N
hóm hướng dẫn viên du lịch chúng tôi thường thay nhau nghỉ sau các "tua" đi khách. Hoà Bình là một tỉnh có tiềm năng du lịch trên nhiều phương
diện : Văn hoá, sinh thái, địa chí … Sau những "tua" lòng hồ Sông Đà, Đền Bà Chúa Thác, bản Lác Mai Châu, hang Đồng Nội, núi Cột Cờ …
tôi lại trở về xóm nhỏ Thịnh Minh, một xóm nhỏ ven Sông Đà của xã Thịnh Lang quê tôi nghỉ vài bốn ngày rồi lại tiếp tục những "tua" mới.
… Tôi đã đưa Maria cùng đoàn của chị đi khắp các địa danh trong tỉnh. Những ngày cuối cùng trước khi về nước, chị ngỏ lời muốn đến thăm gia đình
tôi – Một "tua" ngoại lệ không có trong hợp đồng. Tôi xin ý kiến của lãnh đạo và được nghỉ trước một ngày chuẩn bị đón khách. Bộ phận
lễ tân đã thu xếp cho tôi một ít đồ uống và hoa quả. Với một gia đình, nghi lễ tiếp đón được chuẩn bị như thế là chu đáo. Chúng tôi chờ.
Maria đến vào lúc trăng lên sau một câu xin lỗi ( Chị nói tiếng Việt khá sõi ). Mười phút xã giao chủ khách, thời gian đủ để giới thiệu,
làm quen theo phong cách của người phương Tây, Maria xin được cùng tôi thả bộ ven sông. Trăng cuối thu xanh và lạnh. Dưới ánh trăng,
làn sương như một tấm voan mỏng choàng nhẹ lên xóm nhỏ yên bình, hư thực.
Cát dưới chân mềm, ướt. Maria một tay sách đôi giày cao gót, một tay khum khum trên vầng trán thông minh và độ
lượng nhìn ra phía dòng sông theo hướng tay tôi chỉ:
- Tàu chiến Pháp đã có thời gian xé nước ở đây. Dưới đáy sông kia vẫn còn những mảnh thép vỏ tàu chiến bị chúng tôi đánh đắm !
- Nước Pháp đã sai lầm khi đánh giá khả năng tự vệ của một dân tộc. Người Mỹ đã dẫm lên những bước chân lẽ ra không nên có sự chồng chéo, trùng lặp đáng tiếc. Nhưng … Tôi nghĩ bà M.Colani đã đặt chân lên đất Hoà Bình của các anh trước khi những tầu chiến Pháp làm vẩn đục Sông Đà.
- Tôi hiểu chị. Chúng tôi không hề lầm lẫn ai là bạn, ai là thù. Lòng vị tha không cho phép chúng tôi đối xử tàn nhẫn với
những người ngã ngựa, những kẻ bại trận.
Maria im lặng bước đi. Dưới ánh trăng thu, gương mặt chị trở nên thánh thiện và gẫn gũi xiết bao. Qua giọng nói, tôi biết chị đang dốc bầu tâm sự :
- Ông nội tôi đã từng có mặt trong quân đội viễn chinh Pháp và từng đồn trú ở Hoà Bình. Quá khứ ấy không ngăn nổi tôi khi quyết định chuyến du lịch sang Việt Nam và Hoà Bình là địa danh đầu tiên tôi phải tới. Vâng ! Tôi đã không lầm.
Sau những câu nói có tính "quan điểm" trong ngoại giao, (tôi nghĩ còn nhờ cả ánh trăng thu vùng sơn cước, ánh trăng công bằng, độ lượng cho mọi cuộc đời, mọi số phận trên hành tinh này mà chúng ta được thừa hưởng nhờ vệ tinh duy nhất của mình ) câu chuyện của chúng tôi đã dễ dàng hoà nhập.
- Thị xã Hoà Bình của anh rộng chừng bao nhiêu cây số vuông?
- Tôi không nhớ chính xác, nhưng nó trải dài chừng bảy kilômét.
- Tuy chưa có dấu hiệu của những ngôi nhà cao tầng, nhưng tôi thấy xu thế kiến trúc thị xã của các anh thiên về sự thực dụng và có thể trong tương lai đang dần dần Âu hoá. Anh có biết thủ đô Paris của chúng tôi dài bao nhiêu không? Bảy mươi cây số vẫn còn là ước số mà vẫn còn có những xóm núi. Chính phủ chúng tôi thực hiện chính sách bảo hộ trong kiến trúc của các cư dân ở các xóm núi này. Vì thế Paris vừa là thành phố hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc qua các triều chính.
Tôi không nói gì. Trước mắt chúng tôi là doi cát nổi trên sông. Trong đêm, doi cát như con thuyền độc mộc đang rẽ nước ngược về thượng nguồn.
- Mời chị lên thuyền.
Maria ngỡ ngàng rồi như chợt hiểu. Chúng tôi lội ra doi cát. Nước Sông Đà mùa này trong đến ngẩn ngơ. Đôi bắp chân trắng và thon thả của chị khoả ánh trăng loang loang trên mặt nước. Chị vốc một nắm cát trên tay hỏi tôi :
- Anh có biết những hạt cát này bao nhiêu năm tuổi?
- Tôi chỉ biết tuổi của cả doi cát.
- …?
- Thời gian của nó đúng bằng với bề dày truyền thuyết.
Từ ngày xửa ngày xa đến giờ, con thuyền ấy vẫn xuất hiện trên quãng sông Đà từ cuối bến Ngọc đến Phà Thia vào mùa nước cạn. Sông Đà vốn hung dữ như con ngựa bất kham khi mùa nước thịnh. Nó tung bờm phi lướt qua những vách đá Thác Bờ, dường như chạy đến thị xã Hoà Bình thì đuối sức, dòng sông như rộng thêm ra, con ngựa bất kham bỗng dưng thuần nết, chạy nước kiệu về phía sông Thao. Hàng năm qua tháng tám âm và suốt mùa đông ken, con ngựa trụi kết lông bờm với những bước chân chậm rãi như lấy sức cho mùa lũ năm sau, nó ngoan ngoãn tránh con thuyền ngược vừa mới nhô lên khỏi mặt nước. Và, chỉ sau mấy tuần đã lớn thành doi cát nổi trên sông. Có thể sau này người ta nắn dòng, nạo vét luồng lạch mà doi cát không còn nhưng con thuyền ngược ấy thì vẫn còn mãi, còn mãi trong câu chuyện oan tình của dân vùng Thịnh Lang.
Người già kể rằng : Vùng đất này xa kia hội đủ vượng khí của hình sông thế núi. Đất đai màu mỡ, trù phú và con người hiền hoà nhân hậu. Tinh mơ sáng, trai tráng đã lên rừng làm nương bẫy thú, miếng thịt lợn rừng chia đều mấy mươi nóc nhà sàn, khói bếp chiều chiều lan toả thơm ngậy cả một vùng sông. Trong lúc đàn ông lên rừng lên rẫy, phụ nữ ở nhà kéo sợi dệt vải, thêu váy may chăn …
Có một chàng trai tên Đoong, cha mẹ mất sớm. Đoong lớn lên trong sự đùm bọc của bà con dân bản. Đoong vốn thông minh, khoẻ mạnh, khuôn ngực vạm vỡ như cánh buồm no gió và có tài bắn nỏ. Những đêm nhập với phường săn, mũi tên của Đoong bao giờ cũng trúng nơi hiểm yếu nhất hạ gục con thú. Người con gái dòng dõi nhà Lang là Mỵ đã đem lòng yêu thương Đoong. Mỵ đẹp nhất vùng, da trắng như cây chuối bóc, tóc đen dài mỗi khi đổ xuống như con suối Chì quanh năm không hề ngưng nghỉ. Cặp hông nở nang với dáng đi uyển chuyển, uốn lượn như ngọn lửa đêm rừng đã đốt cháy bao ánh mắt si tình con trai bản Tháu đến bản Dè. Nhà Đoong nghèo không có bạc nén, bạc xoè dẫn cưới, không có lợn trâu mổ ăn bảy ngày mười ba mường chín bản. Đôi trai gái đành bấm bụng thương chờ.
Ngày đó lũ sơn tặc Đèo Cát Hãn làm loạn trên các châu Mộc, châu Yên. Chúng tràn xuống cướp phá cả vùng Chợ Bờ, Suối Rút. Vua Lê cùng quân đội trên các thuyền chiến ngược sông đi dẹp lũ sơn tặc, thảo khấu. Đoong cùng trai tráng Mường Thịnh Lang tham gia truy quét lũ sơn tặc. Giặc giã đã tan, đoàn chiến thuyền trước lúc xuôi kinh đô đã neo lại bến đò Thịnh Lang mở tiệc khao quân. Đoong được ban thưởng vì lòng dũng cảm và có nhiều chiến tích.
Lang Đoong cưới Mỵ làm vợ. Dân Mường Thịnh Lang say trong ba ngày mừng chiến thắng và mừng cho đôi trai tài gái sắc nên vợ thành chồng.
Sau ba đêm hợp cẩn vui vầy, Lang Đoong lại theo hộ tống thuyền giá nhà vua lai kinh. ở kinh đô chưa hết một con trăng, Lang Đoong buồn vì thương nhớ Mỵ, thương nhớ mường bản quê nhà. Quan Thái giám biết không thể giữ được cánh chim rừng nên đã tấu biểu và được nhà vua hạ chỉ hồi quy vinh chức, ban cho một ít bạc nén và lụa đũi. Lang Đoong xin được từ chối và chỉ xin được đem theo hai vò rợu. Một vò để tế Thần Núi, Thần Sông và một vò uống lấy sức chèo thuyền ngược về hương quán.
Một mình trên con thuyền nhỏ, Lang Đoong ngược sông Nhị Hà rồi rẽ ngược Sông Đà. Cứ mỗi chặng nghỉ, Lang Đoong lại lên bờ rót rượu, mặt nhìn về phía núi rừng Hoà Bình mà bái vọng, xuống thuyền lại rót rượu nhìn ngược hướng thượng nguồn mà khấn vái. Rượu quý được rải khắp các vùng đất ven sông theo hướng thuyền ngược, rượu quý đã hoà vào nước hai con sông Nhị Hà với sông Đà. Rượu ngấm vào đất, rượu tan trong nước, đó đây thơm dậy mùi men và hương nếp mới.
Một đêm trăng, thuyền về tới bến Chẹ. Từ đây về tới Thịnh Lang theo đường chim bay chỉ năm bẩy quăng dao, Lang Đoong cho thuyền áp sát vào chân núi Chẹ, cũng như mỗi độ đường chàng lại lên bờ rót rượu tế lễ Thần Núi, xuống thuyền tế lễ Thần Sông. Có lẽ bởi chặng cuối cùng nên chàng rải hết số rượu còn lại trong vò của các vị thần xuống dòng Đà Giang. Chàng chui vào khoang vừa uống rượu vừa mơ màng ngắm ánh trăng, mơ màng nghĩ về ngày mai nơi cố hương và, chàng lại được vùi đầu vào khuôn ngực căng như hai trái bầu nậm của Mỵ … Chàng miên man và thiếp đi trong niềm hoan lạc.
… Hình như có tiếng kêu cứu vọng lên từ dòng sông, hướng về tiếng kêu đang đuối dần, hụt hẫng, chàng lao mình xuống nước.
Chàng không tin vào mắt mình khi người con gái khoả thân đã nằm gọn trong lòng thuyền. Dưới trăng, da thịt nàng mịn trắng như lụa. Chàng áp tai vào bộ ngực trinh nguyên, nàng vẫn thoi thóp thở. Chàng choàng lên thân thể nàng tấm chăn mỏng và ôm lấy thân hình lạnh giá. Cơn mơ về những đêm chăn gối cùng Mỵ làm cho cơ thể chàng nóng rực, hơi nóng ấy lan toả và truyền vào thân thể nàng. Khuôn mặt nàng hồng lên, rát bỏng khi nàng thấy mình đang nằm gọn trong vòng tay của Lang Đoong.
- Cớ sao trong đêm nàng làm gì để ra cơ sự thế này?
- Nhà thiếp ở bên kia chân núi, đêm nào thiếp cũng ra sông gánh nước và tắm đêm. Thiếp có thể bơi qua bơi lại hai bờ, không hiểu sao, hôm nay bơi đến giữa dòng thiếp bỗng dưng thấy khát. Thiếp đã uống ba ngụm nớc sông và bỗng thấy say như vừa uống rượu, thân thể rã rời không thể nào bơi thêm được nữa, thiếp không biết lấy gì để cảm ơn công cứu mạng của chàng.
- Nàng khỏi phải bận lòng. Thấy người hoạn nạn thì bất cứ ai không thể làm ngơ. Nàng hãy uống một chút rượu cho nóng người, trời đêm nay bắt đầu trở gió heo may.
Nàng bưng bát rượu nâng lên ngang mày rồi nói :
- Xin chàng hãy uống cùng thiếp để nhớ một đêm hội ngộ
Không thể từ chối lời thỉnh cầu của người đẹp, Lang Đoong uống một hơi nửa bát, nửa còn lại phần nàng.
Bát rượu ấy là bát cuối cùng trong vò rợu quý thứ hai của nhà vua ban tặng. Uống xong nửa bát cuối cùng, Lang Đoong không còn nhớ gì ngoài người con gái ở bến Chẹ. Nửa còn lại, nàng uống như một ân sủng, đê mê đi vào cõi hiến dâng.
Dân Mường Thịnh Lang nhận được trát quan về việc Lang Đoong hồi quy nhậm chức. Rượu chuẩn bị ba chum, lợn gà trong truồng nhốt sẵn. Đầu bãi dựng một chòi canh luân phiên nhau túc trực ngóng thuyền ngược của Lang Đoong. Hễ nhìn thấy từ xa thì rúc tù và ba tiếng một, liền trong bảy hồi cho dân bản biết trước để nghênh đón.
… Những chiếc tù và sừng trâu chưa một lần được rúc tiếng vui mừng. Những chum rượu đã bớt tăm, nhạt dần. Gà lợn nhốt sẵn đã sinh thêm mấy lứa vẫn không thấy Lang Đoong hồi quy vinh chức. Mỵ ngóng chồng đến héo ruột héo gan
…
… Rồi một tin như gió giật : Lang Đoong đã lấy vợ bé ở vùng xuôi.
Lòng ghen tuông, thù hận trào lên trong Mỵ. Một mặt cho người dò tìm tung tích, một mặt Mỵ lặng lẽ mang chiếc râu hùm lên rừng bí mật cắm một đọt măng. Bảy ngày sau trong đọt măng nở một con sâu đen vằn như da hổ. Con sâu được nuôi trong ống nứa. Cứ ba ngày cho ăn một bận bằng bỏng nếp rang. Bốn mươi chín ngày sau, sâu chết để lại lớp bột trắng phủ lên lớp lông xù xì. Sức trâu mộng chỉ liếm phải một chút bột trắng trên mình sâu cũng lăn đùng ra chết. Đã biết đích xác nơi Lang Đoong đang ở cùng vợ bé, Mỵ đem theo một ớp đầy bánh ốc. Loại bánh được gói bằng lá bương, lá mai từ gạo nếp nương hạt săn và thơm dẻo. Trong ớp bánh có một chiếc cho kẻ tình địch được tẩm thứ bột trắng trên mình sâu.
Ngày ngày Lang Đoong vẫn cùng vợ bé lên núi Ba Vì, chồng đặt bẫy, săn thú, vợ phát rẫy làm nương. Cuộc sống vợ chồng như đôi chim cu cườm rộn ràng tiếng gáy. Bỗng một hôm Lang Đoong thấy trong người khó ở, lòng dạ cồn cào, bứt rứt. Chàng từ lưng núi Ba Vì bỏ săn, vác nỏ quay về. Chàng không về nhà, những bước chân vô định đã đưa chàng ra bến Chẹ. Gặp lại người vợ cũ, chàng như người trong cơn mơ tỉnh giấc. Mỵ gặp lại chồng sau bao ngày ngóng đợi đã quên sự trừng phạt kẻ tình địch. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Lang Đoong ăn ngấu nghiến hết bảy giò bánh ốc.
- Thế chiếc bánh tẩm độc dược vẫn còn chứ anh? Maria sốt ruột hỏi tôi.
- Nỗi oan tình ấy đang hiện hữu bên tôi và chị.
-…?
Lang Đoong chết ngay trong vòng tay của Mỵ. Chiếc thuyền ngược ấy lặng lẽ đưa xác Lang Đoong ngược dòng. Nước mắt của Mỵ như những giọt máu rơi xuống dòng sông rồi lặn vào trong mắt cá. Thuyền về gần bến Thịnh Lang, day dứt với nỗi oan khiên là kẻ giết chồng, Mỵ ném con dao đi rừng xuống dòng nước mà khấn lạy với Thần Núi, Thần Sông :
- Nỗi oan giết chồng của con nếu được các đấng thần linh chứng nghiệm thì con dao này phải nổi lên mặt nước tức thì. Bằng không, con xin gửi mình trong nước, không dám trở về đất Mường Thịnh Lang.
Con thuyền vẫn nặng nề ngược nước. Mỵ ngoảnh lại phía sau, nơi vừa ném con dao chờ sự ứng nghiệm. Sau một cái chớp mắt, một doi cát hiện lên hình con dao như những con dao người Thịnh Lang vẫn đi làm rẫy. Mũi nhọn của nó hướng về phía thượng nguồn. Nơi những giọt nước bắt đầu cuộc hành trình ra biển.
- Tôi thành thật xin lỗi vì đã không hiểu hết về dân tộc anh. Một dân tộc tuy không có chữ viết nhưng bản sắc văn hoá thì mãi mãi được bảo tồn bằng cả một bề dày truyền thuyết.
Maria dừng lại, đôi mắt chị hướng tới những ngôi sao xa xôi :
- Những truyền thuyết của các anh cũng không kém các thiên thần thoại Hy Lạp. Văn minh nhân loại có thể đạt tới sự thống nhất bằng cách quốc tế hoá ngôn ngữ và chữ viết để giao tiếp. Nhưng truyền thuyết – bản sắc của mỗi dân tộc thì muôn đời độc lập.
- Chị thấy sông Đà với sông Seine của chị thế nào?
- Ấm áp hơn nhiều.
- Bởi Hoà Bình với Paris cách nhau hai mươi sáu độ vĩ bắc.
- Ồ không! Tôi muốn nói ấm áp bởi nó miên man những truyền thuyết.
- Cảm ơn!
- Tôi muốn được chìm trong miên man truyền thuyết. Cụ thể là tôi muốn tắm.
- Chị cứ tự nhiên. Tôi sẽ đợi chị ở cuối doi cát.
- Không cần phải như vậy. Trong truyền thuyết chỉ có một Lang Đoong đúng không?
Tiếng cười của Maria trong trẻo đến lạ thường. Nước sông Đà mùa này trong đến ngẩn ngơ lộ rõ tấm lưng trần của Maria loang loáng ánh trăng.
Ở phòng lễ tân, hành lý của Maria đã được gói gọn. Chiếc nỏ và cái ướp tre quang dầu bóng loáng chị mới mua ở quầy lưu niệm. Chị bảo sẽ đeo cái ướp này vào mùa xuân để vào rừng hái nấm, còn chiếc nỏ sẽ treo ở phòng khách.
Sau cái bắt tay rất chặt, chị tiết lộ với tôi một điều như với một người bạn đã từ lâu thân thiết :
- Sau khi về nước, tôi sẽ cho làm một ngôi nhà nghỉ cuối tuần ở ngoại ô Paris. Anh biết không, nó sẽ giống như ngôi nhà sàn này vậy.
- Nó phải bằng gỗ chứ?
- Tất nhiên rồi.
- Và phải bằng gỗ sồi ?
- Sao vậy?
- Chị quên rồi sao! Những cây sồi của La Fontaine .
- Cảm ơn anh. Cảm ơn các bạn.
VVM.07.11.2023-NVA386.