Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



VỀ DƯỚI ÁNH TRĂNG XƯA


NHÂN DUYÊN MẦU NHIỆM

- VIẾT VÀ HIẾN DÂNG -



T uệ Nguyên cởi bộ đồ đi mưa, xếp gọn gàng đưa Hạnh bỏ vào cóp xe, vuốt lại mái tóc, rồi cả hai cùng bước vào quán cà phê Hoa Giấy, nơi có buổi giới thiệu tác phẩm mới. Hạnh đưa nàng lại ngồi ở chiếc bàn có chị của Hạnh và mấy người bạn nữa đang ngồi, giới thiệu, nói chuyện vui vẻ; và nàng biết được, đây là buổi giới thiệu sách của một tu sĩ.

Tuệ Nguyên xin phép mọi người dạo quanh khuôn viên quán một lát trước lúc khai mạc. Bất ngờ nàng gặp thầy Thích Thiện Đạo, là tác giả giới thiệu tác phẩm mới hôm nay - vị thầy năm xưa đã từng dạy môn Anh văn lớp mình, một người thầy mà nàng rất quý kính. Tuệ Nguyên biết rằng, mình thật may mắn, có duyên lành được gặp lại thầy sau bốn mươi năm, kể từ năm 1975; được gặp bạn văn, đồng nghiệp, đông đủ thân hữu của thầy - nhất là những người thầy năm xưa ở trường trung học BĐHX, và nhiều bạn học cũ của mình.

Tuệ Nguyên chạy lại đứng trước mặt thầy chắp tay:

- A Di Đà Phật! Con kính chào thầy! Mấy mươi năm, giờ con mới được gặp lại thầy. Con là học sinh cũ của thầy, trường BĐHX năm xưa. Thầy còn nhớ con không, thưa thầy?

Thầy mỉm cười hiền hòa:

- Thầy thấy quen lắm, nhưng không nhớ tên, lâu quá rồi, thời gian làm mòn trí nhớ thầy, con à.

Tuệ Nguyên nở nụ cười tươi, nhìn thầy nói khẽ:

- Thưa thầy! Con là Tuệ Nguyên, lớp 10B đây thầy.

Thầy suy nghĩ một lát, chợt như nhớ ra, vui vẻ:

- A. Thầy nhớ rồi. Hồi xưa, con ốm nhong, da đen đen, thường ngồi ở bàn đầu, chớ gì?

Tuệ Nguyên mừng rỡ:

- Dạ là con đấy thầy.

Thầy trò mừng rỡ hỏi thăm nhau một lát, Tuệ Nguyên xin phép thầy lại ngồi theo nhóm học sinh cũ của trường trung học BĐHX.

Tuệ Nguyên thật vui mừng, khi biết thầy của mình giờ đây không những là một vị hòa thượng uyên thâm, mà còn là một nhà văn, nhà thơ dạt dào cảm xúc, gần gũi với đời sống, rất uy tín trên văn đàn. Đây cũng là lần đầu tiên nàng tham dự một buổi giới thiệu tác phẩm mới, với nhiều người tham dự như vậy.

Buổi giới thiệu tác phẩm “Đường Trở Về” của thầy Thích Thiện Đạo bắt đầu.

Người giới thiệu chương trình là nhà văn Huệ Tâm, có giọng nói thàng hậu như người Phú Yên, dễ mến. Sau khi tác giả giới thiệu về tác phẩm Đường Trở Về của mình, quý thân hữu phát biểu, đến lượt văn nghệ góp vui; không biết ai đã giới thiệu với anh là Tuệ Nguyên biết ngâm thơ, mà anh lại mời nàng.

- Em lên ngâm một bài thơ góp vui nhé!

Tuệ Nguyên e ngại:

- Dạ thưa anh. Em ngâm thơ không hay đâu, anh mời bạn khác đi ạ!

Huệ Tâm nhìn nàng động viên:

- Em là cựu học sinh BĐHX, là học trò của thầy, lên ngâm để thầy vui.

Bạn Phát ngồi bên cạnh nói vào:

- Bạn lên ngâm bài thơ Ngôi Trường Nắng của mình giới thiệu trường mình luôn.

Biết không thể từ chối, Tuệ Nguyên đứng dậy, bước lên phía trên, cầm micro cúi chào tất cả, rồi giới thiệu sơ qua về Ngôi Trường Nắng, trong sự chờ đợi của mọi người. Dù mới trải qua những ngày nằm viện, hơi mệt, nhưng giọng ngâm của nàng vẫn cảm xúc, trong trẻo, khi nhắc nhớ về ngôi trường thân yêu mà mình đã từng học. Bao nhiêu kỷ niệm tuổi học trò hồn nhiên, sâu lắng mà nàng muốn gởi gắm qua bài thơ, qua giọng ngâm truyền cảm, làm người nghe cũng cảm xúc theo nàng.

Huệ Tâm lắng nghe từng câu, từng chữ thật rõ ràng, khiến anh xúc động, bồi hồi. Nhìn Tuệ Nguyên trong bộ quần tây, áo sơ mi kín đáo, choàng chiếc khăn trên cổ, trông trang nghiêm, hiền thục, lại biết làm thơ, thật đáng quý. Tuệ Nguyên đã gây ấn tượng trong lòng anh, một sự quý mến tự nhiên, mà từ trước đến nay chưa bao giờ anh bắt gặp. Suốt buổi, anh cứ nhìn sang chỗ nàng ngồi, đôi khi bắt gặp ánh mắt của nàng, anh vội quay đi, như một sự tình cờ.

Sau buổi giới thiệu tác phẩm, Huệ Tâm vào face book tìm hiểu, xin kết bạn cùng nàng, và gởi tặng nàng tác phẩm anh vừa xuất bản. Càng ngày anh càng hiểu thêm về nàng hơn, biết được hoàn cảnh sống cũng như ước mơ và căn bệnh hiểm nghèo, mà nàng đang mắc phải. Anh đồng cảm, muốn giúp đỡ, hướng dẫn nàng sống và viết, theo như ước nguyện của nàng. Anh động viên, khuyến khích nàng viết, với đề tài “Suối nguồn yêu thương”, là bài tập đầu tiên, mở đầu cho những trang viết sau đó.

Có được người hướng dẫn, khích lệ, Tuệ Nguyên bớt đi sự rụt rè, e ngại, nàng viết và gởi anh đọc, biên tập. Anh khen bài viết của nàng khá trôi chảy, có tính hiện thực và cảm xúc chân tình. Huệ Tâm biết, nàng có tiềm năng, muốn đào tạo nàng thành một cây bút truyện ngắn; mà từ lâu, anh hằng mong ước, được truyền đạt kinh nghiệm mấy mươi năm cầm bút lại cho thế hệ đằng sau. Hằng ngày, anh gọi điện hướng dẫn nàng, làm thế nào để viết một tùy bút cảm xúc, một truyện ngắn hiện thực, sinh động, thật nhiệt tình. Mỗi lần Tuệ Nguyên viết xong một tạp văn, một tùy bút, liền gởi anh biên tập, góp ý, là anh vui như mình vừa hoàn thành một tác phẩm mới vậy. Anh háo hức đọc, ghi lại những chỗ cần thiết, sau đó giảng giải thật kỹ những lỗi nàng mắc phải. Huệ Tâm nhận thấy nàng tiếp thu rất nhanh, những bài viết sau đó tốt hơn, ít có lỗi hơn.

Một ngày, Huệ Tâm khuyến khích nàng chọn lựa những bài tùy bút và truyện ngắn, xin giấy phép và in tác phẩm đầu tay. Nàng e ngại, sợ những bài viết của mình không được bạn đọc đón nhận, khiến anh giận.

- Vậy là em không tin tưởng anh biên tập hay sao?

Tuệ Nguyên giã lã:

- Dạ không phải vậy. Em nghĩ là mình chưa sẵn sàng.

Huệ Tâm thuyết phục:

- Những truyện ngắn, tùy bút em viết rất tốt. Tác phẩm đầu tay như vậy là tốt lắm rồi, anh không nói để khen em đâu.

Giọng nàng ái ngại:

- Nhưng mà, em vẫn thấy lo.

- Em yên tâm đi, anh nói được là được mà.

Nghe lời anh, nàng nhờ anh biên tập, tổ chức bản thảo, gởi xin giấy phép và in ấn. Tác phẩm đầu tiên của Tuệ Nguyên ra đời, trong sự chào đón của quý thầy cô, các bạn học cũ, người thân, gia đình; và vui nhất vẫn là người “sư phụ” Huệ Tâm và nàng.

Như có cái trớn, anh động viên nàng viết không ngừng nghỉ, in những tác phẩm tiếp theo, trong sự ngạc nhiên của tất cả. Càng ngày Huệ Tâm càng hiểu nàng nhiều hơn, từ sở thích, những bất hạnh nàng gặp phải, cũng như khát vọng, bàng bạc qua những trang văn. Anh nhìn thấy, ẩn sâu trong đôi mắt buồn rười rượi của nàng, là nét hồn nhiên, trong sáng, là một tâm hồn nhạy cảm, rộng mở, làm anh càng yêu quý nàng nhiều hơn. Huệ Tâm thường ví nàng như tia nắng buổi sáng chiếu rọi vào tâm hồn anh sự ấm áp, yêu thương; hay làn gió mát dịu dàng, mới mẻ, làm tươi vui cuộc đời anh, vốn chịu nhiều thiệt thòi, khổ đau, bất hạnh. Dường như, được hướng dẫn nàng viết, biên tập cho nàng, còn là niềm vui còn lại, mà anh mong đợi.

Huệ Tâm không những đào tạo nàng viết truyện ngắn, tùy bút, mà còn hướng dẫn nàng viết cho bằng được cả tiểu luận, nhận định về một tác phẩm của các bậc đàn anh đi trước. Tuệ Nguyên lao vào viết không ngơi nghỉ, dẹp bỏ hết mọi khổ đau, phiền muộn, cũng như căn bệnh bấy lâu nay luôn hành hạ nàng; trong sự dìu dắt chân tình của anh - một nhà văn thành danh trước năm bảy mươi lăm, có uy tín trên văn đàn. Anh gợi ý nàng gởi tặng sách cho những bậc đàn anh đi trước, để họ đọc, nhận xét về những thiếu sót của mình; hầu rút được kinh nghiệm, học hỏi thêm từ những người đi trước.

Mỗi ngày Huệ Tâm không nói chuyện được với nàng là anh thấy nhớ và trống vắng; dù gặp qua internet, chỉ để hướng dẫn nàng viết, hay nói chuyện vui buồn của đời sống. Nỗi nhớ thương nàng ngày càng lớn hơn, để anh hiểu được rằng, anh đã thật sự yêu nàng, một tình yêu trong sáng, chỉ hiến dâng và trân trọng. Mỗi lần nghe nàng đau nhức xương khớp, hay đau đầu, đau bụng là anh thắc thỏm, lo âu. Anh gởi cho nàng một hộp thuốc, trong đó có từng loại, bỏ vào từng bịch ny lon nhỏ, có ghi trị bệnh gì hẳn hoi - tiêu chảy, ăn không tiêu, ngộ độc thức ăn, xương khớp, mất ngủ…, anh mới yên tâm được.

Có lần, sau khi buổi giới thiệu và phát hành tác phẩm mới của nàng kết thúc, anh đưa nàng đi ăn cơm, xong lên thẳng bến xe để về nhà; anh đi xe ra, nàng đi xe vô, nghịch chiều nhau, khởi hành cùng một giờ ba mươi phút. Gần đến giờ lên xe, Tuệ Nguyên bỗng đau bụng, anh gọi xe thồ, xuống hiệu thuốc gần nhất mua cho nàng mấy liều thuốc, rồi trở lại bến xe, kịp giờ xe chuyển bánh. Anh đưa thuốc cho nàng, dặn nàng uống, rồi vội vã lên xe, mới yên tâm ra về.

Huệ Tâm không muốn nàng cũng như mọi người biết được tình cảm yêu thương anh giành cho nàng, vì còn e ngại, đắn đo, sợ phải đau khổ lần nữa. Anh chỉ đứng từ xa nhìn ngắm nàng hằng ngày, yêu thương, lo lắng và hướng dẫn mọi thứ; mong muốn nàng được sống bình yên, vui khỏe, để trải lòng như ước mơ. Nhiều lúc, anh muốn nàng nhỏ thật nhỏ, chỉ mình anh nhìn thấy, rồi anh lại mỉm cười với ý nghĩ ấy, mình thật ích kỷ - yêu người là vì người, không vì mình, mới là tình yêu đích thực.

Trong một đêm trăng sáng, Huệ Tâm trằn trọc khó ngủ, anh ra sân vươn vai, hít thở, rồi ngồi xuống chiếc ghế bên hiên nhà, ngắm trăng. Ánh trăng bàng bạc, mông mênh, làm anh nhớ đến nàng da diết; và nàng như lẫn vào cái mầu trăng ấy, lung linh, xao động trong tâm hồn anh. Anh nghĩ, nàng là một vầng trăng, nhỏ nhoi, soi sáng tâm hồn anh; trong cảm xúc dâng tràn, anh vội vào nhà mở máy, gởi nàng những rung cảm dạt dào ngập tràn trong anh.

Gặp em cơn gió tình cờ,
Mà sao tình đã như tơ tóc rồi.
Giọng em sâu lắng, xa xôi
Gieo vào anh những bồi hồi, bâng khuâng.
Nét nhìn ánh mắt trong ngần,
Sao đời em chịu long đong giữa dòng?
Anh như con suối xanh trong,
Đợi em ghé bến giữa dòng phù du.
Bao ngày canh cánh mặc dù,
Lời thơ chỉ để thiên thu nhớ người.


Những lần giới thiệu và phát hành tác phẩm mới của nàng, quý thầy cô, các bạn học cũ, bạn văn, bạn đồng hương, bạn face book, tham dự đông đủ, động viên và chúc mừng nàng, trong không khí ấm áp, thân tình. Tuệ Nguyên nhớ có lần thầy dạy văn của mình nói rằng, “Em ao ước được làm một cô giáo, nhưng niềm mơ ước đó không thành; hôm nay, em đã trở thành một nhà văn, đó là cái không phải ai cho em, ai đặt để cho em, mà là cuộc đời nầy chứng nhận, ban tặng. Thầy chung vui và chúc mừng em!”. Còn thầy hiệu trưởng của nàng chia sẻ rằng “Thầy rất tự hào vì trường chúng ta có được một học sinh như em. Em phải cố gắng hơn nữa, để sống trọn vẹn cho trang viết, cho sự hiến dâng, em nhé!”.

Nàng vô cùng trân trọng!

Anh Hân - người bạn của Hoa, người có phòng thu đã từng muốn giúp nàng ngày ấy, luôn có mặt chung vui; anh nói, anh cảm thấy có lỗi với nàng, vì thiếu sót lần ấy. Mỗi lần giới thiệu tác phẩm mới, anh luôn có mặt, còn mời những thân hữu của anh cùng tham dự, làm nàng vui lắm, và trân quý tấm chân tình của anh giành cho nàng.

Tuệ Nguyên rất biết ơn những lời khích lệ của quý thầy, các bạn chia sẻ, góp ý; nàng biết mình cần phải cố gắng hơn nữa, như lời của sư phụ Huệ Tâm đã từng nói, không chỉ viết vì sự yêu quý đời sống không thôi, mà còn vì sự đam mê và hiến dâng. Nàng hiểu cuộc sống của những người nghèo khổ hơn ai hết, bởi mình là một người nghèo khổ. Bưng bát cơm hôm nay, họ luôn nghĩ đến bát cơm của ngày hôm sau; và nàng muốn nhắn gởi những ước vọng, khát khao của người lao động bình dân, nghèo khổ qua ngòi bút; nói giùm họ cũng là nói cho chính mình. Nàng nghĩ, viết còn để cầu mong cho cuộc sống chính mình, những người xung quanh mình, ngày càng được an vui, hạnh phúc hơn. Niềm mong ước lớn hơn nữa, nàng muốn mang thông điệp yêu thương đến với tất cả; bởi yêu thương sẽ gắn kết người với người, không còn định kiến, hận thù, phân biệt. Từ đó, con người sẽ sống trong khoan hòa, xây dựng đất nước, hướng tới sự công bình, hạnh phúc, phồn vinh.

Huệ Tâm muốn nàng thật hoàn thiện trong mắt anh, nên luôn nhắc nhở những sai sót mà nàng gặp phải; và anh muốn nàng phải như anh, hướng nàng tu học, lo cho phần hồn trước lúc ra đi.

Huệ Tâm chịu khó in kinh Chú Đại Bi, kinh Bát Nhã gởi nàng, dặn dò:

- Em cần phải đọc những bài kinh nầy trước tiên, để tâm thanh tịnh, rồi dần dần em sẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm của Phật Pháp.

Những bài kinh nầy, Tuệ Nguyên đã từng đọc lúc nhỏ cùng nội, nhưng mấy chục năm rồi nên quên, giờ đọc lại, nàng thuộc rất nhanh. Anh rất vui mừng khi nghe nàng đọc dù qua internet, anh khen nàng đọc hay, lên cao, xuống thấp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn. Rồi anh hướng dẫn, nàng nên đọc những kinh khác nữa - Kinh Cầu An, Sám Hối, Cầu Siêu hay Dược Sư… để được an vui mà làm việc. Anh còn nói với nàng rằng: những tác phẩm mình viết ra với sự chân thành và hiến dâng, đó cũng là một Pháp thí đấy em ạ!

Tuệ Nguyên hướng theo con đường anh đi để được bước cùng anh trên con đường trở về. Với sự khuyến khích của anh, nàng đọc kỹ “Đường Trở Về” của thầy Thiện Đạo, để tìm con đường trở về cho chính mình. Nàng xúc động làm sao, khi đọc Đã đến lúc chúng ta cần phải trở về với chính mình. Dù có bị trôi lăn vạn nẻo luân hồi hay hụp lặn trăm sông nghìn biển, chúng ta vẫn có thể vượt qua, nếu chúng ta thật sự biết hối đầu. (Đường Trở Về trang 80). Nước mắt nàng ứa ra, nàng nghĩ, đã đến lúc mình phải trở về; bấy lâu nay mình lăn lông lốc hết nơi nầy đến nơi khác, chỉ thấy toàn khổ đau, đau khổ; vậy là mình cũng có thể vượt qua để trở về, như lời thầy đã nói. Và nàng như được mở ra Cầu làm Phật tức là tìm về với tánh giác, với con người thật của mình. Khi nào ta bắt gặp được con người thật của ta, tức là ta đã thể nhập vào thật tánh, chân như tánh, như lai tánh. (Đường Trở Về trang 26).

Từ đấy, nàng thường về chùa trong các ngày lễ.

Nhiều lúc Tuệ Nguyên nghĩ, nếu như hôm đó mình nhất định không đi cùng Hạnh đến dự buổi giới thiệu tác phẩm mới của thầy Thiện Đạo, thì có lẽ, mình chẳng bao giờ có được niềm hạnh phúc lớn lao như hôm nay. Nàng nghĩ, đây là một duyên lành cho cuộc đời nàng - như định mệnh, đúng thời khắc, phải gặp vậy. Nàng chợt nhớ đến lời của một ai đó nói rằng, cánh cửa nầy khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra; và cánh cửa hạnh phúc nhiệm mầu đã mở ra với nàng.

Tuệ Nguyên nhận ra, tình yêu của Huệ Tâm giành cho nàng bao la quá, anh như một vị Bồ Tát cứu giúp nàng thoát khỏi những ưu phiền, mê muội. Nàng bỗng thấy mình nhỏ bé, trong cái bóng mát rộng lớn là anh, không biết lấy gì đền đáp tấm chân tình ấy. Nàng thấy lòng mình chợt rộn ràng, xao xuyến khi nhớ nghĩ về anh; và hình bóng anh bỗng chơi vơi trong niềm hạnh phúc nàng bắt gặp.

Tình em như nắng ban mai,
Reo vui theo bước chân ai đi về.
Yêu người, em dệt vần thơ
Gởi hương theo gió ru bờ môi xanh.
Đưa tay níu mộng trăm năm,
Có con chim hót bên nhành yêu thương.

Trong một lần vào Sài Gòn tái khám, sau khi làm các thủ tục xét nghiệm, kết quả gan của nàng chỉ thô nhẹ, giảm xuống từ F0 đến F1, làm nàng rất ngạc nhiên. Không chỉ mình nàng ngạc nhiên, mà anh, cũng như quý thầy cô, bạn bè, người thân của nàng, ai cũng ngạc nhiên và vui mừng; ai cũng nghĩ, có lẽ nhờ những trang văn, nàng không còn nghĩ đến điều gì khác, nên bệnh tật mới rút lui như vậy. Còn anh, anh nói với nàng rằng “tình yêu đã đẩy lùi bệnh tật” đấy em ạ!




VVM.06.11.2023