Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh Nguyễn Trung


VỀ CỘI



      

Ý  định trở về quê của Ô Mai thật gấp gáp. Một buổi chiều, trong chỗ làm việc, Ô Mai nhận được điện thoại của mẹ, “bà ngoại sắp mất, bà yếu quá rồi, me phải về để nhìn mặt bà lần cuối. Con có thu xếp được thì về, chắc bà ngoại không qua khỏi, con à”. Ô Mai không hứa hẹn với mẹ sẽ về hay không, nhưng tối hôm đó về nhà, nói với anh xong, cô gọi ra hãng máy bay lấy vé, thu xếp chuyện công việc, hai ngày sau là đi.    

Bà ngoại là một hình ảnh thân thương nhất của Ô  Mai. Những ngày tháng Mai lớn lên đều do một tay ngoại săn sóc, từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ phải vất vã chạy chợ từng ngày, đầu tắt mặt tối. Cho nên ở nhà mọi việc bà ngoại đều lo. Ngôi nhà ở một vùng quê xa tít, mà đã hơn hai mươi năm Ô Mai chưa trở lại một lần, bỗng dưng bây giờ hiện rõ nét trong tiềm thức của cô. Nơi đó đã ẩn chứa một tuổi thơ cùng cực, nghèo nàn, lam lũ của mẹ con cô trong những ngày xa lơ xa lắc kia.

Xe dừng trước bảng có ghi tên chợ Quán. Con đường vẫn con đường năm xưa, y chang không khác mảy may của hai mươi năm qua. Ô Mai bước xuống chiếc xe ôm trần trụi, hai chuc ngàn hả bác, cô cho bao nhiêu cũng được, Mai dúi thêm cho bác xe ôm năm ngàn. Cô thấy mình xa lạ với nơi đây nhiều quá.

Chợ Quán đã dời đi nơi khác, không còn dấu vết nào của khu chợ năm xưa. Ô Mai đứng trên cây cầu gỗ để nhìn đám bèo trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Hoa bèo màu tím nhỏ chút xíu ẩn hiện trên cánh bèo xanh biếc. Màu tím đó khiến Ô Mai nhìn thấy nhớ thương vô bờ một quảng đời thơ ấu xưa đã vút qua. Bay lạc đâu mất vào trong ký ức nhạt nhòa những hình bóng khác chồng chéo nhau.

Bà ngoại đã chết. Ô Mai lặng lẽ nhìn theo cổ xe tang lăn bánh ra nghĩa địa. Thế là hết một đời người. Bà sống lầm lủi, vô danh, chết cũng lầm lủi, vô danh như thế.

Tiếng cô Khiêm từ trong nhà vang ra.

-Ai đó, đứa nào đó bay?

Ô Mai dừng lại để thở và cười với cô. Mai đội cái nón vải lụp xụp che kín cả khuôn mặt, thêm cả cái khẩu trang che mặt nữa.

-Đứa nào đó bay?

-Con đây.

-Con là đứa nào?

-Ô Mai.

-Mai là đứa nào?

Trong dự đoán của cô Khiêm là một trong những đứa quanh quẩn nơi đây, hoặc đi học xa, hoặc làm ăn trên tỉnh trở về. Cô không dự đoán một sự trở về của đứa cháu cách đây hai mươi năm, đã bỏ quê mà đi. Biệt tin từ ngày đó.

-Con, Ô Mai nè cô.

-Ô, con Mai là con của thằng Hội, con Yến hả?

-Dạ.

-Con về hồi nào mà không báo cho cô hay.

-Thì con về dự đám ma bà ngoại.

-Ô, bà ngoại mất hồi nào?

-Mất một tuần rồi cô.

-Trời ơi, tội nghiệp.

Cuộc sống là vậy, một đời người đã qua, cuộc sống mất tăm trong lòng đất lạnh. Cô Khiêm níu tay Ô Mai, nhìn vào mắt cô gái, cái nhìn buồn rưng, buồn như những người dân quê suốt này quanh quẩn nơi xó nhà, con đường đất đỏ, cái chợ làng quê. Cái buồn thấy mình không thoát ra được nơi chốn này, còn người con gái này thì ở một nơi xa quá.

-Thôi, con vô nhà đi, đi đường mệt không con?

-Cũng mệt chút ít thôi. Cô khoẻ không?

-Cứ rề rề hoài. Đau không ra đau, khoẻ không ra khoẻ. Cũng hai mươi năm rồi tau mới gặp mi.

-Dạ, hai mươi năm, lúc con đi ra khỏi đây con còn nhỏ xíu.

Chung quanh căn nhà cũ là hàng rào trồng đầy hoa bông bụp. Màu đỏ của hoa bông bụp làm Ô Mai thấy lòng mình như xót thương một cái gì đã mất. Con đường làng, cái cổng gạch, sân phơi lúa. Nó là một tuổi thơ nghèo nàn pha lẫn những buồn đau của cuộc đời mẹ.

Hai mươi năm từ ngày Ô Mai đi khỏi căn nhà, lúc đó cô Khiêm mới trên năm mươi. Tóc cô còn xanh mướt dầu dừa. Bây giờ hơn bảy mươi. Tuổi già làm da cô nhăn nheo, má hóp lại và mái tóc bạc phơ. Cô nhìn Ô Mai bằng đôi mắt nhấp nháy như muốn nhìn cho kỹ đứa con gái nhỏ này có phải là cháu mình không, có phải là một phần máu huyết của mình trong thân thể nó. Mới đó mới đây, thời gian bay vù. Cô Khiêm bước vào trong nhà, Ô Mai bước theo. Dáng cô nặng nề, như đứa con nít mới tập đi, chập chững.

-Mấy anh chị đi đâu hết cô?

-Thì đi làm ăn chứ đâu, đứa trên tỉnh, đứa trên huyện. Nhà ni chỉ còn lại tau với dượng mi. Mi về lần này gặp ngày cúng xóm, chắc tụi nó cũng về nay mai, con ở chơi lâu lâu cho anh chị em gặp nhau, hỉ.

-Con không biết ở bao nhiêu ngày, nhưng con phải về Sài Gòn, vì về đến phi trường là con bay ra đây ngay để kịp đám tang bà ngoại.

-Từ từ chớ con, chứ vô Sài Gòn chi sớm. Đơị tụi trẻ về gặp cho vui.

Nơi nhà nội, nơi đây hai mươi năm sau không khác hai mươi năm trước mấy. Cũng cái bờ thành rêu phong bao phủ, cũng cánh cổng bằng xi măng màu xám xịt, trên có hàng chữ số ông nội ghi, 1958. Thời gian như một vết dao đâm toạt dĩ vãng. Ngày ba đi tù, mẹ về đây cùng chị em Mai nương náu sống qua ngày. Ô Mai còn bé xíu nhưng vẫn còn ghi trong trí óc cô những hình ảnh của một vùng quê chộn rộn. Chộn rộn vì miếng cơm manh áo. Nội đã già. Mấy công ruộng phải vô hợp tác xã nông nghiệp, chỉ còn chia cho gia đình có mấy sào. Mẹ phải đi chạy chợ, buôn tảo bán tần kiếm ăn hằng bữa. Chị Thư, chị Nghi đến tuổi mà không có trường nào nhận vào học. Cái thuở đó sao mà xa vẫn còn gần gủi trong trí nhớ muộn màng của Mai đến bây giờ.

Đây là cây dâu đất bên cái giếng xi măng bốn mùa đầy trái bu quanh thân. Đây là cái hồ nuôi cá của ông nội thuở xưa. Ba kể, cái hồ này khi ba còn nhỏ, giặc Pháp cho máy bay oanh kích khắp vùng, bà nội, cô Khiêm, bác tư Giảng và ba đã chun vô núp ở đó. Nay cái hồ cũng đã lạn mất vì chiến tranh, xe tăng thiết giáp đã càn qua đó, thay vào đó là cái hầm để núp tránh máy bay nã đạn.

Ký ức Ô Mai đi đến cái ngày từ Sài Gòn cùng ba mẹ về thăm nội. Mười sáu tuổi. Lúc đó Mai đúng là tuổi của cô gái má đỏ môi hồng. Cô về quê mang dáng dấp, hơi hướm của người con gái Sái Gòn. Ai cũng khen Ô Mai đẹp, cô có cặp mắt lớn như hòn bi ve, có nụ cười với đôi má lúm đồng tiền, lại có giọng hát hay, luyến láy như chim. Nhân vào dịp nghỉ hè của trường tiểu học, nhà trường làm lễ bế giảng có phần trình diễn văn nghệ. Cô Khiêm là giáo viên giảng dạy ở đây, cô nghe giọng hát Ô Mai lãnh lót. Cô có ý kiến, buổi lien hoan cuối năm học để nghỉ hè, có tổ chức văn nghệ, con ca giúp trường nhé. Thật ra, cô bé cũng chỉ hát cho vui, hát vu vơ những bài hát quen khi nghe trên radio, nhưng mà cô đã nhờ thì mình cứ hát, chắc là hay, vì giọng của Ô Mai nghe không thôi cũng thấy đạt rồi.

Thế là tối hôm đó, một buổi tối học sinh và phụ huynh toàn trường tập trung ở ngay sân cỏ cũng gần một ngàn người. Ô Mai đứng trên sân khấu với áo dài trắng, quần trắng thướt tha (chắc là hơn hẳn những cặp đồ bộ của các bạn nữ sinh ở đây).

Cô cầm micro cất tiếng:

Em sẽ là mùa xuân của mẹ
em sẽ là màu nắng của cha
em đến trường học bao điều lạ
môi biết cười là những nụ hoa

trang sách hồng nằm mơ mà ngủ
em gối đầu trên những dòng thơ
em thấy mình là hoa hồng nhỏ
bay giữa trời làm mát ngày qua…”
 

Tiếng hát bay vút trên không trung, la đà trên các ngọn cây, bay đến từng mái nhà trong thôn xóm. Cô bé cũng như đang sống trong một giấc mơ nào, cũng chấp chới theo điệu nhạc chơi vơi, đến khi có tiếng vỗ tay ào ào nỗi lên làm cô bừng tĩnh. Ba mẹ đứng dưới sân trường nhìn lên cũng rưng rưng nước mắt.

Bây giờ thì đã hơn hai mươi năm trôi qua. Cô bé ngày xưa nay đã thực sự khác. Đã là người con xa xứ. Xứ Mỹ tiếp đãi cô như một cái nôi êm ái dịu ngọt. Gia đình không còn chạy ăn từng bữa như xưa, cô đã vào college, rồi vào trường Dược. Rồi cô có gia đình và có con.

Đến bây giờ Mai không biết đã yêu nơi đâu. Yêu cái cội nguồn mình đã sinh ra, nơi ba đã đi ở tù, nơi mẹ đã tần tảo sớm trưa. Kỷ niệm lúc nào cũng đẹp, nhưng đó cũng là cũng chỉ là những kỷ niệm.

-Cô, con sẽ ở lại vài ngày để gặp mấy anh chị, rồi con sẽ về Sài gòn để còn về Mỹ, con còn phải đi làm nữa cô à.

-Vậy thì tốt quá, cô vui lắm. Anh chị em bay cũng hai mươi năm mới gặp lại đó. Chắc tụi nớ cũng mừng lắm, con Biên, thằng Sơn, thằng Tùng, con Duyên, con Tí, con Út nhắc đến tụi bay hoài. Tụi nó cũng con cái đùm đề hết rồi.

-Dạ.

Trên chuyến bay trở về Mỹ, Ô Mai thấy rộn ràng, nôn nao. Cô nhớ mấy nhóc để anh chăm nom bây giờ ra sao? Cô nhớ về anh trong niềm thương yêu ấm áp vợ chồng, nhớ những con đường thẳng tắp trên Free way, nhớ cái Pharmacy cô đứng bán hằng ngày và những nhân viên thân thiết…

Ôi! Biết đâu nguồn cội! ./.  




VVM.23.11.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .