Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


SÀI GÒN XE THỔ MỘ




C ách nay tròm trèm thế kỷ Sài Gòn vẫn còn nghe tiếng vó ngựa xe thổ mộ lốc cốc trên đường phố.
     Ở Sài Gòn thời đó chỉ bốn loại xe: một là xe ô tô của các quan Tây, hai là xe đạp, ba là xe kéo, bốn là xe thổ mộ chở người chở hàng.


. NGỰA TỪ ĐÂU NGỰA VỀ

Hồi đó để sắm được một con ngựa chắc cũng khó khăn như sắm được một chiếc SH bây giờ. Bởi có được con ngựa cũng như có được chiếc cần câu cơm. Cách nay bốn chục năm tôi đã gặp ông Tám xà ích ở Bà Điểm, ông kể tôi nghe về cuộc đời phu xe ngựa của ông. Lúc ông gặp tôi thì ông đã già rồi, răng rụng gần hết. Ông móm mém kể: “Hồi qua bằng tuổi chú em qua đã làm chủ một con ngựa và cái xe thổ mộ rồi. Lúc qua lấy vợ, ông già đã cất cho qua cái nhà và cho cái xe và con ngựa để qua làm kế sinh nhai và cũng để cho qua kế nghiệp bởi ông thân của qua cũng làm nghề xe ngựa mà lúc đó cũng đã già rồi”. Rồi vui miệng ông kể tôi nghe lai lịch con ngựa của ông sau cái đánh trót một ly rượu đế: “Hồi đó ở Sài Gòn có trường đua ngựa Phú Thọ. Ở đây qui tụ những con ngựa chiến có giá hàng trăm lượng vàng, phải là dân chơi, đại gia mới có thể sở hữu được vài con ngựa. Ông thân của qua vốn là nhà cung cấp cỏ cho đàn ngựa của một đại gia có bầy ngựa hàng chục con trong đó có con Xích Thố nó vốn là con chiến mã thắng rất nhiều trận oanh liệt. Vậy mà chẳng biết tại sao về sau nó ngày càng xuống sức, Xích Thố mà chạy như ngựa già. Nổi giận, ông ấy bán đổ bán tháo cho ông thân của qua để về kéo xe thổ mộ. Từ đó chiến mã ở đấu trường an phận lốc thốc kéo xe quên mất thân phận mình vốn là một con hạn mã”.

Sau chợ Tân Định có một con đường nhỏ ngày xưa có tên là đường Mã Lộ. Đó là một bến xe thổ mộ từ Bà Điểm - Hóc Môn, An Nhơn - Gò Vấp qua.

Mờ mờ sương sớm trên những hàng cây đã nghe tiếng vó ngựa lốc thốc gõ xa xa, tiếng roi ngựa khua càng xe lốc cốc. Người dân quanh chợ Tân Định thời xưa đó không cần xem đồng hồ cũng biết bình minh đang rạng.

Xe thổ mộ là loại xe độc mã có mui cong cong như hình chiếc mui ghe, xe chở được khoảng bốn năm người. Ông Tám xe ngựa kể: “Hồi đó qua mới hai mươi mấy tuổi còn khỏe lắm, nên ba giờ sáng đã dậy thắng ngựa rồi ra chợ Bà Điểm đón mấy bà bạn hàng chở trầu cau rau quả xuống chợ Tân Định, đậu xe nơi Mã Lộ này để xuống hàng. Cũng có hôm đánh xe xuống chợ Cầu Ông Lãnh, chở cá thịt về lại Bà Điểm - Hóc Môn. Kể cả chợ Bến Thành qua cũng từng đậu xe ở đó”.

Theo cụ Mười, cách nay 10 năm lúc cụ đã ở tuổi 85 ở Xóm Gà, thì ngày xưa, phương tiện giao thông từ Gò Vấp xuống Bà Chiểu cũng là xe thổ mộ đi qua con đường làng hai bên toàn là tre trúc. Nay con đường một thời xe thổ mộ lưu thông chính là con đường Lê Quang Định hiện giờ.

Cụ Mười lần đó cười hề hề chỉ vào bà cụ Mười: “Hồi trước tao cũng là dân đánh xe thổ mộ. Sáng sớm mờ đất lên vùng Gò Vấp chở bạn hàng xuống Bà Chiểu. Trong số bạn hàng ruột có bà Mười của mày đây. Ban đầu tao chở bả cũng lấy tiền y như mọi người. Nhưng chở lâu mãi bả quên trả tiền mà tao cũng quên nhận tiền. Cứ thế mà có một ngày bả nói, thôi ông chở tôi về nhà ông luôn coi như trả công mấy năm tiền xe. Vậy là bả trở thành bà Mười làm chủ luôn cả tao và cái xe ngựa”. Nghe cụ Mười kể chuyện “tình xưa” của mình, bà cụ Mười la oai oái: “Ông này lạ thiệt, về già còn sinh tật”.


. NGỰA LƯU KIM ĐÍNH

Cách nay hơn 30 năm tôi đã gặp ông Húi ở Viện dưỡng lão. Lúc bấy giờ ông đã 60 tuổi, một thân một mình với nhiều bệnh tật. Ông kể tôi nghe ngày xưa ông cũng là dân mê ngựa. Thuở 14-15 tuổi ông là một nài ngựa của một chủ ngựa đua ở trường đua Phú Thọ, ông chuyên cởi con ngựa đua tên là Lưu Kim Đính. Nó là con ngựa cái nhưng đã nhiều lần thắng giải, nhưng về sau nó yếu dần nên chủ không cho thi đấu nữa, mà ông cũng đến tuổi không còn được phép làm nài. Nhớ ơn một cộng sự đã nhiều năm tận tụy giúp mình, ông chủ đã cho ông Húi một số tiền và con Lưu Kim Đính (giãi giá Thọ Châu).

Về nhà ông mua một xe thổ mộ cũ tân trang lại rồi đóng vào Lưu Kim Đính để chở khách từ Chợ Lớn ra chợ Sài Gòn và ngược lại để kiếm sống. Ông nói: “Tôi thương con ngựa ấy quá, chẳng ai cưỡi nó được ngoài tôi. Tôi và nó hiểu nhau như đôi bạn, nó no đói tôi đều biết, có đau bệnh hay khỏe mạnh tôi đều hay. Mỗi lần vào ngày chủ nhật tôi cho nó nghỉ chạy, hai thầy trò lên Hóc Môn, Bà Điểm thả ra đồng ruộng cho nó tự do ăn cỏ, còn tôi tìm gốc cây nằm ngủ. Dè đâu những lúc tôi nằm ngủ nó lại đi giao phối với một con ngựa khác nên nó có thai mà tôi đâu có hay”.

Ông già Húi hấp háy con mắt rồi ngậm ngùi: “Một ngày nọ tôi lãnh chở một xe hàng khá nặng. Đang chạy tới đường Nancy thì đột nhiên con ngựa ré lên. Biết chuyện chẳng lành nên tôi nhảy xuống nhưng con vật cũng quỵ xuống giữa đường. Nó chết vì đứt ruột”.

Ông già Húi đưa mắt nhìn vào khoảng không như người mất hồn. Lúc sau ông nói: “Từ đó, tôi bỏ nghề vì ân hận, vì mình vô tâm. Tôi đau xót như chính cái chết của con Lưu Kim Đính là lỗi do mình, lỗi tại tôi…”.


. ĐÂU RỒI LỐC CỐC VÓ NGỰA KHUYA

Chỉ khoảng trên dưới một thế kỷ nhưng giờ đây đâu còn thấy hình bóng một chiếc xe ngựa nào giữa đất Sài Gòn. Những cái tên ngựa như: Hồng Long, Xích Thố, Lưu Kim Đính, Điêu Thuyền, Lữ Bố… cũng chẳng còn ai nhắc đến như nhắc… Suzuki, Yamaha, Honda…

Theo những người còn thượng thọ ở đất Sài Thành này thì cách nay trên dưới trăm năm nơi này vẫn còn hoang vắng. Nửa đêm về sáng đã nghe xa xa tiếng vó ngựa lốc cốc, tiếng lục lạc leng keng. Trước thùng xe có hai cây đèn bão lắc lư và người xà ích nẹt roi trong không khí. Nghe tiếng đó thì biết buổi sáng đang về và chợ sắp có đông người.

Rồi chỉ vài chục năm nữa thôi, thế hệ trẻ sau này khi có nghe ai kể về chiếc xe thổ mộ thì nó sẽ nghĩ đó chỉ là chuyện cổ tích của thời nàng công chúa Lọ Lem…




VVM.23.11.2023-NVA32790.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .