Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ĐÀN BẦU AI GẢY





Mời qúy vị mở nghe Symphony Pastoral của L. Beethoven
nhạc bản mà Hồ Thủy rất yêu chuộng khi còn sinh tiền


... "T háng mười chưa cười đã tối”

Mới hơn sáu giờ chiều thôi mà trời đã chạng vạng rồi, cả không gian và vạn vật từ từ nhuốm màu sâm sẩm tối, trong nhà đàn muỗi bắt đầu kết bè kết lũ bay chập chờn, kêu lên những tiếng “o…o…” nghe thật khó chịu cái lổ tai. Người đàn bà lấy hai tay khua khua để đuổi đám muỗi, miệng kêu:

- Duyên ơi…Duyên à…

Có tiếng nước xối và tiếng trả lời phát ra từ cái chái nhỏ sát hông nhà:

- Con đang tắm…xong rồi đây má…

Người đàn bà – đó là bà Dần – lần tay tìm nút nhấn của công tắc đèn, bà bật lên nghe kêu một tiếng “tách” nhỏ; sau đó một luồng sáng phát ra từ ngọn đèn; nó chớp chớp mấy cái rồi mới sáng hẳn, bà Dần lọ mọ ngồi xuống chiếc chõng tre kê phía trước sát cửa sổ ở gian ngoài, cằn nhằn:

- Giờ này mà chưa có cơm nước gì ráo trọi hà…?

Có tiếng guốc kéo lê trên nền nhà kêu“lộp cộp” và tiếng của Duyên:

- Con dọn liền…bị ham làm cỏ mấy đám rau nên tắm trể.

Mâm cơm dọn ra, không có gì ngoài dĩa rau muống luộc, tô canh chỉ là nước luộc rau thêm vào mấy trái cà chua và ít hành lá, mấy con cá bống dừa kho mặn. Hai má con ngồi trước mâm cơm dưới ánh đèn néon nhợt nhạt; mỗi người mang một tâm trạng, một nỗi niềm riêng. Bà Dần đang hoài niệm về thời còn trẻ với bóng hình của người chồng vắn số. Cô Duyên thì nghỉ đến tuổi xuân của mình đang héo úa từng ngày. Ngó lui ngó tới chỉ có hai má con sớm hôm lủi thủi với nhau mà thôi; đôi khi buồn chết đi được.

Bà Dần húp một ngụm canh rồi nói trống không:

- Phải chi nhà có thêm một người…đở hiu quạnh…

Duyên định trả lời má nhưng cô bỗng giật mình, tay đang bưng chén cơm đưa lên miệng chợt khựng lại…không biết từ phương nào theo gió thoảng đến; tiếng đàn bầu của ai đó buông rơi từng giọt…từng giọt. Tiếng đàn thánh thót và ngân dài trong buổi chiều tà đang chạng vạng tối. Đã mấy ngày nay; cứ vào khoảng giờ này là tiếng đàn bầu lại bay theo gió vẳng đến bên tai Duyên đầy thiết tha mời gọi, hết bài này đến bài khác; mà sao bài nào nghe cũng buồn nảo nuột. Duyên nói:

- Ai đàn mà hay quá.

Má cô thở dài:

- Nghe buồn thì có, ngày xưa ông ngoại bây thường hát để răn đe má; cái câu:

“Đàn Bầu ai gảy nấy nghe,
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”.

Duyên ngạc nhiên hỏi:

- Ủa…sao kỳ vậy má?

- Má cũng không hiểu tại sao, chỉ biết là ông ngoại con không cho má nghe bất cứ tiếng đàn nào, nhất là tiếng đàn bầu.

Tiếng đàn bầu vẫn buông rơi từng giọt ngân nga thánh thót, nó xoáy sâu vào tâm hồn của hai người đàn bà: một già một trẻ. Bà Dần đưa mắt nhìn vào khoảng không tối đen bên ngoài, đôi mắt bà bị bịnh quáng gà, hễ chạng vạng là nhìn thứ gì cũng mờ mờ ảo ảo như có hơi sương che phủ, nhưng bù lại thì tai bà rất thính. Tiếng đàn đưa bà về với kỷ niệm xưa của một mối tình say đắm, và người tình của bà; một chàng trai đàn guitar rất hay. Cha của bà cấm đứa con gái út không được nghe đàn bầu, nhưng không ngờ rằng con gái mình lại say mê tiếng đàn Guitar của một chàng lãng tử…

…Năm đó bà Dần mới tròn hai mươi tuổi, với sắc đẹp mộc mạc chân quê của người con gái xuân thì, bà đã làm cho bao nhiêu chàng trai trong làng phải say đắm, tâm hồn bà nhiều lúc cũng dạt dào mơ mộng với đôi chút lãng đãng nhớ nhung, nhưng chưa có ai thật sự làm cho trái tim bà phải lao đao…Cho đến một ngày…

…Chàng trai ấy là một người trong đoàn thanh niên xung phong đã ghé về miền quê này để xây cho dân làng một cây cầu bằng xi măng thay cho cây cầu khỉ. Buổi chiều sau khi xong công việc của một ngày; sau khi tắm rửa sạch sẽ; rồi sau khi ăn cơm chiều, cũng tầm lúc trời nhá nhem…chàng đem cây đàn guitar ra khảy khảy mấy tiếng. Như chỉ chờ có thế; đám đông liền bu quanh chàng, họ vừa đàn; vừa hát; vừa vổ tay làm sống động nguyên cả một vùng đất vốn xưa nay im lìm buồn bã.

Dần thích nhìn lén chàng, thích nhìn cái cách chàng hất đầu lên để cho mấy sợi tóc đang rớt lòa xòa xuống trán không bị vướng vào mắt, mà đôi mắt của chàng thì lúc nào cũng mang một vẻ buồn xa vắng, Dần say mê nhìn mười ngón tay của chàng vừa bấm; vừa khảy, vừa lướt lên lướt xuống trên sáu sợi dây đàn tạo nên những âm thanh rộn ràng làm cho lòng của Dần dạt dào xao xuyến, mười ngón tay chàng mới đẹp làm sao…

Tình yêu là điều gì đó không ai có thể định nghĩa cho đúng, chỉ biết rằng Dần khó mà sống được nếu thiếu chàng trai ấy nên nàng đã bất chấp tất cả mọi sự ngăn cản của cha mẹ, anh chị trong gia đình. Một sáng nọ khi gà vừa cất tiếng gáy thì Dần cũng âm thầm lặng lẽ rời xa ngôi làng quê ấy, bỏ luôn cha mẹ…nhưng ở bên cạnh Dần là chàng thanh niên có tiếng đàn guitar điệu nghệ và cặp mắt ưa nhìn vào chốn nào như là xa xôi lắm, đối với Dần thế là quá đủ.

Và họ đã trở thành vợ chồng, chỉ có trời đất chứng giám.

Ai biết được điều gì sẽ xảy ra cho mai sau? Cuộc tình đẹp như mơ, lãng mạn say đắm với kết quả là một đứa con gái ra đời, nhưng sau đó không lâu thì chồng của Dần chết vì tai nạn. Lúc đó Dần chỉ mới hai mươi ba tuổi và đứa con gái bé bõng vừa mới thôi nôi.

Dần quấn khăn tang, ôm con về làng chịu tội với gia đình, người trong nhà không ai nỡ nặng lời khi thấy vành khăn trắng quấn trên đầu Dần. Cha má tuy giận nhưng vẫn thương đứa con gái út còn rất trẻ mà nay đã trở thành góa gụa; lại có thêm đứa con nhỏ sớm mồ côi cha nên cắt cho Dần một mảnh đất nhỏ của ông ở cuối làng, mấy anh, chị của Dần bỏ công dựng lên cho em gái một mái nhà tranh vách tre để hai mẹ con ở, chính giữa nhà là một bàn thờ bằng gổ tạp chưng khung hình của người chồng “không bao giờ già” với một bình cắm nhang và cái lọ cắm hoa. Má Dần mang đến nếp nhà nhỏ của Dần những thứ cần phải có, ngày ngày bà tới thăm để an ủi con gái và vỗ về đứa cháu ngoại.

Cũng cần phải tính kế sinh nhai để cho cuộc sống của hai mẹ con được ổn định, nên nếp nhà tranh tre ấy có thêm một tiệm tạp hóa nho nhỏ phía trước bày bán những thứ linh tinh, kèm theo một quán nước đơn sơ chỉ với hai cái bàn và tám cái ghế kê ở phía ngoài sân; nơi đó được dựng một mái hiên lợp lá che nắng che mưa. Tiệm tạp hóa chỉ bán vào ban ngày, đến khoảng bảy giờ tối là đóng cửa để Dần “nói chuyện riêng với chồng” bên cạnh đứa con gái nhỏ trên chiếc giường tre.

Có lẽ vì tình yêu của Dần đối với chồng quá lớn, có lẽ vì hai người họ quá yêu nhau nhưng nữa đường bị đứt gánh nên dù có lắm người trong làng vẫn muốn kết tóc se tơ với cô Dần “gái một con trông mòn con mắt”…nhưng Dần không thể nào quên được người chồng quá cố nên nàng gạt ra ngoài tai mọi lời ong bướm, mọi sự săn đón cầu thân…Dần vẫn ở vậy để nuôi con…


Thấm thoát mà đã gần hai mươi năm trôi qua, cha má Dần kẻ trước người sau qua đời, đứa con gái tên Duyên bé bõng ngày nào nay cũng đã trở thành thiếu nử. Dần thì vẫn sống mãi với hình bóng của người chồng năm xưa: vừa là tình đầu, tình cuối và cũng là tình yêu duy nhất của mình.

Duyên càng lớn càng giống cha, cô cũng có đôi mắt buồn xa vắng, chỉ phải cái là nhà không có điều kiện nên cô không được học đàn để cũng biết đàn như cha mình, chính bởi tiếng đàn của cha đã làm cho má cô phải bỏ tất cả mà đi theo.

Duyên đã đến tuổi yêu và cũng đã yêu, nhưng cô lại ở giữa hai lằn ranh buộc cô phải chọn lựa. Cô không thể nào bỏ má ở một mình thui thủi để tìm vui thú hạnh phúc cho riêng mình, phải chi má chịu ưng và giá nghĩa với một người nào đó để có người chăm sóc thì Duyên không bận tâm chi nhiều, đằng này má mãi hoài nhớ thương người chồng chết trẻ.

Duyên không thể để má ở một mình, ngặt nỗi người Duyên không yêu thì sẳn sàng về ở chung với má và Duyên. Người mà Duyên yêu thì lại đòi Duyên phải theo về làm dâu nhà anh ta. Cuối cùng Duyên đành dứt bỏ đôi ba mối tình cũng chưa lấy gì làm say đắm cho lắm mà ở vậy với má, cô chờ cho đến một ngày nào đó…Biết đâu?.

Chờ mãi cho đến nay thì Duyên đã hơn ba mươi tuổi rồi.


Tiếng đàn bầu nghe sao mà buồn não nuột, từng âm thanh rơi rụng bay theo gió lọt vào mái tranh nghèo của bà Dần và cô con gái nữa chừng xuân. Nó thấm sâu vào lòng bà để khuấy động lên một nỗi nhớ nhung không dễ nguôi quên nhưng cũng đã tạm chìm lắng. Nó xoáy sâu vào tận đáy tâm hồn của Duyên để dấy lên nỗi khao khát vô hình nhưng có thật, không chạm được bằng tay mà cảm nhân được bằng trái tim, cuối cùng thì nó đọng lại trong lòng Duyên một nỗi bâng khuâng xao xuyến... “bèo giạt mây trôi…em ơi…” tiếng đàn đang nói như thế.

Bữa cơm chỉ mới nữa chừng bỗng dưng ngừng lại khi tiếng đàn vừa cất lên, Duyên buông đũa thẩn thờ nhìn vào khoảng sân mờ tối trước hiên nhà, trong lòng cô có một thôi thúc nóng cháy với mong muốn tìm cho ra nơi chốn phát ra tiếng đàn bầu quyến rũ ấy. Nhưng đột nhiên tiếng đàn chợt im bặt, bà Dần thở dài đứng lên chậm chạp lò mò đi vào bên trong, tiếng đàn bầu đã khuấy động tâm hồn làm bà cảm thấy mệt nên muốn đi nghỉ sớm. Duyên lùa nốt miếng cơm cuối cùng còn trong chén vào miệng rồi dọn dẹp, Duyên cũng muốn đi nghỉ vì xao xuyến...

Sáng nay Duyên đi chợ sớm hơn mọi khi, bà Dần ở nhà dọn hàng ra bán, tiệm tạp hóa nhỏ có thêm hai cái bàn bán cà phê cóc keng lượm bạc cắt chỉ đủ hai má con đắp đổi qua ngày, cũng nhờ có mảnh vườn nho nhỏ ở sau nhà trồng ít khóm rau các loại, vài cây ớt, giàn bầu, bí…nên cũng không tốn hao nhiều tiến chợ, mỗi vụ lúa; theo giao ước của bà ngoại; cậu Ba của Duyên phải đong cho hai má con chục giạ lúa, cuộc sống về vật chất coi như cũng tạm ổn, duy chỉ có phần tinh thần thì khá là thiếu thốn đôi bàn tay và tiếng nói của người đàn ông…nên cũng buồn.

Ý của Duyên hôm nay phải ăn cơm chiều sớm, để khi dọn dẹp xong là vừa lúc “ai đó” thả rơi những giọt sầu ngân nga thánh thót, nhất định cô phải đi tìm cho ra nơi đã phát ra tiếng đàn, cô cũng rất muốn nhìn cho được khuôn mặt của người đã gảy ra nhũng tiếng đàn bầu gọi mời tha thiết ấy.

Sự chờ đợi của Duyên trở nên vô vọng, hôm nay không có tiếng đàn bầu, hình như “ai đó” làm biếng đã nhốt chúng laị chẳng chịu thả ra, tự nhiên Duyên cảm thấy buồn và thiếu... Ngày xưa có nàng Mỵ Nương tương tư tiếng sáo của chàng Trương Chi mà đổ bịnh. Ai cấm được thời nay không có người con gái tên Duyên thao thức chờ đợi tiếng đàn bầu đến nỗi nhớ nhung từng giọt thánh thót của nó từ tay của “ai đó” thả rơi? Duyên nói với má:

- Tối nay không nghe tiếng đàn bầu…cũng buồn ghê ha má?

Bà Dần chợt cười:

- Bây đừng có mà mê tiếng đàn bầu quá đó nghen, lở như mà…cái người đàn là một ông già lụ khụ thì…

Duyên trả lời:

- Thì con cũng hết mê tiếng đàn bầu, đâu phải ai cũng như má, mê tiếng đàn guitar của cha đến nỗi bỏ ông bà ngoại mà…đi theo không.

- Bậy, ngay đó má mê cha mày trước rồi mới mê cái cách ổng đàn sau.

Duyên cười:

- Ý má nói bây giờ con mê tiếng đàn bầu trước rồi mê người gảy đàn sau…chớ gì?

Bà Dần mắng yêu con gái:

- Vậy là bây khôn hơn má rồi đó.

Cả hai mà con cùng cười lớn, tiếng cười của hai người xua tan sự im lìm buồn bã trong mái nhà tranh tre có tuổi đời bằng tuổi của Duyên và già nua như bà Dần; dù mỗi năm cũng sữa sang vách tre lại một lần vào dịp cuối năm, rồi năm bảy năm thì được lợp mái lại một lần để cố duy trì nếp nhà “cái” bởi không có bóng dáng của đàn ông.

Ba ngày nay tự nhiên vắng tiếng đàn, Duyên không còn muốn mong chờ nữa, nghỉ cũng lạ, sự chờ đợi làm cho người ta nôn nao thích thú, làm cho người ta cảm thấy cuộc sống thi vị hơn, nó không còn đơn điệu buồn tẻ, ít nhất cũng có một điều gì đó làm cho người ta thấy rằng mình và “ai đó” đang tồn tại một cách có ý nghĩa, nó gieo vào lòng người một sự xao động, nôn nao, bồn chồn…

Duyên lại quay về với cuộc sống “một ngày như mọi ngày”. Và thật là bất ngờ khi lòng cô đã không muốn chờ muốn đợi nữa thì tối nay tiếng đàn lại thánh thót ngân dài, sâu lắng, từng giọt…từng giọt…rơi ra khỏi sợi dây đàn để bay bổng vào thinh không, vọng xuôi theo gió đến tai của Duyên. Đang rửa mấy cái chén sau chái bếp, Duyên khựng lại cố lắng tai nghe. Tiếng đàn lúc to lúc nhỏ, lúc trong lúc đục, có khi ngân nga tưởng như gần lắm nhưng rồi chợt bay đi thật xa, tiếng đàn tối nay đã làm cho tâm hồn cô ngơ ngẩn.

Ai thả rơi chi những giọt khi trầm khi bổng vào cái lúc mà cô không còn muốn chờ đợi lắng nghe? Ai nỡ lòng nào khuấy động lại tâm hồn cô gái đang mong có được một tình yêu ở vào cái tuổi sắp sửa về chiều? Như có điều gì đó thôi thúc làm Duyên đứng bật dậy, chùi vội hai bàn tay vào hai ống quần, cô chạy lên nhà trên lật đật vừa đi vừa nói với má:

- Má đóng cửa lại…con đi đằng này một tí…

Không kịp nghe bà Dần hỏi một câu gì đó, Duyên dắt xe đạp, nhảy lên yên rồi vội vả đạp theo hường gió phát ra tiếng đàn. Nhưng mới đi được chừng hai mươi vòng của bánh xe; đến ngay bụi tre làng thì tiếng đàn chợt im bặt, Duyên ngẩn ngơ dừng xe lại cố chờ đợi thêm một lúc để xem tiếng đàn có ngân lên nữa không?...nhưng chỉ có tiếng lao xao của lá tre đong đưa trong gió còn tiếng đàn bầu thì mất dấu. Cuối cùng Duyên quay xe lại đạp về nhà mà lòng buồn rười rượi, cọng thêm một nỗi tủi thân làm cô nghẹn ngào muốn khóc.

Hình như bà Dần đoán được con gái mình đi đâu nên khi nghe tiếng Duyên về, bà nhìn cô với một cái nhìn đầy ái ngại, phân vân, nữa muốn hỏi, nữa lại không muốn biết câu trả lời. Duyên buồn ghê lắm, hình như cô đang bị “ai đó” chơi trò cút bắt làm Duyên lao đao. Tối nay cô không sao ngủ được, lòng phân vân rồi trăn trở đủ điều, cuối cùng thì Duyên quyết định nếu tối mai mà có tiếng đàn vọng đến thì cô sẽ lập tức đạp xe thật nhanh để tìm cho ra “nơi ở của tiếng đàn bầu”. Còn nếu không thì cô nhất quyết sẽ quên hẳn cho dù ngày kia có hay không có tiếng đàn bầu thánh thót thiết tha mời gọi ấy.

Vẫn là sự chờ đợi, vẫn như một trò chơi cút bắt khi đêm nay không có tiếng đàn bầu. Trăng mười lăm huyền hoặc bao phủ cả một không gian rộng lớn, ánh trăng vàng làm cảnh vật giống liêu trai, ở xóm trên bầy trẻ nhỏ đang chơi trò trốn tìm, trai gái trong làng đua nhau ra đường ngắm trăng và trò chuyện. Duyên cũng ra ngoài sân ngồi nhìn trăng đang ôm lấy mái nhà tranh của mình, bà Dần lọ mọ từng bước ra ngồi bên con gái để hóng gió bỡi vì mắt bà bị quáng gà.

Duyên thờ dài nói với má:

- Đêm trăng đẹp như thế này mà không có tiếng đàn bầu, uổng ghê hen má.

Bà Dần cũng thở dài:

- Ờ, má cũng thấy tiếc, mà sao hôm nay không ai đàn cho má con mình nghe vậy ta?

- Lúc trước con không để ý lắm là ngày rằm trăng đẹp như thế này, chỉ thấy trăng rằm sáng đến nỗi con lạnh lạnh…từ khi có tiếng đàn bầu, đây là đêm đầu tiên con mới để ý trăng rằm đẹp lắm má à, phải chi có tiếng đàn thì thật là tuyệt vời…

- Con ơi, đừng nghỉ nhiều chi cho thêm khổ. Thôi má đi nghỉ đây, nhắc đến đêm trăng làm má nhớ cha bây quá chừng.


Duyên giật thót mình khi nghe từ xa có tiếng đàn bầu văng vẳng vọng về, ngay lập tức Duyên phóng lên xe đạp và lắng tai theo tiếng gió đưa để đi về phía ấy. Đêm nay là mười sáu tròn trăng, Duyên thấy rõ mọi vật chung quanh, con đường đất đỏ hai bên là cỏ dại, mấy bụi tre làng ướt cả ánh trăng, qua khỏi hai bụi tre thì tiếng đàn nghe rất gần như ở đâu đây…

Và rồi Duyên thấy một con đường mòn, cô đạp xe rẽ vào con đường mòn ấy…chợt có tiếng chó sủa phía trước mặt. Duyên dừng xe lại đứng thật im, thở thật nhẹ, lòng hồi hộp nôn nao khi thấy bên con đường mòn có một khoảng đất trống, một bụi tre và một cái chòi lá, trước chòi là một người đàn ông ngồi cúi đầu trên cây đàn, hình như ông ta không nghe, không thấy, không biết có người đang nhìn mình bởi vì ông ta đang say sưa thoát hồn theo tiếng đàn thánh thót nhả ra từ hai bàn tay của mình, cây đàn chỉ có một sợi dây mà thôi, đầu dây bên này cột vào một cái cần có gắn vào đó một cái bầu như là cái gáo dừa và kéo thẳng tới cuối một cái ống tròn như là ống tre dài chừng nữa sãi tay. Bàn tay trái của ông ta đặt trên cây cần, năm ngón tay ấy đang nhảy múa lã lướt khi nhanh khi chậm, khi xèo rộng, khi thu kại, còn bàn tay phải thì cầm phím gảy từng tiếng vào sợi dây; cũng là khi chậm khi nhanh tùy theo bản nhạc. Hai bàn tay tài hoa ấy phối hợp uyển chuyễn nhịp nhàng rất ăn ý với nhau lướt trên cây đàn để nhả ra những giòng âm thanh lúc trầm lúc bỗng, lúc thì ngân dài khi lại đứt đoạn…rồi theo gió bay xa…bay xa đến tận nhà của Duyên.

Chưa bao giờ Duyên cảm thấy vui như bây giờ vì đã tìm ra được “nơi ở” của tiếng đàn mà bấy lâu nay nó đã làm cho tâm hồn cô thổn thức chao đảo. Rất nhẹ nhàng Duyên quay xe lại và rón rén đạp thật chậm trên quảng đường về. Ánh trăng mười sáu soi lối cho Duyên còn tiếng đàn đưa tiễn chân Duyên đến tận nhà thì ngưng lại…một sự trùng hợp thật dễ thương.

Bà Dần nghe tiếng Duyên mở cổng; hỏi vọng ra:

- Bây đi đâu về vậy? Sao không nói gì với má hết trơn.

Duyên cười vui:

- Lật đật quá nên con quên.

Ngày xưa còn bé mỗi lần nghe má hay bà ngoại kể chuyện nàng Mỵ Nương mang bịnh tương tư vì tiếng sáo của chàng Trương Chi thì Duyên không hiểu gì lắm về khối tình lảng mạn ấy, nhưng bây giờ thì Duyên hiểu và còn hiểu rất rõ nữa kìa…vì tiếng đàn bầu nó đang làm cho tâm hồn Duyên chới với rồi đây.

Đêm nay trăng sáng và đẹp quá, đêm nay tâm hồn Duyên hân hoan với một nỗi vui lạ kỳ. Duyên nhìn ánh trăng chiếu qua cửa sổ và nghe như đâu đây đang vẳng lại tiếng đàn bầu.

Lạ quá; Duyên thấp thỏm đi ra đi vào, đồng hồ gõ tám tiếng, trăng mười bảy hơi méo nhưng vẫn còn rất sáng, sao lại không có tiếng đàn bầu? Đêm nay Duyên không ngủ được, cô cứ thao thức trằn trọc mãi. Ngày mai Duyên sẽ đến cái chòi lá đó, nhất định là như thế…Khi mong cho trời mau sáng thì sao đêm lại dài như vô tận đến thế này?

-Má ơi, hôm nay con đi chợ sớm, má mở cửa tiệm bán hàng nghen má.

Duyên sợ má sẽ hỏi này nọ nên lật đật đi ngay, bà Dần cố nói vói theo Duyên một câu nhưng cô đã đạp xe đi xa rồi, bà lắc đầu thở dài. Từ khi xuất hiện tiếng đàn bầu thì hình như con gái của bà “nó cứ lơ lững làm sao ấy”.

Cái chòi lá kia rồi, con chó từ trong chòi chạy ra sủa inh ỏi. Duyên ngần ngại đứng chờ một lúc rồi mới dắt xe đi từng bước chầm chậm tới chòi. Con chó đến gần Duyên, nó hực hực thêm mấy tiếng rồi đưa mũi hửi hửi mấy cái vào chân Duyên, chừng như thấy người này hiền lành tốt bụng nên nó thôi không “gây” nữa mà vẫy đuôi chạy vào chòi, Duyên dựng chiếc xe đạp phía bên hông, cô bước nhè nhẹ vào bên trong và thấy…

…Trên chiếc giường tre sát vách chòi là một người đàn ông trùm kín mền chỉ chừa có cái đầu, mắt ông ta nhắm chặt, mũi phập phồng thở ra từng hơi rất nặng nhọc, con chó ngồi phía dưới chân giường của chủ đưa mắt nhìn Duyên một cách van lơn tha thiết, hình như nó đang muốn nói điều gì đó với cô. Duyên đưa tay sờ vào trán người đàn ông…trời ơi; trán ông ta nóng hổi, cô nhìn quanh thấy một chai nước gần cạn và một cái ly ố vàng, Duyên lấy ly rót hết chổ nước còn lại trong chai rồi nâng đầu ông ta lên để cho ông ta uống…Đây không phải là ông…mà là một anh chàng vì người này còn khá trẻ, chỉ lớn hơn Duyên một ít mà thôi.

Duyên quan sát chung quanh để xem “tài sản” của anh ta trong cái “cơ ngơi” này: một thùng nhựa tròn; loại thùng đựng nước khoáng hai chục lít, một bếp dầu hôi củ mèm với bình dầu còn hơn phân nữa, một cái nồi nhỏ, ấm nước cũng nhỏ, một cái chén, đôi đũa và cái muỗng, một cái bàn xập xệ với một cái ghế cũng xập xệ như nhau, dưới chân bàn có một cái tô nhỏ để cơm cho chó ăn thì phải, sát vách có mấy bộ đồ máng lên đó, chiếc xe đạp củ kỷ dựng phía dưới…Và kìa…cây đàn bầu được treo vào một nơi đẹp nhất, lành lặn nhất trong cái chòi này, bởi vì cái chòi nó te tua trống trải lắm. Duyên ứa nước mắt khi thấy mọi thứ ở trong chòi…

- Cô…à…cô là ai?...từ đâu…đến…?

Duyên giật mình quay lại, người thanh niên nhướng mắt lên nhìn Duyên, anh ta khá đẹp trai nhưng đen và gầy, đôi mắt tinh anh dù đang bịnh…hình như anh ta cố ý để lộ ra cái chân trái bị cụt gần tới đầu gối của mình, nơi đó có những vết khâu nhăn nhíu đen đúa mới thoạt nhìn thì hơi dễ sợ thật đó, nhưng ở nơi Duyên đang dâng trào những cảm xúc khó diễn tả nên cô không thấy sợ. Duyên mỉm cười nhỏ nhẹ nói:

- Tôi biết anh…từ lúc nghe tiếng đàn bầu của anh.

Anh ta cố hỏi:

- Nhưng sao cô biết nơi đây mà tới?.

Có lẻ còn rất mệt nên anh ta nhắm mắt lại không chờ nghe Duyên trả lời. Duyên giật mình như tỉnh cơn mơ khi chợt nghỉ ra một điều gì đó. Cô cúi xuống lấy tay xoa xoa đầu con chó và nói với nó:

- Mày ở đây canh chừng chủ mày nghen, tao chạy ra chợ một tí rồi về ngay.

Con chó hiểu lời và ý của Duyên nên nó vẫy đuôi, mắt tươi rói nhìn Duyên dắt xe đạp quay ra ngoài.

Duyên ra chợ mua một lạng thịt heo xay nhỏ. Một ít hành lá, hành củ tím, vài cục xương và mấy ký gạo, nữa ký đường, mấy trái chanh, Duyên còn mua thêm một bình nước khoáng, ghé tiệm thuốc tây mua mấy viên thuốc cảm rồi nhanh chóng đạp xe về chòi. Con chó nghe tiếng bánh xe đạp của Duyên, nó chạy ra mừng rở và rít lên những tiếng nho nhỏ…

Với bàn tay khéo léo của người phụ nữ, một lúc sau thì nồi cháo hầm xương với thịt băm chín nhừ, Duyên cho vào đó thật nhiều hành củ đỏ và hành lá, rắt ít tiêu lên, sau đó Duyên đến giường nâng anh ta dậy và đút cho anh từng muỗng cháo nóng. Chàng thanh niên không kháng cự hay khách sáo gì mà nhanh chóng ăn hết một tô cháo, sau đó Duyên đưa thuốc và nước cho anh ta uống rồi cô vớt mấy cục xương ra để vào cái tô dưới chân bàn và kêu con chó tới ăn. Cái chòi như ấm lại và sáng rực lên cùng với ánh nắng ban mai đang rọi vào.

Duyên nói:

- Anh nằm nghỉ cho khỏe, còn cháo trong nồi trưa nay anh ăn thêm nghen. Tôi phải về nhà, chiều tôi tới rồi mình sẽ nói chuyện nhiều hơn. Có ly nước chanh tôi pha sẵn để trên bàn, chút nữa anh nhớ uống đi nghen.

Hai người chưa biết tên nhau nhưng điều đó đâu quan trọng. Tâm hồn của hai người đang xích lại gần nhau; đó mới là điều đáng nói.

Duyên vừa làm việc vừa hát nho nhỏ, cô vui lắm, buổi trưa khi dọn cơm ra, bà Dần hỏi gì Duyên chỉ biết ừ hử và mong sao khi xong việc thì cô sẽ đến cái chòi đó, có rất nhiều điều cô muốn biết về chàng trai ấy. Duyên bật cười khi nghỉ đến chuyện Chí Phèo của Nam Cao…Thị Nở tưng tưng xấu xí hôi hám đã nấu cho Chí Phèo say xỉn ưa quậy phá một tô cháo hành giải cảm rồi sau đó thì…

Duyên không tưng tưng xấu xí hôi hám, mà Duyên xinh xắn đảm đang; sáng nay cô đã nấu cho anh chàng khá đẹp trai lại rất giỏi ngón đàn bầu; một nồi cháo thịt giải cảm; rồi sau đó thì…làm sao mà biết được? ngày xưa hay ngày nay có khác gì nhau khi hai tâm hồn vừa có cùng chung một nhịp đập?.

Bà Dần kêu lên:

- Lạ quá hen…giữa ban trưa mà lại có tiếng đàn bầu, người này chắc đổi giờ đàn rồi hay sao ấy?

Duyên cúi đầu có dấu má một nụ cười, chỉ có Duyên mới biết tại sao giữa trưa mà lại có tiếng đàn, tuy rằng không được quyến rũ cho bằng chiều tối, vì ban ngày có nhiều tiếng động ồn ào hỗn tạp đã làm cho tiếng đàn bầu bị pha loãng, không được cô đọng lại cho lắm, nhưng Duyên hiểu rằng chàng trai ấy đang khỏe lại, có lẻ nhờ tô cháo nóng và viên thuốc cảm của cô.


Nhìn chung thì đó là một anh chàng dễ làm cho người đối diện có cảm tình; với một vẻ mặt hiền lành và đẹp một cách rất đàn ông. Anh ta ngậm ngùi kể về mình cho Duyên nghe:

- Tôi tên là Nhân, họ tên đầy đủ là Lê văn Nhân, cha má tôi chết sớm; lúc đó tôi chỉ mới tám tuổi, một ông bác độc thân đem tôi về nuôi, bác tôi là một nghệ sĩ đàn bầu trong gánh hát, tôi theo bác rày đây mai đó, học hành vì thế cũng chẳng tới đâu, nhưng bác lại mua thật nhiều sách bắt tôi đọc, mà tôi thì thích học đàn bầu nhiều hơn là đọc sách, bác tôi truyền lại cho tôi những gì bác biết, cây đàn trên vách là của bác để lại cho tôi khi bác ấy qua đời. Tôi chán lang thang rày đây mai đó nên xin làm phụ hồ rồi thời gian khá lâu sau thì được lên thợ chính, sống ở phòng trọ, ăn cơm hàng cháo chợ…mãi nên buồn lắm. Rồi tôi gặp và yêu một cô gái sau đó cưới cô ta làm vợ, sanh được một con trai. Thật không may là tôi bị tai nạn nghề nghiệp, cụt một chân…leo trèo cũng khó nên không làm thợ xây nữa mà đi học nghề hớt tóc, sau đó thì đi hớt dạo…có lẽ cũng đã hết duyên nợ với nhau nên một bữa nọ cô ta bỏ tôi mà đi vui duyên mới, đem theo thằng con… Từ đó tôi buồn chán quá nên lại tiếp tục lang thang rày đây mai đó để tìm quên. Năm nay tôi cũng đã ba mươi sáu tuổi rồi chớ ít sao…cái chòi này của một người mới quen cho tôi ở nhờ…đôi khi tôi cảm thấy chán nãn vì thấy cuộc đời tối thui. Ngày ngày ra ngoài chợ hớt tóc cho người ta, tối tối về đây ngủ, cây đàn là bạn thân nhất…để bày tỏ nỗi lòng mình.

Người kể chuyện không khóc mà Duyên lại khóc; lạ chưa kìa? Nhân nhìn Duyên đầy cảm kích:

- Cám ơn cô về nồi cháo với mấy viên thuốc càm, nhờ có những thứ ấy mà tôi đã bớt bịnh…cô tên gì?

- Dạ…tôi tên Duyên, Nguyễn thị Ngọc Duyên.

- Lạ chưa kìa…tên tôi và tên cô ghép lại…hay quá đi.

Duyên tròn mắt và cười thích thú:

- À há…Nhân…Duyên…

Nhưng rồi cô mắc cở đỏ mặt vi đã tự nhiên hơi quá đà…


Như một thói quen; một sự cần thiết, mỗi chiều Duyên đem cơm và thức ăn đến cho Nhân, cô mua một cây chổi quét “nhà” để quét sân trước sân sau, con chó trở nên thân thiện và vui mừng mỗi khi thấy bóng Duyên từ xa. Đêm đêm tiếng đàn bầu vẫn réo rắc, thánh thót ngân nga những bản tình ca mới. Nhân không còn đàn những bản nhạc buồn ngày trước nữa mà thay vào đó là những tình khúc rất dễ thương, tiếng đàn của anh trở nên vui tươi và yêu đời hơn bao giờ hết.

Trong bữa cơm tối nay bà Dần nói:

- Má thấy con lóng rày hơi kỳ kỳ đó nghen, đừng giấu má nữa, kể cho má nghe đã có chuyện gì vậy?

Như chỉ chờ có thế, Duyên kể hết cho má nghe mọi chuyện, không dấu một điều gì, kể cả chuyện anh ấy bị cụt mất một chân. Bà Dần nghe con gái kể chuyện mà lòng bà ngậm ngùi vừa thương vừa buồn. Làm mẹ ai không muốn con mình gặp được một người “ngon lành” nhưng…trái tim có ngôn ngữ riêng không giống bất cứ thứ ngôn ngữ nào, và vì nó chỉ là một sự cảm nhận mà không có lời giải thích đúng hay sai. Bà Dần thở dài nói với Duyên:

- Con mời nó tới nhà mình một lần…má muốn xem mặt nó cho biết. Không chừng…

Bà bỏ lửng câu nói vì bà đang nhớ đến chuyện “ngày xưa” của mình.


Nhân vừa mừng vừa e ngại khi nghe Duyên nhắn lại lời mời của má, cái chân cụt làm cho anh có mặc cảm rất lớn (tuy anh cũng đã có cái chân giả gắn vào tháo ra được). Nhưng mà trái tim anh hiện đang được sống lại từng ngày. Sáng nay anh lựa một bộ đồ khá nhất trong mấy bộ đồ “cà tàng” của mình, rồi Nhân ngồi giặt thật kỷ từng vết dơ bám trên bộ áo quần và đem phơi nắng, hy vọng với một ngày nắng đẹp như thế này thì bộ đồ anh vừa giặt sạch sẽ lại được “ướp” thêm mùi thơm của nắng. Anh vẫn đến vỉa hè nhà ông Láng; nơi đó ông cho Nhân để một cái ghế, cho gắn lên vách tường một tấm gương, anh được hành nghề hớt tóc tại đây. Cái chòi này ông dựng trên đất mình, ông cho Nhân ở nhờ cũng là để đất của ông có hơi người.

Ngày mai Nhân sẽ đến nhà gặp má của Duyên. Anh xếp bộ đồ ngay ngắn lại rồi để dưới chiếu, suốt một tối nằm lên đó; sáng mai nó sẽ thẳng với những nếp gấp. Duyên cười trêu anh:

- Sao anh điệu quá vậy?

- Thì mình phải chỉnh tề khi đi gặp người lớn, nhất là gặp má của “người thương”.

Đôi má của Duyên ửng hồng trông thật xinh.


Má và cậu Ba đang ngồi uống trà, trong nhà ngoại chỉ có cậu Ba là thương má nhất. Sáng hôm qua bà Dần đã đến nhà anh trai để kể chuyện của Duyên và mời anh mình qua “xem mắt người thương của con Duyên”, bà nhờ anh mình quyết định mọi chuyện cho Duyên thay bà.

Nhân hồi hộp theo Duyên đến nhà cô, anh không đem theo cây đàn bầu nên mất đi gần phân nữa sự tự tin. Duyên dừng xe đạp trước một mảnh sân, nơi đó có một cái cổng xinh xinh với một tiệm tạp hóa nho nhỏ, trong nhà má và cậu của Duyên đang ngồi chờ. Nhân run lắm khi anh bước những bước hơi khập khiểng theo Duyên…

- Thưa cậu Ba, thưa má…đây là anh Nhân…

Nhân cúi đầu ấp úng chào hai người, cậu Ba kéo ghế mời anh ngồi, bà Dần rót ly nước mời Nhân uống, một màn phỏng vấn bắt đầu…

- Nghe nói cháu tên Nhân, làm nghề hớt tóc?

- Dạ…

- Nghe nói cháu…?nghe nói…? nghe nói…?

- Dạ thưa…dạ phải…dạ vâng…

- Có thích nhậu nhẹt rượu bia không?

- Dạ…con sợ mấy thứ đó lắm, cũng vì nó mà con như thế này đây.

- Vậy chớ làm trai mà không có mấy thứ bia rượu bầu bạn…buồn thấy mồ…đâu phải là con trai?

- Dạ…con đã có cây đàn bầu làm bạn…cũng đủ vui rồi.

Cậu Ba của Duyên hỏi một câu quan trọng nhất:

- Vậy chớ bây giờ hai đứa tính sao?

Duyên cúi đầu vân vê chéo khăn trãi bàn:

- Dạ…tụi con thương nhau, còn cậu với má tính sao cũng được…

Cậu Ba cười lớn:

- Con này khôn quá trời, nhưng thôi; cái tên của hai đứa bây ghép lại với nhau thì đúng là duyên trời định rồi. Bây giờ cậu tình thế này: nếu hai đứa bây cưới nhau thì cháu Nhân phải về đây ở với má con của con Duyên chớ cậu không cho con Duyên bỏ má mà đi theo cháu được. Cháu nghỉ sao?

Nhân ứa nước mắt vì cảm động, anh cúi đầu có dấu những giọt nước mắt của mình và trả lời rất chân thật:

- Dạ…con tứ cố vô thân, không nhà không cửa thì làm sao dám đưa Duyên đi theo? Được Duyên thương và cậu với dì đồng ý là phước của con lớn lắm rồi.

Cậu Ba quyết định:

- Thôi thì thế này, để cậu nhờ coi ngày lành tháng tốt rồi tổ chức đám cưới cho hai cháu, làm mâm cơm trình với ông bà…họ hàng bên con Duyên, mời vài người hàng xóm láng giềng là được rồi, đâu còn ai nữa để mà rình rang.

Sau câu quyết định của cậu Ba thì có ba người cùng khóc những giọt nước mắt sung sướng vui mừng; Đó là bà Dần, cô Duyên và anh Nhân, còn cậu Ba thì cười ha hả đầy sảng khoái.


Đám cưới đơn sơ nhưng vui và ấm cúng, chỉ làm có ba mâm thôi, một mâm dành cho họ hàng của bà Dần, một mâm dành cho hàng xóm, va một mâm nữa để cho bạn của Duyên. Còn anh Nhân về nhà vợ chỉ với một cây đàn bầu và một con chó; đó là hai “người bạn tri âm tri kỷ” của anh.

Theo yêu cầu của má và cậu Ba, Nhân phải đàn một bài để mọi người nghe. Nhân hỏi “vợ”:

- Em thích anh đàn bài gì?

Duyên cười hạnh phúc:

- Bài gì anh thích thì em cũng thích, nhưng phải vui.

Nhân đem cây đàn ra, anh đặt nó lên bàn và đứng so dây sau đó thì anh đàn bài Anh cho em mùa Xuân… “tăng tăng tằng tặng tăng…tằng tăng tằng tắng tằng…”…

Mọi người lắng tai say sưa nghe tiếng đàn đang run lên từng cung bậc thánh thót ngân nga…Hôm nay anh Nhân đàn hay quá, hay hơn bao giờ hết, hay nhất trong cuộc đời cầm đàn gảy nốt và bấm cần của anh. Hạnh phúc như có đôi chân đang nhảy nhót theo từng nột nhạc quanh gian nhà tranh tre nhỏ…Khi anh vừa dứt tiếng đàn thì một tràng pháo tay nổi lên thay cho pháo cưới. Cậu Ba là người vổ tay lớn nhất, rộn ràng nhất, sau đó thì cậu xuýt xoa:

- Trời ơi, ai nào ngờ cháu đàn hay như vậy…kiểu này thì không thể để cho tiếng đàn bầu của cháu nó bị mai một đi, đây là cây đàn của dân tộc Việt Nam mình mà…Thôi từ từ cậu sẽ tính việc này cho…cậu có người quen làm ở phòng văn hóa văn nghệ trên huyện…chà…thằng Nhân có tương lai lắm đây.

Tương lai có gì thì chưa biết, chỉ biết rằng việc trước mắt là Nhân sẽ đem cái ghế hớt tóc và tấm gương soi đang để nhờ ở hè nhà ông Láng về đây, và phía bên góc trái tiệm tạp hóa của Duyên sẽ là nơi để Nhân “mở tiệm” hớt tóc. Riêng con chó đốm vàng từ nay sẽ được ăn cơm thừa của ba người no nê…và sau này nó còn được ăn…của em bé nữa; vì…


Sáu tháng sau ngày cưới Bà Dần kêu Nhân ra dặn dò:

- Con Duyên nó có thai rồi đó nghen, từ nay con không được đàn bầu nữa đó, con của tụi bây ở trỏng mà nghe cha nó gảy đàn bầu buồn quá thì ảnh hưởng đến trí nảo lắm đa, khi sanh ra nó buồn hoài thì không nên.

Nhân cười sung sướng:

- Má ơi, con sẽ chọn những bài thật vui để đàn cho cháu của má nghe, chớ nếu như mà không cho nó được nghe nhạc thì mai này tâm hồn nó khô cứng lắm má à.

Duyên cũng cười rạng rỡ và hạnh phúc:

- Mai anh lên huyện tìm mua nhạc Xuân về để mỗi khi rảnh rang thì đàn cho má, cho em và con mình nghe, ha anh.

Nhân âu yếm nhìn vợ, anh nghỉ phải đổi tên bản nhạc anh đàn hôm ngày cưới là “Em cho anh mùa xuân” thì mới đúng.

Con chó nghiêng đầu quay qua nhìn người này, quay lại nhìn người kia, thấy mọi người cười nên nó cũng lè cái lưỡi ra mà…cười theo, ánh mắt nó rất là hớn hở.

Từ ngày có Nhân về đây ở, căn nhà của bà Dần ấm cúng và sinh động hẳn lên, Nhân khéo tay lắm, anh đã chăm chút sữa sang lại mái nhà tranh vách tre làm cho nó trở nên xinh đẹp và thơ mộng, mọi thứ trong nhà nhờ có hai bàn tay khéo léo của anh mà được chắc chắn và kín đáo hơn trước rất nhiều. Bà Dần là người sung sướng nhất, trong khi cao hứng bà cất giọng hát ru và còn tự ý sữa hai chữ trong câu ca dao:

Đàn bầu ai gảy CHO nghe,
Làm thân con gái HẢY nghe đàn bầu.

Còn Nhân thì nhất quyết cố gắng làm lụng để sau này anh sẽ xây được một ngôi nhà tường lợp ngói đặng má, vợ và con của anh ở cho chắc chắn./.




VVM.03.11.2023-NVA