TỪ NGÀY THƠ QUẢNG NINH
ĐẾN NGÀY THƠ VIỆT NAM
C uối năm 1973, tôi mua được 2 gian nhà tranh nứa ở dốc Bồ Hòn, chân núi Bài Thơ , thị xã Hồng Gai. Từ lâu, tôi đã biết vua Lê Thánh Tông đề thơ và cho khắc bài thơ của ông ở vách núi gần nhà mình, vì thế, nhân dân đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ. Do đó, lặng lẽ và kiên trì, tôi quyết định tìm cho bằng được bài thơ. Có lần, tôi mời được cả ông Vũ Cẩm, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thanh Sĩ, Giám đốc sở Văn hóa, Chủ tịch Hội sử học Quảng Ninh, ông Đức Sĩ, chuyên gia số 1 về bảo tồn bảo tàng tỉnh, cùng đi, tìm trong 1 ngày. Kết quả : Không thấy. Sau đó, tôi lặng lẽ đi một mình, theo thuyền đò, chở ra giải đất lò vôi ở phía biển, phía đông quả núi đá, vào thăm lần lượt tất cả các nhà, do sơ tán tránh bom Mĩ từ 05/ 8/ 1964, đã ra đây ở tạm, rồi xây nhà kiên cố, áp hẳn hai bên tường vào vách núi, đổ trần bê tông lên trên. Tháng 6 năm 1986, sau 13 năm, tôi mới tìm thấy bài thơ dựng nước bất hủ của một vị hoàng đế anh minh nhất Việt Nam ở thời Lê, đã hơn 20 năm, bị nhốt kín trong một cái chuồng lợn... Chữ đã mòn, nhưng có 2 dòng quan trọng nhất, còn đọc và đoán ra được: “ Quang Thuận cửu niên xuân nhị nguyệt... ” ( Năm Quang Thuận thứ 9 ( 1468 ), mùa xuân tháng 2 ) và “ Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại” ( Trời Nam muôn thuở non sông vững ) .Tuy vậy, tôi vẫn không dám tin, phải nhờ sự thẩm định của nhà nhiếp ảnh Hào Minh tinh thông chữ Hán : “Đúng rồi, ông Minh à”, tôi mới dám thông báo với ông Nghiêm Thanh, phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Quảng Ninh. Ông Thanh đưa tin lên báo Nhân Dân... rất được các vị lãnh đạo tỉnh, thị xã và bạn bè hoan nghênh, nhưng cũng có người rất tức tối.
Tôi nghĩ, cần phải tôn vinh bài thơ của vua Lê bằng một sự kiện văn hóa và thi ca, nên đã lặng lẽ chuẩn bị một kịch bản rất cặn kẽ và công phu. Đành phải im lặng chờ 1 năm sau, cuối năm 1987, mới nộp cho lãnh đạo Hội ( mà tôi là Trưởng ban Thơ ), chuẩn bị cho năm 1988, nhân 520 năm, bài thơ của vua Lê khắc trên vách đá núi Bài Thơ. Rất may, ý tưởng và kịch bản đó đã được ông Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hoàng Thuận rất tận tình ủng hộ và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rất hoan nghênh, coi đó là việc rất cần làm, vì sự nghiệp văn hóa và tư tưởng của tỉnh, nên Tỉnh ủy và UBND tỉnh ( mà tôi rất biết ơn 3 người cụ thể vào cuộc là ông Nguyễn Bình Giang, Bí thư Tỉnh ủy, ông Vũ Cẩm, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và bà Nguyễn Thị Hồng Cường, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ) cho phép có Ngày Thơ Quảng Ninh tổ chức hằng năm vào 29/3, ngày “ được coi” là bài thơ của vua Lê khắc lên vách núi Bài Thơ ( Ngày thơ lần thứ nhất tổ chức tại Nhà Văn hóa Việt Nhật 29/3/1988 ) và cho phép Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh ( mà tôi là ủy viên liên tục đến 25 năm, ở nhóm văn hóa và tôn giáo) lập Câu lạc bộ thơ cấp tỉnh ( vì Điều lệ Hội Văn nghệ tỉnh, không có tổ chức CLB) với 20 tổ chức thành viên là công nông binh, trí thức, học sinh cấp 3, ở các đơn vị và địa phương toàn tỉnh, lập Giải thưởng Lê Thánh Tông về thơ, trao hằng năm trong khuôn khổ hoạt động của Ngày thơ : “ Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chủ nhiệm CLB là Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ tịch MTTQ tỉnh và tôi là Phó Chủ nhiệm phụ trách chuyên môn, Trưởng ban Chung khảo giải thơ cho đến tận bây giờ ( các ủy viên BCK thì thay đổi hằng năm).
Sau lần thứ 2 tổ chức tại Nhà máy điện Uông Bí và chùa Hoa Yên - Yên Tử ( có mời một số nhà thơ và nghệ sĩ nhiếp ảnh quen biết ở Hà Nội về dự) thì xảy ra sự cố. Trong một cuộc làm việc của tỉnh, ông Nguyễn Bình Giang, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, một vị rất có uy thế, báo cáo với Bí thư 4 điều: “ 1 - bài thơ của vua Lê không hay, nếu hay đã có trong sách giáo khoa; 2 - bài thơ này vua Lê làm trong lúc đánh dẹp nông dân khởi nghĩa; 3 - câu thơ “Chính thị tu văn yển vũ niên” ( đây chính là lúc xây dựng đất nước bằng văn trị, giảm bớt việc quân sự ) - là trái với đường lối của Đảng, và 4 - xem ông Minh có ý định khôi phục các giá trị của ông hoàng bà chúa trên đất của giai cấp công nhân mỏ hay không? ”. Có người nghe xong tái mặt. Tôi rất bình tĩnh và cũng rất khiêm nhường, bác lại từng ý một, nói rất chi tiết ngày tháng, sự việc…, ông Bình Giang kêu lên: “ Anh căn cứ vào đâu mà nói thế?”. Tôi thưa: “Xin Bí thư cho Hội nghị giải lao 15 phút và cho tôi nhờ xe, tôi về nhà lấy căn cứ nộp cho đồng chí”. Tôi mang đến bộ Đại Việt sử kí toàn thư, mở Kỉ nhà Lê ghi năm 1467, 1468 để Bí thư soát lại những điều tôi lần lượt trình bày… Nghe và soát bản in 1 lúc, Bí thư lại kêu lên: “ Thôi, được rồi, được rồi ! Trí nhớ của anh tốt thật. Anh gần như đọc thuộc lòng. Thưa các đồng chí, anh Minh nói có căn cứ. Đúng rồi, thôi, được rồi !” và ông kết luận: “Tỉnh đồng ý tiếp tục tổ chức Ngày thơ, cấp kinh phí hằng năm, chi tiền tu bổ bảo tồn bài thơ của vua Lê”.
Người đứng đầu tỉnh đã nói thế, nhưng các cơ quan chức năng chưa yên tâm, nên phải tổ chức hội thảo có tầm quốc gia về núi Bài Thơ, về bài thơ của vua Lê ( văn bản gốc dập lại từ vách đá và bản dịch mới của tôi), về Ngày thơ Quảng Ninh, với sự tham gia của “tứ sử”: Lâm (Đinh Xuân Lâm), Lê (Phan Huy Lê), Tấn (Hà Văn Tấn), Vượng (Trần Quốc Vượng) và các nhà Hán Nôm học có uy tín: Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, Phạm Ngọc Lan, Hoàng Giáp, Đặng Văn Bài, Lại Văn Hùng… đại diện Viện Văn học, Hội Nhà văn, các cơ quan chức năng của tỉnh, vân vân… Tôi và nhà báo Hào Minh cùng dự, đều có tham luận, hiện còn in trong tập sách kỉ yếu khoa học: Núi Bài Thơ, lịch sử và danh thắng, do giáo sư Nguyễn Huệ Chi chủ biên.
Kết luận hội thảo khẳng định: bài thơ của vua Lê, viết trong chuyến đi tuần An Bang (Quảng Ninh ngày nay), lo việc phòng thủ đất nước, sau cuộc duyệt võ trên sông Bạch Đằng, là bản Tuyên ngôn toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đại Việt và niềm quyết tâm xây dựng quốc gia này hùng mạnh. Hội thảo thống nhất cho sử dụng văn bản được coi là chuẩn của bài thơ, chép theo bản dập lại từ vách đá ( so với bản đã in trong Toàn Việt thi lục của Lê Quí Đôn, Lê Quí Đôn đã chép sai 6 chữ, có chữ rất hệ trọng ) và cũng nghiệm thu luôn bản dịch của tôi ( đã khoảng 1 năm chép bản dịch này ra 1 bảng gỗ để cạnh bài thơ gốc ) để bổ sung vào tập Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông của Viện Hán Nôm, hoan nghênh sáng kiến tổ chức Ngày thơ Quảng Ninh của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh, ghi nhận công lao và tâm huyết của tôi trong việc này. Ông Lê Quán Tần, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (sau này là Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo), ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ của ban (sau này là Tổng Cục trưởng Du lịch Việt Nam), chuẩn bị các tham luận của hội thảo lịch sử này. Ông Tần vỗ vào vai tôi, nói to cho mọi người cùng nghe: “Tỉnh ủy Quảng Ninh tốn 42 triệu, chỉ để chứng tỏ là Trần Nhuận Minh đã nói đúng, nhưng nhà thơ nói thì không ai tin”.
Không có những Kết luận như thế, không ai lường được Ngày thơ có còn từ đó đến nay không và số phận của tôi lúc đó sẽ như thế nào…
Ngày thơ Quảng Ninh từ năm 1988 đến nay, nhằm đưa thơ đến với công chúng và đưa công chúng đến với thơ, đặt toàn bộ hoạt động của nó trong nhu cầu văn hóa của nhân dân và có tính khoa học, nhưng mỗi năm mỗi khác. Tuy thế, nội dung chương trình luôn được ổn định, với tuần tự theo lịch cụ thể như sau ( sau khi tôi hưu từ 2005, lại có Ngày thơ VN, từ 2003, nên nội dung và thời gian có giảm bớt):
Sáng 28/3 : Trao Giải thơ Lê Thánh Tông tại Trụ sở MTTQ tỉnh ( phối hợp với Hội VHNT tỉnh ) sau khi dâng hương ở vách núi, nơi có bài thơ của vua Lê. Mặt bằng chỗ này chỉ rộng khoảng 20 mét vuông, do ông Nguyễn Nguyên Nhân, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Gai chi ra 20 triệu ( năm 1987) đền bù cho chủ nhà. Nơi bài thơ, cũng theo đề nghị của tôi, được chép ra 3 phiến đá, bản chữ Hán, bản phiên âm và bản dịch nghĩa, đá chở về từ Lam Sơn, Thanh Hóa. ( Chỉ tiếc cả 3 phiến đá này dựng trang trọng dưới bài thơ gốc, chép từ bài thơ gốc ra cũng có một số chữ sai. 3 cái bia này, do sai mà phải đưa ra ngoài, khi làm nhà bảo vệ bài thơ gốc, không ai dám hủy, để tựa vào vách đá, sau vài 3 năm lại làm nhà bia, dựng trang trọng 3 cái phiến đá chép sai này trong nhà bia. Đến khi phục chế bài thơ này lên tấm bình phong lớn bằng đá để trước Điện thờ vua Lê, trong khu Văn hóa núi Bài Thơ, ở đồi cao chân núi Bài Thơ (*), một danh thắng mới và một địa chỉ văn hóa - lịch sử - du lịch quan trọng hiện nay ở TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh, bài thơ cũng lại chép sai và cái sai hệ trọng nhất là đã bỏ hẳn mấy dòng lạc khoản, vua Lê ghi thời gian vua duyệt thủy quân tập trận trên sông Bạch Đằng rồi đi tuần du ra đây mà đề thơ ở vách núi… Đây là một trong một số sai lầm về văn hóa và lịch sử tỉnh Quảng Ninh - tôi chỉ nói ở thời trung đại - để lại cho “muôn đời sau” - DƯỜNG NHƯ không có khả năng sửa chữa ). Tại đây, tôi đã từng tiếp và giới thiệu Bài thơ, Ngày thơ … với nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và một số tỉnh bạn, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT VN: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Giáng Hương, Hữu Thỉnh; Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Cấp…vân vân, cùng nhiều nhà văn hóa danh tiếng ở nước ngoài về nghỉ ở Bãi Cháy sang thăm Di tích Bài thơ cổ. Cách bài thơ vua Lê khoảng 30 mét về phía trái là bài họa bài thơ của vua Lê, ngày 28 tháng 2 âm lịch năm 1729 của chúa An Đô vương Trịnh Cương, chữ viết rất đẹp, còn gần như nguyên vẹn, và cách khoảng 50 mét về phía phải là bài thơ của Tuần phủ Quảng Yên Nguyễn Cẩn, 1910, cùng 8 bài thơ chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ khác của các du khách những năm 1920 – 1930, ở xung quanh, đã biến núi Bài Thơ thành một Kì đài thơ hùng vĩ giữa bao la trời nước vịnh Hạ Long.
Từ lần trao thứ nhất cho đến tận bây giờ, Giải thưởng Lê Thánh Tông, xã hội hóa 100 % . Ngoài giải A, B , C, Khuyến khích, có 3 Giải giành cho người cao tuổi nhất (trên 80 ) giành cho người trẻ tuổi nhất ( học sinh PTTH 16 tuổi), giành cho tác giả Người Dân tộc thiểu số. Các giải này do các ngành tương ứng mang hoa và tiền đến trao, như Giải Trẻ, do Tỉnh Đoàn hoặc sở Giáo dục, giải về Công nhân mỏ doTổng Công ti Than trao… vân vân… Từ năm 2016, tôi tìm được nguồn tài trợ, nên các ngành không phải mang tiền đến trao giải. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi về dự 2 lần trao giải A, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng về dự 2 lần. Trong lần phát biểu tại Trụ sở UBMTTQ tỉnh, nhà thơ Hữu Thỉnh nói rằng, rất có thể Giải thưởng này đã gợi ý nhà văn Nguyễn Đình Thi lập Giải của Liên hiệp 9 năm sau, với tiêu chỉ gần giống như thế… Giải thơ Lê Thánh Tông từ 1988 đến nay, vẫn chung 1 chủ đề lớn: Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân…. nhưng mỗi năm lại có một điểm nhấn khác nhau, ví như Giải lần thứ 35 sắp trao, ưu tiên trao cho các thi phẩm có chất lượng Chào mừng 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh ( 1963- 2023)…
Chiều 28/3: có năm họp Ban chủ nhiệm CLB, có năm các đơn vị thành viên trao đổi về thơ. Còn Văn phòng Hội VHNT tỉnh thì đón khách từ các cơ quan Trung ương, Hà Nội, và các tỉnh bạn. Tôi rất nhớ và biết ơn nhiều nhà thơ phía Nam, từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Tây Ninh, Đắc Lắc, Gia Lai, Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, … xa nhất phía Bắc là Lai Châu, Điện Biên Phủ… có Giấy mời hoặc không có Giấy mời đã đến dự, đều được đón tiếp chu đáo, mặn mà… Chưa kể các nhà văn, nhà dịch thuật, nhà phê bình văn học phía Bắc, riêng trong Nam, vẫn nhớ nhà văn Hoàng Lại Giang, Trần Thanh Giao… ở TP Hồ Chí Minh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế… vân vân... đã đến dự, hầu hết đã để lại những cảm nhận rất tốt đẹp và những bài thơ rất đáng yêu cho chúng tôi.
Ngày 29/ 3: trung tâm của Ngày thơ. Từ ngày 27/3, những giải băng nền vàng chữ đỏ đã căng ngang đường, những tấm phông chào mừng Ngày thơ rộng hàng chục mét vuông đã buông xuống từ các mái nhà cao…, trong đó có bưu điện tỉnh và bến phà Bãi Cháy; những câu thơ cổ chọn lọc viết về Quảng Ninh in trên các tấm phướn treo lên cây dọc đường như cây nêu ngày tết… Cờ Thơ là cờ lễ hội ngũ sắc có chữ LÊ ( chữ Hán) ở giữa… Những năm chẵn hay năm có Ngày Kỉ niệm lớn, thường tổ chức tại những địa điểm sang trọng nhất tỉnh, như Công viên quốc tế Hoàng Gia, Khu du lịch Bãi Cháy, đảo Tuần Châu… Ở đây, sáng các ngày 29/3 thường tổ chức các cuộc Hội thảo có tầm cỡ quốc gia, như ngày 29/3/ 1994, Hội thảo Thơ chiến tranh cách mạng Việt Nam và hình ảnh Bộ đội cụ Hồ, kỉ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân VN ( 1944 – 1994), 30 năm chiến thắng trận đầu 5 / 8 ( 1964 – 1994)… lãnh đạo tỉnh cho phép tổ chức với quy mô lớn, phối hợp với Quân khu Ba, Bộ Tư lệnh Hải quân, Hội Văn nghệ Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ. Địa điểm chính tổ chức tại Bãi Cháy, nơi diễn ra chiến thắng trận đầu 5 /8, cũng là nơi, sau này, Hội Nhà văn VN tổ chức Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương trong 2 lần Ngày thơ VN. Tại hội thảo này, lần đầu tiên, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đọc tham luận về “Thơ của những người lính Sài Gòn trước năm 1975”, ( nhà văn Lê Minh hốt hoảng gọi tôi ra, bảo tôi phải căn ngăn, tôi thưa: em đã báo cáo lãnh đạo tỉnh rồi và được phép chị ạ!)
Đêm 29/3 là Đêm thơ : đọc thơ, trình diễn thơ, ngâm thơ, hát thơ phổ nhạc ( trong đó có dân ca, như Quan họ Bắc Ninh là thơ lục bát phổ vào các làn điệu) . Rất đáng nhớ là đêm 29/3/1994, tại Nhà văn hoá Việt Nhật, TP Hạ Long, diễn ra chương trình Thi ngâm thơ và Thi hát thơ phổ nhạc Quảng Ninh - Hải Phòng. ( Mỗi thí sinh trình bày 1 bài về Quảng Ninh hay Hải Phòng, còn 1 tự do). Rồi cả ngày 29/3/1996 có Hội thảo Thơ Việt Nam 10 năm Đổi Mới… tại Trung tâm tổ chức sự kiện tỉnh Quảng Ninh, do Hội VHNT Quảng Ninh, Hội Nhà văn VN và Viện Văn học đồng tổ chức … vân vân…
Sáng 30/3: các nhà thơ theo các xe đón về một số trường học, một số xí nghiệp thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sàn Việt Nam ( từ Mạo Khê đến Cửa Ông), một số đơn vị Hải quân, Bộ đội biên phòng, xưởng sưả chữa các thiệt bị quân sự của Quân khu Ba… Có năm đến 14 đơn vị cùng tổ chức nghe thơ và giao lưu với các nhà thơ…
Sáng 31/ 3: đưa khách thăm vịnh Hạ Long, danh sơn Yên Tử … Buổi trưa, tại đây, lãnh đạo tỉnh và Hội VHNT tỉnh mời cơm, tiễn khách. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dự tất cả các Ngày thơ Quảng Ninh từ năm 1988 đến năm 2005 và đọc Lời Chào mừng, sau khi Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đọc Lời khai mạc và dóng trống khai hội... Những năm lẻ thường tổ chức ở các huyện thị thành phố gắn với đặc trưng lịch sử và văn hóa của địa phương. Năm Ngày Thơ tổ chức ở Chiến khu Trần Hưng Đạo Đông Triều, nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam, bước vào với vòng hoa lớn, tri ân các liệt sĩ, hai người khiêng và bước trên thảm đỏ trong tiếng kèn đồng hùng tráng của Đoàn Quân nhạc và Đoàn Vệ binh danh dự của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, bồng súng đứng chào...
Các nhà thơ Hà Nội dự Ngày thơ Quảng Ninh luôn nghĩ đến cần có một Ngày thơ Việt Nam. Một số ý kiến đã phát biểu trong các hội thảo hoặc mở đầu khi nhà thơ trình bày thi phẩm của mình trước công chúng. Nhưng phải đến ngày 23 /4/2000, bài báo Kì vọng một Ngày thơ Việt Nam, của nhà thơ Vương Trọng, mới đăng trọn vẹn trên trang 10 báo Nhân Dân Cuối tuần, có đoạn nguyên văn như sau: “Một tỉnh Quảng Ninh khá nhỏ bé, tiềm năng kinh tế khá hạn hẹp, thế mà từ năm 1988 đến nay, năm nào cũng tổ chức được một ngày hội thơ, năm chẵn có thể mời hàng chục đoàn đại biểu của Trung ương và một số tỉnh trong cả nước, năm lẻ ít ra cũng mời được ba bốn tỉnh lân cận. Hình thức tổ chức hết sức đa dạng và hiệu quả, năm thì tập trung ở TP Hạ Long, năm thì tụ về các huyện như Đông Triều, Vân Đồn, Móng Cái…Ở đâu cũng được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh, ở đâu thi ca cũng được tôn vinh, nhà thơ được mọi người yêu mến. Cứ mỗi lần đi dự Ngày thơ Quảng Ninh về, tôi lại tự hỏi rằng: Tại sao không có Ngày thơ Việt Nam. Nghĩa là trong 365 ngày của một năm, sao không dành một ngày cho thơ… Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ Việt Nam (năm thì ở thủ đô, năm thì tổ chức ở các tỉnh thành phố khác), giải thưởng thơ hằng năm của Hội cũng trao vào ngày này…” Cuối bài, nhà thơ Vương Trọng đề xuất luôn ( vẫn nguyên văn) : “Các bạn phân vân không biết Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào ngày nào? Tôi nghĩ rằng : có thể chọn luôn ngày Lê Thánh Tông đề thơ trên núi Truyền Đăng 29 tháng 3, hoặc xa hơn nữa, trước 4 thế kỉ, tìm lại ngày Lý Thường Kiệt viết bài thơ Nam quốc sơn hà … bên bờ sông Như Nguyệt, làm Ngày thơ Việt Nam”. Nhưng cuối cùng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1948 ( “được coi” là viết vào ngày Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng) cũng năm Mậu Tý, sau 55 năm ( 1948 - 2003 ) và sau bài thơ vua Lê cũng viết năm Mậu Tý 480 năm ( 1468 – 1948). Tôi nghĩ đó là một điều trùng hợp rất kì diệu.
15 năm sau (1988 – 2003) vào lúc 9 giờ 15 phút, ngày 11 tháng 01 năm 2003, tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII, tổ chức tại nhà Văn hóa Việt Nhật, có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tổng Thư kí ( nay là Chủ tịch) 5 Hội chuyên ngành Trung ương ( Nhà văn, Mỹ thuật, Sân khấu, Nhạc sĩ, Nhiếp ảnh), Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, cùng 4 tỉnh bạn, lân cận: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, cùng toàn thể Hội viên của Hội, tổng cộng khoảng 650 người dự, nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đó là Tổng Thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người kí Quyết định của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về Ngày thơ Việt Nam, tuyên bố : “ Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin trân trọng thông báo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các bạn văn nghệ sĩ dự Đại hội toàn thể của Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh rằng, từ thực tế tổ chức và những bài học kinh nghiệm của Ngày thơ Quảng Ninh, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trong phiên họp ngày 26 tháng 12 vừa qua, đã quyết định lấy ngày Nguyên tiêu, Rằm tháng Giêng hằng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết bài thơ Nguyên tiêu năm 1948 làm Ngày thơ Việt Nam ”. Dứt lời, tiếng vỗ tay của Đại hội vang dội rất lâu, rất lâu…
Sau Ngày thơ Việt Nam tổ chức lần đầu ở Văn Miếu ít ngày mà kịch bản nói chung giống với Ngày Thơ Quảng Ninh, nhưng được nâng cao hơn, mở đầu dựng cảnh Thái úy Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt đánh quân Tống, từ đó vang lên bài thơ Nam quốc sơn hà… cũng như vua Lê Thánh Tông đi tuần du An Băng… là Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ XV, 29/3/ 2003, tổ chức tại Tuần Châu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh và một số vị trong đoàn, cùng Bí thư Tỉnh ủy và các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng dự, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Tỉnh Quảng Ninh được ghi nhận là nơi có sáng kién tổ chức Ngày Thơ. Sáng kiến đó đã được nhân ra cả nước”. Cũng ý ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu lần lượt trong cả 4 lần Ngày thơ Việt Nam, sau khi tổ chức ở Hà Nội thì ngày hôm sau ở Quảng Ninh. Có lẽ vì thế, trong Đêm thơ Quốc tế tại Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm tỉnh - Quảng trường 30 / 10, TP Hạ Long, với khoảng hơn 1 ngàn người dự, trong đó có 150 khách quốc tế, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “ Quảng Ninh là quê hương của Ngày Thơ Việt Nam ”. Và tiếng vỗ tay lại vang dội rất lâu, rất lâu…
Khi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ Đêm thơ Núi Nhạn của tỉnh Phú Yên anh em, được tổ chức hằng năm vào Rằm tháng Giêng trước Ngày thơ Quảng Ninh. Từ xưa, các cụ ta ở nhiều nơi thưởng tổ chức thưởng xuân và làm thơ, ngâm vịnh thơ vào đêm Nguyên tiêu. Nhưng chỉ có tỉnh Phú Yên, Đêm thơ Nguyên tiêu mới chảy thành một dòng văn hoá, nhất là từ khi có Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào ngày Nguyên tiêu. Thực lòng, tôi cũng chỉ biết Đêm thơ Nguyên tiêu cách đây dăm bảy năm, qua báo chí và các bạn thơ trong ấy cho hay. Chính các bạn thơ Phú Yên gặp tôi ở Hà Nội và Quảng Ninh, đã cho biết: các Đêm thơ Nguyên tiêu ở Phú Yên lúc đó, không xuất phát từ bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mà bài thơ này được đặt ở vị trí khai sinh của Ngày thơ Việt Nam, cũng như bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên vách đá núi Truyền Đăng, được đặt ở vị trí khai sinh của Ngày thơ Quảng Ninh. Dù có khác nhau về ngọn nguồn như vậy, việc chọn Đêm Nguyên tiêu để tổ chức Đêm thơ hằng năm, vẫn là một sáng kiến lớn của tỉnh Phú Yên, bổ sung vào Ngày thơ Việt Nam, làm cho Ngày Thơ Việt Nam thêm phong phú, đặc sắc../.
Hạ Long, tháng 1/ 2023
________________________________
Chú thích ảnh
Sân khấu tái hiện cảnh vua Lê Thánh Tông tuần du An Bang và đề thơ ở vách núi Truyền Đăng tháng 3 năm 1468, trong Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 29, tổ chức tại NÚI THUNG, xã Yên Đức huyện Đông Triều, nơi có LẦU THƠ, các thi nhân trong vùng thường tụ tập tại đây để ngâm vịnh, xướng họa và đàm đạo về thơ trong các ngày Nguyên tiêu từ những năm trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
(*) Ý tưởng xây dựng Khu Văn hóa này cũng là đề xuất của tôi từ năm 1990, ( với tên đề xuất đầu tiên là Văn miếu Bài Thơ ở địa chỉ hiện nay,
để tôn vinh SỰ HỌC, với tượng thờ vua Lê Thánh Tông và 2 cận thần văn võ của vua ở 2 bên là Đông các Đại học sĩ, Lễ bộ Thương thư Thân Nhân
Trung, tác gia danh ngôn bất hủ “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia”năm 1495 và Thái úy Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung, người đã đánh
tan giặc ở Khả Lặc năm 1467, được vua giữ lại làm Trấn thủ An Bang), qua nhiều đời Bí thư Tỉnh ủy, đến đời ông Vũ Đức Đam thì công trình được
khởi công, đời ông Phạm Minh Chính thì hoàn thành, khai trương dịp Kỉ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh ( 30/10/1963 – 2013). Bản sách đồng để
tại Công trình văn hóa này cũng do tôi nhuận sắc từ văn bản ban đầu của Thạc sĩ Hoàng Quốc Thái, Phó Giám đốc sở Văn hóa Quảng Ninh.
Tôi rất nhớ và biết ơn ông Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và
ông Vũ Hồng Thanh, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long ( hiện nay là Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội)
đã vào cuộc. Tôi đã trình bày khá kĩ những việc này trong tập chuyên luận Đi tìm sự thật, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Hội Nhà
văn ấn hành năm 2017.