Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ

KHÓC NGƯỜI THIÊN THU




Một đời, anh yêu vùng tóc mây huyền ảo đó
Đã vắng xa rồi, ai vuốt tóc em
khi chiều xuống cô liêu?


Nha Trang 30/7/1968, thứ tư.

    Đi Nha Trang sau cái quyết định đột ngột từ bỏ hẳn Vũ, từ bỏ luôn Sàigòn với muôn ngàn kỷ niệm. Cũng không hiểu tại sao lại làm điều ấy? Có lẽ tôi yêu những bước bay nhảy của đời mình nhiều hơn yêu tình yêu của Vũ. Hay cũng có lẽ vì sự nát tan trên khuôn mặt Thùy buổi sáng vừa mới đây đã đưa tôi đến cái quyết định kia? Tôi không biết được. 18 tuổi, tôi không thuộc loại con gái đẹp, nhưng như mọi người nhận xét, đã có một cái gì man dại quyến rũ nơi tôi khiến tôi trở nên đặc biệt và được rất nhiều bạn trai ưa thích. Vũ và Thùy là hai trong số đó. Cả hai đều yêu tôi, tôi biết. Cả hai đều muốn trao gửi cuộc đời mãi mãi cho tôi. Về phần tôi, với cái tuổi 18 ngây thơ, và với cái chết cách đây vài tháng của người trung úy Dù tôi thương quý vẫn hằn sâu trí nhớ, tôi chưa thực sự “muốn” yêu ai. Trong tôi còn nhiều nông nổi. Sự nông nổi không đến từ những ước mơ vật chất, mà chính từ sự tự do yêu dấu, tôi không muốn cùng chia xẻ với ai.

    Một chặng đời mới bắt đầu với nhiều ngần ngại; nhất là bâng khuâng vì sự buồn bã của mẹ hôm tiễn đưa tôi ra phi cảng. Có lúc tâm tư mềm yếu lại để chỉ muốn trở về nằm bên cạnh mẹ như trong những ngày còn nhỏ dại. Tuy nhiên rồi mọi sự cũng qua khi máy bay đáp xuống Nha Trang. Nếu đổi tình yêu của các người đàn ông và cả một trời kỷ niệm Sàigòn để tìm thấy sự an bình thoải mái trong ngôi biệt thự xinh xắn bỏ trống của gia đình trên con đường Quang Trung thơ mộng, tôi nghĩ cũng không tệ lắm. Và tôi vui với những gì đang nắm được trong tay.

Nha Trang, ngày 1/8/1968, thứ năm.

    Lần đầu gặp Long, em trai độc nhất của Thùy lúc cậu Huế mời về nhà ăn cơm tối. Tôi sửng sốt vì sự giống nhau như tạc trên cả hai khuôn mặt. Một nỗi nhói lòng dấy lên khi nghĩ về người lính tác chiến đang đồn trú nơi xa xôi ấy. Ôi! Anh có đã thật thất vọng về con người tôi trong vài ngày phép Sàigòn ngắn ngủi với sự gặp gỡ Vũ vừa qua?

Nha Trang, ngày 3/8/1968, thứ bảy.

    12 giờ trưa, đi làm về, cậu Huế chợt nói:

    “Thằng Thùy nó chết rồi!”

    Tôi đang ngồi bên nhà dì Túy, thốt nghe như mình bị nghẹn thở trong một lát. Lại nghe dì la lớn:

    “Cậu đừng nói thiên gia, không nên. Thằng Thùy, tôi mới thấy nó hôm nào đây?”

Cậu cười:

“Ừ! Vậy mà nó đã chết!”

    Trong tôi như ngừng thở hẳn.

Cậu kể:

    “Một công văn từ Quảng Ngãi đánh về, báo tin tử trận của nó trong cuộc hành quân Núi Dẹp hôm 1 tây tháng 8. Chính thằng Long hồi sáng sớm đến cho tôi hay.”

Rồi thêm:

    “Bọn lính đã báo cáo an toàn, vậy mà nó vẫn cứ tự ý lang thang qua vùng cấm địa. Không biết nó nghĩ gì khi làm điều ấy?”

    Trái tim tôi thắt lại, cúi nhìn xuống đất. Hình ảnh một buổi sáng Sàigòn mới 5 ngày trước đây khi anh từ giã gia đình tôi để trở về Quảng Ngãi, hiện ra trong óc. Buổi sáng đó, cả hai đứng trong phòng khách, anh không nhìn tôi, chỉ lơ đãng ngó lên các cuốn sách trên kệ, tần ngần hồi lâu, sau cùng rút ra một cuốn của Hemingway, cúi đầu nói nhỏ: “Cho anh mượn đem theo đọc!” Ngay khi ấy, nét u uẩn nhuốm tràn đôi mắt đã cho tôi biết rằng anh đang rất tuyệt vọng. Muốn nói với anh những lời giã từ thân ái, nhưng rồi chẳng làm gì cả, chỉ nhìn anh lặng lẽ khoác ba lô lên vai. Khi anh chào mẹ tôi, tôi nghe bà hỏi: “Bao giờ Thùy lấy vợ?”Anh lắc đầu cười, cái cười như một cái mếu khiến tôi không dám nhìn lâu vào đó: “Chẳng bao giờ đâu chị ạ. Mà nếu có, chắc lúc đó chị đã phải ăn trầu bằng cái ống ngoáy rồi.” Và anh theo cậu Tân ra xe.

    Dì Túy cứ luôn miệng than:

    “Nó thương con Mây. Nó nói với tôi như vậy. Nó nói con Mây có nhiều cá tính lạ, ít đứa có. Nó thương con Mây ghê lắm!”

    Rồi dì quay qua tôi:

    “Thôi, đừng quen ai nữa con ơi! Đi tu đi! Ai thương mày rồi người đó cũng chết! Tội lắm!”

    Phải, tội lắm! Cái “tội” lớn nhất của tôi chính là đã vô tình xuất hiện trên đường đời bước đi của những người đàn ông yêu tôi mà không nhận được từ tôi một tình yêu đáp trả. Với anh cũng vậy, chính tôi là kẻ đã giết anh, giết sự tin tưởng trong anh, đến nỗi đẩy anh vào sự chết. Ngay từ những ngày đầu yêu tôi, tôi đã biết điều tuyệt vọng này sẽ xảy ra cho anh nhưng không thể nào ngăn cản. 18 tuổi còn quá ngây thơ, dẫu rất dè dặt mà tôi vẫn không biết cách gì tỏ bày cho anh thấy tình cảm trong tôi chỉ là của một đứa em gái nhỏ thương anh từ khi thơ ấu. Đó không phải tình yêu của một người con gái như anh chờ đợi. Vì vậy, sự nát tan hẳn nhiên phải có khi anh bất ngờ đối diện với những thực tế bao quanh người con gái (là tôi)...

    Từ buổi chia tay ở Sàigòn, tôi đã phải sống trong tâm trạng đợi chờ một tin dữ... Nhưng sao lại là sự chết? Định mệnh nào quá khắc nghiệt với anh -và cả với tôi- để tạo nên cái chết như vậy? Chết lẹ làng đau đớn, xác không toàn thây, phần dưới thân thể và một cánh tay bay phăng mất?

    Buổi chiều.

    Một mình trên phố Độc Lập, tôi như kẻ mộng du bước đi vô hồn qua các cửa hàng tấp nập. Chỉ trong vòng một năm mà đã hai lần nhận tin chết trận của hai người đàn ông yêu tôi! Trong đầu cứ quay quay mãi một đoạn thư anh viết:

    “Trận chiến của chúng ta ngày nay không giới tuyến nên rất khó phân biệt ai là thù, ai là bạn, bởi vì tất cả đều cùng nói tiếng mẹ đẻ. Bà mẹ VN lúc trước vụng tu nên con cháu ngày nay xoay lưng chống lại nhau, tranh giành nhau từng bờ hào tấc đất. Một con người trong suốt cuộc đời phải qua vài lần chinh chiến; giờ đây bọn trẻ mình cũng phải vướng vào cái vòng khói lửa. Chả trách ai được. Chỉ biết ngậm ngùi cho số phận mình và cho bao lớp người đã ngã xuống trước kia.”

    Phải rồi! Chẳng biết trách ai theo một dọc dài lịch sử mà hai chữ “chiến tranh” là điển hình đậm nét. Giờ đây, một buổi chiều thứ bảy đẹp trời trên các nẻo phố của quê hương anh, tôi đã thật ngậm ngùi thương cho anh và cho cả chính tôi. Mãi mãi rồi, mắt anh đã khép, tim anh ngừng đập và đôi chân anh thôi bước trở lại trên lớp cát biển trắng phau anh từng nghịch đùa từ khi niên thiếu. Còn cánh tay anh? Nó đã bay phăng mất để thật khó nhọc, các người lính bạn anh mới moi được từng lóng, từng lóng vùi sâu dưới cát.

    Ôi! Những ngón dài cô độc tôi từng yêu mến; đôi tay đã bao lần tạo nên cho riêng tôi những âm thanh rung cảm; đôi tay từng viết gửi về tôi những tờ thư hy vọng; và đôi tay chưa hề một lần dám nắm lấy tay tôi!

Nha Trang, ngày 4/8/1968, chủ nhật.

    Sáng chủ nhật trời lạnh. Tâm tư tôi càng lạnh hơn khi tỉnh giấc sớm và chợt nhớ đến cái chết của anh. Nha Trang quê hương anh, có ai hiểu rằng chính tôi là người đã gián tiếp tạo nên cho anh điều ấy? Câu hỏi cứ xoáy hoài trong óc như một mặc cảm tội lỗi, càng nhiều hơn khi nhìn cái vẻ sửng sốt của bà ngoại và các anh em công nhân trại gỗ trước cái tin dữ đột ngột này. Tất cả đều kêu lên rằng mới hôm nào anh còn ngồi nơi cái bàn này, cái ghế kia, còn uống rượu, chuyện trò, cười cợt... Thật vậy! Có ai ngờ chỉ mới một tuần lễ trước ở Sàigòn, anh còn đưa tôi đi phố Lê Lợi mua sách, còn hiện diện bên tôi trên các con đường có nhiều cây cao? Vậy mà giờ đây anh nằm nơi xa kia, bình thản lạnh lùng và không còn biết chút nào đến từng tấc lòng tôi đang bị dày vò đay nghiến.

    Trước một hiệu sách, tôi đã thốt ngơ ngẩn khi nghĩ rằng không bao giờ nữa còn dịp gửi tặng những tác phẩm mới in cho một người lính nghèo đồn trú nơi vùng hỏa tuyến. Ôi! Quảng Ngãi! Vòm trời ngập tràn khói lửa, trọn kiếp này đã trở thành một ám ảnh cho tôi! Nơi đây ghi đầy những bước chân gian truân của anh và đồng đội, nơi đã đón nhận những cánh thư xa từng đem cho anh niềm hạnh phúc. Cũng nơi đây, anh nằm xuống với trái tim tan vỡ, hai tiếng yêu tôi, anh chưa kịp một lần được thốt! Và mối tình câm lặng, anh đành đem theo về thế giới âm u.

Sao tôi lại mất anh dễ dàng như vậy?

Nha Trang, thứ tư ngày 7/8/1968.

    Long đến báo tin đã đưa xác anh về Nha Trang. Trong cuộc chuyện trò, Long cho biết rằng có nghe anh kể rất nhiều về tôi, luôn những lá thư nhận trong kỳ phép vừa rồi, cậu cũng được anh chia xẻ. Cậu lại kể, ở Quảng Ngãi, có một cô gái khóc anh thổn thức và xin được xem mặt lần cuối trước khi quan tài đóng nắp; lại cũng xin giữ tấm thẻ bài của anh như một kỷ vật thân yêu.

    Ôi! Sao thật oái oăm!

    Những lời tôi viết cho anh ngày nào, trở về trong trí nhớ:

    “Em rất cảm kích khi biết anh dành cho các lá thư em một tình cảm sâu đậm. Em chỉ e rằng anh đã đưa em lên cao quá và sẽ thất vọng nếu một ngày anh nhận ra những cái rất tầm thường nơi em. Em là đứa con gái mang trong người nhiều tật xấu. Có lẽ tâm hồn em không được vô tư như phần đông các cô gái khác. Em mong anh hiểu em cặn kẽ. Mãi mãi, em chỉ ước mơ tình cảm chúng mình vẫn như bây giờ và trước đó: thương mến nhau như hai anh em và quý trọng nhau như hai người bạn. Em chưa dám nói đến tình yêu khi mà em biết mình sẽ không có can đảm để nhận một tình yêu từ bất cứ ai. Anh có hiểu em không? Em tin rằng có, bởi vì anh thương em và đã hứa sẽ giúp em san bằng mọi nỗi khó trong óc?” (Thư viết ngày 18/6/1968 tại Sàigòn).

Và:

    “Mẹ thì muốn cho cả bọn đi nghỉ hè Nha Trang nhưng Trọng và Thủy không chịu. Nên có lẽ đầu tháng 8 em sẽ đi và chờ anh về Nha Trang cùng tắm biển luôn. Dù ở đó, em không có piano để đàn cho anh nghe, không có tourne disque để cùng anh thưởng thức nhạc, thì chúng mình cũng sẽ có cả một dòng biển xanh và bầu trời trong vắt.

Chiều nay mưa thật lớn, “mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều”. Em nghe nhớ vô cùng một chuyến đi xa. Em biết thế nào anh cũng tự hỏi em gái anh sao mà mâu thuẫn, đoạn trên bảo không thích rời Sàigòn, đoạn dưới lại đòi từ bỏ. Em cũng không hiểu rõ mình nữa. Em vừa thích thứ này lại cũng ưa thứ khác. Em muốn vâng lời khi nghe mẹ dạy: ‘Dây tình cảm nhiều chỉ khổ cho nó (là anh)’ nhưng cũng không làm được cái điều quay mặt. Không mong một lần xa anh mãi mãi, dẫu cũng tự biết rồi em chỉ là người đem sự đau khổ đến cho anh. Vì vậy mà do dự. Tự nhủ, tất cả đều là định mệnh!” (Thư viết ở Sàigòn ngày 26/5/1968).

    Giờ đây, dẫu những lời thư xưa có dè dặt bao nhiêu thì cũng không thể phủ nhận rằng chúng đã dự một phần rất lớn vào sự kiện tạo cho anh hy vọng và rồi cũng đẩy anh vào vòng thất vọng. Rõ ràng số phận oái oăm! Nếu đừng vì yêu tôi để đáp lại mối tình của người con gái ở Quảng Ngãi kia, định mệnh có lẽ không khắt khe với anh và phần số anh chắc cũng chẳng ngắn ngủi như vậy.

*

* *

    Lúc 3 giờ chiều, lần đầu tôi đến nhà anh, tâm tư thật xúc động đến dường nghẹn thở. Tấm ảnh phóng lớn đặt trên nắp quan tài đâm thẳng vào tim tôi những cú đau nhói. Đôi mắt đầy nét u uẩn tôi từng biết từ khi còn bé, giờ đây như xoáy vào tận tâm can tôi bằng cái nhìn càng buồn rầu hơn nữa. Tôi không dám ngó lâu vào đó, chỉ cúi đầu trước những người thân anh với toàn những tiếng sụt sùi rấm rứt. Người cha đã già, nhưng không già bằng người mẹ. Anh giống mẹ nhiều hơn, nét trầm tư là do từ bà cụ. Thân hình bà bé nhỏ, vẻ đôn hậu phủ đầy khuôn mặt. Bà khóc. Mọi người ai cũng khóc. Hầu như tất cả đều biết rằng tôi là người con gái được anh dành cho một tình yêu.

    Anh nằm đó, giữa các người thân, rất gần gũi mà cũng đúng là nghìn trùng xa cách. Cái ước mơ một ngày đưa tôi đến với gia đình anh đã thành sự thật, nhưng sao lại là cái sự thật vô cùng đắng cay như vậy? Tôi không khóc anh, chẳng một giọt lệ trào ra khỏi khóe, mà thật, cả tấm lòng cơ hồ chết điếng vì cái dáng mỏi mòn tàn úa của người mẹ không ngừng lau nước mắt. Và từ đây, làm sao tôi còn quên được tiếng nấc nghẹn ngào của người cha đang đứng cúi đầu trước tấm ảnh anh.

    Ôi! Anh hãy tha thứ cho tôi! Tha thứ tất cả những hạnh phúc hay khổ đau nào tôi từng đưa đến trong cuộc đời anh vô cùng ngắn ngủi. 27 tuổi, còn quá trẻ để phải làm cuộc giã từ vĩnh viễn. Tự hỏi, định mệnh nào đã giáng xuống trên anh, trên các người thân, và cả trên tôi những cú tang thương?!

Nha Trang, thứ năm 8/8/1968.

    Tôi đi qua nhà anh từ sáng sớm, phụ giúp gia đình những việc vặt vãnh. Sự đón tiếp thân ái của mọi người thật đúng là những cực hình cho tôi.

    Người chị dâu anh đã hỏi đứa con gái nhỏ:

    “Con gọi cô đây là gì?”

    Con bé chưa biết trả lời sao thì chị đã tiếp:

    “Là thím Thùy mới đúng nghe con?”

    Một người cậu từ Sàigòn ra tiễn đưa cháu lần cuối, đến ngồi cạnh tôi trò chuyện. Tôi nghe cậu kể:

    “Cách đây 10 ngày nó lên thăm cậu ở Gò Vấp. Cậu đã hỏi: Sao cháu không đi thẳng Quảng Ngãi, còn dù về Sàigòn làm chi? Có phải để thăm người yêu? Nếu có, sao không đưa lên cậu xem mặt, rồi còn viết thư về cho ba má biết? Thì nó trả lời: Con cũng muốn điều ấy lắm nhưng chưa tiện. Ngày nào chắc rồi, con sẽ dẫn lên.”

Cậu cũng khuyên tôi đừng vì quá buồn mà sinh bệnh. (Lòng nghe sao thật bồi hồi xấu hổ!)

Nha Trang, thứ sáu 9/8/1968.

    Đám tang đưa đi. Tôi mặc áo dài trắng. Bước chậm theo sau quan tài anh trên đường phố Nha Trang mà tâm tư thật ngẩn ngơ lơ lửng. Mọi sự xảy ra bất ngờ đến dường thảng thốt! Có lúc, tôi cứ ngỡ, nằm trong quan tài kia chỉ là một người già nua nào khác; chừng định thần với tiếng khóc chung quanh, tức thì trọn trái tim như bị kéo trì trong một nỗi buồn sắc nhọn vô biên.

    Thật vậy, cái ngày hôm nay, đâu bao giờ tôi nghĩ rằng sẽ có. Chưa một lần trong mấy tháng ngắn ngủi nhận của anh những cánh thư xa mà tôi mường tượng đến cái buổi cuối cùng tôi phải tiễn đưa anh dưới cái nhìn chăm chú của mọi người và trong nỗi đớn đau đè nặng lương tâm.

    Quan tài được chôn tận bên kia sông Hà Ra nên phải đưa bằng thuyền máy. Một giàn quân nhạc đứng chào bài vị, tiếng kèn trompette ré lên như những tiếng dao chầm chậm đâm thẳng vào trái tim tôi từng hồi tàn bạo. Trong một giây ngơ ngẩn, tôi đã nghĩ rằng sẽ viết kể với anh về giọng kèn anh hoài yêu thích, như tất cả mọi điều đã kể từ trước...

    Bản nhạc Stardust ngày xưa anh thường hát cho tôi nghe, lúc này văng vẳng bên tai như những lời than thở nỉ non:

“And now the purple dusk of twilight time

Steals across the meadows of my heart

High up in the sky the little stars climb

Always reminding me that we’re apart

You wander down the lane and far away

Leaving me a song that will not die

Love is now the stardust of yesterday

The music of the years gone by (...)”

    Rồi lại It’s Now Or Never mà đã nhiều lần anh vừa tự đệm guitare vừa hát (như những lời tỏ tình tế nhị tôi nào hay biết):

It’s now or never

Come hold me tight

Kiss me my darling

Be mine tonight

Tomorrow will be too late

It’s now or never

My love wont’ wait.

When I first saw you

With your smile so tender

My heart was captured

My soul surrendered

I’d spend a lifetime

Waiting for the right time

Now that you near

The time is here at last...

    Lạ một nỗi, ngay lúc bấy giờ, đứng trước một bối cảnh rất nên thơ của thiên nhiên và trước nỗi đau sắc bén của con người mà âm nhạc vẫn chỉ là điều lớn nhất chiếm hữu trái tim tôi hơn bất cứ điều nào khác. Những bài bản xưa từng nghe với anh quay cuồng trí nhớ. Những buổi chiều Sàigòn, căn nhà Yên Đổ quyện đầy tiếng violon của tôi và tiếng guitare đệm của anh theo nhịp mưa rơi, giờ đây cứ lởn vởn hoài giữa cái đầu tôi . Stranger On The Shore chơi clarinette là điển hình nổi bật. Bài nhạc được anh vô cùng yêu thích. Giữa đám chị em tôi, khi nhắc tới anh là tất cả đều nhắc đến bản nhạc nói trên.(*)

    Nơi chốn cuối cùng là một cái huyệt nằm chơ vơ giữa vùng núi đồi hoang dã. Xa xa, con sông rộng uốn khúc thênh thang. Những phiến đá ngất ngưởng chồng cao lên nhau đã tạo cho khung cảnh một nét gì thật là hùng vĩ nhưng cũng vô cùng cô độc. Tôi đứng nhìn quanh, rồi lại nhìn vào tấm ảnh anh, thoáng tự lạ lùng với một sự liên kết không rời giữa tâm hồn con người và những tác phẩm của Tạo Hóa. Ngày nào, tôi đã cảm ra được nỗi cô đơn của anh trên những trang thư ca tụng cái đẹp thiên nhiên trong những vùng hành quân anh đang sống. Ngày nào, anh tìm thấy nơi thiên nhiên một nỗi ấm lòng còn nhiều hơn sự đợi chờ những cánh thư tôi.

    Bây giờ điều nói trên đã thành sự thật. Anh đang được bao trùm giữa cái an ủi anh từng yêu quý đó. Bà mẹ Quê Hương sẽ ôm ấp anh hoài trong vòng tay trìu mến. Trăng sao trên trời sẽ dẫn đường đêm tối cho anh đi. Dế giun sẽ không ngừng hát ru anh ngủ bằng cái điệp khúc buồn muôn thuở... Chỉ khác một nỗi, những điều này, anh sẽ không bao giờ còn muốn kể cho tôi nghe, như từng đã nhiều lần kể mọi chuyện qua những trang thư của thuở ngày xưa...

    Có nhiều tiếng gào khóc chung quanh quan tài anh, vậy mà riêng tôi thì vẫn câm lặng. Chỉ lúc hạ huyệt mới thật nghe như bị ai đâm một nhát vào ngay giữa ngực. Tôi cắn chặt đôi môi để lùa tiếng nấc trở ngược vào trong đáy họng. Những nắm đất được quăng xuống trên cái nắp hòm có phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Những tiếng gõ mõ tụng kinh trở nên càng dồn dập hơn. Trái tim tôi thắt lại từng chặp, nghe trong mình một cảm giác nôn nao rất là quái lạ. Tôi đang sắp xa anh vĩnh viễn. Sẽ chẳng bao giờ tôi còn nhìn thấy anh trên cõi đời này, mãi mãi từ nay.

    Ngày nào mới đây, tựa hồ một giấc chiêm bao, tại sao anh lại viết về tôi những lời thư như một nỗi báo hiệu cho sự cuối cùng của đời mình gần đến:

    “Ngày nghỉ phép của anh còn xa, phải đợi tới tháng 8 lận. Những ba tháng nữa. Nhưng nếu gia đình kịp đổi về Nha Trang thì anh hứa chắc chúng mình sẽ được hưởng những ngày hè thật lý thú, vì tháng 8 vẫn còn là mùa hè ở Nha Trang. Mùa vui nhộn nhất trong năm, mùa của tuổi trẻ chơi đùa ngơi nghỉ.” (...) “Tin cho em biết, khi anh gửi ông lính Thùy về em, anh có đóng thùng, cột xích khóa lại đàng hoàng với thứ khóa đặc biệt hiệu Yales của Đức. Này, chìa khóa anh đã đánh mất rồi. Như vậy là em phải giữ ổng trọn đời. Không chịu thì đốt, thì chôn ổng đi.”

    Bây giờ đang là tháng 8, nhưng đâu còn nữa một mùa hè lý thú cho tôi và anh như lời anh đã hứa? Và bây giờ thân xác anh đang bị bó lại trong quan tài để vùi sâu mãi mãi vào lòng đất lạnh. Cái chìa khóa tình yêu, anh đã đánh mất ngay buổi chiều về Sàigòn thăm tôi hơn mười ngày trước. Cũng cái vật đau lòng ấy từ đây sẽ khóa chặt tâm hồn tôi đời đời trong cái ngục dày vò hối hận của lương tâm.

Và, tại sao tôi lại viết cho anh những giòng thư đầy tính gở:

    “Sáng nay lang thang trên phố Lê Lợi tìm vài quyển sách cho anh mà chẳng có cuốn nào vừa ý. Em cố kiếm cuốn Tiếng Hát Nhân Ngư của Nguyên Vũ như anh dặn nhưng không thấy. Còn Ung Thư của Thanh Tâm Tuyền lại chưa xuất bản. Thôi, bao giờ có sách mới, em sẽ gửi cho anh. Giờ để bù lại, em hứa viết nhiều thư. Lúc này em có đọc được nhiều bài thơ rất dễ thương đăng trong tạp chí Văn, để rồi em sẽ viết lại cho anh tất cả. Mây của anh có lẽ trọn đời không làm nên được bài thơ nào cho ra hồn ra dáng, nhưng chép thơ người khác lại rất tài. Bây giờ em chép cho anh bài Khi Người Chết Trẻ của Du Tử Lê:

Khi kẻ tử trận tuổi chưa ngoài hai mươi mốt

Hắn sẽ mang những gì về thế giới bên kia?

Cây súng nặng hai tay cầm chẳng xuể

Lựu đạn thừa không lẽ tặng mẹ cha?

Hạnh phúc chưa bao giờ bốc đầy vốc tay chim sẻ

Tình yêu cũng không ngoài trí tưởng vu vơ

Hắn tự hỏi, bây giờ vì sao hắn chết?

Chết! Khi không chết chả làm gì?

Chân lý thường chỉ hiện một lần ở phút lâm chung

Hồn đã đi nhưng mắt còn ngoái lại

Nhìn bước chân mình, lắm kẻ đang theo...

    Còn nhiều nữa những bài đã làm em bâng khuâng không ít. Có khi chỉ một câu ngắn thôi, đọc lên, em xúc động vô cùng:

          “Some of these days.

          You will miss me, honey!”

    Anh đã chẳng từng biết em gái của anh tính tình đa cảm? Luôn cả trẻ con nông nổi? Nhưng thật, một bài thơ ngắn, một đoạn văn hay, một câu hát bất chợt... tất cả đều được em yêu quý và gìn giữ như những báu vật của đời mình. (...)

Sàigòn lúc này tuy đã bớt đi tiếng súng nhưng ban đêm lại thật đáng sợ. Có hôm đang ngủ ngon, cả nhà bị đánh thức dậy bởi một tràng tiếng nổ. Mọi người quýnh quáng, nhưng em thì vẫn bình tĩnh với ý nghĩ: “Không lẽ đời mình đến đây là hết?” Em không sợ, nhưng sao vẫn cứ thấy ghê ghê cái khoảng không dày đặc của một thế giới nào khác. Vừa mới đây, em có đọc quyển Les jeux sont faits của Jean-Paul Sartre và cứ bị suy nghĩ hoài bởi thế giới chết. Khác với lời ông bà xưa, các nhân vật trong thế giới chết của Sartre vẫn có những sinh hoạt y như người sống. Chỉ riêng một điều khiến em buồn bã. Đó là tình cảm của người chết đối với người trên dương thế đã không còn. Chết là hết luôn, là dứt điểm những liên hệ cũ, cho dù lúc còn sống họ có yêu thương nhau bao nhiêu chăng nữa. Em không thích như vậy nên cứ bị ám ảnh, dẫu cũng biết rằng đó chỉ là sự tưởng tượng của một nhà văn. Từ ấy, em liên tưởng đến những người thân đã chết hay sẽ chết, không thể nghĩ rằng họ sẽ quên em nếu họ chết đi. Những người em thương yêu, em không muốn ai chết cả.” (Thư viết ngày 26/5/1968)

   Thật đúng là những lời gở!

   Đau lòng một nỗi, giờ đây chính anh lại là đối tượng trực tiếp cho những băn khoăn lo sợ ấy của tôi.

   Ôi! Nếu nói như Sartre thì anh ra sao? Có dao động không trước tiếng gào của các người thân và những dòng nước mắt lặng lẽ của các người bạn? Có buồn bã không khi thấy mình bỏ lại sau lưng tất cả những mơ ước thuở thanh xuân? Có bàng hoàng không khi chợt nhận ra mình đang cô đơn đi vào thế giới âm u ở cái tuổi vẫn còn rất trẻ? Và trên hết, anh có khinh bỉ tôi không khi tôi chẳng thể tỏ lộ được chút xúc cảm nào ra ngoài mặt, dù cũng chính tiếng khóc nghẹn ngào của người mẹ, khuôn mặt héo sầu của người cha đã là những hình phạt hữu hiệu nhất mà một đời còn lại tôi sẽ không quên?

   Từ đây, tôi vĩnh biệt anh với lời cầu xin tha thứ.

    “Hãy tha thứ cho em!

    -Nhưng hơn tất cả-

    Anh tha thứ cho em

    Vì em đã làm tan nát tấm tình anh!”

   

(Cali., Nov. 3/2003. Thứ hai)

[]

(*) Tâm hồn anh nhẹ nhàng là thế, lời nói, cử chỉ anh dịu dàng là thế, anh yêu âm nhạc văn chương trên hết, thử hỏi làm sao anh có thể kham nổi cái sóng gió ghê gớm của định mệnh tôi mà phải đến hơn 30 năm sau tôi mới rõ ràng chứng thực. Ôi! Tôi mừng cho anh điều “thoát ra ngoài” đó! Dẫu không đáp lại tấm tình anh thuở ấy nhưng suốt hơn 30 năm dài trôi qua, kỷ niệm và những lá thư của anh vẫn được tôi trân trọng quý thương bằng một tình cảm chân thành của những ngày khi tôi còn rất ngây thơ.

(Trích “ÐIỆU MÚA CUỐI CÙNG CỦA CON THIÊN NGA” tập II)




VVM.10.11.2023-NVA7146

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .