H è năm ấy tôi dấn thân vào một việc mà kể từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng làm. Dĩ nhiên là không có tý kinh nghiệm nào và vô cùng mạo hiểm. Nhưng người xưa có câu “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Thôi kệ phải liều, biết đâu “không thành công, cũng thành nhân”. Sống là trải nghiệm mà.
Tôi xuất thân nghề giáo, vào những năm của thập kỷ 80; 90, Trong thời kỳ bao cấp, lương khởi điểm theo 3 mức cho 3 cấp học như sau: 50 đ 55 đ, và 60 Việt Nam đồng. Giai đoạn khó khăn chung của đất nước, đồng lương không đủ sống. Ra trường một vài năm, đến lúc cũng phải lập gia đình và sinh con. Món nợ cơm áo lúc này càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Cuộc sống bây giờ không chỉ có mây bay gió lượn mà có bộn bề trăm thứ bủa vây. Làm thế nào để trang trải cuộc sống và lo được cho con cái? Đó là câu hỏi đặt ra cho bất kỳ ai, không cứ kể là dân sư phạm mà kể cả nhiều ngành nghề sự nghiệp hành chính khác. Những người đồng nghiệp xung quanh chúng tôi, mỗi người có một lựa chọn khác nhau. Ai nhảy việc thì nhảy. Ai yêu trường mến lớp thì trụ lại trên bục giảng nhưng về nhà phải kiếm việc làm thêm. Hồi đó tuyệt đối không dạy thêm, nếu có dạy thì dạy miễn phí. Thế là có nhiều cô giáo thì về làng làm thêm ruộng vườn, chăn nuôi. Có người thì đi bỏ bia, bỏ kẹo mối. Có người đi bán xôi sáng dậy từ lúc 3 giờ sáng nấu xôi đem đi bán. Đến 7 h xong hay không xong cũng vội về để đi dạy.
Năm ấy nghỉ hè, (thời đó nghỉ hè 3 tháng) cùng với chị bạn hàng xóm đang thất nghiệp, hai đứa rủ nhau đi buôn. Hành trình đi là vào chợ Cồn (Đà nẵng) nhập các loại thủy hải sản khô như cá khô, tôm khô,…và đường bánh (đường nấu từ mía và đúc thành từng bánh như cái chén ăn cơm) đem ra bán ở chợ huyện của một thị trấn, địa điểm này cách Huế hơn 250 km về phía bắc. Ý định vừa đi vừa thăm dò thị trường xem chợ huyện đó những mặt hàng nào cần thiết sẽ nhập sau. Hai chị em đi chợ Cồn đóng hàng rồi thuê xe chở ra ga Đà Nẵng, để đi tàu ra chợ thị trấn đó bán xong rồi mới quay về Huế. Lần đầu dấn thân vào công việc lạ lẫm, va chạm nhiều hạng người: dữ có, hiền có, thanh có, thô có,v..v.. thôi thì đủ loại người trên đời. Nên cũng vỡ ra nhiều điều trên một đoạn đường đời mà trong sách vở nhà trường chưa được đề cập đến.
Trước tiên kể về trải nghiệm đi tàu. Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, tàu chợ không khác gì cái tên gọi của nó. Toa nào toa nấy, người và hàng hóa kể cả gà vịt heo chó,…chen chúc nhau không có thứ lớp, trật tự gì hết. Mạnh ai nấy chen. Người ngồi, kẻ nằm la liệt ngổn ngang. Người thì nằm trên các bao hàng chông chênh, người thì trải chiếu thò chân vào dưới gầm ghế, đầu nhoài ra ngoài lối đi. Có người mắc võng từ cửa sổ này sang cửa sổ khác chiếm cả một khoảng không không gian hiếm hoi, ngay trên đầu, trước mặt hành khách. Dù chẳng ai muốn nhưng cũng phải chấp nhận vì trong hoàn cảnh này thì ai ngồi được đâu cứ ngồi, ai nằm được đâu cứ nằm. Tàu quả là chật như nêm. Có người bước lên tàu chỉ đứng được một chân vì hết chỗ. Có người phải đu bám ở cửa lên xuống, có người đứng ở chỗ nối toa, thậm chí có nhiều người leo lên ngồi, nằm trên nóc tàu, bất chấp nguy hiểm. Ai đi tàu lúc này cũng bầm dập tả tơi như vậy cả. Đã thế, lâu lâu tàu lại trở chứng bị chết máy bất thình lình hoặc tránh tàu có khi cả vài tiếng đồng hồ là chuyện thường. Có khi đi khoảng vài ba trăm km mà phải đi ba ngày mới tới nơi.
Hành khách trên tàu ngủ gà ngủ gật, phờ phạc, tả tơi. Nếu chịu khó quan sát thì cũng khối chuyện bi hài vui phải biết. Đêm xuống, tàu không có điện. Người nằm ngủ, trở mình nghiêng qua, nghiêng lại ôm trúng cái mông của bà khách đang ngủ say, ông ta tưởng mình ôm cái gối sao nó êm quá là êm. Người khách khác làm nghề buôn heo nằm trở đầu lại cũng đang yên giấc điệp, bị bà buôn gạo nằm kế bên gác nguyên cái đùi to chà bá lửa lên ngực anh ta. Anh lái heo ngủ say, hay tay chới với và ú ớ gì trong miệng. Trong cơn mơ anh tưởng trời sập và mình bỗng trở thành anh hùng, đang ra sức chống đỡ trời lên chẳng khác nào “đội đá vá trời” trong thần thoại. Có người đang ngủ say quá mà buồn tiểu lại mơ là mình đang đứng bên bờ suối, gió mát hây hây, chim kêu vượn hú thế là cứ mở van cho nước chảy róc rách. Đến lúc nghe mùi khai bốc lên, mọi người mới tá hỏa ra và hô hoán lên là có người đái dầm.
Trên ghế ngồi dựa lưng vào thành tàu, mọi người cũng đang thiu thiu ngủ. Một quý ông (trạc tuổi khoảng ba mươi) khuôn mặt cũng lịch lãm, trí thức nhưng tàu xe vậy nên cũng te tua mệt mỏi lắm! Ông ngã đầu ngủ, tàu lắc lư, ông nghẹo đầu qua một bên, nghẹo dần, nghẹo dần đến lúc đầu ông nghiêng hẳn lên vai cô gái ngồi kế bên. Thấy vật gì đè nặng trên người mình, cô chợt thức giấc và như chợt hiểu ra, cô vội xô anh ta về đúng chỗ anh ta rồi mắng: Anh ngủ gì mà kỳ vậy? Anh ta tỉnh giấc và rối rít xin lỗi:
- Xin lỗi cô nhé! Tôi mệt quá nên ngủ say. Cứ tưởng là cái gối của tôi chệch qua bên này nên vô ý quá. Tôi thành thật xin lỗi!
- Tôi xin chuộc lỗi. Lúc nãy tôi lỡ nghiêng qua bên vai cô, giờ cho cô nghiêng lại bên vai tôi, như vậy tôi cũng đỡ áy náy và chúng ta huề nhé!
...
Cô gái nghiêm mặt và từ tốn bảo:
-Anh cũng có óc hài hước đấy nhỉ. Nhưng tôi thì không thuộc tuýp người thích đùa, nhất là xe tàu mệt lữ như thế này.Từ bây giờ anh có ngủ thì hãy dựa hẳn ra phía sau thành tàu nhé.
Đi bầm dập te tua vậy rồi cũng tới nơi. Buổi sáng, xuống ga thị trấn X, sau khi khệ nệ bưng những bao hàng xuống, hai đứa đang đứng thở, nghỉ ngơi lấy sức. Thì bỗng một nhóm người mặc áo thuế vụ vẻ mặt đằng đằng sát khí tới “hỏi chuyện”. Khi đó cảm giác rất sợ, mặt lúc này chắc là xanh ngắt như tàu lá chuối. Tim đập hồi hộp lòng đầy lo lắng vì nếu bị trịch thu thì kể như mất vốn luôn! (Lúc này nếu đo huyết áp thì không biết là vọt lên bao nhiêu, may mà hồi đó còn trẻ, không có bệnh lý gì kể cả tim mạch.) Thuế vụ tra vấn một hồi, không nhớ diễn biến chi tiết mình đã đối phó thế nào và xoay xở ra sao nhưng cuối cùng sau khi quần thảo khủng bố về mặt tinh thần rồi cũng được thả cho đi. Tụi mình gọi người tới chở vào chợ thị trấn bằng các phương tiện như xe kéo, hoặc xe đạp thồ tại địa phương.
Vào đến chợ, sau khi tìm chỗ ngồi thuận lợi, dọn hàng ra để trưng bày sao cho bắt mắt và việc mua bán diễn ra thuận lợi, lác đác đã có khách tới mua hàng. Hai đứa bắt đầu “sự nghiệp bán hàng” lần đầu tiên trong đời, trước đó có quan sát chị bán hàng sĩ và lẻ trong chợ Cồn rồi nên cũng có học hỏi kinh nghiệm. Công việc diễn ra thuận lợi, nhưng cũng có trường hợp này ứng với một câu nói của dân gian: “chó ỷ tại nhà, gà ỷ tại chuồng” không phải không xảy ra. Có chị khách cỡ trạc tuổi mình, vừa cắp chiếc rổ tới, chưa mua nhưng đã hăm he phủ đầu một câu rằng: “hai cái con Huế này, cân kéo cho đúng không thôi tau thu cân đi nghe chưa!”. Mình không nói chúng mình từ đâu tới nhưng chắc có vẻ thấy lạ và nghe giọng nói cũng như cách ăn mặc nên chị ấy đoán thế!
Chị bạn mình nói:
-Ê cho đính chính chút: Đây sống ở Huế nhưng gốc Bắc và Huế lai thôi! chứ Huế rặt ai thèm lặn lội đi bán đồ khô như tụi này. Họ có bán là bán vàng kìa! ke..ke..! Thôi giờ mua gì nào, cân giáp cho, bán để làm quen thôi! Giao dịch trôi chảy, thuận lợi!
Việc bán hàng diễn ra trong ba ngày thì giải quyết hết hàng. Về phòng trọ hai đứa giở sổ sách ra tính toán lại thì thấy có lời chút đỉnh, sau khi trừ mọi chi phí. Lần đầu lấn sân sang lĩnh vực không qua đào tạo, không thuộc chuyên môn của mình nhưng như vậy cũng có thể gọi là thành công bước đầu. Tụi mình vừa đi vừa học hỏi và dò đường đi nước bước. "Vạn sự khởi đầu nan" và tự an ủi nhau vậy là: “gioải rồi”. Hai đứa lòng cũng thấy vui, và tiếp tục sự nghiệp nhỏ lẻ của mình thêm vài chuyến nữa tại chợ này. Một hôm xong việc hai đứa bàn nhau nhảy tàu ra Vinh xem sao? Thế là mấy chuyến sau đi thẳng ra chợ Vinh dài đường hơn (Huế-Vinh 367 km) nhưng bán được hàng nhiều hơn và nhanh hơn. Xem lại các chuyến thì có nhiều chuyến lời, tuy vậy cũng có chuyến ngang vốn có khi còn lỗ chút ít nếu gặp không may. Tổng kết lại toàn bộ sự nghiệp buôn bán ba tháng hè, trừ các chi phí cũng có đồng ra đồng vào trang trải thêm cho cuộc sống và đặc biệt đời dạy cho khôn ra đôi chút he..he… Đó cũng là học phí cần phải trả cho cuộc đời.
Kết thúc ba tháng hè, BH trở lại trường làm công việc chính của mình, cô hàng xóm không có BH đi cùng nữa cũng buồn nên nghỉ buôn chuyến mà về làm tiểu thương chợ Phú Bình thuộc phường Phú Bình với căn hàng cố định kiếm sống qua ngày đủ nuôi con ăn học. Còn BH ngoài công việc chính thì chợ đò cơm nước, chăm con và tranh thủ ngoài giờ làm thêm một số việc khác. Như về chợ Phú Bình (thuộc đường Đào Duy Anh Huế) bán trái cây, khi thì lấy bia của anh chị Diên (D) ở bên nam sông Hương ra bỏ mối cho 5 quán nhậu ngoài thị trấn Phò Trạch, Phong Điền. (cuối bài kể một chút về anh D). Việc buôn bán xem như thời vụ thôi, thời gian diễn ra không lâu, chỉ có công việc đan len là kéo dài lâu hơn cả, cho đến khi áo len hết thời hoàng kim, không còn được ưa chuộng nữa thì mới nghỉ làm). Khi có khách đặt hàng thì đan đan áo len, nghề đan tay tự học lúc nhỏ, cũng gọi là có chút năng khiếu. Năng khiếu này thừa hưởng từ mẹ của BH, nhưng lại tự học chứ mẹ không dạy vì ba mẹ đi làm ăn xa, BH ở nhà chủ yếu với ông bà nội.
Có lần đan giùm cho thầy hiệu trưởng ở một trường phía bắc thành phố, mình biếu thầy, không lấy tiền công. (nhưng bà xã thầy vẫn tìm cách và đợi tết thì mang mứt bánh tặng mình ý là cảm ơn).Thầy hiệu trưởng (trường mình dạy năm 1986-1990) rất tốt, thầy đã tạo điều kiện cho mình như khi con ốm, chế độ thai sản, nghỉ sinh con, nâng lương theo ngạch quy định, ...
Từ năm 1991 mình chuyển vào trường khác thuộc trung tâm Thành Nội, thầy cũng tạo điều kiện để mình bàn giao công việc và thuyên chuyển dễ dàng. Thầy rất tin tưởng khi giao cho mình thao giảng giờ văn. Lúc đã cầm quyết định chuyển trường trong tay rồi, tuần sau sẽ trình diện trường mới mà thầy cũng bảo: Cô BH hãy dạy thêm tiết thao giảng tập làm văn rồi đi nhé! Mình rất kính trọng thầy, quý sự tin cậy của thầy nên mình không ngần ngại với yêu cầu này của thầy, sau một đêm chuẩn bị bài giảng, sáng mai, ra dạy cho các anh chị đồng nghiệp dự giờ. Tất nhiên khi nhận xét cũng có người khen, kẻ chê. Ý kiến khen nhiều hơn, chốt lại vẫn là kết luận của hiệu trưởng, rất hài lòng vì văn cũng là chuyên môn của thầy hiệu nên thầy nắm rất chắc, với những ý kiến lập luận vững và thuyết phục!
Ra đường nhìn ai mặc áo len đan kiểu gì đẹp, họa tiết gì bắt mắt, áo trẻ em có hình con vật gì ngộ nghĩnh, về nhà BH tự đánh ca rô vào giấy tính toán và đan được y chang không khác mẫu mới nhìn thoáng qua, và còn sáng tạo thêm những họa tiết khác. Khi vào dạy qua hai trường trung tâm trong thành phố, môn nữ công gia chánh không phải bộ môn của mình nhưng khi đưa học trò đi thi thành phố thì cả 2 vị hiệu trưởng đều muốn mình bồi dưỡng ngoài giờ và đem các em đi thi khéo tay, đan lát thêu thùa ở cấp thành phố. Có nhiều đợt các em đạt giải nhì cấp thành phố với các môn như thêu, đan, có lần làm món ếch xào sả cũng giải nhì,… (Qui định hồi đó, GV nào có HS đạt cấp TP thì GV sẽ được xét thi đua cấp TP nhưng khi xét thi đua thì họ quên mất tên mình). Sau này, nghề đan máy đạt năng suất hơn nên BH đi học nghề đan máy với học phí một chỉ vàng, mua thêm cái máy đan len 3, 2 chỉ, đóng bàn đan và một số dụng cụ nữa, tổng cộng hết khoảng 5 chỉ vàng cho “sự nghiệp đan len máy”. Hồi đó để có một chỉ vàng là không hề dễ, có khi phải chơi hụi cả năm trời mới hốt làm vỏn vẹn 1 chỉ vàng thôi. Đan máy áo len cho thị trường đủ các kích cỡ: người lớn có, trẻ em có. Về nhà, mình có truyền nghề đan máy cho ông xã, nên khi mình bận chăm con, chợ búa nấu nướng thì ông xã kéo máy đan giùm. Ông đan năng suất còn hơn cả BH nữa. Trong nhà ngoài giờ dạy, đến khi đêm về, tiếng kéo máy đan còn nghe rèn rẹt đến 10-11 h mới đi ngủ. Dạy ở trường về và cập nhật các loại sổ sách, giáo án chiếm thời gian không ít, tranh thủ làm thêm nên các con phải tự học là chính. Nếu có giảng bài cho con thì vừa làm, vừa giảng giải. Có khi đề tập làm văn thì mẹ vừa nấu ăn, vừa gợi ý. thỉnh thoảng gặp bài toán khó mới nhờ ba gợi ý dẫn dắt. Thương các con tự học là chủ yếu. May mắn là các con biết ba mẹ vất vả nên biết bảo ban nhau học tập và không đòi hỏi gì ngoài khả năng của ba mẹ. Vậy chứ bắt đầu lên cấp hai (từ giai đoạn 1997 trở đi) thì mỗi đứa đều đi học thêm từ 4- 6 môn. (Con trai đầu học thêm 6 môn. Riêng môn vẽ học thêm 3 thầy khác nhau để thi vào trường con chọn là kiến trúc. Con trai út có anh trai đi trước dò đường rồi nên chỉ học thêm 4 môn cần thiết, còn môn vẽ chỉ học một thầy, thầy nào mà anh Hai đã học và chốt lại cho em. Cuối cũng cả hai anh em (cách nhau ba năm) đều cùng thi vào một trường, ra trường làm cùng một nghề.
Như vậy nếu vận dụng câu nói của dân gian gian “Trời sinh voi, sinh cỏ” có phần đúng và cũng có phần chưa đúng, chỉ là câu nói gieo niềm lạc quan mà sống chứ thực sự mọi cá nhân đều phải nổ lực để vượt qua. Trải qua thăng trầm dâu bể cuộc đời với không ít gian nan như vậy, thế rồi gia đình của BH cũng vượt qua giai đoạn khó khăn chung của đất nước, hậu chiến và thời bao cấp.
Nay các con đã đi làm và tự lo được cho mình.
Có lẽ ai trong cuộc đời cũng phải đi qua phù trầm dâu bể với bộn bề cuộc sống không nhiều thì ít, nhất là trong giai đoạn khó khăn chung của đất nước. Hôm nay hồi ức ùa về, nhìn lại một chặng đường đã qua không ít gian nan, ngẫm lại cũng thầm tự phục mình ừ cũng kiên cường đấy nhỉ! Không tệ phải không?
Bây giờ chỉ mong mọi người sức khỏe và bình yên!
*Kể một chút về duyên quen biết với Diên (D). Anh thuộc quân đội bên thua cuộc nên sau khi cải tạo về, anh chị cũng làm nhiều nghề để kiếm sống.
Trong một dịp lên A lưới lấy đót về làm chổi đót xuất khẩu, thì anh D gặp các thầy cô từ Huế lên dạy nơi đây (cũng như giáo viên cắm bản vậy), Ông xã mình lúc này làm hiệu trưởng tại một trường ngay chợ thị trấn Bót Đỏ, đã tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho nhóm mấy anh có chỗ ăn chổ nghỉ, và còn dọn dẹp các phòng thầy cô ở lại để dành một phòng làm chỗ cho mấy anh chị làm kho chứa đót (trong đó có anh D và một số người làm việc bên phường Vĩnh Ninh, Huế). Sau này về Huế anh D và ông xã mình vẫn giữ mối liên lạc cho đến ngày anh đi diện H o nay định cư ở nước ngoài, không biết nước nào, mình cũng cầu chúc gia đình anh luôn bình an mạnh giỏi. Đó là một thời gian (trong khoảng thập niên 80-90) ở Huế rộ lên phong trào làm chổi đót xuất khẩu, nhà nhà làm chổi đót, người người làm chổi đót. Trước đó hai năm, Hồi mình mới lên, dạy ở một trường cách thị trấn 15 km. Lúc này đa số giáo viên còn độc thân, chỉ có anh hiệu trưởng Tây lai là đã có gia đình. Hai nữ giáo viên độc thân ở một phòng, còn các giáo viên nam thì ở chung với nhau tại căn nhà ba gian. Nhà bếp chung, có một chị cấp dưỡng trong biên chế. Đến giờ cơm cùng về nhà bếp ăn cơm. Khi có người dưới Huế lên làm đót, anh hiệu trưởng Tây lai bảo hai cô dọn về nhà dân sống nhé, để căn phòng này lại cho họ mượn họ đựng đót. Thế là tụi mình về nhà dân ở. Hồi đó dân rất quý giáo viên nên cô chú ấy cũng làm riêng cho tụi mình một phòng. Đến giờ đi dạy rồi về nhà ăn tập thể ăn cơm, xong thì về nghỉ ngơi soạn bài và chơi ở nhà dân, đôi khi cùng đi khám phá khe suối, câu cá với mấy em trong gia đình cũng vui.
Trở lại chuyện anh D, anh từng là sĩ quan nên có lượng kiến thức nhất định, cần thiết để mưu sinh dẫu trong hoàn cảnh nào. Trải qua nhiều công việc khác nhau, sau này anh nghĩ ra cách nấu bia. Huế lúc này có từ gọi là “bia khổ” tên gọi là vậy để chỉ cách nấu thủ công nhưng được khách ẩm thực đón nhận nên anh chị cũng có thu nhập ổn trước khi lên đường đi H O. Từ bia khổ đã đi vào dĩ vãng nay không biết ai còn nhớ và ai đã quên? Tên gọi này này thực sự đã lùi vào dĩ vãng. Nay không còn nghe ai nhắc đến nữa, nhưng đó là mưu sinh một thời của không ít người liên quan và thực khách xứ Huế.