Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         

tranh của cố họa sĩ Lê Phổ

ĐI QUA MIỀN NHỚ


E m. Tình cờ được gặp. Tình cờ được quen. Tình cờ được biết. Và tình cờ tôi được ghi tên em vào miền nhớ…Em hồn nhiên nhưng em chẳng một phút bình yên.

Tôi hơn em những năm tuổi. Tính ra thì tuổi tôi và tuổi em thuộc “tứ hành xung” trong âm dương ngũ hành như cách người đời vẫn dò xem để loại trừ đối tượng hợp tác làm ăn và kết duyên. Ừ! Nếu thế thì tôi an tâm vì tôi vẫn hai bàn tay trắng nên việc hợp tác làm ăn là ngoài dự định, tôi và em cùng giới nên việc kết duyên một ngàn năm nữa cũng không. Tính tôi không dễ cũng chẳng khó. Không xét nét nhưng lại hay để ý chuyện người khác. Có lần em rủ tôi đi cùng ra trụ sở công an phường để làm thủ tục tạm trú, tạm vắng không nhỡ ra họ đi kiểm tra không có giấy tờ lại ư hử mất năm mươi nghìn, một nửa tiền ăn trong tuần chứ bộ. Con người dù là ai, ở đâu, làm gì, già hay trẻ, trai hay gái cũng phải có giấy tờ tùy thân. Nó là sự mã hóa cho sự tồn tại của cá nhân trong cộng đồng. Là minh chứng cho sự vô tội vạ. Sở dĩ tôi nói điều này vì có lần đọc báo thấy chuyện mấy anh công an đẹp trai vác gậy đi bắt mấy cô ả õng ẹo gọi khách dọc đường Bưởi nhưng vô hiệu vì mấy cô ả xòe ra đầy đủ nào chứng minh, nào giấy tờ tùy thân và còn câng mặt lên thách đố “Tui, đứng chờ bạn đó!” . Đành chịu! Thương là thương mấy anh công an đang đêm đang hôm, ngủ chưa đẫy giấc, lọ mọ dậy, vợ thì nguýt dài nguýt ngắn thế mà rốt cuộc tay không lại về. Thà cứ như mấy bà già đầu ngõ, dù bận nhai trầu và húi hụi rót nước chè xanh vời khách nhưng cứ thấy thấp thoáng bóng áo xanh nào là nhanh nhảu “Chú ơi! Vào đây uống ngụm nước cho mát lòng”. Nên dù có biết hàng nước của bà sai 100 % vì tội lấn chiếm lề đường thì cũng đành nhắm mắt xuôi tay vì ai nỡ bắt một bà già bảy mươi kiếm ăn ngày được dăm mười ngàn. Âu cũng là người! nhưng chỉ cần một câu nói cũng nhẹ bớt cả cõi lòng. Em – nhân vật của tôi, sau một ngày hai tiếng đi hỏi thủ tục để tạm cư trong xóm đã rủ tôi đi cùng đến trụ sở công an để làm tạm trú, tạm vắng.

- Nộp hai mươi ba ngàn và ký vào đây!

- Dạ vâng ạ!

- Nhớ là về kê khai và xin dấu xác nhận của nhà trường cho đầy đủ, kèm theo phôtô chứng mình thư và 2 ảnh 4×6 gần đây nhất và một tuần sau mang đến nộp.

- Sao lại 2 ảnh à chú?

- Hai ảnh là hai ảnh chứ muốn mấy ảnh.

- Dạ! vâng ạ. Cháu chào chú.

- Chị nhớ không nhầm năm ngoái chị làm mua mọi giấy tờ hết có mười hai ngàn thôi em à!

- Vâng. Năm nay có lẽ xăng tăng giá chị à!

- Ờ! Biết làm sao.

Một tuần sau. “Này cháu! Giờ ngồi điền đầy đủ thông tin vào tờ này”. “ Cho cháu mượn cái bút được không chú”. Và thế là em hí hoáy ngồi viết. Lạ. Tôi thấy lạ. Cách đây hai tháng mười một ngày hai tiếng, em đến xóm tôi để thuê phòng, từ ngày đó đến tận xẩm tối hôm nay có bao giờ tôi nghe em nhắc hay kể gì về bố đâu. Tôi cứ ngỡ bố em đã mất. Vì nếu làm một phép suy ra thế này là biết. Chị gái em về quê mới lên đến thăm em và bảo “Hôm nọ chị về nhà, mẹ đạp xe ra bến đón. Dạo này mẹ gầy lắm! Hôm nào cũng thế mẹ nấu cơm trưa và để chiều ăn luôn. Biết chị về nên mẹ làm gà, con bị què chân ấy! Có để một phần rang đưa lên cho em đấy”. Nếu có bóng hình người đàn ông trong nhà chắc căn nhà không quạnh vắng đến như vậy. Thế mà mười mươi tôi nhìn thấy rõ là em khai: Họ tên bố: Dương Văn C. Quê quán: Bình Lục – Hà Nam. Nghề nghiệp: Nông dân. Tuổi: 46…Ơ! Rõ ràng là có bố. Cuối cùng sự băn khoăn của tôi cũng được giải đáp trên đoạn đường về nhà nực mùi hoa sữa bên cạnh con mương đen sì. Tôi lựa lời hỏi “Thế bố mẹ em năm nay khoảng bao nhiêu tuổi à em?” . Thế là em kể. Bố em bỏ đi vào ngày mẹ sinh em ra. Em là con gái thứ ba, sự dư thừa ngoài niềm hi vọng một đứa con trai nối dõi tông đường của bố. Mưa dầm dề thối đất thối cát, mưa xối xả trên mái nhà tranh dột nát, mưa làm em lạnh và thiếu tình cha ngay vừa khi mới cất tiếng khóc đầu tiên. Từ ngày đó đến giờ chưa một lần em gọi tròn vành môi một tiếng “bố” mặc dù có nhiều lần ông ghé xe qua thăm nhà cho tấm quà miếng bánh. Ông vẫn làm nghề lái xe thuê. Bốn mẹ con bươn chải nắng mưa để tồn tại. Mẹ em là con dâu trưởng, ở cùng nhà với ông bà nội đã già yếu nên hầu như mọi sự chăm sóc đều một tay mẹ cáng đáng. Dù thế nào bốn mẹ con cũng nhường bát cơm trắng cho ông bà già yếu. Phần gạo đỏ quạch còn lại chừng nửa bát cũng đổ đầy nước nấu cháo. Thế cũng đủ cho bốn mẹ con xì xoạp ấm cúng bên nhau trong mùa đông giá buốt. Rồi cũng qua những năm tháng tuổi thơ không mấy yên bình. Chưa một lần em dám mơ được xỏ một chân thôi vào chiếc váy xanh ba tầng mà mấy đứa bạn cùng lớp trên phố hàng ngày vẫn mặc. Chưa một lần em được ngậm chiếc kẹo mút nhiều màu dù nó chỉ hai trăm đồng lẻ. Chưa một lần em được bố đèo xe đạp đến trường dù nhà cách xa trường đến năm cây số…

Ngày em đỗ vào đại học. Mẹ khóc. Vui mừng là một nhẽ nhưng cũng từ đây mọi thứ sẽ khó khăn hơn. Gần rằm tháng bảy, chị gái em đến bảo “Hôm qua bố bảo chị đến nhà chơi. Bố có hỏi thăm em. Hay cuối tuần sau chị em mình đến nhé!” . Em chẳng nói chẳng rằng chỉ thở dài một tiếng thuồn thuột. Tôi tự hỏi nếu ông ấy ở Hà Nội, dù thế nào con cái mới lên cũng lạ nước lạ cái sao không đến thăm chứ? Chỉ một lời an ủi , động viên cũng quý giá và thiêng liêng. Em vẫn cất tiếng hát trong những lúc rửa bát, nấu cơm. Tiếng hát bi ai của kẻ du mục trên hành trình đi tìm chốn địa đàng trong ca từ Trịnh Công Sơn. Đắng chát. Não nề. Trừ khoảng thời gian đó rỗi ra còn lại em cắm cụi học. Học ngày học đêm. Sáng dậy từ khi gà chưa gáy, tối ngủ lúc gà đã ò…ó…o.

Đêm. Khuya lắm. Trăng chênh chao một góc cuối trời. Em ngồi khóc một mình ngoài sân.

- Chị ơi! Em có lỗi…

- Bình tĩnh, có chuyện gì vậy em?

- Em có lỗi…chị gái em nhắn tin bảo ông ấy dạo này gầy yếu lắm! Giờ ông cùng dì và các con phải thuê một căn nhà lụp xụp tận Văn Điển. Sức yếu nên không đi lái xe thuê được nữa. Dì ấy vẫn nhiếc móc ông…Em ngồi học mà không thể tập trung được. Hình ảnh ấy ám ảnh em. Em đã ghét cay ghét đắng không nhìn mặt từ bé mỗi khi ông ghé qua nhà… Thế mà giờ đây em hụt hẫng như rơi vào vực thẳm, không biết thế nào nữa. Em giận bản thân em...

- Thôi em đừng buồn nữa, em cố gắng học tốt, rồi khi nào có dịp thì đến thăm bố.

Cuối tuần em thấp thỏm, hết đi ra lại đi vào, hết mặc áo phông rồi lại vào thay sơ mi trắng cổ bồng. Rốt cuộc thì ở nhà. Vì một lí do đơn giản “Đường Hà Nội loằng ngoằng, một mình đi sợ lạc”. Mười chín năm em đã lạc tình cảm thiêng liêng nhất. Mười chín năm em ám ảnh ngày em sinh ra mưa dầm dề, nhà nhão nhoét nước mắt với dấu hỏi cong veo “Nếu em là con trai chắc ông không bỏ đi? Nếu em là con trai mẹ và các chị sẽ không khổ? Nếu em là con trai nhà em sẽ không bị dột? Nếu em là…”.

Chiều cuối đông. Nắng chưa kịp tắt. Gió chưa kịp thổi. Cây chưa kịp nảy mầm…Giọng bà hàng xóm ngọt hơn nước mía mới ép, dài hơn câu hát chầu văn xưa “Này! Xóm bên ai là Kiều sang nghe điện thoại! Nhanh lên con kẻo người ta chờ…”. Ngọt là ngọt thế chứ cứ nghe xong một nghìn đồng mà trả gọi là phí hao mòn điện thoại và phí gọi vọng sang. Cũng chẳng là bao vì nhiều khi người ta nhịn ăn để nuôi dưỡng tinh thần. Người ta nhịn ăn để mặc một cái áo mới ra đường dù chỉ là hàng hạ giá. Và em cũng thế, thủng thẳng đi. Bà hàng xóm đứng ngó nghiêng xem có chuyện gì không để đúng 12 giờ trưa mai còn có cái mà chạy sang nhà bà Lộc chổng mông buôn chuyện. Cũng là để thắm thêm tình làng nghĩa xóm, có chuyện thì chia sẻ dù là chuyện đẩu đâu. Hôm có điện thì hai người, chứ hôm mất điện chẳng cần loa đài cũng nhung nhúc đầy sân, rôm rả phải nói. Kể cũng vui tai. Nghe xong điện thoại, em về. Mắt sâu và trong hơn. Em khẽ nói nhỏ với tôi “Ô...ng...ấy gọi và bảo ngày mai em ở nhà, ... sẽ cùng chị đến thăm em”. Tiếng “ô…ng” như sắp vỡ toang và tôi hiểu trong ánh mắt ấy tiếng “bố” đã tròn dần nơi khóe môi. Mười chín năm em tập đánh vần duy nhất tiếng “bố” không biết ngày kế sau em có thể phát âm lưu loát không? (Bởi ngày ấy tôi có việc bận, không ở nhà nên không biết mọi chuyện diễn biến thế nào).




VVM.05.1.2024

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .