Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



MẮC SÁNG




C hị Hiền dùng hết sức mình kéo mẻ lưới cuối cùng trước khi ánh chiều tà trên con sông buồn tắt hẳn. Trời đã chạng vạng tối, trong cái nắng tắt và cả cái tiếng kẽo kẹt của khúc gỗ mắc lưới nghe đâu đó có tiếng khóc của đám trẻ đói càng làm chị mau guồng tay của mình hơn. Đàn bà chài lưới ở bến sông này đâu có thiếu, đàn bà một nách mấy con phải nuôi cũng thường. Cứ nghĩ như vậy rồi chị tự cho rằng mình không khác biệt, sẽ chẳng được trời thương trời đoái hoài gì nên thôi mơ về những việc có phép màu, cứ tự thân mình mà sống. Thằng Đức đưa tay thắp cái đèn con móc lên phía đuôi ghe ngúng nguẩy:

-

-Má, nãy bắt được con chình to lắm. Má để làm chua liền hay để lu mai ăn?

-Nhà còn mớ cá cơm. Con này để lu đi.

Chị nghe trong tiếng “ dạ” của thằng Đức có chiều tiếc rẻ. Đến khổ, “ mớ cá cơm” mà chị nói nhà cũng cứ hâm đi hâm lại ăn mấy ngày rồi nên có lẽ thằng Đức cũng ngán. Chị muốn nói với con thôi để thay món khác nhưng nhìn cái đồng lúa mất mùa, nhìn vài đồng tiền lẻ còn trong túi chị đành im lặng. Cái bứt rứt của một người mẹ nó thấu tim gan chị, nó đi vào trong ánh mắt của thằng Đức. Nó nhìn má nó ngồi ngẩn ngơ buông tay lưới mấy lần, chị tiếc rẻ:

- Quăng mẻ cuối rồi về, sắp nhỏ nó đợi.

Vừa nói xong câu đó chị nghe tiếng thằng Đức nhảy sông cái uỳnh, cứ như chờ má nó buông lời. Được một Lúc nó trồi lên cười hì hì chỉ vào cái lưới kéo lên của má nó, chị còn không hiểu gì thì nó í ới chỉ vào khúc góc lưới, một ánh sáng lấp lánh vảy bạc đang mắc vào lưới, nhìn kĩ thì hóa ra một anh trắm cỏ. Nhìn thấy con trắm đó miệng chị cười tươi còn thằng Đức cũng bơi lại gỡ con trắm cho vào thuyền. Chiều nay cả nhà đổi món. Chị vẫn hay gọi những con cá mắc vào lưới những đợt cuối ấy là ánh sáng mắc vào lưới. Vì dưới buổi chiều những ánh sáng trên những chiếc vẩy bạc của chúng lấp lánh cả một khoảng trời tối mịt. Hơn nữa cái thứ ánh sáng le lói ấy lại như chiếu thẳng vào lòng chị, như một tia hi vọng đâu đó vào kế sinh nhai. Kì lạ một điều thể nào mẻ lưới cuối cũng dính cá, dù không nhiều, có khi là vài anh rô tinh nghịch không chịu về nhà, có khi là anh trắm, anh chình, nhưng nó là cả niềm vui, niềm hi vọng của chị.

Thằng Đức cởi phăng cái áo rồi ra múc nước trong lu xối ào ào, cái lạnh cắt da làm nó hơi rúm người lại. Thằng Út chạy lon ton đón má và anh nó bĩu môi:

-Anh Đức hôm nào cũng nhúng người ướt làm hôm sau phải giặt thêm một cái áo.

-Ai mượn mày giặt? Có bao giờ tao để mày làm caí gì của tao đâu.

Chị Hiền mệt mỏi đặt người xuống cái chõng tre, ba bốn đứa con chạy lại ôm lấy chị như khát thèm sữa mẹ.

Đức là con lớn của chị, nó hay theo chị ra chợ, đi dặm lúa, đi tát nước mương hay chài cá, úp cá. Nhìn nó nhỏ người vậy thôi nhưng năm nay cũng lớp tám rồi. Sau nó còn những ba đứa em mà đứa nhỏ nhất mới lên sáu. Chồng chị nghe theo người ta bỏ làng lên phố đổi đời rồi bặt vô âm tín ba bốn năm nay, mình chị ngày ngày nhận mối cá ra chợ bán, nhiều khi vườn rau trổ trái, lá xanh cây, hay chiều về sớm, chị lại cùng thằng Đức ra đồng úp cá bán thêm cho buổi chợ sớm. Thằng Đức vò vội cái áo rồi mang ra cây phơi, nằm trên chiếc chõng tre chị ngoái nhìn ra thấy nó đứng bần thần nhìn ánh trời rơi xuống vàng vọt trên vai rồi chìm trong bóng đêm hiu quạnh. Nó đứng đơ người nhìn ra cái cồng tre kéo vội một lúc lâu, chị biết cho tới tận bây giờ nó vẫn luôn mong sẽ có bóng dáng một người đàn ông đẩy cửa bước vào ôm chầm lấy nó.

Chị ho vài tiếng làm thằng Đức giật bắn người, nó chạy như bay vào nhà, thắp trong nhà một cái ánh đèn dầu leo lét, nó ấn ấn chị nằm xuống chõng:

-Má nằm đó, con làm con trắm này rồi bưng lên cho má ăn.

Chị uể oải:

-Lát chạy qua nhà bác Bốn mua ít dầu, dầu gần hết nên đèn cứ chực tắt, nó mà tắt là sắp nhỏ lại không học bài được.

Thằng Ba chen vào:

-Bữa giờ mình nợ bác Bốn tiền dầu, ổng hông chịu bán nợ cho mình nữa má ơi.

-Không sao đâu má- thằng Đức ngoắt đầu- hồi sáng con bắt lũ dế bán cho tụi thằng Bếu nuôi chim, tụi nó trả con chục ngàn, để con qua trả ổng rồi mua.

Dạo gần đây chị hay đau đầu, chợ bắt đầu cạnh tranh hàng cá, người người kiếm kế sinh nhai. Chiều trễ chị lại cùng thằng Đức ra đồng, thằng Đức lại ngụp lặn bơi, chị kéo mấy mẻ lưới liền cũng không có cá, đành buông bỏ, lại tặc lưỡi “ mẻ cuối rồi về”, thằng Đức ngồi thở dốc trên ghe co ro, cuối góc lưới, mấy anh rô hiện lên vẫy đuôi đành đạch, chị lại cười, bao giờ mẻ cuối cũng nên chuyện.


Thằng Đức mếu máo vừa khóc vừa chạy về, áo quần nó xộc xệch còn mặt hơi tướm máu. Vừa thấy nó chị hoảng hồn chưa kịp hỏi thì nó đã bấu tay chị:

-Má, má không có phải không? Tụi lớp con nói xạo phải không má?

-Nói xạo? Nhưng nói xạo chuyện gì?

-Tụi lớp con nói má bán cá ươn cho tụi nó, má trộn những con đó với đám cá tươi, còn mấy con ươn nặng thì má cho muối bán

Chị hơi bần thần không nói nên lời, thằng Đức hiểu chuyện nó khóc bù lu bù loa cả lên bỏ ăn mấy ngày liền sinh ốm. Kể từ ngày đồng bắt đầu ít cá mà thương lái lại cứ tăng giá thành chị mới nghĩ ra cách muối cá ươn bán, vừa bớt mùi vừa đỡ phí những con cá qua ngày. Bán lâu thì những người sành ăn cũng dần nhận ra, mặc cho bao điều tiếng chị vẫn cứ tiếp tục, bán rẻ hơn một xíu miễn là kiếm được tiền, chị vẫn cứ bỏ ngoài tai mọi thứ miễn có tiền lo được cho sắp nhỏ. Chị đã nghĩ dù thiên hạ có cười vào mặt chị cũng đành, thế nhưng dường như nụ cười mai mỉa của mọi người không thể nào bằng nổi giọt nước mắt của đứa con trai lớn khi nó gào lên trước mặt chị:” Con không tin, con không tin má làm vậy. Má dặn con không bao giờ được làm việc xấu cơ mà”. Chị nấu bát cháo hành nhưng thằng Đức không ăn, nó lên cơn sốt cứ nằm mê sảng, chị dắt thằng Ba ra đồng để chài cá, hi vọng kiếm được con cá về nấu mẳn cho thằng Đức. Nhưng chài miết cũng không thấy cá, chị bật khóc, ngay cả mẻ lưới cuối cùng cũng không có. Thằng Ba nhìn mẹ khóc rồi nói:

-Về thôi má, hôm nay không có anh hai, mẻ lưới cuối cùng của má không có cá đâu.

-Sao con nói vậy?

-Anh hai dặn con không được nói với má. Hôm nào cũng vậy ảnh cũng dậy sớm úp cá hết đó. Xong ảnh giấu nó, đợi tới khi má thả lưới cuối ảnh lại giắt cá vào lưới cho má kéo.

Chị bật khóc như mưa trước tâm tình của đứa con nhỏ. Thì ra bấy lâu nay nó vẫn luôn biết chị luôn hi vọng vào những mẻ lưới cuối như niềm tin vào cuộc đời này nên dù trời lạnh thấu xương thì chỉ cần để ý chị nói kéo lưới cuối là nó lại nhảy ùm xuống nước để giắt cá vào. Những ánh sáng trên những chiếc vảy bạc cứ như tấm lòng mà nó giành cho má nó, giữ cho má nó chút niềm tin vào cuộc sống này. Chị chèo thuyền về nhà ôm thằng nhỏ còn đang sốt, nó thều thào:

-Má, má về rồi hả?... Con không giận má nữa đâu.. Nhưng má đừng làm vậy nữa… Kì lắm. Con khỏi bệnh rồi mình làm lại từ đầu, làm ăn đàng hoàng má nhá.

Chị gật đầu liên tục. Mấy đứa nhỏ nhìn má, nhìn anh hai nó khóc cũng khóc tu tu theo dù không biết rõ chuyện gì.

Hôm nay, theo chị đi chài còn có thằng Ba, mấy đứa nhỏ ở nhà thì thay phiên nhau làm việc nhà chờ má và mấy anh về, đứa nào cũng ý thức được mình cần phải “ lớn”. Đồng về nước, cá tràn về, chị cùng hàng xóm làm cái ao nhỏ dắt nước về nuôi cá. Mấy ngày trước chị nhận được thư của anh, anh sắp về, không cần biết thành công kiếm được tiền hay không, chỉ cần anh về là chị đã thấy cuộc đời mình sẽ đổi khác. Đang miên man suy nghĩ chị nghe thằng Đức hét lên:

- Má, má, có con cá mắc vào lưới mẻ cuối. Hệt như ánh sáng mắc vào./.




VVM.20.10.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .