Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


THỦ ĐÔ MIỀN NAM


 

H ồi tháng 7, tôi đi Nam Cali, gặp mặt đồng hương "Quảng Trị tui". Bạn bè còn lại chẳng bao nhiêu, qua đời cũng nhiều, số còn lại "nay ốm mai đau", không dám đi xa. Tôi nói đùa với các bạn: "Tới khi "moi" chết, chẳng có ai đưa đám. Tuổi nầy - tuổi của tôi -, đi chuyến tàu vét, các "toi" chết hết rồi, còn ai nữa đâu."

Có anh bạn hỏi: "Anh có tính về quê chuyến chót không?" "Không", tôi trả lời. "Quê hương là chùm khế ngọt, nhưng tôi thấy tôi chua "thảm" lắm "ông" ơi. Hồi năm 2020, tui về Quảng Trị, đứng ngay trước nhà mình mà không dám vô. Nhà cũ, nhà hồi còn trẻ ở với mạ và anh chị em, thành bình địa năm 1972. Cái "Miếu đôi" bên cạnh nhà tui, theo thánh thần, dọn cả "đoàn trường" mà lên trời, chẳng còn dấu tích gì cả. Nay người ta làm nhà trên chỗ cũ của thần miếu làng Cổ Thành - Miếu nầy của làng Cổ Thành -. Hồi xưa, làng cúng tế hằng năm. Cái hồ cá sau lưng nhà tôi, nay mất dấu. Còn chỗ đất nhà tôi, một ông cán bộ Việt Cộng nào đó, xây lên một ngôi nhà hai tầng lầu, đẹp hơn nhà tôi hồi xưa nhiều.

Tôi đứng bên kia đường nhìn vô nhà mình, nhớ cảnh sinh hoạt gia đình ngày cũ, muốn chảy nước mắt. Tôi muốn vô nhà đó, không phải tìm lại nhà tôi, chỉ cần tìm một cục đất nơi nhà mình xưa mà thôi, mà không dám. Sợ ông cán bộ chủ nhà, tưởng mình về đòi nhà, đòi đất, kêu Công An thì bỏ mẹ. Tui ngậm ngùi đi ra phía bờ sông Thạch Hãn, muốn úp mặt xuống sông mà khóc, mà cũng không khóc được.

Quê hương tui, đã không ngọt mà sao chua lắm vậy!"

Người bạn nói: "Bên kia sông là..."

Tôi cướp lời: "Bên kia sông là làng Nhan Biều, làng ngoại tui. Xa chút nữa là "Truông Ái Tử", Thủ Đô đầu tiên của miền Nam."

-"Thủ Đô đầu tiên"? Anh phải giải thích cái nầy đấy. Tui cũng là dân Quảng Trị như anh, chưa từng có ý nghĩ nầy. Saigon là "Thủ Đô cuối cùng", có phải không?

Đúng! Tháng Tư: tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng tá..., người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn... bỏ Saigon mà "bay" như ong vỡ tổ, để "Thủ Đô miền Nam" đứng lại một mình, "ngơ ngác" trông theo...


Năm 1558 Nguyễn Hoàng được anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Thuận, còn lại trong "Chợ Thuận", một nơi "đô hội" của miền Nam ngày xưa, tuổi "thượng thọ" 400 năm. Nay chỉ còn là chợ xã của mấy làng chung quanh như Đại Hào, Vân Hòa, Bố Liêu, Phú Liêu, Phúc Lộc... Còn Hóa? Nói trại là Huế, như phong tục "kỵ húy" của người xưa?

"Đất của Nguyễn Hoàng hồi đó, chưa quá Thạch Bi Sơn - Núi Đá Bia - trên đèo Cả. Năm 1470, Lê Thánh Tôn đem quân vào đánh Chiêm Thành, lấy tới đất Phú Yên của người Chiêm, rồi chia phần đất còn lại: Ninh Thuận, Bình Thuận thành ba nước nhỏ: Chiêm Thành, Hóa Anh và Nam Phan, đặt ba ông vua lên ba cái ngai vàng ở đấy. Lê Thánh Tông chọn ba ông vua nầy, ưa đánh nhau hơn là chống Đại Việt, nên vua Lê "trị nước được yên". Ai bảo người Việt Nam không "độc"?

- "Chức của Nguyễn Hoàng là "trấn thủ" mà anh. Phải không?"

- Trấn thủ là một chức quan to của triều đình sai đi trông coi, trấn giữ một địa phương xung yếu. Trịnh Kiểm cũng như Nguyễn Hoàng đều dùng nó như một cách chơi chữ. Kiểm thì muốn cho Nguyễn Hoàng đi xa cho khuất mắt, biết đâu vì mối thù Nguyễn Uông, mà Hoàng sẽ giết Trịnh Kiểm, vừa trả thù cho anh, vừa giành lại quyền bính mà Kiểm cướp từ tay Nguyễn Kim. Trịnh Kiểm dẫu biết hay chưa biết rõ ý đồ sâu xa của Nguyễn Hoàng: muốn dựng nghiệp lâu dài ở phương Nam, nhưng trong tình hình hiện tại, cho Hoàng đi xa, Kiểm thấy yên tâm hơn, tránh được việc đã giết anh, còn giết luôn cả người em thì người đời sẽ chê Kiểm là người tàn nhẫn.

- "Còn Nguyễn Hoàmg thì nghĩ gì?"

- "Nguyễn Hoàng sợ chết: Một ngày kia, để khỏi lo, để trừ hậu hoạn, Trịnh Kiểm sẽ giết luôn Nguyễn Hoàng thì sao. Vả lại, Nguyễn Hoàng bị ám ảnh bởi câu nói của Trạng Trình: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Hoành Sơn là đèo Ngang, nằm giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Vào phía trong đèo Ngang mà lập nghiệp, sẽ được dung thân vạn đại. Cái "vạn đại" vẽ ra cho Nguyễn Hoàng ý tưởng tạo dựng một vùng đất, một "đất nước" mà ông ta sẽ dựng nghiệp lớn, ít nhất là "nghiệp chúa", ngang với Trịnh Kiểm. Còn như dựng một nước, một quốc gia ở phương Nam, để làm vua, có lẽ Nguyễn Hoàng chưa nghĩ xa đến vậy. "Lòng người còn nhớ nhà Lê", "mười năm bình định giặc Minh", vẫn còn đó, sâu đậm trong lòng người Đại Việt. \

Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng mang trong lòng ý chí dựng nghiệp, dù không dài vạn đại như câu chỉ đường của Trạng Trình, thì cũng được yên thân là trước hết. Với lại, đất phương Nam là đất người Việt cướp được của Chàm, còn bỏ hoang nhiều: Đất Quảng Bình Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính, do Chế Cũ dâng mà chạy tội đánh phá Đại Việt; đất Trị, Thiên hai châu Ô và Rí "sính lễ" Chế Mân xin cưới Huyền Trân; đất Nam, Ngãi, Bình, Phú... do Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành mà cướp được. Tất cả vùng nầy "đất rộng người thưa".

Nguyễn Hoàng chỉ thiếu "sức dân" để khai khẩn đất ruộng, còn như quan với lính, bà con nội ngoại xa gần Nguyễn Hoàng quén hết đoàn trường mang theo. Hành động như thế, không phải là một đi không trở lại hay sao? Đâu còn có ngày hẹn về cố hương.

Vào đến truông Ái Tử - là một truông cát, cây cối khô cằn, không có sông suối gì cả. Dân chúng địa phương nghĩ rằng quan quân cần nước uống, bèn "đem 7 chum nước ra dâng". Cậu Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ư Kỷ, - có sách gọi là Ư Dị, Ư Dĩ -, đi theo làm quân sư, bèn nói: "Nay mới đến trấn, mà dân đem nước ra dâng, nước đó là nước vậy." Nước là nước uống mà cũng có nghĩa đất nước, là quốc gia, là con đường Nguyễn Hoàng đang mang hy vọng gì chăng?

Cảm vì tấm lòng của người dân ở đây, Nguyễn Hoàng bèn đóng đô ở Ái Tử.

Trên danh nghĩa, Nguyễn Hoàng là quan trấn thủ, trên thực tế, ông là "chúa phương Nam". Ái Tử là "Thủ Đô đầu tiên" của phương Nam.

Khi vào Nam, Nguyễn Hoàng đem hết gia đình, bà con, thân thuộc, tướng tá, binh lính... nên chi khi đóng đô ở Ái Tử, ông phải tính kế lâu dài.

Đó là kế gì?

Phòng thủ, nuôi binh là một. Hai là "dinh điền", nói theo cách đời nay là "phát triển kinh tế". - Sau 1975, tưởng ngon, Võ Nguyên Giáp đưa ra chủ trương "Quân đội làm nhiệm vụ kinh tế". Ai ngờ, - Giáp không thấy trước, không tiên liệu, tiên đoán được gì cả... - Bọn Khmer Đỏ tuân theo lệnh Tàu Cộng, "đánh phá biên giới phía Tây" nên kế hoạch to lớn, vĩ đại của đại tướng cho vô sọt rác: Quân đội chưa kịp cầm cày thì lại cầm súng ra chiến trường - Do việc nầy, ai khen đại tướng giỏi, còn tôi thì không, vì đại tướng tiên liệu trật lất. Thực ra, điều ông Giáp nói, nghe cho lạ tai, hấp dẫn, nổ: "Quân đội làm nhiệm vụ kinh tế" thì người xưa đã làm rồi. Ít ra, cũng từ đời Lê Lợi. Sau khi đuổi quân Minh về Tàu, hết giặc, binh lính còn lại làm gì? "Mười năm" đi chinh chiến, bây giờ đâu có thể để họ trở lại quê nhà. Ruộng đâu cho họ cày, cơm đâu cho họ ăn, nên nhà vua phải đặt quan "Dinh Điên Sứ", đưa lính đi dinh điền, phát hoang, vỡ đất làm ruộng, trồng trọt... Đó là chính sách "tiến vi quân, thối vi nông" của tổ tiên. Thời tổng thống Ngô Đình Diệm, lập ra các "dinh điền", "khu trù mật" cho dân Bắc Kỳ di cư, mà cũng để cho binh lính bị giải ngũ. Theo Hiệp Định Genève 1954, mỗi miền Nam, Bắc chỉ giữ tối đa là 150 ngàn quân.

Nguyễn Hoàng cũng không ngoài cái sách lược ngàn năm đó. Binh lính đi theo ông, ông chia làm mấy làng phòng giữ chung quanh, vừa làm ruộng, vừa "trừ bị", phòng có giặc hay thay phiên canh gác biên thùy. Các làng chung quanh Ái Tử gồm có: Tiền Kiên, Hậu Kiên, Hữu Kiên, Tả Kiên, và Trung Kiên. Nhà Lê Duẫn, con ông thợ Tiềm, thợ mộc, ở làng Hậu Kiên, nằm cuối Chợ Sãi - Chợ Sãi nằm trên đất làng Cổ Thành. Bên kia sông Thạch Hãn là làng Trung Kiên - làng nầy có nhiều người tu theo Phật, nổi tiếng thì có hòa thượng Đôn Hậu, hòa thượng Trí Thủ. Sau khi chúa Nguyễn dời đô khỏi Ái Tử, binh lính đi theo, có làng như Tiền Kiên, Hữu Kiên... tàn lụi dần, mất dấu, mất tên...

Nói về địa danh, khi "Nguyễn Hoàng đóng đô ở Ái Tử" khi nơi nầy chưa có cái tên đó. Bởi vì, khi Nguyễn Hoàng đóng đô rồi, cho lính đi đóng các nơi hiểm yếu, như phía Nam bờ sông Gianh, canh chừng họ Trịnh ở phía Bắc, hay ở Lao Bảo phía Lào, hay ở Đèo Cả, phía Nam, canh chừng người Chàm, mới có tình cảnh cha mẹ già ở lại, con đi "lính thú", ba năm mới về, chiều chiều mẹ ra ngồi bên cầu mà trông con, nên có câu ca dao:

"Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái tử..."

Ái Tử ở đâu?

Ái Tử, người địa phương thường gọi là "truông" Ái Tử. Quả thật đó là một cái truông, là vùng đất cao, khô cằn, thiếu nước, cây cối lên chưa quá đầu người, thường là những "bụi", như bụi sim (cây sim), cây muồng, tràm, lau, chổi... Trên mặt đất trống, đôi khi tôi gặp những "cây ăn thịt đông vật". Cái cây nhỏ, - như cây cải nhỏ nở ra mấy lá, màu tím, trắng. Tôi bắt một con kiến bỏ vào giữa lòng cây. Mấy cái lá khép lại, giữ con kiến vào trong lòng cây. Một lúc sau, tôi mở mấy cái lá ra. Con kiến đã chết. Nếu cứ để yên cái cây như vậy, hôm sau, các cành lá lại mở ra, con kiến chỉ còn lại cái xác khô. Nó đã bị cây ăn thịt, như cây ăn thịt người bên Châu Phi vậy.

Người ta cứ tưởng truông Ái Tử nằm giữa hai con sông Thạch Hãn và sông Đông Hà -, ̣ tên chữ là Hiếu Giang -, Thật ra nó hẹp hơn, năm giữa sông Lai Phước, một phụ lưu của Hiếu Giang. Từ Lai Phước ra Đông Hà, ở phía bắc, chỉ dài chừng hai cây số, qua một ngọn đồi thấp. Phía Nam Ái Tử là sông Ái Tử, cũng là một phụ lưu của sông Thạch Hãn. Giữa sông Ái Tử là sông Thạch Hãn, khoảng cách cũng chỉ chừng vài cây số, là làng Nhan Biều, quê ngoại của tôi. Phía Tây Ái Tử là một vùng đồi hoang, "chân" của dãy Trường Sơn. Phía Đông Ái Tử xưa là làng Trà Bát, chỗ hai sông Hiếu Giang và sông Thạch Hãn gặp nhau, trức khi đổ nước ra biển ở cửa Việt An, thường gọi tắt là "Cửa Việt".

Quốc lộ 1 chạy băng ngang qua truông Ái Tử, hơi chếch về phía Tây.

Trong Chiến Tranh Đông Dương lần thứ nhất, Ái Tử là con đường giao liên của "Việt Minh", giữa chiến khu Ba Lòng -, thượng nguồn sông Thạch Hãn với vùng đồng bằng phủ Triệu Phong. Làng Yên Mô, làng Bích Khê... là nơi người ta tập trung, chờ đêm tối thì vượt qua truông Ái Tử.

Trong Chiến Tranh Đông Dương lần thứ Hai, Ái Tử trở thành căn cứ quân sự Mỹ. Nhờ quân Mỹ đóng ở đây, một số đông người Quảng Trị buôn bán khá giả lên.

Có lẽ vì Ái Tử là vùng đất khô, không tiện cho sự sinh hoạt, nên Nguyễn Hoàng chỉ đóng đô ở đó chỉ có 12 năm. Năm 1570, Nguyễn Hoàng dời đô về làng Trà Bát, cách Ái Tử 2 cây số, về phía Đông. Về sau, Trà Bát mất tên, có tên mới là làng Trà Liên. Hiện nay, ở làng Trà Liên còn lăng mộ của ông Nguyễn Ư Kỷ, cậu của Nguyễn Hoàng -, qua đời ở đó.

- Anh nghĩ gì về ý kiến một số người nghĩ rằng Quảng Trị là vùng đất "Địa linh nhân kiệt"?

Điều nầy đâu phải "dị đoan". Khi Chúa Tiên vào Nam, người đi theo ông là ai? Là bà con, thân thuộc của chúa, là quan chức của chúa, là binh tướng của chúa. Thành phần nầy không ít là "tinh hoa" ở đất Thanh Nghệ...

Để phòng vệ phương Nam, Nguyễn Hoàng đặt ra nhiều phòng tuyến để bảo vệ ông. Sợ nhất là Chúa Trịnh ở đằng ngoài đem quân vào "hỏi tội", nên Chúa đặt nhiều phòng tuyến ngăn chận phía ngoài vào. Trong tình hình như thế, người ta thấy: Nam sông Gianh là phòng tuyến thứ nhất, nổi tiếng là một chiến lũy do Đào Duy Từ đề nghị với chúa Nguyễn, nên người ta gọi là "Lũy Thầy" ̣- Chúa Sãi gọi Đào Duy Từ bằng "Thầy" -. Sau đó là phòng tuyến thứ hai: Vĩnh Linh, nằm cuối "truông Nhà Hồ" - "Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang." Ca dao Huế - Sau đó mới là nơi chúa đóng đô. Chung quanh đô là dân chúng "theo chúa" vào Nam.

Hậu duệ các thành phần nầy, - các "tinh hoa" phía ngoài theo chúa vào Nam -, không thừa hưởng chút nào về cái tinh chất ưu việt của tiền nhân hay sao? Do đó, Quảng Trị có nhiều nhân kiệt cũng không có gì lạ cả.

Để làm ví dụ, tôi kể câu chuyện về người làng tôi: Khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, ông đem theo gia đình của một người đàn bà. Không phải vì người đàn bà nầy "sắc nước hương trời" mà vì bà có 4 người con trai đều giỏi nghề rèn. Chúa cần người rèn, để rèn cho Chúa vũ khí giáo mác gươm đao, mà cũng cần nông cụ làm ruộng phá rừng. Bốn anh em trai nầy về sau trở thành 4 chi phái Như, Văn, Đăng, Thế của họ Hoàng tôi. - Tên "chính thức" của tôi trong "sổ bộ làng" là Hoàng Thế Đức. Về sau, làng tôi có ông Trương Như Cương làm tới "phụ chính đại thần" và Quốc Trượng - bố vợ vua Khải Định. Con ông Cương là Trương Như Hy làm án sát - người làng gọi là Cụ Án Hy - bố vợ dược sĩ Nguyễn Cao Thăng. Ông nội tôi là "ông Ngự Trâm - Hoàng Thế Trâm - ngự y đời Thành Thái -

Năm 1600, - ̣ lúc nầy Nguyễn Hoàng chưa qua đời -, con Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên, thường gọi là Chúa Sãi, lên nối nghiệp cha. Chúa Sãi dời đô về làng Bác Vọng, tên chữ là xã Phúc Yên, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, hiện còn vài dấu tích.

Ở ngã ba sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định, có một ngôi chợ khá nổi tiếng là Chợ Sãi. Tôi không rõ cái tên Sãi (chợ) với Chúa Sãi có liên hệ gì với nhau không. Hồi còn đi học, hỏi vài anh bạn quê ở Cổ Thành - nơi lập chợ - như Cao Tiến Tăng, Quách Đình Thoại, Hồ Xuân Diện, mấy anh nầy cũng "bù trớt". Sách sử cũng không thấy nói tới. Điều thắc mắc nầy chắc là tôi "ôm xuống tuyền đài".

Đến năm 1636, Chúa Nguyễn Phúc Lan, tục gọi là Chúa Thượng, dời phủ từ Bác Vọng tới làng Kim Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Lại đến năm 1687, Chúa Nghĩa lại dời phủ Chúa đến làng Phú Xuân. Phú Xuân có núi Ngự Bình (tên chữ là Bằng Sơn). Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Phú Xuân trở thành Kinh Đô của nước Nam, từ năm 1802 đến khi Bảo Đại thoái vị 1945. Tính ra là 143 năm.

Sau khi Bảo Đại về nước làm Quốc Trưởng 1949 thì nhà vua đóng đô ở Đà Lạt, rồi qua Canne bên Pháp, không còn quan tâm tới câu sấm Trạng Trình "Hoành Sơn... vạn đại". Saigon là thủ đô của miền Nam, sau khi "ba kỳ thống nhất" năm 1949. Việt Cộng chiếm miền Nam 1975, thủ đô của nước Việt Nam Cộng Sản là Hà Nội.

Hiện giờ, một số người Việt hải ngoại, chỉ muốn "đánh đổ bạo quyền", chiếm lại miền Nam, về lại "Thủ Đô", dựng cờ VNCH tại Sài gòn, tái lập chế độ miền Nam với đầy đủ hoa lá cành như trước thời 1975.

Sai gòn là thủ đô không yên, thường bị xáo trộn từ thời Tây còn cai trị. Sau khi chiếm nước ta, dinh Toàn Quyền Đôn Pháp đóng tại Saigon, chưa được bao lâu thì Nhật đảo chính Pháp. "Ngày 9 tháng 3, đại sứ Nhật tại Đông Dương đến gặp toàn quyền Pháp Decoux tại Sài Gòn và đưa ra một tối hậu thư đòi Pháp phải đặt tất cả lực lượng quân sự, hải lục không quân và cảnh sát công an dưới sự chỉ huy của quân đội Nhật. Đồng thời tất cả hệ thống hành chánh và viên chức Pháp cũng phải đặt dưới sự chỉ huy của Nhật." (trích Lê Mạnh Hùng). Chính quyền Pháp ở Đông Dương đến đây coi như xong, chỉ còn làm tay sai của Nhật mà thôi. Tới tháng 8 cùng năm thì "Vệt Minh cướp chính quyền". Quốc Trưởng tuy có "hồi loan", nhưng chính quyền của ông vua từ chối ngai vàng cũng chỉ dài có 6 năm. Cái gọi là Đệ Nhất Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm dài có 9 năm, Đệ Nhị Cộng Hòa của "Ông Tám Mọi" cũng chỉ từ 1967 tới 1975.

Phong thủy Saigon không được yên. Có một ông "thầy phong thủy" nói với tôi, nếu dời thủ đô qua Thủ Thiêm thì tốt hơn, có núi Thị Vãi làm chẫm, (cái sọ người, cái gối kê) thế nước vững chắc hơn. Có sông Đồng Tranh, sông Saigon làm "tả phù, hữu bật", "tay long tay hổ", giống như Huế, có Ngự Bình che chắn mặt trước, có sông đào Hàng Bè làm Thanh Long, có sông đào Kim Long làm Bạch Hổ, triều đại nhà Nguyễn kéo dài gần 150 năm.

- Anh có nghĩ người Việt Nam hải ngoại thường nghĩ tới "Giải phóng miền Nam, lập lại các chế độ Cộng Hoà" cũ?

Đó là "trình độ" của họ thôi, tầm nhìn không ra khỏi "Saigon hoa lệ", mà trước 1975, chắc gì họ thuộc thành phần "ăn trên, ngồi trước". Đó cũng là tâm lý "phân ly dân tộc" người Việt Nam thường có. Thực dân cũng biết đó là cái tâm lý chung của nhiều người. Do đó, sau "Nam Kỳ khởi nghĩa" năm 1940, Thực dân Pháp xúi dân Nam bộ "đánh Bắc Kỳ", vì bọn Tây cho rằng sau khi Cộng Sản dời "trung ương" từ Hà Nội vào Saigon, gây nên "Nam Kỳ khởi nghĩa". Dân Saigon ra đường hỏi anh nào đó nói Tân Sơn "Nhấc" thì tha, còn anh nào nói Tân Sơn "Nhất" thì "đánh bỏ mẹ". Đây là câu chuyện do một ông cụ họ "Trần Thiện..." quê ở Bình Phước/ Long An, sui gia với mẹ tôi, kể cho tôi nghe trong một lần tôi đến thăm ông ở Saigon khoảng cuối các năm 1950.

Đó là "truyền thống dân tộc" Việt Nam.

- "Sao "toi" lại nói vậy?" Người bạn hỏi.

- Có gì đâu, bạn cứ nhìn vào lịch sử là thấy ngay. Lịch sử nhân loại cho thấy nhiều bộ lạc thống nhất bằng ý chí, ý muốn hay dùng vũ lực để hình thành một quốc gia. Nó tương tự như sự hình thành "quốc gia Phi Luật Tân". Khi đế quốc Tây Ban Nha xâm lăng quần đảo Phi, Phi thành là một nước là do thống nhất nhiều bộ lạc khác nhau. Tên gọi Phi Luật Tân được lấy theo tên vua Philip II (Las Islas Filipinas) sau khi Tây Ban Nha cai trị xứ nầy. Do việc Tây Ban Nha cai trị quần đảo Phi mà Phi trở thành một nước. Nước ta thì ngược lại. Sự hình thành nước Việt thì ngược lại, bằng việc chia tay "một mẹ trăm con". Trong Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim viết: "Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là dòng dõi Long Quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải."

Đó là cái gốc, là nền tảng của sự chia rẽ dân tộc Vệt Nam. Dưới thời kỳ Bắc thuộc thì không nói, nhưng hễ khi độc lập rồi thì nước chia làm 12 sứ quân. Đời nhà Mạc thì có "Nam triều, Bắc triều", đời Lê thì có "Trịnh Nguyễn phân tranh", "Đằng trong, đằng ngoài", thời Pháp thuộc lại chia ba: "Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ", từ 1954 lại chia đôi ở sông Bến Hải. "Thống nhất" năm 1975 thì thằng thắng cướp đoạt tài sản và cả sinh mạng thằng thua. "Quân viễn chinh" thì "ngồi mát ăn bát vàng", thằng thua khoai sắn cũng không có mà ăn. Không chừng bây giờ lại chi đôi mà ngóc đầu lên được cũng nên."

(xem tiếp "Chùa Phật Lồi" ở Ái Tử)




VVM.14.10.2023.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com