Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


GIỐNG MẸ



     T hương mồ côi mẹ khi chưa đầy bốn tuổi. Trí óc non nớt của nó không còn nhớ gì về mẹ, ngoài những mẩu chuyện chắp vá rời rạc mà bà ngoại và cha Thương thỉnh thoảng kể lại. Chỉ nghe thế thôi và nhìn vào chân dung phúc hậu của mẹ, đủ cho Thương tự hào về người mẹ nhân từ. Trái ngược hoàn toàn với dì Xoan.

Dì Xoan về nhà Thương ba năm nay là ba năm Thương thấy mình giống bé Nghi Xuân trong truyện Phạm Công Cúc Hoa quá. Chưa một lần dì Xoan dịu dàng với Thương, chỉ lạnh lùng, cay nghiệt… Mà Thương có “hư hỏng” gì đâu, nó biết thân biết phận lắm chứ. Nhất là mỗi khi cha không có nhà, Thương càng âm thầm lầm lũi như cái bóng vào ra, đến đi nhanh hay thở mạnh cũng dè chừng, cũng khép nép. Vắng cha, dì Xoan càng khắc nghiệt, dì hay mắng Thương “lấm la lấm lét như sắp… ăn trộm trứng gà”. Thương im lặng thì dì nhiếc “mặt mày chù ụ như… đưa đám!”. Ngay đến cái tên cũng bị dì chì chiết “gọi lên là thấy thảm thiết bi thương rồi!”. Thương muốn cãi tên nó hàm nghĩa “thắm thiết yêu thương” chứ đâu phải “thảm thiết bi thương”, nhưng không dám. Nó đã quen tính dì Xoan, dại dột cãi dì là ăn đòn ngay. Thậm chí, có lần dì còn ngược ngạo bảo: “Tao có chỉ con chó bảo đó là con mèo thì mày cũng phải gọi là con mèo. Cấm không được cãi!”  Thật quá đáng!

Muốn trừng phạt Thương, dì Xoan hay nghiến răng cong năm ngón tay lại, dùng những đầu đốt xương cứng nhất ký thật mạnh xuống đỉnh đầu nó cái nào cái nấy choáng váng, đau buốt tận tim, nhói xuyên vào óc. Không hiểu sao dì Xoan thích ký đầu Thương thế? Vì đấy là vị trí mà không một ai nhìn thấy vết tích hay chỉ do dì thuận tầm tay?

Còn lúc giận quá thì dì Xoan không ký nữa, mà đánh bằng bất cứ thứ gì gần nhất vớ được: khúc gỗ, cây chổi hay cái ghế nhựa… Thương bị đòn lần nào đích đáng lần đó, hàng tuần sau còn âm ỉ đau. Mà Thương thì làm dì Xoan giận thường xuyên. Nó còn nhỏ nên vụng về quá, làm gì cũng không vừa mắt dì. Lạ một điều: hễ nó càng cẩn thận rón rén thì lại càng dễ trượt tay gây đổ vỡ.

Từ khi có thêm dì Xoan, bà ngoại họa hoằn mới đến thăm với gói bánh bò do chính tay bà hấp, rất ngon. Bà chỉ ngồi chốc lát, đợi Thương ăn hết bánh, rồi về liền. Cha Thương đi theo công trình vắng nhà luôn. Có lần bà ngoại đã chép miệng bảo rằng, nếu không phải đi xa hoài như thế, chắc cha không cưới dì Xoan đâu. Thương bùi ngùi quá, thấy cha lại càng giống Phạm Công nguyên soái.


Từ ngày bé Diễm ra đời, Thương thêm việc để làm, để bị dì Xoan la mắng và ký đầu nhiều hơn. Do đó, Thương sinh ác cảm với em bé. Bé Diễm hay khóc, người nhỏ bằng con mèo mà tiếng to lắm, oang oác tối ngày! Mỗi khi nghe tiếng khóc, Thương giật mình thon thót biết dì Xoan sắp the thé gọi Thương để sai đổ bô, giặt khăn, thay phích nước hay một việc gì đó phục dịch em bé. Mặc kệ là buổi trưa Thương vừa bưng chén cơm định ăn hay ban đêm đang mê mệt ngủ.

Đổ bô là việc Thương “ghê” nhất. Đến dì Xoan còn ghê nữa đấy, nếu không, sao chẳng thấy dì đụng đến bao giờ, chỉ sai nó thôi? Thương phải mím môi, gồng hai tay cho vững, bước rón ra rón rén, chỉ sợ lỡ trượt chân hay run tay làm đổ bô xuống, vừa bị dì Xoan ký cho dăm cái tỉnh cả người vừa phải vất vả lau chùi sàn nhà dơ nữa. Những lúc ấy, Thương không thấy mình giống Nghi Xuân nữa, vì Nghi Xuân vẫn còn may mắn hơn: dì ghẻ Tào Thị không đẻ em bé nên Nghi Xuân không phải hàng ngày bưng bô đi đổ.

Sai Thương phục dịch suốt ngày nhưng dì Xoan lại chẳng bao giờ cho phép nó đến gần bé Diễm. Sợ Thương hậu đậu làm em ngã em đau, sợ người Thương bẩn làm em nhiễm khuẩn nên dì cấm tiệt. Dì rít lên cảnh cáo: “Mày mà mon men lại gần con bé, tao đánh cho què cẳng”.  Thương vừa buồn cười vừa ấm ức, càng thêm lý do để không ưa bé Diễm. Nó có cần lại gần làm gì đâu mà dì Xoan phải hăm he?

Nhưng đồng thời, cũng qua đó, Thương nhận ra một chi tiết hết sức quan trọng: bé Diễm là tất cả của dì Xoan! Nếu bé đau một thì nhất định dì đau mười. Dì cười hớn hở khi bé ăn ngon ngủ yên. Dì lo xanh mắt nếu bé bỏ bú, quấy khóc. Nhất là lần bé Diễm sốt cao rồi động kinh, dì sợ hãi rụng rời, bật khóc hu hu như trẻ nít.

Hiểu ra thế, trong đầu Thương đột nhiên nảy một ý xấu: làm bé Diễm đau để dì Xoan phải… khổ. Ý nghĩ tội lỗi ấy nung nấu, như thể có một con quỷ nấp ngay sau lưng không ngừng thúc hối Thương mau mau thực hiện. Làm bé Diễm đau! Hãy làm gì đó cho bé Diễm đau đi! Nhanh lên!


Thương nhè nhẹ mở hé cửa phòng dì Xoan, thò đầu quan sát. Đúng như nó nghĩ, lúc này dì Xoan đang tắm. Từ trong buồng tắm vọng ra tiếng vòi nước mở lớn, chảy ào ào.

Trên giường, bé Diễm nằm chơi một mình, đầu liên tục ngọ ngoạy, tay chân khuơ khoắng không ngừng nghỉ, chắc vừa được bú no nên có vẻ rất thoải mái.

Thương bước vào, rón rén lại gần giường. Hôm nay mới được nhìn kỹ bé Diễm, Thương ngạc nhiên thấy bé lớn nhanh quá, mũm mĩm, phổng phao. Da trắng lắm. Mắt rất đen. Môi thật đỏ. Ôi chao, bé Diễm dễ thương quá! Một đứa bé dễ thương thế sao lại là con dì Xoan? Là con của dì Xoan là hết cả dễ thương, là đủ… thấy ghét rồi.

Ngắm cặp đùi tròn lẳn như hai khúc giò lụa của bé Diễm, Thương không nén được tò mò, đưa ngón tay thử ấn nhẹ xuống một cái. Úi trời, sao mềm mại, trắng trẻo, thơm tho đến thế? Làm Thương nhớ ngay đến món bánh bò bà ngoại vẫn hấp đem cho nó ăn. Những cái bánh cũng thơm tho, cũng trắng trẻo, cũng mềm mại…

Nhìn đầu bé Diễm loe hoe tóc (tưởng như chỉ vài ngày nữa thì dúm tóc hiếm hoi ấy cũng rụng nốt, trơ ra thành… quả dừa khô!), Thương bỗng đưa tay sờ lên đầu mình để nhớ ngay những cái ký đích đáng dì Xoan vẫn giáng xuống. Nó lại tủi thân, rươm rướm mắt. Con quỷ sau lưng đang lên tiếng giục Thương mau mau nắm lấy túm tóc lơ thơ kia mà giật thật mạnh cho trọc lóc hết đi.

Nhưng bàn tay run rẩy của Thương chưa đến đầu bé Diễm đã giật phắt lại. Nó nghĩ chỉ nhổ vài sợi tóc thì nhẹ quá, phải là một vết thương gây đau sâu hơn, dai dẳng nhiều ngày hơn mới đáng. Nó nhìn quanh, láo liên tìm.

Phòng dì Xoan bừa bộn mớ chăn gối và quần áo. Trên mặt bàn có vài cái tách con con, bình sữa cũng be bé, bằng nhựa. Đồ vật gì dành cho bé Diễm cũng tí hon cả, ngộ nghĩnh và vui mắt. Chỉ cái phích nửa lít đựng nước nóng là lớn nhất thôi. Cái phích này nhất định sẽ làm bé Diễm rách thịt chảy máu, thậm chí nước nóng có thể đổ làm bỏng da… Thương rùng mình khi tưởng tượng thế, hoảng sợ nghĩ đến lúc bị bắt vào tù… “Không được làm thế”, nó nghĩ.

Chợt Thương thấy ở góc bàn còn một hộp tăm. Cây tăm có hai đầu rất nhọn, rất cứng, mấy lần Thương xỉa răng vô ý bị đâm chảy máu nướu, nhức nhối đến phát sốt. Vết thương từ đầu tăm nhỏ như đầu mũi kim, dì Xoan khó phát hiện. Nếu có, dì cũng tưởng một con muỗi hay cùng lắm là một con ong nào đó bay vào phòng đốt thôi. Dì không bao giờ nghi ngờ Thương là thủ phạm, vì sau khi đâm đầu tăm xuống đùi bé Diễm, nó đã nhanh chân chạy mất trước khi dì Xoan từ buồng tắm lao ra… Vết thương sẽ gây nhức nhối hành bé Diễm sốt cao, nhiễm trùng, ngày đêm quấy khóc và dì Xoan sẽ lo lắng mất ăn mất ngủ, hoảng loạn cuống cuồng đến bật khóc hu hu.

Chỉ tưởng tượng thôi Thương đã hả hê như nhìn tận mắt dì Xoan đang vật vã đau đớn rồi.

Nó hăm hở lại bàn rút một cây tăm, nắm chặt trong bàn tay rồi rón rén lại bên giường.

Bé Diễm đã bốn tháng tuổi nên biết nhận ra người. Bé toe toét cười, rất hớn hở ra cái điều nhìn thấy Thương, bé vui sướng lắm. Rồi bé phấn khích múa hai tay, quẫy đạp hai chân rối rít. Thương càng nhìn càng thấy ngồ ngộ, hay hay, thú vị quá.

Thương định chạm tay vào cái má phúng phính của bé Diễm xem thử nó mềm đến thế nào thì rất bất ngờ, bé đã túm được ngón tay Thương, kéo ngay vào miệng. Thương tưởng sắp bị cắn, nhưng không, bé đã mọc cái răng nào đâu mà cắn? Chắc bé chỉ muốn hôn thôi! Năm ngón nhỏ xíu xiu mà nắm rất chặt, Thương gỡ mãi mới rút tay về được. Bé Diễm mở tròn cặp mắt đen láy nhìn Thương như thể đang ngạc nhiên lắm, rồi lại toét miệng cười, môi cong ngược lên, ý chừng muốn hỏi: “Chị yêu, sao chị lại từ chối cái hôn đầu tiên em tặng chị?”

Thương đứng ngây ra, ngạc nhiên và bối rối. Nó thấy sao bé Diễm khác dì Xoan quá. Rất khác! Trái tim Thương mách bảo: rồi đây lớn lên, bé Diễm cũng luôn cười thật tươi với Thương, sẽ vẫn nắm chặt tay Thương, như vừa rồi. Thương tin bé Diễm không bao giờ và không thể nào giống mẹ của bé được: chưa lần nào dì Xoan cười với Thương, lại càng không có chuyện nắm tay Thương mà kéo lên môi. Bàn tay dì như gỗ như thép, ký xuống đầu Thương cái nào cái nấy đau đến tê người.

Thương rùng mình, cây tăm đang nắm khư khư trong lòng tay rơi xuống đất. Bây giờ Thương giữ nó làm gì nữa? Vì Thương chợt nghĩ ra: bé Diễm không giống mẹ của bé, nhưng nhất định Thương phải giống mẹ mình. Thương tin chắc người mẹ phúc hậu nhân từ của nó không bao giờ dùng đầu tăm nhọn đâm vào một ai hay một vật gì, ngay cả khi đó chỉ là miếng bánh bò trắng trẻo, mềm mại, thơm tho...




VVM.10.10.2023-NVA030218.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .