Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


QUÊ NHÀ



T huở nhỏ tôi là một đứa bé mê đọc sách. Những cuốn sách đầu tiên tôi đọc vào độ tuổi tám, chín là những cuốn sách có sẵn trong tủ sách gia đình. Nhà tôi cũng không nhiều sách lắm nên có gì tôi đọc nấy. Từ sách phiêu lưu, sách trinh thám của người lớn đến tiểu thuyết Tự Lực văn Đoàn…và sau nầy là một số sách báo dành cho trẻ em mà ba tôi hay mua vào dịp cuối tuần. Nghĩa là ở lứa tuổi đáng lẽ thích chơi lò cò hay nhảy dây với chúng bạn thì tôi lại mê sách hơn. Trong mớ kiến thức hỗn độn ấy, cái còn đọng lại trong tôi là những cuốn sách viết về quê ngoại của một số tác giả. Thường thường nói về quê ngoại người ta hay nghĩ đến một miền đất xa xôi nào đó mà những nhân vật trong truyện hay về thăm vào dịp nghĩ hè. Nhưng quê ngoại của tôi thì rất gần, mẹ tôi là con gái làng Phú Mỹ Thượng lấy ba tôi là con trai làng Phú Mỹ Trung. Ranh giới phân chia hai làng là một con đường đất. Nhà tôi chỉ ở cách con đường đất một thửa ruộng công điền. Còn nhà ngoại tôi cách con đường đất khoảng hơn năm trăm mét. Như vậy những khi về nhà ngoại ăn giỗ tôi chỉ theo mẹ băng qua thửa ruộng công điền, đi bộ chừng mười phút là đến. Vì quê ngoại quá gần nên từ nhỏ tôi không có cái thú được theo mẹ đi tàu về quê và ở lại nhiều ngày để rong chơi vào dịp hè như bạn bè tôi, hay như những nhân vật trong sách báo mà tôi đã đọc. Theo tôi, đó cũng là một thiệt thòi. Thêm một thiệt thòi nữa là tôi không còn ông ngoại và bà ngoại. Bà ngoại tôi qua đời khi mẹ tôi mới mười ba tuổi, Dì Ba – chị của mẹ tôi – khoảng mười sáu tuổi. Sau mẹ còn cậu Năm và dì Sáu. Ông ngoại cũng mất sớm khi tôi mới lên ba nên tôi chẳng biết mặt cả ông lẫn bà. Chỉ còn những mẫu chuyện tôi nghe mẹ và các chị tôi kể lại về ông ngoại. Mẹ tôi kể ông ngoại là thầy đồ dạy chữ nho. Học trò của ông tôi là thế hệ nhà nho sau cùng – những người sinh vào thập niên đầu của thế kỷ hai mươi. Trong thế hệ nầy có người vừa học chữ nho vừa học tiếng Pháp, vừa học chữ Quốc ngữ như ba tôi. Vì nhà ông ngoại cũng là nơi dạy học nên có nhiều học trò hằng ngày đến học và biết mặt mẹ tôi. Mẹ tôi là người con gái đẹp nổi tiếng trong làng nên có nhiều môn sinh của ông ngoại yêu thầm nhớ trộm. Tôi nghe dì Sáu kể chồng của dì – dượng Sáu – trước khi lấy dì cũng từng tơ tưởng đến mẹ tôi. Dì kể dượng Sáu làm quen với dì mà chỉ toàn hỏi về mẹ. Sau khi mẹ đi lấy chồng, dượng mới tiến tới với dì. Dì cũng kể ba tôi lấy mẹ tôi cũng không phải chuyện dễ dàng. Ba đi hỏi khi mẹ mới mười sáu tuổi nhưng vì mẹ không ưng – chẳng qua vì ông ngoại ép - nên kéo dài tới ba năm mới cưới. Trong thời gian đó nhà trai hay nhờ ông mai đi lễ nhiều lần hàng năm, mẹ tôi đều mang lễ đến nhà ông mai trả lại, cương quyết không nhận. Mẹ cũng kể với mấy chị em tôi rằng ngày xưa không phải như bây giờ. Con gái không bao giờ dám bước chân ra khỏi làng, giá như bây giờ thì mẹ đã bỏ nhà ra đi để khỏi lấy người mình không yêu. Chị tôi hỏi mẹ chê ba vì điểm gì, mẹ nói không chê nhưng không yêu được, thế thôi. Tôi nghĩ chắc còn một lý do gì mà mẹ không tiện nói ra.

Cuối cùng không thể trì hoãn đám cưới được mãi mẹ đành về làm dâu bà nội tôi – người nổi tiếng khó tính – năm đó mẹ mười chín tuổi. Dì Sáu cũng hay cười trêu chọc mẹ tôi, vì sau đó mẹ tôi cứ cho ra đời sòn sòn ba năm hai đứa thành một bầy con đông đúc đến chín đứa đầy đủ nam nữ, trong khi ba tôi là con trai một. Ngoài ba tôi ra, bà nội tôi chỉ còn một người con gái lớn nữa là cô tôi. Bà nội tôi là người khó tính và khó gần. Có lẽ cuộc đời bà cực quá nên bà thành ra người như thế. Nghe nói bà về làm vợ ông nội tôi khi mới mười sáu tuổi. Vì bà nội không có nhan sắc nên ông nội chê không đoái hoài gì đến. Bà nội chỉ được cái giỏi làm lụng nên được lòng bà cố, còn ông nội thì suốt ngày lấy cớ đi buôn nên ít khi về nhà và công khai bồ bịch trước mặt bà nội tôi. Có đến hơn mười năm đầu lấy chồng, bà nội vẫn một mình một bóng như thế. Bà kể có khi đi buôn, bà bắt gặp chồng mình ăn cùng mâm với người tình, còn bà ăn cùng mâm với bạn hàng trong cùng một quán ăn. Bà vẫn cắn răng chịu đựng không hề có thái độ gì trong khi chị em bạn hàng ai cũng tỏ thái độ bất bình. Bà cố cũng không hề la mắng gì ông nội, mà chỉ an ủi bà nội rằng bà chỉ biết bà nội là dâu, ngoài ra ông nội đi với ai bà cũng mặc kệ. Hơn mười năm sau, lòng kiên nhẫn của bà nội cũng được đền đáp. Ông nội lăng nhăng mãi có lẽ cũng chán nên quay về với người vợ xấu xí, bà nội sinh được hai người con, ông nội cũng chỉ sống được một thời gian ngắn sau đó rồi qua đời. Khi được chồng nghĩ lại cũng chẳng được bao lâu thì chồng mất, bà nội lại một mình một bóng nuôi con. Có lẽ vì những cay cực của cuộc đời nhiều bất hạnh đã làm bà tôi khó tính.

Mẹ tôi về làm dâu bà nội tôi có lẽ cũng không xuôi chèo mát mái gì. Lúc còn nhỏ tôi vẫn nghe hai người tiếng chì, tiếng bấc qua lại. Còn ba tôi thì không bênh ai, bỏ ai. Ông đứng giữa, không làm trọng tài cũng chẳng có thái độ gì. Hai người đàn bà nói chán thì thôi. Có khi bà nội tôi lẫy, qua nhà hàng xóm mượn gạo nấu cơm ăn riêng, đâu được vài bữa lại ăn chung như cũ. Cảnh đó tái diễn nhiều lần đâm ra nhàm chán, nên tôi cũng chẳng để ý nữa. Vì bà nội tôi khó tính và khó gần - có lẽ chỉ có anh Hai tôi là được bà thương nhất, vì là cháu đích tôn, mặc dù nhà tôi có đến bốn người con trai,còn bọn tôi là một lũ vịt giời nên bà không thích – nên tôi hay nghĩ về ông ngoại tôi, người mà tôi nghe mẹ và các chị nói là rất hiền. Mẹ tôi nói ông tôi hiền đến độ trong khu vườn rộng mênh mông của nhà ngoại, ngoài những cây ăn trái như mít, ổi, xoài, bồ quân…những cây dại khác mọc lên ông ngoại cũng không đốn. Ai đốn ông cũng không cho, ông bảo nó cũng có quyền sống, đốn làm chi mang tội chết. Cứ thế khu vuờn sau nhà cứ như rừng. Thuở nhỏ tôi vẫn thích khu vườn nhà ngoại có lẽ cũng vì nó có một chút hoang dã khiến tôi tưởng mình đang ở trong rừng. Dĩ nhiên hồi đó thì ông ngoại đã mất lâu rồi, chỉ còn cậu Năm sống cùng bà vợ điên khùng và năm đứa con, ba trai, hai gái. Mặc dù con nhà giáo nhưng cậu Năm cũng chẳng đỗ đạt gì. Là con trai duy nhất, cậu thừa hưởng ruộng đất của ông bà để lại rồi sống lông bông có vẻ nghệ sỹ. Nghe mẹ tôi nói lúc còn trẻ cậu có lập đoàn kịch gì đó rồi làm ăn thất bại, đoàn kịch rã đám. Tính cậu ương bướng chẳng nghe lời ai, muốn là làm. Chuyện cậu lấy mợ Năm cũng vì cái tính gàn bướng đó. Mợ Năm là con một gia đình có dòng máu điên, dù đã được người thân can gián nhưng cậu cứ lấy. Đến khi sinh đứa con thứ hai thì mợ phát điên. Nhưng kiểu điên của mợ cũng có phần khác người, có thời kỳ điên, nhưng cũng có thời kỳ tỉnh. Nhưng dù điên hay tỉnh thì những đứa con vẫn cứ ra đời. Cho đến khi cậu qua đời thì mợ cũng đã sinh được năm đứa và tuổi đời cũng chỉ ngoài ba mươi. Những khi theo mẹ về nhà ngoại ăn giỗ, tôi hay lên tủ thờ ông bà ngoại lục lọi những di cảo của ông ngoại để lại, thường là những tập thơ bằng chữ Hán do chính tay ông ngoại viết. Dĩ nhiên làtôi không biết ông ngoại viết gì. Về sau lớn lên tôi học khoa Văn vì trong chương trình nầy có bốn năm học chữ Hán, với khao khát được dịch lại những tập thơ của ông ngoại để lại. Nhìn chữ viết của ông, tôi mường tượng bóng hình ông, vì ông chết mà không có di ảnh để lại. Mẹ tôi chỉ người chú ruột của mình mỗi khi cúng giỗ hay chống gậy đến nhà – một người đàn ông cao dong dỏng, tóc bạc phơ, búi tóc củ hành, dáng dấp tiên phong đạo cốt ra dáng một nhà nho - rằng ông ngoại tôi giống hệt người ông đó. Có lẽ năng khiếu văn chương của tôi được thừa hưởng từ gien của ông ngoại, và từ những bài thơ của bà Huyện Thanh Quan, của Nguyễn Khuyến mà tôi thường nghe mẹ đọc từ khi còn thơ ấu đã làm tôi xúc động. Mẹ tôi có giọng hát ru con buồn buồn, như chất chứa nhiều nỗi niềm của cuộc đời một người đàn bà có tâm hồn đa đoan. Bị ép lấy ba tôi nhưng sau nầy khi đã con bồng con bế mẹ lại bị ba phụ rẫy. Thời đó ba tôi là một công chức có mức lương kha khá nên cũng có nhiều bồ bịch. Mẹ tôi cũng từng phải đến tận nhà những người tình của ba để khuyên nhủ họ. Và không biết bà đã nói gì mà hầu như chỉ một lần như vậy là giải quyết xong mọi việc. Mẹ tôi cũng được tiếng là người nhân đức, thương người nghèo khó cơ nhỡ. Khi phải thuê mướn người chăm sóc vườn tược, bà thường trả tiền công rất hậu. Có lần đi học về, thay vì đi cổng trước, hôm đó tôi lại đi đường tắt về bằng cổng sau và bắt gặp bác làm vườn đi về bắng ngõ sau, vác một bó gỗ ăn cắp của nhà tôi. Bác nầy thấy tôi thì mặt biến sắc. Khi tôi mét mẹ thì mẹ chỉ nói: “ Thôi, bỏ qua cho họ đi con. Họ nghèo quá nên phải làm vậy thôi “. Sau khi cậu Năm mất vì bệnh thương hàn, gia đình bên ngoại sa sút, mẹ cũng phải gánh vác một phần để mợ Năm nuôi con. Nhưng mẹ nào gánh vác được mãi khi nhà mợ mỗi ngày mỗi sa sút. Mấy đứa con mợ lớn lên có đến hai đứa bị di truyền bệnh điên từ mợ. Đó là Tân và Lê. Nhìn cảnh nhà bên ngoại cứ trên đà xuống dốc mẹ tôi hay than thở: “ Sao đời ông bà ăn ở hiền lành nhân đức đến nổi một cái cây dại mọc cũng không nỡ đốn bỏ, bây giờ con cái lại nghèo mạt như vậy! “. Có lần mẹ cũng trầm ngâm nhớ lại một lần có người bà con ở xa đến ở lại và đã hư thai trong nhà ngoại. Theo mẹ, đó là lý do con cái nhà ngoại ngóc đầu không nổi. Phòng mẹ cách phòng tôi chỉ một cánh cửa, đêm đêm mẹ vẫn thường nói chuyện với tôi về sự sa sút của gia đình nhà ngoại như một nỗi day dứt khôn nguôi. Năm 1973, Danh – con trai đầu của cậu tôi đi lính bị tử trận, mấy ngày sau người ta chở về giao cho mợ tôi một cái quan tài bằng kẽm. Mợ tôi phải thuê người đục hòm kẽm ra để lấy xác Danh cho vào quan tài gỗ chôn. Mất người con đầu, nhà còn lại hai trai, hai gái. Những năm sau nầy mấy đứa con nhà mợ tôi cứ cắt đất trong nhà bán ăn dần. Mảnh vườn rộng mà lúc nhỏ tôi vẫn xem như một khu rừng nhỏ với cây cối hoang dã dần dần bị thu hẹp. Con cái sa sút dần đến bữa giỗ của ông bà cũng không có được dĩa trái cây để cúng. Những năm cuối đời mẹ tôi sống trong nỗi buồn của một người đàn bà lấy chồng đã bao nhiêu năm vẫn đau đáu trước sự sa sút của gia đình.

Sau nầy lớn lên, tốt nghiệp đại học ra trường, dạy học ở một thành phố lớn cách quê nhà khoảng hơn trăm cây số, rồi lấy chồng tại đây, thỉnh thoảng vào dịp hè tôi vẫn về quê thăm gia đình. Buồn nhất là những năm bao cấp, cuộc sống của giáo viên thời đó đã vô cùng khổ, lại phải chứng kiến sự túng quẫn của gia đình mà mình thì không thể nào giúp đỡ được, lòng tôi quay quắt trong sự cam chịu và bất lực. Mãi đến cuối thập niên chín mươi, người anh đầu sau khi cải tạo về được vợ bảo lãnh sang Canada trước khi có tiêu chuẩn HO. Mấy năm sau – đầu thập niên chín mươi – người chị kế đi HO cùng với gia đình, cuộc sống của mẹ tôi mới tạm ổn. Nhưng lúc đó thì ba tôi đã qua đời đã bảy năm. Mẹ tôi sống mười năm cuối đời tương đối yên ổn về sức khỏe và kinh tế. Đến năm tám bảy tuổi mẹ phát bệnh hiểm nghèo và qua đời sáu tháng sau. Đêm cuối cùng trước ngày mẹ mất, khoảng bốn giờ sáng, tôi mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ, nửa như mơ,nửa như thực. Tôi thấy mẹ hiện về với gương mặt sưng húp (mẹ tôi bị ung thư niêm mạc miệng do quá trình ăn trầu mấy mươi năm ), thức dậy tôi bàng hoàng với linh cảm rằng mẹ sắp mất. Đầu buổi chiều hôm đó cháu gọi tôi bằng cô báo tin bà nội sắp mất. Cũng may là tôi về kịp lúc năm giờ chiều, và mẹ mất vào lúc bảy giờ tối. Mẹ tôi ra đi thanh thản - bên mẹ chỉ duy nhất có một mình tôi – kết thúc một cuộc đời tám mươi bảy năm với bao nhiêu cay đắng, ngọt bùi.




VVM.19.10.2023-NVA.