Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ÔNG GIÀ NOEL HẬU ĐẬU



Mời qúy vị mở nghe Mon Beau Sapin và Il Est Né le Divin Enfant

     T rước kia, các bệnh viện vẫn chia phòng bệnh nhân nam nữ riêng biệt, để thuận tiện trong chữa trị lẫn sinh hoạt.

Chỉ từ ngày dịch Covid làm gia tăng ca bệnh, khoa phòng nào cũng quá tải, gây lúng túng trong điều hành, (hoặc do tư duy ban giám đốc cho rằng: các bệnh nhân cao tuổi dù nữ hay nam cũng đều hom hem, nhăn nhúm, bèo nhèo… y hệt nhau, chẳng có gì phải ngại ngùng phân chia cho rách chuyện?). Ca bệnh tăng mà phòng ốc vốn chỉ có bấy nhiêu, nên hễ trống giường nào thì đẩy bệnh nhân vào thay thế, cho gọn!

Do đó, hai ông bà già kia mới nằm chung một phòng bệnh hai giường.

Để xứng đáng với giá cả đưa ra, diện tích phòng khiêm tốn cũng được trang bị đầy đủ tiện nghi: máy lạnh, tủ lạnh, tivi, tủ áo, sofa, bàn ăn, máy nước nóng lạnh… Vì thế khá chật chội. Hai giường bệnh kê song song, cách nhau chẵn chòi một thước.

Thoạt đầu, hai ông bà già cùng cảm thấy ngại ngùng, lướng vướng, khó chịu thế nào. Nói tóm tắt, cảm nghĩ của người này về người kia chẳng có gì hay ho cho lắm.

Cả hai mang hai bệnh khác nhau của cùng một tuổi già. Đang chăm sóc ông già là một chàng trai trẻ. Còn đi theo bà già là cô bé chừng 13, 14 tuổi thôi. Chắc là con cháu của hai bệnh nhân.

Vừa được đẩy vào phòng, bà già đã rùng mình, rụt vai, cúm rúm kêu “Lạnh… lạnh quá!” Ấy là trên người có mặc áo len khá dày rồi đó.

Máy lạnh đang ro ro chạy được cô bé thỏ thẻ yêu cầu bấm nút tắt. Chàng trai liếc ông già thăm dò, thấy ông không tỏ dấu phản đối, mới lặng lẽ làm theo ý cô bé. Anh ngầm hiểu thế này là khó cho cả ông lẫn anh rồi. Không mở máy lạnh, ông già không ngủ được. Bức bối. Trăn trở. Thao thức. Dĩ nhiên lôi kéo anh mất ngủ theo.

Bà già vừa nằm lên giường, thì cửa phòng bệnh mở toang. Một cô điều dưỡng đầu đội mũ trắng, đứng ngoài hành lang nhìn vào, cất giọng lanh lảnh, gọi to:

-Bệnh nhân Lã Thị Hiếu Hiền Thảo!

Giọng cô điều dưỡng sao mà tốt thế, sang sảng chấn động, làm ông già cũng phải giật thót, hai bàn chân ngọ nguậy liên tục như kiến cắn.

Cô bé vội ứng tiếng:

-Dạ, có đây cô!

-Từ bây giờ, cho bệnh nhân Lã Thị Hiếu Hiền Thảo kiêng tuyệt đối, không được ăn bất cứ thứ gì. Để sáng sớm mai bắt đầu uống thuốc xổ súc ruột, chờ mổ.

Cái tên hiền lành tuy có chút trúc trắc được cô điều dưỡng xướng lên hai lần, khiến bà già vừa bực vừa… ngượng. Bà liếc nhanh giường bệnh bên cạnh, rồi thì thào hỏi cháu:

-Gọi tên thôi không được sao, phải réo hết một dây ra thế?

Cô cháu cũng thì thào trả lời:

-Người ta cẩn thận để tránh nhầm bệnh nhân này với bệnh nhân kia, bà ạ.

Bà già không thỏa mãn lời giải thích ấy. Hừ, dễ gì cùng một thời điểm, lại có hai người mang cái tên khó “đụng hàng” giống hệt nhau? Nhầm thế quái nào được? Lo hão! Tào lao!


Hai chân bà già yếu quá, đi không vững, phải dùng xe lăn. Mỗi lần cần di chuyển rất vất vả cho cô cháu mảnh mai yếu đuối.

Rất may là lần nào ông già tinh ý cũng đoán trước tình huống, kịp giục chàng trai giúp cô, bồng bà già từ giường đặt xuống xe lăn, hoặc từ xe lăn đặt lên giường. Anh ta cao lớn, khỏe mạnh, việc giúp đỡ cỏn con ấy chẳng là cái đinh gỉ gì!

Hai ông cháu này rất tốt, nhiệt tình chỉ dẫn mọi điều cho cô bé còn bỡ ngỡ. Nhờ vậy, chẳng mấy chốc, hai giường bệnh đã thiện cảm với nhau. Tối đó, hai người nuôi bệnh đã có thời gian hỏi và kể cho nhau khá nhiều chuyện, dù chỉ xoay quanh căn bệnh của hai ông bà già mà họ có nhiệm vụ chăm sóc.

Những gói thuốc xổ tanh nồng mùi sắt mùi đồng làm bà già nôn thốc nôn tháo, tới mật xanh mật vàng. Khổ nỗi, không thể không uống. Nôn gói này thì bổ sung gói khác. Đường tiêu hóa buộc phải được tháo sạch trước ca mổ, đúng hạn định.

Thật vô cùng bất tiện cho bà già khi phải liên tục ra vào toilet. Dù đa số thời gian ông già chỉ ngủ, chăn kéo tới mang tai, mặt quay vào tường thì bà vẫn hết sức ngại ngùng, cảm tưởng cặp mắt hiếu kỳ của ông luôn kín đáo quan sát bà.

Nếu không ngủ, ông già sẽ vịn vai chàng trai, dò dẫm từng bước ra ngoài dãy hành lang, ông bảo để vận động cơ chi một chút. Đi dăm bước đã mệt, ông ngồi xuống băng ghế, đầu ngặt nghẽo, mắt lim dim như lơ mơ ngủ. Có phải ông muốn nhường cả không gian phòng bệnh cho bà già thoải mái, hay đơn giản, ông muốn tránh để khỏi thu vào mắt những hình ảnh chẳng nên thơ chút nào?

Ba ngày sau ca đại phẫu, bà già vẫn chưa đủ sức ngồi dậy. Tay chân run lẩy bẩy. Đầu váng. Mắt hoa. Ăn vài muỗng cháo loãng cũng đầy hơi chướng bụng, óc ách cả ngày trời. Nỗi khổ như nhân đôi, khi bà phải cắn răng chịu đựng, đau không dám rên, mệt chẳng thể nhăn nhó.

Tối đó, chắc đã đủ lượng thuốc nên thấy bà già dễ chịu hơn, đêm có lúc ngủ yên.

Ông già ngồi tựa lưng vào tường, hết quan sát bà già, lại tủm tỉm cười ngắm đôi bạn trẻ nuôi bệnh đang ngủ ngon lành trên hai cái chiếu trải khá gần nhau. Ông hóm hỉnh tự hỏi, không biết có lúc nào đó hai đứa cùng một lúc vô tình xoay người, để rồi… vồ vào nhau?

Con bé lúc ngủ nhìn ngây thơ, đáng yêu quá. Hẳn nó di truyền từ mẹ hay bà nội bà ngoại nó ngày xưa, nét hồn nhiên, dịu dàng và trong sáng.

Đang vẩn vơ suy nghĩ, chợt thấy bà già cựa mình rồi mở mắt, ông già buột miệng:

-A, nhìn thần sắc bà khá nhiều rồi đấy. Đêm qua thấy bà ngủ ngon lắm.

Giọng bà già đầy hối lỗi:

-Tôi làm ông và cháu mất ngủ mấy đêm… Phiền quá…

-Có gì mà phiền? Ai chẳng thế? Bệnh mới phải vào đây nằm, không thì ngủ nhà cả rồi.

Không hiểu vì trong người dễ chịu hay vì thấy người bệnh chung phòng vui vẻ dễ gần, mà bà già cũng mỉm cười, nhỏ nhẹ hỏi thăm:

-Còn ông, sắp được xuất viện chưa?

-Tôi không biết. Chưa nghe bác sĩ nói gì. Có lẽ phải hết tuần sau…

Thấy bà già chống tay ngóc đầu muốn ngồi dậy, ông nhanh nhảu:

-Bà cần uống nước à? Để tôi giúp cho. Đừng gọi con bé… Tội nghiệp, nó đang ngủ ngon.

Ông xuống khỏi giường bệnh, bước qua bưng ly nước, kê đầu ống hút vào tận miệng cho bà già thong thả nuốt vài ngụm nhỏ.

-Cám ơn ông. Ông thật tốt. Nhưng làm phiền ông, tôi ngại quá.

Ông già trở lại giường mình, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà:

-Có phiền gì đâu? Nhiều khi tôi chỉ mong có một ai đó làm phiền…

Nghe câu nói như cảm thán, bà già thấy lạ, tò mò muốn hỏi lại ngại ngần rồi thôi, dù khoảng cách những ngày đầu giữa hai bên đã thu gọn đáng kể.

Bà nhìn chàng trai nằm dưới chân giường ông già, hỏi một câu không định hỏi:

-Cháu nội hay cháu ngoại của ông thế?

-Cậu ta là người nuôi bệnh thuê thôi.

-…

-Tôi cả đời không lập gia đình thì làm gì có con cháu?

-Thật à?

-…

-Ông không thích đàn bà hay không thích đời sống hôn nhân?

Ông già hơi nhún vai, mắt hấp him:

-Chắc… cả hai.

Dĩ nhiên bà già không tin. Dù đang là một bệnh nhân nặng thì nhìn ông già vẫn phong độ lắm. Nét hào hoa, lịch lãm ít nhiều in dấu trong phong thái, lời nói của ông, không giấu được chân tướng một thời thanh xuân… lừng lẫy.

Nghe câu nhận xét không chờ đợi ấy, ông già lại cựa quậy hai bàn chân, và hình như dù cố kìm nén, ông cũng để bật ra tiếng thở dài nhốt kín từ lâu trong lồng ngực.

Bà già lại nhận xét:

-Đàn ông ít người cả đời độc thân lắm. Không như phụ nữ. Phụ nữ sống một mình dễ dàng hơn…

-Tôi không biết nhiều về phụ nữ, bà ạ. Nhưng kinh nghiệm của bạn bè tôi, phụ nữ mới là người hay thay đổi nhất. Họ yếu đuối, mong manh, dễ mềm lòng và luôn cần một người đàn ông bên cạnh… Họ lạ lắm, không thể hiểu nổi…

Câu nói làm lòng bà già xốn xang, gợn sóng. Bà xoay người quay mặt vào tường, không bắt chuyện nữa.

Hình như ông già nói cũng đúng. Chính bà đã một thời yếu đuối, mong manh, nhẹ dạ nên cần một chốn tựa nương, một pháo đài để ẩn nấp, mà bằng lòng lấy một người chồng không như ý đấy thôi…

Tâm trạng nặng nề đeo đẳng cả ngày, lúc nào bà già cũng rầu rầu, không nói chuyện với ai, kể cả cô cháu.

Thấy thế, ông già bứt rứt quá, vô tình chạm vào nỗi đau của người khác.

Chiều tối đó, lúc hai người trẻ cùng nhau ra ngoài ăn cơm rồi, ông già ngập ngừng nói:

-Xin lỗi bà… Tôi không cố ý làm bà buồn... Bà đừng giận tôi nhé…

Bà già có giận không? Chắc không rồi, vì có ai rỗi hơi tới mức để bụng giận một người dưng? Nhưng đúng là bà có chạnh lòng nhớ đến quá khứ hơn 40 năm qua. Trong suốt chiều dài quá khứ ấy, luôn sừng sững hình bóng một chàng trai, một bạn học cùng trường, một hàng xóm lâu năm…

Cậu trai tên Toàn, hơn cô bạn Thảo ba tuổi mà đôi khi “tồ” lắm. Ở tuổi mới lớn pha trộn ngây ngô với chân thành, lãng mạn với… liều mạng. Lãng mạn nên luôn hái hoa bắt bướm tặng cô. Liều mạng nên không ngần ngại dũng cảm đứng ra bênh vực cô, một mình đánh lại ba tên côn đồ to cao, để nhận về đầy mình thương tích.

Toàn luôn có những hành động bất ngờ khiến Thảo vừa vui vừa cảm động. Lạ mà quen, quen mà lạ. Nên dù là hàng xóm từ nhỏ, dù nhiều năm học chung mái trường, Thảo vẫn chẳng thể hiểu hết Toàn.

Thảo chỉ biết một chênh lệch rõ rệt: nhà Thảo nghèo lắm, mẹ góa con côi còn nhà Toàn khá giả. Mẹ Toàn là giám đốc một công ty tư, quy mô trung bình thôi nhưng cũng có tài xế lái xe riêng đưa đón, cũng phấn son sực nức, váy áo điệu đà và vòng vàng lấp lánh mỗi khi tiếp đối tác ở nhà hàng sang trọng.

Vừa đánh hơi thấy tình cảm con trai nghiêng về Thảo, bà quyết liệt ngăn cản, độc đoán buộc Toàn chấm dứt mọi giao tiếp với cô. Bà không thể chấp nhận ngang vai với mẹ Thảo, một đầu bếp trong quán cơm bình dân, tạp-dề lúc nào cũng nhớp mỡ và nồng mùi hành tỏi.

Ngoài giờ học, Thảo đến phụ mẹ, nấu nướng, bưng bê, dọn rửa luôn tay, cho đến khi quán hết khách đóng cửa nghỉ, mẹ con mới xong việc.

Tình cảm cậu trai mới lớn sôi nổi và bồng bột, chỉ nhìn thấy một mình cô bạn anh quý mến thôi chứ không cần chú ý đến ai khác xung quanh cô. Thảo học giỏi, siêng năng, ngoan hiền, rất đáng yêu. Toàn vừa thương vừa trọng.

Thương những vất vả của Thảo, Toàn âm thầm bảo vệ và giúp đỡ: chép hộ bài học. Chở giùm một đoạn đường giữa trưa nắng gắt hay buổi chiều mưa lội. Mua tặng Thảo giáo án đang thiếu. Có khi là cây bút máy hay cái kẹp tóc... Vài thứ nho nhỏ, chẳng đáng giá bao nhiêu. Mà Toàn có muốn mua quà chất lượng hơn cũng không thể. Bà mẹ Giám đốc của anh thừa khôn ngoan lẫn kinh nghiệm, hạn chế phát tiền mặt cho con. Con cần gì cứ nói, mẹ đi mua về giao tận tay.

Thảo cũng tự hiểu thân phận mình so với nhà Toàn rất… lệch pha. Cô nhiều lần lảng tránh, trốn chạy Toàn. Nhưng rồi trước tình cảm chân thành của cậu bạn, cô lại mềm lòng, không nỡ… Tình cảm non nớt luôn run rẩy giữa thương và sợ. Sợ một điều gì đó sớm muộn cũng xảy đến, chưa thấy rõ hình hài nhưng chắc chắn tác hại lắm.

Tính tình khép kín lại mặc cảm nghèo hèn, Thảo rất ít bạn. Có thể nói suốt quãng đời niên thiếu, ngoài Toàn ra, cô không có ai là bạn cả.

Thông lệ gần tới Giáng Sinh là Toàn lại hỏi Thảo muốn ông già Noel cho quà gì? Những năm còn nhỏ, quà Thảo muốn cũng nho nhỏ: bộ máng cỏ tí hon với Chúa Hài Đồng bé xíu xiu bằng ngón tay út; Tấm thiệp nhạc xinh xẻo mở ra, vang lên bài Jingle Bells rộn rã mà cô rất yêu thích... Những thứ ấy không khó cho ông già Noel đáp ứng.

Sau này, khi hiểu những món quà đó xuất phát từ đâu thì Thảo không nhận nữa. Cô không muốn Toàn khó xử.

Dù vậy, đêm Giáng Sinh, Thảo vẫn nhận được món gì đó, đơn giản thôi, đủ cho cô cảm động rồi. Tất cả được cô cất giữ nâng niu, trân trọng.

Ngăn cấm không ăn thua, bà mẹ Giám đốc đổi chiến thuật. Bà bắt Toàn lựa chọn: hoặc du học Úc bốn năm hoặc ra khỏi nhà mẹ, tự túc tự cường sống theo ý muốn. Bà sẽ không can thiệp nữa, đặc biệt… không chu cấp tài chính! Bà mẹ giàu kinh nghiệm, khôn hơn cáo, đã giáng chưởng nào là trúng đích chưởng đó. Đối phương chỉ từ trọng thương đến… tẩu hỏa nhập ma.

Dĩ nhiên Toàn chọn du học. Anh cũng biết mình còn trẻ, hôn nhân là chuyện của 5, 7 năm sau, chứ không thể là thời điểm ngay bây giờ được.

Toàn đã nói chuyện với Thảo rất nhiều. Anh sôi nổi vẽ ra tương lai rạng rỡ sau khi kết thúc 4 năm du học. Lúc đó, anh đủ điều kiện tự lập, đủ khả năng quyết định tương lai đại sự của anh. Trong cái tương lai ấy nhất định không thể thiếu cô bạn hàng xóm lâu năm anh rất yêu quý.

Thảo đã im lặng nghe, chỉ nhìn Toàn bằng ánh mắt dè dặt khiến anh ngạc nhiên:

-Thảo không tin anh hay sao?

Không, Thảo tin chứ. Rất tin. Cô chỉ không tin biến thiên cuộc đời thôi.

Toàn lại hào hứng nói:

-Bốn năm sau, anh sẽ trở về kịp trước lễ Noel. Với món quà Giáng Sinh vô cùng đặc biệt tặng em…

Thảo cười buồn:

-Em không còn ở tuổi tin ông già Noel đâu.

-Em có quyền không tin. Nhưng tin hay không, ông già Noel luôn có thật, Thảo ạ.

Anh nhắc lại:

-Một món quà vô cùng đặc biệt, vô cùng ý nghĩa với chúng ta. Anh hứa đấy.

Rồi Toàn đi. Ngày đó làm gì có mạng xã hội tràn lan và thuận lợi như bây giờ. Hai người chỉ liên lạc qua thư viết tay, gửi đường bưu điện.

Đến một hôm… Bà mẹ giám đốc của Toàn đích thân đến quán ăn tìm mẹ Thảo. Thảo không chứng kiến buổi gặp gỡ này, mà sau đó mẹ cô cũng không kể nội dung hai người đã trao đổi. Chỉ biết bà đột ngột xin nghỉ việc ở quán, quyết định dọn đến một tỉnh lỵ khá xa. Ở đó, bà mua đất cất căn nhà nhỏ rồi mở một quán ăn do chính hai mẹ con làm chủ. Thảo đã rất ngỡ ngàng, không ngờ mẹ dành dụm được một số tiền đáng kể như vậy. Cuộc sống hai mẹ con từ đấy khởi sắc hơn. Khởi sắc trong bình lặng.

Cũng từ đấy, Thảo không còn nhận tin tức gì của Toàn nữa. Tất cả như rơi vào cõi hỗn mang, bí mật, mù mờ…

Thảo âm thầm đếm từng năm, chờ đợi. Ba năm… Bốn năm… rồi sáu năm… lạnh lùng trôi qua. Người phương xa vẫn biền biệt. Thời gian quá mỏi mòn cho một hy vọng mong manh.

Đến năm thứ bảy thì Thảo không còn đủ kiên nhẫn. Cô ngoan ngoãn đi lấy chồng, theo ý mẹ.

Người chồng lớn hơn vợ cả chục tuổi, cưới vợ vì không thể kéo dài thêm cuộc sống độc thân, chứ hoàn toàn chẳng có điểm nào như Thảo kỳ vọng. Gia trưởng, cả ghen, an phận, nhạt nhẽo… Đời sống hôn nhân tẻ lạnh thành gánh nặng nề trĩu vai Thảo. Sống cùng nhà, ăn cùng mâm mà mắt luôn hướng về hai phía đối nghịch. Không hòa hợp. Không tiếng nói chung. Chỉ có bổn phận và chịu đựng. Có phải vì thế nên gần mười năm, họ chỉ có duy nhất một con trai?

Người chồng lồng lộn ghen với hình bóng xa xăm mà anh biết luôn hiển hiện trong lòng vợ. Tức tối phát tiết ra lời cay độc, miệt thị. Uất ức khó kiểm soát thể hiện thành vũ lực. Lời thóa mạ đau đớn kém gì vết tích bầm dập thịt da?


Cái quá khứ của hơn 40 năm ấy, bà già phải kể làm nhiều buổi, mới xong. Có xúc động khiến câu chuyện đứt đoạn. Có thấu cảm khiến ông già chạnh lòng, ngậm ngùi quá. Điều đó làm bà già thêm tin cậy lẫn hàm ân, được an ủi rất nhiều.

Ông già im lặng nghe, thỉnh thoảng đệm tiếng thở dài rất nhẹ. Cuối cùng mới đưa nhận xét:

-Không ngờ anh chàng tệ bạc nhỉ? Chắc anh ta quen một cô tóc vàng mắt xanh nào rồi nên ở lại luôn, không về nữa?

Bà già lẩm bẩm:

-Chưa hẳn thế ông ạ. Có gì chứng minh đâu?

Giọng ông già đầy bất bình:

-Hừ, ra bà vẫn tin anh ta? Đàn bà lạ thật. Chuyện rành rành thế mà vẫn nhẹ dạ, cả tin.

-Tại ông không biết anh ấy thương tôi thế nào đâu. Anh ấy là người tốt nhất mà tôi biết.

Ông già trề môi, ra chiều khinh khỉnh:

-Tốt mà cư xử với bạn gái thế đấy? Ít ra cũng phải có một lời nói cho rõ ràng chứ. Chẳng đáng mặt nam nhi chút nào…

Rồi như chợt nhận ra mình can thiệp sâu vào chuyện người dưng, có thể làm phật lòng bà già, ông cười xòa, lấp liếm:

-Ờ… Ở đời cũng có nhiều đàn ông như thế thật đấy.

-…

-Biết đâu hai người đã có lần gặp lại nhau rồi mà không nhận ra?

-…

-Nếu anh ta đổi tên khác, thành David, Henry hay Michael chẳng hạn, sao bà biết được?

Bà già ngẩn mặt:

-Ông nói có lý. Biết đâu…

Hai người trẻ đã xong bữa tối, quay về phòng, vừa đi vừa nói cười ríu rít.

Ông già chỉ cô bé, hỏi nhỏ:

-Cháu ngoại bà đấy à?

-Là cháu nội. Tôi chỉ có mình thằng Toòn là con.

-Ấm ớ nhỉ, chẳng có nghĩa gì… Cái tên Toòn ấy…

-Tôi đặt theo tên anh ấy. Người miền quê đọc sai âm, thành ra “cu Toòn”…

-Ra thế!… Hay thật!


-Ông ạ, sáng nay bác sĩ vừa bảo ngày mai cho tôi xuất viện.

Ông già nhướng mắt:

-Hay quá, chúc mừng bà nhé.

Nói “chúc mừng” mà mặt ông buồn thiu, hai mắt cụp xuống, bọng thịt dưới cằm như chảy xệ thêm:

-Bà may mắn kịp về đón Giáng Sinh. Chúc bà nhận được quà của ông già Noel nhé.

Bà già bật cười:

-Ông buồn cười thật! Tôi hết tuổi nhận quà của ông già Noel từ lâu rồi.

Rồi bà hóm hỉnh hỏi lại:

-Còn ông, mỗi năm vẫn được ông già Noel phát quà hay sao?

Ông già xoa xoa cái đầu chỉ còn loe hoe dúm tóc:

-Làm gì có.

Rồi ông hạ giọng, như tâm sự:

-Tính tôi kỳ cục lắm. Tôi không thích nhận, chỉ thích tặng quà người khác thôi.

Bà già gật gù:

-Vì ông là người tốt, và vì ông dư điều kiện để cho mà không cần nhận.

-Ơ, sao bà nghĩ thế?

-Tướng ông sang trọng, nhất định phải là người thành đạt. Lại rất phúc hậu. Tôi cũng biết xem tướng số đấy. Có đúng không?

Ông già lại bối rối gãi đầu:

-Tôi cũng… chả biết.


Theo dương lịch, tối nay là giao thừa. Vài giờ nữa là thế giới chấm dứt một năm đầy biến động, bước sang năm mới.

Bà già vừa uống xong cử thuốc tối, đang được cháu gái giục vào giường ngủ sớm, như lời bác sĩ căn dặn.

Chợt, tiếng chuông cửa reo vang. Bà già hỏi cháu:

-Tối rồi còn ai đến thế?

-Chắc khách của ba mẹ cháu. Hình như có hẹn đón giao thừa ở nhà mình, bà ạ.

Rồi cô gọi to:

-Ba ơi, ra đón khách kìa. Con phải đưa bà nội vào ngủ đây.

Người cha từ trong mau mắn đi ra. Vừa nhìn qua cánh cửa kính trong suốt, anh quay đầu lại, hỏi to:

-Mẹ nó ơi! Em đặt ông già Noel phát quà Giáng Sinh cho nhà mình đấy à?

Tiếng người vợ từ dưới bếp đáp lại:

-Không. Giáng Sinh qua cả tuần rồi, còn quà cáp gì nữa?

Nghe từ ngoài thềm tiếng hai người trao đổi:

-Ô, ông già Noel!

-Chào cháu. Cháu là Thanh Toàn, phải không?

-Ơ, sao ông biết?

-Hà hà… Thì ta là ông già Noel mà! Thế trong nhà này có cô gái nào tên Lã Thị Hiếu Hiền Thảo không?

-Có ạ, nhưng không phải cô gái…

-Được rồi, được rồi!... Cháu không cần giải thích. Có quà Noel gửi Lã Thị Hiếu Hiền Thảo đây. Cháu nhận giúp ta nào… Thế, xong nhiệm vụ rồi, ta đi đây.

Hộp quà vuông vắn xinh xinh bọc nhung đỏ mỹ thuật và trang trọng, kèm tờ giấy ghi tên người nhận, làm cả nhà hết sức bất ngờ, ngỡ ngàng nhìn nhau.

Bà già hồi hộp khác thường, cầm cái hộp xoay xoay mãi bằng những ngón tay run rẩy. Bà gỡ miếng giấy đính kèm, bảo cháu:

-Đọc bà nghe. Ai viết thế?

Cô cháu vừa mở tờ giấy đã reo lên:

-Thư của ông già Noel, bà ạ.

Cháu Hiếu Hiền Thảo thân mến,

Ta chân thành xin lỗi cháu. Hộp quà này được gửi từ nước Úc trước lễ Giáng Sinh của năm 1983. Ta vô ý làm thất lạc đến tận bây giờ. Đã thế, hôm nay Giáng Sinh cũng vừa đi qua, lại muộn màng thêm một tuần nữa.

Ta vô cùng ân hận vì đểnh đoảng làm cháu mỏi mòn chờ đợi rất nhiều năm. Có phải không? Rất may, cuối cùng thì món quà cũng đến đúng tay người nhận.

Cháu đừng giận ta nhé. Và hãy thấu hiểu cho ta, một ông già Noel hậu đậu!

Khi nắp hộp nhung bật mở, bà già như nghẹt thở, những giọt nước mắt già nua hiếm hoi nối nhau lăn dài trên đôi gò má hốc hác, xanh xao.

Nằm gọn trong hộp là một chiếc nhẫn mặt đá trắng. Sáng ngời. Lấp lánh. Tinh khôi. ./.




VVM.19.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .