Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ÁO HOA



N gày luân chuyển theo nhịp điệu của của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel, thời gian như muốn tạo một dấu ấn cho xứ sở quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Cái lạnh ùa về trong từng ngóc ngách con phố, thích thú, lãng mạn, và cũng thật co ro cho những ai ngoài kia lang thang… Tôi đảo mắt tìm Áo hoa. Đã mấy ngày không nhìn thấy dáng gầy ôm khư khư trước ngực bọc đồ như sợ ai đó cướp mất, đứng bên đường chờ trong những sáng tôi đưa con đi học với nụ cười dại đi một nữa.

Lần đầu nhìn thấy cô ấy khi vừa ra khỏi ngõ vội vàng, tôi chợt khựng lại với hình ảnh trước mắt. Cô gái trong bộ đồ lem luốc, mái tóc lâu ngày chưa chải rối tung tự do đùa cùng gió, đôi mắt biết lỗi và nụ cười cầu tài mặc định van xin trong vô thức, khiến tôi bối rối trong phút chốc. Phóng xe đưa con đi học cho kịp giờ, nhìn con bước vào cổng trường, vội vàng quay xe lại, cô gái đó đã biến mất như chưa từng xuất hiện, đảo mắt tìm quanh không một dấu vết, trong tôi mơ hồ một nỗi buồn, xót xa. Sự bất hạnh không chừa một ai, và ai đó đã lạc mất cái tôi để rồi không biết đi đâu về đâu và nơi nào là bình minh của cuộc đời mình.

Lòng trắc ẩn rồi cũng nguôi ngoai. Vừa lúc tôi kịp quên, cô ấy đứng đó, vai gầy, tóc rối, ôm khư khư bọc đồ trước ngực trong một góc khuất trước hiên nhà người lạ, tìm chỗ qua đêm. Tôi lại gần, nhìn cô ấy với nụ cười làm quen. Nụ cười và ánh mắt chớp chớp thấp xuống như biết lỗi, sợ bị đuổi đi, sợ ai đó không chấp nhận mình, cô ấy trông thật tội nghiệp.

Phía trước hiên nhà khá rộng và khuất gió, có thể ngủ tạm qua đêm. Tôi chỉ vào góc khuất hỏi nhỏ: “Cô tính ngủ đây ha?” gật đầu và cười thật tươi. Cô ấy trải tấm ny lon, vuốt mấy lần cho thật thẳng rồi ngồi xuống, vẫn ôm khư khư gói đồ trước ngực. Tôi ngồi xuống và hỏi chuyện: “Ở đâu đến đây?” “Xa lắm!” Sau câu trả lời, lại cười. Hai bàn tay xoắn lấy nhau luôn cử động, vẻ bối rối. Tôi chỉ vào túi đồ và hỏi tiếp: “Cái gì đây?” Những câu hỏi trống không, bắt chuyện làm quen chưa tạo được sự tin tưởng, cô ấy hoảng hốt lùi lại, và giữ chặt túi đồ giữa dáng người gấp lại lom khom, ngập ngừng trả lời: “Áo… hoa…” Đưa tay vuốt nhẹ phiến lưng gầy trong chiếc áo cáu bẩn tôi khẽ nói: “Uh. Áo hoa. Không ai lấy của cô đâu. Đừng lo.” Đứng lên, cho tay vào túi áo rút tờ tiền đưa trước mặt cô gái tôi lên tiếng: “Mua đồ ăn.” Đôi mắt thất thần sáng hẳn lên, đưa tay rút vội tờ tiền trên tay tôi, thay vì cám ơn, lại cười, nụ cười vô hồn còn lại sẳn sàng tặng bất cứ ai trước mặt.

Gió từ ba phía gặp nhau ở ngả ba đường xoắn lấy thổi thốc mát lạnh, con đường đêm vơi bớt tiếng ồn và sự nhộn nhịp, thật dễ chịu. Tôi tản bộ dưới hàng cây lao xao theo gió, mang theo hình ảnh cô gái điên với hai từ áo hoa như một dấu ấn về người phụ nữ chợt nhớ, chợt quên đời mình. Có hôm tôi đi bộ sớm hơn để kịp nhìn ngắm hoàng hôn, mặt trời mỗi ngày mang một sắc thái khác nhau, những tia sáng thần bí từ một nơi xa xôi níu lấy ngày thương tiếc, vẫn thật đẹp và gần gũi, tôi muốn giữ lại hình ảnh đó, tia nắng cuối ngày vội vã…

Không biết từ lúc nào Áo Hoa đã trở nên quen thuộc với khu phố. Đó là cái tên tôi đặt cho. Chủ nhà cũng không nở đuổi đi khỏi góc khuất một con người không bình thường cơ nhở. Tôi thường bắt gặp cô ấy dậy từ rất sớm, gấp dọn chỗ ngủ của mình thật gọn gàng, sạch sẽ, gia tài nằm gọn trong túi đồ ôm trước ngực, ở đó như có một quảng đời mà trí nhớ giữ lại cho người đàn bà mơ trong cõi thực. Cô ấy đứng bên đường nhìn bình minh một cách chăm chú giữa dòng chảy của ngày, với nụ cười còn lại mặc định sự tồn tại với chiếc bóng bên đời, hòa vào dòng người mất biệt cho đến chiều tối mới trở về.

Sài Gòn đã qua mùa mưa, sáng tối trời se lạnh với tiết lập Đông. Thời gian trôi qua chóng vánh không dừng, lại sắp tết…! Trong đầu tôi nhói lên ý nghĩ: Tết với những kẽ không nhà. Áo Hoa đi về đâu?

Chiều sau giờ tan tầm, trên đường đón con, ghé vô cửa hàng mua vội bó rau, đồ ăn trong tủ lạnh vẫn còn. Một bữa cơm nóng vừa đủ với người thân trong tỉnh táo yêu thương, đó là may mắn hạnh phúc.

Từ xa nhìn thấy Áo Hoa đang chuẩn bị góc ngủ của mình một cách chăm chút, tôi khẽ cười chợt nghĩ: trong tâm trí cô ấy đó là nhà… Lại gần, tôi ngồi xuống bên cạnh, gọi: “Áo Hoa!” Quay lại cười, đã quen với cái tên được đặt cho một cách thích thú. Đưa mấy cũ khoai mới luộc còn ấm đặt trên bàn tay rụt rè: “Cho em!” Vẽ sợ sệt, đề phòng ban đầu không còn, cô ấy thoải mái hơn. Một hai câu nói không ăn nhập vào nhau trong mớ ký ức lộn xộn được thốt ra với sự tin tưởng. Tôi ngồi đó chờ đợi, lắng nghe… Tôi chờ đợi, lắng nghe gì từ người phụ nữ không còn tỉnh táo? Mọi chuyện xuất phát từ sự thương cảm, tôi muốn được chia sẻ, muốn mở một cánh cửa trong nội tâm ngột ngạt đến điên loạn. Đôi mắt đó có khi ngập trong bóng đêm, có khi xa xôi đến không tồn tại. Đêm nay cô ấy ngồi lặng yên, cảm giác bối rối không còn. Trong phút chốc, đặt túi đồ ôm trước ngực xuống, mở ra… Tôi nín thở, sợ chỉ một va chạm nhỏ trong làn ranh giữa điên và tỉnh sẽ vỡ, con người lại rơi vào trạng thái không lường được.

Từ bên trong túi, cô ấy cầm lên một chiếc áo hoa, đó là áo khoác của bé gái chừng ba tuổi, với hoa văn tươi màu sáng đẹp. Đôi tay gầy vuốt những nếp gấp phẳng phiu như âu yếu, dỗ dành đứa trẻ. Giọng nói thấp hẳn xuống lần tìm trong ký ức một lối mòn tối tăm, trở nên tỉnh táo lạ thường. Cô ấy bắt đầu với giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt lặng lẽ.

“Cô là chị cả trong một gia đình có hai chị em. Cha làm thủy thủ trên một tàu đánh cá xa bờ, mỗi chuyến đi về thường vô chừng…Mẹ mua bán cá trên bờ từ những tàu cập bến. Cuộc sống gia đình có ăn, mặc và chị em cô được đi học. Tai họa giáng xuống đã cướp đi người cha thân yêu sau một lần ra biển gặp bão lớn. Mẹ suy sụp hoàn toàn, bệnh liệt gường. Sau một thời gian, mẹ khỏe lại nhưng không còn được như trước đây. không thể một mình mua bán, và thế cô đành nghỉ học cùng mẹ lo cho gia đình.

Biển sớm mai trong veo, phía chân mây hửng sáng, gió thong dong lướt sóng vỗ bờ, cô hít căng lồng ngực luồng sinh khí đất trời, có vị mặn đọng lại trên bờ môi lưu luyến. Cô yêu biển! Cô nhớ bao lần đón cha sau mỗi hành trình xa khơi, quà cha mang về từ biển là những con Ốc, con Sò lấp lánh.

Dậy từ rất sớm, đón tàu cá cập bến. Chỉ một thời gian ngắn cô đã học được cách mua, bán của mẹ. Việc kiếm tiền trông cậy vào cô. Thương lái mua với số lượng lớn, cô chỉ mua phần còn lại để bán lẻ cho người trong vùng. Thời gian cứ thế trôi qua. Bình minh và hoàng hôn thay màu trên biển mênh mông, cô đã trưởng thành và xinh đẹp. Sự thông minh, lanh lẹ của cô đã lọt vào tầm mắt của bà Tư chủ vựa cá trên thị trấn. Giọng nói của bà khàn đục nhưng rõ to, tướng người thấp đậm, vững chải. Đôi mắt ti hí thường xuyên đảo quanh, thỉnh thoảng lóe lên giận dữ như một tia chớp mỗi khi ai đó làm bà phật ý, từ xa có thể nghe bà quát tháo người làm của mình. Bà thu mua cá và vận chuyển bằng xe đông lạnh, đi các tỉnh.

Đến một ngày. Bà Tư đến gặp mẹ cô và đặt thẳng vấn đề: Cưới cô về làm vợ cho con trai của bà. Nghe đâu cậu con trai độc nhất đó đã gần ba mươi nhưng chỉ biết lêu lỏng, ham chơi. Bà muốn con trai tiếp quản công việc làm ăn, phải có gia đình. Điều kiện của bà: Cô nghĩ bán, hàng tháng bà cho cô số tiền đủ để cô lo cho mẹ và em đi học. bà sẽ sửa lại căn nhà cũ kỹ từ ngày cha mất đã xuống cấp.

Đêm đó cô lang thang trên bờ cát với những con sóng vỗ về đôi chân trần không phương hướng, cô tìm cha giữa bao la trời biển, muôn tinh tú lấp lánh đang dõi theo bước cô. Tuổi đôi mươi với nhiều mơ ước không thuộc về mình… “Con phải làm sao mới đúng đây cha?” Cô khóc trong mơ hồ sợ hải…Gió vẫn vô tình lướt qua khiến cô rùng mình, sóng khe khẽ với khúc hát hợp tan dưới màn đêm thăm thẳm. Cô quay đầu chạy về nhà với những bước khó khăn lún sâu trong cát.

Mẹ ngồi đợi cửa. Từ xa cô nhìn thấy bóng gầy mẹ mòn mõi, lòng cô nhói đau. Căn nhà của cô chỉ một mùa bão nữa thôi là không trụ nỗi. Bước vào khép nhẹ cánh cửa với tiếng kêu của cái bản lề rỉ sét, khô dầu. “Con về rồi!” Mẹ lên tiếng. “Dạ mẹ, mẹ chưa ngủ?” “Mẹ không ngủ được.” “Mẹ không nở để con về nhà đó. Mẹ sẽ từ chối người ta. Con đừng lo! Để mẹ thu xếp, nghe con.” Đôi tay mẹ run run giữ chặt tay cô như sợ ai đó ngoài bóng đêm kia sẽ cướp mất con gái mẹ. Cô ôm lấy mẹ và cảm nhận một thực tế rõ ràng, mẹ như cánh hạc gầy thiếu sức sống, cô thầm nói với mẹ: “Mẹ không còn lo được nữa rồi, hãy để con thay mẹ làm việc này mẹ nhé!”

Đám cưới diễn ra linh đình, cô rời xóm chài về phố thị xa lạ. Cuộc hôn nhân không tình yêu khiến cô lo sợ. Người chồng thích đàn đúm, ăn chơi không hề thay đổi. chứng nào tật nấy làm mẹ chồng cô thất vọng. Có lúc bà hét lên trước mặt cô: “Làm vợ mà không khuyên nhủ được chồng tu chí làm ăn thì thật vô dụng.” Trái tim cô không có điểm tựa nên rơi vào khoảng trống chơi vơi, lạc lõng, cô không còn định dạng được chính mình và mọi thứ xung quanh.

Cô lao vào công việc, chia sẻ bớt với mẹ chồng những lo toan. Làm mệt rồi, tối ngủ ngon không còn suy nghĩ, buồn phiền. Nỗi nhớ biển, nhớ mẹ luôn theo cô vào giấc mơ như một khao khát thôi thúc nơi cô thuộc về. Thời gian cứ thế qua đi với nhiều thay đổi. Em trai cô đã có gia đình. Phụng dưỡng mẹ. Đó là điều làm cô lo lắng nhất, nhưng bây giờ đã yên lòng. Riêng cô, thôi thì đi bước nào hay bước nấy… Mẹ chồng cứ nhìn lom lom vào bụng cô nói xa nói gần, như sợ ánh mắt sắc lẻm của bà, đã đến lúc cô mang thai. Đây là điều khiến bà vui nhất từ ngày cô bước chân vào ngôi nhà lớn này. Cô cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Thái độ của bà với cô cũng thôi ra điều ban phát… Bằng lòng với hiện tại, vui với tương lai khi nghĩ đến đứa con sắp chào đời nay mai. Với cô làm tốt những điều nhỏ nhặt bình thường đã là phi thường lắm rồi, vì những điều bình thường đó là nền tảng cuộc sống. Mấy ai biết tiết chế bản thân để không làm tổn thương người khác.

Nhưng mọi chuyện cứ như từng cơn bảo với cấp số nhân. Mẹ cô qua đời sau một lần trở bệnh. Cô không còn mẹ để về thăm. Sự mất mát này làm cô hụt hẫng, đau xót. Em trai vì công việc làm ăn phải dời đi, ngôi nhà nhỏ ở xóm chài đóng cửa lặng lẽ với bài vị cha mẹ.

Thả bộ ra sau hè tìm chút gió mát, trời oi bức thật khó chịu, sắp tới ngày sinh, hai chân cô sưng húp. Nhà vườn rộng, có những nơi cô chưa từng đặt chân đến. Một lối đi lát gạch giữa hai hàng cây cảnh bị bỏ hoang, lâu ngày không ai chăm, xơ xác. Cuối con đường, ngôi nhà nhỏ tĩnh mịch nằm khuất giữa những cây ăn trái lâu năm trông thật huyền bí. Nhìn từ xa, ngôi nhà rất đẹp, giàn hoa giấy màu tím tràn qua mái hiên rũ xuống lưng chừng, đong đưa theo gió gọi mời. Ráng chiều lẫn khuất dưới tầng mây xám, không khí loãng ra mát mẻ, âm thanh va vào nhau của đám lá xạc xào khấy động sự tĩnh lặng chung quanh. Cô không cầm được tò mò… chỉ còn vài bước là đến ngôi nhà, chân cô khựng lại, tiếng ru con khe khẻ phát ra từ ngôi nhà làm cô lạnh người. Tiếng ầu…ơ… nức nở làm cô nhớ đến tin đồn ma quái trong khu vườn từ những người làm. Quay người bước vội không để ý, cô va vào một ai đó, hai chân cô muốn đứng ko vững, định thần nhìn kỹ, thì ra đó là bà vú già đã ở cùng gia đình mấy chục năm. Cô lắp bắp không thành lời: “Vú… con…nghe…” “Con nghe tiếng ru con phải không?” Cô gật đầu, tay níu chặt Vú run rẩy. “Sao con ra đây, bà chủ biết được sẽ giận cho xem.” Thường ngày cô kính vú như mẹ, ngược lại vú dành cho cô nhiều tình thương. Nắm tay cô đi nhanh ra khỏi khu vườn, vú lên tiếng: “Cũng may hôm nay bà chủ không ở nhà.” Rồi bà kể cho cô nghe về người đàn bà và tiếng ru phát ra từ ngôi nhà đẹp. Câu chuyện mãi ám ảnh cô, cô thấy sợ mẹ chồng, cô hiểu hơn về chồng mình. Ý nghĩ muốn rời đi cứ thôi thúc, cô sợ mình rơi vào cảnh ngộ người đàn bà trong câu chuyện.

Cô đã mẹ tròn con vuông với tiếng khóc trẻ thơ đánh tan mọi lo sợ. cô thấy mình như được tiếp sức để có thể đối mặt với tất cả… Mẹ chồng không vui khi biết cô sanh con gái, bà buông tiếng thở dài rồi bỏ về. Chồng cô ngồi bên cạnh vuốt ve đứa bé trong sự tỉnh táo. Lần đầu tiên cô thấy gương mặt đó sáng lên, phảng phất nụ cười, và đôi mắt rưng rưng. Giọt nước mắt đó mừng đứa con mới chào đời hay là thương tiếc đứa con đã mất với người vợ trước. Anh chưa một lần nhắc đến, cô chỉ biết qua câu chuyện của bà Vú.

Thời gian thấm thoát qua mau. Con cô ngoan ăn chóng lớn. Bé đã được ba tuổi, đó là đốm lửa ấm áp cho ngôi nhà vốn lạnh lẽo. Mẹ chồng hối cô sanh cho được con trai, đừng để bà mất công kiếm con dâu mới. Công việc ngày càng nhiều, bé Hoa chạy theo chân mẹ, vì cô không an tâm khi không nhìn thấy con trong tầm mắt.

Chồng cô đã ra đi, nói là đi làm ăn. Không đợi sự cho phép của mẹ.

Mấy hôm nay không thấy bà Vú, cô đi loanh quanh tìm xem bà có khỏe không? Chợt thấy từ nhà dưới bà đi ra vườn, cô lật đật theo sau gọi: “Vú!” bà giật mình quay lại, vừa lúc cô tới kịp. “Vú đi đâu vậy?” bà ko nói, vội kéo tay cô đi nhanh, vừa đi vừa nấc trong ngẹn ngào: “Chết rồi!” “Ai chết?” “Cô ấy!” “Người đàn bà trong ngôi nhà đẹp sao?” Cô lặng người run rẫy… nỗi sợ hải chạy dọc sống lưng khiến cô bàng hoàng, thẫn thờ nhìn bà Vú rũ xuống như tàu lá, đó là con gái Vú, lý do Vú ở lại ngôi nhà này. Bây giờ thì cô đã hiểu tại sao chồng cô đi xa?

Không gian cuối chiều tràn ngập đau đớn. Cuối vườn là ngôi mộ vừa mới đắp, những nắm đất còn mới trôi tuột tự do, là sự giải thoát cho người nằm bên dưới, cũng là xiềng xích trói Vú ở lại đến cuối đời với những chiều nhang khói cho con.

Cảnh sự sống và cái chết cứ cuốn vào nhau, đâu là tội ác? Một cơn đau thoáng qua làm tim cô nhói buốt. Con! Cô chạy vội vô nhà, không thấy bé Hoa đâu, hai chân cô cuống quýt. Con! Con đâu rồi? mẹ chồng cô đang ngồi xem tivi ở phòng khách, cô ào tới như một cơn lốc. “Mẹ, bé Hoa đâu?” bà liếc ngang: “Tôi giữ con cho cô à!” Bé Hoa chơi với bà nội, cô yên tâm nên đi kiếm Vú. Cô chạy vội ra cổng, khoảng sân như dài ra. Mọi ngày giờ này cô thường dẫn con đi dạo, từ xa cô thấy bé Hoa đi ra ngỏ, cũng vừa lúc âm thanh thắng lết bánh kéo trên mặt đường khô khốc. Hình ảnh bé Hoa như một xác pháo trong chiếc áo đầm đỏ tung lên, rơi xuống và nằm bất động. trong một thoáng sững sờ, cô chạy đến ôm con vào lòng, chỉ kịp nghe con gọi “mẹ ơi” rồi tắt lịm. Mọi người vây quanh, tiếng mẹ chồng cô khàn đục, lùng bùng. Cô không biết khoảnh khắc đó đã dừng lại bao lâu, chỉ biết đứa con bé bỏng của cô với đôi cánh thiên thần đã bỏ lại cô một mình. Tiếng ầu… ơ… ru con phát ra từ ngôi nhà đẹp vang lên trong đầu cô rõ mồm một. Cái đầu lãng đãng trong phút chốc cảm nhận sâu sắc: “Với một người mẹ, con cái là tất cả!” Trái tim cô tan nát, mọi việc chung quanh trở nên mơ hồ…

Cô tỉnh lại. Người đầu tiên cô thấy là bà Vú. Trong phút chốc cô nhớ lại tất cả, cô gào khóc tìm con, bà Vú đưa tay bụm miệng cô lại, thì thầm: “Nếu cô còn la hét, bà chủ sẽ nhốt ra sau ngôi nhà đẹp ấy.” Sợ hải cô ngồi dúm vào góc phòng tối không buồn ăn uống. Bà Vú đem đến chiếc áo choàng của bé Hoa cho cô đỡ nhớ con. Từ đó cô không ra ngoài, cô sợ mẹ chồng, sợ ngôi nhà đẹp cuối vườn.

Đến một ngày. Cô nghe tiếng con cười, con gọi mẹ ở đâu đó, cô phải đi tìm bé Hoa.


…Tôi ôm lấy đôi vai gầy rưng rức khóc, vỗ vỗ vào lưng an ủi “ Uh. Bé Hoa đang chơi đâu đó, từ từ sẽ tìm thấy!” “Em nín đi, đừng khóc nữa nhé!” “Ngủ đi nào!” Không biết tôi đã ngồi bao lâu bên cạnh cô ấy. Từng cơn gió the thắt đẫm sương đêm khiến tôi thấm lạnh. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy vụt qua vội vàng. Cô ấy nằm co trong góc khuất với tấm chăn mỏng trùm kín đầu. Hơi thở đều như đang ngủ say, không biết sáng mai thức dậy có thấy khá hơn?

Tôi chợt suy nghĩ về cuộc đời và sự tình cờ, cuộc đời đã bỏ cô ấy lại phía sau, cũng như cô ấy lãng quên chính mình. Biết được mấy người còn tỉnh táo sau nghịch cảnh… cuộc đời vẫn tiến về phía trước một cách vô tình. Cô ấy vẫn hiện hữu bên cạnh chúng ta trong cái không bình thường thật tình cờ. Nhưng ở con người không bình thường đó vẫn khao khát yêu thương và cảm nhận được yêu thương giữa đời thường.

Nắng, gió! lang thang nơi đâu, xin đưa đường Áo Hoa về với biển, về làng chài có bài vị cha mẹ đang chờ trong ngôi nhà nhỏ thân thương.

Sài Gòn 20/12/20




VVM.14.10.2023.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .