà thơ Trinh Đường đưa người đi thực tế tại Hòn Gai. Sau này, ông còn ở lại, làm việc tại Ty văn hóa Hồng Quảng và giúp đỡ tận tình những người yêu thích thơ. Nhóm của nhà văn Nguyễn Dậu thực tế tại khu lò Lộ Trí gọi là Đèo Nai dưới (thuộc Công ty than Thống Nhất ngày nay) và ở ngay dãy nhà tập thể bên Mông Giăng. Mấy năm sau, nhà thơ Huy Cận xuất bản tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng, Nguyễn Dậu xuất bản Mở hầm, Tạ Hữu Yên xuất bản tiểu thuyết Lửa than. Cả hai tiểu thuyết này tôi đã bỏ công tìm kiếm mà chưa được đọc nhưng dư luận về Mở hầm thì nhiều mà Lửa than không người nào nhớ. Nhà văn Trần Dần cũng trong nhóm ấy. Tôi biết điều này khi nhà văn Trần Tài sau ngày trúng giải ba trong cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ với Lời nguyền thuở ấy đã cho tôi xem bức ảnh chụp với Trần Dần khi nhà văn về sáng tác tại Lộ Trí cách đó mấy chục năm. Nhóm nhà văn này còn thường xuyên mở những lớp bồi dưỡng viết văn, thành lập Tổ bạn viết trẻ cho công nhân yêu thích văn chương tại khu vực Cẩm Phả. Chắc chắn một số cây bút vùng than có tiếng như: Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, Võ Khắc Nghiêm, Nguyễn Sơn Hà, Hoàng Văn Lương, Trần Trọng Biền, Đào Ngọc Vĩnh, Thanh Hao… cũng nhờ những cuộc giao tiếp này mà học hỏi được nhiều điều.

Đi cùng nhà thơ Huy Cận còn có các hoạ sĩ Nguyễn Anh Thường, Hoàng Công Luận, Nguyễn Yên, Lưu Yên, Vũ Duy Nghĩa. Không ít các họa sỹ khi đi thực tế sáng tác còn khích lệ, gây dựng phong trào sáng tác trong đội ngũ công nhân. Họ say sưa tổ chức những cuộc triển lãm tranh trên công trường dày đặc gió nắng, trong khu văn phòng, xưởng máy bụi bặm, chật chội. Họa sỹ Hoàng Công Luận gắn bó với phong trào sáng tác nhiều chục năm về sau. Nhờ đó mà qua thời gian, lực lượng văn nghệ sĩ ngành than tiếp tục được bổ sung và đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Các họa sĩ Tống Giang Minh, Bùi Đình Lan, Vũ Minh Huy, Đoàn Đạt, Hoàng Ngọc Châu… cũng trưởng thành từ đây.

Bức bích họa chạy dài hai chục mét trên tường đối diện với khu văn phòng Nhà máy cơ khí Cẩm Phả đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước có tên Xưa và nay được ra đời. Tiếng vang của nó vẫn lữu giữ trong lòng người dân Cẩm Phả từ thời ấy đến tận bây giờ. Trong tâm tưởng các bác thợ già, bức tranh Xưa và nay mang thêm tên riêng là Hai chế độ.

Tháng 4/1964, nhạc sĩ Đỗ Nhuận dẫn đầu một đoàn nhạc sĩ gồm Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Trọng Bằng, Trần Quý, Chu Minh, Tân Huyền, Văn Dung v.v.. về vùng mỏ thực tế sáng tác. Say mê với cảnh và người vùng than đang thi đua xây dựng chế độ mới, họ đã có những ca khúc đóng đinh trong các kỳ hội diễn ca nhạc Vùng mỏ nhiều năm về sau như: Những ngôi sao ca đêm của Phạm Tuyên, Đường đi lên mỏ của Tân Huyền, Bài ca công nhân Vùng mỏ của Đỗ Nhuận, Tôi là người thợ lò của Hoàng Vân, Nhịp máy khoan của Trọng Bằng, Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh của Chu Minh, Bài ca thợ lò của Hoàng Hiệp, Đất mỏ anh hùng của Xuân Giao, Người lái xe trên tầng của Thành Long v.v… Nhiều bài hát kể trên đã quen thuộc, thân thiết, trở thành những bài ca nằm trong danh mục đi cùng năm tháng.

Những nhóm nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ năm ấy đã thổi luồng gió mới cho phong trào sáng tác, thưởng thức VHNT ở vùng than và trực tiếp là công nhân mỏ. Nó đã có ảnh hưởng to lớn cả về lực lượng lẫn chất lượng tác phẩm góp phần cho việc thành lập Hội VHNT Quảng Ninh năm 1969. Dư âm của những người sáng tác, những tác phẩm… ngày ấy đến giờ còn đậm nét.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Quảng Ninh .