Làng Thụy Vân có tục gọi những người già tuổi 80 trở lên là "bủ". Bủ ông, bủ bà, như thay
cho tiếng "cụ" vậy.
Tiếng bủ nghe dân dã, thân thiết hơn tiếng "cụ", mà không kém phần kính trọng.
- C hào bủ Nhâm! Hôm nay ông bủ đi đâu sớm thế ạ?
Bủ Nhâm dừng bước, tấm lưng hơi còng oằn xuống đầu cây gậy trúc vàng mốc.
- Vâng! Không dám! Ông bà ra đồng? Tôi tranh thủ dậy sớm đi thể dục tí cho khỏe người.
- Quý hóa quá! Cụ đi chầm chậm thôi nhé!
Bủ Nhâm năm nay tám lăm tuổi, mà sức vóc vẫn còn khỏe mạnh. Lưng chớm còng mà đôi chân vẫn nhanh nhẹn. Cả ngày bủ lẩn thẩn ngoài vườn, ngoài bãi, cắt rau cho gà, lợn, kiếm củi về nhóm bếp. Buổi sáng, mấy ông bạn già tới chơi, ngồi trên hai chiếc ghế đá trước sân, uống trà, hút thuốc lào vặt và nghe bủ Nhâm kể chuyện về chiến trường Lào. Bủ từng là chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Lào từ những năm "năm chín, sáu mươi" thế kỷ trước. Những địa danh quen thuộc bủ hay nhắc tới như Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum, Mường Xay…, lúc cao hứng, bủ còn chêm vào vài câu tiếng Lào, làm mọi người há hốc mồm mà nghe. Bủ còn khoe, suýt nữa thì lấy vợ Lào. Hồi ấy, có mấy cô gái Lào xinh lắm, đòi cưới anh Nhâm.
- Hi hi! Lão nói thật đấy! Hồi về nước, lão phải đi trốn…
Buổi liên hoan đại đoàn kết toàn dân, sẵn có chén rượu, bủ Nhâm còn lên sân khấu múa lăm tơi, làm bọn thanh niên thích chí cười nghiêng ngả. Hình như bủ nhớ về một nước Lào xa xăm, nước mắt ứa ra.
Bủ Nhâm sống hòa đồng với xóm làng, ai khó khăn gì, bủ chìa tay ra giúp. Chỉ mỗi tội bủ nhiệt tình quá, thành ra có khi bị phản ứng. Như cái cậu Luận nhà gần nghĩa trang, hơn 40 tuổi đầu mà không chí thú làm ăn, chỉ ham uống rượu, đến nỗi vợ nó chán, cắp con bỏ đi. Bủ Nhâm hay gọi cậu Luận vào uống nước chè, đôi khi còn cho cốc rượu thuốc.
- Mày chả chịu tìm lấy cái nghề mà sống hả cháu? Làm thuê làm mướn suốt đời à?
- Vâng!
Nó ngoan ngoãn vì vừa được bủ cho cốc rượu. Cậu này có tật được đồng nào, đem ăn nhậu bao giờ hết mới đi làm tiếp. Khi còn tiền trong túi, đừng ai gọi nó đi làm. Có lần thấy nó lang thang ngoài đường, người nồng nặc mùi rượu, bủ Nhâm mắng:
- Mày định uống rượu đến chết hả cháu?
Nó quay lại, sửng cồ:
- Tôi uống rượu tiền tôi, chứ xin tiền ông à? Già rồi lắm chuyện!
Bủ Nhâm đắng trong cổ, quay đi. Thôi mình "mũ ni che tai", mặc kệ đời. Nghĩ vậy, nhưng khi thấy thằng cháu ngoại nhà bà Mai nghiện cờ bạc, bủ lại "ngứa mồm", nhắc nhở:
- Phải thương bà ngoại cháu ơi! Bố mẹ bỏ nhau, mẹ mày đi lấy chồng khác. Còn có hai bà cháu…
- Bủ cứ lo cho nhà bủ đi! Kệ cháu!
Bủ Nhâm buồn, lại tự nhủ mặc kệ. Nhưng thấy thằng kia cứ vài ngày lại đem một thứ đồ đem bán thì bủ tìm bà Mai thông báo:
- Bà nhắc nhở thằng cu cháu, không có gì nó đem bán hết. Tôi thấy nó xách quạt máy với nồi cơm điện ra phố ba lần rồi đấy. Mới mười bảy tuổi đã cờ bạc, táy máy, lớn lên dễ hỏng bà ạ!
Bà Mai mắng bủ xơi xơi, rằng cháu bà ngoan ngoãn, học hành tử tế. Sao bủ lại đặt điều nó cờ bạc, số đề, ăn cắp, ăn nảy? Bủ Nhâm lại bực bội muốn vả vào miệng mình. Đã tự nhủ bao nhiêu lần cái nhẽ "mackeno", mà lòng cứ muốn ôm đồm. Cũng có nhiều người nghe lời bủ, như việc khuyên can nhà Hậu "nát" hay đánh vợ mỗi khi say rượu.
- Rượu say thì đi ngủ! Sao cứ lôi vợ ra đánh hả cháu? Đánh vợ, ai chả đánh được. Không may nó đau ốm, nằm ra đấy, ai cơm nước cho bố con nhà mày?
Cũng phải hàng tháng trời, ông cháu ngồi tỉ tê chuyện đời, nhà Hậu "nát" mới nghe lời bủ, bỏ tật đánh vợ. Mấy đứa học trò cấp hai, đi học bằng xe đạp điện, đang chạy xe ào ào, gặp bủ Nhâm là chuúng giảm tốc độ, ríu rít:
- Chào bủ ạ! "Gút mo ninh" bủ ạ!
Chúng chạy xe hàng một, không giăng ngang đường ba, bốn hàng như trước. Việc này cũng là nhờ bủ Nhâm nhiều lần dừng lại trên đường, trò chuyện với lũ trẻ. Bủ hỏi chúng lên lớp có thuộc bài không? Có hay đánh nhau không? Có đứa nào bị cô giáo giữ lại cuối buổi học chép bài không? Lũ trẻ vô tư coi bủ như một người bạn lớn, chả giấu chuyện gì.
- Thằng Huy con bác Lực có người yêu rồi đấy bủ ạ!
- Chết, chết! Bé tí mà yêu đương gì! Nhớ bảo nhau chạy xe chậm thôi, đừng có đi hàng ba, hàng bốn. Ra ngoài quốc lộ, lỡ va phải ô tô là gãy tay, gãy chân như chơi. Hồi bé ông bị ngã võng, gãy chân phải bó bột nên biết rồi. Đau lắm!
Mấy đứa trò nữ nguýt các bạn nam:
- Thấy chưa! Cứ đua xe lắm vào. Từ nay đứa nào đi hàng hai, hàng ba, về mách bủ Nhâm đánh cho mấy gậy!
Người làng thấy lạ, tự nhiên lũ học trò chạy xe rất nghiêm chỉnh. Hỏi ra mới hay là công của bủ Nhâm. Mọi người chỉ biết khen: "Ông cụ tài thật!".
Có một chuyện bất ngờ, làm bủ bà với cô con gái chạy loạn như nhà bị cháy. Mấy hôm nay, cứ ăn trưa xong là bủ Nhâm ra khỏi nhà, đi đâu không rõ. Bủ bà thấy lạ. Tầm một hai giờ chiều, bủ về nhà, bủ bà mắng.
- Ông đi đâu cả buổi trưa thế? Chết nắng! Mà chơi bời nhà ai, cũng phải để cho người ta nghỉ trưa chứ!
- Tôi có làm ảnh hưởng ai đâu!
Trưa nay, có ông Xuân hàng xóm ghé qua ngõ, gọi bà bủ ra, thông báo một tin giật gân:
- Cả nhà ra hồ cá Mẫu bảy xem thế nào! Tôi đi ăn cỗ về, thấy ông bủ ngồi một mình trên bờ hồ, hỏi chuyện bủ cứ ậm ừ không nói…
Hai mẹ con la hét dậy nhà, gọi cả mấy người cháu họ chạy ra hồ cá. Chết mất thôi! Hay ông lão buồn chuyện gì mà nghĩ quẩn. Hai mẹ con chạy ra hồ, thấy bủ ông ngồi trên hòn đá to dưới bụi duối râm mát, bên cạnh là chai nước lọc và chiếc điếu cày. Bà bủ đầu tóc rối bù, chạy sấp ngửa về phía chồng.
- Ôi ông ơi! Mẹ con tôi có gì không phải, ông bỏ quá cho. Chứ sao ông lại nghĩ quẩn mà ra đây… hu hu!
Bủ Nhâm ngạc nhiên, rồi phát bẳn:
- Bà nói cái gì? Tôi ra đây là có việc, chứ quẩn quanh với ai?
- Việc gì mà trưa nào cũng ra ngồi đây như con ma ngày?
Chưa kịp trả lời vợ, bủ Nhâm đã vội chống gậy đứng dậy, tiến về phía bờ hồ. Bốn đứa học trò trai vừa dừng lại, xếp ba lô thành một đống, chuẩn bị cởi quần áo.
- Này! Mấy cháu! Ở đây cấm tắm hồ nhé! Đi về nhà ngay!
- Ơ…! Mấy hôm trước chúng cháu tắm, có ai cấm đâu ạ?
- Nay xã cấm rồi! Có biết tin hai đứa xã ngoài bị đuối nước vì tắm ao không?
- Cho chúng cháu tắm nốt buổi hôm nay thôi…
Mặc đám trẻ xin xỏ, bủ Nhâm xua gậy đuổi chúng về nhà.
- Không nghe, bủ gọi điện báo công an xã bây giờ.
Bủ bà hình như chợt hiểu lý do chồng mình ra ngồi suốt buổi trưa ở đây.
- Cơm nhà vác tù và hàng tổng ông ơi! Nắng nôi thế này, nhỡ mà cảm lại khổ mẹ con tôi.
Bủ Nhâm chỉ chịu về nhà, không ra hồ nữa, khi anh con rể là dân quân xã hứa, mỗi trưa sẽ chạy xe máy đi tuần quanh hồ một lần, ngăn đám học trò bơi lội.
Nạn trộm chó ở nhà quê bây giờ trở nên nóng bỏng. Bọn "cẩu tặc" chuyển từ "trộm" sang "cướp" chó, khi chúng ngang nhiên đột nhập nhà dân lúc nửa đêm gà gáy, ném bả hoặc dùng súng điện bắn chó, khi chủ nhà phát hiện chạy ra, chúng còn dọa bắn, rồi ôm con chó đi. Trường hợp nhà chú Xuân hàng xóm, nghe tiếng cho kêu "oắng" ngoài cổng, vội cầm đèn pin chạy ra, thì thấy hai thằng trộm vừa nhảy qua rào, ôm con chó vừa bị bắn bằng súng điện.
- Chào chú nhé! Lần sau có chó lớn chúng cháu lại đến!
Thấy thằng trộm chó tay lăm lăm cây súng điện, chú Xuân lẳng lặng quay vào.
Vậy mà bủ Nhâm dám đối mặt với bọn "cẩu tặc". Khuya ấy, nghe tiếng xe máy ngoài đường làng, thấy hai con chó nhà sủa ông ổng, bủ Nhâm cầm cây nỏ, soi đèn đi ra cổng. Ngoài cánh cổng, hai bóng đen đứng rình, thấy bủ đi ra, chúng dọa:
- Ông già đi vào nhà ngay! Muốn chết hay sao mà ra đây?
Bủ Nhâm không nói gì, lặng lẽ lên dây nỏ. Một tiếng phựt phát ra, cùng tiếng mũi tên xé gió. Hai thằng trộm quay xe chạy một mạch. Chúng nó quá biết sự lợi hại của cây nỏ. Cả làng xôn xao vì việc đó, ai cũng trách bủ Nhâm liều. Bọn trộm chó giờ manh động lắm, nó đánh lại chủ nhà như chơi. Nhưng từ hôm ấy, nhiều người trong làng đi tìm mua nỏ.
Cuối năm, hai cô con gái đưa bủ Nhâm ra nhà văn hóa làng dự lễ mừng thọ người cao tuổi. Bủ Nhâm được Hội người cao tuổi mừng thọ năm trăm nghìn, cộng với tiền mừng của doanh nghiệp trên địa phương, của các đoàn thể khác, cũng có hơn triệu bạc. Đưa hết tiền cho vợ, bủ nói:
- Chắc tôi còn cố được năm năm nữa. Bà giữ hộ tôi, lúc nào tôi gom đủ tiền, mua lấy con bò về chăn cho vui.
Chắc là bủ hóng tiền mừng thọ dịp tháng giêng, khi vợ con làm tiệc mời làng. Bủ bà gạt đi:
- Già yếu rồi, không bò nghé gì cả! Bủ cứ khỏe mạnh là mẹ con tôi vui lắm rồi!
Bủ Nhâm không nói ra, nhưng trong bụng phản đối. Già thì làm kiểu già, phải hoạt động cho nó khỏe người. Chăn nuôi được, thêm đồng ra đồng vào ăn uống hàng ngày, đỡ phiền con cháu.
Đêm nóng nực, trời hầm hập không một chút gió. Chiếc quạt điện quay vù vù, mãi tới nửa khuya mới đưa bủ vào giấc ngủ mệt mỏi. Bủ Nhâm vừa chợp mắt thì giấc mơ đến. Con bò màu vàng mơ lúc lắc cái đầu, phe phẩy đuôi đuổi đám ruồi muỗi. Nó ung dung gặm cỏ dọc bờ đê sát đường làng. Bủ Nhâm tay chống gậy, chầm chậm theo sau chân bò. Người trong xóm cày, cuốc đi ra đồng, vui vẻ chào hỏi:
- Bủ mới tậu con bò đẹp quá! Có nhẽ sắp chịu giống.
- Vâng! Cháu nó hơn hai tuổi. Cuối sang năm là tôi có thêm con nghé nữa rồi!
Đám học trò vừa đi xe đạp, miệng ríu ran:
- Chào bủ ạ!
- Ừ! Đi chậm thôi nhá!
Bờ đê thoang thoảng gió. Nắng trải vàng lên bờ cỏ, như mật ngọt.