Cảnh chiều Ban Mê Thuột còn là một tiếng gọi từ trên cao và từ trong lòng tôi vốn vẫn ở đó từ bao giờ, tôi không biết, nhưng khi thời gian như ngừng lại ở cái khoảnh khắc mà từ nơi xa xa một làn sương mong manh, một làn gió mát êm dịu mang mùi hương của hoa trái núi rừng về phố thị, thì tôi lại đến nhà thờ dự lễ chiều.
Thánh lễ trong một cảnh trí về chiều như thế, nhuốm đầy mầu sắc huyền nhiệm, thánh thiêng và ân sủng. Tất cả, nhập vào hồn tôi, đưa tôi vào hoài niệm những hình bóng của quê nhà yêu dấu, chưa xa xôi gì, chưa bị che phủ bụi phong trần.
Nơi quê nhà yêu dấu đó, cũng có một không gian và những buổi kinh chiều, đã trở thành máu thịt tôi, một nửa mình tôi. Quê tôi, vùng chiêm trũng thuộc Đồng Bằng Sông Hồng, không có khói sương và mùi hương của cây cỏ núi rừng Cao nguyên Ban Mê Thuột, theo làn gió nhẹ tỏa bay về phố thị, nhập vào Cung thánh và làm nên những tà áo mỏng như tơ lụa trên tháp chuông cao. Từ đây, mỗi khi tiếng chuông cất lên, thì những tà áo mỏng của hương hoa rừng lại theo tiếng chuông ngân vang mang hương thơm này đến từng con người trong dân gian phố thị, bất kể họ là ai. Vì đấy là món quà của thiên nhiên, của chúa tạo vật.
Nhưng quê nhà tôi ngày xưa đó, có tiếng gió thì thầm trong lũy tre xanh, có mùi hương và sắc trắng của hoa soan, hoa cau, hoa bưởi; có màu sắc đỏ tươi của hoa dâm bụt và màu vàng của dây tơ hồng nằm vắt ngang hay buông dài xuống trên các hàng rào khắp thôn làng. Quê tôi còn có hoa cà tím trong các mảnh vườn, hoa gạo đỏ và hoa bèo lục bình nổi trôi trên các ao hồ.
Nơi quê hương đó, tôi còn lặng lẽ chứng kiến giây phút giao thoa giữa ngày và đêm, cuộc bàn giao tuyệt diệu và huyền ảo của đất trời. Tôi là con người, thành tố thứ ba trong cuộc tạo thành của Tạo hóa, được chứng kiến giây phút kỳ diệu đó. Trong khoảnh khắc của giây phút thiêng liêng này, tôi lờ mờ nhận ra mình sống ở giữa cõi đời, có mà như không. Mang thân phận con người, tôi không hoàn toàn thuộc về trần thế mà cũng không thuộc hẳn về cõi trời. Phận người xô đẩy tôi vào trong cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng, giữa tội lỗi và ân sủng. Thách đố này tôi sẽ không thắng được nếu không có thánh ân.
Trong giây phút giao thoa giữa ngày và đêm, tôi gọi lên một hồi chuông tắt lửa, báo hiệu cho mọi tín hữu trong làng biết giờ “tắt lửa”, giờ của đêm tối đã bắt đầu.
Tiếng chuông từ tháp cao lan tỏa xuống trên mọi mái nhà tranh, mọi gia đình, mọi cỏ cây và lũy tre, nhất là nó đi vào cõi lòng của con người. Cả một không gian êm ả được bao phủ bởi phúc âm, lửa mến và an bình.
Quả thật, Đấng Tạo Hóa đã dò xét và hiểu thấu tâm can của một kẻ dại khờ và ngu ngơ như tôi, nên đã đặt để tôi ở chốn quê nhà yêu dấu này và dẫn tôi đến cái “Xứ buồn muôn thuở” Ban Mê Thuột, để ở những nơi đây, tôi nhận ra Ngài, cả trong những điều vi trần. Ngài đã hóa thân nên máu thịt tôi, tâm tư tôi. Tôi đã sống trọn vẹn, uống cạn chén hồng ân mà Ngài ban cho tôi qua những buổi kinh chiều tại quê nhà và những thánh lễ trong chiều hôm ở Ban Mê Thuột.
Ban Mê Thuột còn có cà phê rất ngon, nguyên chất. Chủ quán cà phê ở đây thường cũng là chủ đồn điền cà phê, nên chỉ bán cà phê nguyên chất. Khách đến quán cũng là khách biết tìm cà phê ngon mà uống , một số khách từ SàiGòn lên. Trong số này, có cả nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia nghệ thuật. Họ tới Ban Mê Thuột thăm bạn bè dăm ba ngày và cũng đi thăm cảnh vật ở đây cho mục đích sáng tác của họ.
Tôi không ghiền cà phê như người ghiền thuốc lá, trong túi có mấy đồng bạc, nhịn ăn sáng để mua mấy điếu thuốc.Nhưng sống trong một không gian u tịch, lắng đọng, êm ả và thoảng đưa gió núi rừng về heo hút, se lạnh, thì ngay lúc này, tuổi đã già, nhưng bất chợt có một buổi sáng mai hay chiều tối nào đó, trời SàiGòn như được hưởng một làn khí lạnh từ miền Bắc xuống, mà không gian và cảnh nhà im ắng, thì đấy là một cám dỗ để tôi thưởng thức một ly cà phê đậm đà tự tay mình, huống chi là với Ban Mê Thuột ngày xa xưa ấy, đến nay cũng hơn 60 năm.
Vì vậy, thường thì sau hồi chuông tắt lửa, các cửa trong nhà thờ đóng lại, tôi lặng lẽ ra về, chậm rãi rời khỏi sân nhà thờ, tới một quán cà phê ngồi, thưởng thức một tách cà phê nóng cho tới khuya mới trở về nhà trọ, mái nhà lợp tranh, vách làm bằng những phên tre phên nứa, dựng bên vệ đường heo hút, trước mặt là thung lũng của người thiểu số. ./.