Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




tranh của họa sĩ Pháp Henri Mege

DÀNH MỘT PHÚT CHO THƠ


L âu nay thấy thiên hạ bàn ra tán vào khá nhiều về thơ, mà ai nói cũng có vẻ đều đúng, đều hay, đều đâu ra đấy; nhưng sao sau mỗi lần đọc lại thấy trong lòng một điều gì bứt rứt không yên! Một việc tưởng chừng như đơn giản mà hoá ra là phức tạp! Xưa kia có lẽ các cụ thời tiền bối có ít vốn lý luận phê bình chăng mà cảm nhận một bài thơ hay thật là đơn giản. Đọc một bài thơ xong, mọi người thường biểu hiện một cách giản dị cả bằng hành động và bằng lời nói: hay quá! Cũng có khi chỉ im lặng ngẫm ngợi, có khi lắc đầu vì chưa thấy thơ hay. Bây giờ thời buổi công nghiệp, ngôn ngữ ngày càng được cô đọng, hàm súc, nói ít hiểu nhiều, thế mà thơ sao lại trở nên khó hiểu, khó phẩm bình đến vậy? Bài thơ có khi chỉ vài câu, thậm chí còn ... vài chử, mà sao đọc mãi chẵng hiểu họ viết gì! Mà không hiểu thì làm sao biết được thơ hay hay dở ?!

Tôi thường cứ tự trách mình là chậm hiểu, thiếu năng lực tư duy trừu tượng,  lại dấu dốt, không chịu học hỏi nên không hiểu được các nhà thơ cải cách, các nhà thơ trừu tượng, các nhà thơ modec... Mặc dầu tôi rất yêu thơ, yêu như một tình yêu định mệnh. Thế rồi có một buổi nọ, dự một chương trình thơ, tôi thấy một chàng thi sĩ tóc rối, râu ria "vô tổ chức" lên đọc một bài thơ mà hình như mỗi chữ là một câu, nghe cứ như người ta ném dần từng viên sỏi, viên cuội xuống nước. Tôi cứ như "vịt nghe sấm", thấy mình chẵng hiểu một tý tẹo gì, đành tự trấn áp cái tính "sĩ diện cá nhân" của mình mà đánh bạo hỏi anh bạn nhà thơ bên cạnh. Thì ra anh ta cũng há hốc ngồi nghe mà chẳng biết bài thơ nói gì. Thấy mọi người vỗ tay lia lịa, chúng tôi cũng vỗ theo. Nhà thơ nọ hý hửng ra mặt. Tôi bỗng chạnh lòng: " Phải chăng hắn đang cười vào mũi bọn mình?!" Không biết những người khác họ "tư duy" hơn mình, họ có thật sự hiểu không, họ có thấy bài thơ hay thật không? Những tràng vỗ tay kia là sự tán thưởng hay chỉ là lịch sự, xã giao? Quả là phức tạp, khó hiểu!        

   Từ nhỏ tới giờ tôi đã nghe hàng trăm hàng nghìn lần những người nông dân chất phác, những người thợ, những cụ già, em nhỏ và cả những bậc "tao nhân mặc khách" thường reo lên một câu :"hay quá, nghe cứ như thơ ấy!" mỗi khi họ nghe một câu nói hay một câu ví von nào đấy. Vậy nên cái luôn ám ảnh trong đầu tôi là mọi cái hay có tính chữ nghĩa thường được so sánh với thơ. Nói cách khác, thơ là cái chuẩn mực , là đỉnh điểm của cái hay về câu chữ mà công chúng mặc nhiên công nhận. Mặt khác, ta hiểu thơ là cái đi thẳng vào lòng người một cách nhanh chóng nhất, mạnh mẽ nhất như vị mật ong dính vào đầu lưỡi. Muốn hay không muốn, công nhận hay không công nhận thì cảm nhận trực quan vẫn là yếu tố đầu tiên làm cho bài thơ có tìm được đất sống hay không. Một bài thơ cũng như một món ăn, nếu thiếu đi cái hương vị, màu sắc, lại là một mớ hỗn tạp, lổn nhổn không rõ thứ gì thì ngay từ đầu người ta đã không màng đụng đũa, đâu còn biết có ngon không! Xin đừng vội chê bai là người ta không biết thưởng thức, không chịu tìm tòi, khám phá cái mới. Trong thực tế cuộc sống, những người chịu đi săn tìm cái mới, đi thử nghiệm cái mới như kiểu chế biến món ăn từ sâu bọ (ở nước nọ nước kia từng có người làm), có được là bao? Vậy thì với số đông quần chúng, cái người ta quan tâm nhất vẫn là cái gì thiết thực phục vụ ngay cho đời sống. Có hiểu được điều đó thì mới lý giải được một điều hết sức giản đơn là tại sao công chúng yêu thơ hoặc không yêu thơ, chấp nhận thơ hay không chấp nhận thơ. Những năm gần đây có một số nhà thơ, một số tập thơ tiếng nổi như cồn, nhưng chỉ là nổi trên mặt báo còn thực sự thì công chúng hầu như ngoảnh mặt làm ngơ. Tại sao lại có nghịch cảnh ấy? Bởi vì có một sự cách biệt giữa công chúng và giới phê bình. Một bên là số đông chỉ cảm nhận trực quan, chỉ hấp thụ cái gì tác động trực tiếp vào nhận thức của tâm hồn họ để định giá thơ hay hoặc dở, có đáng đọc, đáng nhớ hay không. Họ không bàn tán nhiều về những gì họ thích, nhưng họ biết cái gì đáng đọc, cái gì đáng nhớ. Còn một bên là những người coi sự khám phá tìm tòi là cốt yếu của nghệ thuật, dù sự tìm tòi khám phá ấy có thật sự ích lợi gì không. Có thể họ hy vọng vào một sự thành công như khi người ta chơi xổ số. Mà số này tuy ít nhưng lại ... to mồm. Họ là những người "vị nghệ thuật", họ chỉ cân đong đo đếm mỗi tác phẩm bằng thước đo nghệ thuật (mà thực sự thì những thang bậc dùng để cân đong đo đếm này không biết dựa trên hệ quy chuẩn nào). Cũng giống như các cuộc thi hoa hậu, người được số đông khán giả khen thì chắc đâu đã trúng, có cô chỉ "thường thường bậc trung" lại trở thành người đẹp nhất! Thật tình thì những nhà thơ được suy tôn trở nên "nổi tiếng" ấy cũng chỉ nhận được "một vinh quang vô ích". Thời gian sẽ nhanh chóng xoá nhoà tên tuổi họ vì không một ai có thể nhớ nổi một câu thơ của họ. Mà thật sự tên tuổi nhà thơ chính là ở những câu thơ. Thơ làm nên tên tuổi nhà thơ là vậy. Mọi sự lăng-xê đều sẻ là vô ích. Cũng xin nói thêm rằng, trong hội hoạ chỉ có những người vẽ "thực" thật giỏi thì khi vẽ tranh trừu tượng mới thật sự là trừu tượng, còn những ai cầm bút lông chưa thạo mà đi vẽ tranh trừu tượng thì đó chỉ là tờ giấy bẩn! Đem một tờ giấy bẩn đi khoe rùm beng, tưởng là hay nhưng lại làm hại chính anh ta. Ngay cả những người khen ngợi anh ta cũng phải dè chừng, có khi lại để mình trở thành như một kẻ nịnh thần khen bộ áo quần Hoàng đế!        

    Ta có nên thử xem lại định nghĩa thế nào là Nghệ thuật, thế nào là Thơ? "Nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm".Còn "Thơ là hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh và có nhịp điệu để thể hiện nội dung  một cách hàm súc". (Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt). Không biết các định nghĩa này đã hoàn toàn được mọi người chấp nhận chưa, nhưng theo tôi thì khá rõ. Nghệ thuật chính là thuật dùng hình tượng mà hình tượng đó phải đạt tới độ sinh động, cụ thể và gợi cảm. Thiếu sinh động, thiếu cụ thể, thiếu gợi cảm đều chưa thể gọi là nghệ thuật. Còn thơ là phải thể hiện được hai nét đặc trưng của ngôn ngữ đó là hình ảnh và nhịp điệu. Thơ tách biệt với văn xuôi lại chính là ở đặc trưng thứ hai này. Nhịp điệu chính là chất kết dính của thơ, nó như xi măng dùng trong xây dựng. Vậy thì những bài viết mà thiếu hình ảnh, thiếu nhịp điệu thì có thể gọi là thơ được chăng? Tôi cho rằng những bài viết mà chữ nghĩa xếp lung tung, hình ảnh mờ mịt (khác xa với trừu tượng), nhịp điệu không hề tồn tại thì đừng bao giờ ngộ nhận là thơ! Đó là một loại thực phẩm không được xử lý, để sỏi cát lẫn lộn, không có hương sắc và mùi vị, không thể đem ra thị trường tiêu thụ được! Đó không chỉ là hàng dởm mà còn là hàng bịp, hàng độc hại! Tôi cho rằng hiện có nhiều bài viết bị ngộ nhận là thơ, vì thế mà công chúng không thèm ngó tới, tệ hơn nữa là nó làm cho hình ảnh của thơ trở nên méo mó. Phải chăng đó là điều lý giải việc công chúng có yêu thơ hay không yêu thơ? Tôi nghĩ, trách nhiệm của giới biên tập và phê bình là rất nặng. Họ là người soi xét, chỉ bảo và định hướng cho cả một nền văn học, nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng. Thế mà hiện nay có tình trạng là nhiều người bình thơ chỉ biết “tán” mà không biết “bình”, chỉ viết bằng cảm tình chứ không bằng cảm xúc. Thậm chí có những bài bình thể hiện khá rõ sự vị nể, lấy lòng; có khi là sự móc ngoặc để đùn đẩy nhau lên. Trong khi đó, lực lượng biên tập thơ ở các báo, tạp chí, nhà xuất bản có một số người vì trình độ hạn chế (nếu không muốn nói là yếu kém), hoặc vì một động cơ nào khác mà đã lợi dụng chức trách của mình để đưa ra thị trường văn học những món hàng dởm dán nhãn hiệu là thơ!        

   Tôi là một người "ngoại đạo" của lỉnh vực lý luận phê bình. Tôi không dám "múa rìu qua mắt thợ", càng không dám bắt bẻ các đại ca, các sư phụ của làng thơ. Xưa nay tôi chỉ dám "dựa cột mà nghe" các vị. Nhưng các vị nói nhiều đến mức thành "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mà cứ thấy nó như không thể nào thoát ra khỏi vòng tròn bát quái. Vậy thì một giải pháp đơn giản biết đâu lại là hiệu quả nhất? Phải trả thơ về với đúng định nghĩa ban đầu của nó! Không nên dùng các biện pháp kỹ thuật lai ghép, đồng hoá, biến dị... như trong ngành sinh học; càng không nên làm xiếc, thậm chí làm trò phù thuỷ trong thơ! Như các cụ xưa từng dạy, Thơ là thể hiện cái TÂM, phải để cho thơ thật sự trong sáng như cái tâm của quý vị. Và nếu ai đó thấy cái tâm mình còn vương chút gợn, xin hãy tạm xa lánh nàng thơ!       

    Kẻ "ngoại đạo" này cúi đầu xin xá tội trước các đại ca, các sư phụ, nếu đã làm các vị phiền lòng và giận dữ!




VVM.26.3.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .