Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



tranh Nguyễn Trung

THƯƠNG EM THƯƠNG CẢ GIA ĐÌNH





N gày đó khi lấy anh phải nói tôi luôn hoài nghi với quyết định của mình. Anh dường như có một cuộc sống khác xa tôi, cả công việc lẫn tính cách và lối sống. Không có một điểm chung thì sẽ luôn phát sinh mâu thuẫn, đó là suy nghĩ cứng nhắc của tôi ngày ấy, mà kì thật chúng tôi vẫn hay cãi nhau, dù chỉ là đơn phương một phía từ tôi.

Tôi gặp anh vào những ngày giáp Tết năm năm về trước, khi cơn xuân đang từ từ vắt vội thân mình qua những luống cây, tạo một màu nhàn nhạt trên khung trời và những cánh diều của những đứa trẻ thả vội nom cứ như những con én liệng chào xuân. Tôi khi ấy đã bước vào tuổi ba mươi, vẫn là một người cứng nhắc và nguyên tắc và có lẽ vì sống trong môi trường làm việc và sự thăng tiến mau chóng khiến tôi dường như lúc nào cũng có kế hoạch và đòi hỏi khá cao cho cuộc sống của mình. Đã từ lâu rồi tôi không nghĩ đến hôn nhân, sự đổ vỡ của gia đình khi ba mẹ ly hôn từ nhỏ và những mối tình thoắt đến thoắt đi khiến tôi ngờ vực vào tình cảm. Tôi thích cảm giác cô độc một mình đi hội hoa xuân vào những ngày cuối năm, dù cứng nhắc nhưng tôi luôn thích tận hưởng sự nảy mầm của những đọt non và mong muốn lựa chọn được cây đẹp nhất về chưng nhà chơi Tết.

- Cây này đẹp nhưng tán không đẹp, hơn nữa đội giá đắt lên so với thửa trên kia. Em nên lên trên đó xem thử.

Một giọng nói đàn ông vang lên khi tôi vừa định chọn một cây quất tán to về chưng. Không cả vội nhìn, tôi cất bước đi tiếp sang gian hàng cây cảnh bên cạnh. Và ngay khi tôi lại vì một cuộc điện thoại công việc quấy phá chuyến du hoa xuân nên định kết thúc với một chậu đào nhỏ thì giọng nói ấy lại cất lên:

- Hoa nở hết rồi, không kịp tới Tết, đến khi vào những ngày xuân chỉ còn là cây tàn.

Lúc này tôi mới quay lại và kịp nhìn người đàn ông trước mặt, đó là một người đàn ông cao ráo với làn da ngăm đen rám nắng. Anh mặc một chiếc áo sơ mi trắng dày nhưng bỏ ngoài quần và một chiếc quần tây nâu, nom như một người đàn ông giản dị nhưng không biết cách ăn mặc, chỉ khoác đại một bộ đồ lên người để thoạt nhìn trông tử tế.

- Nếu anh có vẻ rành về cây như vậy anh có thể giúp tôi lựa một cây để chơi xuân?

- Tất nhiên – Anh ta hồ hởi – Nhà anh từng bán cây chơi tết đấy nhé.

Sau này khi quen nhau rồi tôi vẫn hay hỏi anh sao ngày đó lại để ý đến một người qua đường như vậy. Dù quen nhau lâu kỳ thực tôi biết tính cách anh thực sự rất hiền và bao dung nhưng nếu với ai cũng vậy thì quả thật có hơi “nhiều chuyện”. “ Vì Tết là dịp sum vầy, vì em cô đơn và anh cũng cô đơn.” Lúc đó tôi mới để ý hôm đó trong giữa vô vàn người, chỉ có tôi và anh trong thoáng chốc thu mình lại trong sự cô độc đến tận cùng. Tưởng chừng cái đông còn sót lại đang vắt vẻo hôn nhẹ lên bờ má của hai người khiến cả hai đóng tuyết. Và rồi như có một bàn tay ấm nóng chạm vào khẽ hất đi giọt tuyết ấy thay thế bằng cảm giác thật ấm nồng.

Anh có tính cách đơn giản còn tôi thì lại có suy nghĩ khác phức tạp. Anh là lái xe múc cho một công ty nhỏ, còn tôi là trưởng phòng nhân sự ở một công ty có tiếng. Gia đình tôi khi bố mẹ ly hôn chỉ có độc nhất một mình tôi còn anh lại là con thứ tám trong gia đình ở một miền quê ngoại vi thành phố. Anh hiền, tôi biết. Nhưng đôi khi sự đơn giản của anh với sự phức tạp của tôi nó như một sự đối nghịch khiến tôi không thể thoát khỏi sự so sánh. Tôi nhớ chúng tôi đã cãi nhau nhiều lần vì những vấn đề đối lập ấy. Như việc có năm tôi chỉ rảnh vào mùng Ba Tết, nhưng anh lại vì mấy đứa cháu vòi chở đi chơi và lỡ hứa, tôi là kẻ rủ rê sau nên tôi cả giận.

- Vậy nghĩa là nếu phải lựa chọn thì anh sẽ chọn cháu anh thay vì tôi?

Hoặc có lúc khi xe tôi hư bất chợt khi tôi phải đi làm sớm, hỏi anh thì anh vội đặt taxi cho tôi, sau này anh giải thích là vì anh sợ những cơn mưa xuân bất chợt làm ướt tóc tôi và vì anh có việc phải chở anh trai của anh vì anh ấy không có xe đi làm. Và lúc đó tôi lại hỏi anh:

- Cùng đều không có xe nhưng anh chọn chở anh trai anh thay vì tôi?

Có lẽ vì có sự tan vỡ và những mất mát trong gia đình quá lớn nên mỗi khi đụng tới gia đình, tôi vẫn hay nhạy cảm. Trong mắt tôi, dù đã nhiều năm quen nhau và nhiều lần anh ngỏ ý cầu hôn tôi nhưng tôi vẫn luôn bắt anh phải đợi vì tôi sợ mình sẽ không hạnh phúc. Tôi sợ anh xem gia đình anh hơn tôi, và những việc nhỏ nhặt cũng trở thành những câu hỏi lớn tôi hỏi anh mà tôi biết người đơn giản như anh sẽ không thể nào trả lời được. Mỗi khi nhận những câu hỏi lắt léo từ tôi, anh thường không biết phải nói gì ngoại trừ nói:

- Vậy mình cưới nhau đi, rồi em sẽ có câu trả lời cho sự hạnh phúc. Bây giờ anh nói như thế nào em cũng không tin cả.

Nhưng những ngày kỉ niệm cứ qua đi, những lần Tết cứ mỗi lúc mỗi dày thêm và tôi vẫn luôn thử thách anh hết lần này tới lần khác mà không chịu hiểu con người không ai thực sự hoàn hảo, và với mỗi vấn đề nếu ta nhìn theo con mắt khác có lẽ đã tốt hơn. Phải nói là anh rất hiền, và luôn nghĩ cho tôi, và anh yêu tôi bằng một lòng yêu không tính toán, còn tôi dường như vì những vết thương nơi gia đình nên luôn nghĩ rằng nếu lấy anh mà thất bại trong hôn nhân thì sẽ lỡ một lần đò và những năm xuân vốn độc thân nhưng vui vẻ với chính mình sẽ trở thành những hồi ức tệ. Hơn nữa, đôi khi những sự việc nhỏ làm tôi ngờ vực sự quan trọng của mình với anh, so với gia đình anh.

- Gia đình của anh, rất quan trọng, nhưng sao em lại quên, em cũng sẽ là gia đình của anh? Giờ anh nói gì em cũng nghĩ là bào chữa, hãy cho anh cơ hội để chứng minh.

Tôi nhớ tôi đã sợ anh biết về hoàn cảnh gia đình của mình như thế nào vì tôi muốn trông tôi luôn hoàn hảo trước mặt anh. Phải đến mùa Tết sau khi quen nhau ba năm tôi mới dẫn anh về ra mắt gia đình và nói với anh về việc ly hôn của ba mẹ. Ba mẹ tôi đã ly hôn nhiều năm và họ đều có gia đình mới, thường Tết tôi ăn Tết tại công ty với những nhân viên không về quê, hoặc có khi sẽ đến thăm nội ở viện dưỡng lão. Tết năm ấy, anh không về quê vì muốn đón Tết cùng tôi. Kì thực, tôi cả ngại. Vì là năm đầu tiên anh biết về gia đình, tôi sợ anh phiền, sau khi báo trước với ba, tôi dẫn anh về ra mắt ba. Lúc ấy, mẹ cũng vừa gọi tôi ghé nhà mẹ thăm xuân, tôi cũng định bụng sẽ tiễn anh về rồi mới đi một mình vì tôi sợ hoàn cảnh gia đình phức tạp, mắc công anh thấy tốn sức. Anh mỉm cười nhìn tôi:

- Nhà mẹ vợ tương lai ở đâu nhỉ? Anh muốn ghé lâu rồi, nay mẹ đánh tiếng thiệt là có dịp.

Sau khi từ nhà mẹ về, anh ân cần hỏi thăm tôi có mệt không, và đi con đường quen thuộc tới viện dưỡng lão, để thăm bà tôi.

- Anh nhớ năm nào em cũng kể về việc ăn Tết và ghé thăm bà, anh không muốn vì có anh mà ngoại lệ.

- Nhưng anh cũng phải về quê kịp chuyến xe mà.

- Gia đình em cũng là gia đình của anh, anh sẽ suy nghĩ để vẹn toàn, không phân biệt.

Và tôi vẫn nhớ như in cảm giác lúng túng lẫn hồi hộp của anh khi ra mắt gia đình tôi cũng như cứ vài ngày sau lại hỏi lại xem họ cảm nhận gì về anh để anh sửa chữa. Người đàn ông trước mắt tôi bỗng dưng bé lại như một đứa trẻ luôn sợ mắc sai lầm.

Chúng tôi kết hôn sau năm năm hẹn hò. Năm đầu tiên lấy chồng, khi vừa giáp Tết anh đã nói tôi thu xếp về quê anh, để ăn Tết cùng gia đình anh, dù gì cũng là cô dâu mới. Phải nói tất cả đều bỡ ngỡ và có vẻ bận rộn khi gia đình anh quá đông đúc và tôi luôn có cảm giác anh rất vội vã, dù chưa vào mồng đã dẫn tôi đi giới thiệu khắp họ hàng. Đến mồng Một Tết sau khi làm lễ gia tiên xong, xin thưa ba mẹ chồng, anh xin phép sáng mai đưa tôi về ăn Tết cùng gia đình. Ba mẹ chồng tôi hiền lành chân chất, không nghĩ gì nhiều đồng ý, trên chuyến xe về tôi nắm chặt tay anh hỏi nhỏ:

- Anh không sợ sẽ bị nói sao dâu mới cưới đã không ăn Tết nhà chồng sao?

- Sao anh lại sợ? Anh chỉ sợ em cảm thấy buồn khi không thể ở bên ba mẹ, dù gì cũng chỉ mỗi dịp Tết hiếm hoi em mới gặp được họ mà. Anh không quan tâm ai nói gì, anh chỉ quan tâm em nghĩ gì. Anh nói rồi, anh không giỏi ăn nói nên anh dùng hành động để chứng minh. Thương em, anh thương cả gia đình.




VVM.16.11.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .