T
uổi gần sáu mươi với một lão nông chi điền như ông Nhân thật hiếm. Mỗi bữa ông ăn bốn bát cơm đầy, sáng nào cũng lót dạ ba, bốn củ sắn luộc bằng cái cán cuốc hay đĩa khoai lang ú hụ, tu hết nửa ấm chè xanh mới cầm con quắm lên đồi. Đồi Hà ở cách làng Tầm gần hai cây số. Dăm thì mười họa ông mới lần ra ngoài làng, ấy là lúc có việc cần kíp không thể gọi, nhờ ai được. Ông trở thành dân làng Tầm hơn ba chục năm trời. Ngày ông đến nơi này là đồi hoang lau lách um tùm, dưới bềnh lầy toàn sậy cao vút đầu người. Một mình ông với căn lều che vội bằng lá cọ. Tài sản là hai cái xoong gang ông Tiệp cho và con Mực bằng cổ chân. Hôm dẫn ông ra nhận đồi, ông Tiệp trách móc :
- Cái thân làm tội cái đời. Vợ chồng tôi muốn anh ở trong làng, không đi đào giếng thì theo tổ làm ruộng. Bây giờ ra đây đồng không mông quạnh, chán chưa ?
Nhân đứng ở mô đất cao, đưa mắt nhìn xung quanh một lượt rồi phân bua :
- Em ơn anh chị nhiều. Em ở được cái làng này, có việc làm là mừng lắm. Nếu không có anh chắc bây giờ em lặn không sủi tăm, không khéo mất xác chứ làm gì có đất mà ở thế này !
Ông Tiệp vỗ vai Nhân cười phớ lớ :
- Cậu đúng là Nhân “hâm” không sai. Thôi tớ về đây, nhớ tối mò về mà ăn cơm nhé !
Trưa, nắng đầu đông căng căng da mặt. Nhân chặt hai tàu cọ cắm xuống đất làm mái che nắng, dải một tàu làm chiếu và dở xoong cơm độn khoai ăn ngấu nghiến. Ăn xong Nhân chạy xuống chân đồi khoét chỗ đất ướt nhẹt, ngoáy cái vũng bằng chiếc mũ cối, chờ từng tí nước rỉ ra. Lấy hai tay vụm, Nhân uống căng bụng và quay lại cái lều tạm bợ lăn ra ngủ. Hàng ngày Nhân hùng hục phát cỏ, chặt cây quên cả ánh hoàng hôn đã phủ khắp núi đồi. Trời nhá nhem, Nhân mới bước thấp, bước cao về ngoài làng. Cơm nước xong, ông Tiệp dặn:
- Tớ phải đi họp bàn về đưa dân công đi phục vụ hỏa tuyến. Cậu cứ ngủ trước, không phải đợi mở cổng đâu!
Thấy ông Tiệp nói thế, mắt Nhân sáng lên, chạy đến nắm tay ông van vỉ :
- Anh ơi, hay anh xin cho em đi có được không?
- Cậu ngớ ngẩn à. Cậu có phải dân bản xứ đâu. Dân công hỏa tuyến cũng chọn lý lịch, thành phần cơ bản. Với lại cậu cụt mất ngón tay cái ai họ nhận. Tớ nói mãi ủy ban mới đồng ý giao đồi Hà cho chú trông coi đấy!
Nhân chưng hửng, anh nằm sóng xoài trên chõng, ngửa mặt nhìn trời đếm sao và nghĩ lại đời mình...
- Này, tớ hỏi thật nhé. Đằng ấy trông cũng chẳng đến nỗi nào, vậy sao không chụi lấy vợ. Bọn con gái đàn bà làng Tầm bảo cậu chỉ biết đào ngoách đất là giỏi còn chẳng biết cóc gì nữa!
Nghe ông Tấn hỏi vậy, Nhân chỉ cười. Từ ngày Nhân vào ở trong này, chỉ có ông Tấn trưa nào cũng xua đàn trâu lên rừng rồi quay về nằm dài ở lán của Nhân. Những câu chuyện ông Tấn kể toàn không đầu, không đuôi nhưng nhiều nhất là những câu chuyện xung quanh anh thợ đào giếng làng Tầm...Họ kháo nhau có khi Nhân là việt gian, hay chốn bộ đội chạy lên đây. Mấy năm Nhân chỉ ở nhà ông Tiệp chủ nhiệm HTX, anh nhận đào giếng lấy nước ăn cho làng trên, xóm dưới. Dù làm gần hay làm xa, tối nào Nhân cũng về nhà ông Tiệp ngủ. Chiến tranh lan ra miền sơn cước này đã mấy năm rồi. Thanh niên trai tráng ra trận hết, làng toàn người già và những cô gái nhỡ thì. Nhìn thấy Nhân với cơ thể chắc như cây lim, chân tay cuồn cuồn nổi từng bắp thịt, các cô giấu mặt vào nhau khúc khích :
- Anh Nhân ơi, giếng nhà em nước chưa về. Anh có giúp được không ?
- Anh Nhân ơi, nhà cái Cúc hai tám năm nay miệng giếng bị lấp anh có thông được không ?
Nhân hiền, chẳng biết đối đáp thế nào chỉ cười chừ. Bà Thao vợ ông Tiệp lại phải đuổi lũ tiểu yêu tinh quái bằng những câu sỗ sàng nhưng âu yếm :
- Tổ cha chúng mày muốn đào, muốn thông thì mang gà gạo sang đây, tao nói hộ cho !
Nhiều đêm ông Tiệp cũng rủ rỉ bên tai :
- Cậu ưng đứa nào làng này, vợ chồng tớ đứng ra lo liệu cho. Lấy vợ xong bỏ quách cái nghề đào giếng thuê, không lấy vợ dễ trở thành hâm hấp đấy. Năm nay cậu cũng ba mấy tuổi rồi còn sớm gì đâu !
... Nhà Nhân có hai anh em. Bố mẹ mất khi Nhân chưa đầy năm tuổi. Đến năm Nhân mười bảy thì anh Tình lấy vợ. Chị dâu là người khác làng, hơn Nhân một tuổi. Chị nết na, thương hoàn cảnh hai anh em côi cút mà nhận lời lấy Tình. Từ ngày về nhà chồng, chị phải tối mặt, tắt mũi làm lụng. Lấy nhau được nửa năm trời, anh Tình nhập ngũ. Thời buổi chiến tranh, chẳng ai nghĩ xa gần. Căn nhà ba gian bố mẹ để lại chỉ còn hai chị em. Anh đi rồi Nhân bỏ học, vào đội thủy lợi xã. Nhân đi từ sáng tới đêm mới về nhà. Có hôm làm xong, tiện thể anh ăn cơm với bạn rồi đi xem chiếu phim tận trên huyện. Được cái hai chị em thương nhau, nên nhà không to tiếng bao giờ. Chị dâu cứ lầm lũi tháng này qua năm khác, khắc khoải chờ tin. Nhân thương chị vì mải làm đen sạm cả người. Nhiều đêm Nhân đi chơi về khuya lắm vẫn thấy chị ngồi sàng gạo. Nhân lăn ra ngủ một giấc no nê, bừng tỉnh nhìn bếp rực lửa, anh lò dò ngó thấy chị dâu gục đầu trên gối, trông nồi cám lợn. Anh Tình đi Nam đã bốn năm chưa một tin về. Mỗi lần thấy ông Cam bưu tá qua nhà, chị chạy xô ra ngõ. Ông lặng lẽ lắc đầu, chị lững thững bước vào ngồi bệt xuống bậu cửa thở dài. Nhiều hôm Nhân về nhà, nhìn thấy chị ngơ ngẩn như người mất hồn. Thương em chú đi đào đất suốt ngày, chị kín đáo lau nước mắt vào bếp thổi cơm. Cơm chín, chị lên giường nằm khóc tấm tức cho tận khuya. Mưa. Tiếng nước từ chỗ thủng của mái tranh chỗ chị nằm chảy xuống chiếc chậu long tong lúc thưa, lúc mau. Tiếng thút thít từ trong buồng chị to hơn tiếng nước mưa rơi vọng ra, Nhân lo lắng hỏi vọng vào :
- Chị Lan, hay em ra trạm xá gọi chị Sâm nhé ?
- Không cần đâu, tôi xoa dầu rồi. Nhân cứ ngủ đi !
Nhân căng tai nghe, những giọt nước vẫn lanh canh rơi xuống chiếc chậu trong buồng chị, nỗi lo xen nỗi buồn vô cớ dàn dạt trong lòng Nhân. Nếu không có chiến tranh bây giờ chị đã con bế, con bồng. Nếu không bây giờ Nhân cũng lấy vợ từ lâu. Hoàn cảnh nhà làm cho anh day dứt. Nhân lấy vợ rồi, chẳng lẽ để chị ở một mình, đi ở riêng biết lấy đâu tiền lo làm nhà cửa. Nhân lên xã xin nhập ngũ, nhưng gia đình anh vậy nên được ưu tiên mới khổ. Xã đã mấy lần tổ chức lễ truy điệu cho các anh đi cùng đợt với anh Tình đã hy sinh, mỗi lần như vậy chị lại nhịn cơm nằm bệt trên giường. Linh tính như mách bảo điều gì, nhưng Nhân chẳng giám nói ra... Tiếng nấc của Lan càng về khuya càng to hơn cả tiếng mưa rơi. Nhân vùng dậy thắp đèn, ngọn lửa leo lét cố bám trên đầu sợi bấc đã sắp hết dầu tạo ra thứ ánh sáng chập chờn. Nhân lại hỏi :
- Chị đau thế nào ?
- Tôi khổ lắm Nhân ơi. Giá mình chết được còn sung sướng hơn !
Nghe Lan nói vậy, anh biết chắc nghiêm trọng lắm. Nhân cầm đèn dò dẫm đẩy cửa buồng chị. Nhờ ánh sáng lúc mờ, lúc tỏ anh thấy Lan nằm ngửa, hai tay dang rộng, mái tóc dầy và dài đổ xõa trên chiếu. Nhân để chiếc đèn dầu ở cửa, đứng như trời trồng, miệng ấp úng. Lan vẫn nằm nguyên tư thế, đôi vai rung lên bần bật. Chị khóc. Những giọt nước mắt khát khao đổ ra gối. Những giọt nước mắt dồn tụ trong lòng người con gái dở dang chuyện ái ân cứ ứa ra không sao ngăn được. Tiếng rên nho nhỏ như kéo người ta lại với mình. Nhân mạnh dạn ngồi ghé ở mép giường, anh khẽ chạm cánh tay lực lưỡng vào bờ vai chị dâu:
- Tôi đưa chị xuống trạm xá nhé ?
- Nhân cứ để tôi khóc cho thoải mái !
- Việc gì phải khóc !
- Khóc trước cho số phận mình đi là vừa !
- Chị nói gì tôi chẳng hiểu !
Bỗng Lan choàng dậy, bấu vào bờ vai Nhân rồi như người không xương sống, chị đổ vào ngực Nhân. Miệng nói lắp bắp :
- Nhân ơi, mấy đêm nay tôi nằm mơ thấy anh Tình về. Trên người anh quấn đầy vải trắng như bông. Anh bảo nóng quá gỡ ra hộ cho anh, tôi sợ mà không giám nói cho Nhân biết !
Nhân thoáng rùng mình nhưng lại định thần ngay. Anh gỡ tay Lan, từ từ đẩy chị dâu nằm xuống :
- Thôi chị nghĩ nhiều nên mơ mộng lung tung. Thế chị đau đớn ra sao mà bỏ cơm mấy bữa nay ?
Lan lại nằm ngửa xuống giường, chỉ tay vào bụng, mắt nhắm nghiền, miệng nói ráo hoảnh :
- Chỗ này như muốn bục ra , chẳng biết tội tình gì đây !
Lan với hộp cao sao vàng, tay run run đưa cho Nhân và vẫn nằm ngửa ềnh ệch, vén áo hở bụng trắng lốp. Nhân luống cuống, đánh rơi hộp dầu. Anh quay lại lấy đèn soi dưới chân giường. Đèn bị gió lùa tắt phụt, Nhân lẩm bẩm : “ Đèn với dầu chán bỏ mẹ ”. Lan khe khẽ nói:
- Thôi tìm làm gì, trên này còn một lọ nữa, xoa thật nhiều cho tôi !
Nhân bật máy lửa xoèn xoẹt, bàn tay Lan đang chìa về phía anh. Nhân tưởng Lan đưa dầu, anh cũng đưa tay ra cầm. Một bàn tay Lan túm chặt, rồi cả hai cánh tay Lan níu lấy người anh. Nhân hẫng chân đổ gập, đè lên cơ thể của Lan. Khắp thân thể Nhân như có lửa nóng dần dật. Hai cánh tay Lan như sợi chão mỗi lúc càng thít chặt anh hơn. Miệng Lan hổn hển : “ Nhân ơi, tôi chết mất. Nhân có thương tôi không? ”...
Sau cái đêm định mênh ấy, người làng bỗng Nhân mất tăm. Người ra kẻ vào đến hỏi Lan, cô nằm trên giường như một cái xác vô hồn. Đôi mắt Lan đờ
đẫn nhìn về phía có người, khẽ lắc đầu. Khi bóng đêm về, Lan có trườn ra khổi căn buồng tối tăm thắp một nén hương trên bàn thờ, lẩm mhẩm gọi
tên chồng, tên Nhân. Vết máu khi Nhân kề bàn tay lên bậc cửa để chặt ngón tay cái trước ngày anh bỏ ra đi chảy loang trên nền đất vẫn còn đọng
lại tím bầm. Lan khóc vì tội lỗi, khóc vì cô đơn và vô vọng... Nghe tiếng con mực sủa, ông Nhân đang ở sau nhà biết có người lạ đến. Ông bỏ cuốc vòng qua đầu hồi vào sân, đã thấy ông Hùng với một cô gái chừng tuổi ba mươi ngồi ở chiếc chiếu dải trên hè. Cô gái nhìn ông như nhìn vật lạ, tự nhiên ông Nhân thấy người râm ran. Ông chào khách và vào bếp cầm tích nước chè xanh mới ủ.
- Cháu mới về chơi với bác Hùng à ?
Cô gái im lặng, chớp chớp mắt. Khuôn mặt đang ửng hồng bỗng tái đi. Cô cởi chiếc ba lô du lịch xuống chiếu, lao lại ôm chầm lấy ông Nhân. Miệng cô run lên khi cất tiếng gọi : “ Bố ơi! ”. Ông đờ đẫn, nhìn ông Hùng ngơ ngác. Cô gái cứ túm chặt lấy vai ông nức nở : “ Sao bố bỏ mẹ con con mấy chục năm trời ?”.
Để lúc cô gái còn thút thít, ông Hùng nhấp ngụm nước, thong thả diễn giải :
- Nghe anh kể câu chuyện đầy khúc mắc của đời mình. Dù đã hai, ba năm nay nhưng tôi không sao yên dạ được. Thú thật với anh, nửa tháng trước tôi liều viết một lá thư gửi về cho chị Lan theo địa chỉ xem trộm trong cuốn sổ nhàu nát của anh. Không ngờ thư đến nơi, cháu Thương đã lên nhà tôi mấy ngày rồi. Tôi nghĩ mãi và quyết định đưa cháu vào gặp anh. Việc tôi làm đã trái với qui ước của hai chúng mình đêm ấy. Anh giận tôi cũng phải chịu !
Ông Hùng vừa nói dứt lời, ông Nhân ôm lấy cô gái khóc dòng dòng. Ông nghĩ đến nước này, nghĩa là trời không cho ông trốn tránh kiếp làm cha . Ông đưa bàn tay xương xẩu vuốt những dòng nước mắt trên khuôn mặt gồ ghề như củ khúc khắc của mình. Giọng run run:
- Thương ơi, mẹ con con có tha tội cho bố không ?
- Bố ! Ngày nào mẹ cũng gọi tên bố. Mỗi lần thắp hương cho bác Tình, mẹ lại kêu nhờ bác khôn thiêng tìm hộ bố về !
Nghe thấy Thương nói vậy, ông Nhân vật người xuống đất, miệng kêu trời. Bây giờ ông mới biết ông bỏ nhà ra đi được ba năm thì đơn vị báo tử anh trai mình. Và cũng bây giờ ông mới hay suốt ba mươi năm qua mẹ con Thương sống trong cay cực và tủi nhục trước đòn miệng của làng trên, xóm dưới. Vì ông mà con bé chưa kiếm được tấm chồng...Ông Nhân cứ nấc từng cơn, cổ họng như bị cái gì nút lại. Thương vuốt tấm lưng đã gù của bố. Cô cầm bàn tay trai sần của ông đưa lên ấp vào má mình. Cô nhận ra bàn tay trái mất ngón cái như lời mẹ Lan tả, nhưng Thương không thể biết vì sao. Hai dòng nước mắt của cô gái tuổi xấp xỉ ba mươi chảy ướt bàn tay của người cha biệt xứ...
Chiều. Từng đàn cò dang cánh xà trắng mấy quả đồi tre. Thương rửa mặt rồi đứng nhìn bầy cò gọi nhau về tổ. Ông Hùng đến bên, đưa tay chỉ :
- Tất cả công sức của bố cháu hơn hai chục năm nay đấy. Bố cháu đã làm quên ngày, quên đêm, quên đau đớn tủi nhục và lỗi lầm. Bố cháu đã biến rừng hoang vu thành những đồi tre bạt ngàn. Bây giờ dân làng Tầm gọi chỗ này là đồi hoa!
- Cháu có thấy cây hoa nào đâu ạ !
- Cháu nhìn kỹ đi. Mấy quả đồi này cò đậu trắng như hoa đấy thôi. Từ ngày có vườn tre của bố Nhân trồng, cò ở bốn phương tụ về đây sinh sống quanh năm. Đấy là hoa của trời cho bố cháu và cho cả làng Tầm này đấy. Mai bác bảo anh Hoàn, em Hương nhà bác đưa cháu đi nhặt trứng cò!
Ông Hùng đã về ngoài làng. Ông Nhân hí húi nướng xiên cá quả. Ông nhất định không cho Thương làm bếp. Thương đứng ở sân, ngắm nhìn những đàn cò trao cánh trong ánh hoàng hôn. Cô thầm nghĩ bố Nhân đâu phải một người vô tích sự như dân làng Yên nói. Con Mực đến làm quen, nó cứ chúi cái đầu vào chân Thương. Bỗng cô ngây ngô hỏi bố :
- Bố, sao bố không nuôi vài ba con chó cho đông đàn ?
- Hai mấy năm vào đây ở, bố chỉ nuôi một con làm bạn thôi. Con mẹ già chết lại nuôi con con. Con con chết rồi, đây là con cháu đấy !
Nghe ông Nhân nói, Thương lại ứa nước mắt. Đời người như bóng chim câu. Cô nhíu mày nhẩm tính : “ Thế mà bố đi đã ba mốt năm rồi ”.
Hơn ba mươi năm, ông cùng một con chó sống bên những rừng tre xanh do chính tay mình trồng nên để dụ những đàn cò trắng về sinh sống.
Thương lại hỏi bố : “ Dưới quê có một dạo cò cũng đậu trắng đồng, nhưng bỗng chúng đi đâu biệt tăm. Hay chúng gọi nhau về trên này hả bố ?”.
Ông Nhân để thức ăn trên chiếc mâm, bảo con đem ra chiếu. Ông bưng nồi cơm, đứng nhìn những con cò cuối cùng về tổ và trả lời con gái :
“ Người ta bảo đất lành chim đậu con ạ, vài hôm nữa con về đón mẹ Lan. Đất này với bố nặng nghĩa, nặng tình lắm con ạ!” -./.
VVM.26.12.2023-NVA